Tổng hợp

Quốc thiều là gì? Thông tin liên quan đến Quốc thiều

Quốc thiều là gì?

Theo quy định tại Mục III Hướng dẫn 3420/HD-BVHTTDL năm 2012 có quy định khái niệm Quốc thiều như sau:

Quốc thiều là nhạc của bài “Tiến quân ca” (Quốc ca).

Quốc thiều được sử dụng trong các buổi lễ thượng cờ, lễ đón các nguyên thủ quốc gia, các nghi lễ cấp Nhà nước.

Quốc Thiều Việt Nam
Quốc Thiều Việt Nam

Thông tin thêm về Quốc thiều

Quốc thiều là bản nhạc tổng phổ của Quốc ca (bài ca chính thức của một nước).

Cử quốc thiều nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại Điều 16 Thông tư 01/2010/TT-BNG hướng dẫn sử dụng biểu tượng quốc gia và nghi thức nhà nước tổ chức hoạt động đối ngoại tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao ban hành.

Quốc thiều Việt Nam thường được cử trong các cuộc mít tinh, chiêu đãi chào mừng Quốc khánh, ngày lễ lớn của Việt Nam hoặc kỷ niệm sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia hay tổ chức quốc tế tiếp nhận phù hợp với quy định, thông lệ lễ tân của quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

Trong hoạt động đối ngoại có cử Quốc thiều hai nước, Quốc thiều Việt Nam và Quốc thiều nước tiếp nhận được cử theo thứ tự phù hợp với quy định, thông lệ lễ tân tại nước tiếp nhận hoặc theo nguyên tắc tiền khách hậu chủ.

Về hát Quốc ca trong các hoạt động đối ngoại, ta chưa có quy định cụ thể, vì vậy cần căn cứ vào thực tiễn ở từng địa bàn.

Các Cơ quan đại diện có nhu cầu về mẫu Quốc huy, Quốc kỳ, Tổng phổ Quốc thiều có thể liên hệ với Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao.

Hiến pháp nước ta đã nói rõ:

1) Quốc hiệu (tên gọi chính thức của một quốc gia) của nước Việt Nam hiện nay là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”;

2) Quốc kỳ (cờ tượng trưng cho một quốc gia) của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh;

3) Quốc huy (huy hiệu tượng trưng cho một quốc gia) của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

4) Quốc ca (bài hát chính thức của một quốc gia) của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là bài Tiến quân ca (tác giả: Văn Cao).

2 từ “quốc ca” và “quốc thiều”, là 2 từ thuộc lĩnh vực âm nhạc, vốn được sử dụng trong những nghi thức trang trọng, liên quan tới mọi sự kiện trong phạm vi quốc gia (hoặc liên quan tới quốc gia ở nước ngoài).

Cả 2 từ này (quốc ca, quốc thiều) đều là từ Hán Việt 2 thành tố.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), Trung tâm Từ điển học – NXB Đà Nẵng, 2020) định nghĩa:

Quốc ca國歌d. bài hát chính thức của một quốc gia, dùng khi có lễ nghi trọng thể. (VD: Hát quốc ca trong lễ chào cờ; bài quốc ca hùng tráng, lớp ta tập hát quốc ca, v.v…).

Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 3) (NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2003, tr. 608) cũng nói rõ:

Quốc ca: Chính ca của một nước, biểu tượng bên cạnh quốc kỳ và quốc huy. Quốc ca thường có nhịp điệu hành khúc và sản sinh trong thời điểm đáng ghi nhớ nhất trong lịch sử của một nước.

Liên quan tới quốc ca, có từ quốc thiều (quốc: nước, thiều: một loại nhạc). Bởi khi cử hành các nghi thức, người ta có thể thay việc hát quốc ca bằng cử quốc thiều.

Từ điển tiếng Việt (đã dẫn) định nghĩa:

Quốc thiều國韶 d. nhạc của bài quốc ca. (VD: Cử quốc thiều khi đón nguyên thủ các nước đến thăm).

Liên quan tới từ này, Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 3) (đã dẫn, tr. 613) thì viết:

Quốc thiều: Nhạc của bài quốc ca (bài ca chính thức) của một nước. Thường được sử dụng để mở đầu các buổi nghi lễ của các cơ quan nhà nước; lễ kéo cờ ở các công sở, trường học; lễ đón nhận các nguyên thủ quốc gia nước khác đến thăm chính thức nước sở tại. Quốc thiều của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-1976) và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1976 đến nay) là nhạc của bài Quốc ca – bài Tiến quân ca, do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác.

Quy định về sử dụng Quốc ca, Quốc thiều trong hoạt động đối ngoại
Quy định về sử dụng Quốc ca, Quốc thiều trong hoạt động đối ngoại

Một số quốc thiều của Việt Nam

Quốc thiều đầu tiên được ghi nhận của Việt Nam là bài Đăng đàn cung, được sử dụng từ thời Gia Long đến suốt thời nhà Nguyễn. Hiện tại vẫn chưa rõ tác giả. Tuy nhiên, Đăng đàn cung chỉ tấu dụng riêng cho hoàng đế trong những dịp đặc biệt, vì vậy chỉ được xem là quốc thiều không chính thức. Mãi đến năm 1932, phần lời dành cho quốc thiều được hoàng thân Ưng Thiều soạn ra và Đăng đàn cung được sử dụng như một quốc ca không chính thức. Khi Đế quốc Việt Nam thành lập, Chính phủ Trần Trọng Kim vẫn tiếp tục sử dụng bài Đăng đàn cung làm quốc thiều và có ý định soạn lời mới để thành quốc ca chính thức nhưng chưa kịp thực hiện thì chính phủ đã sụp đổ. Ngày nay, bài Đăng đàn cung chỉ còn sử dụng như một bài diễn tấu âm nhạc truyền thống.Ngay khi vừa thành lập, chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chọn bài Tiến quân ca, do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, làm quốc ca. Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam kế tục vẫn tiếp tục sử dụng bài Tiến quân ca làm quốc ca. Do đó, phần nhạc được sử dụng làm quốc thiều từ năm 1945 cho đến tận ngày nay.

Năm 1948, chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam chọn phần nhạc của bài La Marche des Étudiants do Lưu Hữu Phước sáng tác, làm quốc thiều. Phần lời cũng dựa hầu như hoàn toàn phần lời Việt “Tiếng gọi thanh niên” do nhóm Hoàng Mai Lưu hợp soạn nhưng có sửa đổi đôi chút để thành quốc ca chính thức với tên gọi Tiếng gọi công dân. Chính thể Việt Nam Cộng hòa kế tục vẫn tiếp tục sử dụng bài Tiếng gọi công dân làm quốc ca cho đến khi sụp đổ vào năm 1975.

Năm 1965, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác ca khúc Giải phóng miền Nam và được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sử dụng làm nhạc hiệu. Năm 1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập, bài Giải phóng miền Nam được sử dụng làm quốc ca lâm thời cho đến khi Việt Nam thống nhất vào năm 1976.

********************

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Tổng hợp

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button