Văn mẫu 11

Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ

Hướng dẫn phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ gồm mẫu dàn ý và 5+ bài văn mẫu hay dùng tham khảo giúp em làm tốt bài văn phân tích cảnh đợi tàu trong tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam)

Mẫu dàn ý và những bài văn phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ mà THPT Ngô Thì Nhậm tổng hợp được trong bài viết này sẽ giúp các em làm tốt hơn bài văn phân tích của mình về cảnh đợi tàu của hai chị em Liên.

Cùng tham khảo nhé!

Hướng dẫn phân tích cảnh đợi tàu

Để hoàn thành tốt bài văn, trước khi viết các em cần củng cố và nắm vững những kiến thức quan trọng sau:

1. Phân tích đề

Phân tích cảnh đợi tàu của hai chị em Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ (Thạch Lam)

– Yêu cầu của đề bài: phân tích cảnh hai chị em Liên và An đợi tàu trong tác phẩm Hai đứa trẻ.

– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng: những từ ngữ, chi tiết, hình ảnh tiêu biểu trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

– Phương pháp lập luận chính: Phân tích.

2. Các luận điểm phân tích cảnh đợi tàu

  • Luận điểm 1: Lý do đợi tàu của hai chị em Liên
  • Luận điểm 2: Trước khi tàu đến
  • Luận điểm 3: Khi tàu đến
  • Luận điểm 4: Khi tàu đi.

Chi tiết nội dung các luận điểm:

2.1 Vì sao đêm đêm chị em Liên cố thức đợi tàu?

Vì cuộc sống nơi hai đứa trẻ sinh sống là một cuộc sống nghèo khổ, lam lũ, tù đọng, đơn điệu, tẻ nhạt. Dường như ngày nào cũng vậy, từ chập tối cho đến nửa đêm, lúc nào Liên cũng chỉ thấy lặp đi lặp lại những hình ảnh quen thuộc

Chừng ấy người ngồi trong bóng tối chờ đợi một cái gì đó tươi sáng hơn sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ.

Tất cả những điều đó đã hối thúc chị em Liên tìm đến ánh sáng đoàn tàu từ Hà Nội về như một sự giải thoát.

2.2 Diễn biến tâm trạng của Liên và An trong cảnh đợi tàu

a. Trước khi tàu đến

 – An: mi mắt sắp sửa rơi xuống, vẫn cố dặn chị.

– Chăm chú để ý từ ngọn lửa xanh biếc, tiếng còi vang lại, kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi ⇒ Niềm mong ngóng, chờ đợi, háo hức

– Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu

– Tiếng gọi em của Liên: cuống quýt, giục giã ⇒ lo sợ nếu chậm một chút thôi sẽ không kịp, sẽ bỏ lỡ

– An “nhỏm dậy”, “lấy tay giụi mắt” cho tỉnh hẳn ⇒ hành động nhanh, ngây thơ, đáng yêu nhưng cũng đáng thương.

b. Hành động và tâm trạng của Liên và An khi tàu đến

– Khi đoàn tàu đến, Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua

– Liên thấy một thế giới khác với cuộc sống thường ngày của chị

– Ngày nào hai chị em cũng ngóng tàu

– Đứng lặng ngắm đoàn tàu đi qua, Liên không trả lời cau hỏi của em, trong tâm hồn cô cơn xúc động vẫn chưa lắng xuống

– Liên mơ tưởng về Hà Nội, một Hà Nội sáng rực và xa xăm, một Hn đẹp, giàu sang và sung sướng… Sự hồi tưởng ấy càng khiến Liên thêm tiếc nuối và ngán ngẩm cho cuộc sống hiện tại.

– Tàu đến khiến hai chị em sống với quá khứ tươi đẹp và được sống trong một thê giới mới tốt hơn, sáng hơn, tực rỡ, vui tươi hơn cuộc sống thường ngày

⇒ Tâm trạng xúc động, vui sướng, hạnh phúc, mơ mộng.

c. Tâm trạng của 2 chị em khi tàu đi

– Tâm trạng nuối tiếc, niềm suy tư thao thức về cuộc sống hằng ngày nơi phố huyện nghèo

– Miêu tả cảnh đợi tàu của hai chị Liên nói riêng và người dân phố huyện nghèo nói chung, Thạch Lam muốn thể hiện ước mơ thoát khỏi cuộc sống hiện tại, khao khát hướng tới một cuộc sống tươi sáng hơn, ý nghĩa hơn của những người dân nghèo.

2.3 Ý nghĩa cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ

– Ánh sáng đoàn tàu vụt qua phố huyện với “các toa đèn sáng trưng” là nỗi khát khao chờ đợi của Liên. Đó là ánh sáng của khát vọng, của ước mơ về một cuộc sống tươi mới hơn, đẹp đẽ hơn; ánh sáng của nhu cầu tinh thần được sống dù trong một khoảnh khắc .

– Đó cũng chính là tình cảm nhân đạo sâu sắc của Thạch Lam, nhà văn luôn tin tưởng vào khả năng vươn dậy của nhân vật.

2.4 Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con tàu

– Biểu tượng của một thế giới đáng sống: sự giàu sang và rực rỡ ánh sáng, nó đối lập với cuộc sống mỏi mòn, nghèo khổ, tối tăm của người dân phố huyện.

– Hình ảnh của Hà Nội, của hạnh phúc, của những kí ức tuổi thơ êm đềm.

– Là khát vọng vươn ra ánh sáng, vượt qua cuộc sống tù túng, quẩn quanh, không cam chịu cuộc sống tầm thường, nhạt nhẽo  đang vây quanh.

2.5 Thông điệp nhà văn muốn gửi gắm

– Đừng để cuộc sống chìm trong cái “ao đời phẳng lặng” (Xuân Diệu). Con người phải sống cho ra sống, phải không ngừng khao khát và xây dựng cuộc sống có ý nghĩa.

– Những ai phải sống trong một cuộc sống tối tăm, mòn mỏi, tù túng, hãy cố vươn ra ánh sáng, hướng tới một cuộc sống tươi sáng.

