Tổng hợp

Naropa là ai? Câu chuyện về nhà học giả Naropa

Naropa là ai?

Naropa là một học giả Ấn Độ lừng danh – một tăng sĩ, một hành giả yogi vĩ đại, và một nhân vật kỳ bí, xuất hiện trong lịch sử vào thế kỷ thứ 11, đánh dấu sự mở đầu của một truyền thống tâm linh đặc sắc trong hệ thống triết học Phật giáo.

Ngài đản sinh trong hoàng tộc Bà la môn nhưng ngay từ thuở nhỏ đã bộc lộ xu hướng độc lập, đặc biệt, trong lĩnh vực học thuật nghiên cứu và thiền định. Thuận theo nguyện vọng của cha mẹ, Ngài bằng lòng cuộc hôn nhân sắp đặt với một thiếu nữ trẻ trung cũng thuộc đẳng cấp quý tộc Bà la môn. Sau 8 năm chung sống, cả hai đồng lòng gỡ bỏ hôn nhân và cùng theo đuổi đời sống xuất gia phạm hạnh.

Vào năm 28 tuổi, Đức Naropa tới tham học cả Kinh điển và Mật điển tại Đại học Nalanda – đại học Phật giáo lừng danh thời đó. Ngài trở thành một học giả trứ danh và một bậc biện tài vô ngại. Điều đáng nói trong truyền thống tranh biện thời đó là kẻ thua cuộc sẽ lập tức trở thành đệ tử của người chiến thắng. Sau cùng, Đức Naropa đã thành tựu danh hiệu vinh quang “Bậc trấn giữ Cổng thành phương Bắc” của Nalanda, Ngài tham gia nhiều cuộc tranh biện, chiến thắng và thu phục vô số đệ tử.

Naropa là ai?
Naropa là ai?

Tiểu sử và công hạnh của Đại thành tựu giả Naropa

Đức Naropa (1016-1100) là một trong số 84 Đại thành tựu giả người Ấn Độ từng được huyền ký bởi Đức Phật và được kính ngưỡng là hóa thân Quan Âm ứng hiện nhân gian. Ngài đã khai sáng truyền thống triết lý Phật giáo được hoằng truyền rộng khắp và có tầm ảnh hưởng đến tận ngày nay.

Cuộc đời của Đức Naropa là tấm gương sáng về ý chí quyết tâm, sự kiên trì, nhẫn nại và bền bỉ. Giáo pháp Sáu Yoga của Naropa được Ngài truyền giảng là một trong những giáo pháp trụ cột của truyền thống Phật giáo Kim Cương Thừa. Tiểu sử và công hạnh của Ngài được lưu truyền rộng rãi không chỉ trong cộng đồng Phật giáo mà còn phổ biến trong nhiều nền văn hóa dân tộc bản địa.

Ngài sinh ra trong một gia đình hoàng tộc ở Bengal, Bắc Ấn Độ. Cha của Ngài là Shantivarman, tộc trưởng của vùng và mẹ Ngài là Srimati. Ngay từ năm lên tám, niềm khao khát tìm cầu giáo pháp khai mở tâm linh của Ngài mạnh mẽ đến mức Ngài đã lên đường tới Kashmir (một trong những chiếc nôi tu học Phật pháp trong lịch sử) để theo học với Thượng sư Arya Akasha và thụ tam quy ngũ giới.

Đức Naropa lưu lại Kashmir trong ba năm để tu học giáo lý và triết học Phật pháp từ nhiều bậc thầy danh tiếng. Sau thời gian này, Ngài đã trở thành một học giả uyên thâm và khi trở về nhà, đã có nhiều đệ tử theo học và tôn kính Ngài là thượng sư.

Sau ba năm tham học trở về nhà, cha mẹ ép buộc Ngài phải cưới công chúa Bà la môn – nàng Vimaladipi (hay Niguma, theo tên gọi cao quý của dòng tộc). Tuy nhiên, cuộc sống gia đình chỉ kéo dài trong tám năm. Mặc dù họ sống hạnh phúc nhưng Đức Naropa luôn nhất tâm hướng tới việc dành trọn cuộc đời cho việc tu tập tâm linh và đã bày tỏ chí hướng của mình. Nàng Niguma cũng bắt đầu nghiêm túc thực hành Phật pháp và đồng ý không cản trở Ngài. Cuộc sống hôn nhân chấm dứt sau 8 năm và cả hai đều thụ giới xuất gia. Sau này, Niguma trở thành một trong số những đệ tử xuất sắc nhất của Đức Naropa và đồng hành cùng Ngài trên con đường tâm linh với tâm chí thành. Nàng phụng sự Đức Naropa trong thời gian Ngài lưu lại Pullahari, Kashmir.

