Giáo dục

Bài 1 trang 63 SGK Ngữ văn 10 tập 1

Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 1 trang 63 sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 1 phần soạn bài Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự chi tiết và đầy đủ nhất.

Đề bài:

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi.

Bạn đang xem: Bài 1 trang 63 SGK Ngữ văn 10 tập 1

HÒN ĐÁ XÙ XÌ

Tôi thường tiếc cho hòn đá xù xì trước cửa nhà mình: Nó đen sì sì nằm sấp ở đó như con trâu, chẳng ai biết nó có từ bao giờ, chẳng ai để ý đến nó. Mỗi mùa gặt hái, phơi rơm rạ trước cổng, bà nội lại bảo: “Hòn đá vướng quá, bao giờ mới vần nó đi được”.

Bác tôi làm nhà muốn lấy đá xây tường, nhưng khổ một nỗi nó chẳng ra hình thù gì cả, không bằng phẳng, không góc cạnh, dùng búa đục thì tốn sức quá, chẳng bằng ra bãi sông gần đó thả sức chọn đá vác về còn tốt hơn chán vạn. Nhà xây xong, làm bậc hè, bác tôi cũng không chọn đến nó. Năm ấy, có bác thợ đá về làng, đục đẽo cho gia đình tôi chiếc cối. Bà nội bảo: “Lấy quách hòn đá này, khỏi phải vần từ xa”. Bác thợ ngắm nghía mãi, rồi lắc đầu, chê chất đá mịn quá không dùng được.

[…] Nó nằm lặng lẽ ở đó, bóng râm của cây hòe bên sân không che được nó, hoa cũng chẳng bao giờ mọc trên mình nó. Cỏ dại mọc, dây leo dần phủ lên nó một lớp rêu xanh màu đen lốm đốm. Bọn trẻ chúng tôi cũng ghét hòn đá, đã từng rủ nhau vần đi, song không vần nổi. Tuy luôn luôn mắng chê nó, song chẳng biết làm thế nào, đành kệ nó nằm chết gí ở đó.
[…] Cuối cùng một hôm, có một nhà thiên văn về làng. Ông đi qua ngõ nhà tôi, chợt phát hiện ra hòn đá này, ánh mắt cứ cuốn hút vào nó. Ông đã ở lại không đi nữa, và sau đó lại có vài người kéo đến, bảo đó là hòn đá rơi từ vũ trụ xuống đã hai ba trăm năm, là một hòn đá rất ghê gớm. Sau đó không lâu, một chiếc ô tô đến đã cẩn thận chở hòn đá đi.
Chuyện này khiến bọn tôi đứa nào cũng hết sức ngạc nhiên. Hòn đá vừa xù xì, xấu xí, vừa tai quái này, thì ra từ trên trời rơi xuống. Nó đã vá trời, đã từng tỏa nhiệt, tỏa ánh sáng trên trời. Tổ tiên của chúng ta có lẽ đã nhìn thấy nó, nó đã đem lại cho tổ tiên ánh sáng, lòng ngưỡng mộ va sự ước ao, song nó đã rơi xuống trong bùn đất, trong cỏ hoang, nằm ở đấy mấy trăm năm ư?

Bà nội bảo:

– Thật chẳng thể nhận ra, hòn đá không bình thường, ngya đến tường cũng không xây nổi, bậc lên xuống cũng chẳng thể lát được!

– Nó xấu xí quá mà! – Nhà thiên văn bảo.

– Đúng, nó xấu xí quá.

– Nhưng đó chính là cái đẹp của nó – Nhà thiên văn nói tiếp – Nó lấy xấu làm đẹp.

– Lấy xấu làm đẹp ư?

– Đúng, xấu dến tận cùng là đẹp dến tận cùng. Chính vì thế nó không phải là hòn đá bướng bỉnh thông thường, đương nhiên không thể xây tường, lát bậc lên xuống, không thể điêu khắc và giặt vò quần áo. Nó không phải là thứ để làm những trò ấy, cho nên thường bị người đời chê bai.

Bà nội tôi đỏ mặt. Tôi cũng đỏ mặt.

Tôi cảm thấy xấu hổ cho mình, đồng thời cảm thấy cái vĩ đại của hòn đá, thậm chí tôi còn oán giận hòn đá tại sao đã im lặng chịu đựng tất cả bao nhiêu năm nay? Song tôi lập tức cảm nhận sâu sắc sự vĩ đại của hòn đá đã sống âm thầm và không sợ hiểu lầm.

