Tổng hợp

Hò là gì? Đặc điểm của hò

Từ thuở xa xưa, đối với người Việt, nghệ thuật chưa bao giờ tách rời lao động. Chính môi trường này đã giúp con người ta tạo ra những làn điệu, những loại hình nghệ thuật dân gian, nhằm làm đẹp thêm cho đời sống lao động sản xuất, cổ vũ nhau vượt qua những khó khăn, mệt nhọc. Trong số đó, có một bộ phận khá lớn thuộc các thể loại bài hát lao động được dân gian gọi là “Hò”.

Hò là gì?

Hò (tiếng Anh gọi là Chanty) là một thể loại ra đời từ rất sớm, và là một trong những hình thức sinh hoạt, giao lưu văn nghệ đầu tiên của con người Việt Nam trong mọi môi trường lao động. Theo GS.TS Trần Văn Khê (Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt nam, Tp HCM, NXB Trẻ, 2004. tr 81) đã cho biết “hò là một thể loại diễn xướng trong đời sống người Việt Nam từ thời xa xưa, khởi nguồn từ tập quán sinh hoạt vùng chiêm trũng, diễn tả tâm trạng của người lao động. Hò và lý tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với một động tác khi làm việc còn lý thì không”. Và theo nghiên cứu của tác giả Lê Văn Chưởng trong bài “Luận án về thể điệu hò” có cho biết rằng, hò được quan tâm sớm nhất và có lẽ được nhắc đến trong văn học lần đầu tiên là trong tác phẩm “Vân đài loại ngữ” vào thế kỉ thứ XVIII, và đến những đầu thập niên thế kỉ XX mới bắt đầu có nhiều tác giả tìm hiểu về loại hình này.

Hò không chỉ để mua vui, giải trí mà còn là một yếu tố thúc đẩy tăng năng suất lao động. Lịch sử cho thấy, con người trong xã hội công xã nguyên thủy không có phương tiện nào khác ngoài sức người, do đó muốn di chuyển một vật nặng, con người đã biết kết hợp với nhau để tạo nên sức mạnh. Để có sức mạnh tổng hợp ấy, con người sử dụng hò làm hiệu lệnh.  Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, miền Trung Việt Nam là nơi có nhiều điệu hò nhất, đồng thời cũng là nơi sản sinh ra các điệu hò nổi tiếng. Và theo thời gian, câu hò đã lan tỏa ra khắp các miền đất nước, từ “vùng châu thổ đồng bằng cho tới miền núi cao, từ các lưu vực sông hồ cho tới các vùng ven biển”, không nơi đâu là thiếu vắng điệu hò.

Hò có thể chỉ là một làn điệu duy nhất, nhưng cũng có khi là một tập hợp nhiều làn điệu có chung thuộc tính về nội dung cũng như hình thức biểu hiện nghệ thuật. Trong sinh hoạt cộng đồng, ta thường gặp hình ảnh một người hò đại diện cho một nhóm đang làm cùng một việc. Như trong điệu hò để giao duyên, đối đáp với nhau, người con gái hay người con trai trong nhóm hai phía sẽ hò đáp trả lại nhau ngay khi đó. Đôi khi, câu hò cũng là để cho một người tự thuật, kể lể, trải lòng mình trên sông nước.

Đặc điểm của hò
Đặc điểm của hò

Đặc điểm của hò

Diễn – xướng trong thể loại Hò

Hò phần nhiều là sinh hoạt mang tính diễn xướng tập thể. Xuất phát từ quan niệm cộng sinh, tư tưởng đoàn kết trọng tình của nền văn hóa gốc nông nghiệp, diễn xướng là sự liên kết, gắn bó tất cả mọi người tham gia, hình thành nên cộng đồng bền vững với ý thức cùng chung sống. Như vậy, diễn xướng mang tính nguyên hợp không phân tách, gồm hai thành tố cơ bản đặc hữu cùng tham gia theo dẫn giải: Diễn là hành động xảy ra và xướng là phần nhạc được hát lên, ca lên.

