Đề đọc hiểu Cho Quỳnh những ngày xa
Đề đọc hiểu Cho Quỳnh những ngày xa (Lưu Quang Vũ) với tuyển chọn những mẫu câu hỏi xoay quanh để hiểu rõ hơn suy nghĩ của tác giả.
Bạn đang muốn tìm các câu hỏi xoay quanh bài thơ Cho Quỳnh những ngày xa trong tập Những bông hoa không chết (2008). Dưới đây THPT Ngô Thì Nhậm xin đưa ra bài tổng hợp các câu hỏi Đọc hiểu Cho Quỳnh những ngày xa đã xuất hiện trong các bài thi, bài kiểm tra:
Đề đọc hiểu Cho Quỳnh những ngày xa – Lưu Quang Vũ
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 6:
Anh viết thâu đêm, đánh vật với từng trang
Rồi thao thức không sao ngủ được
Kim đồng hồ tích tắc, tích tắc
Hai tiếng động nhỏ bé kia
Hơn mọi ầm ào gầm thét
Là tiếng động khủng khiếp nhất đối với con người
Đó là thời gian
Nó báo hiệu mỗi giây phút qua đi không trở lại
Nhắc nhở cái gì đang đợi ta ở cuối
Nhưng anh, anh chẳng sợ nó đâu
Thời gian – đó là chiều dài những ngày ta sống bên nhau
Thời gian – đó là chiều dày những trang ta viết
Bây giờ anh mới hiểu hết câu nói trong kịch Sêcxpia:
Tồn tại hay không tồn tại
Không có nghĩa là sống hay không sống
Mà là hành động hay không hành động
nhận thức hay không nhận thức, tác động vào cuộc đời hay quay lưng lại nó?
Anh không băn khoăn mình có tài hay kém tài, thành công hay thất bại
Chỉ day dứt một điều: làm sao với những sự vật bình thường
Những ngày tháng bình thường
Như chiếc hộp con, như tờ lịch trên tường
Ta biến thành con tàu, thành tấm vé
Những ban mai lên đường.
(Trích “Cho Quỳnh những ngày xa”, Lưu Quang Vũ)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt của đoạn trích.
Câu 2. Xác định giọng điệu chủ đạo của các câu thơ sau và nêu tác dụng của nó trong việc thể hiện nội dung:
“Tồn tại hay không tồn tại
…..
nhận thức hay không nhận thức, tác động vào cuộc đời hay quay lưng lại nó?”
Câu 3. Theo anh (chị), điều tác giả muốn gửi gắm trong những câu thơ
“Anh không băn khoăn mình có tài hay kém tài, thành công hay thất bại
Chỉ day dứt một điều: làm sao với những sự vật bình thường
Những ngày tháng bình thường” là gì?
Câu 4. Từ đoạn thơ trên hãy rút ra cho mình một bài học có ý nghĩa.
Câu 5: Đọc đoạn trích và chỉ ra những cảm nhận mới mẻ của nhà thơ Lưu Quang Vũ về thời gian.
Câu 6: Anh/chị có suy nghĩ gì về quan niệm của nhà thờ trong những câu thơ:
“Tồn tại hay không tồn tại
Không có nghĩa là sống hay không sống
Mà là hành động hay không hành động
nhận thức hay không nhận thức, tác động vào cuộc đời hay quay lưng lại nó?”
Trả lời ngắn gọn trong 5-7 dòng.
——
Các em có thể thử làm ra giấy các câu hỏi rồi so sánh đối chiếu đáp án dưới đây:
Đáp án đọc hiểu Cho Quỳnh những ngày xa
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là: Biểu cảm.
Câu 2.
– Giọng điệu chủ đạo của bài thơ là: Cắt nghĩa – lí giải/ Trăn trở, suy tư.
– Tác dụng của giọng điệu trên là làm tăng tính triết lý, nhấn mạnh vào quan niệm về thời gian, về lẽ sống, thể hiện vẻ đẹp trí tuệ của tác giả.
Câu 3.
– Vấn đề khiến ta trăn trở không phải là năng lực (có tài hay kém tài), cũng không phải là những kết quả không đạt được (thành công hay thất bại) mà là thái động sống, sự ứng xử với những gì rất đỗi gần gũi, thân quen, bình dị (những sự vật bình thường), với từng khoảnh khắc thời gian bình thường trong cuộc sống hàng ngày.
– Cần biết trân trọng hạnh phúc giản dị đời thường.
Câu 4.
– Học sinh biết rút ra bài học có ý nghĩa. Ví dụ: biết quý trọng thời gian, biết trân trọng những điều nhỏ bé, bình dị xung quanh mình,..
– Nêu một cách ngắn gọn vì sao bản thân cho đó là bài học ý nghĩa. Ví dụ: vì thời gian một đi không trở lại, cuộc sống ngắn ngủi này rất đáng quý; nếu đánh mất đi thời gian là đánh mất đi tất cả; vì hạnh phúc của con người là bắt đầu từ những điều bình dị, bé nhỏ, có ý nghĩa với mình…
Câu 5. Cảm nhận của Lưu Quang Vũ về thời gian:
– Thời gian tuyến tính một đi không trở lại.
– Thời gian không phải là thời gian vật lí (ngày/ tháng/ năm) mà thời gian được đo bằng sự gắn bó trong tình cảm với người mình yêu (thời gian – chiều dài những ngày ta sống bên nhau) và sự cống hiến sức lực, tài năng cho cuộc đời (thời gian – chiều dày những trang ta viết)
Câu 6. Câu hỏi mở, thí sinh tự do trình bày suy nghĩ của mình. Có thể đồng ý/ không đồng ý với quan điểm của nhà thơ. Chú ý, dù đồng ý/ không đồng ý thí sinh cũng phải đưa ra lí lẽ thuyết phục. Giáo viên linh hoạt cho điểm.
-/-
Trên đây là một số câu hỏi đọc hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi mà THPT Ngô Thì Nhậm đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà và đừng quên tham khảo các đề đọc hiểu ngữ văn 12 mà THPT Ngô Thì Nhậm đã biên tập nhé!