Tổng hợp

Đào Tấn là ai? Tiểu sử của Đào Tấn

Đào Tấn là ai?

Đào Tấn (3 tháng 4 năm 1845 – 23 tháng 8 năm 1907), tự là Chỉ Thúc (止叔), hiệu là Tô Giang và Mộng Mai (夢梅), biệt hiệu là Tiểu Linh Phong Mai Tăng hoặc Mai Tăng (梅僧), là một nhà soạn tuồng nổi tiếng Việt Nam. Ông là vị quan thanh liêm thời nhà Nguyễn, đã từng giữ chức vụ Tổng đốc An – Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh), Công Bộ Thượng Thư.

Đào Tấn là ai?
Đào Tấn là ai?

Tiểu sử của Đào Tấn

Ông tên thật là Đào Đăng Tấn, sinh ngày 27 tháng 2 năm Ất Tỵ (tức 3 tháng 4 năm 1845), tại thôn Vinh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định (nay thuộc thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Do tránh quốc húy nên bỏ chữ Đăng, nên gọi gọn Đào Tấn.

Ông thuộc dòng dõi Lộc Khê hầu Đào Duy Từ (1572-1634), một danh nhân thời chúa Nguyễn, vào lập nghiệp ở đất Đàng trong đầu thế kỷ XVII. Cha là Đào Đức Ngạc, mẹ là Hà Thị Loan.

Thuở nhỏ, ông thọ giáo với cụ Tú Nguyễn Diêu, người làng Nhơn Ân (nay là thôn Nhơn Ân xã Phước Thuận cùng huyện); không những được thầy dạy chữ để đi thi mà còn đào tạo thành một nhà soạn tuồng. Năm 19 tuổi, lúc còn học với thầy, ông soạn tuồng đầu tay Tân Dã Đồn, nổi tiếng từ ấy.

Năm 23 tuổi, ông đỗ thứ 8 Cử nhân khoa Đinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định, dưới triều vua Tự Đức. Tuy nhiên, dù văn tài xuất chúng, ông không vượt được kỳ thi hội tiếp theo đó.

Sự nghiệp của Đào Tấn

Mãi đến bốn năm sau, năm Tự Đức thứ 24 (1871), khi vua Tự Đức cho soát xét lại những người chưa đỗ đạt, Đào Tấn mới được triệu về kinh thành Huế, được sơ bổ Điển tịch, sung vào Hiệu thư ở Nội các, tức hội nhà văn của triều đình, lo việc biên soạn và sáng tác, do vua Tự Đức làm chủ tọa.

Năm 1874, ông đư­ợc bổ nhiệm tri phủ Quảng Trạch sau thăng chức lên Phủ doãn Thừa Thiên. Làm quan suốt 3 triều, từ Tự Đức đến Thành Thái (1871 – 1904), ông kinh qua các chức vụ Tham biện, Tổng đốc An Tĩnh, Tổng đốc Nam Ngãi, Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Binh, Thượng thư Bộ Công, quan hàm nhất phẩm, được phong Hiệp biện Đại học sĩ, tước Vinh Quang tử. Năm 1904 vì chống đối với đại thần Nguyễn Thân, ông bị cách chức rồi lui về quê nhà ở ẩn.

Theo lời kể của cụ bà Đào Kim Yến (con gái ông, mất tại Sài Gòn năm 1958) thì ông là thầy dạy vua Thành Thái từ nhỏ và theo sát vua đến lúc bị Nguyễn Thân bức hại cách chức đuổi về quê. Tinh thần yêu nước chống Pháp của vua Thành Thái từ ông mà có nên năm 1907, khi vua Thành Thái bị Pháp ép thoái vị rồi bắt quản thúc, ông buồn rầu phát bệnh và mất vài tuần sau đó.

Đào Tấn là một vị quan thanh liêm, cương trực, được giới sĩ phu trọng nể và nhân dân yêu quý

Ông qua đời ngày 23 tháng 8 năm 1907. Hiện có ngôi mộ và đền thờ ông ở Bình Định. Tại Hà Nội và các tỉnh thành khác trên khắp cả nước, ông được xướng tên trên nhiều đường phố.

