Giáo dụcLớp 11

Tình cảm cha con trong Cha con nghĩa nặng

Đề bài: Anh/chị hãy Phân tích tình cảm cha con trong Cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh.

tinh cam cha con trong cha con nghia nang

Tình cảm cha con trong Cha con nghĩa nặng

Bạn đang xem: Tình cảm cha con trong Cha con nghĩa nặng

I. Dàn ý Tình cảm cha con trong Cha con nghĩa nặng

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả Hồ Biểu Chánh, tác phẩm “Cha con nghĩa nặng”; nội dung đoạn trích được học kể lại sự việc người cha bỏ đi khi lén về thăm con.

2. Thân bài

* Giới thiệu khái quát nội dung tác phẩm
– Sửu vô tình trở thành kẻ giết vợ nên phải đi trốn
– Sau nhiều năm trốn tránh, ông cố gắng lén về thăm con
* Cuộc gặp gỡ của hai cha con trên cầu Mê Tức thể hiện tình phụ tử sâu sắc
– Nỗi lòng và tình thương con của ông Sửu:
+ Chấp nhận ra đi biệt xứ, chấp nhận cả cái chết vì con
+ Thương con và muốn ra đi để gìn giữ hạnh phúc cho con
– Tình yêu và tình cảm dành cho cha của Tí
+ Chạy đuổi theo và níu giữ cha ở lại
+ An ủi và thuyết phục cha cho mình được chăm sóc

3. Kết bài

– Khẳng định giá trị đạo lý về tình cảm cha con trong đoạn trích: Chính những mâu thuẫn ấy đã góp phần thể hiện sâu sắc tình cảm cha con sâu nặng, cha sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc của con, còn con sẵn sàng gạt đi hạnh phúc riêng tư để chăm sóc và báo hiếu cho cha.

 

II. Bài văn mẫu Tình cảm cha con trong Cha con nghĩa nặng

Hồ Biểu Chánh – một nhà văn có sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống và con người Nam Bộ, được xem là “một trong số ít những người tiên phong đặt nền móng cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại”. “Cha con nghĩa nặng” là tác phẩm thứ 15 của Hồ Biểu Chánh để lại dấu ấn đậm về cuộc sống và tính cách con người Nam Bộ, đặc biệt với đoạn trích được học, người đọc cảm nhận được tình cảm cha con thiêng liêng, nặng tình nặng nghĩa giữa hai nhân vật Sửu và Tí, đó chính là một giá trị đạo đức tốt đẹp của con người.

Trần Văn Sửu vốn là một nông dân hiền lành, chăm chỉ, yêu vợ thương con nhưng không may lấy phải người vợ xấu nết, đã ngoại tình còn giữ chồng cho nhân tình chạy, không có ý ăn năn hối lỗi, trong cơn tức giận Sửu xô vợ, không may vợ ngã xuống phản chết ngay. Phải chịu án bỏ tù nhưng nghĩ đến tương lai các con nên Sửu đã bỏ trốn, mọi người thì tưởng anh đã nhảy sông tự tử, sau mười mấy năm lẩn tránh đi biệt xứ, Sửu lẻn về thăm con, biết cuộc sống của con đang êm ấm hạnh phúc và nghĩ rằng sự có mặt của mình chỉ mang đến nhiều bất lợi nên anh lại đành ra đi. Chạy đến cầu Mê Tức, vì mệt mà anh ngồi dựa cầu nghỉ, anh nghĩ đến cái chết để bảo toàn hạnh phúc cho con cái “Bây giờ mình còn sống nữa làm gì…chết mới quên hết việc cũ được, chết đặng hết buồn rầu cực khổ nữa”. Nghĩ về cái chết của vợ, nhớ lại cảnh gia đình ngày trước mà trong lòng Sửu đau đớn vùng dậy nói lớn “Mấy con ơi! Cha chết nhé. Mấy con ở lại mạnh giỏi, để cha theo mẹ con cho rồi” rồi anh định chui qua cầu tự tử nhưng thằng con trai của anh – thằng Tí đã đến kịp gặp bố. “Thằng Tí chạy riết lại nắm tay cha nó, dòm sát trong mặt mà nhìn, rồi ôm cứng trong lòng…”. Gặp được con, nghe tiếng con gọi và câu hỏi của con, Trần Văn Sửu lặng người đi, mất hết trí khôn, chỉ biết đứng xui xị xui lơ, hai cha con ôm nhau mà khóc. Vừa mới gặp được con nhưng vì thương con, lo cho hạnh phúc của con Sửu đã vội giục con về “Con phải về đặng lo cưới vợ”, dù thằng Tí có nói đủ kiểu để kéo cha về cùng nhưng chẳng có đường nào cho anh về, “về rồi làng tổng họ đến bắt còn gì?”, anh nghĩ đến sự yên ổn và hạnh phúc của con mà chẳng dám đoàn tụ, thà đi cho biệt tích để cho thằng Tí lấy vợ còn con Quyên lấy chồng cho được tử tế.

