Giáo dục

Dẫu trong cùng cực mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sự sống con người

Tài liệu hướng dẫn phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ do THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn gồm nội dung gợi ý cách làm chi tiết và một số bài văn mẫu hay phân tích nhân vật Mị để làm sáng tỏ nhận định của Tô Hoài: “…dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sự sống con người”.

Hướng dẫn phân tích nhân vật Mị làm sáng tỏ nhận định của Tô Hoài

Đề bài: Trong bài Cảm nghĩ về truyện Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài viết:

Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sự sống con người. Lay lắt đói khổ, nhục nhã Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt“.

Phân tích nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài) để làm sáng tỏ nhận định trên và nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.

1. Phân tích đề

– Yêu cầu: phân tích nhân vật Mị, từ đó nhận xét về tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài.

– Dạng đề: Phân tích làm sáng tỏ nhận định, ý kiến trong văn học.

– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : từ ngữ, chi tiết tiêu biểu trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.

– Phương pháp lập luận chính: Phân tích, chứng minh.

2. Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Giải thích ý kiến

Luận điểm 2: Phân tích nhân vật Mị

+ Mị có cuộc sống cùng cực, lay lắt, đói khổ nhục nhã

+ Mị vẫn sống âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt.

Luận điểm 3: Nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.

3. Lập dàn ý chi tiết

a) Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Ý kiến bàn về Mị, nhân vật chính trong Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài với số phận bất hạnh nhưng có sức sống tiềm tàng, mãnh liệt. Qua nhân vật, nhà văn gửi tới bạn đọc tư tưởng nhân văn sâu sắc.

– Giới thiệu về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ

– Giới thiệu nhân vật Mị, trích dẫn lời tâm sự của Tô Hoài.

b) Thân bài:

* Giải thích ý kiến:

– Ý kiến của Tô Hoài là lời tâm sự về nhân vật Mị – nhân vật chính trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của ông. Qua lời tâm sự của Tô Hoài, người đọc thấy nhà văn muốn khẳng định dẫu phải sống một cuộc đời “cùng cực” bị mọi thế lực của tội ác chà đạp, sống lay lắt, đói khổ, nhục nhã nhưng Mị vẫn có sức sống tiềm tàng, mãnh liệt không chịu đầu hàng số phận. Đó là một điều kì diệu.

– Ở đây ta cần hiểu sức sống tiềm tàng là sức sống tiềm ẩn bên trong con người. Nó được biểu hiện ở khả năng phản kháng, chống lại hoàn cảnh bị vùi dập để đòi quyền sống, quyền tự do.

=> Nhận xét của tác giả Tô Hoài thể hiện được cuộc sống khổ cực của người dân miền núi đồng thời thể hiện thái độ trân trọng đối với những bản chất tốt đẹp, khẳng định sức sống bất diệt bên trong con người.

* Phân tích, chứng minh:

– Mị có cuộc sống cùng cực, lay lắt, đói khổ nhục nhã:

+ Mị vốn là một cô gái nhà nghèo, trẻ, đẹp và nhất là Mị rất giàu lòng yêu đời, ham sống, lại thêm tài thổi sáo nữa.

+ Một cô gái chăm làm (“Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm ngô trả nợ cho bố” – lời Mị nói với bố).

+ Mị cũng thật là một đứa con hiếu thảo (khi bị ép về nhà Pá Tra, Mị muốn quyên sinh, nhưng nghĩ đến bố sẽ khổ hơn, nên không đành lòng chết nữa).

=>Tóm lại, đây là một cô gái rất xứng đáng để hưởng hạnh phúc và đang sống những ngày tươi đẹp của tuổi trăng tròn, dù trong cảnh nghèo khó

+ Vì món nợ truyền kiếp của cha mẹ, Mị phải làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra.

+ Mị bị đày đoạ về thể xác

+ Bị đày đoạ về tinh thần quá nặng nề khiến Mị trở nên vô cảm.

=> Cuộc đời và số phận bất hạnh của Mị điển hình cho số phận ngục tù, tăm tối của người phụ nữ miền núi trong xã hội phong kiến thực dân trước CMT8 – 1945.

– Mọi thế lực của tội ác cũng không thể giết được sức sống của con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt:

+ Phản ứng của Mị khi Pá Tra đến xin cô về làm dâu gạt nợ: Mị khước từ, cầu xin cha “… Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Câu nói cho thấy Mị là con người mạnh mẽ, biết trọng danh dự và cuộc sống của chính mình.