Sự nghiệp của Đào Tấn
Sự nghiệp của Đào Tấn

Sự nghiệp tuồng

Sinh thời, Đào Tấn làm thơ, viết từ khúc và soạn tuồng hát bội. Nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là sự nghiệp tuồng. Suốt thời gian làm quan, ông vừa làm quan vừa soạn tuồng, cống hiến cho nghệ thuật tuồng, hàng chục vở tuồng, những vở còn diễn đến ngày nay là Tam nữ đồ vương, Sơn Hậu, Đào Phi Phụng… Hàng chục vở tuồng do ông soạn thảo và chỉnh lý có giá trị, sức hấp dẫn trong văn tuồng Đào Tấn ở chỗ:

  • Gắn với những vấn đề mang ý nghĩa thời sự của đất nước, mặt khác lại mở ra hướng tiếp cận cuộc sống hiện thực với những quan niệm gần gũi với nhân dân, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của quần chúng.
  • Văn tuồng hiện đại, phá vỡ khuôn mẫu ước lệ công thức trong kết cấu kịch bản cũng như mang lại tính sinh động cho vở diễn. Tính bi kịch của tuồng cổ được xử lý mềm mại tinh tế, đan xen cả yếu tố hài kịch, nâng lên thành cái hài tư tưởng. Đào Tấn chú trọng xây dựng tính cách nhân vật, thổi hồn vào trong những nhân vật, tạo thành những hình tượng bất hủ.
  • Tính tự sự – trữ tình, chất thơ trong từng kịch bản tuồng.

Tuồng phản chiếu khá đầy đủ diện mạo tâm hồn Đào Tấn, cũng như đánh dấu những mốc quan trọng trong cuộc đời tác giả. Vở tuồng đầu tiên Tân Dã đồn (1864) chưa thật sự mang dấu ấn phong cách riêng độc đáo, mà chỉ có giá trị mở đầu cho nghiệp tuồng suốt cuộc đời ông.

Tài năng của Đào Tấn về lĩnh vực tuồng hát bội chỉ thật sự có điều kiện mài giũa, khi ông chính thức được bổ làm chức quan trong ban Hiệu thư, soạn tuồng do nhà vua chỉ định. Soạn những vở như vậy, tất yếu Đào Tấn không có đất để thể hiện cái tôi cá tính nghệ sĩ của mình, nhưng bù lại đó là khoảng thời gian ông trau dồi được vốn ngôn từ bác học, trau chuốt lời văn tuồng bóng bẩy, giàu tính ước lệ uyên bác và nghiêm ngặt trong từng ý từng câu.

Từ 1898 – 1902 Đào Tấn soạn Cổ thành hội (còn gọi là Quan Công quá quan), Trầm Hương các, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Hộ sanh đàn. Đây chính là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp tuồng Đào Tấn.

Quan niệm Đào Tấn đã thể hiện qua đôi câu đối ông viết ở “Học bộ đình”:

Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ
Sự đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân

Tạm dịch:

Trời chẳng cho nhàn vào bận rộn này tìm chút rảnh.
Việc đời như kịch, há trong chốn giả bảo không chân.

Câu đối trên đã cho thấy một Đào Tấn ý thức rất rõ vai trò của nghệ thuật hát bội trong mối liên hệ với cuộc sống. Ông muốn thông qua nghệ thuật hát bội để nói lên nỗi niềm trước thời cuộc của chính mình, đồng thời cũng nhận thấy giá trị di dưỡng tinh thần cao quý của bộ môn nghệ thuật này [2]

Có một giai thoại do cụ bà Đào Kim Yến (con gái ông, mất tại Sài gòn năm 1958) kể, hồi nhỏ bà được xem ông dựng vở Tây Du bằng cảnh thật, diễn viên diễn trong rừng núi thật, khán giả mang cơm nắm đi theo để xem diễn.

Vụ án bồi Ba

Bồi Ba là một tên tay sai khét tiếng của Pháp. Bồi Ba mua bò của một người dân, nhưng không trả tiền còn vu cho chủ bò là dư đảng của Cần Vương rồi bắt giam chủ bò và đánh đập họ tàn nhẫn. Nghe tin, Đào Tấn liền cho điều tra, lập hồ sơ đầy đủ. Khi đã nắm chắc tội trạng của bồi Ba, Đào Tấn sai lính chặn đường bắt bồi Ba nhưng không đưa về giam trong ngục Phủ mà đưa thẳng ra bờ sông Hương, quãng khúc sông chảy qua kinh thành để trị tội chém đầu. Khâm sứ Pháp hạch hỏi, Đào Tấn trả lời: Hắn làm việc cho bảo hộ nhưng hắn vẫn là người Việt Nam, sống ở đất Việt Nam, gây tội với dân Việt Nam thì sao quan Việt Nam không xử hắn mà phải hội thương với Bảo hộ?

