Giáo dục

Cảm nghĩ của em về người ông kính yêu

Đề bài: Cảm nghĩ của em về người ông kính yêu.

***

Bài văn cảm nhận về ông nội hay và xúc động nhất

Ông nội em là sĩ quan quân đội về hưu với hàm đại tá. Gần như suốt cuộc đời, ông công tác xa nhà, giờ đây mới có điều kiện chung sống với gia đình. Ông em rất vui, vì được ở nhà với đàn cháu thân yêu.

Bạn đang xem: Cảm nghĩ của em về người ông kính yêu

Ngày nào cũng vậy, cứ tang tảng sáng là ông em dẫn đầu nửa “tiểu đội” cháu nội, cháu ngoại chạy dọc con đường làng dẫn ra cánh đồng để hít thở không khí trong lành. Gió sớm mát lộng, bầu trời thoáng đãng. Em khoan khoái hít căng lồng ngực hương vị quen thuộc của đất đai, cây cỏ quê hương. Tập thể dục buổi sáng xong, ông nhắc nhở các cháu đánh răng, rửa mặt, ăn sáng và thay quần áo, chuẩn bị đến trường. Nhìn đàn cháu ngoan ngoãn khoanh tay, cúi đầu lễ phép đồng thanh cất tiếng chào, ông em mỉm cười sung sướng: “Ừ! Ông chào các cháu! Nhớ học cho ngoan nhé!”.

Em rất thích tác phong làm việc nhanh nhẹn, dứt khoát của ông. Trước khi làm bất cứ việc gì, ông đều cân nhắc kĩ. Ông thường bảo: “Làm việc cũng như đánh trận ấy các cháu ạ! Phải xem xét thật cẩn thận, tìm ra cách thực hiện nhanh nhất và có hiệu quả nhất”. Ông nói được, làm được và rèn luyện cho đàn cháu nề nếp ấy. Từ ngày ông về, ngôi nhà khang trang, sáng sủa hẳn lên, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng đâu vào đấy. Không còn cảnh giày dép, đồ chơi, sách vở bạ đâu vứt đấy bừa bãi như trước đây. Cháu nào phạm lỗi, ông nhẹ nhàng nhắc nhở, ít khi quở mắng. Thấy cách dạy các cháu của ông, bà em bằng lòng lắm.

Mặc dù gắn bó với môi trường quân đội gần bốn mươi năm nhưng ông em vẫn giữ nguyên bản chất của người nông dân chất phác thật thà, cần cù chăm chỉ. Mọi việc lớn nhỏ, ông chẳng nề hà vất vả. Khu vườn nhà em dạo trước chỉ có dăm ba cây ổi, cây táo cằn cỗi, bây giờ đã xanh tốt với những dãy chuối, bưởi, cam, nhãn, vải thiều và nhiều thứ cây ăn quả khác. Mùa nào thức ấy, trong nhà lúc nào cũng có hoa quả tươi mới, ngọt ngào. Đó là công sức của ông đổ ra đã mấy năm nay. Ông em thích làm việc, thích mang lại niềm vui cho mọi người.

Mỗi tháng, Hội Cựu chiến binh của xã lại họp ở nhà em một lần vì ông em là chủ tịch hội. Gặp gỡ nhau, các ông thường nhắc đến những kỉ niệm vui buồn thời chiến tranh, đến những người đồng đội đã hi sinh bằng giọng bùi ngùi, xúc động. Em không thể hình dung ra được người ông giản dị, hiền hậu của em cách đây hơn ba mươi năm đã từng là tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn xung kích trong cánh quân từ miền Đông Nam Bộ tấn công vào giải phóng Sài Gòn. Ngày lễ, ngày Tết, ông em lấy bộ quân phục sĩ quan mới nhất ra mặc, huy chương cài đầy trên ngực, trông oai phong lắm! Được đi bên ông, nắm chặt tay ông, em không giấu nổi vẻ hãnh diện, tự hào trước đám bạn cùng xóm, cùng trường. Em ao ước sau này trưởng thành cũng được vào bộ đội, cầm súng bảo vệ Tổ quốc, sẽ in dấu chân trên khắp mọi miền đất nước như ông nội kính yêu.

Đang mải mê suy nghĩ, chợt em nghe tiếng ông gọi:

– Đồng chí Hoàng Khôi! Đồng chí đã học bài xong chưa?!

Em đứng bật dậy, dập chân đứng nghiêm, giơ tay chào:

– Báo cáo thủ trưởng, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ!

Ông dang rộng vòng tay ôm chầm lấy em. Hai ông cháu cùng cười vang khiến bà nội đang vo gạo ngoài sàn nòi nước phải ngoại lại nhìn rồi mắng yêu:

– Đúng là ông nào cháu nấy!

Cảm nhận về người ông đã mất

Thế mà đã hai năm kể từ ngày ông ra đi, nhanh thật. Thời gian không thể xóa đi kỉ niệm về ông, về tình yêu ông dành cho cháu, những ngày tháng tươi đẹp khi mà cháu chưa mất ông nhưng nó cũng đã xóa đi phần nào nỗi đau, nỗi nhớ và lòng xót xa của cháu. Ôn đã ra đi thật nhẹ nhàng và thanh thản, tưởng như chỉ là một giấc mơ, nhưng nào có phải và nỗi đau lại quặn thắt trong lòng.