+ Mị phản kháng, không chấp nhận thân phận nô lệ khi bị A Sử bắt. Mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc rồi Mị trốn về nhà cầm nắm lá ngón từ biệt cha quyên sinh. Hành động của Mị mang tính tự phát nhưng đó là sự phản kháng mạnh mẽ. Mị không muốn sống cuộc đời vô nghĩa.

+ Sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị thể hiện qua diễn biến tâm trạng trong đêm tình mùa xuân.

+ Mùa xuân về, thiên nhiên đất trời thay đổi, không khí đón tết náo nức (đối lập với không gian sống và tâm trạng của Mị) khiến sức sống trong Mị trỗi dậy.

+ Khi nghe tiếng sáo gọi bạn tình:

  • Tâm trạng: bồi hồi, xúc động, thức tỉnh (ý thức về thời gian, kỉ niệm sống dậy, tiếng sáo gợi nhớ, thấy mình còn trẻ, ý thức về thân phận…) và muốn đi chơi.
  • Hành động khác thường (nhẩm theo lời bài hát, xắn mỡ bỏ thêm vào đĩa đèn, sửa soạn đi chơi…) thể hiện trạng thái phản kháng.

+ Khi bị trói:

  • Tâm trạng đau khổ chập chờn giữa quá khứ và hiện tại (không biết mình bị trói, vẫn sống với tiếng sáo, bồi hồi tha thiết, lúc mê lúc tỉnh…).
  • Hành động mạnh mẽ, vùng bước đi nhưng dây trói thít chặt.

=> Tàn bạo chỉ có thể giam hãm được thân xác Mị chứ không thể giam hãm được tuổi trẻ và khát vọng sống trong Mị.

+ Sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị thể hiện qua diễn biến tâm trạng trong đêm mùa đông cởi trói cho A Phủ.

  • Ngoại cảnh: đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, A Phủ bị trói đứng.
  • Tâm trạng: Lúc đầu Mị vẫn thản nhiên ngồi sưởi lửa hơ tay. Khi nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ, Mị nhớ lại tình cảnh tương tự của mình. Từ thương thân, Mị thương A Phủ, căm phẫn gia đình thống lí Pá Tra. Hành động Mị cởi trói cho A Phủ chạy theo A Phủ chứng tỏ sức sống tiềm tàng đã giúp Mị bước qua hai ngục tù của số phận: cường quyền và thần quyền để tự giải phóng cuộc đời mình.

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

– Bút pháp đối lập tương phản

– Đặt nhân vật vào tình huống thử thách

– Nghệ thuật miêu tả tâm lí, ngôn ngữ,…

* Nhận xét về tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài

– Tô Hoài xót thương sâu sắc cho cuộc sống tù đọng, thân phận trâu ngựa, phải sống trong đói khổ, tàn bạo của người dân miền núi.

– Lên án tội ác vô nhân đạo của bọn quan lại miền núi.

– Tô Hoài trân trọng, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người miền núi, đặc biệt là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt và khát vọng hướng đến hạnh phúc, tự do của họ.

– Điểm mới trong tư tưởng nhân đạo của Tô Hoài là ông đã đưa ra con đường giải phóng, sự đổi đời cho người lao động bị áp bức.

c) Kết bài:

– Kết thúc vấn đề: Với bút pháp hiện thực sắc sảo cùng tài năng phân tích tâm lí bậc thầy, tác giả Tô Hoài đã thể hiện sức sống tiềm tàng bên trong con người, đó là nguồn sức mạnh giúp con người giải phóng chính mình, hướng đến cuộc sống tự do.

Có thể bạn quan tâm: Lập dàn ý phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

    Sau khi tham khảo phần dàn ý phân tích nhân vật Mị bao gồm những luận điểm, luận cứ chính cần có trong bài, các em có thể tự triển khai các luận điểm ấy thành một bài văn hoàn chỉnh. Có thể tham khảo một số bài văn mẫu hay dưới đây làm sáng tỏ nhận định mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sự sống con người:

Một số mẫu bài phân tích nhân vật Mị làm sáng tỏ nhận định về sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người

Bài phân tích Mị mẫu số 1:

Tô Hoài là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông bước vào làng văn Việt Nam sớm nổi tiếng và thành công ở nhiều thể loại. Tô Hoài cho rằng: “Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường, cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”. Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước mình. Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” được nhà văn sáng tác nhân chuyến đi thực tế ở Tây Bắc vào năm 1952.

Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn rất thành công của Tô Hoài viết về con người vùng núi cao Tây Bắc. Trong tác phẩm này, nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Mị – người nô lệ đã đứng lên gỡ bỏ gông cùm, xiềng xích để đến với ánh sáng của tự do. Viết về nhân vật của mình, Tô Hoài tâm sự: “Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt”. Mị là một nhân vật như thế!

Nhân vật Mị trở thành đối tượng trung tâm – một nhân vật điển hình: cuộc đời của Mị có những thăng trầm, biến đổi có những biến cố mà đôi lúc ta tưởng chừng định mệnh bởi thế lực tội ác tàn bạo của cha con nhà thống lý đã làm cho Mị sống “Lay lắt đói khổ, nhục nhã” – số phận của cô gái ấy là con dâu gạt nợ. Nhưng cũng có lúc Mị đã vượt lên trên số phận, hoàn cảnh để vươn tới ánh sáng của sự sống, của tương lai, điều đó thể hiện qua sự bùng cháy của ý thức, tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm cởi trói cho A Phủ. Như vậy, nội dung mà Tô Hoài muốn nói đến đó là ngợi ca sức sống của con người Tây Bắc thông qua nhân vật Mị.

Tô Hoài giới thiệu Mị bằng một giọng kể như lời của cổ tích để đưa ta trở về với Tây Bắc xa xôi: “Ai ở xa về có việc vào nhà thống lý Pá Tra thường trông thấy một cô gái ngồi quay sợi bên tảng đá… dù quay sợi, thái cỏ, dệt vải… cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Với từ ngữ miêu tả, nhà văn đã khắc chạm dáng vẻ lầm lũi, lam lũ, một số phận éo le đau khổ, một con người nhẫn nhục, cam chịu và bất lực trước số phận của mình. Giữa cảnh giàu sang, tấp nập của nhà thống lý hiện rõ cảnh một cô con dâu trừ nợ thật là tội nghiệp. Hai chữ “con dâu” vốn rất thiêng liêng ấy lại gắn liền với hai chữ “gạt nợ”. Nên cái thiêng liêng trở thành cái rẻ rúng mất rồi.

Mị đã từng là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Mị sinh ra trong một gia đình người nông dân nghèo khổ song được nuôi dưỡng từ bàn tay và tâm hồn của người nông dân thuần hậu, chất phác nên ở Mị hội tụ vẻ đẹp ở cả hình thức lẫn tâm hồn. Cô được ví như bông hoa – nơi hội tụ vẻ đẹp ban sơ của đại ngàn Tây Bắc: chăm chỉ, thật thà, hiếu thảo lại có tài thổi sáo giỏi. Ngày đêm có biết bao chàng trai thổi sáo đi theo Mị và khao khát có Mị. Với những phẩm chất tốt đẹp ấy, cô đáng được hưởng một cuộc đời hạnh phúc êm ấm. Nhưng trớ trêu thay gia đình Mị phải đeo đẳng món nợ truyền kiếp từ thời cha Mị cưới mẹ Mị không đủ tiền phải vay nhà thống lý Pá Tra. Món nợ ấy trút xuống đôi vai Mị và cũng từ đây cuộc đời Mị lật sang một trang mới – trang đời vô cùng đắng cay nghiệt ngã đó là sự “lay lắt đói khổ, nhục nhã”.

