Tổng hợp

Chỉ huy trận đánh La Ngà là ai?

Chỉ huy trận đánh La Ngà là ai?

Câu hỏi: Chỉ huy trận đánh La Ngà là ai?

Trả lời: Đồng chí Nguyễn Văn Lung, Chi đội phó trực tiếp chỉ huy tổ chức trận đánh.

Chỉ huy trận đánh La Ngà là ai?
Chỉ huy trận đánh La Ngà là ai?

Giải thích: 

Ngày 22 – 2 -1948, công tác lương thực đã chuẩn bị xong, các kho dự trữ đảm bảo cho 1.000 quân ăn trong 7 – 10 ngày. Trinh sát chi đội nắm chắc quy luật các đoàn xe địch thường di chuyển trên quốc lộ 20. Địa điểm phục kích được chọn từ cầu La Ngà đến Định Quán (cây số 104 đến 113). Đảng ủy, Ban chỉ huy chi đội 10 mở cuộc họp hạ quyết tâm và thông qua kế hoạch tác chiến gồm các điểm chính:

– Tiêu diệt gọn đoàn xe chở cán bộ quân sự địch đi dự hội nghị quân chính Đà Lạt vào đầu tháng 3 – 1948 trên quốc lộ 20.

– Phải thắng cả quân sự, chính trị, dân vận và địch vận. Do đó phải giáo dục bộ đội giữ nghiêm kỷ luật chiến trường, thực hiện tốt chính sách tù hàng binh và công tác dân vận.

– Phải bố trí lực lượng tốt ở căn cứ để chống càn vì sau trận đánh, địch thua đau sẽ trả đũa càn quét vào căn cứ kháng chiến, có kế hoạch bám sát địch, ngay từ đầu và đánh mạnh thị xã Biên Hòa, thị trấn Xuân Lộc… buộc địch phải bị động ứng phó.

– Tập trung đủ lực lượng (kể cả Liên quân 17 của khu đang huấn luyện ở chi đội 10) gồm 9 trung đội: Đại đội A 2 trung đội, Đại đội B 2 trung đội, Đại đội C 1 trung đội, Liên quân 17 có 3 trung đội, quốc vệ đội Xuân lộc 1 trung đội.

Tuyến phục kích kéo dài 9 km (cây số 104 đến 113) chia làm 3 trận địa: A – trận địa chặn đầu, C – trận địa khóa đuôi, B – trận địa ở giữa. Khi chưa nghe lệnh tấn công bằng mìn ở trận địa A, không được hành động mà phải tuyệt đối giữ bí mật để đoàn xe địch lọt hết vào trận địa phục kích. Không được bắn vào các xe ca đi trong đoàn để không gây thiệt hại cho hành khách.

Cách đánh là bí mật, bất ngờ, xung phong mãnh liệt, giải quyết nhanh trận địa, tích cực truy kích địch kết hợp kêu gọi đầu hàng.

Kế hoạch khắc phục máy bay địch lên phản kích gồm hai điểm:

– Trung đội 5 của đại đội B phối hợp cùng dân quân quận Châu Thành và Xuân Lộc chặt cây cho ngã ra đường, tổ chức bắn tỉa quấy rối địch đoạn từ Hố Nai lên Dầu Giây. Mục đích là làm đoàn xe địch phải chậm mất từ 2 – 3 giờ, buộc chúng vào trận địa khoảng 15 giờ trở đi vì giờ đó có nhiều sương mù, máy bay khó phát huy tác dụng. Mặc khác, hoạt động bắn tỉa, quấy rối… sẽ làm cho binh lính địch mệt mỏi, tinh thần căng thẳng, sức chiến đấu sẽ giảm.

– Đặt một tổ nghi binh ở phía đông đường 20 (ta phục kích ở phía tây). Khi có hiệu lệnh tấn công, tổ nghi binh sẽ đốt nhiều đốt nhiều đống lửa dưới các tán cây rừng rậm rạp nhằm thu hút máy bay địch lên chi viện.

Trận đánh La Ngà - Chiến công vang dội
Trận đánh La Ngà – Chiến công vang dội

Trong quá trình chuẩn bị trận đánh, Huỳnh Văn Nghệ được đề bạt làm Khu bộ phó khu 7, nhưng vẫn kiêm chi đội trưởng chi đội 10 Biên Hòa. Đồng chí Nguyễn Văn Lung – chi đội phó trực tiếp chỉ huy tổ chức trận đánh giao thông.

Ngày 26 tháng 2 năm 1948, đơn vị hành quân bí mật từ chiến khu Đ về trận địa tây quốc lộ 20 cách căn cứ 80 km. Ngày 29 tháng 2, toàn lực lượng chiếm lĩnh trận địa chiến đấu, Binh công xưởng chi đội bố trí địa lôi ở 3 trận địa A, B, C, bên trên ngụy trang bằng những đống phân voi. Tại sở chỉ huy, Ban chỉ huy nhận được điện của Khu bộ phó Huỳnh Văn Nghệ: Trận phục kích giao thông được mang tên Dương Văn Dương để kỷ niệm 2 năm ngày mất của ông – nguyên là Khu bộ phó Khu 7.