 =>  Giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

Dàn ý phân tích cảnh đợi tàu của hai chị em Liên

Mẫu dàn ý chi tiết giúp các em nắm được đầy đủ các nội dung cần thể hiện trong bài làm văn của mình:

1. Mở bài

– Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm

– Khái quát chung về cảnh đợi tàu:

Ví dụ:

“Mỗi truyện của Thạch Lam như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm mếm yêu, chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người”. Quả thực đúng như vậy, những trang văn của Thạch Lam không đi vào những biến cố mà đi sâu vào chiều sâu tâm trạng của con người. Cảnh chờ tàu của hai chị em Liên và An đã được tác giả nắm bắt những chuyển biến tinh tế nhất trong tâm trạng của hai nhân vật.

2. Thân bài phân tích cảnh đợi tàu

a) Lý do đợi tàu của hai chị em Liên

– Liên cùng em trai dù đã rất buồn ngủ nhưng vẫn cố thức để đợi tàu bởi:

  • Cô được mẹ dặn chờ tàu đến để bán hàng
  • Nhưng Liên không mong chờ ai đến nữa
  • Cô thức vì muốn được nhìn thấy chuyến tàu như một hoạt động cuối cùng của đêm khuya -> Thực chất để thay đổi cảm giác, thay đổi cái không khí ứ đọng hàng ngày.

=> Sự thức tỉnh cái tôi, khao khát, khắc khoải muốn nhìn thấy những gì khác với cuộc sống của chính mình.

b) Trước khi tàu đến

– Mi mắt An sắp sửa rơi xuống, vẫn cố dặn chị gọi dậy khi tàu đến

– Chăm chú để ý từ ngọn lửa xanh biếc, tiếng còi vang lại, kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi -> Niềm mong ngóng, chờ đợi, háo hức.

– Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu

– Tiếng gọi em của Liên: cuống quýt, giục giã -> lo sợ nếu chậm một chút thôi sẽ không kịp, sẽ bỏ lỡ.

– An “nhỏm dậy”, “lấy tay giụi mắt” cho tỉnh hẳn -> hành động nhanh, ngây thơ, đáng yêu nhưng cũng đáng thương.

=> Niềm háo hức, mong ngóng chuyến tàu đêm của hai chị em như mong ngóng một điều gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống vốn tẻ nhạt thường ngày.

c) Khi tàu đến

– Khi đoàn tàu đến, Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua

– Dù chỉ trong chốc lát, Liên cũng thấy “những toa hạng trên sang trọng lố nhố người, đồng và kền lấp lánh” -> Liên thấy một thế giới khác với cuộc sống thường ngày của chị.

– Câu hỏi cảm thán của An: “Tàu hôm nay không đông, chị nhỉ?” -> Có thể ngày nào hai chị em cũng ngóng tàu.

– Đứng lặng ngắm đoàn tàu đi qua, Liên không trả lời câu hỏi của em -> Trong tâm hồn Liên lúc này cơn xúc động vẫn chưa lắng xuống.

– Liên mơ tưởng về Hà Nội, một Hà Nội sáng rực và xa xăm, một Hà Nội đẹp, giàu sang và sung sướng… Sự hồi tưởng ấy càng khiến Liên thêm tiếc nuối và ngán ngẩm cho cuộc sống hiện tại.

– Tàu đến khiến hai chị em sống với quá khứ tươi đẹp và được sống trong một thế giới mới tốt hơn, sáng hơn, rực rỡ, vui tươi hơn cuộc sống thường ngày.

=> Tâm trạng xúc động, vui sướng, hạnh phúc, mơ mộng.

d) Khi tàu đi

– Phố huyện với từng ấy người “trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống”, trong đó có cả Liên và An

– Hai chị em còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn treo trên toa cuối cùng

– Khi tàu đi, Liên và An trở về với tâm trạng buồn tẻ, chán ngán cuộc sống thường ngày, niềm vui của hai chị em chỉ lóe sáng rồi vụt tắt.

– Tất cả chìm trong màn đêm với ngọn đèn tù mù chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ đi vào giấc ngủ chập chờn của Liên.

=> Tâm trạng nuối tiếc, niềm suy tư thao thức về cuộc sống hằng ngày nơi phố huyện nghèo.

e) Ý nghĩa cảnh đợi tàu

– Thạch Lam muốn thể hiện ước mơ thoát khỏi cuộc sống hiện tại, khao khát hướng tới một cuộc sống tươi sáng hơn, ý nghĩa hơn của những người dân nghèo.

– Tiếng nói nâng niu, trân trọng vẻ đẹp trong tâm hồn của hai đứa trẻ: tuy còn bé bỏng, ngây thơ, sống trong bóng tối nhưng tâm hồn ấy vẫn biết khao khát, biết ước mơ, biết hướng đến ánh sáng.

– Thức tỉnh ý thức cá nhân của con người: đừng để cuộc sống trôi đi “mờ mờ nhân ảnh” hay “buồn lẻ loi sống trăm năm”.

g) Đặc sắc nghệ thuật

– Lối viết không có cốt truyện

– Bút pháp lãng mạn xen hiện thực

– Nghệ thuật miêu tả nội tâm

– Ngôn ngữ đơn giản, súc tính, giàu tính tạo hình.

3. Kết bài

– Nhận định khái quát nhất về cảnh đợi tàu của hai chị em Liên.

– Cảm nhận của bản thân về cảnh đặc sắc đó.

Ví dụ:

Cảnh đợi tàu là cảnh khép lại thiên truyện vừa nhẹ nhàng, lắng đọng của Thạch Lam. Đó là một cảnh tượng sẽ ám ảnh mãi trong tâm trí người đọc. Khép lại tác phẩm, ta vẫn thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương ấm áp mà sâu kín, về những tình cảm trắc ẩn bình dị mà xâu xa. “Hai đứa trẻ” thực sự đã hoàn thành sứ mệnh của văn chương chân chính khi khơi gợi ở người đọc tình cảm trong sáng và giàu ý nghĩa nhân văn.

Sơ đồ tư duy phân tích cảnh đợi tàu

Nguyên nhân đợi tàu

– Đợi tàu không hẳn để bán hàng

– Đoàn tàu mang đến một thế giới khác

  • Phố huyện buồn bã >< Đoàn tàu ồn ào, rầm rộ
  • Phố huyện tối tăm >< Đoàn tàu sáng trưng
  • Phố huyện nghèo khổ >< Đoàn tàu sang trọng
  • Phố huyện là hiện tại >< Đoàn tàu là quá khứ

Diễn biến tâm trạng

– Lúc tàu chưa tới → Háo hức chờ đợi

– Lúc tàu ngang qua phố huyện → Ngắm nhìn đoàn tàu một cách say mê

– Lúc tàu đi khuất → Dõi theo đầy tiếc nuối

Ý nghĩa cảnh đợi tàu

– Khát vọng đổi đời

– Tấm lòng nhân đạo

TOP 6 bài văn hay nhất phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ

Dưới đây là tuyển chọn các bài văn mẫu đặc sắc và hay nhất đã được chúng tôi sưu tầm và biên soạn để giúp các em tham khảo.