Trần Văn Sửu là một người cha yêu thương con hết lòng, chấp nhận mọi sự khổ đau, sai trái ngay cả chấp nhận cái chết chỉ đề gìn giữ cuộc sống yên ổn, hạnh phúc của các con. Số phận bất hạnh của anh như làm nền cho vẻ đẹp của một người nông dân chất phác, bình dị và giàu tình cảm, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời vì con. Thằng Tí tuy có tuổi thơ chẳng mấy đẹp đẽ, côi cút bơ vơ nhưng nó lại có được những suy nghĩ sáng dạ, không oán trách cha mình mà lại càng thương cha. Nó chạy theo và gặp cha trên cầu nó vui mừng khôn xiết, ôm chặt lấy cha mà khóc, đó là nỗi nhớ thương thiếu thốn tình cha suốt mười mấy năm nó phải chịu đựng. Gặp được cha, thấu hiểu những nỗi khổ, nỗi bất hạnh của cha, Tí sẵn sàng bỏ lại hạnh phúc của mình để xin đi theo chăm sóc cho cha, những suy nghĩ của Tí lúc này chỉ hướng đến cho cha, lo lắng cho cha, không tìm cách cho cha về đoàn tụ với gia đình thì tìm cách đi theo cha “Đi theo đặng làm mà nuôi cha; chừng nào cha chết rồi con sẽ về”, “Con không đành để cha đi một mình. Con muốn theo cha mà kiếm chỗ cho cha ăn ở yên nơi rồi con sẽ về”. Thằng Tí vì thương cha mà cố gắng tìm mọi cách thuyết phục cha nghe theo cách của nó, nó cảm thấy suốt bao năm cha đã chịu đủ mọi cực khổ rồi, bây giờ nó lại để cha chịu đựng một mình thì cực cho cha quá, mà nó cũng bất hiếu quá. Sự hiếu thảo, ân cần và chu đáo trong từng hành động, suy nghĩ của thằng Tí cho thấy nó là một đứa con hiếu thảo, sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng của mình để chăm lo phụng dưỡng cho cha.

Qua đoạn trích “Cha con nghĩa nặng” của Hồ Biểu Chánh, ta thấy được rõ những mâu thuẫn: giữa tình cha thương con và hạnh phúc của con, giữa hạnh phúc của con và tình con thương cha. Chính những mâu thuẫn ấy đã góp phần thể hiện sâu sắc tình cảm cha con sâu nặng, cha sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc của con, còn con sẵn sàng gạt đi hạnh phúc riêng tư để chăm sóc và báo hiếu cho cha.

—————–HẾT———————

Trên đây là nội dung bài Tình cảm cha con trong Cha con nghĩa nặng, để học tốt các em có thể tham khảo thêm: Sơ đồ tư duy Cha con nghĩa nặng, Phân tích đoạn trích Cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh, Soạn bài Cha con nghĩa nặng, Hồ Biểu Chánh.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button