Trận đánh diễn ra đúng như kế hoạch của Ban chỉ huy chi đội. Lúc 15 giờ 2 phút, quả địa lôi ở mặt trận A nổ, chiếc xe bọc thép đi đầu bị phá hủy. Từ phía tây lộ 20, lực lượng ta xung phong ra đường tấn công địch quyết liệt, 15 giờ 27 phút, địa lôi trận địa C nổ, cả đoàn xe địch bị giam vào trong trận địa, chỉ còn lại hơn 10 chiếc hoảng sợ rút chạy ngược về hướng cầu La Ngà. Trên cả ba mặt trận, chi đội 10, liên quân 17 dũng mãnh xung phong. Địch Hòan toàn bất ngờ, chống trả yếu ớt.

Gần 1 tiếng đồng hồ, trận đánh kết thúc, ta phá hủy 59 xe quân sự của địch, diệt 150 binh lính hộ tống, 25 tên sĩ quan chỉ huy, hậu cần, tham mưu đi dự hội nghị quân chính, bắt sống trung úy Joeffrey chỉ huy đại đội hộ tống. Trong 25 sĩ quan chết có: Đại tá De sérigné chỉ huy bán lữ đoàn Lê Dương thứ 13, đại tá Paruit phó tham mưu trưởng thứ nhất quân đội Pháp ở Nam Đông Dương; thiếu tá chỉ huy phân khu quân sự Hóc Môn; đại úy Jean Couvreur trưởng phòng xe hơi.

Trong số 270 tù hàng binh và hành khách, có nhiều người và binh lính bị thương và người già, sức yếu, trẻ em sau khi được săn sóc, giải thích rõ chủ trương chính sách của Mặt trận Việt Minh, ta phóng thích tại chỗ. Số còn lại được đưa về căn cứ tập kết ở Suối Cát, gồm nhiều thành phần: trí thức, nữ tu, người buôn bán, hầu hết đều ở Sài Gòn. Tất cả được chia xẻ khẩu phần ăn đạm bạc của bộ đội. Trời mờ sáng, tất cả hành khách được hướng dẫn ra quốc lộ 20 để về Sài Gòn. Riêng Trung úy Joeffrey được điều trị vết thương gãy chân và trao trả sau này.

Toàn bộ lực lượng ta cấp tốc hành quân trở về chiến khu Đ, kịp thời phối hợp cùng các đơn vị tại chỗ tổ chức đánh địch bẽ gãy trận càn của 4.000 quân Pháp vào căn cứ.

Chiến thắng La Ngà là thắng lợi lớn diệt gọn đoàn xe quân sự địch, bắt sống tù binh, gây ảnh hưởng tốt, có tiếng vang trong nước và thế giới.

– Đây là trận đánh giao thông giành thắng lợi lớn về quân sự. Qua báo chí và lời kể của hành khách đi theo đoàn xe, nhân dân vùng tạm chiếm hiểu được chính nghĩa của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, không dễ dàng bị lừa bịp bởi các luận điệu tuyên truyền của thực dân và tay sai. Nhiều sĩ quan, binh lính Pháp trước tinh thần nhân đạo cách mạng của bộ đội, nhận thức được tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược mà họ bị bắt buộc tiến hành. Không ít người sau này thoát ly theo Việt Minh kháng chiến và chống chiến tranh xâm lược của Pháp. Sau chiến thắng La Ngà, nhiều thanh niên trong vùng tạm chiếm tình nguyện ra chiến khu, bà con vùng tạm chiến vận động nhau mua lương thực, thuốc men, chuyển ra ủng hộ kháng chiến.

Ngày 27 tháng 3 năm 1948, trong cuộc hội nghị quân sự toàn khu, Bộ tư lệnh khu 7 đánh giá: “đánh trận La Ngà, quân ta đạt yêu cầu đề ra, thắng cả về quân sự và chính trị. Thắng lợi về quân sự là lớn, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn. Bằng những hành động thực tế của mình trong chiến đấu, trong việc chấp hành đúng đắn các chính sách dân vận, địch ngụy vận của Đảng và Nhà nước, chiến sĩ La Ngà đã làm cho nhân dân tin tưởng, quý mến, kẻ địch khiếp sợ và khâm phục. Trận La Ngà chứng tỏ bộ đội khu 7 nói chung, bộ đội Biên Hòa nói riêng có bước trưởng thành về nhiều mặt”.

Bộ tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam gửi điện khen cán bộ, chiến sĩ chi đội 10, tặng thưởng đơn vị làm nên chiến thắng La Ngà Huân chương quân công hạng II.

********************

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Tổng hợp

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button