Giáo dụcLớp 11

Sức hấp dẫn trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Đề bài: Anh/chị hãy phân tích Sức hấp dẫn trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

suc hap dan trong bai tho voi vang cua xuan dieu

Bài văn Phân tích Sức hấp dẫn trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu
 

Bạn đang xem: Sức hấp dẫn trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

I. Dàn ý Sức hấp dẫn trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

1. Mở bài

– Việc sáng tác ra một tác phẩm có sức hấp dẫn với độc giả chưa bao giờ là dễ dàng và không phải bất cứ ai cũng có thể làm được điều kỳ diệu ấy.
– Thế mà Xuân Diệu, không hổ danh là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới giai đoạn 1932-1945, đã tạo nên một sức hấp dẫn mới lạ trong bài thơ Vội vàng của mình.

2. Thân bài

* Sức hấp dẫn đến từ:
– Khao khát điều khiển chi phối thiên nhiên “tắt nắng”, “buộc gió” => Cái tôi vừa ngông cuồng vừa hồn nhiên làm nên đặc sắc cho toàn bài.
– Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa xuân => Liên tưởng đến vẻ đẹp của tình yêu, tuổi trẻ.
– Hình ảnh gợi cảm “ánh sáng chớp hàng mi”, trong ánh mắt đa tình của Xuân Diệu, vẻ đẹp của thiên nhiên và con người giao hòa với nhau, tạo nên khoảnh khắc tuyệt đẹp…(Còn tiếp)

>> Xem Dàn ý Sức hấp dẫn trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu đầy đủ tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Sức hấp dẫn trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Việc sáng tác ra một tác phẩm có sức hấp dẫn với độc giả chưa bao giờ là dễ dàng và không phải bất cứ ai cũng có thể làm được điều kỳ diệu ấy. Thế mà Xuân Diệu, không hổ danh là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới giai đoạn 1932-1945, đã tạo nên một sức hấp dẫn mới lạ trong bài thơ Vội vàng của mình. Thơ ông chẳng phải viết về một cái gì cao xa bay bổng, mà rất thực tế viết về cái khao khát thực tại của con người. Thông qua đó những quan niệm, những chân lý sống của ông dần được bày tỏ trong bài thơ. Người ta đọc lần một, lần hai rồi càng đọc càng thấm, càng đọc càng thấy hay. Đó là nhờ sức hấp dẫn lạ kỳ từ những vần thơ tự do và nồng nàn, nhiệt huyết của Xuân Diệu.

Ngay từ 4 câu thơ đầu, người ta đã có cảm nhận được sức hút mới mẻ của bài thơ. Xuân Diệu chẳng đi vào lối mòn xưa cũ, ông không chấp nhận bị thiên nhiên khống chế, chi phối mà thay vào đó chính bản thân ông lại có có suy nghĩ điều hành ngược lại tạo hóa, của một hồn thơ với cái “tôi” giao hòa giữa sự ngông cuồng và sự hồn nhiên. Xuân Diệu khao khát nắm giữ, khống chế tạo hóa, ông muốn “tắt nắng”, “buộc gió” để màu đừng nhạt mất, để hương đừng bay đi. Thế mới hiểu, Xuân Diệu yêu thích và trân trọng từng khoảnh khắc xinh đẹp của vạn vật trong trời đất đến thế nào, nên mới có suy nghĩ lạ lùng, táo bạo như vậy.

Đến những vần thơ tiếp, người ta lại thấy một hồn thơ thật nồng nàn, thật bay bổng, lãng mạn và tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, của con người đang yêu. Trong đôi mắt của nhà thơ, vạn vật đều thật tươi đẹp tràn đầy sức sống, nào ong bướm vui “tuần tháng mật”, hoa khoe sắc rực rỡ trong đồng nội một màu “xanh rì”, rồi thì “lá của cành tơ phơ phất”. Điểm tô cho bức tranh muôn màu rực rỡ ấy là tiếng chim yến chim anh đang ngợi ca mùa xuân với “khúc tình si” đầy mê say. Mỗi buổi thức dậy là một niềm vui tựa như “thần Vui hằng gõ cửa”, ánh nắng mặt trời trong đôi mắt đa tình, lãng mạn của Xuân Diệu chỉ thật đẹp khi nó chiếu lên rèm mi khép hờ của cô gái trẻ, đó là một hình ảnh rất đỗi gợi cảm, hướng người ta đến cảm giác yêu đương ngọt ngào, đó là cảm giác tươi trẻ tuyệt vời biết mấy.