Sau khi từ giã cuộc sống gia đình, Đức Naropa tới tu viện khổ hạnh của Ngài Anandarama, thụ giới Sa di với Hòa thượng Buddhasarana và Thượng sư Jnanaprabha và lưu lại đây trong ba năm, nghiên cứu tinh thông nhiều triết lý Đại thừa và Mật thừa. Trong 6 năm tiếp theo, Ngài an trú tại tự viện Pullahari để tiếp tục tu học và thụ nhận thêm các giáo pháp. Tại đây, Ngài trước tác một số luận giải về Tantra Bí mật tập hội (Guhyasamajatantra), Tantra A tỳ đạt ma Tối thượng (Abhidharma-uttaratantra), Tantra Hỷ Kim Cương Hevajratantra và Samvara – udbhava, cùng một số tác phẩm khác dựa trên giáo lý Phật pháp. Pullahari sau này trở thành một trong những nơi triều bái thánh địa quan trọng trong truyền thống Phật giáo Himalaya, bởi đây là một trong những nơi mà Đại dịch giả Thượng sư Marpa đã thụ nhận giáo huấn khai thị từ Đức Naropa.

Sau Pullahari, Đức Naropa đã tới đại học Nalanda. Tại đây với trí tuệ, tài hùng biện và hiểu biết tâm linh, Ngài đã được phong làm viện trưởng đại học Nalanda. Ngài cũng trở thành vị “Bảo Hộ Trấn Cửa Phương Bắc”. Trong suốt tám năm lưu lại Nalanda, Ngài thường phải đối mặt với những cuộc tranh biện khó phân thắng bại với Tirthikas, và Ngài luôn giành phần thắng trong tất cả những cuộc tranh biện đó. Vào thời gian này, ngài được tôn kính là Mahapandita Ahbaya Kirti (Tiếng Tạng là Jigme Dragpa).

Học viện Nalanda, Ấn Độ

Trong những năm tháng tại đại học Nalanda, Đức Naropa hầu hết dành tham dự vào những hoạt động tri thức, học vấn. Cho tới một lần, một bà già xấu xí – chính là Kim Cương Thánh Mẫu Vajra Yogini thị hiện đã tới khai thị cho Ngài. Ngài nhận ra rằng mình vẫn còn vô số hiểu biết sai lầm và tà kiến trên con đường tâm linh mà dù sở học và tri thức uyên thâm cũng không giúp gì cho Ngài. Bà lão khuyên Đức Naropa nên tìm cầu bậc Thượng sư tiền định của mình, Đức Tilopa, nếu Ngài mong thành tựu Giác ngộ Tuyệt Đối. Sau lần hạnh ngộ này, Naropa đã rời Nalanda, nhiệt thành tìm cầu Đức Tilopa, bậc Thượng sư vĩ đại có thể giúp Ngài chứng ngộ tự tính tâm chân thực.

Đại thành tựu giả Tilopa

Sau bao nhiêu thử thách cuộc hành trình hướng về hướng đông, cuối cùng Naropa đã hạnh ngộ được bậc Căn bản Thượng sư tiền định Tilopa. Đức Naropa đã phải vượt qua 12 thử thách lớn, 12 thử thách nhỏ để tịnh hóa ác nghiệp và những ám chướng. Nhờ nhận được năng lực gia trì vĩ đại từ Đức Tilopa và thành tựu sự tu tập tịnh hóa của bản thân, Đức Naropa đã chứng ngộ bản tâm quang minh tịch tĩnh, thể nhập cảnh giới Phật Kim Cương Trì Vajradhara. Sau khi thành tựu chứng ngộ siêu việt, Đức Naropa đã truyền dạy Phật Pháp cho vô số đệ tử ở rất nhiều nơi, đặc biệt tại vùng Kashmir và Zanskar, nơi Ngài kiến lập vô số tự viện.

Tự viện Sani, Ladakh – Ấn Độ

Sani cũng là một thánh địa linh thiêng, nơi đức Naropa, sau khi thành tựu giác ngộ tuyệt đối, đã thị hiện thần thông bay lên không trung và vận Sáu Sức Trang Hoàng Bằng Xương nổi tiếng. Trong nhiều năm, Đức Naropa thiền định trong một am thất nhỏ đối diện Bảo tháp Kanishka, và truyền dạy Phật Pháp cho người dân trong vùng. Tới lúc phải dời khỏi Sani, người dân địa phương đã thành tâm cung thỉnh Ngài an trụ tại đây.

