Bình giảng khổ thơ thứ 5 bài Đất nước – Nguyễn Đình Thi
Những bài văn mẫu hay sưu tầm và chọn lọc chủ đề phân tích, bình giảng khổ thứ 5 trong bài thơ Đất Nước (Nguyễn Đình Thi).
Bình giảng khổ thơ thứ 5 bài Đất nước (Nguyễn Đình Thi) gồm tổng hợp những bài văn hay do THPT Ngô Thì Nhậm sưu tầm phân tích và bình giảng nội dung khổ thơ thứ 5 trong bài Đất Nước của Nguyễn Đình Thi.
Đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Có thể bạn quan tâm: Văn mẫu bình giảng 4 khổ đầu bài Đất nước – Nguyễn Đình Thi
Top 2 bài văn hay nhất tuyển chọn phân tích khổ 5 bài thơ Đất Nước – Nguyễn Đình Thi
Bài số 1: Bài làm của bạn Thu Giang (THPT Phan Đăng Lưu)
Đất nước (1948 – 1955) là một trong những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi nói riêng, của thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung. Bài thơ mang rõ phong cách thơ Nguyễn Đình Thi. Chủ đề bao trùm của bài thơ là lòng yêu nước nồng nàn, thiết tha, ý thức độc lập tự chủ, lòng tự hào về nhân dân đất nước anh hùng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trong đau thương nô lệ đã quật khởi đứng lên chiến thắng huy hoàng. Trong đoạn thơ viết về đất nước từ trong đau thương nô lệ, căm hờn đã đứng lên ngời sáng; bỗng nổi bật lên 4 câu thơ với những hình ảnh, từ ngữ thật đặc sắc gợi cảm “Ôi những… người yêu”.
Hai câu thơ đầu là một bức tranh về đất nước trong chiến tranh đau thương. Theo lời kể của tác giả “Trên đường hành quân cùng bộ đội, một buổi chiều muộn, qua cánh đồng miền trung du, nhìn lên trời cao trước mặt, đồn giặc có dây thép gai nhọn sắc in lên bầu trời có ráng đỏ như máu chiếu xuống cánh đồng một màu đỏ ối” nhà thơ đã viết nên hai câu thơ thật đau đớn xót xa:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Hai câu thơ có sức khêu gợi lớn. Nó diễn tả một cách cô đọng và tập trung cảnh làng xóm quê hương chảy máu: “Những cánh đồng quê chảy máu” – Chỉ có sáu tiếng gợi lên trong tâm tư chúng ta nhiều mối liên tưởng khác nhau: Cảnh những trận càn trên đồng lúa, cảnh giặc đuổi người, bắn người trên cánh đồng, cảnh những vụ gặt giành tay giặc từng hạt thóc, từng bông lúa và mỗi hạt thóc bông lúa đều thấm máu nhân dân. Đó còn là cảnh những người du kích đổ máu để bảo vệ đồng quê, ruộng lúa xóm làng. Nhà thơ dùng biện pháp nhân hoá đơn sơ mà diễn tả được tình cảnh đau thương, tinh thần anh dũng của đồng bào và quê hương trong chiến đấu.
Sức khêu gợi của câu tiếp theo càng lớn hơn nữa. Hình ảnh ở đây gợi lên ách chiếm đóng nặng nề của giặc. Qua lời thơ tưởng chừng như làng xóm đồng quê không còn cây cối nhà cửa nữa, chỉ có dây thép gai của giặc như móng vuốt của thú dữ trùm lên tất cả, in trên nền trời. Cùng với hai chữ “chảy máu” ở trên, hai chữ “đâm nát” ở dưới gợi lên biết bao đau đớn… Trong tương quan ngôn ngữ đó, hai tiếng “trời chiều” không còn gợi lên sự thanh bình yên ả nữa.
