Kiến thức bài Đò Lèn – Nguyễn Duy
Hệ thống kiến thức cơ bản bài Đò Lèn – Nguyễn Duy do THPT Ngô Thì Nhậm sưu tầm, tổng hợp kiến thức trọng tâm bài Đò Lèn cùng các bài văn mẫu liên quan.
Để học tốt môn Ngữ văn lớp 12, mời các em tham khảo bài tổng hợp những kiến thức cơ bản bài Đò Lèn của Nguyễn Duy được tổng hợp bởi THPT Ngô Thì Nhậm:
Tóm tắt kiến thức Đò Lèn – Nguyễn Du đầy đủ nhất
I. Tác giả
1. Tiểu sử
– Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở một vùng quê tỉnh Thanh Hoá. Nguyễn Duy làm thơ rất sớm, khi còn là học sinh trung học ở quê hương. Năm 1973, ông đạt giả Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ với chùm thơ: Hơi ấm Ổ rơm, Bầu trời vuông, Tre Việt Nam.
– Thơ Nguyễn Duy có sự kết hợp tài hoa giữa cái duyên dáng, trữ tình với chất thế sự đậm đặc, nhiều bài thơ gây được tiếng vang lớn dối với độc giả bởi sự lên tiếng khẳng khái bộc trực mà vẫn trầm tĩnh, giàu chiêm nghiệm. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
2. Văn nghiệp
– Về thơ: Cát trắng (1973), Ánh trăng (1984), Đãi cát tìm vàng (1987)…
– Bên cạnh thơ, Nguyễn Duy còn sáng tác ở nhiều thể loại khác: Em – Sóng (kịch thơ, 1983), Khoảng cách (tiểu thuyết, 1986), Nhìn ra bể rộng trời cao (bút kí, 1986)…
>> Soạn bài Đò Lèn – Nguyễn Duy
3. Phong cách
– Nguyễn Duy là cây bút tài hoa, thơ ông nhiều bài có cái ngang tàng nhưng vẫn trầm tĩnh và giàu chiêm nghiệm. Do vậy, đọc thơ ông, chất chiêm nghiệm ấy cứ dần ngấm vào người đọc và trong cái đà ngấm ấy có lúc khiến người ta phải giật mình suy nghĩ…
– Ông được đánh giá cao trong thể thơ lục bát, một thể thơ dễ viết nhưng viết hay thì lại rất khó. Thơ lục bát của Nguyễn Duy được viết theo phong cách hiện đại, câu thơ vừa phóng túng lại vừa uyển chuyển, chặt chẽ. Nguyễn Duy là một trong những cây bút hiện đại đã góp phần làm mới thể thơ truyền thống này.
II. Tác phẩm
1. Hoàn cảnh sáng tác
Đò Lèn được viết năm 1983, trong một dịp nhà thơ trở về quê ngoại, trở lại với những hồi ức đan xen nhiều buồn vui thời học trò, về với hình ảnh bà ngoại thương yêu, người đã tận tuỵ nuôi nấng nhà thơ đến tuổi trưởng thành. Bài thơ được in trong tập Ánh trăng.
2. Bố cục
Bài thơ có thể chia làm 3 đoạn:
Đoạn 1 (2 khổ thơ đầu): Hồi ức về tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo.
Đoạn 2 (3 khổ thơ tiếp): Hồi ức về những tháng ngày sống bên người bà thân yêu.
Đoạn 3 (khổ cuối): Những suy tư của nhân vật trữ tình.
III. Đọc hiểu tác phẩm
1. Cái tôi của tác giả thời thơ ấu
– Tuổi thơ của tác giả phải trải qua những cơ cực, nghèo đói do chiến tranh nhưng vẫn là một đứa trẻ đáng yêu, tinh nghịch, ranh mãnh, hồn nhiên với những kỉ niệm xấu xen lẫn kỉ niệm đẹp mang đến sự chân thành.
– Khi tác giả thú nhận sự thật “ăn trộm nhãn chùa Trần”, thì người đọc vẫn có thể tha thứ cho đứa trẻ dễ mến, đáng yêu; đây là sự dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, dám nói ra sự thật.
2. Tình cảm của tác giả với bà
– Hình ảnh người bà âm thầm chịu đựng, hi sinh vì đứa cháu mồ côi trong tình thương của tác giả được tái hiện rất cảm động.
“Bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
Bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn”.
– Hình ảnh người bà đi bán trứng ở ga Lèn giữa tan hoang của cảnh vật khiến lòng người rung động mạnh mẽ.