Trong sinh hoạt diễn xướng tập thể, các điệu hò thường được chia thành 2 lớp rõ rệt là “xướng” – “xô” tạo thành hình thức sinh hoạt ca hát có giao lưu giữa người trình bày và tập thể người tham gia. Người hát, được gọi là “cái”, hát lên phần đầu của một làn điệu có cấu trúc ba bộ phận. Phần đầu này gọi là “xướng gọi”. “Cái” còn phải hát luôn cả phần chính của làn điệu gọi là phần kể, có chứa lời ca chính của trổ hát. Sau đó, tập thể những người tham gia, được gọi là “con”, hát đáp lại bằng phần cuối, gọi là “xô” hoặc “đáp”. Trong đó, lớp “xướng” là phần lời ca thể hiện nội dung chính của điệu hò, thường ở dưới dạng thơ lục bát và lục bát biến thể. Sau lớp “xướng”, đám đông (lớp “xô”) sẽ hát phân đoạn phụ họa. Đây là những nét giai điệu định hình với những hư từ cố định, mang tính đặc trưng cho thể loại. Chỉ cần nghe những câu ca như: hò ơ, ơ hò, là hụ là khoan, dô khoan dô hầy, khoan ơi khoan… là ta có thể đã biết ngay đó là điệu hò nào. Các tổ hợp điệp khúc này có tiết tấu nhấn chu kỳ rõ rệt, đóng vai trò hỗ trợ sự thống nhất động tác cho cả nhóm người đang cùng lao động.

Ví dụ về Hò Giã gạo (trong diễn xướng tập thể):

Vế xướng (cá nhân xướng các điệp khúc và lời hò):

Khoan khoan ta mời bạn lại hò… ơ… khoan…

Vế xô (tập thể đồng thanh):

Hò… Hơ… Hớ… Hơ… Hơ… Hờ… Hớ…

Hình thức

Một người hò cho đại diện một tập thể đông người cho cùng một việc hay một mình tự sự, sâu lắng, dàn trải. Trong sinh hoạt những đêm trăng những nhóm con trai đi chơi, thường cất lên những điệu hò để dò hỏi những cô gái về những công việc. Diệu hò giao duyên giữ hai bên đối đáp lại nhau, người con gái hay một nhóm sẽ hò đáp trả lại khi đó. Trên sông nước khi đi ghe hay đò, người hò (có thể con trai hay con gái) thường hò diệu giao duyên giữa hai chiếc ghe, thuyền, đò gần nhau.

Các điệu hò phổ biến

Các điệu hò sông nước

  • Hò Đồng Tháp
  • Hò kéo lưới
  • Hò giựt chì
  • Hò Qua sông hái củi
  • Hò khoan
  • Hò mái nhì
  • Hò mái đẩy
  • Hò mái ba Gò Công
  • Hò sông Mã
  • Hò khoan Lệ Thủy
  • Hò biển
  • Hò chèo thuyền
  • Hò đánh cá
  • Hò dã vôi
  • Hò gọi nghé
  • Hò qua sông hái củi
  • Hò xuôi nhịp một
  • Hò hụi
  • Hò xẻ gỗ
  • Hò dật trì
  • Hò ba lí
  • Hò lên núi đá đen
  • Hò mài dừa
  • Hò kéo co
  • Hò kéo pháo
  • Hò huế
  • Hò ví
  • Hò ví dặm
  • Hò nghệ tĩnh
  • Hò xứ nghệ

̀Các điệu hò trong sinh hoạt

  • Hò Giã gạo
  • Hò Xay lúa
  • Hò Kéo gỗ
  • Hò Đạp lúa
  • Hò Kéo thuyền

Các loại hình nghệ thuật dân gian khác

Chèo

Chèo là loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian có từ lâu đời, chủ yếu phát triển ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sân khấu diễn xướng thường là ở sân đình vào các dịp lễ tết. Thể loại này là sự kết hợp khéo léo giữa lối nói ví von, giàu tính tự sự, trữ tình và ngôn ngữ đa nghĩa, đa thanh, cùng chất giọng hát luyến láy, nhấn nhá của người diễn.