Chiều mộng hoà thơ trông nhánh duyên…
(Thơ duyên – Xuân Diệu)
Việt Nam, đất nước ta ơi
(Việt Nam quê hương ta – Nguyễn Đình Thi)
Mà nó lại gợi lên màu máu đỏ. Chúng ta hình dung một mảnh trời chiều đỏ rực khi mặt trời vừa lặn in những hình dây thép gai lởm chởm nhọn hoắt tưởng chừng như đâm nát cả trời chiều, làm cho nền trời càng ứa máu. Câu thơ của Nguyễn Đình Thi gây ấn tượng mạnh bằng thủ pháp ngược sáng điện ảnh, làm cho những đường nét, màu sắc tương phản gay gắt. Từ một hình ảnh thực thu vào tầm mắt trong một chiều hành quân qua vùng Bắc Giang, hình ảnh thơ đã được nâng lên thành hình ảnh biểu tượng sâu sắc cho đất nước đau thương trong chiến tranh bị quân thù chiếm đóng.
Sống trên một đất nước thường xuyên phải đương đầu đủ loại ngoại xâm: từ Bắc xuống, từ Nam lên, từ Tây sang, từ Đông vào, cha ông ta đã thấm thía thế nào là “Nước mất nhà tan”, “Giặc sa nhà cháy”. Cho nên lịch sử văn học Việt Nam có hẳn một mảng thơ ca viết về tội ác quân thù trong chiến tranh xâm lược. Trong Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi viết:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Tàn hại cả côn trùng thảo mộc
Độc ác thay trúc Nam Sơn…
Không rửa hết mùi
Trong bài Chạy Tây, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã viết:
Bỏ nhà lũ trẻ lơ thơ chạy
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây
Trong bài Bà má Hậu Giang, Tố Hữu đã dựng lên được cả một bức tranh sinh động về cảnh “Đốt sạch, giết sạch” mà thực dân Pháp đã dành cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ:
Hỡi ôi việc chửa thành công
Hôm nay máu chảy đỏ đồng Hậu Giang
Giặc lùng giặc đốt xóm làng
Xác xơ cây cỏ tan hoang cửa nhà
Một vùng trắng bãi tha ma
Lặng im không một tiếng gà gáy trưa.
Sau này, Chế Lan Viên đã có một câu thơ đầy trí tuệ về tội ác kẻ thù:
Chúng nhân số dân ta lên cùng với số đạn
Khô cằn xuân và tuyệt tự cả trăm vùng
Hai câu thơ của Nguyễn Đình Thi như tả ngoại cảnh mà thực ra là tả tình. Cho nên mới có tiếng “Ôi!” ở đằng trước. Biết bao tình cảm xót xa đau đớn nhức nhối căm thù trong lòng người chiến sĩ được chứa đựng trong những hình ảnh thơ ấy. Vì thế:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Nếu hai câu đầu thiên về ngoại cảnh thì đến hai câu thơ này đã đi sâu hơn vào tâm trạng. Trên cái nền của cảnh đất nước đau thương, của những gian lao anh dũng trong chiến tranh, bỗng vụt sáng long lanh trong tâm tưởng của người chiến sĩ hình ảnh đôi mắt người yêu dõi theo sau những ô cửa sổ như những ngôi sao xanh của hy vọng và khát vọng, soi tỏ bầu trời đêm:
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cây
Anh yêu em như yêu đất nước
Vất vả đau tương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm, mỗi bữa anh ăn
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yếu nhau kiêu hãnh làm người
(Nhớ – Nguyễn Đình Thi)
Hình ảnh người lính, qua hai câu thơ là hình ảnh “những con người đẹp nhất” vì họ đã “biết căm thù và biết yêu thương”. Biết bao nỗi căm hờn ẩn chứa trong trái tim như được dồn nén lại qua từ “nung nấu” và cũng có biết bao tình cảm yêu thương nồng nàn, thiết tha cháy bỏng của người chiến sĩ đối với người thương được đúc lại trong hai chữ “bồn chồn” ấy. Hai từ đó đi sóng đôi với nhau, bổ sung cho nhau làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của người lính. Họ vừa có ý chí quyết tâm tiêu diệt kẻ thù chung, giành độc lập tự do cho Tổ quốc vừa có trái tim lãng mạn mộng mơ. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã cảm nhận sâu sắc những rung động tinh tế trong tâm hồn người lính ra trận. Từ “dài” đi với từ “nung nấu” trong câu thơ trên cùng với từ “bồn chồn” ở câu thơ sau cũng đã diễn tả rất thành công mối quan hệ giữa tình cảm thường trực và đột xuất, thể hiện thật hoàn thiện và sâu sắc sự hoà hợp giữa cái riêng và cái chung, giữa tình yêu lứa đôi và tình yêu đất nước của người chiến sĩ.
Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn gọn nhà thơ đã diễn tả được tình cảnh đau thương, tinh thần anh dũng của đồng bào và quê hương trong chiến đấu. Và nổi bật lên là tình cảm xót xa đau đớn nhức nhối căm thù giặc trong lòng người chiến sỹ. Song cái đẹp của hình ảnh ấy là tâm hồn của các anh bộ đội cụ Hồ vừa biết căm thù vừa biết yêu thương, biết gắn tình yêu Tổ quốc với tình yêu lứa đôi, biết gắn cái riêng với cái chung để làm nên chiến thắng.
Là một dân tộc có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt, chúng ta không thể chìm đắm mãi trong đau thương, nô lệ tăm tối mà cả đất nước đã quật khởi đứng lên với gương mặt quê hương ngời sáng:
Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Bằng thủ pháp đối lập…, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp Việt Nam, tinh thần bất khuất kiên cường Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp Tố Hữu đã từng viết:
Ta như thuở xưa thần Phù Đổng
Vụt lớn lên đánh đuổi giặc Ân
Sức nhân dân khoẻ như ngựa sắt
Lửa chiến đấu ta phun vào mặt
Lũ sát nhân cướp nước hại nòi
Và sau này trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, suy ngẫm về sức sống diệu kì của dân tộc, Tố Hữu cũng lại viết nên những câu thơ đầy tự hào:
Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hoá vàng nhân phẩm lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm;
Việt Nam! Ơi Tổ quốc thương yêu
Trong khổ đau Người đẹp hơn nhiều
Việt Nam trong lửa đạn sáng ngời
Việt Nam vốn là dân tộc giàu phẩm chất “hồn hậu, nhân ái, chan hoà” nhưng “lành với bụt không ai lành với ma”. Mỗi khi kẻ thù ngoại xâm đặt bàn chân bẩn thỉu cùng với những mưu đồ đen tối lên đất nước ta thì lập tức “tre thành chông – sông là lửa mà Điện Biên mới chỉ là bài học đầu tiên”:
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da
“Bát cơm” hiện thân sự sống hàng ngày của ta, ta phải giành giật từ bàn tay khắc nghiệt của thiên nhiên, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt “dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Thế mà khi ta đã bưng lên miệng, giặc còn giằng một cách thô bạo. “Thằng giặc Tây, thằng chúa đất – Đứa đè cổ, đứa lột da”. Sự cấu kết giữa phong kiến và đế quốc thực dân là đặc trưng của một nước thuộc địa. Đây là một liên minh ma quỷ để nhằm tiêu diệt những dân tộc vô tội. Hình ảnh “đứa đè cổ, đứa lột da” là một hình ảnh ẩn dụ đã làm nổi bật được tội ác của kẻ thù xâm lược và số phận bi thương tội nghiệp của dân ta. Qua lời thơ, số phận người dân Việt Nam có khác gì con chim con cá chúng vặt lông làm thịt lúc nào chẳng được:
Chúng coi mình như trâu như chó
Chúng coi mình như cỏ như rơm
(Phan Bội Châu)
Một đời đau suốt trăm năm
Chim treo trên lửa cá nằm dưới dao
(Tố Hữu)
Giặc ỷ thế vào sức mạnh của vũ khí, của sự tàn bạo “xiềng xích, súng đạn” tối tân. Nhưng “Máu không thể dìm được chân lí” (Gooc-ki). Chúng dù hung ác bạo tàn đến đâu cũng không huỷ diệt được “những dòng sông của thơ ca nhạc hoạ, những cánh đồng bốn mùa hoa lá” xanh tươi, thơ mộng, cũng không thể bắn được tấm lòng của những người dân vốn sống trên đất nước “Bao giờ hết cỏ; Việt Nam mới hết người đánh Tây” (Nguyễn Trung Trực):
Xiềng xích chúng bay không khoẻ được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà
(Hình ảnh xiềng xích đối lập với trời; súng đạn: hữu hình đối lập với lòng dân ta: vô hình).
