Giáo dụcLớp 11

3 Đề đọc hiểu Nhà mẹ Lê (Thạch Lam) có đáp án chi tiết

Nhà mẹ Lê đọc hiểu

3 Đề đọc hiểu Nhà mẹ Lê (Thạch Lam) trắc nghiệm, tự luận có đáp án chi tiết được THPT Ngô Thì Nhậm tổng hợp từ các bài thi kiểm tra sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn luyện tại nhà trước khi bước vào kì thi sắp tới. Hy vọng với 3 bộ đề Nhà mẹ Lê đọc hiểu dưới đây, các em sẽ trả lời đúng toàn bộ các câu hỏi trong bài thi nhé.

Đề đọc hiểu Nhà mẹ Lê (Thạch Lam) có đáp án chi tiết
Đề đọc hiểu Nhà mẹ Lê (Thạch Lam) có đáp án chi tiết

Tóm tắt truyện Nhà mẹ Lê

“Nhà mẹ Lê” là câu chuyện kể về cuộc đời nhiều đau khổ, nghèo đói của những người dân ngụ cư. Nổi bật trong đó chính là gia đình nhà mẹ Lê với một người mẹ nhưng có 11 người con. Cuộc sống tăm tối, nghèo đói, làmm bao nhiêu cũng không đủ. Cái nghèo cứ đeo bám, vì thương con mẹ Lê đi vay nhà ông Bá ít gạo. Nhưng số phận trớ trêu, đã không được cho vay mẹ Lê còn bị ông Bá cho chó ra cắn. Từ vết thương ấy, mẹ Lê đã ra đi mãi mãi để lại những đứa con thơ dại.

Đọc hiểu Nhà mẹ Lê – Đề số 1

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa, mà đứa nhớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.

Mẹ con bác ta ở một căn nhà cuối phố, cái nhà cũng lụp xụp như những căn nhà kháC. Chừng ấy người chen chúc trong một khỏang rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan đã gẫy nát. Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúC. Đối với những người nghèo như bác, một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi chừng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữA. Thế là cả nhà nhịn đói. Mấy đứa nhỏ nhất, con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm ấp lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó.

(Trích Nhà mẹ Lê – Thạch Lam)

Câu 1. Văn bản trên có sự kết hợp giữa các phương thức biểu đạt nào? Tác dụng của việc kết hợp đó là gì?

Lời giải:

Văn bản sử dụng kết hợp phương thức biểu đạt tự sự và miêu tả để khắc họa một cách chân thực và làm nổi bật gia cảnh nhà mẹ Lê.

Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản trên?

Lời giải:

Nội dung văn bản: Gia cảnh nghèo túng, đói khổ của nhà mẹ Lê.

Câu 3. Nhân vật chính trong văn bản trên là ai? Anh/chị cảm nhận như thế nào về nhân vật đó?

Lời giải:

Nhân vật chính trong văn bản là bác Lê. Đó là một người phụ nữ cực khổ (đông con, nghèo đói, phải đi làm thuê làm mướn] song giàu tình thương con, chịu thương chịu khó [dậy sớm đi làm thuê suốt 4 mùa, bất kể nắng mưa, rét mướt; ủ ấm cho đàn con).

Câu 4. Tìm và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ bất kì được tác giả sử dụng trong văn bản trên.

Lời giải:

Biện pháp tu từ so sánh “Dưới manh áo nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết” (so sánh con người với con vật, lại là con vật chết) => Đây là 1 hình ảnh đầy ám ảnh, khắc sâu sự nghèo khổ, tội nghiệp, đáng thương của nhà bác Lê.

Câu 5. Theo anh/chị, nhà văn đã thể hiện tình cảm gì đối với nhân vật? Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm đó.

Lời giải:

Tình cảm của nhà văn: Yêu thương, xót xa, ái ngại cho cảnh ngộ nghèo khổ của nhà bác Lê. Đó là tình cảm nhân đạo sâu sắc.

Câu 6. Đoạn trích Nhà mẹ Lê đề cập đến vấn đề gì? Anh/ Chị trả lời câu hỏi bằng cách viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ)

Lời giải:

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tình mẫu tử

2. Thân bài

* Giải thích khái niệm về tình mẫu tử:

– “mẫu” có nghĩa là mẹ, “tử” có nghĩa là con

=> Theo nguyên nghĩa thì “mẫu tử” có nghĩa là mẹ con.

– Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng giữa mẹ và con, thể hiện sự gắn bó, yêu thương và chăm sóc, che chở, bảo vệ… của người mẹ dành cho con.

