Giáo dụcLớp 12

Soạn bài Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) – Phần 2: Tác phẩm

Thầy cô trường THPT Ngô Thì Nhậm sẽ hướng dẫn soạn bài Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) – Phần 2: Tác phẩm để các bạn cùng tham khảo

I. Kiến thức cơ bản trong bài Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh)

Tháng 8 năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Nhân dân ta vùng dậy giành chính quyền ở khắp nơi trên cả nước. Ngày 19-8-1945, chính quyền ở thủ đô Hà Nội về tay nhân dân. Ngày 26-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới.

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn: tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta và mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do của dân tộc. Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận đặc sắc, đầy sức thuyết phục, thể hiện tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh đồng thời kết tinh khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của dân tộc ta.

Bạn đang xem: Soạn bài Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) – Phần 2: Tác phẩm

II. Hướng dẫn soạn bài Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) – Phần 2: Tác phẩm

Soạn bài Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) – Phần 2: Tác phẩm ngắn ngọn

Câu 1 (trang 41 sgk ngữ văn 12 tập 1) Bố cục của Tuyên ngôn Độc lập.

Phần 1: (từ đầu đến không chối cãi được): cơ sở pháp lý và chính nghĩa

Phần 2: (tiếp đến phải được độc lập): vạch trần sự tàn ác, bộ mặt của thực dân Pháp

Phần 3: (còn lại) lời tuyên bố độc lập của nhân dân ta

Câu 2: Ý nghĩa của việc trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập (1776) của nước Mĩ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.

– Việc trích dân tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp và bản tuyên ngôn Độc lập của Mĩ là cách lập luận sắc bén, khéo léo của tác giả

+ Dùng làm cơ sở pháp lí tuyên bố nền độc lập cho nước mình.

+ Đó là cơ sở suy rộng ra nền tự do của các dân tộc bị áp bức trên thế giới

– Ý nghĩa về mặt lập luận:

+ Tăng sức thuyết phục cho lời tuyên ngôn độc lập

+ Thể hiện sự khôn khéo, quyết liệt trong cách chiến đấu với kẻ thù

+ Nghệ thuật gậy ông đập lưng ông là nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông” dùng chính lý lẽ chính nghĩa của Pháp, Mỹ đập lại luận điệu xảo trá của chúng.

Câu 3: Về đoạn văn tố cáo tội ác của thực dân Pháp trong phần thứ hai của bản Tuyên ngôn Độc lập.

Tác giả vạch trần bản chất tàn bạo, xảo quyệt của thực dân bằng lý lẽ và sự thật xác đáng:

– Thực dân Pháp kể công “khai hóa”, thực tế chúng “cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”

+ Dẫn chứng cụ thể vạch mặt chúng về chính trị, xã hội, kinh tế

+ Đưa ra hình ảnh thực tế đất nước ta “xác xơ, tiêu điều”, nhân dân “nghèo nàn, thiếu thốn”

+ Điệp từ “chúng” liệt kê hàng loạt tội ác chồng chất, cứa sự căm thù của thực dân

– Thực dân Pháp kể công “bảo hộ” nhưng thực tế “chúng bán nước ta hai lần cho Nhật”:

+ Mùa thu 1940 thực dân Nhật xâm lược Đông Dương, Pháp “quỳ gối, đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật” → Pháp hèn nhát, vô trách nhiệm

+ Chúng “thẳng tay khủng bố Việt Minh” khi bỏ chạy còn “nhẫn tâm giết tù chính trị”

– Pháp khẳng định Đông Dương là thuộc địa của chúng thì Người khẳng định Đông Dương là thuộc địa của Nhật

Nước ta đứng lên giành độc lập từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp.

→ Bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh khẳng định sự thật, lý lẽ thuyết phục, khẳng định nền độc lập dân tộc nhờ đấu tranh.

Câu 4: Về phong cách chính luận của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập.