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng
Bằng một hình ảnh “khói” và âm thanh “kèn”, tác giả cũng đã dựng được một cách sinh động bức tranh của đời sống kháng chiến. “Kèn” là âm thanh vang vọng nhất của cả dân tộc lúc bấy giờ. Đó là tiếng kèn của chiến trận thôi thúc, giục giã để chuẩn bị cho một cuộc ra trận của cả dân tộc “Những đường Việt Bắc của ta – Đêm đêm rầm rập như là đất rung”. Động từ “nhòm” diễn tả động tác vòng hai tay bao lấy đối tượng và giữ sát vào người, nuôi mãi trong lòng (từ điển). Nhờ thế, câu thơ đã làm nổi bật được lòng yêu nước thiết tha sâu nặng của những người nông dân “Những người áo vải”, lực lượng chủ yếu, trụ cột của phong trào kháng chiến, giải phóng dân tộc:
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu chảy lại vùng đứng lên
Từ nay trở đi họ không còn là “con ong cái kiến, cái cò, cái vạc, cái nông” nữa mà là người anh hùng vĩ đại của thời đại mới sẽ viết nên những trang sử vàng chói lọi nhất:
Dân ta gan dạ anh hùng
Trẻ làm đuốc sống, già xông lửa đồn
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng
Bằng sự từng trải của chính bản thân, Nguyễn Đình Thi đi đến những khái quát cao độ về những gian khổ, những mất mát hy sinh to lớn của đất nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp:
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
“Ngày nắng đốt dội”, khó khăn nối tiếp khó khăn, thử thách nối tiếp thử thách. “Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh”. Điệp từ “mỗi” tạo nên sự hô ứng làm nổi bật sự hy sinh lớn lao. Đúng là con đường đi đến đích độc lập tự do đâu phải là con đường đầy hoa thơm quả ngọt mà “Đường qua máu chảy – Máu đọng chưa khô. Máu lại đầy Trăm đắng nghìn cay”. Nhưng trên con đường đi tới, bước tiếp ấy, con người Việt Nam vẫn hiện lên trong một tư thế thật kiêu hãnh, một vẻ đẹp tuyệt vời.
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh
“Trán” là biểu hiện của sự suy nghĩ, của trí tuệ; còn “lòng” ở câu thơ này là biểu hiện của tư tưởng, tình cảm, tâm hồn. Vầng trán của con người mới đã cháy bỏng và rực sáng ý nghĩ về đất trời, quê hương mới để tiến lên “Con đường sáng tuyệt vời” (Chế Lan Viên). Còn tấm lòng của họ cũng toả sáng bao la ánh bình minh của lịch sử và tương lai. Con người có khối óc và trái tim ấy sẽ trở thành những bông hoa của đất nước trong thời đại ta. Ở trong chiến đấu cũng như trong xây dựng họ đều xuất hiện với tư thế, tầm vóc thật kì vĩ, phảng phất màu sắc thần thoại:
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá nguỵ trang reo với gió đèo
(Lên Tây Bắc – Tố Hữu)
Yêu biết mấy những con người đi tới
Hai cánh tay như hai cánh bay lên
Ngực dám đón những phong ba dữ dội
Chân đạp bùn không sợ những loài sen
(Mùa thu mới – Tố Hữu)
-
Phân tích nêu cảm nghĩ về bài thơ Đất nước – Nguyễn Đình Thi
Bài số 2: Bài làm của bạn Trần Minh Tuấn (THPT Nguyễn Trung Trực)
Có những vần thơ xao xuyến bồi hồi. Có những vần thơ ngọt ngào say đắm. Lại có những vần thơ đĩnh đạc, hào hùng. Còn có lúc, ta bị ám ảnh khôn nguôi trước những vần thơ yêu thương và căm giận:
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu,
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”.
“Đất nước” là bài thơ sáng giá nhất của Nguyễn Đình Thi viết trong kháng chiến chống Pháp, cũng là bài thơ kiệt tác viết về đề tài quê hương đất nước của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Nó đã được tác giả thai nghén và hình thành trong một quá trình lịch sử khá dài (1948 – 1955). Các áng thơ “Đêm mít tinh”, “Sáng mát trong như sáng năm xưa” – đã khơi nguồn cảm hứng để Nguyễn Đình Thi khám phá và thể hiện tuyệt đẹp tình yêu nước một cách nồng nàn, say đắm.