1. Bài văn phân tích cảnh đợi tàu đặc sắc nhất

    Trở về những năm 30 – 45 của thế kỉ trước, trào lưu văn học lãng mạn dường như đã khẳng định được vị thế của mình trên văn đàn văn học Việt Nam với hàng loạt những cây bút tên tuổi. Ta đã từng bắt gặp một Nhất Linh đau khổ, dằn vặt trên con đường đi tìm lý tưởng, hạnh phúc; một Khái Hưng sôi nổi yêu đời để hòa mình vào những ảo tưởng đẹp đẽ và ngây thơ hay một Thanh Tịnh mang trong mình vẻ đẹp đằm thắm, trong trẻo đậm chất lãng mạn thì Thạch Lam lại hiện lên như một thiên sứ mang một sứ mệnh đặc biệt với phong cách hoàn toàn mới lạ. Người con của Tự lực văn đoàn không đưa ta đến những chân trời phiêu du, mộng tưởng của những tình yêu, khát vọng thường thấy trong trào lưu lãng mạn mà dắt ta đi vào giữa cõi đời ta đang sống. Con người dịu dàng nhân ái ấy đã nguyện gắn ngòi bút của mình với những kiếp người đau khổ, vẫn luôn trân trọng sự sống nơi trần gian. Ông từng nói rằng: “Cái đẹp man mác trong vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật”. Và có lẽ nhờ vào khát khao đi tìm cái đẹp ấy đã là nguồn cảm hứng để ông sáng tác truyện ngắn “Hai đứa trẻ” – áng văn xuôi đặc sắc của nền văn học Việt Nam trước Cách mạng. Đặc biệt trong tác phẩm, cảnh đợi chuyến tàu đêm của hai chị em Liên chính là nơi kết tinh những giá trị nghệ thuật sâu sắc và tiến bộ được Thạch Lam thể hiện dưới ngòi bút đầy nhân đạo và trữ tình.

    Câu chuyện không có một tình huống li kì hay một mâu thuẫn thắt nút cần giải quyết như nhiều truyện ngắn khác. Cái làm nên sức hấp dẫn của truyện ngắn Thạch Lam là những rung động tinh vi, những biến động thầm lặng mà mãnh liệt trong diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên đã gieo vào lòng người đọc nỗi băn khoăn, day dứt về kiếp người, về những thân phận bé mọn luôn khát khao được thay đổi. Thạch Lam không chọn một điểm nhìn bên ngoài, ông quan sát từ bên trong nội tâm nhân vật bằng cách hóa thân vào Liên – một cô bé mới lớn, nhạy cảm, nhân hậu và giàu mơ ước. Dưới lăng kính hiện thực, phố huyện hiện lên trong thời gian ngắn ngủi bắt đầu từ lúc chiều tàn cho đến lúc đêm khuya, sự tương phản giữa tĩnh và động, tối và sáng, giữa nếp sống ảm đảm nơi phố huyện nghèo với khoảnh khắc huyên náo khi đoàn tàu qua giúp cho chủ đề của tác phẩm được thể hiện một cách ấn tượng.

    Thạch Lam đã dồn bút lực để tạo dựng tình tiết cuối cùng của thiên truyện. Đó chính là điểm sáng nhân văn tạo nên giá trị của tác phẩm. Dù khắc khoải, buồn bã với kiếp sống quẩn quanh, Liên cũng như biết bao con người trong bóng tối, trong cái phố huyện nghèo nàn kia vẫn luôn có một niềm hy vọng mơ hồ, họ mong đợi một cái gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống ảm đạm hằng ngày của họ. Niềm hy vọng mong manh được Thạch Lam khéo léo gửi gắm qua chuyến tàu cuối cùng từ Hà Nội chạy qua phố huyện để lại trong ta biết bao xúc cảm.

    Không chỉ có chị em Liên mà tất cả những người dân nơi phố huyện nghèo đều đợi chuyến tàu đêm đi ngang qua. Với những người dân trong phố huyện, họ chờ tàu để bán hàng, để thêm vào cuộc sống mưu sinh hằng ngày vài đồng lẻ ít ỏi, nhưng với Liên và An, họ thức chờ tàu vì nguyên nhân sâu xa hơn. Trước hết đây là những đứa trẻ ngoan ngoãn biết vâng lời, chúng làm theo đúng lời mẹ dặn, cố thức đợi tàu để xem có ai mua gì nữa không. Nhưng Liên “không trông mong còn ai đến mua nữa. Với lại, đêm họ chỉ mua bao diêm hay gói thuốc là cùng”, dường như việc chờ tàu hằng đêm của Liên và An không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của đời sống vật chất mà hầu như chỉ xuất phát từ nhu cầu của đời sống tinh thần. Hai đứa trẻ buồn ngủ ríu cả mắt, An trước khi ngủ còn dặn với chị đánh thức trước khi tàu đến bởi lẽ với chúng, đoàn tàu có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Nó là “sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya”, hoạt động ấy có khả năng khuấy động mãnh liệt nhịp sống tẻ nhạt, tù đọng nơi “ao tù phẳng lặng” (Tỏa nhị kiều, Xuân Diệu), đem lại cho phố huyện nghèo phút chốc bừng tỉnh sau giấc ngủ dài. Cả một ngày dài leo lét, quẩn quanh chỉ có chuyến tàu mang đến cho chị em Liên một sự khác biệt, một thế giới hoàn toàn khác với thực tại tựa như có phép màu lướt qua nơi đây.  