Nhưng thôi, khi nhắc về ông, không nên nói đến những nỗi buồn, bởi nhắc đến ông là nhắc đến một tấm gương sáng ngời về nghị lực, ý chí vượt lên trên khó khăn và thêm vào đó là một tài năng và những phẩm chất tuyệt vời.

Cuộc đời ông luôn gặp nhiều khó khăn, bất trắc, nhiều trở ngại to lớn nhưng không gì có thể ngăn cản ông vượt lên. Lên bốn tuổi, cái tuổi mà con người ta mới bập bẹ nói, lững chững tập đi, ông đã không còn bố nữa. Vài năm sau,  mẹ ông cũng ra đi và nằm lại nơi nào ông cũng không biết. Người ta nói:

“Mồ côi cha ăn cơm với cá

Mồ côi má lót lá mà nằm”

Thế mà chỉ mười năm đầu đời, ông đã không còn cả cha lẫn mẹ. Đau khổ là thế, nhưng đến năm 20 tuổi ông vẫn là một trong những học sinh xuất sắc của thành phố Huế. Hoạt động cách mạng, bị giặc bắt, tra tấn dã man, hành hạ đánh đập tàn bạo để đến mấy chục năm sau ông vẫn chịu di chứng: đó là căn bệnh suyễn. Và chắc chắn rằng nếu ông có những trận đòn ác liệt ấy thì đến hôm nay, lúc cháu đang viết những dòng này, có thể ông vẫn ngồi bên và mỉm cười với cháu, một nụ cười chất phác, hiền hậu mà cháu đã mất… Giữ vững những phẩm chất của một Đảng viên Cách mạng, ông được ra tù, thế nhưng không được đền đáp mà ông còn bị nghi ngờ, bị coi là lí lịch không rõ ràng. Bất công đến như thế nhưng ông vẫn sống, sống cho đời, làm việc cho đất nước và đã khẳng định được mình, ông làm nghề nhà giáo, trở thành Hiệu trường của trường Đại học sư phạm Huế và những học trò của ông hiện nay không thiếu những người thành đạt, trở thành hiệu trưởng của trường này, thứ trường kia. Ông không chỉ là tình yêu, là người ông mà còn là niềm tự hào lớn lao của cháu, còn nhứ khi cháu mới bốn, năm tuổi gặp bạn bè cháu khoe rằng: “Tao không biết ba tao làm nghề gì, nhưng ông tao là một nhà khoa học”. Đối với cháu lúc áy, ông là to lớn nhất, giỏi giang nhất, vì đại nhất, ông là “một nhà khoa học” cơ đấy. Rồi thì lớn lên, hiểu rõ về ông hơn, cháu lại càng tự hào hơn khi cháu học lớp bảy, lớp của cháu có sử dụng cuốn sách mà ông viết. Cháu vẫn không sao quên được niềm sung sướng khi chỉ tay vào cuốn sách và hỏi: “Chúng mày có biết cuốn sách này của ai viết không? Ông tao đấy, ông tao chính là người viết cuốn sách này”. Và nhìn những đứa bạn trố mắt, trầm trồ đọc ba chữ “Lê Đình Phi” cháu cảm thấy lòng mình lâng lâng. Ôi thật tự hào và hạnh phúc biết bao! Nay, ông không còn nữa, những niềm tự hào ấy vẫn sẽ theo cháu suốt cuộc đời.

Nhưng có tự hào bao nhiêu cháu vẫn ước gì mình được như xưa, được có ông bên cạnh, chỉ bảo ân cần. Nhớ sao những ngày xưa ấy, ông dắt tay cháu đi bộ trên đài Nam giao, chỉ cho cháu xem những ông Phật đứng, Phật nằm, kể cho cháu nghe những câu chuyện thật hấp dẫn. Hay chỉ cách đây vài năm, ông vẫn ngồi trên ghế nhựa, phe phẩy chiếc quạt, hỏi han, trò chuyện cùng cháu, cười với cháu và đố cháu những bài toán nho nhỏ. Ở nơi ông cháu luôn tìm thấy chốn yên bình nhất, thanh thản nhất. Ba mẹ có đôi khi giận dữ la mắng, đánh đập khi cháu hư. Những lúc ấy, cháu lại chạy đến với ông, lại ngồi cạnh ông, cười với ông, gần ông cháu lại thấy quên đi tất cả nỗi buồn.

Nhưng nay! Cháu đã mất ông rồi! Hụt hẫng làm sao, đau đớn làm sao! Cháu không còn chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất. Lấy ai an ủi cháu và để cháu tâm sự? Buồn quá! Biết làm sao đây.

Ông ơi! Ở trên ấy ông có nghe những lời cháu không ông? Chắc chắn ông sẽ nghe được rằng cháu thật lòng yêu ông! Yêu ông nhiều lắm!

——————————————————————–

» Tham khảo thêm một số bài văn hay khác:

  • Cảm nghĩ của em về người Cha kính yêu
  • Cảm nghĩ của em về người em thần tượng nhất

 

Tuyển chọn những bài văn hay trình bày cảm nghĩ về người ông kính yêu hay nhất để giúp các em học sinh lớp 7 tham khảo.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button