“Đất nước” như một phức điệu đa thanh nói về cảm xúc mùa thu quê hương xưa và nay. Là tiếng nói say mê về cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, là niềm tự hào về truyền thống bất khuất của dân tộc anh hùng. Nó là tiếng nói xót xa, căm giận quân xâm lược đang giày xéo đất nước thân yêu. Phần cuối bài thơ biểu lộ niềm kiêu hãnh của người chiến sĩ trước tư thế chiến đấu và chiến thắng lẫm liệt hiên ngang “rũ bùn đứng dậy sáng lòa!” của đất nước. Đoạn thơ bốn câu trên đây trích trong phần thức ba của bài “Đất nước”.
Nhà thơ – người chiến sĩ – như đang nắm chắc tay súng “lắng hồn núi sông ngàn năm”, lắng nghe những âm vang của lịch sử, giống nòi “rì rầm trong tiếng đất” tự nghìn xưa “vọng nói về”: những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… bất tử! Từ quá khứ nghìn xưa trở về hiện tại, câu thơ vút lên nghẹn ngào, đau đớn:
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu”.
Cảnh tượng đau thương mà nhà thơ nói đến là mùa thu 1948, khi cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của nhân dân ta đang diễn ra vô cùng ác liệt! Nhiều đô thị, nhiều vùng nông thôn rộng lớn của đất nước ta đang bị giặc Pháp chiếm đóng và giày xéo “Đường làng bao xương máu tơi bời – Vườn không nhà trống tan hoang” (“Làng tôi” – Văn Cao). “Những cánh đồng quê chảy máu” – hình ảnh hoán dụ tượng trưng cho đất nước thân yêu, những làng xóm thân thuộc đang bị quân thù càn quét, bắt giết dã man. Máu những người nông dân hiền lành đã chảy ngập đường thôn, luống cày… dưới làn bom đạn của lũ cướp nước. Xưa kia thuở thanh bình, đất nước là “những cánh đồng thơm mát…”, “xanh xanh bãi mía bờ dâu…”, thì kể từ khi “súng giặc đất rền”, đã trở nên tang thương, điêu tàn với “những cánh đồng quê chảy máu”. Nhân dân ta bị giặc Pháp tàn sát dã man. Hai chữ “chảy máu” lên án tội ác và chính sách tam quan của quân cước nước: giết sạch, cướp sạch, đốt phá sạch! Từ “Ôi” cảm thán diễn tả nỗi lòng đau đớn, xót xa không thể nào kể xiết!
Từ cái nhìn toàn cảnh về không gian đau thương, về “những cánh đồng quê chảy máu”, nhà thơ đứng lặng nhìn về các phía chân trời. Một nét vẽ thậm xưng, độc đáo, rất sáng tạo:
“Đây thép gai đâm nát trời chiều”.
Quân giặc tàn bạo ra sức bắn giết, càn quét, chiếm đất, dồn dân. Đồn giặc như nấm độc mọc lên khắp mọi nơi. “Dây thép gai” cũng là một hình ảnh hoán dụ nói về bốt đồn giặc, sự chiếm đóng dã man của quân cướp nước. Những núi thép gai, những hàng rào dây thép gai tua tủa nhọn hoắt bao bọc xung quanh đồn giặc không chỉ nhằm chống đỡ những trận tấn công vũ bão của quân đội ta, mà còn “đâm nát trời chiều”. Một cách nói thậm xưng đầy ấn tượng về tội ác và âm mưu cướp nước của giặc Pháp. “Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên” là những chiều thôn trang êm đềm có “cánh cò trắng vẫy mênh mông”, có “tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn”, có tiếng sáo mục đồng dẫn trâu về thôn… Nhưng nay còn đâu nữa? Cảnh trời chiều quê hương đã và đang bị dây thép gai đồn giặc “đâm nát”. Nỗi đau từ đất trời như đang cứa nát, đâm nát lòng người!
