Giáo dụcLớp 12

Nghị luận xã hội 200 chữ về hình xăm

Đề bài: Nghị luận xã hội 200 chữ về hình xăm

nghi luan xa hoi 200 chu ve hinh xam

Nghị luận xã hội 200 chữ về hình xăm

Bạn đang xem: Nghị luận xã hội 200 chữ về hình xăm

I. Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ về hình xăm (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Hình xăm

2. Thân bài

– Giải thích:
+ “Hình xăm”: là những hình vẽ, biểu tượng được xăm lên bề mặt da bằng mực in.
+ Ngày nay, có rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ lựa chọn xăm hình để thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ và bộc lộ cá tính của bản thân.

– Bàn luận về hình xăm:
– Nguồn gốc: Hình xăm có nguồn gốc từ thời xa xưa, để tránh những tai nạn, hiểm họa không mong muốn khi ở dưới nước, cha ông ta thường vẽ lên người những hình xăm lớn để tránh các loài thủy quái.
→ Bản chất của hình xăm không hề xấu, nó là một nét phong tục độc đáo của dân tộc được kế thừa qua nhiều đời.

– Mục đích xăm hình:
+ Xăm hình để thể hiện cá tính, niềm tin tôn giáo, lưu giữ những kỉ niệm hay thể hiện địa vị và đẳng cấp.
+ Xăm hình còn là cách các bạn trẻ thể hiện cá tính độc đáo, khác biệt của bản thân

– Phản đề:
+ Do nhận thức phiến diện nên một bộ phận người đã lựa chọn việc xăm hình là “phương tiện” để thể hiện “đẳng cấp”, sự chịu chơi của dân anh, chị.
+ Xăm hình không xấu nhưng nếu lợi dụng việc xăm hình để thể hiện bản thân một cách lố bịch, thái quá thì đó lại là hành động đáng lên án.
+ Vẫn còn rất nhiều người mang định kiến với những người xăm hình → Có thái độ kì thị, xa lánh, phê phán những người có hình xăm mà không quan tâm đến bản chất của họ.

– Bài học:
+ Khi đánh giá một con người, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách khách quan, công bằng và hãy tôn trọng sự khác biệt trong cuộc sống.
+ Cần có cái nhìn cởi mở, khách quan hơn, không nên nhìn nhận, đánh giá một con người chỉ vì những hình xăm trên cơ thể họ không hợp với quan niệm thẩm mĩ của bản thân.

3. Kết bài

Rút ra kết luận chung

II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội 200 chữ về hình xăm

1. Nghị luận xã hội 200 chữ về hình xăm, mẫu 1 (Chuẩn)

Năm 2015, bức ảnh một cô gái mặc áo dài cách tân với rất nhiều những hình xăm lớn nhỏ trên cơ thể đã được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Bức ảnh cũng làm nổ ra rất nhiều những ý kiến trái chiều, có khen, có chê, có bênh vực, có phán. Vấn đề đặt ra ở đây là việc xăm hình nên hay không nên, đó có phải biểu hiện của lối sống nổi loạn, tiêu cực hay không? “Hình xăm” là những hình vẽ, biểu tượng được xăm lên bề mặt da bằng mực in. Ngày nay, có rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ lựa chọn xăm hình để thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ và bộc lộ cá tính của bản thân. Thế nhưng, bên cạnh những người ủng hộ việc xăm hình thì cũng có không ít những người dành ánh mắt thiếu thiện cảm khi thấy người xăm hình. Họ cho rằng chỉ có những người hư hỏng, đua đòi mới xăm hình. Đây là những đánh giá phiến diện, khách quan có phần sai lầm bởi việc xăm hình không chỉ để thỏa mãn đam mê, thẩm mĩ mà còn mang rất nhiều ý nghĩa. Những hình họa, kí hiệu, biểu tượng được xăm lên cơ thể để gợi nhắc đến những kỉ niệm, thể hiện sự trân trọng với những người quan trọng trong cuộc đời. Xăm hình còn là cách các bạn trẻ thể hiện cá tính độc đáo, khác biệt của bản thân, đây là điều đáng được tôn trọng bởi mỗi người là một bản thể riêng biệt, họ có quyền lựa chọn cách sống, phong cách sống cho riêng mình. Tuy nhiên, do nhận thức phiến diện nên một bộ phận người đã lựa chọn việc xăm hình là “phương tiện” để thể hiện “đẳng cấp”, sự chịu chơi của dân anh, chị. Đây cũng là lí do mà việc xăm hình nghệ thuật trở thành một cái gì đó xấu xí, đáng lên án trong mắt nhiều người. Xăm hình không xấu nhưng nếu lợi dụng việc xăm hình để thể hiện bản thân một cách lố bịch, thái quá thì đó lại là hành động đáng lên án. Khi đánh giá một con người, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách khách quan, công bằng và hãy tôn trọng sự khác biệt trong cuộc sống.

