Giáo dục

Nêu cảm nghĩ về nhân vật Xi-mông trong truyện ngắn Bố của Xi-mông

Có thể muốn xem qua bài văn phân tích tác phẩm Bố của Xi-mông của Guy đơ Mô-pa-xăng để hiểu rõ hơn diễn biến câu chuyện cũng như nắm bắt tâm lý từng nhân vật qua đó làm bài phân tích cho từng nhân vật được dễ dàng hơn.

Đề bài

Em hãy nêu lên cảm nghĩ về nhân vật Xi-mông trong truyện ngắn Bố của Xi-mông của Guy đơ Mô-pa-xăng

Bạn đang xem: Nêu cảm nghĩ về nhân vật Xi-mông trong truyện ngắn Bố của Xi-mông

——–

Top 3 bài văn hay nêu lên cảm nghĩ về nhân vật Xi-mông trong truyện Bố của Xi-mông

Bài văn mẫu 1

Cảm nghĩ về nhân vật Xi-mông trong truyện ngắn cùng tên

Truyện ngắn Bố của Xi-mông của nhà văn Pháp Mô-pa-xăng đã khắc họa thành công tâm trạng của ba nhân vật chính trong truyện là Xi-mông, bác Phi-lip và chị Blăng-sốt, qua đó tác giả nhắc nhở chúng ta lòng yêu thương con người.
Nhà văn viết truyện ngắn theo trình tự sự việc, qua từng sự việc đó, các nhân vật thể hiện tâm trạng và tính cách của mình. Trong truyện ngắn, mỗi nhân vật có một hoàn cảnh khác nhau nhưng giữa họ có một điểm chung là tình cảm của họ dành cho nhau rất chân thành.

Xi-mông là em bé có hoàn cảnh éo le. Em không có bố, em lớn lên trong sự dạy dỗ của mẹ mà thiếu tình thương của bố. Đến khi đi học, ngày đầu tiên em đến trường đã bị sự chế giễu của bạn bè. Hoàn cảnh đó đã làm em tuyệt vọng và em quyết tìm đến cái chết. Tuy nhiên, cũng như bao đứa trẻ khác, em là người ham chơi đến nỗi quên mất ý định ban đầu của mình. Ra bờ sông để tự tử, thấy cảnh đẹp, thấy chú nhái xanh, em quên mất ý định tự tử của mình và vui với những trò hấp dẫn. Nhưng chợt nhớ lại ý nghĩa ban đầu, em buồn bã khóc, khóc hoài. Trong đầu em lúc đó không thể nghĩ ra điều gì, không thể nào nghĩ ra cách để em có bố. Gặp bác Phi­lip và bác hứa cho em một người bố, em như quên tất cả và vui vẻ theo bác về nhà như không có chuyện gì xảy ra trước đó. Tính cách trẻ con của Xi- mông được tác giả khắc họa rất thành công, nó vừa thể hiện được sự ngây thơ nhưng đồng thời cũng là cho thấy niềm khát khao có bố của em.

Nếu như trong truyện Những đứa trẻ, nhà văn Go-rơ-ki thể hiện lòng thương cảm đối với những em bé sống thiếu tình thương của mẹ thì trong truyện Bố của Xi-mông,Mô-pa-xăng lại thông cảm với số phận của những em bé sống thiếu tình thương và sự dạy dỗ của cha. Tình thương và lòng nhân ái luôn hiện hữu trong mỗi chi tiết truyện. Với tình thương của mình, không những bác Phi-lip làm cho Xi-mông từ bỏ cái ý định tự tử của mình mà còn mang lại cho em sự lạc quan, tin tưởng, tạo ra một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho em. Không những thế, sự hi sinh của bác còn tạo cho người mẹ vững tâm hơn trong cuộc sống. Tình thương đã làm thay đổi tất cả. Đó là giá trị cao cả của tác phẩm và cũng là thông điệp tác giả muốn gửi gắm cho người đọc.

Bài văn nêu lên cảm nghĩ về nhân vật Xi-mông thì chắc chắn bạn không thể bỏ qua được bài phân tích và cảm nhận về nhân vật Phi-lip của chúng tôi tại đây.

Bài văn mẫu 2

Bài văn nêu cảm nghĩ về nhân vật Xi-mông trong truyện Bố của Xi-mông

Truyện ngắn “Bố của Xi-mông” kể về nỗi tủi nhục của một em bé “không có bố” với bao tình yêu thương, chứa chan tinh thần nhân đạo.

Bé Xi-mông và mẹ em – chị Blang-sốt thật đáng thương; cuộc đời hai mẹ con để lại trọng lòng độc giả nhiều thương cảm.

