Tổng hợp

Mạc Đĩnh Chi là ai? Thân thế của Mạc Đĩnh Chi

Mạc Đĩnh Chi là ai?

Mạc Đĩnh Chi – Lưỡng quốc trạng nguyên.

Mạc Đĩnh Chi (chữ Hán: 莫挺之 1272 – 1346), tên tự là Tiết Phu (節夫), hiệu là Tích Am (僻庵) là một quan đại thần và nhà ngoại giao nổi tiếng triều Trần trong lịch sử Việt Nam. Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, ông thi đỗ trạng nguyên. Nhờ thông minh, hiểu biết sâu rộng, ông nhiều lần được cử đi sứ sang Trung Quốc. Ngoài ra, ông còn được biết đến như là tổ tiên trực hệ của các đời Hoàng đế nhà Mạc, được Mạc Thái Tổ truy tôn miếu hiệu là Viễn Tổ (遠祖), thụy là Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế (建始欽明文皇帝).

Mạc Đĩnh Chi - Lưỡng quốc trạng nguyên
Mạc Đĩnh Chi – Lưỡng quốc trạng nguyên

Thân thế của Mạc Đĩnh Chi

Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi sinh ngày mùng 6 tháng 7 năm Nhâm Thân, niên hiệu Bảo Phù triều vua Trần Thánh Tôn (1272), tên chữ là Tiết Phu, vốn người Lan Khê, huyện Bình Hà, châu Nam Sách, Lộ Lạng Giang, sau đó dời đến làng Lũng Động, huyện Chí Linh, nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Với tư chất thông minh, ham học nên năm lên 6 tuổi, Mạc Đĩnh Chi xin mẹ đi học. Thấy con ít tuổi mà có chí, bà cụ mừng rỡ sắm sửa cho đi. Bấy giờ có Chiêu Quốc công Thái Tử nhà Trần mở trường dạy học ở làng bên cạnh. Học trò thấy đứa bé ít tuổi mà xấu xí đều chê, duy Chiêu Quốc công biết là đứa bé phi thường. Không bao lâu, Mạc Đĩnh Chi  học vượt cả trường, nghe một biết mười, học đâu nhớ đấy, cả vùng đều cho là thần đồng. Chiêu Quốc công càng yêu quý muốn nuôi cho ăn học ở luôn trong nhà để làm bạn đèn sách với các con của mình, nhưng Mạc Đĩnh Chi là người con rất hiếu thảo, xong buổi học lại về nhà giúp đỡ mẹ không chịu ở lại trường.

Mạc Đĩnh Chi sớm mồ côi cha, nhà nghèo, mẹ thường đi nhặt củi bán lấy tiền đong gạo nuôi con. Thấy mẹ vất vả vì mình nên ông thường lo nghĩ buồn phiền, mặt không mấy lúc tươi tỉnh. Chiêu Quốc công lấy làm lạ một hôm cho gọi vào nhà trong nói chuyện. Mạc Đĩnh Chi  thưa rõ chân tình, Quốc Công động lòng thương cảm liền bàn với phu nhân cho đón cả hai mẹ con về nuôi.

Từ đó Mạc Đĩnh Chi ăn học ở nhà Chiêu Quốc công, văn chương lừng lẫy khắp vùng Hải Dương, được Quốc Công coi như là con đẻ. Mạc Đĩnh Chi tỏ lòng biết ơn, hết đạo thờ thầy sớm khuya hầu hạ chẳng khác gì cha nuôi. Thấm thoát ông đã 15 tuổi, học hành một ngày một tăng tiến, năm sau bắt đầu ứng thi khảo hạch lúc nào cũng đỗ đầu, tài khoa cử của Mạc Đĩnh Chi ngay từ lúc thiếu thời đã phát đạt tấn tới như thế.

Năm Giáp Thìn niên hiệu thứ hai đời nhà Trần (1293) Mạc Đĩnh Chi thi đậu Hội nguyên. Khi vào Đình đối, vua thấy ông tướng mạo xấu xí không muốn cho đậu Trạng nguyên. Mạc Đĩnh Chi biết ý, nhân đầu bài “Ngọc tỉnh liên phú”, ông bèn làm bài phú tự ví mình như một cây sen trong giếng ngọc. Vua Anh Tông xem xong, khen là thiên tài mới cho đậu trạng nguyên, ban cờ biển vinh quy, năm ấy ông vừa đúng 20 tuổi. Với tài ứng đối, khi yến kiến nhà vua, vua Anh Tông rất đẹp lòng ban chức Hàn lâm đại học sĩ.