“Bom Mĩ giội nhà bà tôi bay mất
Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
Thánh với Phật rủ nhau bay đi hết
Bà tôi đi bán trứng ga Lèn”.
Nỗi xót xa của người cháu là ngày chiến thắng trở về không còn được gặp người bà thân yêu. Hình ảnh nấm mồ thể hiện sự hối hận chân thành và tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ đối với bà.
“Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn là một nắm cỏ thôi”.
>> Tham khảo: Phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ Đò Lèn
3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
Hai khổ thơ đầu là hình ảnh cậu bé nghịch ngợm giữa đất trời quê ngoại dân dã, khi câu cá ở Cống Na, lúc “bắt chim sẻ trên vành tai tượng phật, và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần”. Rồi “chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng” để biết mùi huệ, hương trầm và “điệu hát văn lảo đảo hóng cô đồng”. Cứ thế mà lớn lên bên bà, nào có biết đời bà ra sao? Mãi khi về thăm quê ngoại, người lính đã trưởng thành ấy mới thực hiểu và thấm thía một đời bà lam lũ, vất vả:
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
Bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
Bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán cháo Đồng Giao thập thững những đêm hàn.
“Tôi đâu biết” đã nối liền tuổi thơ nghịch ngợm của đứa cháu với đời bà cơ cực tần tảo sớm khuya nuôi cháu. Chỉ một khổ thơ dành cho bà mà chất chứa trong đó bao thương cảm xót xa, bao ân tình sâu nặng của đứa cháu khi nhớ đến bà. Tưởng như những vùng đất quen thuộc xứ Thanh – đồng Quan, Ba Trại, Quán Cháo, Đồng Giao – vẫn in hình bóng bà với bước chân “thập thững những đêm hàn”. Nhớ về bà, nhà thơ không chỉ thương tiếc, biết ơn mà còn kính trọng bà, một con người của đời thường, sống âm thầm chịu đựng trong cảnh đời thường nhưng lại đầy bản lĩnh, giàu nghị lực và lạc quan. Nghĩ về bà, Nguyễn Duy có một chút so sánh mang ý vị triết lí sâu xa.
Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
Giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần.
Để đi đến một đáp số thật đơn giản và dễ hiểu khi “Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất – đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền”, lúc ấy đã xảy ra một sự đối lập sâu sắc.
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
Trong sự tương phản của câu thơ, hình ảnh người bà hiện lên sừng sững giữa đời thường, giản dị mà đẹp. Có phải đó là ý chí, nghị lực, sức sống mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam kết tinh trong người bà mà người cháu trưởng thành đã nhìn thấy và thấu hiểu, để càng thêm yêu kính và biết ơn bà. Nhưng tất cả đều đã muộn và khổ thơ kết thúc không nén nổi một niềm ăn năn, hối hận của người cháu – người lính khi nghĩ về bà của mình.
Tôi đi lính… lâu không về quê ngoại
Dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!
>> Những bài cảm nhận về bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy hay nhất
4. So sánh với bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt
– Trong Bếp lửa của Bằng Việt, tình cảm của tác giả dành cho bà là những hồi ức thiêng liêng, cảm động thể hiện qua tiếng tu hú tha thiết, qua hình ảnh bếp lửa bập bùng.
“Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà…
Rồi sớm rồi chiều bếp lửa bà nhen…
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn…
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm…
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…”.
– Nét độc đáo trong cách thể hiện tình cảm đối với người bà của Nguyễn Duy là bộc lộ tình cảm trực tiếp với những kí ức chân thành, nhà thơ bày tỏ tình cảm bằng những lời thơ tự trách, ăn năn, hối lỗi khi nhớ về một thời vô tâm bằng những câu thơ rưng rưng, đau nhói lòng người.
“Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn là một nắm cỏ thôi!”.
Tham khảo thêm:
- Cảm xúc về bài thơ Đò Lèn (Nguyễn Duy)
- Sơ đồ tư duy Đò Lèn
—–//—–
Trên đây là hệ thống kiến thức cơ bản bài Đò Lèn của Nguyễn Duy, bao gồm những kiến thức về tác giả, tác phẩm, nội dung, nghệ thuật,… Cùng với đó là những bài văn mẫu hay nhất về bài Đò Lèn mà THPT Ngô Thì Nhậm đã sưu tầm. Hy vọng những tài liệu Văn 12 này sẽ giúp các em dễ dàng tiếp thu kiến thức để học tập tốt hơn. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao nhé!