     Chuyến tàu hiện lên qua cảm nhận của Liên từ xa đến gần rồi cứ thế xa mãi trong tầm mắt của chị. Cảnh chuyến tàu sắp đến dường như mang một sức sống kỳ diệu, cả phố huyện giờ đây mới thực sự bắt đầu động đậy. Khi tiếng còi xe lửa ở xa vang lại, Liên liền đánh thức em dậy: “Dậy đi An, tàu sắp đến rồi”, còn bác Siêu thì nghển cổ nhìn ra phía ga rồi mừng rỡ: “Đèn ghi đã đến kia rồi”. Những lời giục giã, những tiếng reo thoảng thốt trong mừng rỡ vì nếu chậm sẽ không được nhìn thấy đoàn tàu nữa. Thạch Lam không dùng từ ngữ nào để miêu tả sự háo hức của người dân phố huyện mà sự háo hức ấy vẫn hiện lên sống động và đầy chất nhân văn. Đoàn tàu còn ở phía xa, Liên đã trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi, những âm thanh huyên náo “tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi”, “tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”, “tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi”, “tiếng tàu rít lên và tàu rầm rộ đi tới”. Những âm thanh ấy hoàn toàn khác với thứ âm thanh ảo não của tiếng trống thu không hay tiếng trống cầm canh khô khan, của tiếng ếch nhái, tiếng muỗi vo ve hay tiếng đàn bầu rung lên bần bật trong yên lặng. Một thế giới khác được đoàn tàu đem tới cho phố huyện nghèo, Liên và An say mê ngắm nhìn “các toa đèn sáng trưng… những toa trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”, dường như ánh sáng rực rỡ của đoàn tàu đã xua tan đi cái “bóng tối” đang gặm nhấm phố huyện từng khắc một. Ánh sáng ấy không tù mù, leo lét như quầng sáng từ ngọn đèn chị Tí, từ khe sáng hé ra nơi cánh cửa của các nhà trong phố, hay vệt sáng nhỏ nhoi, yếu ớt của những con đom đóm. Cư dân phố huyện như choáng ngợp bởi sự náo động của đoàn tàu và cứ thế họ dần mơ về một thế giới thật đẹp đẽ và rực rỡ…

    Thực ra, đó là chuyến tàu không đông đúc như mọi khi, “thưa vắng người và hình như kém sáng”, vậy mà nó vẫn đem đến cho hai đứa trẻ biết bao xúc động. Con tàu đi qua sẽ chẳng có gì đặc biệt trong nhận thức của con người, có chăng Tế Hanh đã từng thốt lên:

“Tôi thấy tôi thương những con tàu
Ngày đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy
Với những toa đầy nặng khổ đau”

    Nhưng với chị em Liên thì hoàn toàn khác, chuyến tàu mà hai đứa trẻ hằng mong đợi không phải để chở đi những đau khổ của kiếp người mà nó là ánh sáng, là hi vọng cuối cùng của phố huyện này có thể bấu víu vào. Khi An cố hỏi chị một câu hỏi gì đó nhưng Liên không đáp, dường như chị lặng người theo những mơ tưởng về một thế giới khác mà đoàn tàu vừa đem tới. Hai chữ Hà Nội ngân nga trong lòng cô bé nghèo: “…họ ở Hà Nội về!… Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”. Đoàn tàu mang đến cho chị em Liên một niềm mơ tưởng xa xăm mà rất êm đềm về quá khứ tươi đẹp tại chốn mỹ lệ Hà Nội “băm mươi sáu phố phường”. 

    Quả là “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, niềm vui của người dân phố huyện chỉ hiện lên trong chốc lát và ngay sau đó là nỗi buồn ập đến một cách thấm thía. Đoàn tàu giống như một tia chớp, một ngôi sao băng rạch qua bầu trời nơi phố huyện nghèo rồi mất hút vào đêm tối. Liên và An đứng lặng người dù chuyến tàu đã đi qua, hai chị em nhìn theo cái chấm đỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng xa mãi rồi khuất sau rặng tre. Đêm nào cũng vậy, cả phố huyện đều khắc khoải mong ngóng, kiên nhẫn chờ đợi chuyến tàu đi qua rồi mới chìm vào bóng tối thăm thẳm quen thuộc của mình: chị Tí và bác Siêu về làng, gia đình bác Xẩm ngủ ngục trên manh chiếu rách bên đường còn chị dần ngập vào giấc ngủ yên tĩnh. Rồi chi tiết cuối cùng gây ám ảnh đến người đọc về một cuộc sống bế tắc “Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”, dường như những cảnh đời nơi phố huyện chứa đầy bóng tối. Bóng tối ấy không phải là của vũ trụ mà là bóng tối của sự nghèo nàn, khốn khó. Cuộc sống ấy là vậy, đơn điệu, tẻ nhạt, kém sức sống và lặp đi lặp lại như cỗ máy được lập trình sẵn giống như thơ Huy Cận từng viết:

“Quanh quẩn mãi với vài ba dáng điệu
Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người
Vì quá thân nên quá đỗi buồn cười
Môi nhắc lại chỉ có ngần ấy chuyện”

    Chuyến tàu đêm khẳng định một khát vọng chân chính của con người. Với chị em Liên, đoàn tàu như một kí ức vui, một khát vọng mơ hồ, nó chẳng khác nào ảo ảnh nhưng lại mang niềm vui trong sáng cho những đứa trẻ ngây thơ. Với người dân phố huyện, chuyến tàu như một ước mơ cổ tích giúp họ thêm niềm tin để cho họ tiếp tục chờ đợi để sống. Suy cho cùng, chuyến tàu mà nơi phố huyện nghèo ấy mong đợi tựa chiếc phao tinh thần để cứu rỗi cuộc sống nghèo nàn, bế tắc trong tăm tối. Dưới ngòi bút Thạch Lam, chuyến tàu tường chừng bình thương nhưng ẩn sâu trong đó là tấm lòng nhân đạo của nhà văn. Ông nâng niu, trân trọng niềm vui nhỏ bé, hiếm hoi của con người và đó chính là điểm sáng trong giá trị nhân đạo của tác phẩm. Tuy bức tranh phố huyện được vẽ lên từ những gam màu hiện thực song Thạch Lam không quên điểm tô vào bức tranh của mình những khát vọng cao đẹp hướng tới cuộc sống, giúp con người dần tự ý thức giá trị bản thân, qua đó để họ vươn tới cuộc sống có nghĩa và xứng đáng hơn cũng như nhà văn Nga Sô-lô-khôp: “Đối với con người, sự thực đôi khi nghiệt ngã, nhưng bao giờ cũng dũng cảm củng cố trong lòng người đọc niềm tin ở tương lai. Tôi mong muốn những tác phẩm của tôi sẽ làm cho con người tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, thức tỉnh tình yêu đối với con người và khát vọng tích cực đấu tranh cho lí tưởng nhân đạo và tiến bộ của loài người”.