Thời gian đầu, Mị phản kháng quyết liệt: “có đến hàng mấy tháng đêm nào Mị cũng khóc”. Mị đã từng nghĩ đến cái chết, ăn nắm lá ngón tự tử để thoát khỏi cuộc sống tủi nhục đau đớn ấy. Nhưng vì thương cha già, Mị đã ném nắm lá ngón xuống đất như ném đi tuổi trẻ, hạnh phúc của mình để quay lại nhà thống lý sống kiếp trâu ngựa để vẹn tròn chữ hiếu. Và cũng từ đó, Mị bị đầy đọa về thể xác, Tô Hoài sử dụng liên tục phép so sánh để làm nổi bật lên nỗi thống khổ của kiếp dân trừ nợ. Bây giờ, Mị là con trâu, Mị là con ngựa, thậm chí Mị không bằng con trâu, con ngựa. Cuộc đời con người làm dâu nhà này thì chỉ biết đi sau đuôi con ngựa của chồng mình mà thôi. Kiếp đời Mị sao mà tê buốt thế? Lời văn của nhà văn Tô Hoài có vẻ lạnh lùng nhưng đầy thương xót. Mị càng chai sạn bao nhiêu thì trái tim người đọc càng mềm ra bấy nhiêu. Cô không thể nghĩ đến cái chết được nữa bởi vì cái địa ngục trần gian đã thổi héo cuộc đời cô. Không chỉ bị đầy đọa về thể xác mà Mị còn bị hành hạ về cả tinh thần. Hãy nhìn căn buồng hạnh phúc mà thống lý Pá Tra dành tặng cho Mị, căn buồng như địa ngục, ánh sáng của ô cửa bằng bàn tay càng làm cho Mị mất hết ý niệm về thời gian, không gian. Để rồi “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Lòng Mị chai sạn, vô cảm, chỉ cúi mặt. Cuộc sống đầu tắt mặt tối đã chôn vùi mọi cảm xúc, suy nghĩ, ý thức nơi con người Mị, biến Mị thành một cái bóng vật vờ, lặng lẽ “mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.

Đời Mị chìm trong tăm tối, câm lặng. Rõ ràng, cường quyền và thần quyền đè lên vai người con gái bị cúng ma nhà người cho bọn nhà giàu có quyền trong chế độ phong kiến đã làm cho Mị sống âm thầm, đau khổ. Đúng là “Lay lắt đói khổ, nhục nhã”.

Có phải chăng vì đất nước và con người Tây Bắc để thương để nhớ, cho nên nhà văn dõi theo từng bước chân Mị để tìm thấy chất ngọc ẩn chứa trong bề sâu tâm hồn cô. Vì thế, nhà văn Tô Hoài đã tâm sự: Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đau đớn, Mị vẫn ẩn chứa một sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Giữa cảnh mùa xuân núi rừng Tây Bắc, Mị nhớ và sống lại những mùa xuân quá khứ. Tiếng sáo đã đánh thức trong Mị – cô gái của ngày nào. Tiếng sáo ấy khiến cho Mị “thiết tha bồi hồi” và bật lên trong Mị mấy câu ca quen thuộc ngày nào:

“Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta chưa có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu”.

Tâm hồn Mị lúc này như cây khô gặp mưa xuân như đâm chồi nảy lộc. Tâm hồn Mị có muôn vàn những sợi dây tơ giăng mắc khắp không gian. Lời của bài hát vọng lên trong tiếng sáo như: “Ái tình ghé môi gọi lời trong gió” (Xuân Diệu) đưa Mị trở về với tuổi thanh xuân để lần đầu tiên, giữa mảnh đất chết này, Mị nhận thấy mình: “Mị còn trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi”. Chi tiết ấy đã thể hiện khát vọng sống mạnh mẽ, mãnh liệt trong Mị. Khát vọng vượt ngục có ai ngờ lại xuất hiện trong một con người tưởng chừng như đã nguội lạnh. Nó bao trùm lên tâm trí Mị để trở thành sức mạnh phục sinh. Đó là lúc mà khát vọng sống lớn hơn mọi nỗi sợ hãi khiến Mị hành động gấp gáp: “Mị cuốn lại tóc. Mị lấy cái váy hoa giắt ở phía trong vách… Mị rút thêm cái áo”. Mị là một con người nên có quyền được làm người. Thế nhưng, sự độc ác của A Sử đã chặn đứng cái quyền được làm người vừa nhóm lên trong Mị, hắn vùi dập chẳng thương tiếc với một thúng sợi đay trói nghiến Mị vào cột nhà. Mị thấy sợ – sợ chết. Mà “sợ chết” là biểu hiện cao độ nhất của lòng ham sống. Đó chính là sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Ngọn lửa của lòng ham sống ấy đã bị dập tắt một cách phũ phàng nhưng dư vang của nó vẫn ngưng đọng trong tâm hồn. Cái đêm mùa xuân ấy càng nhấn sâu vào vết thương lòng trong cuộc đời Mị. Dẫu biết rằng đốm lửa vẫn âm ỉ trong lòng Mị. Khát vọng ấy trong Mị là những đợt sóng ngầm nhưng nó sẽ trỗi dậy ngày mai để trở thành sóng thần để cuốn đi bao tủi nhục của hôm nay.