Năm 1308, Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang nhà Nguyên và đã không hổ danh là một tân trạng nguyên của Đại Việt với khí phách kiên cường, tinh thần tự tôn tự hào dân tộc; đối đáp giỏi, được nhà Nguyên phục, vua Nguyên phong Lưỡng Quốc Trạng Nguyên. Tại đây, Mạc Đĩnh Chi đã tiếp sứ Cao Ly đang ở Trung Quốc và ở nước Cao Ly, thăm nhà cũ của Đào Tiềm và làm một số bài thơ: Phiến minh, Tảo hành, Văn cảnh, Văn tế công chúa…

Thân thế của Mạc Đĩnh Chi
Thân thế của Mạc Đĩnh Chi

Với tư chất thanh liêm, chính trực, dưới triều vua Trần Minh Tông, Mạc Đĩnh Chi được thăng chức Nhập Nội Hành khiển. Về sau, ông được thăng đến Đại Liên ban Tả Bộc xạ, tương đương chức Tể tướng.

Năm Đại Khánh triều vua Trần Minh Tông (1314-1323), Vua nhà Nguyên sai sứ sang phong Vương cho nhà vua, Mạc Đĩnh Chi được cử làm chánh sứ sang nhà Nguyên đáp lễ.

Tại Yên Kinh với tài ứng đối thông minh, sắc xảo khiến các quan lại nhà nguyên phục tài. Vua Nguyên hết sức ngợi khen cho là bậc kỳ tài, lúc về ban thưởng rất hậu nhưng ông nhất mực từ chối không nhận một thứ gì, chỉ xin lấy lá cờ thêu bốn chữ “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”.

Mạc Đĩnh Chi làm quan và hoạt động dưới 3 triều vua nhà Trần, vua Trần Anh Tông (1293-1314), vua Trần Minh Tông (1314-1329), vua Trần Hiến Tông (1329-1341).

Mạc Đĩnh Chi sinh được con trai là Mạc Dao, thi đậu Hương Cống làm quan đến chức Viên ngoại lang, đời vua Trần Dụ Tông.

Khoảng năm Khai Hựu thứ mười triều vua Hiến Tông (1339) Mạc Đĩnh Chi dâng sớ xin về hưu. Vua nghĩ ông là bậc quan thanh liêm, bậc sứ thần mẫn tiệp, bậc quốc lão nguyên huân, sống giản dị, lạc quan, mang hết tâm lực và trách nhiệm của mình để phục vụ đất nước, lại là thầy học nên không muốn xa, nhưng Mạc Đĩnh Chi cố xin. Vua Hiến Tông phải chuẩn tấu, tặng phong hầu tước và ban thưởng rất nhiều, đồng thời sai sứ tiễn ông về đến tận làng, các quan văn võ trong triều đều đến đưa tiễn, ai cũng tỏ tình ái mộ.

Năm Nhâm Ngọ 1342 Mạc Đĩnh Chi về làng dựng am ở dưới núi Phượng Hoàng huyện Chí Linh, ngày ngày uống rượu ngâm thơ. Thơ của ông truyền lại rất nhiều, nay chỉ còn ít bài chép trong bộ “Hoàng Việt văn tuyển”. Năm Thiệu Phong thứ sáu (1346) Mạc Đĩnh Chi lâm bệnh và qua đời ngày 10 tháng 02 năm Bính Tuất.

Vua Dụ Tông (1341-1369) hay tin Mạc Đĩnh Chi tạ thế vô cùng thương tiếc, sai các quan về dự tế, phong ông làm Phúc Thần, cấp 500 quan tiền cho dân sở tại dựng đền thờ, tục gọi đền Quan Trạng và sắc phong ông làm Thành Hoàng.

Sau này, khi Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) lên ngôi Hoàng đế có truy tôn Mạc Đĩnh Chi là Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế.

Đền thờ Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi hiện nay tại thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm 1992 Nhà nước ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Hàng năm vào ngày 10 tháng 2 âm lịch các chi tộc họ Mạc từ mọi miền đất nước trở về thôn Long Động thăm đất cũ, bái yết tổ tiên và dự hội với nhân dân địa phương để tưởng nhớ đến vị Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi. Đền thờ Mạc Đĩnh Chi không chỉ là công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử và văn hóa tâm linh mà còn là nơi giáo dục truyền thống hiếu học cho các thế hệ mai sau.

Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh, vị quan văn tiêu biểu nhà Trần Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi cũng được bái thờ trang trọng trong Đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo tại Phường Hiệp Tân, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi

Trưởng thành từ nghèo khó

Mạc Đĩnh Chi sinh năm 1280, tên tự là Tiết Phu, quê ở làng Lũng Động (Chí Linh). Tương truyền ông mồ côi cha từ nhỏ, hằng ngày phải vào rừng chặt củi kiếm sống, nuôi mẹ. Vì dáng người thấp bé, dung mạo xấu xí nên ông thường bị trêu chọc, khinh rẻ.

Ngay từ khi còn nhỏ, Mạc Đĩnh Chi đã ra sức học tập vì ông biết chỉ có học vấn mới giúp ông thoát khỏi cảnh sống nghèo hèn. Với tài văn chương của mình, ông được Chiêu Quốc Vương nhận là môn đồ, chu cấp tiền cho ăn học thành tài.

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, năm 1304, khi mới 24 tuổi, Mạc Đĩnh Chi dự khoa thi Đình. Ông đỗ đầu, nhưng lúc vào yết kiến, vua Anh Tông thấy ông dung mạo xấu xí nên tỏ ý chê bai, không muốn cho đỗ đầu.

Mạc Đĩnh Chi biết ý vua nên ông làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Hoa sen trong giếng ngọc) dâng vua. Bài phú có đoạn được dịch từ tiếng Hán có nghĩa:

Chẳng phải như đào trần lý tục; chẳng phải như trúc cỗi mai gầy.

Câu kỷ phòng tăng khó sánh; mẫu đơn đất Lạc nào tầy.

Giậu Đào Lệnh cúc sao ví được; vườn Linh Quân lan khó sánh thay!

Ấy là giống sen giếng ngọc ở đầu núi Thái hoa đây.

Mạc Đĩnh Chi tự ví mình như bông sen trong giếng ngọc ở núi, ý muốn nói nhà vua đừng chỉ đánh giá một người qua tướng mạo dung nhan bên ngoài. Anh Tông xem xong khen hay, liền ban áo mão võng lọng cho ông vinh quy bái tổ, rồi ban chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm Nội thư gia.

Đấu trí ngay trên đất địch

Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi: Năm 1308, sứ Nguyên là Thượng thư An Lỗ Khôi sang báo tin Vũ Tông lên ngôi. Vua sai Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên. Lúc này, việc Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên được dự báo là “đầy nguy hiểm”, bởi người phương Bắc vẫn chưa quên thất bại trong 3 cuộc xâm lược trước đây.

Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên ban đầu rất bị khinh thường vì vẻ ngoài thấp bé, xấu xí. Ở buổi tiếp kiến đầu tiên tại kinh đô Yên Kinh, vua Nguyên ra câu đối thử tài Mạc Đĩnh Chi: Nhật hoả vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố (Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy mặt trăng. Ý nói nhà Nguyên lớn mạnh, luôn dễ dàng tiêu diệt các tiểu quốc như Đại Việt).

Mạc Đĩnh Chi liền ứng đối lại: Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô (Mặt trăng là cung, sao là đạn, hoàng hôn bắn rụng mặt trời. Ý nói nước nhỏ cũng có thể đánh bại quân đội nước lớn). Vua Nguyên nghe xong tức lắm, nhưng cũng phải khen Mạc Đĩnh Chi đối hay, đối chuẩn.

Một hôm khác, Tể tướng nhà Nguyên mời ông vào phủ ngồi. Lúc ấy đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ đây là con chim sẻ thực, vội chạy đến bắt.

Người Nguyên cười ồ, cho là người phương xa quê kệch. Thấy vậy, Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao.

Đĩnh Chi trả lời: “Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của Tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ”.

“Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân”. Nghe vậy, mọi người đều phục tài của ông.

Một lần khác, trong thời gian Mạc Đĩnh Chi đang ở kinh đô Yên Kinh thì hay tin công chúa được vua Nguyên thương yêu nhất qua đời. Mạc Đĩnh Chi được quan nhà Nguyên cử đọc văn tế, nhưng đến khi mở ra chỉ thấy có đúng một chữ “Nhất”. Bất ngờ đến vậy song Mạc Đĩnh Chi lập tức ứng khẩu:

Thanh thiên nhất đóa vân,

Hồng lô nhất điểm tuyết,

Thượng uyển nhất chi hoa,

Dao trì nhất phiến nguyệt.

Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!

(Một đám mây trên bầu trời xanh

Một bông tuyết trong lò lửa hồng

Một bông hoa trong vườn thượng uyển

Một vầng trăng ở cung Dao Trì

Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!)

Chỉ với một chữ “Nhất”, Mạc Đĩnh Chi đã đọc lên bài văn tế khiến cả vua Nguyên cùng toàn thể bá quan nghe xong mắt cũng long lanh ngấn lệ.