Ở phần đầu bài thơ, Nguyễn Đình Thi nói về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ của đất nước với trời xanh, những cánh đồng quê thơm mát, những ngả đường bát ngát, những dòng sông đỏ nặng phù sa – và tất cả đều “của chúng ta”. Nhưng từ khi giặc tràn tới đồng quê thì “chảy máu”, trời chiều thôn trang thì bị dây thép gai “đâm nát”, biết bao đau đớn, căm hờn! Tác giả “Đất nước” tạo nên sự đối lập, tương phản đầy ấn tượng: xưa và nay, thanh bình với chiến tranh, hữu tình nên thơ với điêu tàn, tang tóc – để lên án tội ác dã man của giặc Pháp mà trời không thể dung tha, người người đều căm giận! Sự kết hợp tài tình các biện pháp tu từ hoán dụ, cảm thán, thậm xưng, và tương phản đã tạo nên vần thơ giàu hình tượng và biểu cảm. Qua đó, ta cảm nhận được cốt cách của Nguyễn Đình Thi: hồn thơ đẹp, tài hoa, cảm xúc dồn nén, ngôn từ xác thực, hình tượng sáng tạo. Nhà thơ đã dẫn hồn người đọc sống và cảm nhận với hiện thực đất nước một thời khói lửa, mở rộng cho ta một trường liên tưởng về không gian nghệ thuật để mọi người cùng suy ngẫm về dòng lịch sử và hành trình bi tráng của dân tộc. Và đó cũng là cái giá của độc lập tự do để ta nhớ và tự hào!
Gần 150 năm về trước, trong bài thơ “Chạy giặc“, Nguyễn Đình Chiểu đã căm giận lên án quân xâm lược:
“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây…
(…) Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây…”
Có biết bao câu thơ xúc động làm sôi sục lòng người những năm tháng đất nước “ra trận”:
“Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang…”.
(“Bên kia sông Đuống” – Hoàng Cầm)
Đó là những vần thơ một thời tạc vào thời gian và lòng người để ta nhớ mãi.
Câu thơ thứ ba nói lên tâm trạng người chiến sĩ ra trận:
“Những đêm dài hành quân nung nấu”.
Câu 1 nói về “những cánh đồng quê chảy máu”, câu ba tứ thơ chỉ rõ “Những đêm dài hành quân nung nấu”, từ không gian đau thương mở ra thời gian căm giận, không chỉ một đêm, năm mười đêm mà là “những đêm dài”… Cấu trúc song hành, điệp lại 2 lần chữ “những”, chữ “nấu” vần với với chữ “máu” (vần chân) đã tạo nên giai điệu, nhạc điệu trầm hùng đang nung nấu tâm hồn người chiến sĩ xung kích trên đường hành quân ra trận. “Nung nấu” vì căm thù dữ dội. Nòng súng nóng bỏng, lưỡi lê nhọn hoắt căm thù! Mối thù đối với giặc Pháp cướp nước nung nấu, ngùn ngụt bốc lửa, sôi sục trong lòng, không chỉ trong một thời gian hữu hạn mà kéo dài trong thời gian vô hạn “Những đêm dài hành quân nung nấu”. Hai chữ “nung nấu” biểu hiện sâu sắc tình yêu nước của “những người áo vải – Đã đứng lên thành những anh hùng!”.
Càng nung nấu căm hờn quân xâm lược bao nhiêu thì lòng càng yêu quê hương đất nước bấy nhiêu. Người lính ra trận nung nấu, sôi sục căm thù giặc khi nhìn thấy đất nước tang tóc, điêu tàn, “những cánh đồng quê chảy máu…”, nhìn thấy “những bóng thù hắc ám”, những đồn giặc mọc lên với bao “dây thép gai đâm nát trời chiều”. Câu thơ thứ tư tiếp theo là một nét vẽ, nét khắc chiều sâu tâm hồn người chiến sĩ ra trận; nhiều khám phá và sáng tạo:
“Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”.
“Nung nấu” căm thù và “bồn chồn nhớ” là hai nét biểu hiện của một tâm trạng, làm nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của anh Vệ quốc quân thời kháng chiến 9 năm đánh Pháp. Anh nhận ra trận với sức mạnh căm thù giặc, với tình yêu nước thương dân, với bao nỗi nhớ. Nhớ luống cày mái rạ, nhớ bãi mía nương dâu, nhớ giếng nước gốc đa, nhớ “người tình chung”… “nhớ mắt người yêu”. “Mắt người yêu” cũng là một hình ảnh hoán dụ rất đắt diễn tả hình bóng quê hương, vẻ đẹp duyên dáng “người tình chung” sau lũy tre làng mà anh nhớ lắm:
“Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em như giếng nước thôn làng
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?….”