    Quả thực ta đã từng day dứt trước một lối văn sắc lạnh, khách quan, tỉnh táo của Nam Cao, hả hê bất ngờ trước những trang viết châm biếm của Nguyễn Công Hoan và khóc cùng những giọt nước mắt trong văn Nguyên Hồng. Giờ đây đọc văn Thạch Lam, ta thấy yêu cái nét đẹp nhã nhặn, bình dị, đượm buồn phảng phất chút gì đó tựa bài thơ trữ tình “thoang thoảng hương hoàng lan được chưng cất từ nỗi đời đau khổ”. 

Có người từng nói rằng: “Thạch Lam là nhà văn ngắt câu bằng màu, chấm câu bằng nốt nhạc, chuyển đoạn bằng hình” bởi lẽ vậy “Hai đứa trẻ” hiện lên như một bức tranh dệt bằng cảm giác”, giản dị mà sâu lắng, man mác mà thấm thía. Câu chuyện soi tỏ những bí ẩn thi vị mà cao đẹp trong tâm hồn cô bé Liên để rồi bộc lộ những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Thạch Lam không có tham vọng tạo ra những tình huống truyện éo le, nghịch cảnh. Vậy nhưng ông vẫn đạt đến độ toàn thiện, toàn mĩ của một truyện ngắn nhiều dư âm. Người đọc được dẫn đi trong một thế giới nhân vật và không gian bàn bạc nỗi buồn, lặng lẽ suy ngẫm nhưng triết lý nhân sinh và những thông điệp cuộc sống giàu ý nghĩa. Đặc biệt, cảnh đợi chuyến tàu đêm đã ánh lên những tia hy vọng rất đời, rất người mà Thạch Lam bằng cả tài năng, tâm huyết xây dựng!

2. TOP 5+ bài văn mẫu phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ (tham khảo)

Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ mẫu số 1

Khi nhắc về tác giả Thạch Lam, Nguyễn Tuân có nói thế này: “Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc. Dưới cái hình thức không những thoát khỏi khuôn sáo cũ của cách hành văn đương thời mà lại có rất nhiều đức tính sáng tạo ấy, văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời. Thạch Lam có những nhận xét tinh tế về cuộc sống hàng ngày.” Có lẽ không ai hiểu một nhà văn bằng những nhà văn khác, vậy nên Thạch Lam qua lời bình của Nguyễn Tuân mới sống động như vậy! Có người nói, bạn chỉ cần đọc truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, bạn sẽ rõ hơn về phong cách viết của ông. Chỉ cần qua đoạn trích hai chị em Liên đợi tàu qua, bạn sẽ thấy được cuộc sống qua con mắt của trẻ thơ và những khao khát của cả thời đại.

Có thể khẳng định, cảnh đợi tàu cuối truyện Hai đứa trẻ chính là nét đặc sắc, là một nét mực đỏ trên tờ giấy trắng. Bởi sau này, dù có xóa thế nào đi nữa thì nét mực đó cũng không thể xóa được, vẫn đỏ son như ngày đầu. Không chỉ là những con chữ, khung cảnh hai đứa trẻ háo hức chờ đoàn tàu qua như một tiếng gọi từ quá khứ đến những tâm hồn đang lung lay. Mà tại đó, Thạch Lam đã cho người đọc thấy được một vùng trời tuy xám xịt, nhưng đâu đó vẫn cất lên tiếng chim lảnh lót yêu đời.

Cảnh đợi tàu được miêu tả trong bối cảnh phố huyện nghèo, tẻ nhạt, buồn tẻ trong đêm khuya. Sau cảnh khu chợ, dường như không khí của truyện hạ xuống rất thấp vì đã cuối ngày, đã tàn một ngày mệt mỏi. Ấy vậy mà trên đường ấy, có những con người vẫn tất bật lo cho cuộc sống, trong đó có hai đứa trẻ bán hàng cạnh đường tàu. Hai chị em ngồi trên chiếc ghế dài ở cửa hàng trông coi mấy bao phế liệu, chờ đợi chuyến tàu đêm đi qua. Phố thị đã muộn, vì chuyến tàu cuối đi ngang qua lúc 9 giờ, mẹ dặn vào giờ ấy vẫn đóng cửa hàng để kiếm chút tiền. Nhưng Liên và An không chỉ đợi tàu để kiếm thêm chút tiền, mà còn là để mong chờ một chút gì đó tươi sáng, mới mẻ trong cuộc sống tẻ nhạt của mình. Đó là con tàu đi qua, chở những vị khách lạ nhưng ai cũng giàu có, toa tàu sáng đèn, cũng sáng lên những khao khát cháy bỏng trong lòng hai đứa trẻ.

An ríu mắt, đã nằm xuống gối đầu lên đùi chị nhưng vẫn còn cố dặn với chị một câu: “Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé”. Chỉ qua đoạn đối thoại này thôi, ta đã thấy được hai đứa trẻ mong đợi chuyến tàu này như thế nào! Có lẽ chúng ta chẳng biết được, tại sao một đoàn tàu đi qua trong thoáng chốc lại khiến cho hai đứa bé đang trong giai đoạn lớn lên mong đợi như vậy? “Liên cũng trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất, như ma trơi. Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo gió xa xôi.” Ngọn lửa xanh biếc trong truyện chính là đèn tàu, tiếng gọi của bác Siêu đã chứng thực cho điều đó. Dường như trong không gian yên bình tĩnh lặng ấy, tiếng nói và tiếng kêu của đoàn tàu như một chiếc đồng hồ báo thức. Thứ nó thúc giục chính là sức sống, là niềm sung sướng và chờ đợi đương nhen nhóm lên trong lòng hai đứa bé. Liên nhanh chóng lay em dậy, An dụi mắt cho tỉnh rồi hai đứa trẻ háo hức chạy ra đón, như một nghi thức trang nghiêm vô tình xuất hiện trong tiềm thức. Thạch Lam cẩn thận đến mức, chỉ một chi tiết nhỏ thôi ta cũng thấy được tính cách của nhân vật. Dù gì hai chị em vẫn còn nhỏ, vẫn còn tồn tại nét thơ ngây dễ thương không bị cuộc sống và xã hội mài mòn.

