So sánh nhân vật Dít (Rừng xà nu) và Chiến (Những đứa con trong gia đình)
Văn mẫu so sánh nhân vật Dít trong Rừng xà nu và nhân vật Chiến trong Những đứa con trong gia đình để nhận ra được vẻ đẹp và các xây dựng tạo hình nhân vật
Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của nhân vật Dít trong truyện “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành và nhân vật Chiến trong truyện “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi.
Để làm được bài văn này các em có thể làm theo dàn ý sau đây:
So sánh nhân vật Dít (Rừng xà nu) và Chiến (Những đứa con trong gia đình)
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm
– Nguyễn Trung Thành (1923) là nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến, gắn bó mật thiết với mảnh đất Tây Nguyên. Truyện ngắn Rừng xà nu được viết năm 1965; đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ, sau đó in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc là tác phẩm đặc sắc của ông.Truyện xây dựng thành công vẻ đẹp của con người Tây Nguyên đi theo cách mạng, kiên cường, bất khuất, lựa chọn con đường đấu tranh vũ trang chiến đấu chống lại kẻ thù để tự giải phóng, trong đó nổi bật là nhân vật Dít.
– Nguyễn Thi (1928-1968) là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu văn nghệ giải phóng miền Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ. Ông quê ở miền Bắc nhưng đã gắn bó sâu nặng với nhân dân miền Nam . Văn ông vừa giàu chất sống hiện thực, đầy những chi tiết dữ dội, ác liệt của cuộc chiến tranh, vừa đằm thắm chất trữ tình với một ngôn ngữ phong phú, góc cạnh và đậm chất Nam bộ. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Thi là truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình”. Truyện được viết vào tháng 2 năm 1966, khi Nguyễn Thi đang công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Truyện đã xây dựng thành công vẻ đẹp vẻ đẹp người con gái Nam Bộ, đó là nhân vật Chiến.
2. Phân tích nhân vật Dít trong tác phẩm Rừng xà nu
– Nội dung
+ Ngay từ nhỏ, Dít đã tỏ ra rất gan dạ: Khi Mai cùng đứa con nhỏ bị giặc giết hại, dân làng ai cũng khóc thương nhưng Dít câm lặng, mắt ráo hoảnh nuốt hận vào bên trong. Dù bị bọn thằng Dục hăm dọa nhưng Dít vẫn bò theo máng nước đem gạo ra rừng cho cụ Mết và thanh niên. Bọn thằng Dục bắt được Dít, chúng biến Dít thành tấm bia sống nhưng Dít nhìn chúng bằng cặp mắt thản nhiên lạ lùng.
+ Dít nén đau thương và căm thù. Cô tích cực tham gia cách mạng, trở thành bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội, rất chững chạc và nghiêm túc trong công việc, kiên quyết nhưng cũng rất tình cảm ( qua việc hỏi giấy phép của Tnú)
+ Đối với dân làng và bé Heng, Dít cũng luôn chiếm được tình cảm quý trọng và sự ủng hộ tích cực. Trong suy nghĩ của bé Heng, dường như chị Dít nói gì cũng đúng và phải thực hiện nghiêm chỉnh ( qua câu nói với anh Tnú: Rửa chân đi, nhưng đừng uống nước lạnh, về chị Dít phê bình cho đấy)
+ Có thể nói Nguyễn Trung Thành đã dành tình cảm yêu mến xen lẫn với sự khâm phục khi nói về Mai và Dít. Họ là những phụ nữ Tây Nguyên tiêu biểu thể hiện vai trò của mình trong cuộc chiến tranh cách mạng và đây cũng là bước phát triển đáng ghi nhận.
– Nghệ thuật.
+ Dít vừa có những nét riêng cá tính sống động, vừa mang phẩm chất có tính khái quát, tiêu biểu. Tác giả tập trung xây dựng nhân vật Dít qua hình ảnh đôi mắt ( Đôi mắt bình thản nhìn bọn lính khi bị bắn doạ; Đôi mắt ráo hoảnh – lầm lì không nói gì (trước cái chết bi thảm của chị gái )…
+ Lời văn với những câu văn giàu tính tạo hình, giàu nhạc điệu, khi thâm trầm , khi tha thiết, trang nghiêm.