Xi-mông là đứa con ngoài giá thú. Mẹ em là “một cô gái đẹp nhất vùng” đã bị lầm lỡ tình yêu… Hai mẹ con sống âm thầm trong một ngôi nhà nhỏ quét vôi trắng hết sức sạch sẽ. Người đàn bà này tên là Blăng-sốt “cao lớn, xanh xao” phải lao động cực nhọc để nuôi con trước cái nhìn ghẻ lạnh của người đời. Tuổi thơ của Xi-mông là những chuỗi ngày cô đơn trong ngôi nhà nhỏ, lạnh lẽo. Em thiếu tình thương và sự chăm sóc của bố.

Trường học cũng không phải là cái nôi hạnh phúc của em. Tám tuổi, em mới được đến trường. Lớp học là nơi hội tụ của những đứa trẻ thô lỗ, cục cằn; cái ác cái xấu sớm ngự trị trong tâm hồn chúng. Xi-mông đau khổ, cay đắng bị lũ trẻ dùng những lời “ác độc” nhất, những tiếng cười khả ố nhất, giễu cợt nhất đã dồn em đến chân tường. Xi-mông phải tự vệ và đã bị lũ trẻ “‘quỷ quái” hành hạ suốt ngày này qua ngày khác. Người đọc đã hơn một thế kỷ nay không khỏi buồn phiền xót xa khi nghĩ về em Xi-mông bị bạn học cùng lớp làm cho đau đớn tả thể xác lẫn tâm hồn.

Bị bọn trẻ xua đuổi, bị đánh tơi tả, bé Xi-mông đau khổ, bế tắc hoàn toàn. Em không thể sống trong tủi nhục vì “không có bố”. Dòng sông, nơi em sẽ đến tự tử có thể xoa dịu nỗi đau khổ và cô đơn của em? Một đứa bé 8 tuổi cảm thấy không thể sống trong nỗi đau khổ, nỗi nhục, phải nhảy xuống sông tự tử, thì bi kịch về thân phận con người đã lên đến cực điểm. Tình tiết này rất cảm động và điển hình cho nỗi gian khổ cô đơn của những em bé trên cõi đời vì một lí do nào đó mà “không có bố”.

Xi-mông với bãi cỏ xanh, với chú nhái cạnh dòng sông được miêu ta đầy chất thơ. Thiên nhiên rất đẹp. Trời ấm. Ánh nắng êm đềm sưởi nóng cỏ. Nước lấp lánh như gương. Bãi cỏ xanh như chiếc nôi xoa dịu nỗi đau khổ cô đơn của em. Xi-mông ngắm dòng sông, em rất thèm được nằm ngủ trên bãi cỏ dưới nắng ấm. Con nhái màu xanh “dương tròn con mắt có vành vàng” hình như đã níu giữ chân em trước tử thần? Xi-mông được sống hồn nhiên trước cảnh sắc thiên nhiên. Nhưng nỗi đau về thân phận quá lớn. Đây là hình ảnh Xi-mông: “Người em rung lên, em quỳ xuống em đọc kinh cầu nguyện như trước khi đi ngủ”. Em khóc nức nở. Em “chi khóc mà thôi”. Em chẳng nhìn thấy gì nữa. Em đi dần đến tuyệt vọng. Mô-pa-xăng đã miêu tả tâm lí bé Xi-mông với tất cả tình thương xót. Ông chỉ cho mọi người thấy rằng, dù thiên nhiên có đẹp đến đâu, ngoại cảnh có đẹp đến đâu con người vẫn bất hạnh, khó sống nổi trong cảnh ngộ cô đơn và thiếu tình thương, nhất là những đứa bé “không có bố”.

Một tình huống bất ngờ đã xảy đến. Chú thợ rèn “cao lớn, rau tóc đen quăn… nhân hậu” đã đến với Xi-mông. Chú đã “lau khô” đôi mắt đẫm lệ của em. Chú đã an ủi em với tình thương của một con người “có phép lạ”: Thôi nào, nguôi đi nào, cháu bé, rồi đi với chú về nhà mẹ. Người ta sẽ cho cháu… một ông bố”. Một câu nói giản dị sẽ xoa dịu nỗi cô đơn cho bé Xi-mông, và cả cho mẹ em là Blăng-sôì.

Cảnh bé Xi-mông bất ngờ gặp chú thợ rèn bên bờ sông là cảnh rất cảm động.

Em bé thơ ngây được sống, và người ta sẽ cho em “một ông bố”. Đọan đối thoại giữa chú thợ rèn và bé Xi-mông thấm đẫm tình cảm nhân đạo. Nước mắt khô dần trên má em; em đã được chú thợ rèn dắt tay trả về với mẹ.