Các câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi

Trở thành Lưỡng quốc Trạng Nguyên nhờ “quay bài”

Thời gian Mạc Đĩnh Chi đi sứ, trong một buổi chầu có người nước ngoài dâng quạt lên tặng vua Nguyên. Nhân có cả sứ thần Cao Ly ở đó, vua Nguyên bèn mời Mạc Đĩnh Chi và sứ thần Cao Ly cùng làm thơ vịnh đề lên quạt.

Lúc này Mạc Đĩnh Chi bất ngờ, không chuẩn bị trước nên có phần “bí” ý. Ông quay sang bên sứ thần Cao Ly, nhìn vào thế bút viết của sứ thần nên đoán được ông này viết: “Uẩn long trùng trùng, Y Doãn, Chu Công/Vũ tuyết thê thê, Bá Di, Thúc Tề” (Khi nóng bức thì quạt đắc dụng như Y Doãn, Chu Công, khi mùa đông giá rét thì xếp xó như Bá Di, Thúc Tề bị chết đói).

Mạc Đĩnh Chi có ý tưởng rồi, liền lập tức viết: “Lưu Kim thước thạch thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thời hề Y Chu cự nho/Bắc phong kỳ thê vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thời hề Di Tề ngã phu/Y, dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thi phù (Chảy vàng tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho. Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo. Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru)”.

Về ý, bài của Mạc Đĩnh Chi cũng có ý tương tự bài của sứ Cao Ly nhưng lại “đắt” ở việc trích dẫn câu trong sách Luận ngữ, có nghĩa: “Ai dùng ta thì ta làm, ai không dùng ta thì ta để đó. Điều ấy chỉ người với ta mới có được thôi”.

Cảm phục văn tài của Mạc Đĩnh Chi, vua Nguyên liền phê lên chiếc quạt bốn chữ: “Lưỡng quốc Trạng Nguyên”.

Mạc Đĩnh Chi: Vị "Bao Công nước Việt"
Mạc Đĩnh Chi: Vị “Bao Công nước Việt”

Tấm gương liêm khiết, lấy vợ Cao Ly và hậu duệ xưng đế

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi lại: Đĩnh Chi là người liêm khiết, sống rất đạm bạc. Vua rất hiểu ông, sai người ban đêm đem 10 quan tiền bỏ vào nhà ông. Hôm sau, Đĩnh Chi vào chầu, tâu vua hay chuyện đó. Vua bảo: “Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu”.

Thời Hiến Tông, Mạc Đĩnh Chi làm Nhập nội hành khiển Hữu ty lang trung rồi thăng Tả ty lang trung. Trong thời gian ở Yên Kinh, ông kết thân với sứ thần Cao Ly. Mến mộ tài năng của Mạc Đĩnh Chi, vị sứ thần này mời ông sang Cao Ly chơi và gả cháu gái cho.

Người thiếp này có một con gái, một con trai với Mạc Đĩnh Chi. Sau này hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi ở lại Cao Ly và lập ra một dòng tộc tại đó. An Nam tạp chí số 4, năm 1926 từng đăng bài của học giả Lê Khắc Hòe với tiêu đề Người Triều Tiên đi bán sâm là hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi.

Tương truyền khi Mạc Đĩnh Chi ứng đối “bắn rụng mặt trời” trước bá quan văn võ nhà Nguyên, có người nói: “Hậu duệ người này tất sau này sẽ tự lập làm vua”.

Đúng như vậy, sau này cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi là Mạc Đăng Dung đã lật đổ vua Lê để lập ra nhà Mạc. Đại Việt Sử ký Toàn thư viết: Đăng Dung là người xã Cao Đôi, huyện Bình Hà (tức là xã Long Động, huyện Chí Linh), tiên tổ Đăng Dung là Mạc Đĩnh Chi, Trạng nguyên triều Trần, làm quan đến Tả bộc xạ.

Đĩnh Chi sinh ra Cao, Cao sinh ra Thuý, Thuý sinh ra Tung, dời sang ở xã Lan Khê, huyện Thanh Hà rồi sinh ra Bình, Bình lại dời sang xã Cổ Trai, huyện Nghi Dương rồi trú tại đó. Bình sinh ra Hịch, Hịch lấy con gái trưởng của Đặng Xuân người cùng xã, sinh được ba con trai, con trưởng là Đăng Dung.

Sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung truy tôn Mạc Đĩnh Chi làm Kiến Thủy Khâm Ninh Văn Hoàng Đế. Nhà Mạc tồn tại trong 150 năm, trải qua 4 đời vua.

********************

Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Tổng hợp

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button