* Biểu hiện của tình mẫu tử

– Mẹ luôn là người nâng đỡ, chở che cho con ngay từ những ngày đầu chập chững.

– Khi lớn lên, mẹ cũng luôn sát cánh cùng con trên đường đời đầy gian lao, thử thách

– Mẹ dành cả cuộc đời lo lắng cho con mà không mong một sự đáp đền, bởi niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ là được nhìn thấy các con hạnh phúc, trưởng thành.

– Mẹ luôn tha thứ mọi lỗi lầm của con.

(Lấy dẫn chứng trong thực tế đời sống và trong văn học)

– Sự kính trọng, quan tâm, lo lắng của con khi mẹ ốm đau bệnh tật.

* Vai trò, ý nghĩa của tình mẫu tử

– Tình mẫu tử là tình cảm có vị trí đặc biệt và thiêng liêng trong lòng mỗi người bởi:

  • Đó là tình cảm đầu tiên mà mỗi người sinh ra đều cảm nhận được và sẽ gắn bó với nó trong suốt cuộc đời: từ khi mẹ mang nặng đẻ đau, nâng đỡ con khi chập chững vào đời, sánh bước cùng con qua từng nấc thang của cuộc đời. Cuộc đời của người con cũng chính là cuốn nhật ký của người mẹ.
  • Là tình cảm mang tính cao cả: mẹ là người bao dung ta trong mọi hoàn cảnh, là nơi cho ta nương tựa mỗi lần vấp ngã, là nơi để ta gửi gắm những điều thầm kín, là nguồn động lực giúp ta vững vàng trong giông tố.
  • Tình mẫu tử cũng là tình cảm tự nhiên và mang tính trách nhiệm (lấy dẫn chứng thực tế)
  • Tình mẫu tử có cội rễ sâu xa từ lòng nhân ái – truyền thống đạo lí của dân tộc ta hàng nghìn đời nay (dẫn chứng)

– Nếu được sống trong tình mẫu tử thì con người ta sẽ vô cùng hạnh phúc, còn nếu thiếu thốn tình mẫu tử thì sẽ là người chịu thiệt thòi và bất hạnh (dẫn chứng).

– Tình mẫu tử có thể soi sáng con đường cho mỗi người, giúp con người thức tỉnh khi lầm đường lạc lối, sống tốt hơn và sống có trách nhiệm hơn.

– Tình mẫu tử là sức mạnh kì diệu giúp con người vượt lên những khó khăn của cuộc sống

* Trách nhiệm của mỗi con người trước tình mẫu tử:

– Tình mẫu tử là tình cảm vô cùng bao la, rộng lớn và vĩ đại, mẹ là người đã suốt đời hi sinh vì con. Chính vì thế con cái cần biết trân trọng những tình cảm đó và phải sống làm sao để xứng đáng với tình cảm đó.

– Không ngừng nỗ lực học tập, tu dưỡng đạo đức, trở thành con người có ích cho xã hội để đền đáp lại những tình cảm cao cả mà mẹ dành cho tA. Bởi điều mà mỗi người mẹ mong muốn chỉ là con mình khôn lớn nên người.

– Không được có những hành động trái với đạo làm con như vô lễ, bất kính với mẹ, đối xử không tốt với mẹ, hay hơn cả là sử dụng bạo lực, bỏ rơi mẹ của mình. Đây như một tội ác không thể tha thứ được.

– Có những hành động thiết thực, cụ thể để đáp đền tình cảm của mẹ dành cho mình : biết vâng lời, nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ; siêng năng học hành để không phụ công ơn nuôi dưỡng, quan tâm, giúp đỡ từ những việc nhỏ nhặt nhất.

– Phê phán những hành động đi ngược lại với đạo lí: mẹ bỏ rơi con hay con đối xử không tốt với mẹ, bỏ mặc mẹ.

3. Kết bài

– Khái quát lại vai trò, ý nghĩa quan trọng của tình mẫu tử.

– Rút ra bài học cho bản thân.

Ví dụ: Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất đối với mỗi người. Cần trân trọng tình cảm ấy, sống làm sao cho thật xứng đáng với công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Như lời Phật răn dạy “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc – đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.

Bài văn mẫu 1:

Đọc những tác phẩm của Thạch Lam chúng ta thấy cách kể chuyện rất nhẹ nhàng nhưng đằng sau nó là những hoàn cảnh khó khăn. “Nhà bà Lê” một tác phẩm đã khắc họa được hoàn cảnh cuộc sống vất vả khó khăn của bà Lê và mười đứa con nheo nhóc.

