Giáo dụcLớp 11

Cảm nhận về bài thơ Chạy giặc

Đề văn: Cảm nhận về bài thơ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu.

cam nhan ve bai tho chay giac

Cảm nhận về bài thơ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu

Bạn đang xem: Cảm nhận về bài thơ Chạy giặc

Bài làm:

Trong vườn hoa không phải tất cả những loài hoa đều có thể nở rộ, khoe sắc thắm và trong văn chương cũng vậy, không phải tác phẩm nào cũng có thể trường tồn cùng thời gian. Thế nhưng, Nguyễn Đình Chiểu – một ngôi sao sáng của dân tộc đã thổi hồn vào đứa con “Chạy giặc” của mình để nó trở thành một trong những bài thơ tiêu biểu của dòng thơ yêu nước trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

Chúng ta từng biết đến Nguyễn Đình Chiểu với nhiều tập truyện thơ đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như “Lục Vân Tiên”, “Chúng tử tế mẫu văn”,… Đặc biệt, vào thời khắc năm 1858 khi thực dân Pháp nổ súng mở đầu cho cuộc xâm lược nước ta với những thủ đoạn vô cùng dã man và tàn bạo khiến lòng căm thù giặc của nhà thơ ngày càng dâng cao.

Bằng ngòi bút điêu luyện, nhà thơ đã miêu tả hiện thực đất nước đầy đau thương trong buổi đầu bị xâm lược. Đó là khi giặc Pháp tấn công vào thành Gia Định lúc “tan chợ” ở hai câu đề:

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay.”

Cảnh họp chợ báo hiệu một cuộc sống yên bình, ấm no của con người, nay chợ đã tan, “tiếng súng Tây” đã làm xáo trộn cuộc sống thường nhật của người dân. Tiếng súng bất ngờ ấy đã làm cảnh tượng khu chợ trở nên tan tác, thê lương. Bằng biện pháp ẩn dụ nhà thơ gọi tiếng súng của giặc Pháp là “tiếng súng Tây” để lên án gay gắt và thể hiện một thái độ căm phẫn với những hành động xâm lăng của chúng. Thái độ căm thù giặc đó còn được thể hiện trong bài “Than đạo” của Nguyễn Đình Chiểu:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

“Tiếng súng Tây” bất ngờ nổ lên khiến mọi người đều chạy hoảng loạn. Đáng lẽ ra, sau giây phút họp chợ là giây phút mà nhà nhà vui vẻ, đám trẻ con háo hức vì được bà hay được mẹ mua quà vặt. Cho dù đó là những thứ nhỏ bé, dân dã của làng quê như mấy viên kẹo bột, kẹo lạc hay những bộ quần áo mới thì tất cả đều khiến lũ trẻ mong chờ. Cả gia đình sẽ quây quần bên nhau để chế biến con cá vừa mới mua ở chợ hay kể về một người thân thích lâu không gặp nay bỗng gặp lại trong phiên chợ đó. Những khoảnh khắc ấy thật yên bình và hạnh phúc biết bao. Vậy mà tiếng súng lại vang lên phá tan đi những mái nhà yên ấm, những hạnh phúc bình dị đó. Có ai không đau lòng, không xót xa trước cảnh tượng ấy?

Nhà thơ đã so sánh thế nước như “một bàn cờ thế phút sa tay” để nói lên sự thất thủ của quân triều đình chỉ trong chớp nhoáng khiến cho vận nước rơi vào tay giặc. Đằng sau mỗi ý thơ đều ẩn chứa một tâm trạng đầy bất an và lo lắng của nhà thơ về vận nước lúc bấy giờ. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta cũng là lúc nhân dân ta bước vào thời kì nô lệ, họ luôn phải sống trong lầm than, khổ cực dưới ách áp bức của thực dân.

Nhà thơ đã tái hiện lại cảnh tượng con người chạy hoảng loạn đầy xót xa ở hai câu thực:

“Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ bầy chim dáo dác bay”.

