Tổng hợp

Mạc Cửu là ai? Tiểu sử của Mạc Cửu

Mạc Cửu là ai?

Mạc Cửu hay Mạc Kính Cửu (1655-1735) là thương gia người Hoa có công khai phá, hình thành vùng đất Hà Tiên (Kiên Giang) vào khoảng đầu thế kỷ 18.

Mạc Cửu là ai?
Mạc Cửu là ai?

Tiểu sử của Mạc Cửu

Mạc Cửu gốc ở xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) sống vào thời Đại Thanh, niên hiệu Khang Hy thứ 19 (1680). Không thần phục nhà Thanh, năm 1671, ông mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu với khoảng 400 người lên thuyền rời khỏi Phúc Kiến.

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, phái đoàn đổ bộ lên vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan. Biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng Chân Lạp, phái đoàn liền tìm đường đến Oudong xin tị nạn, nhưng lúc đó nội bộ Chân Lạp có loạn. Mạc Cửu gặp Nặc Ông Thu (Ang Sur, Jayajettha III) và ở lại hợp tác cho đến năm 1681.

Năm 1680, Mạc Cửu đã lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo Giang thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác.

Tiêu điểm trong chiến lược kinh tế của Mạc Cửu là đẩy mạnh thương mại, xây dựng thương cảng, thực thi chính sách thu thuế hàng hóa nhẹ. Hà Tiên từng là một trong những trung tâm thương mại nhộn nhịp ở khu vực lúc bấy giờ.

Khi Mạc Cửu qua đời, con trai ông, Mạc Thiên Tứ (1708-1780) nối nghiệp cha mở mang đất Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ, còn gọi là Mạc Thiên Tích được chúa Nguyễn Phúc Trú phong chức Tổng binh Đại đô đốc. Ông đã giúp chúa Nguyễn phòng giữ vùng Hà Tiên khỏi sự xâm lăng của Thái Lan, Chân Lạp và những nhóm cướp biển, mở mang kinh tế vùng này.

Tổ chức địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang từ thế kỷ 19 đến năm trước năm 1975 nhiều lần được chia tách, sáp nhập với các địa danh Kiên Giang, Rạch Giá, Hà Tiên.

Tiểu sử của Mạc Cửu
Tiểu sử của Mạc Cửu

Quá trình hình thành trấn Hà Tiên

Vào những năm 70 của thế kỷ XVII, người Mãn Thanh, sau thời gian tràn vào Trung Quốc, lật đổ triều đại nhà Minh, thiết lập triều đại nhà Thanh thì đến lúc này cũng đã trấn dẹp xong những phản kháng yếu ớt cuối cùng của dư đảng nhà Minh ở Quảng Đông.

Không chịu chung sống dưới sự thống trị của nhà Thanh, Mạc Cửu đưa gia đình cùng những người đồng hương thân tín xuống thuyền, tha hương về phương Nam.

Những hoạt động trước năm 1708

Sài Mạt – còn gọi là Sóc Mẹt hay Tuk Mea (trong sách vở phương Tây), Tuc Mia (trên bản đồ hành chính các nước Việt, Lào, Campuchia vẽ năm 1995)… bây giờ thuộc tỉnh Kampot, Campuchia – là địa điểm đổ bộ đầu tiên, sau những ngày dài lang bạt trên biển Đông của đoàn thuyền Mạc Cửu.

Sài Mạt ngày ấy đất đai còn hoang vu, thưa thớt dân cư nhưng cặp mắt tinh tường của một thương gia trước đây từng đã từ Hoa Nam đến Phi-luật-tân (Philippines), Ba-La-vi-a (Indonesia) làm ăn, buôn bán của Mạc Cửu đã sớm nhận ra một viễn cảnh thịnh vượng, trù mật không xa, nếu biết khai thác nơi đây.