2. Nghị luận xã hội 200 chữ về hình xăm, mẫu 2 (Chuẩn)

Trong những năm gần đây, xăm hình nghệ thuật dần trở thành một trào lưu trong giới trẻ. Các bạn trẻ không ngại xăm lên cơ thể những hình xăm độc đáo, đó có thể là tên, hình họa, kí hiệu để thể hiện cá tính của bản thân. Xăm hình là việc vẽ lên da những hình ảnh, biểu tượng bằng mực không phai. Xăm hình không đơn giản là việc vẽ lên cơ thể một hình ảnh yêu thích mà còn để thể hiện cá tính, niềm tin tôn giáo, lưu giữ những kỉ niệm hay thể hiện địa vị và đẳng cấp. Bởi vậy có thể nói, xăm hình không xấu, đó là nhu cầu đáng được tôn trọng. Ngày nay, cách nhìn nhận về những hình xăm của dư luận xã hội đã cởi mở hơn rất nhiều, thế nhưng vẫn có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên xăm hình. Hình xăm có nguồn gốc từ thời xa xưa, để tránh những tai nạn, hiểm họa không mong muốn khi ở dưới nước, cha ông ta thường vẽ lên người những hình xăm lớn để tránh các loài thủy quái. Từ niềm tin tâm linh, xăm hình đã trở thành một phong tục của dân tộc. Trong xã hội hiện đại, xăm mình đã trở thành một bộ môn nghệ thuật được nhiều người yêu thích, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thẩm mĩ của con người. Tuy nhiên, cần phê phán những người lợi dụng việc xăm hình để “phô bày” quyền lực, thể hiện sự ăn chơi, đua đòi của bản thân. Bản chất của hình xăm không hề xấu, nó là một nét phong tục độc đáo của dân tộc được kế thừa qua nhiều đời. Hình xăm không thể hiện nhân cách, lối sống của một con người, thay vì đánh giá phiến diện qua vẻ bề ngoài, chúng ta hãy nhìn vào những hành động, thái độ sống của họ để thêm trân trọng, yêu thương.

3. Nghị luận xã hội 200 chữ về hình xăm, mẫu 3 (Chuẩn)

Xăm hình có lẽ là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong xã hội. Có người phê phán xăm hình bởi cho rằng đó là dấu hiệu nhận biết dân anh chị, những kẻ hư hỏng, đua đòi, cũng có ý kiến bênh vực cho rằng hình xăm là những cái đẹp được lưu giữ trên cơ thể. Để có những nhìn nhận công bằng, khách quan về vấn đề này, trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là xăm hình? Xăm hình là hình thức lưu giữ những hình vẽ, biểu tượng trên da. Có người lựa chọn xăm hình vì yêu thích một hình ảnh nào đó, cũng có người xăm để lưu giữ kỉ niệm, thể hiện niềm tin tâm linh. Có thể thấy mục đích của việc xăm hình rất đa dạng, nó thỏa mãn được những nhu cầu về thẩm mĩ và tinh thần của con người. Tuy nhiên, cũng có không ít người xăm lên mình những hình ảnh không phù hợp với thuần phong mĩ tục để thể hiện “đẳng cấp” của bản thân hay xăm ở những bộ phận nhạy cảm để tăng thêm sức hấp dẫn của cơ thể. Hành động này đáng được lên án bởi nó đã gây ra những tranh cãi và những đánh giá không hay về việc xăm hình. Xăm hình không xấu, cũng không đáng phải mang ra tranh luận, mổ xẻ nếu như việc xăm hình ấy đúng mục đích và không trái với luân thường đạo lí. Chúng ta cần có cái nhìn cởi mở, khách quan hơn, không nên nhìn nhận, đánh giá một con người chỉ vì những hình xăm trên cơ thể họ không hợp với quan niệm thẩm mĩ của bản thân.

——————HẾT——————-

Cùng với bài Nghị luận 200 chữ về hình xăm, các em có thể mở rộng vốn hiểu biết và kĩ năng viết bài nghị luận của bản thân qua việc tham khảo: Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về hiện tượng hàng giả, hàng nhái trên thị trường hiện nay, Nghị luận xã hội về trách nhiệm của công dân đối với Tổ Quốc, Nghị luận xã hội về văn hóa cảm ơn, xin lỗi, Nghị luận về sự hy sinh thầm lặng trong cuộc sống.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button