Đào Tấn và những cống hiến cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam

Suốt cuộc đời mang hết tâm huyết cống hiến cho nghệ thuật tuồng, là người đầu tiên mở trường đào tạo nghệ nhân tuồng trên đất Việt, là người đã để lại hàng trăm pho kinh điển và mẫu mực cho sân khấu tuồng Việt Nam… Đào Tấn xứng đáng được suy tôn là ông tổ nghề tuồng Việt Nam.

Đào Tấn và những cống hiến cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam
Đào Tấn và những cống hiến cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam

Sinh năm 1845 trong một gia đình dòng dõi quý tộc ở làng Vĩnh Thịnh, tổng Nhân Ân, phường Tuy Phước, tỉnh Bình Định, tài năng của Đào Tấn bộc lộ ngay từ tuổi thiếu niên. Năm 12 tuổi, đã làm được nhiều bài thơ hay, 19 tuổi đã viết được kịch bản tuồng, 22 tuổi đỗ cử nhân và ba năm sau tên tuổi của ông đã vang tới tận triều đình nhà Nguyễn. Vua Tự Đức đã vời ông về kinh sung chức Hiệu thư (quan phụ trách văn học). Đào Tấn từng làm Tri phủ Quảng Trạch, Phủ doãn Thừa Thiên, hai lần làm Tổng đốc Nghệ An Hà Tĩnh và bốn lần làm thượng thư, mặc dù đã có lúc ông treo ấn từ quan về quê theo đuổi nghiệp sáng tác tuồng…

Nói đến Đào Tấn là nói đến sự cống hiến lớn lao đối với môn nghệ thuật tuồng. Sân khấu Tuồng Việt Nam phát triển từ rất sớm và đến đầu thế kỷ thứ XVIII đã xuất hiện nhiều vở diễn nổi tiếng còn truyền lại cho hậu thế sau này. Nhưng môn nghệ thuật tuồng vẫn còn hạn chế do cách tổ chức chưa được chuyên nghiệp. Đến thời Đào Tấn, bằng lao động sáng tạo, lòng say mê, tâm huyết và tài năng của mình ông đã đóng góp cho môn nghệ thuật Tuồng Việt Nam đạt được những bước tiến rực rỡ.

Ông là người đầu tiên thành lập các đội tuồng chuyên nghiệp được hưởng lương và cấp bậc. Ông cũng là người đầu tiên mở Học bộ đình, trường đào tạo diễn viên chính quy ở Vinh (Nghệ An) và ở Bình Định.

Đào Tấn đã để lại hậu thế một di sản nghệ thuật đồ sộ với hơn 1.000 bài thơ, từ, gần 100 vở tuồng và tập sách lý luận sân khấu mang tên “Hý trường tùy bút” cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật khác. Trong hơn 100 vở tuồng của ông, có rất nhiều vở nổi tiếng, đến nay vẫn còn được biểu diễn như: “Cổ thành”, “Hộ sinh đàn”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, “Diễn võ đình”… Những vở tuồng của Ðào Tấn đã để lại trong lòng quần chúng nhiều điển hình nhân vật không phai mờ về những con người bất khuất, không chịu đầu hàng trước những điều bất công. Ông cũng đã lên án mạnh mẽ cái xấu xa của bọn vua quan phong kiến với những suy nghĩ rất mới mẻ, gần với chủ nghĩa hiện thực. Ông có công nâng văn học tuồng lên trình độ bác học và sáng tạo một phương pháp sáng tác mới cùng với những cách tân trong nghệ thuật biểu diễn.

Đào Tấn vừa là người bảo vệ truyền thống, vừa là người phát huy và cách tân tuồng truyền thống. Ông đưa tuồng từ dân gian vào cung đình, rồi từ cung đình tỏa ra dân gian. Vì vậy, mà dân gian gọi là “Tuồng cụ Đào”. Ông là người đầu tiên phá vỡ đề tài “Quân quốc”, một đề tài duy nhất của tuồng cổ, phá vỡ cả nguyên tác kết cấu kịch bản truyền thống là “có hậu”. Kết cấu kịch bản tuồng của Đào Tấn không có hậu mà có những cuộc ra đi tìm chân lý của các nhân vật anh hùng nghĩa sĩ, những nạn nhân của triều đình phong kiến…