Do bấy giờ Sài Mạt đang thuộc về triều đình nước Chân Lạp nên từ Sài Mạt, Mạc Cửu đã đến ngay U-Đông, “chạy” được một chức quan, gọi là “Ốc Nha” – chuyên lo việc thương mại – rồi trở về, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình, bằng cách mở sòng bạc, thu lợi từ “hoa chi” (thuế đánh bạc). Sau đấy, nhờ may mắn, đào được một hầm bạc, nên càng trở nên giàu có.

Nhưng đến khoảng những năm từ 1687 đến 1688, quân nước Xiêm La láng giềng tràn sang đánh phá Chân Lạp, Mạc Cửu gặp phải họa lớn, phải đi theo quân Xiêm La về nước ấy, sống 10 năm ở hải cảng Muang Galapuri (sử sách Việt gọi là Vạn Tuế Sơn Hải Tân) rồi mới trốn về được.

Từ đây, khoảng năm 1700, chính thức mở ra thời kỳ hoạt động rầm rộ của Mạc Cửu trên cả vùng duyên hải “vịnh Thái Lan”, mà chủ yếu là dựa trên nền tảng của việc đã sẵn nhiều người Việt Nam, Hoa, Chân Lạp, Chà Và… tìm đến tụ cư – “chiêu mộ” thêm những dân lưu tán từ các nơi về làm ăn, sinh sống, đặc biệt là tổ chức thành công việc “lập ấp” – tức thiết lập các đơn vị hành chính cư dân – gọi là “xã thôn” trên miền đất ấy.

Có 7 xã thôn – chắc chắn là lớn rộng hơn nhiều so với các đơn vị được gọi là “xã thôn” về sau – đã được Mạc Cửu thành lập, được sử sách gọi tên và ghi chú địa vực, như sau:

– Phú Quốc (Kol Trah) là đảo lớn giữa biển.

– Cần Bột (Kampot) là cảng thị ở phía Tây, cách trấn lỵ Hà Tiên 165,5 dặm.

– Giá Khê (Rạch Giá) là cảng thị ở cách trấn lỵ Hà Tiên hơn 193 dặm về phía Đông.

– Lũng Kỳ (Ream) là sông ở phía Tây trấn lỵ Hà Tiên.

– Hương Úc (Vũng Thơm – Kompongsom) là vịnh và hải cảng ở phía Tây trấn lỵ Hà Tiên.

– Cà Mau (Tuk Khmau – Nước đen) ở địa giới cực Đông của trấn Hà Tiên.

– Và chính là Hà Tiên (Mang Khâm, Phương Thành) thủ phủ, trên sông Tà Ten (PrekTen), tức sông Giang Thành.

Một hình thức “tiểu quốc” (được sách “Văn hiến thông khảo” đời Thanh gọi là “nước này”, Pierre Poivre gọi là “Vương quốc Ponthiamas”, còn sử nhà Nguyễn gọi là “Căn Khẩu Quốc”) đã hình thành trên những “thôn xã” ấy, của Mạc Cửu.

Quá trình hình thành trấn Hà Tiên
Quá trình hình thành trấn Hà Tiên

Những hoạt động sau năm 1708

Năm 1708 là thời điểm có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng đối với cuộc đời Mạc Cửu, cũng như cả miền đất do ông thiết lập.

Ấy là lúc triều đình Chân Lạp nội tình thì rối ren, suy thoái, bên ngoài thì Xiêm La thường xuyên uy hiếp, đánh phá, khiến áp lực đối với Mạc Cửu rất lớn. Do đấy, ông quyết định theo lời khuyên của nhiều người, trong đó có cả bà vợ thứ (là Bùi Thị Lẫm, người Việt, quê ở Biên Hòa), cả bà mẹ già (nhớ con, nên đã vượt biển đến tìm và sống cùng ông) nữa nhưng sử sách chỉ chép được tên một “mưu sĩ” là Tô Quân, rằng: “Nam triều (của các chúa Nguyễn) có tiếng nhân nghĩa, uy đức, vốn đủ tin cậy. Không gì bằng đến gõ cửa xưng thần, để gây thế bám rễ vững chắc. Nếu có một biến cố gì thì nhờ giúp đỡ”.