Đức Naropa đã lấy ra bức tượng Phật Kim Cương Trì bằng vàng khỏi lọn tóc trên đỉnh đầu và nói rằng: “Ta và Phật Kim Cương trì vốn bất khả phân không sai biệt. Hãy tôn kính tôn tượng này như tôn kính ta, các con sẽ nhận được ân phúc gia trì như từ chính ta không khác”.

Đức Naropa rời đi sau khi trao pho tượng bằng vàng cho người dân địa phương. Ngày nay tôn tượng này vẫn còn được lưu giữ và yểm tâm trong một tôn tượng đặc biệt khác của Đức Naropa, được trưng bày mỗi năm một lần cuối tháng 7 vào đêm trước của đại pháp hội Naro-Nasjal. Toàn bộ người dân vùng Zanskar đều tham dự pháp hội. Vào khoảng thời gian pháp hội diễn ra, chư tăng từ tự viện Bardan cử hành những vũ điệu Kim Cương thừa cùng nhiều nghi lễ cúng dàng.

Đức Naropa đã dành trọn 12 năm phụng sự Thượng sư Tilopa tới tận khi Thượng sư viên tịch. Nhiều người cho rằng Đức Naropa đã trụ thế tới năm 1050 hoặc 1100 SCN (theo những nguồn tư liệu khác nhau) và sau đó Ngài đã thị tịch hóa quang ánh sáng cầu vồng không để lại nhục thân. Đức Tilopa và Đức Naropa đều được công nhận là hai trong số 84 đại thành tựu giả trong lịch sử Phật giáo.

Trong số những đệ tử thành tựu của Đức Naropa, Đại dịch giả Marpa kế tục Truyền thừa Naropa và đã đưa toàn bộ giáo pháp vào vùng Himalaya.

Tương truyền ngay khi thành tựu Giác ngộ, chư Dakani từ cõi Thiên đã bay tới cúng dàng Ngài Sáu Sức Trang hoàng. Đức Naropa đã hoằng truyền những giáo pháp thù thắng như Sáu Pháp Yoga của Naropa (bao gồm Milam – Yoga Mộng, Tummo – Yoga Nội hỏa, Bardo – Yoga Thân Trung Ấm, Gyulu – Yoga Thân Như Huyễn, Osel – Yoga Tịnh Quang, Phowa – Yoga Chuyển Di Tâm Thức). Ngày nay, các thực hành này vẫn được tôn kính là những giáo lý cốt tủy của Phật Pháp. Ngài cũng truyền dạy giáo pháp cho đệ tử ở khắp mọi miền và phô diễn vô số đại thần lực, dùng phương tiện thiện xảo cùng vô lượng vô biên công hạnh để lợi ích hữu tình. Đức Naropa được tôn vinh là Đấng Chiến Thắng Mười Phương, bậc Kim cương Thượng sư Đại Thành tựu giả lẫy lừng với tầm ảnh hưởng không chỉ trong Phật giáo Ấn Độ thế kỷ XI mà còn trải rộng khắp tới tất cả truyền thống Phật giáo Đại Thừa – Kim Cương Thừa về sau này. Các bậc đệ tử trì giữ Truyền thừa của Ngài – từ Đức Marpa, Milarepa, Gampopa và các đời tiếp theo đều là những hóa thân Quan Âm hiện thân của lòng từ bi, lợi ích chúng sinh.

Sáu sức Trang hoàng

Trong buổi đại lễ, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, an tọa trên bảo tòa tôn nghiêm, khoác lên mình Sáu sức Trang hoàng Naropa, trong tiếng trống và âm thanh trì tụng của nghi lễ truyền thống larna. Pháp bảo linh thiêng sau đó được triển lãm tại Đại bảo tháp Mandala Narophotang, với hàng dài vô tận du khách đến chiêm bái mỗi ngày.

Tương truyền rằng khi Đức Naropa thành tựu giác ngộ, chư Dakini đã dâng cúng Ngài Sáu sức Trang hoàng này. Ngày nay, đây được coi là một trong những Pháp bảo di sản tôn quý nhất của Phật giáo.