3. Phân tích nhân vật Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình
– Nội dung
+ Chiến sinh ra và lớn lên trong mối thù nhà, nợ nước: ông nội, ba má đều chết trong chiến tranh. Do vậy dù đang còn ít tuổi nhưng chị Chiến vừa thay mẹ chăm sóc cho gia đình,vừa tham gia cách mạng, mang quyết tâm trả nợ nước thù nhà
+ Chị Chiến là người con gái lớn đảm đang, yêu thương em, biết vun vén lo toan cho gia đình
+ Mang tình yêu đối với cách mạng, quyết tâm đi tòng quân để trả nợ nước, thù nhà
+ Bản lĩnh kiên cường, dũng cảm, không lùi bước trước kẻ thù.
– Nghệ thuật
+ Tình huống truyện: Chiến hiện ra trong tình huống nhân vật Việt-một chiến sĩ Quân giải phóng-bị thương phải nằm lại chiến trường. Truyện kể theo dòng nội tâm của Việt khi liền mạch(lúc tỉnh), khi gián đoạn(lúc ngất) của người trong cuộc làm câu chuyện trở nên chân thật hơn; có thể thay đổi đối tượng, không gian, thời gian, đan xen tự sự và trữ tình.
+ Chi tiết được chọn lọc vừa cụ thể vừa giàu ý nghĩa, gây ấn tượng mạnh. Ngôn ngữ bình dị, phong phú, giàu giá trị tạo hình và đậm sắc thái Nam Bộ.Giọng văn chân thật, tự nhiên…
4. Về sự tương đồng và khác biệt giữa hai nhân vật
– Sự tương đồng giữa hai nhân vật Dít và Chiến
Cả hai nhân vật đều là những người con gái trẻ tuổi nhưng đã sớm giác ngộ cách mạng, mang một tình yêu lớn đối với đất nước và ý chí, quyết tâm mãnh liệt chống lại kẻ thù. Họ không chỉ là những người chiến sĩ trẻ đầy bản lĩnh mà còn là người con gái biết yêu thương, sống gắn bó với cộng đồng. Hai nhân vật đều mang vẻ đẹp của người con gái Việt Nam nói chung: giỏi việc nước, đảm việc nhà.
– Khác biệt giữa hai nhân vật Dít và Chiến
+ Nhân vật Dít có vẻ số phận và vẻ đẹp của người con gái miền núi Tây Nguyên . Cô chính là cây xà nu đã trưởng thành trong mưa bom lửa đạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Bản lĩnh gan dạ, nhanh nhẹn của Dít được rèn luyện từ nhỏ. Dít nối tiếp người chị ( Mai) để trở thành người cán bộ của Đảng, tiếp tục hoạt động cách mạng, khẳng định chân lí qua lời của cụ Mết “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Nhân vật Dít được hiện ra qua lời kể “trầm và nặng” của cụ Mết, giọng kể đậm chất sử thi.
+ Chiến là người con gái Nam Bộ bộc trực, thẳng thắn, lớn lên trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, nên nhận thức rõ mình cần phải làm gì để bảo vệ gia đình, dân tộc. Do vậy Chiến đã quyết tâm đi bộ đội. Thù nhà, nợ nước là động lực để Chiến tòng quân giết giặc. Nhân vật Chiến được hiện ra qua lời trần thuật của nhân vật Việt, người em trai bị thương nặng trên chiến trường.
Mong rằng với dàn ý so sánh nhân vật Dít và Chiến trên đây sẽ giúp các em có cho mình một bài văn thật hay, đừng quên tham khảo thêm văn mẫu 12 để ôn luyện kiến thức môn Ngữ văn thi THPT Quốc gia tốt nhất em nhé!