Tác phẩm Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận xuất sắc: lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, ngôn ngữ hùng hồn

– Lý luận thống nhất và chặt chẽ trong toàn bài

– Luận điểm xác thực, không thể chối cãi được

– Lý lẽ hùng hồn, đầy sức thuyết phục

– Đanh thép, sắc sảo khi biểu hiện tính chiến đấu, thái độ dứt khoát và bản lĩnh phi thường, sắc sảo ở trí tuệ, lối lập luận

→ Tuyên ngôn độc lập xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn, có giá trị lịch sử lớn lao

Hướng dẫn luyện tập

Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận có khả năng lay động hàng chục triệu trái tim con người Việt Nam

– Đoạn văn khẳng định tinh thần kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm của người dân Việt Nam

– Lời trịnh trọng tuyên bố độc lập “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”

– Khẳng định quyết tâm bảo vệ đến cùng nền độc, tự do

Tuyên ngôn độc lập trở thành áng văn chính luận xúc động lòng người được bộc lộ từ tấm lòng của người viết: đó là tấm lòng yêu nước nồng nàn, tự hào dân tộc mãnh liệt, khao khát độc lập tự do và ý chí quyết tâm bảo vệ tự do, độc lập ở Hồ Chí Minh

Tấm lòng đó đã truyền vào trong từng lời văn tha thiết, tự hào đanh thép, có sức lay động tới triệu trái tim Việt Nam

Soạn bài Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) – Phần 2: Tác phẩm đầy đủ nhất

1. Bố cục của Tuyên ngôn Độc lập.

– Phần một (từ đầu đến “Đó là nhưng lẽ phải không ai chối cãi được”): tác giả đưa ra tiên đề lí thuyết của bản tuyên ngôn làm cơ sở cho các luận điểm, lập luận của mình.

– Phần hai (từ câu tiếp theo đến “Dân tộc đó phải được độc lập!”): tác giả tố cáo thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”. Người tóm tắt và ngợi ca cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, đuổi Nhật và khẳng định quyền được hưởng độc lập, tự do của nhân dân ta.

– Phần ba (đoạn còn lại): tuyên bố nền độc lập, tự do của nước Việt Nam và khẳng định cả dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do, độc lập ấy.

2. Ý nghĩa của việc trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập (1776) của nước Mĩ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập không phải chỉ để đọc trước quốc dân đồng bào mà còn tuyên bố với thế giới, đặc biệt là với bọn đế quốc, thực dân đang âm mưu tái xâm lược nước ta. Chúng nấp sau quân Đồng minh vào tước khí giới quân đội Nhật. Tiến vào từ phía Bắc là quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc, đằng sau là đế quốc Mĩ, tiến vào từ phía Nam là quân đội Anh, đằng sau là lính viễn chinh Pháp. Lúc này, thực dân Pháp tuyên bố Đông Dương là đất bảo hộ của người Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đã đầu hàng, vậy Đông Dương đương nhiên -phải trở lại với người Pháp. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh đã bác bỏ dứt khoát những luận điệu đó.

Ra đời trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, các nước Đồng minh đang tranh giành ảnh hưởng đòi chia quyền kiểm soát những vùng bọn phát xít từng chiếm đóng, do đó, trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mĩ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp ở phần mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh khẳng định: quyền độc lập, tự do, bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc của các dân tộc là chân lí mà chính tổ tiên của người Mĩ, người Pháp đã từng tuyên bố. Cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam chống phát xít, chống đế quốc chính là để thực hiện chân lí mà nhân dân hai nước Mĩ và Pháp từng tranh đấu để đạt tới. Cuộc đấu tranh ấy là chính nghĩa, không ai có thể phủ nhận. Cách lập luận của tác giả rất chặt chẽ, đầy tính chiến đấu, là nghệ thuật dùng “gậy ông đập lưng ông”, “dùng khoá của địch khoá miệng địch”.

3. Về đoạn văn tố cáo tội ác của thực dân Pháp trong phần thứ hai của bản Tuyên ngôn Độc lập.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác bỏ những luận điệu xảo trá của thực dân Pháp nhằm hợp pháp hoá việc trở lại xâm lược Việt Nam và tố cáo tội ác của chúng trong hơn 80 năm cai trị nước ta. Người đã đưa ra những dẫn chứng thật tiêu biểu về nhiều phương diện (chính trị, kinh tế, quân sự), những số liệu cụ thể, không thể bác bỏ với một giọng văn vừa hùng biện vừa trữ tình và cách lập luận rất chặt chẽ.