Các từ ngữ: “Bỏ nhà”, “lơ xơ chạy”, “mất ổ”, “dáo dác bay” đã đặc tả sự tan nát, hoang sơ đầy thương cảm khi lũ giặc xả súng tấn công tổ quốc. Nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh điển hình, lấy “lũ trẻ” để đại diện cho sự sống con người, lấy “đàn chim” để đại diện cho thế giới tự nhiên. Hai hình ảnh ấy đã trở thành điển hình cho nỗi đau thương của dân lành khi cả những đứa trẻ cũng phải chạy giặc, bầy chim cũng phải rời tổ để tìm chỗ ẩn náu cho mình. Nghệ thuật đảo ngữ đã lên án tội ác của giặc khiến cho những đứa trẻ cũng phải toán loạn chạy tìm nơi ẩn náu, bầy chim trên kia mất ổ cũng phải bay đi nơi khác. Các từ láy “lơ xơ”, “dáo dác” có tính chất tạo hình cao giúp bạn đọc như được trở lại cùng người dân “chạy giặc” lúc bấy giờ.

Tác giả đã phác họa bức tranh ấy không chỉ ở những vùng quê, những khu chợ mà còn ở cả chốn đô thị sầm uất nay cũng trở nên tan tác ở hai câu luận:

“Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.”

Chúng ta biết đến Bến Nghé là nơi các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa diễn ra sầm uất với các tàu bè tấp nập khoảng hai trăm năm về trước, còn Đồng Nai là một trong những vựa lúa lớn của miền Nam. Thế nhưng chỉ trong nháy mắt đã bị giặc Pháp cướp bóc, phá tan hoang đến mức nhanh như “bọt nước”. Sự càn quét của giặc Pháp như một cơn lũ, chúng cuốn trôi đi tất cả, cướp đi biết bao sinh mạng, tài sản của nhân dân. Chúng đốt những mái ấm của nhân dân ta khiến cho lửa khói dâng cao ngút trời bao phủ cả khoảng không rộng lớn. Nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật so sánh độc đáo “của tiền tan bọt nước”, “tranh ngói nhuốm màu mây” để lột tả bộ mặt tàn ác của quân xâm lăng. Sức tàn phá của chiến tranh thật ghê gớm. Chiến tranh không chỉ đảo lộn cuộc sống thường ngày mà chiến tranh còn làm mất mát bao của cải, tài sản của nhân dân, đẩy dân lành vào cảnh điêu đứng. Trước thảm cảnh đó, không ai có thể ngăn được sự xót xa, đau đớn dành cho hoàn cảnh của chính mình và dân tộc.

Tội ác quân giặc làm sao kể xiết, nhà thơ không khỏi lo lắng, đau xót trước cảnh nước nhà rơi vào tình trạng bi thương, thê thảm. Điều đó được thể hiện rõ ở hai câu kết:

“Hồi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nợ này?”

Câu hỏi tu từ ở cuối bài đã cho chúng ta thấy tấm lòng yêu nước tràn đầy nhiệt huyết, một dòng máu nóng đang chảy trôi trong tâm hồn nhà thơ, đó chính là tiếng lòng quặn thắt trước thực tại đầy đau xót của nhà thơ, đó cũng là sự thất vọng sâu sắc về phía triều đình. Từ đó ta cảm nhận được một trái tim đang rực cháy tình yêu quê hương, đất nước, một tấm lòng nhân hậu đầy thương cảm khi chứng kiến cảnh “dân đen” phải chịu cảnh lầm than. Những “trang dẹp loạn”, những anh hùng, vua quan nhà Nguyễn đi đâu vắng lại để cho dân đen gồng mình chịu nạn? Những con người sống bằng mồ hôi, công sức, xương máu của nhân dân lại bỏ mặc nhân dân khi họ lâm vào khốn khó. Triều đình ấy đã không đứng lên bảo vệ nhân dân, dẹp giặc ngoại xâm mà lại trở nên hèn nhát, bạc nhược.

Bài thơ “Chạy giặc” đã tái hiện chân thực thời kì đau thương của đất nước, thể hiện ngọn lửa của lòng yêu nước luôn cháy bỏng trong tâm hồn nhà thơ. Nguyễn Đình Chiểu tuy không trực tiếp chiến đấu với quân địch trên chiến trường nhưng ngòi bút của ông lại có tính chiến đấu mạnh mẽ. Ông đã dùng ngòi bút của mình để lên án tội ác của giặc, thể hiện chí căm thù giặc đến ngút trời đồng thời thổi hồn vào đó một tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt. Dưới ngòi bút của nhà thơ, “Chạy giặc” thật xứng đáng là áng văn yêu nước trường tồn mãi mãi cùng thời gian.

————————HẾT————————–

Ngoài phần Cảm nhận về bài thơ Chạy giặc, các em cần tìm hiểu Phân tích truyện ngắn Chiếc lược ngà cũng như nội dung Soạn bài Chạy giặc để nắm rõ tác phẩm này.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button