Bà Lê hiện lên là một người đàn bà nhà quê, chân tay thô kệch, thấp bé. Sống ở trong một ngôi nhà nhỏ bé chỉ bằng hai cái chiếu. Cuộc sống qua ngày của mấy mẹ con bà Lê thật là khó khăn. Mười đứa con của bà đứa lớn là mười bảy tuổi, còn đứa bé nhất vẫn còn đang bế trên tay. Hoàn cảnh sống thật khốn khổ khi có mỗi một chiếc giường nan đã bị gãy chân, mùa hè thì còn đỡ chứ mùa đông, mùa rét mẹ con phải trải rơm ra nằm không khác gì ổ chó. Nhưng đối với mẹ con bà Lê thế là đã quá tốt hơn là phải đầu đường xó chợ. Bà Lê cũng không có công việc gì để kiếm sống. Ai thuê mướn gì thì sẽ làm đó. Nếu mùa gạ thì chắc chắn là cuộc sống của bà Lê sẽ khấm khá hơn nhiều. Ít ra còn sẽ có ít gạo, ít tiền để mang về cho mấy đứa con đói đang ở nhà. Nhưng hết mùa vụ ruộng đồng gặt xong thì không ai mướn làm gì. Thì cuộc sống của mẹ con lại đói khổ như trước.

Tiếng khóc của bọn trẻ con khi đói, chưa lúc nào được ăn no, mặc ấm, chịu cái rét tê tái của mùa đông. Bà Lê chỉ có thể ôm con vào lòng để ủ ấm cho những đứa con. Cuộc sống của họ thật sự khó khăn, vất vả. Nhưng chúng ta vẫn thấy được tình thương của mẹ dành cho những đứa con của mình. Dù sự nghèo đói cứ dai dẳng không dứt nhưng tình cảm của bà Lê dành cho con những không ít đi.

Thạch Lam là một cây bút thiên về tình cảm, hay ghi lại cảm xúc của mình trước số phận hẩm hiu của những người nghèo, lòng cảm thông sâu sắc một gia đình đông con, sống cơ cực trong xóm chợ.

Bài văn mẫu 2:

Đoạn trích “Nhà mẹ Lê” đề cập đến số phận đáng thương của người mẹ nghèo đông con. Người nông dân túng quẫn, nghèo đói vì gia đình đông đúc, khổ sở.

Cái khổ của nhà mẹ Lê là cái khổ của cảnh đời đông con, túng quẫn. Nếu ít con hơn, có lẽ mẹ Lê sẽ có thể được bớt lo, bớt khổ phần nào. Cảnh gia đình đông con của nhà mẹ Lê không phải là hiếm trong xã hội ấy. Đông con là một áp lực, là một gánh nặng đè lên vai bất kì người phụ nữ nào, gia đình nào trong xã hội ấy.

Do đó, chúng ta cần phải biết lựa chọn, phải biết sắp xếp trong mọi hoàn cảnh. Chỉ khi ta thật sự ý thức về hoàn cảnh của mình thì mới có thể đưa ra những lựa chọn hạnh phúc phù hợp. Còn nếu như không thể sắp xếp cuộc sống ấy, sẽ rất khó để mỗi người tự lo cho cuộc sống của mình. Và sẽ không hỉ bản thân ta khổ mà có lẽ mỗi người xung quanh ta cũng khổ, cũng nhọc.

Bên cạnh đó, đọc đoạn trích, chúng ta ý thúc được về câu chuyện giải pháp, cách cứu rỗi mỗi con người trong cuộc đời nghèo khổ ấy. Có ai có thể giang tay để cứu, để cưu mang cho mảnh đời bất hạnh của mẹ con nhà Lê. Hay, cứ vòng nối vòng, cuộc đời họ sẽ nghèo khổ, đáng thương và khổ sở như thế.

Thạch Lam đã viết những dòng văn nhẹ nhàng và rất thơ về cuộc đời của những con người bất hạnh, đau khổ. Thế nhưng, có lẽ, ẩn sâu trong lời văn, nhà văn muố nhắc nhở và khơi gợi tình thương trong mỗi con người.

Bài văn mẫu 3:

Trong cuộc sống, tình yêu thương đóng một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống mỗi người. Trong đoạn trích “Nhà mẹ Lê”, vấn đề ấy đã được thể hiện rõ. Dù hoàn cảnh của mẹ Lê cũng khó khăn nhưng người mẹ ấy vẫn cố gắng nuôi dưỡng, chăm sóc các con của mình, không bỏ rơi một ai cả.