“Mắt người Sơn Tây” – Quang Dũng
“Nhớ mắt người yêu” với bao kỉ niệm đẹp một thời trai trẻ. “Xa em năm nhớ – gần em mười thương”. Chàng trai cày ngày xưa nhớ quê nhà là nhớ hương vị đậm đà “bát canh rau muống, quả cà giòn tan”, là “nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”. Anh bộ đội Cụ Hồ giã từ nơi chôn nhau cắt rốn, nơi “nước mặn đồng chua”, nơi “đất cày lên sỏi đá”, có người nhớ thầm “Bầm ra ruộng cấy bầm run – Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non”. Có người nhớ “người vợ trẻ – mòn chân bên cối gạo canh khuya”. Chàng lính trẻ hào hao trong đoàn binh Tây Tiến thì lại “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Có trăm nghìn nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người thân thương: “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét – Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng” (Chế Lan Viên), v.v…
Trở lại câu thơ “bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”, hai chữ “bồn chồn” nghĩa là nóng ruột, không yên tâm (Từ điển tiếng Việt); diễn tả nỗi nhớ xôn xao, rung động, dâng lên như những đợt sóng vỗ mãi trong lòng. Đã có nỗi nhớ “bổi hổi bồi hồi”. Đã có sự vấn vương “không yên một bề”. Đã có tâm tình khao khát “nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai…”. Câu thơ “Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu” là một nét vẽ rất đẹp thể hiện bút pháp tài hoa của Nguyễn Đình Thi. “Nhớ” là cảm hứng nhiều màu sắc và dáng vẻ đã làm nên những câu thơ hay, những vần thơ đẹp của Nguyễn Đình Thi trong tập thơ “Người chiến sĩ”:
… “Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn”…
(Nhớ)
Trong cái chung nhớ nước, nhớ “nguồn thiêng ông cha” (Hữu Loan), lại có cái riêng “bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”. Có nỗi hờn “nung nấu”, có nỗi nhớ “bồn chồn” nên mới có sức mạnh chiến đấu và niềm tin thắng trận: “Anh lại tìm em – Em mặc yếm thắm – Em thắt lụa hồng – Em đi trẩy hội non sông – Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh” (Hoàng Cầm).
Tình cảm là cái gốc của thơ ca, là ngọn nguồn sáng tạo của thơ ca. Thơ chỉ đẹp khi thơ ca hút màu mỡ, phù sa trong lòng đất – hiện thực cuộc sống – mà nảy mầm xanh tươi, đơm hoa kết trái dâng hương thơm, vị ngọt cho đời. Đoạn thơ của Nguyễn Đình Thi như một bông hoa đẹp trong cành hoa đẹp đã mang hơi thở nóng hổi của thời đại, mang tình yêu đất nước mãnh liệt của con người Việt Nam trong ba ngàn ngày khói lửa.
Đọc đoạn thơ trên, ta cảm nhận được phần nào vẻ đẹp của phong cách nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi, một hồn thơ giàu cá tính sáng tạo. Hiện thực chiến tranh: đất nước điêu tàn, dân tộc đau thương trong bom đạn quân thù đã được diễn tả một cách tuyệt vời qua những vần thơ hàm súc, biểu cảm và giàu hình tượng.
“Cánh đồng quê chảy máu”, “Dây thép gai đâm nát trời chiều” là những hình ảnh thơ mới mẻ, độc đáo và hay, “Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu” là một hình ảnh mang tính kế thừa sáng tạo, thể hiện một hồn thơ chiến sĩ cho ta nhiều rung cảm thấm thía.
Đọc “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, tâm hồn ta được bồi đắp bao tình cảm đẹp trở nên trong sáng và phong phú, để ta yêu, để ta nhớ, ta sống lại và tự hào về những năm tháng hào hùng và oanh liệt với ngọn lửa Điện Biên thần kì của đất nước và dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.
-/-
Các bạn vừa tham khảo xong một số bài văn mẫu bình giảng khổ thơ 5 trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Học sinh có thể xem lại kiến thức soạn bài Đất Nước (Nguyễn Đình Thi) để bổ sung đầy đủ ý cho bài làm văn của mình hoặc tham khảo các bài Văn mẫu 12 khác tại doctailieu.com.