Tàu dừng lại, những hành khách xuống nhưng rất ít, nhà Liên cũng không bán được hàng hóa gì. Vậy nhưng, ánh mắt của hai đứa trẻ vẫn dán lên con tàu sáng đèn, vẫn đưa theo những hàng khách đi lại. Không lâu sau đó, đoàn tàu lại kéo còi lăn bánh, tiếp tục cuộc hành trình của mình. Chỉ một giây thoáng qua đó, Liên vẫn nhìn được trên khoang tàu hạng sang sáng sủa như chẳng có bóng đêm, không như nơi phố thị nghèo nàn này. Ánh sáng trên toa tàu chiếu xuống cả mặt đường, tuy chỉ là một ranh giới nhưng như hai không gian khác nhau.

Không chỉ vậy, An cũng tinh ý mà cảm thán với chị rằng: “Tàu hôm nay không đông nhỉ?”. Một câu nói ấy cũng cho người đọc rất nhiều tin tức. Hai chị em hôm nào cũng đứng ở vị trí đó, trông ngóng nhìn đoàn tàu đi qua. Chuyến tàu đêm ấy trong mắt của người chị cũng vắng hơn mọi khi, đèn cũng ít sáng hơn. Vậy thì hai đứa bé này vừa quen thuộc, vừa tinh tế thế nào mới có thể chú ý được những chi tiết ấy trên đoàn tàu chỉ trong vài ba giây? Sau đó, ta mới biết được, những người trên toa là những người ở Hà Nội. Có lẽ trong nhận thức của hai đứa trẻ, Hà Nội là nơi phồn hoa đô thị, là nơi tràn ngập ánh sáng và tiếng cười. Đó là lý do tại sao chuyến tàu “từ Hà Nội” khác biệt như thế!

Đoàn tàu vụt qua trong chớp nhoáng, mang theo ánh sáng và tiếng ồn ào của phố phường. Nơi phố thị bị “trả lại” vẻ vốn có, xung quanh yên tĩnh, im lìm và tối tắm. Đoàn tàu vừa đi đã mang hết ánh sáng rực rỡ, cũng mang đi tiếng nói cười mà nơi đồng quê hiếm khi thấy được. “Tiếng vang động của xe hỏa đã nhỏ dần, và mất dần trong bóng tối, lắng tai cũng không nghe thấy nữa.” Nhưng thứ đọng lại trong lòng hai chị em chính là sự khao khát, hướng tới nơi có ánh sáng, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. An cũng ủ rũ hơn, chẳng háo hức như khi chờ đợi nữa mà chỉ nói với chị: “Thôi đi ngủ đi chị.” Nhưng trong lòng Liên lại là những cảm xúc không tên chưa thể đè lại, cứ nhộn nhịp trong lồng ngực chị.

Cảnh đợi tàu trong “Hai đứa trẻ” không chỉ là một bức tranh sinh động về cuộc sống của những người dân nghèo nơi phố huyện, mà còn thể hiện tâm trạng khao khát, mong chờ của hai chị em Liên. Nó tượng trưng cho một thế giới khác, một thế giới giàu sang, rực rỡ và náo nhiệt. Đoàn tàu cũng tượng trưng cho khát vọng vươn lên, khát vọng đổi đời của những người dân nghèo nơi phố huyện. Qua cảnh đợi tàu, Thạch Lam đã thể hiện niềm cảm thương sâu sắc đối với những kiếp người nhỏ bé, nghèo khổ nơi phố huyện. Đồng thời, ông cũng thể hiện niềm tin vào khát vọng vươn lên của con người.

Bằng lời văn giản dị nhưng tinh tế, Thạch Lam đã khai thác triệt để cảm xúc của hai chị em Liên và hình ảnh con tàu. Chuyến tàu đêm chỉ đi qua nơi huyện nghèo một chốc, nhưng lại gieo vào lòng người cả một khoảng mơ mộng khát khao. Đó cũng chính là cái nhân văn của Thạch Lam, tài năng của một nhà văn sáng tạo và nhạy cảm. Cảnh đợi tàu của hai chị em được trích trong Hai đứa trẻ cũng để lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm.

Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ mẫu số 2

Nhà văn Thạch Lam là một trong những nhà văn lớn trên văn đàn Văn học Việt Nam. Ông tham gia nhóm Tự lực văn đoàn. Với tuổi thơ có cuộc sống cơ cực và sinh ra trong thời loạn lạc nên phong cách sáng tác của ông có khuynh hướng lãng mạn, đặc biệt là trước Cách mạng tháng 8. Tác giả Thạch Lam luôn xoay quanh thế giới nội tâm của các nhân vật với những xúc cảm mơ hồ, mong manh và sầu bi.

Tác phẩm dù không có cốt truyện gay cấn, kịch tính nhưng thông qua tâm trạng của nhân vật Liên, cuộc sống nghèo khổ của những kiếp người hẩm hiu nơi phố huyện… đã đủ để mang đến cho người đọc nhiều xúc cảm khó quên và ấn tượng.

Trong tác phẩm, có nhiều phân cảnh ấn tượng, nhưng cảnh để lại dấu ấn trong lòng độc giả hơn cả là cảnh tượng hai chị em Liên đợi tàu trong đêm khuya. Đó là hình ảnh kết tinh của những biện pháp nghệ thuật và tư tưởng tiến bộ của nhà văn Thạch Lam với bút pháp đầy trữ tình và nhân văn sâu sắc.

Theo như Thạch Lam viết thì: “An và Liên đã buồn ngủ ríu cả mắt. Tuy vậy hai chị em vẫn cố gượng để thức khuya chút nữa, trước khi vào hàng đóng cửa đi ngủ. Mẹ vẫn dặn phải thức đến khi tàu xuống – đường sắt đi ngang qua ngay trước mặt phố – để bán hàng, may ra còn có một vài người mua. Nhưng cũng như mọi đêm, Liên không trông mong còn ai đến mua nữa. Với lại đêm họ chỉ mua bao diêm, hai gói thuốc là cùng. Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu. Chín giờ có chuyến tàu ở Hà Nội đi qua huyện. Đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya”.