Tính cách bé Xi-mông được khắc họạ đậm nét khi em gặp lại mẹ. Em hỏi chú thợ rèn: “Chú có muốn làm bố cháu không?”. Khi được chú thợ rèn nhấc bổng lên, hôn vào má em và nói: “Có chứ, chú có muốn” thì tâm hồn em “hoàn toàn khuây khỏa” và em đã khắc cái lên Phi-lip vào lòng, với niềm tự hào “có bố”. Câu nói của Xi-mông như một lời nguyền hẹn ước: “Chú Phi-líp, chú là bố cháu đấy nhé!”. Có bố đó là niềm hạnh phúc của mỗi em bé trên cõi đời. Có bố là có nơi nương tựa. “Con có cha như nhà có nóc” (Tục ngữ). Có bố tức là có quyền làm người. Có bố, tuổi thơ mới thực sự được sống hạnh phúc. Xi-mông đã hãnh diện tuyên bố với lũ bạn “như ném một hòn đá”:

“Bố tao ấy, bố tao là Phi-lip”.

Em đã có bố. Em cảm thấy mình đã lớn lên! Đó là niềm vui và hạnh phúc tuổi thơ!
Đọc truyện “Bố của Xi-mông”, ai mà không xúc động? Mô-pa-xăng đã từng nếm bao cay đắng về thân phận mồ côi từ độ lên mười, nên ông đã dành cho bé Xi- mông và chị Blăng-sốt bao cảm thông về tình thương san sẻ. Tình cảm nhân đạo dào dạt trang văn của ông. Cái hay của đoạn văn là ở bút pháp tinh tế lấy cảnh để tả tình, là ở nghệ thuật đối thoại, là ở tình huống chú thợ rèn gặp bé Xi-mông ở bờ sông, chú thợ rèn gặp chị Blăng-sốt.

“Không có bố thì đau khổ!”, “Có bố thì hạnh phúc”. Như một chân lý giản dị, giàu nhân bản. Bé Xi-mông thật đáng thương và đáng yêu !

Bài văn mẫu 3

Văn mẫu 9 nêu cảm nghĩ về nhân vật Xi-mông trong truyện ngắn cùng tên của Guy đơ Mô-pa-xăng

Bài viết theo trình tự sự việc, qua từng sự việc thể hiện tính cách, tâm trạng của từng nhân vật. Trong truyện ngắn, mỗi nhân vật có một hoàn cảnh khác nhau nhưng có một điểm chung là tình cảm họ dành cho nhau rất chân thành.

Xi-mông là một em bé có hoàn cảnh éo le. Em không có bố, em sinh ra và lớn lên trong sự nuôi dưỡng dạy dỗ của mẹ. Đến khi đi học, ngày đầu tiên đến trường em đã bị bạn bè chế giễu, rằng em không có bố. Em buồn bã, tuyệt vọng, tuy nhiên em là một đứa trẻ không biết cách tìm một người nào đó tâm sự mà lại có ý định ra sông để tìm đến cái chết. Ra bờ sông, em nhìn thấy cảnh đẹp, thấy chú nhái xanh, em liền lăn vào cảnh đẹp và vui chơi, các ý nghĩ ban đầu của em biến mất, như bao đứa trẻ, em không thể từ chối những trò chơi hấp dẫn. Nhưng chợt nhớ ra ý nghĩ ban đầu, em lại buồn bã và khóc, khóc hoài. Trong đầu em bây giờ không thể nghĩ ra cái gì, không thể nào nghĩ ra cách để em có bố. Em chỉ là một cậu bé bảy tuổi, tính cách rất trẻ con, chưa biết suy nghĩ nhiều. Gặp bác Phi- líp, được bác nói rằng: “Người ta sẽ cho cháu một ông bố”, Xi-mông liền vui và theo bác về nhà, vì em nghĩ rằng người ta có thể dễ dàng cho nhau một ông bố, chuyện đó rất đơn giản, về nhà, em khóc lóc với mẹ, rồi quay ra hỏi bác Phi-líp: “Bác có muốn làm bố của cháu không?”. Không thấy bác trả lời, em liền đưa cái chết ra dọa dẫm. Dường như, em vẫn chưa tin bác Phi-líp; muốn khẳng định lại việc bác vừa nói, thể hiện Xi-mông rất trẻ con, chưa hiểu được mọi việc, em rất muốn có bố để có thể hãnh diện cùng bạn bè. Dù vậy, ta vẫn nhận thấy lòng khát khao có bố của Xi- mông, em đã được mẹ chăm sóc, nhưng em vẫn cần sự dũng mành, tự tin, sự che chở của người bố.