Rất nhiều người tin tưởng rằng Sáu sức Trang hoàng mang năng lực gia trì vô cùng linh thiêng bởi đó là sự thị hiện của chư Bản tôn. Bất cứ nơi nào Pháp bảo hiện diện, nơi đó đều được đón nhận năng lực gia trì thù thắng. Bất cứ ai chỉ nhờ chiêm ngưỡng Pháp bảo chắc chắn sẽ có được tái sinh an lành đời sau.

Hàng trăm ngàn người tham dự đại Pháp hội Naropa tại Ladakh
Hàng trăm ngàn người tham dự đại Pháp hội Naropa tại Ladakh

Câu chuyện về nhà học giả Naropa

Trong lúc đi theo Ngài Tilopa, đại học giả Naropa cũng phải trải qua vô vàn gian khó. Như chúng ta đã thấy trước đây, Naropa gặp Ngài Tilopa, lúc đó Ngài đang sống như một người hành khất, và Naropa xin Ngài Tilopa nhận mình làm đệ tử. Tilopa chấp nhận lời khẩn cầu này và đem Naropa theo bất cứ chỗ nào Ngài đi tới, nhưng chẳng bao giờ dạy cho đệ tử bất kỳ Giáo Pháp nào.

Một ngày kia, Tilopa đem Naropa lên đỉnh một ngọn tháp chín tầng và hỏi: “Có ai tuân lời Thầy mà nhảy xuống từ ngọn tháp này không?”

Naropa tự nghĩ, “Ở đây chẳng còn ai khác, vậy chắc Ngài muốn nói đến ta.” Ông bèn nhảy xuống từ tháp, thân đổ sầm xuống đất khiến ông cực kỳ đau đớn.

Tilopa đi xuống và hỏi, “Ngươi có đau không?”

“Không chỉ đau,” Naropa rên rỉ. “Con chẳng hơn gì một xác chết …” Nhưng Tilopa từ bi gia hộ cho ông, và thân ông lại hoàn toàn lành lặn. Sau đó Ngài Tilopa lại dẫn Naropa cùng đi trong chuyến du hành.

Một ngày nọ, Ngài Tilopa ra lệnh cho ông, “Naropa, hãy nhóm lửa lên!”

Khi lửa đã bốc cháy, Ngài Tilopa đã chuẩn bị nhiều mảnh tre dài, tẩm dầu và đưa vào lửa để làm cứng chắc.

“Nếu ngươi vẫn tiếp tục vâng lời Thầy, ngươi cũng phải trải qua những thử thách như thế này,” Ngài nói và thọc các mảnh tre vào dưới móng tay và chân của Naropa.

Mọi khớp xương của Naropa hoàn toàn co cứng và ông kinh nghiệm nỗi đau đớn và khổ sở không thể chịu đựng nổi. Rồi vị Đạo Sư bỏ đi. Vài ngày sau, khi Ngài trở lại, Ngài rút những mảnh tre ra, rất nhiều máu mủ tuôn ra từ những vết thương của Naropa. Một lần nữa, Ngài từ bi gia hộ và lại cùng ông lên đường.

Một ngày khác Ngài nói: “Naropa, ta đói. Hãy đi xin một ít thức ăn cho ta!”

Naropa đi đến một nơi rất đông nông dân đang bận rộn ăn uống, ông xin được món súp đựng đầy trong một bình bát làm bằng sọ người* và mang về cho Thầy. Tilopa ăn hết sức ngon lành và dường như Ngài rất hài lòng.

Naropa nghĩ, “Ta đã phụng dưỡng Ngài trong suốt một thời gian dài, chưa bao giờ ta thấy Thầy ta hạnh phúc như vậy. Nếu hỏi xin nữa thì có lẽ ta sẽ được thêm một ít.”

Cầm bình bát sọ người trong tay, ông lên đường đi khất thực lần nữa. Vào lúc này những người nông dân đã trở lại cánh đồng của họ, để lại món súp dư thừa ở chỗ cũ.

“Việc duy nhất làm được là lấy trộm món súp,” Naropa tự nghĩ, rồi lấy súp và bỏ chạy.

Nhưng những người nông dân thấy được. Họ túm bắt và đánh đập ông, bỏ mặc cho ông chết. Trong nhiều ngày, ông đau đớn tới nỗi không gượng dậy nổi. Một lần nữa vị Thầy lại đến, từ bi gia hộ và cùng ông lên đường như trước. * thod phor (Phạn: kapala). Một bình bát làm bằng sọ người. Đỉnh của một sọ người được các hành giả du già dùng làm bình bát. Bình bát này tượng trưng cho vô ngã.

Một ngày khác Ngài Tilopa lại nói: “Naropa, ta cần rất nhiều tiền, hãy lấy trộm về cho ta một ít.”