Mặc dù đã buồn ngủ ríu cả mắt nhưng hai chị em Liên vẫn cố gắng gượng thức để đợi tàu đến. Một là vì hai chị em được mẹ dặn dò đợi tàu đến để bán hàng. Nhưng cũng như bao ngày khác, Liên không mong chờ có nhiều khách đến. Tuy vậy, hai chị em vẫn đợi tàu vì đó là chuyến tàu ở Hà Nội đi qua, là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Sở dĩ hai chị em đợi xem tàu không chỉ để xem nó chạy như thế nào mà thực chất là để thay đổi tâm trạng buồn bã chán chường ứ đọng trong ngày, cô muốn thay đổi cảm giác u buồn tăm tối nơi phố huyện nghèo nàn. Qua đây, độc giả có thể thấy, ở trong hai chị em Liên có sự khao khát, mong muốn khắc khoải muốn thay đổi cuộc sống và nhìn thấy những gì khác lạ với cuộc sống hiện tại.

Phân tích cảnh đợi tàu của hai chị em Liên, ta thấy trước khi tàu đến, tâm trạng của hai chị em Liên vô cùng háo hức và xáo động. Mặc dù mi mắt An như sắp sửa rơi xuống nhưng cậu vẫn cố gượng dặn chị gọi dậy khi tàu đến bởi An không muốn bỏ lỡ. Trong khi đó, “Liên khẽ quạt cho An, vuốt lại mái tóc tơ. Đầu em bé nặng dần trên người Liên; chị ngồi yên không động đậy. Qua khe lá của cành bàng ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một. Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu”. Liên mong ngóng, háo hức chờ đợi. Tâm hồn cô bỗng có chút mơ hồ gì đó mà chính cô cũng không hiểu. Trong lúc đợi tàu, Liên cứ chăm chú nhìn về hướng đường ray để rồi chăm chú nhìn ngọn lửa xanh biếc, vểnh tai nghe tiếng còi vang lên vọng lại từ xa xôi. Khi dấu hiệu tàu đến xuất hiện, Liên vội vàng cuống quýt gọi An dậy. Cả hai lo sợ nếu không nhanh sẽ bị bỏ lỡ, không kịp nhìn thấy. Nhận được tín hiệu từ chị, An vội “nhỏm dậy”, “lấy tay dụi mắt” để cho tỉnh hẳn. “An nhổm dậy, lấy tay dụi mắt cho tỉnh hẳn. Hai chị em nghe thấy tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi. Một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, tiếp đến tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”.

Một hành động thể hiện sự nhanh chóng, rất ngây thơ, đáng yêu và cũng đáng thương của một đứa trẻ đang ngủ ngon phải tỉnh giấc. Niềm háo hức mong ngóng đợi tàu của hai chị em như những đứa trẻ ngóng đợi mẹ đi chợ và mang về những món quà kỳ diệu. Và sâu xa hơn, đó là niềm mong đợi về một điều gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống tù túng, tả nhạt thường ngày nơi phố huyện nghèo này.

“Hai chị em chờ không lâu. Tiếng còi đã rít lên và tàu rầm rộ đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”.

Lúc đoàn tàu đến, hai chị em Liên đứng dậy để nhìn cho rõ hình ảnh đoàn tàu đang lao vụt qua. Đó là một khoảnh khắc khá ngắn ngủi, chỉ trong chốc lát thoáng qua, nhưng Liên đã kịp quan sát và nhìn thấy “những toa hạng trên sang trọng lố nhố người, đồng và kền lấp lánh và các cửa kính sáng” . Đó là những điều khác biệt so với bóng tối, cuộc sống nhàm chán thường ngày nơi phố huyện của chị em Liên. Qua câu hỏi bâng quơ cảm thán của An “Tàu hôm nay không đông, chị nhỉ?” Độc giả có thể cảm nhận được rằng việc đợi tàu này là ngày nào hai chị em cũng thực hiện. Dường như những chuyến tàu đêm đã quá quen thuộc với hai chị em những mỗi khi nó đi qua vẫn mang tới cảm giác mới mẻ và kỳ lạ đến thú vị.

“Rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Hai chị em còn nhìn theo cái chấm đỏ của chiếc đèn xanh trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre.

– Tàu hôm nay không đông nhỉ, chị nhỉ.

Liên cầm tay em không đáp. Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình khư kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng”.

Đoàn tàu đến và đi nhanh như chớp mắt. Khi An hỏi chị, nhưng Liên đứng lặng ngắm đoàn tàu mà không đáp. Bởi lúc này trong tâm hồn cô có một sự xúc động khó tả. Liên nhớ về những ngày tháng xưa kia, nơi Hà Nội xa xăm và huyên náo, vui vẻ, với cuộc sống đủ đầy, giàu sang. Càng hồi tưởng lại cuộc sống xưa kia, Liên càng cảm thấy nuối tiếc và ngán ngẩm về cuộc sống hiện tại.

Con tàu đi, mang theo cả thế giới khác của chị em Liên lẫn của người dân nơi phố huyện đi theo. Để rồi khi những chấm nhỏ của chiếc đèn treo trên toa cuối cùng của chiếc tàu khuất sau rặng tre, thì bóng tối lại bao trùm lên phố huyện nghèo.

Khi đoàn tàu biến mất, hai chị em Liên lại trở lại với cảm giác chán chường, buồn bẻ của cuộc sống hàng ngày. Dường như niềm vui của hai chị em vừa lóe lên đã vụt tắt theo đoàn tàu. Tất cả thứ ánh sáng của đoàn tàu đã tan biến, giờ đây chỉ còn lại màn đêm với ánh đèn tù mù, chiếu sáng một vùng đất nhỏ bé xíu và chập chờn đi vào giấc ngủ của hai chị em Liên. Qua đây, người đọc cảm nhận được tâm trạng tiếc nuối và khát khao về cuộc sống thay đổi tươi mới của chị em Liên.

Qua đây người đọc cảm nhận được niềm thương cảm của tác giả Thạch Lam dành cho những phận người nghèo khổ trong xã hội cũ. Họ không có những mong ước cao sang, xa vời, mà chỉ đơn giản và rất nhỏ bé, đó là được nhìn thấy đoàn tàu vụt qua trong đêm khuya.

Nhưng đồng thời chúng ta cũng nhìn thấy niềm lạc quan, tin tưởng về con người của tác giả Thạch Lam. Đó là dù cuộc sống tù túng, hẩm hiu nhưng họ vẫn khát khao có sự thay đổi. Họ gắn bó với nhau, rất cảm thông và yêu thương nhau nhưng tất cả đều mong mỏi và muốn thay đổi cuộc sống mặc dù nó rất rời rạc và mơ hồ. Điều này cũng chứng tỏ, cảnh chiều tàn, cảnh đoàn tàu vụt qua của ngày tàn nhưng cuộc đời và suy nghĩ của chị em Liên không tàn.