Các vở chèo thường được sáng tác dựa trên từ những câu chuyện cổ tích, những tích truyện truyền miệng về những mối tình oan trái, hay những con người đáng thương trong xã hội. Nội dung của nó mang giá trị hiện thực sâu sắc, đề cao những phẩm chất đạo đức cao quý như đức hy sinh, lòng dũng cảm, sự trung thành, chung thủy,… nên dù nội dung không phải là thực tế nhưng vẫn gây xúc động và để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả.

Chèo – nghệ thuật sân đình
Chèo – nghệ thuật sân đình

Cải lương

Nếu như chèo nổi tiếng ở miền Bắc thì cải lương có vẻ phổ biến hơn ở trong miền Nam. Nội dung của các vở cải lương là từ các câu chuyện nổi tiếng như Kim Vân Kiều truyện, truyện Lục Vân Tiên, tích Lưu Bình – Dương Lễ, Lan và Điệp,… chiều theo thị hiếu của khán giả như thế nào. Phong cách của cải lương là các nhạc khí giân dan kết hợp với giọng hát dân ca, tạo nên nét đặc trưng khác biệt và cũng là điểm thu hút khán giả.

Hát ca trù (hát ả đào)

Đây là bộ môn nghệ thuật có nhiều thăng trầm trong lịch sử, phổ biến vào khoảng thể kỉ 15. Thường có các phường hát ả đào, phục vụ các khách chủ yếu là những người có chức quyền, thuộc giới thượng lưu. Thể loại này là hát nói kết hợp nhịp trống và phách, chủ yếu nói về tình yêu nam nữ, các cuộc tình ngang trái…

Tuồng

Nói đến tuồng thì nổi tiếng nhất là ở khu vực Trung Bộ, những tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh,… Tuồng thường kể lại những tích truyện lịch sử, về các danh tướng, các biến cố của các triều đại. Thường người diễn được trang điểm rất nổi bật, “cá tính hóa” với các màu sắc để phân biệt vai diễn: màu đỏ là trung thần, xám là nịnh thần, xanh lục là hồn ma và đen là người thật thà. Cách nhá chữ, ngắt chữ, lên, xuống giọng cho phù hợp với tính cách nhân vật đã tạo nên nhiều lối nói khác nhau như bóp, ai, đạp, xuân nữ… Khi nói sẽ có nhạc hòa theo.

Một số loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của nước ta
Một số loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của nước ta

Hát Xoan

Hát xoan là loại hình nghệ thuật giân dan xuất phát từ đất tổ vua Hùng – Phú Thọ. Hát xoan là sự phối hợp nhịp nhàng của hát, múa, diễn xuất, thường biểu diễn trong các lễ hội đầu năm, khi mùa xuân đến. Theo các tin tức đã đưa, hát xoan đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 24/11/2011.

Dân ca quan họ Bắc Ninh

Nhắc đến quan họ là chắc chắn phải nói đến Bắc Ninh và hội Lim. ân ca quan họ là lối hát đối đáp giữa nam và nữ. Thường các buổi hát quan họ được tổ chức vào mùa xuân hoặc mùa thu khi có lễ hội, hát đối đáp giữa hai người nam – nữ hoặc giữa các cặp nam – nữ với nhau. Nội dung các khúc hát nói về tình cảm đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước.

Múa rối nước

Rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thường diễn tả lại các hoạt động của nhà nông như làm ruộng, đánh cá, giã gạo, chăn vịt,… và các câu chuyện cười trong đời sống hàng ngày. Dưới bàn tay điều khiển tài hoa của các nghệ nhân, múa rối nước phản ánh một cách sinh động và chân thực cuộc sống người dân.

Hát then

Hát then là âm nhạc của người Tày, Nùng, mang màu sắc tín ngưỡng. Mọi người sẽ quây quần bên bếp lửa trong nhà sàn, phụ nữ hát, đàn ông đệm đàn. Những cuộc hát then thường khá dài và kết hợp cả nhảy múa, diễn.

Những loại hình nghệ thuật dân gian trên đều là những di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và phát triển. Nếu bạn chưa từng quan tâm đến nghệ thuật dân gian, hãy thử thưởng thức một lần để cảm thấy văn hóa Việt Nam ta giàu đẹp đến nhường nào.

********************

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Tổng hợp

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button