Tình yêu thương là sự đồng cảm, quan tâm, chia sẻ với mọi người xung quanh. Người có tình yêu thương là người sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình mà không tư lợi cá nhân, sống vì mọi người và biết lan tỏa những suy nghĩ, hành động tốt đẹp đến người khác. Khi chúng ta có tình yêu thương, mỗi người sẽ khiến cuộc sống của chính mình trở nên tốt đẹp, ý nghĩa hơn, được mọi người yêu quý, kính trọng và là tấm gương đáng để mọi người noi theo. Không chỉ vậy, tình yêu thương khi được lan tỏa ra sẽ giúp xây dựng một xã hội văn hóa tốt đẹp, một quê hương, đất nước giàu mạnh, phát triển hơn. Tuy nhiên, trong xã hội, vẫn còn những người sống ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ nghĩ cho lợi ích của cá nhân, vì vậy, mà họ không thành công trong cuộc sống và cuộc sống của họ trở nên mất dần ý nghĩa sống.

Như vậy, tình yêu thương có vai trò vô cùng cần thiết trong hoạt động sống của mỗi người. Hãy cùng nhau chung tay để xây dựng một xã hội giàu tình thương yêu, một đất nước tốt đẹp và giàu mạnh.

Đọc hiểu Nhà mẹ Lê trắc nghiệm – Đề số 2

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Mẹ con bác Lê ở một căn nhà cuối phố, một căn nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác, có mỗi một chiếc giường nan đã gãy nát. Mùa rét thì rải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó. Từ sáng sớm tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta phải trở dậy đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng.

Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng kia đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, bác Lê lo sợ vì không ai mướn làm việc gì nữa. Thế là cả nhà chịu đói. Mấy đứa nhỏ nhất khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm lấy cái hơi ấm của mình ấp ủ cho nó.

Hai thằng con lớn thì từ sáng đã ra cánh đồng kiếm con cua, con ốc hay đi mót những bông lúa còn sót lại trong khe ruộng. Thật là sung sướng, nếu chúng đem về được một lượm, trong những ngày may mắn. Vội vàng bác Lê đẩy con ra lấy bó lúa để dưới chân vò nát, vét hột thóc, giã lấy gạo. Rồi một bữa cơm lúc buổi tối giá rét, mẹ con xúm quanh nồi, trong khi bên ngoài gió lạnh rít qua mái tranh.

(Trích Nhà mẹ Lê – Thạch Lam)

Câu 1: Chi tiết nói lên cảnh cơ cực, nghèo đói của gia đình bác Lê là:

A. Ăn đói, mặc rách.

B. Nhà cửa lụp xụp.

C. Từ sáng đã ra cánh đồng kiếm con cua, con ốC.

D. Cả 3 ý trên đều đúng.

Câu 2: Nguồn sống của gia đình bác Lê thu nhập từ:

A. Ruộng của nhà bác Lê.

B. Đi làm mướn.

C. Đồng lương của bác Lê.

D. Đi xin ăn.

Câu 3: Nguyên nhân dẫn đến gia đình Bác Lê nghèo đói:

A. Bác Lê lười lao động.

B. Các con bác Lê bị tàn tật, ốm đau.

C. Bị thiên tai, mất mùa.

D. Gia đình không có ruộng, đông con.

Câu 4: Vào mùa trở rét thì gia đình bác Lê ngủ trên:

A. Chiếc giường cũ nát

B. Chiếc nệm mới.

C. Ổ rơm 

D. Cả 3 ý trên đều đúng

Câu 5: Chủ ngữ trong câu: “Mùa nực cũng như mùa rét, bác ta phải trở dậy đi làm mướn.” là:

A. Mùa nực

B. Mùa rét

C. Bác ta 

D. Bác ta phải trở dậy

Câu 6: Trong câu “Bác Lê lo sợ vì không ai mướn làm việc gì nữa”, quan hệ từ là:

A. Vì 

B. Gì

C. Làm

D. Không

Câu 7: Từ trái nghĩa với cực khổ là:

A. Sung sướng 

B. Siêng năng.

C. Lười biếng.

D. Cực khổ

Câu 8: Từ in đậm trong dòng nào dưới đây được dùng với nghĩa chuyển?

A. Những chiếc lá rập rình lay động như những đốm lửa bập bùng cháy.

B. Một làn gió rì rào chạy qua.

C. Chú nhái bén nhảy phóc lên lái thuyền lá sòi.

D. Trên các cành cây xung quanh tôi cơ man là chim.

Đọc hiểu Nhà mẹ Lê trắc nghiệm – Đề số 3

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: Mười một đứa, mà đứa nhớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.

Mẹ con bác ta ở một căn nhà cuối phố, cái nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan đã gẫy nát. Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với những người nghèo như bác, một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi chừng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói. Mấy đứa nhỏ nhất, con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm ấp lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó.