(Theo Giả Bình Ao, Cây Phật, in trong Tản văn, NXB Văn học, Hà Nội, 2003)

a) Khi kể lại chuyện này, có người định bỏ sự việc hòn đá xấu xí được xác định là rơi từ vũ trụ xuống. Theo anh (chị), làm như thế có được không, vì sao?

b) Từ đó, anh (chị) rút ra bài học gì về cách lựa chọn sự việc và chi tiết tiêu biểu khi viết bài văn tự sự (hoặc kể chuyện)?

Trả lời bài 1 trang 63 SGK văn 10 tập 1

Cách trình bày 1

a) Không thể bỏ qua sự việc “hòn đá xấu xí được xác định là rơi từ trên vũ trụ xuống” vì chi tiết này có vai trò chuẩn bị cho sự việc ở phần kết thúc đoạn. Nó tạo ra nội dung tư tưởng cho bài văn. Nếu không có sự việc này thì chắc người làng và đám trẻ ghét bỏ vì không phục vụ vào cuộc sống hàng ngày của họ, họ sẽ không bao giờ thấy được “vẻ đẹp” và giá trị thực sự của hòn đá.

b) Từ sự việc này có thể rút ra bài học: Khi lựa chọn sự việc và chi tiết tiêu biểu cho bài văn tự sự cần cân nhắc kĩ càng và thận trọng. Các sự việc chi tiết được chọn phải góp phần dẫn dắt cốt truyện, phải tô đậm tính cách của nhân vật, tạo ra sự hấp dẫn và tập trung vào chủ đề của bài văn.

Cách trình bày 2

a.

– Sự việc hòn đá xấu xí được xác định là rơi từ vũ trụ xuống là một sự việc tiêu biểu của văn bản, vì vậy không thể lược bỏ sự việc này được.

+ Sự việc đó là bước ngoặt cho toàn bộ câu chuyện.

+ Sự việc này tạo ra nội dung tư tưởng của bài văn.

+ Sự việc này làm đổi thay tiến trình của truyện.

b. Bài học rút ra:

– Khi lựa chọn sự việc và chi tiết tiêu biểu cần cân nhắc kĩ càng và thận trọng

– Các sự việc, chi tiết được chọn phải góp phần dẫn dắt cốt truyện, tô đậm tính cách nhân vật và làm nổi bật chủ đề, tư tưởng của bài văn.

Cách trình bày 3

a, Không thể lược bỏ sự việc “hòn đá xấu xí được xác định là rơi từ trên vũ trụ xuống” vì:

+ Chi tiết này trở thành cơ sở cho sự việc phần kết thúc

+ Chi tiết này lý giải cho sự việc người làng và đám trẻ kia nhận ra vẻ đẹp của hòn đá.

+ Chính chi tiết đó tạo nông dung tư tưởng của văn bản: hòn đá xù xì, vô dụng mà trở nên vĩ đại.

b, Từ những sự việc trên rút ra bài học:

+ Cần lựa chọn những sự việc, chi tiết tiêu biểu để kể

+ Các chi tiết phải góp phần làm nổi bật cốt truyện, đó phải là những chi tiết tiêu biểu, hấp dẫn.

Cách trình bày 4

a. Sự việc “hòn đá xấu xí được xác định là rơi từ trên vũ trụ xuống’’ là một sự việc quan trọng. Vì vậy khi kể rõ ràng không thể lược bỏ được sự việc này. vì chi tiết này có vai trò chuẩn bị cho sự việc ở phần kết thúc đoạn. Nó cũng góp phần miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật và làm sáng rõ chủ đề của văn bản. Đồng thời, chính nó tạo ra nội dung tư tưởng của bài văn.

b. Khi lựa chọn sự việc và chi tiết tiêu biểu để kể chuyện hoặc để viết bài văn tự sự cần cân nhắc kĩ càng và thận trọng

Các sự việc chi tiết được chọn, phải đảm bảo yêu cầu về sự quan trọng và nổi bật, phải góp phần dẫn dắt cốt truyện, phải tô đậm tính cách của nhân vật, tạo ra sự hấp dẫn và tập trung vào chủ đề của bài văn.

Chọn lọc và tìm ra được những sự việc và chi tiết đắt giá để tạo nên sự cuốn hút, hấp dẫn cho câu chuyện. Đồng thời cũng thể hiện được rõ nhất tính cách nhân vật, làm nổi lên chủ đề tư tưởng mà câu chuyện muốn mang đến bạn đọc.

Trên đây là gợi ý trả lời câu hỏi bài 1 trang 63 SGK ngữ văn 10 tập 1 được Học Tốt biên soạn chi tiết giúp các em soạn bài Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự trong chương trình soạn văn 10 tốt hơn trước khi đến lớp.

Chúc các em học tốt !


Trả lời câu hỏi bài 1 trang 63 SGK Ngữ văn lớp 10 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button