– Về chính trị: thực dân Pháp tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man, lập ra nhà tù nhiều hơn trường học, đàn áp các cuộc khởi nghĩa của ta, thi hành chính sách ngu dân,…

– Về kinh tế: thực dân Pháp bóc lột nhân dân ta đến tận xương tuỷ, vơ vét tài nguyên, đặt ra những thứ thuế vô lí, làm cho hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói,…

– Về quân sự: khi “phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương” thì thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, chúng không những không bảo hộ được ta mà còn bán nước ta hai lần cho Nhật, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh và nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị,…

Đoạn văn tố cáo tội ác của thực dân Pháp không chỉ chân xác về tư liệu, chặt chẽ về lập luận mà còn rất giàu hình ảnh. Điệp từ “chúng” liên tiếp được nhắc lại làm âm hưởng của đoạn văn thêm nhức nhối. Đằng sau những dẫn chứng thực tế hùng hồn là lòng căm thù quân xâm lược, là tình yêu nước thương dân chan chứa, xót xa. Bản cáo trạng đanh thép mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố trước toàn nhân loại về tội ác, bản chất vô nhân đạo của thực dân Pháp và những chính sách tàn bạo mà chúng đã thi hành trong hơn 80 năm đối với nhân dân Việt Nam đã bác bỏ dứt khoát, hùng hồn những luận điệu xảo trá nhằm âm mưu trở lại xâm lược nước ta của chúng.

4. Về phong cách chính luận của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập.

Văn phong Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập rất ngắn gọn, súc tích, đanh thép, sắc sảo, đầy sức thuyết phục. Với cách lập luận chặt chẽ, Người đưa ra những lí lẽ đanh thép, những bằng chứng tiêu biểu, xác đáng không ai chối cãi được. Ngòi bút chính luận vừa hùng biện vừa trữ tình; cách dùng từ, đặt câu hết sức linh hoạt. Tuyên ngôn Độc lập vừa có giá trị lịch sử lớn lao, vừa xứng đáng là tác phẩm văn chương đích thực, một mẫu mực của văn chính luận hiện đại.

Hướng dẫn luyện tập

Điều thiêng liêng nhất đối với một đất nước, một dân tộc chính là vấn đề độc lập, chủ quyền. Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử của quá trình dựng nước gắn liền với công cuộc giữ nước. Trong lịch sử, không ít lần cha ông ta đã cất cao tiếng nói tự hào khẳng định và ca ngợi nền độc lập, tự do của dân tộc. Theo suốt chiều dài lịch sử, âm vang của những Sông núi nước Nam (Lí Thường Kiệt (?)), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi),… vẫn vọng mãi trong lòng người.

Coi sáng tác văn chương là một hành vi cách mạng, những tác phẩm văn chính luận của Hồ Chí Minh trước hết có giá trị chính trị, lịch sử nhưng không thể phủ nhận những giá trị nghệ thuật của nó. Văn chính luận của Hồ Chí Minh chứa đựng những tư tưởng lớn, tình cảm lớn, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngòi bút sắc bén, tinh nhạy và tâm hồn chan chứa yêu thương. Với Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh khẳng định nền độc lập, tự do, chủ quyền dân tộc. Bản Tuyên ngôn chứa đựng những tư tưởng lớn lao, cao cả, không chỉ tuyên bố với nhân dân Việt Nam mà còn là lời tuyên bố trước toàn thể thế giới, lời cảnh tỉnh bè lũ tay sai phản động đang âm mưu phá hoại thành quả cách mạng; bọn đế quốc, thực dân đang lăm le chiếm lại nước ta. Lời tuyên bố độc lập của Hồ Chí Minh thật mạnh mẽ, hùng hồn và đầy sức thuyết phục. Dường như bao nhiêu sức sống, bao nhiêu khát vọng của dân tộc được chắt chiu dồn tụ trong lời tuyên bố ấy. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Đó là một chân lí lịch sử, một thực tế cần phải được thừa nhận. Nước Việt Nam cũng có quyền tự do, độc lập như bao nhiêu dân tộc khác, con người Việt Nam cũng có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Con người sinh ra đã là người tự do, không có một thế lực, một sức mạnh nào có thể tước bỏ, phủ nhận cái quyền thiêng liêng mà bình dị ấy. Hồ Chí Minh đã kiêu hãnh đặt dân tộc Việt Nam ngang hàng với các dân tộc trên thế giới, trong đó có Mĩ và Pháp. Quyền được “hưởng tự do và độc lập” chính là ước mơ, khát vọng tự ngàn đời của dân tộc ta. Hồ Chí Minh đã khẳng định ước mơ, đòi hỏi ấy là chính đáng và kiêu hãnh khẳng định đó là một chân lí khách quan, một lẽ phải, một thực tế lịch sử. Nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam cần phải được thừa nhận. Hồ Chí Minh khẳng định độc lập, tự do là thành quả đẹp đẽ, cao quý mà dân tộc ta đã phải đổi bằng bao mồ hôi, xương máu. Để có được “sự thật” ấy, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua những gian khổ, hi sinh, bởi vậy “sự thật” ấy thiêng liêng hơn tất cả, nó cần được khẳng định và thừa nhận. Hồ Chí Minh không chỉ hướng tư tưởng của mình vào thực tại, trong lời tuyên bố của Người còn ẩn chứa cái nhìn dài rộng, sâu xa về quá khứ và tương lai. Lập luận của Người chặt chẽ, sắc sảo khiến người đọc, người nghe không thể phủ nhận: bắt đầu đi từ một chân lí, quy luật khách quan, rồi khẳng định, chứng minh nó bằng thực tế lịch sử. Bởi vậy, lời tuyên bố của Người không chỉ vững vàng về lí luận mà còn được chứng minh hùng hồn bằng một sự thật hiển nhiên. Quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam không chỉ được khẳng định trên lí thuyết mà còn được lịch sử chứng minh; không chỉ là mơ ước, khát vọng mà đã trở thành một sự thật không thể chối cãi.

Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh còn là một lời thề son sắt khẳng định toàn thể nhân dân Việt Nam sẵn sàng chiến đấu, hi sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Giành được độc lập đã khó nhưng giữ được độc lập còn khó hơn. Vì thế, Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định nền độc lập trong hiện tại mà còn dự báo tương lai và khẳng định quyết tâm: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tư tưởng của Người vạch ra một con đường, nêu cao ý chí, quyết tâm của toàn thể dân tộc. Tư tưởng ấy không đi ra ngoài truyền thống yêu nước chống ngoại xâm ngàn đời của dân tộc ta. Nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững nền độc lập của dân tộc được đặt ra không của riêng ai, đó là nhiệm vụ sống còn, thiêng liêng của “toàn thể dân tộc Việt Nam”. Mỗi con người phải là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà phải là một pháo đài, tất cả phải sẵn sàng sống còn vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nó thể hiện một niềm tin mãnh liệt vào nền độc lập của nước nhà, cảnh báo và thách thức mọi thế lực âm mưu xâm chiếm. Lời văn như dựng dậy tư thế hiên ngang, bất khuất, kiên cường của dân tộc ta. Ở một phương diện khác, Tuyên ngôn Độc lập còn dự báo tương lai của lịch sử dân tộc, đặt ra những thách thức khó khăn, những nhiệm vụ của nhân dân Việt Nam trong quá trình bảo vệ, gìn giữ quyền tự do, độc lập thiêng liêng của dân tộc.

Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh, thể hiện ước vọng tự do, hoà bình của con người Việt Nam tự ngàn đời. Nó không chỉ tiếp thu được tinh hoa tư tưởng của những văn kiện lịch sử trong quá khứ mà còn phát triển lên những tầm cao mới. Bởi vậy, Tuyên ngôn Độc lập không nằm ngoài mạch nguồn tư tưởng truyền thống của dân tộc nhưng vẫn mang tinh thần của thời đại.

Tuyên ngôn Độc lập xứng đáng là mẫu mực của văn chính luận hiện đại. Tác phẩm trở thành một phần thiêng liêng của lịch sử bởi nó đã chạm đến cái phần sâu nhất của khát vọng dân tộc: quyền độc lập, tự do. Nó cũng lí giải vì sao kể từ khi ra đời cho đến nay Tuyên ngôn Độc lập đã, đang và sẽ còn lay động hàng chục triệu trái tim con người Việt Nam.

Trên đây là hướng dẫn Soạn bài Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) – Phần 2: Tác phẩm được các THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn trong chuyên mục soạn văn 12. Các em có thể tham khảo đầy đủ các bài soạn văn lớp 12 ở đó nhé.

Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button