(Nhà mẹ Lê, Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, 2015, trang 28-29)​

Bạn đang xem: 3 Đề đọc hiểu Nhà mẹ Lê (Thạch Lam) có đáp án chi tiết

Câu 1. Đoạn trích được kể bằng ngôi thứ mấy?

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba

D. Ngôi thứ tư

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

A. Miêu tả

B. Biểu cảm

C. Nghị luận

D. Tự sự

Câu 3. Chi tiết nào miêu tả ngoại hình bác Lê?

A. một người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô.

B. bác ta ở một căn nhà cuối phố, cái nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác

C. mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc.

D. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết.

Câu 4. Câu văn sau sử dụng biện pháp tu từ gì: Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc.

A. Nhân hóa

B. So sánh

C. Cường điệu phóng đại

D. Nói giảm nói tránh

Câu 5. Dòng nào nêu đúng ý nghĩa nhan đề Nhà mẹ Lê.

A. Nhan đề “Nhà mẹ Lê” gợi lên hình ảnh một căn nhà nhỏ, tuềnh toàng.

B. Nhan đề “Nhà mẹ Lê” gợi hình ảnh về một ngôi nhà lụp xụp, chật chội và hoàn cảnh đáng thương: Đông con, đói khổ.

C. Nhan đề “Nhà mẹ Lê” gợi ý nghĩa: Họ là những con người có chung huyết thống, biết yêu thương, đùm bọc nhau vượt qua cảnh đói khổ.

D. Nhan đề “Nhà mẹ Lê” gợi hình ảnh những con người nghèo khổ mà lương thiện.

Câu 6. Dòng nào khái quát nội dung cơ bản của đoạn trích?

A. Cuộc sống nghèo khổ, đáng thương của mẹ con bác Lê

B. Tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng của mẹ con bác Lê

C. Những mơ ước về cuộc sống ấm no của mẹ con bác Lê

D. Nỗi buồn của bác Lê về gia cảnh.

Câu 7. Đoạn trích đã thể hiện tình cảm gì của nhà văn đối với nhân vật?

A. Trân trọng, tự hào về vẻ đẹp của tình người giữa mẹ con bác Lê

B. Tố cáo xã hội tàn ác đã gây nên nỗi khổ cho con người, đẩy họ vào bước đường cùng

C. Xót xa, thương cảm cho cảnh ngộ nghèo khổ của nhà bác Lê

D. Trân trọng ước mơ đổi đời của người nông dân, nhà văn đã mở ra con đường giải phóng cho họ.

Trả lời câu hỏi:

Câu 8. Qua đoạn trích, em hiểu được điều gì về hoàn cảnh của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và tấm lòng của nhà văn Thạch Lam?

Lời giải:

– Đoạn trích cho ta hiểu hoàn cảnh của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám: Cuộc sống của họ quá cơ cực, nghèo khổ, túng quẫn, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc, quanh năm phải chịu đói rét, khổ sở.

– Tấm lòng của nhà văn Thạch Lam: Trân trọng, yêu thương, xót xa cho hoàn cảnh của gia đình mẹ Lê nói chung và người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám; tố cáo tội ác của bọn thực dân phát xít đã gây nên tình cảnh đói khổ của con người; ca ngợi vẻ đẹp của tình mẫu tử..

Câu 9. Hãy kể tên những tác phẩm đã học hoặc đã đọc viết cùng đề tài với Nhà mẹ Lê.

Lời giải:

Những tác phẩm đã học hoặc đã đọc viết cùng đề tài người nông dân:

– Chí Phèo (Nam Cao)

– Lão Hạc (Nam Cao)

– Tắt đèn (Ngô Tất Tố)

– Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan)

– Sống chết mặc bay (Phạm Duy Tốn)

Câu 10. Nêu cảm nhận của mình về nhân vật Bác Lê.

Lời giải:

Cảm nhận về nhân vật Bác Lê:

– Là người có ngoại hình khắc khổ, từng trải.

– Hoàn cảnh khó khăn: Nghèo khổ, đông con.

=> Là một người phụ nữ, một người mẹ với nhiều phẩm chất tốt đẹp: Là một phụ nữ chịu thương, chịu khó; là một người mẹ giàu tình yêu thương các con.

*******************

Trên đây là 3 đề đọc hiểu Nhà mẹ Lê trắc nghiệm, tự luận chi tiết có đầy đủ đáp án. Hy vọng sẽ giúp các em tự tin trước khi bước vào kì thi học kì sắp tới. Chúc các em thi thật tốt và đạt điểm cao.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button