Khi mâu thuẫn giữa thực tại phũ phàng và khát vọng sống tự do lên đỉnh điểm, thì tác giả đã cởi nút bằng cách đưa nhân vật A Phủ vào truyện. A Phủ là chàng trai mồ côi, chỉ vì dũng cảm liều sống chết để bảo vệ lẽ phải mà đã phải thành kẻ tôi đòi trong nhà Thống lý Pá Tra, rồi cũng bị trói đứng vào cột thay mạng cho con bò nhà Thống lý Pá Tra, chờ chết.

Mị thấy thương người cùng cảnh ngộ. Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai má đã xám đen lại của A Phủ đã hối thúc Mị phải hành động. Dòng nước mắt của người nô lệ ấy đã khơi dậy lòng thương người bị vùi lấp trong Mị. Từ vô cảm đến đồng cảm. Mị thấy thương mình vì Mị cũng đã từng bị chúng nó bắt về trình ma nhà này, đã từng bị trói trong một đêm mùa xuân đầy khát vọng. Vậy nên, Mị hiểu chàng trai vô tội kia, sao lại phải chết như thế? Từ tấm lòng của người phụ nữ có lòng thương người, cảm thông với người cùng cảnh ngộ đến sự uất hận căm ghét kẻ thù độc ác đã thúc đẩy Mị cầm dao cắt trói cho A Phủ. Hành động ấy thể hiện khát vọng sống, ngọn lửa yêu thương sự sống mãnh liệt đã cháy bùng lên trong con người của Mị. Sau phút hoảng loạn của hành động liều lĩnh, đơn độc, manh động, Mị đã đưa ra quyết định chớp nhoáng: chạy theo A Phủ. Sức sống tiềm tàng mãnh liệt, lòng khao khát cuộc sống tự do đã chỉ đường cho hành động của Mị.

Hình ảnh của Mị chứa đựng một sức sống “tiềm tàng, mãnh liệt” đúng như lời nhận xét của tác giả. Qua nhân vật Mị và A Phủ, nhà văn đã góp một tiếng nói nhân văn cao đẹp bênh vực quyền sống cho con người lao động miền núi dưới ách đô hộ của chủ nô phong kiến và lũ Tây đồn. Đó là cuộc đấu tranh từ tự phát lên tự giác để họ đến với cách mạng và tự giải phóng cuộc đời mình.

Mị là nhân vât tiêu biểu cho nỗi thống khổ của người nông dân vùng núi Tây Bắc bị tước đoạt tuổi xuân, vùi dập khát vọng đầy đọa thể xác lẫn tinh thần. Hiện thực về nỗi thống khổ ấy làm nhức nhối và đánh thức thiên chức của nhà văn. Vì vậy, viết về nỗi thống khổ của Mị, Tô Hoài viết bằng cả trái tim, tình yêu thương của mình, đồng cảm với nỗi khổ và đi từ nỗi khổ ấy nhà văn đã tìm kiếm vẻ đẹp tâm hồn còn tiềm ẩn trong những người nông dân Tây Bắc chăm chỉ, thật thà và tội nghiệp kia. Vẻ đẹp tiềm ẩn của con người Tây Bắc cũng như sức sống của đại ngàn Tây Bắc sẽ là nơi đến của những nghệ sĩ có tài, có tâm như Tô Hoài.

  • Top 2 bài văn hay phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị

Bài phân tích Mị mẫu số 2:

Vợ chồng A Phủ là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài, truyện kể về cuộc đời và số phận của A Phủ và Mị, đôi vợ chồng người H’Mông, dưới ách thống trị của phong kiến miền núi, họ đã phải sống những ngày đen tối, bị chà đạp cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhờ sức mạnh tinh thần mãnh liệt bên trong, Mị và A Phủ đã vùng lên tự giải phóng chính mình, cùng hướng đến một tương lai tươi sáng, đầy hi vọng.

Mị là nhân vật trung tâm của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã tập trung khắc họa sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ bên trong Mị. Sống trong cái khổ Mị dần trở nên chai lì, tê liệt khả năng phản kháng mà sống lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa nhưng nhờ sức sống tiềm tàng, Mị đã mạnh mẽ vượt lên mọi đau khổ, tủi nhục, hướng đến cuộc sống tốt lành. Trong bài Cảm nghĩ về truyện Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài viết: “Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sự sống con người. Lay lắt đói khổ, nhục nhã Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt”.