Một người đàn ông giàu lòng nhân ái, đã nhận làm bố của Xi-mông, chính là bác Phi-líp. Bác đã gặp Xi-mông trong lúc em đang khóc, bác ân cần hỏi thăm, an ủi em, giúp cho em không buồn bã. Một người đàn ông biết quan tâm đến người khác, rất ân cần điềm đạm, đặc biệt là một người yêu trẻ. Biết hoàn cảnh của mẹ con chị Blăng-sốt, bác không những không từ chối, mà còn nhận làm bố Xi-mông.

Tình cảm của bác dành cho mẹ con chị Blăng-sốt là sự cảm thông trước nỗi hổ thẹn của chị. Bác cảm thấy thương cho Xi-mông, em còn quá nhỏ để đón nhận sự thật rằng em không có bố. Ta cảm nhận trong con người của bác Phi-líp là tấm lòng hào hiệp, hết sức nhân từ. Cảm động trước tình cảm của hai mẹ con bác muốn chia sẻ một phần nỗi đau, nỗi buồn mà hai mẹ con chị Blăng-sốt đã phải nhận. Với tấm lòng nhân ái, thương yêu con người của bác Phi-líp, bác thực sự là một người đàn ông có thể gửi gắm niềm tin.

Người phụ nữ đã sinh ra, nuôi dưỡng, dạy dỗ Xi-mông bao lâu nay là mẹ của em, chị Blăng-sốt. Chỉ vì một lầm lỡ, sinh ra Xi-mông không có bố, chị đã vất vả một mình nuôi nấng Xi-mông. Dành cho con tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ, chị không bao giờ muốn con trai mình phải buồn bã vì bất cứ chuyện gì. Và thực sự, Xi-mông chưa bao giờ buồn và thấy thiếu vắng trong gia đình bóng dáng của người bố. Có thể nói em đã nhận được tình yêu thương vô bờ bến của mẹ, mà không thấy vắng cha. Cho đến khi, con bị bạn bè chế giễu, buồn khóc với mẹ, chị ôm lấy con mà trong lòng đau xót tê tái, chị thấy hổ thẹn, đau đớn tột cùng, mà không thể nói thành tiếng. Nỗi đau chị đã phải chịu đựng hàng bao năm nay, tưởng chừng như có thể quên đi vĩnh viễn.

Nỗi đau khổ càng tăng lên càng cho ta thấy nhân cách của chị là một người phụ nữ đức hạnh, người mẹ rất đỗi yêu con đồng thời là một con người giàu lòng tự trọng. Một mình nuôi dưỡng con mà không có sự giúp đỡ của chồng, chị vẫn làm tốt trong vai trò của cả cha và mẹ. Ngôi nhà mà hai mẹ con chị đang sống là một ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng, hết sức sạch sẽ. Chỉ cần nhìn vẻ ngoài của ngôi nhà, ta vẫn nhận thấy trong gia đình có bàn tay của một người phụ nữ đảm đang, chị đã sắp xếp cho hai mẹ con một cuộc sống ngăn nắp. Tuy gia đình còn khó khăn, còn nghèo, nhưng luôn ấm áp, bởi nó được sưởi ấm bằng chính tình yêu thương của mẹ. Khi con dẫn một người lạ về nhà, lại nhận làm bố, chị cảm thấy hổ thẹn và lòng tự trọng của mình bị tổn thương. Điều này càng chứng tỏ nhân cách trong sáng của một người phụ nữ đức hạnh.

Thông qua truyện ngắn “Bố của Xi-mông”, tác giả muốn gửi đến người đọc một thông điệp: “Con người hãy sống với nhau bằng tình yêu thương, cảm thông chia sẻ, đừng bao giờ sống tàn nhẫn, cười cợt trên nỗi đau của người khác”. Người đọc cũng cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng, bền chặt không bao giờ thay đổi. Đó chính là bài học cho chúng ta hãy sống nhân ái, thương yêu, luôn giúp đỡ mọi người – một bài học triết lí sâu sắc đối với mỗi chúng ta.

Để có thể viết tốt được bài văn nêu cảm nghĩ về nhân vật Xi-mông thì bạn hoàn toàn không thể bỏ qua bài phân tích nhân vật Xi-mông vì qua bài phân tích nhân vật bạn mới nắm được diễn biến câu chuyện và tâm lý của nhận vật để viết bài.

———–

Trên đây là bài văn mẫu 9 nêu cảm nghĩ về nhân vật Xi-mông trong truyện ngắn Bố của Xi-mông. Hy vọng với những chia sẻ này sẽ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo, qua đó có thể viết được một bài văn cảm nhận hay và xúc tích. Chúc các em học tốt môn văn mẫu lớp 9.


Văn mẫu 9 nêu cảm nghĩ về nhân vật Xi-mông trong truyện ngắn cùng tên của Guy đơ Mô-pa-xăng, top 3 bài văn mẫu nêu cảm nghĩ về nhân vật bé Xi-mông…

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button