Thế là vào tháng 8, mùa thu năm Mậu Tý (1708), một phái đoàn do các “thuộc hạ” của Mạc Cửu là Trương Cầu, Lý Xá theo lệnh chủ đã lên đường, mang theo lễ vật và tờ biểu đến Phú Xuân, xin yết kiến chúa Nguyễn Phúc Chu, khẩn cầu xin được bảo hộ để đứng đầu, trông coi đất (mới được mở mang thành 7 xã thôn) ấy, như sách “Gia Định thành thông chí” đã chép.

Bấy giờ, xứ Đàng Trong nước Việt của các chúa Nguyễn, từ năm 1698, đã được tướng Nguyễn Hữu Kính (Nguyễn Hữu Cảnh) mở mang, đặt định, lập thành “Phủ Gia Định” (ở trung tâm miền Nam Bộ ngày nay) và đang tiếp tục “kinh lược”, tức thu xếp, mở mang, đặt định bộ máy chính quyền người Việt… ở mạn cực Tây Nam.

Được Mạc Cửu tự nguyện đem miền đất ở mạn ấy, xin “thần phục” thì rõ ràng và chắc chắn, không gì đáng trông đợi hơn. Lập tức, vẫn như lời sách “Gia Định thành thông chí”, “Chúa Nguyễn Phúc Chu chuẩn ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước cho là Cửu Ngọc Hầu”.

Đây là biện pháp “lưỡng lợi” cho cả hai bên: Các chúa Nguyễn và xứ Đàng Trong của nước Việt không tốn mũi tên hòn đạn và áp lực chính trị nào mà vẫn mở mang bờ cõi, nhập vào bản đồ quốc gia, được một miền đất đai và cư dân rộng lớn, quan trọng và trù mật. Còn Mạc Cửu thì được bảo lãnh, bảo đảm sự an toàn, vẫn giữ được vị trí người đứng đầu, để tiếp tục mở mang, khai thác, phát triển các lợi ích của mình!

Vì thế, một động thái nhiều ý nghĩa, giá trị và tác dụng nữa đã diễn ra ngay 3 năm sau năm 1708 lịch sử đó:

– “Tháng tư, mùa hạ, năm Tân Mão (1711), Tổng binh trấn Hà Tiên, Cửu Ngọc Hầu Mạc Cửu đến cửa khuyết, tạ ơn” – sách “Gia Định thành thông chí” chép.

– Trấn Hà Tiên thuộc Xứ Đàng Trong của nước Việt, do chức Tổng binh Cửu Ngọc Hầu của triều đình các chúa Nguyễn đứng đầu, từ đấy chính thức ra đời.

Và Mạc Cửu, cho đến năm qua đời (1735) thì còn có thêm hơn 20 năm nữa để bằng nhiệt tình và tài năng, tiếp tục mở mang nông nghiệp, ngư nghiệp, đặc biệt là thương nghiệp, cho miền đất Hà Tiên, từ đây và mãi mãi về sau, là bộ phận quan yếu, không thể tách rời của lãnh thổ và sự nghiệp nước Việt.

Trấn Hà Tiên thời Mạc Cửu dâng đất là một miền rộng lớn và liền lạc, chạy dọc dài men duyên hải Tây Nam, tương ứng với các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau ngày nay, lấy TP Hà Tiên bây giờ làm trung tâm. Là “Xứ sở của những người siêng năng muốn đến để lập nghiệp. Hải cảng được mở rộng cho tất cả các nước. Rừng hoang được khai phá một cách thông minh, đất hoang thành ruộng lúa, kênh rạch được đào để đưa nước vào ruộng, mùa màng sung túc, thoạt đầu thì cung cấp cho dân cày no đủ, còn về sau thì làm lợi ích cho thương mại phát triển” – như lời kể của Pierre Poivre, thương nhân người Pháp, đương thời từng có mặt ở chính ngay Hà Tiên.

********************

Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Tổng hợp

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button