Nhận xét của tác giả Tô Hoài không chỉ thể hiện được cuộc sống khổ cực của người dân miền núi dưới sự thống trị của cường quyền, thần quyền phong kiến miền núi mà còn thể hiện thái độ trân trọng đối với những bản chất tốt đẹp, khẳng định sức sống bất diệt bên trong con người.

Mị là cô gái xinh đẹp, trẻ trung, yêu đời với sức sống như đóa hoa mùa xuân. Mị là người lao động chăm chỉ, yêu thích cuộc sống tự do, ý thức sâu sắc được về quyền sống của mình nên khi bị buộc trở thành con dâu trừ nợ nhà thống lí, Mị đã cầu xin cha được lao động để trả nợ chứ không chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu.

Mị là cô gái có phẩm chất tốt đẹp, giàu lòng vị tha, đức hi sinh: Mị thà chết chứ không muốn sống cuộc sống tủi nhục. Thế nhưng vì thương cha, Mị lại chấp nhận những khổ cực, chà đạp khủng khiếp về thể xác cũng như tinh thần để báo hiếu cho cha, gánh chịu về mình những đau đớn, bất hạnh để cha được an hưởng tuổi già.

Từ khi trở thành con dâu nhà thống lí, Mị bị đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần. Trên danh nghĩa Mị là con dâu nhà thống lí, vợ của A Sử nhưng thực chất Mị chỉ là một nô lệ không hơn không kém. Mị phải làm việc quần quật cả ngày, cả đêm,, sống trong cuộc sống như địa ngục khi thường xuyên bị A Sử đánh đập tàn nhẫn. Không gian sống của Mị cũng tù túng, tối tăm như một chiếc hộp kín.

Sống lâu trong cái khổ Mị dần bị tê liệt sự phản kháng, cam chịu cuộc sống của con trâu con ngựa, sống lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Tuy nhiên, bên trong vẻ cam chịu, nhẫn nhục ấy lại là sức sống tiềm tàng, một khát khao tự do mãnh liệt. Cái khắc nghiệt, bạo tàn của hoàn cảnh không thể dập tắt được sức sống tiềm tàng bên trong thiên nhiên và con người. Mị đã uống rượu để quên đi cái thực tại khắc nghiệt của hoàn cảnh, Mị ý thức được mình còn trẻ, ý thức được những khát khao cháy bỏng của mình. Tiếng sáo đã tác động mạnh mẽ đến sự thức tỉnh bên trong Mị, Mị thắp đèn như thắp lên ánh sáng chiếu rọi vào cuộc đời tăm tối của Mị. Mị đã chuẩn bị quần áo để đi chơi nhưng bị A Sử trói lại, sợi dây trói tuy giam hãm được bước chân Mị nhưng không thể ngăn cản được sức sống  đang bùng cháy mãnh liệt bên trong người đàn bà ấy. Mị vẫn chìm đắm trong tiếng sáo gọi bạn tình, hành động như một người tự do và bước đi.

Sau đêm tình mùa xuân, Mị lại trở về với cuộc sống cam chịu, lầm lũi. Nhìn cảnh A Sử bị trói đứng trong sân nhà Pá Tra, ban đầu Mị tỏ ra dửng dưng, vô cảm vì đây là cảnh quen thuộc trong nhà thống lí. Trong một đêm thổi lửa hơ tay, Mị đã nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ, Mị bỗng nhớ lại cảnh ngộ của mình trong đêm tình mùa xuân năm trước. Mị đã đồng cảm với số phận của A Phủ, Mị thấy cái chết đang đến rất gần với A Phủ. Ý thức căm thù thế lực tàn bạo cùng nỗi đồng cảm sâu sắc của Mị đã thôi thúc Mị thực hiện hành động táo bạo: cắt dây cởi trói cho A Phủ, đồng thời giải cứu chính mình khi vụt chạy theo A Phủ.

Với bút pháp hiện thực sắc sảo cùng tài năng phân tích tâm lí bậc thầy, tác giả Tô Hoài đã thể hiện sức sống tiềm tàng bên trong con người, đó là nguồn sức mạnh giúp con người giải phóng chính mình, hướng đến cuộc sống tự do.

Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu lớp 12 hay nhất / THPT Ngô Thì Nhậm

Bạn đang xem: Dẫu trong cùng cực mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sự sống con người

 

Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ để làm sáng tỏ nhận định: Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sự sống con người.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button