Câu “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, đôi lúc không khỏi khiến độc giả sửng sốt bởi cách liên tưởng rất đỗi lạ lùng và gợi cảm của Xuân Diệu, và có lẽ chỉ Xuân Diệu mới có cách liên tưởng tuyệt vời như thế. Mùa xuân trong tâm hồn thi sĩ đa tình, trở thành mỹ vị, cũng trở thành đôi môi quyến rũ ngọt ngào của cô gái trẻ. Hỏi có ai không muốn đến trong vòng tay xuân? Cuộc sống trong thơ Xuân Diệu mang một vẻ đẹp rất hài hòa, tràn đầy sức sống, gợi đến một cảm giác hạnh phúc thật gần gũi. Từ đây, người ta phát hiện ra một chân lý thật sâu sắc về cuộc đời, hóa ra hạnh phúc chẳng phải là những thứ cao xa tận chốn bồng lai tiên cảnh mà thơ xưa vẫn thường nhắc đến, với nỗi mơ ước phiêu diêu tự tại trên ấy. Mà hạnh phúc đến từ những gì giản dị, gần gũi bên cạnh chúng ta nhất tại chính nơi trần thế này, tại sao không ai hay?

Đang trong cảm giác hạnh phúc ngập tràn như thế, Xuân Diệu bỗng khựng lại “Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa/Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Ông đã nhớ mùa xuân ngay giữa mùa xuân, vừa tha thiết tận hưởng, lại vừa bị bủa vây trong cảm giác hoài niệm tiếc nuối, đó chính là cái lạ trong thơ Xuân Diệu. Từ mạch cảm xúc ấy, Xuân Diệu đã đưa ra một loạt những quan điểm về thời gian, về vòng xoay của tạo hóa.

“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.”

Xuân Diệu với một tâm hồn nhạy cảm và mang nỗi ám ảnh về thời gian, đã nhận ra quy luật tuần hoàn của mùa xuân, nhưng cũng nhận ra đời người thật buồn, rồi ai cũng phải già đi, về với cõi hư vô, để mùa xuân ở lại. Từ những nhận thức ấy, nỗi lo sợ của Xuân Diệu chuyển sang sự oán trách, oán trời, trách đất, một lần nữa cái “tôi” thật ngông và hồn nhiên của Xuân Diệu được thể hiện.

“Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.”

“Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi/Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời” là hai câu thơ thể hiện rõ nhất nỗi lòng của Xuân Diệu, ông vừa buồn lo vì sợ thời gian trôi đi kéo theo cả cuộc đời ngắn ngủi mấy mươi năm của mình, khi mà ông còn chưa kịp tận hưởng hết vẻ đẹp của trời đất, chưa tận hưởng hết hạnh phúc trên đời. Ông cũng vừa tiếc nuối những vẻ đẹp tuyệt vời tại nhân gian, những thứ khi mà về cõi vĩnh hằng chẳng thể nhìn lại được nữa. Xuân Diệu luôn như thế, chung quy lại vẫn là nằm trọn trong một chữ “tiếc”, tiếc cuộc sống, tiếc tuổi trẻ sao trôi đi quá nhanh.Và không chỉ nỗi buồn riêng trong lòng Xuân Diệu, dòng chảy thời gian không chỉ buông tàn nhẫn với cuộc đời con người mà nó dường như để lại nỗi buồn khắp vũ trụ, vạn vật cũng nhuốm nỗi buồn, nhuốm màu chia ly, nhận thấy điều ấy trong đoạn thơ sau.

“Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”

Câu thơ “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…” nghe thật day dứt và tha thiết làm sao, bởi đời người vốn chỉ sống một lần, qua rồi thì làm sao quay lại được. Đến đây ta mới thật thấu hiểu nỗi lòng của Xuân Diệu, thấu hiểu cái nỗi buồn, cái vội vã, vồ vập trong thơ ông là vì sao, vì ông sợ không kịp.

Sau những vần thơ rất đỗi suy tư và nồng nàn, Xuân Diệu chợt như bừng tỉnh giữa đại mộng, ông đã nhanh chóng tìm cho mình một lối thoát giữa muôn vàn nỗi hoang mang về cuộc đời. Và câu trả lời ấy chỉ gói gọn trong hai chữ ở nhan đề bài thơ là “Vội vàng”. Lời thơ ông như thúc, như giục “Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm”. Chân lý mới về cuộc đời của Xuân Diệu lại được ông đưa vào những vần thơ của mình, sống là phải tận hưởng hết khi còn có thể, đừng để lỡ bất kỳ một phút giây nào của cuộc đời của tuổi trẻ. Xuân Diệu khao khát tận hưởng những vẻ đẹp của cuộc sống, tựa như nỗi khao khát về một tình yêu cực kỳ mãnh liệt và nồng nàn.

Những từ “ôm”, “riết”, “thâu” cho thấy được cái khát vọng đến điên cuồng và tha thiết vô cùng của ông hoàng thơ tình. Ông muốn tận hưởng tất cả những gì đẹp nhất trần đời ấy, được phiêu lãng, chu du, được tự do trong “mây đưa và gió lượn”, trong sự ngọt ngào đắm say của tình yêu, và hơn tất cả ông muốn “thâu” tất cả lại thành một rồi đặt trong một nụ hôn thật nồng thắm. Ông say mê, điên cuồng trong mùi thơm, trong ánh sáng, đã đầy và no đủ, như một kẻ đói lâu ngày mới gặp một bữa bữa đại tiệc. Câu chốt bài “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”, có lẽ chẳng ai viết được câu thơ vừa hoang đường vừa gợi cảm đến vậy, phải khát khao điên cuồng đến bậc nào, mà Xuân Diệu lại muốn “cắn” vào một mùa xuân vô hình như vậy. Đó là sự hấp dẫn trong lối viết phóng khoáng của Xuân Diệu.

Sự hấp dẫn trong thơ của Xuân Diệu đến từ nhiều phía, thứ nhất là từ bức tranh thiên nhiên thực sự hấp dẫn tâm hồn độc giả, từ ấy dễ khiến người ta liên tưởng đến bức tranh tình yêu, bức tranh cuộc sống thật nồng nàn, rực rỡ của tuổi trẻ. Thứ hai là từ những quan điểm về thời gian, về cuộc đời về chân lý của cuộc sống đầy mới lạ hấp dẫn. Thứ ba là đến từ những biện pháp nghệ thuật đặc sắc trong thơ ông, đáng lưu ý nhất là những hình ảnh, những liên tưởng đầy sáng tạo và có phần táo bạo đã góp phần làm cho Vội vàng trở nên đặc biệt hơn cả. Đọc Vội vàng, người ta như bị cuốn vào từng nhịp thơ của Xuân Diệu, bài thơ có một sức hút chẳng thể chối từ, đẹp đẽ, mới lạ và hấp dẫn là những mỹ từ xứng đáng để nói về tác phẩm này.

—————-HẾT—————–

Qua bài phân tích trên đây, chúng tôi đã khái quát Sức hấp dẫn trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, để tìm hiểu chi tiết vào từng nội dung đặc sắc của bài, các em có thể tìm hiểu thêm: Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu, Phân tích khổ thơ đầu trong bài Vội vàng để làm sáng tỏ nhận định, Phân tích quan niệm sống “vội vàng” của Xuân Diệu, Phân tích quan điểm yêu của Xuân Diệu qua Vội vàng. 

Các em có thể tham khảo thêm bài phân tích Vội Vàng cả bài để hiểu hơn về sức hấp dẫn của bài thơ Vội Vàng cũng như có nhiều kiến thức, triển khai bài hay khi gặp bài văn phân tích bài thơ này. 

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button