Nhân dân đam mê tuồng Đào Tấn không chỉ bởi màn lớp tuồng ly kỳ lý thú, diễn viên hát hay, múa đẹp mà còn bởi họ tìm được ở đó nhiều giá trị nhân văn. Sống trong xã hội phong kiến suy tàn, nhân dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hệ tư tưởng Nho giáo. Con người bị đè nén trói buộc bởi Tam Cương, Ngũ Thường,… Bước vào thế giới nghệ thuật của Đào Tấn, nhân dân tìm được những gì họ mong ước. Đó là sự bình đẳng trong quan hệ nam nữ; công bằng giữa kẻ đúng người sai; không phân biệt sang – hèn, giàu – nghèo,… Điều này thể hiện rất rõ ở các tác phẩm của ông. Nếu như nam anh hùng có Tiết Cương, Kim Lân, Quan Vũ, Trương Phi,… thì nữ kiệt cũng có Lan Anh, Dương Tú Hà, Phương Cơ, Xuân Hương, Bích Hà,…

Đào Tấn mong lấy nghệ thuật làm cho con người hoàn thiện hơn và sống tốt hơn. Điều này không những được thể hiện trong toàn bộ sáng tác của ông (văn thơ và kịch bản) mà cả trong quan điểm lý luận của ông.

Có thể nói trong lịch sử tuồng Việt Nam, Đào Tấn là tác giả viết nhiều nhất và có chất lượng cao nhất và ngoài ra ông còn có công trong hoàn thiện âm nhạc tuồng, hệ thống các vấn đề mỹ thuật sân khấu tuồng như trang trí, trang phục đến đạo cụ. Với đóng góp đặc biệt xuất sắc, Đào Tấn đã được các thế hệ đời sau suy tôn” Hậu tổ” của nghệ thuật Tuồng Việt Nam

Giai đoạn Đào Tấn còn sống, là thời kỳ phát triền hưng thịnh nhất của nghệ thuật tuồng. Sau này, mặc dù ông đã khuất, Học bộ đình cũng không còn nhưng từ vườn ươm ấy, nghệ thuật tuồng đã nảy nở khắp nơi. Các học trò của ông là những nghệ sĩ tài năng nổi tiếng nhất, mà cho đến bây giờ khó có ai sánh kịp về hát, về múa, về diễn xuất có chiều sâu. Đến nay đã có mười thế hệ tiếp nối phong cách tuồng của Đào Tấn.

Đào Tấn - Vị “Hậu Tổ” Của Nghệ Thuật Tuồng Việt Nam
Đào Tấn – Vị “Hậu Tổ” Của Nghệ Thuật Tuồng Việt Nam

Họ đang là diễn viên trụ cột của các đoàn tuồng khắp đất nước. Nghệ thuật sáng tác cũng như kỹ thuật biểu diễn tuồng của Đào Tấn đã trở thành cổ điển, mẫu mực, hai nhà soạn tuồng nổi tiếng như Nguyễn Hiển Dĩnh, Ưng Bình Thúc Giạ Thị ở Quảng Nam và ở Huế đều kế thừa phương pháp nghệ thuật Đào Tấn mà ngày nay chúng ta cần học tập, ứng dụng trong sáng tác, biểu diễn và trong đào tạo.

Theo Giáo sư nghệ thuật sân khấu Hoàng Chương: “Tuồng Đào Tấn luôn là hình mẫu của nghệ thuật tuồng từ xưa đến nay. Tính độc đáo của tuồng Đào Tấn chính là sự tiếp thu tinh hoa tuồng thế kỷ XVIII, nhưng đã có sự thay đổi lớn về nội dung tư tưởng. Trong tuồng Đào Tấn, tư tưởng chính nghĩa luôn sáng ngời, cũng giống như chính cuộc đời ông, một vị quan thanh liêm. Về kết cấu nghệ thuật, không còn khô cứng như tuồng thế kỷ XVIII, tuồng Đào Tấn đầy tính chất bi hùng, quyết liệt nhưng vẫn mang đậm tính lãng mạn, trữ tình, gần gũi với người dân. Ông cũng là người đã mạnh dạn đưa các làn điệu dân ca Việt Nam vào nghệ thuật tuồng để diễn tả tâm trạng các nhân vật một cách linh hoạt. Chính Đào Tấn cũng là người đầu tiên đưa võ thuật dân tộc vào trong tuồng khiến tuồng Đào Tấn nói riêng, tuồng Việt Nam nói chung mang đậm bản sắc riêng khác hẳn với tuồng Trung Quốc… Từ trước đến nay và mãi mãi về sau, các vở tuồng của Đào Tấn luôn là kiệt tác và là mẫu mực cả về kết cấu nghệ thuật và văn chương”.

Với những đóng góp lớn lao cho nghệ thuật tuồng dân tộc, Đào Tấn đã được Nhà nước tôn vinh là Danh nhân Văn hóa quốc gia. Khu mộ của ông trên núi Huỳnh Mai (Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) cũng được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

********************

Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Tổng hợp

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button