Naropa bèn đi ăn trộm tiền của một người giàu có, nhưng bị bắt tại trận. Ông bị túm lấy, bị đánh đập và lại bị bỏ mặc cho chết. Vài ngày sau Tilopa tới và hỏi ông: “Ngươi có đau không?” Khi nhận được câu trả lời như lần trước, Ngài Tilopa lại từ bi gia hộ cho Naropa, và lại cùng nhau lên đường.

Naropa đã phải trải qua mười hai thử thách chính và mười hai thử thách phụ như thế – đây là hai mươi bốn thử thách mà ông phải chịu đựng trong một đời. Cuối cùng họ cũng đi tới chỗ kết thúc.

Một hôm, Tilopa nói, “Naropa, hãy đi lấy ít nước. Ta sẽ ở đây nhóm lửa.”

Khi Naropa mang nước trở về, Tilopa nhảy ra từ đống lửa và dùng tay trái tóm lấy đầu Naropa.

“Đưa ta xem trán của ngươi,” Ngài ra lệnh.

Ngài lấy tay phải cởi dép ra và đánh vào trán của đệ tử. Naropa ngã ra bất tỉnh. Khi ông tỉnh dậy, tất cả những phẩm hạnh của trí tuệ bát nhã của vị Thầy đã phát khởi trong ông. Đạo Sư và đệ tử đã trở thành hợp nhất trong chứng ngộ.

Tóm lại, hai mươi bốn thử thách mà đại học giả Naropa phải trải qua chính là những giáo huấn của Thầy cho nên những thử thách này đã trở thành các phương tiện thiện xảo mà qua đó các chướng nghiệp của ông đã được đoạn diệt. Bởi những thử thách này hiện ra giống như là những kinh nghiệm gian khó hoàn toàn vô nghĩa lý, khiến cho không ai nghĩ rằng đó chính là Giáo Pháp. Quả thực là vị Thầy đã không hề thốt ra một lời giảng dạy nào và đệ tử cũng chẳng thực hành một giây phút nào, ngay cả một lễ lạy duy nhất cũng không có. Tuy nhiên, một khi Naropa đã gặp được một vị Thành Tựu Giả đắc đạo, ông đã tuân theo tất cả những huấn lệnh của Ngài bất chấp mọi khó khăn, và khi làm như thế thì ông đã hoàn tất việc tịnh hóa tất cả những chướng ngại của mình khiến kinh nghiệm chứng ngộ phát khởi trong ông.

Không có một thực hành Giáo Pháp nào lớn lao hơn việc tuân theo lời Thầy. Những lợi lạc của điều này thì vô lượng như chúng ta có thể thấy ở đây. Trái lại, nếu không tuân lời Ngài dù chỉ một chút thôi cũng là một lỗi lầm cực kỳ nghiêm trọng.

Có lần Tilopa cấm Naropa không được nhận trách nhiệm của một vị học giả trưởng lão trì giữ các “cánh cổng” (phân khoa) tại đại học viện Vikramasila.100 Nhưng ít lâu sau đó, khi Naropa đến Ma Kiệt Đa (Magadha), một trong những học giả giữ chức vụ đó đã chết. Vì không ai có khả năng tranh luận với những kẻ ngoại đạo nên tất cả các học giả van nài Naropa nhận nhiệm vụ bảo vệ cổng phía Bắc, và khăng khăng thúc bách cho đến khi ông chấp thuận. Tuy nhiên, khi một kẻ ngoại đạo xuất hiện để tranh luận, Naropa đã tranh luận trong nhiều ngày mà cuối cùng không thể đánh bại ông ta. Naropa cầu nguyện Thầy mình cho tới khi cuối cùng một ngày kia Tilopa thị hiện và nhìn Naropa bằng cái nhìn như muốn xuyên thủng ông.

“Ngài quá ít lòng từ bi – sao Ngài không tới sớm hơn?” Naropa than vãn.

“Không phải ta đã cấm ông nhận chức vụ trưởng lão trì giữ cổng viện hay sao?” Tilopa hỏi vặn lại.

“Tuy vậy, trong khi tranh luận, hãy quán tưởng ta ở trên đầu ông và kết ấn phẫn nộ (hàng phục) trước người ngoại đạo!”

Naropa làm theo lời Ngài, thắng thế trong cuộc tranh luận, và chấm dứt được tất cả luận cứ của những kẻ ngoại đạo.

********************

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Tổng hợp

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button