Qua đây độc giả thấy được tài năng sử dụng nghệ thuật đặc sắc của tác giả. Đó là lối viết không cần cốt truyện phức tạp, nhưng vẫn đủ để khiến người đọc cảm nhận được toàn bộ bức tranh nội dung tác phẩm. Bút pháp hiện thực xen lẫn lãng mạn đã làm nổi bật nội tâm của các nhân vật. Ngôn ngữ, súc tích, ngắn gọn đơn giản nhưng giàu tính tạo hình, gợi cảm xúc, khiến đọc giả cảm nhận rõ rệt tâm trạng của nhân vật và toàn bộ cuộc sống của những phận nghèo nơi phố huyện tăm tối.

Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ mẫu số 3

    “Mỗi truyện của Thạch Lam như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm mến yêu, chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người”. Quả thực đúng như vậy, những trang văn của Thạch Lam không đi vào những biến cố mà đi sâu vào chiều sâu tâm trạng của con người. Cảnh chờ tàu của hai chị em Liên và An đã được tác giả nắm bắt những chuyển biến tinh vi nhất trong tâm trạng của hai nhân vật.

    Liên và An vốn là những đứa trẻ đã từng sống ở thị thành, nhưng gia đình sa sút nên phải chuyển về phố huyện nghèo. Liên và An tuy còn nhỏ tuổi nhưng cũng tham gia vào việc nuôi sống gia đình bằng cách trông một cửa hàng nhỏ ở chợ. Quanh Liên cũng là biết bao kiếp sống nhỏ bé, mòn mỏi như: chị Tí cùng đứa con vất vả mưu sinh, chật vật để sống qua ngày, gia đình bác xẩm góp vào bằng tiếng đàn bần bật trong yên lặng,… Cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt, quẩn quanh nhưng những con người nơi đây vẫn luôn hướng về một ngày tươi sáng: “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.

    Đêm nào cũng vậy, dù buồn ngủ nhưng cả Liên và An đều cố thức để chờ hoạt động cuối cùng của đêm, đó chính là đợi đoàn tàu khuya từ Hà Nội đi ngang qua. Vì sao những đứa trẻ ngây thơ ấy lại phải cố gắng đợi đoàn tàu đi qua mới có thể ngủ? Có phải chúng nghe lời mẹ dặn? Có phải cố nán lại để bán thêm phong kẹo, cái bánh từ những người khách qua đường. Nhưng không phải “Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya”. Trong sự chờ đợi ấy chứa đựng cả những khao khát, ước mong cháy bỏng của những trái tim trẻ thơ non nớt. Bởi vậy, An trước khi đi ngủ đã dặn chị: “tàu đến chị đánh thức em dậy nhé” khao khát của chúng là vô thức nhưng cũng thật mãnh liệt. Chuyến tàu đi qua, mang đến một thế giới khác, thế giới của âm thanh và ánh sáng rực rỡ.

    Trong thời gian đợi tàu xuất hiện, chị Liên thả tâm hồn mình vào vũ trụ để cảm nhận hết thảy vẻ đẹp của thiên nhiên khi đêm về. Qua những kẽ lá bàng, “ngàn sao vẫn lấp lánh” trên nền trời, những nụ hoa bàng nhỏ khẽ rơi trên vai chị. Tâm hồn Liên thả trôi theo những cảm xúc bâng khuâng mà chính chị cũng cảm thấy mơ hồ không hiểu hết.

    Tiếng trống cầm canh ở huyện đánh vang cùng với lời thông báo của bác Siêu: “Đèn ghi đã ra kia rồi” xua tan sự tĩnh mịch của màn đêm, để chuẩn bị cho sự hoạt động cuối cùng của đêm – con tàu từ Hà Nội dần dần xuất hiện. Ban đầu là ngọn lửa xanh biếc như ma trơi, rồi tiếp đến là làn khói trắng bừng lên từ xa. Liên gọi em dậy và cả hai chị em quan sát kĩ từng chuyển động của chiếc tàu. Tiếng Liên gọi An: “Dậy đi An. Tàu đến rồi” câu nói không đơn thuần chỉ là để gọi An dậy mà trong đó còn kèm cả sự vui thích, nó như một tiếng reo vui, hối thúc em dậy để cùng ngắm nhìn khoảnh khắc đoàn tàu vụt qua.

    Khoảnh khắc tàu đến, lòng hai chị em vui sướng, hân hoan đến lạ kì, dù chỉ là thoáng qua nhưng cũng đủ để hai tâm hồn tinh tế ấy nắm bắt trọn vẹn sự vật, sự việc đang diễn ra trên tàu: “Các toa đèn sáng trưng, chiếu sáng cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, dồng và kền vàng lấp lánh, và các cửa kính sáng”. Con tàu trong khoảnh khắc đã chỉ còn lại chiếc chấm đỏ nhỏ, rồi khuất sau rặng tre. Bé An hồn nhiên nhưng cũng đã nhận ngay ra dường như tàu hôm nay không đông như mọi khi. Còn Liên thì đã nhận thấy sự thưa thớt cũng như kém sáng hơn của đoàn tàu: “Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn”. Dẫu đoàn tàu hôm nay có kém sáng hơn, có kém đông vui hơn mọi khi nhưng nó từ Hà Nội về, nó mang theo một thế giới khác hẳn đối với liên, đó là thế giới của ánh sáng, của niềm vui và của hạnh phúc. Lòng cô bé trào dâng niềm vui, niềm hạnh phúc khó tả khi được sống lại những ngày xưa khi cô được uống những cốc nước lạnh xanh xanh đỏ đỏ, và nhớ về một Hà Nội sáng rực, lấp lánh.

    Đêm nào Liên và An cũng đợi tàu, dù có buồn ngủ díu mắt, chúng cũng phải chờ được đoàn tàu đi qua mới ngủ. Đây không phải là một hành động ngẫu nhiên, vô nghĩa mà nó dường như là một nhu cầu, một đòi hỏi thiết yếu đối với Liên và An. Đằng sau đó còn chứa đựng cả những mơ ước, khao khát về một cuộc sống mới đẹp đẽ và hạnh phúc hơn. Hình ảnh những đoàn tàu vụt xuất hiện rồi biến mất nhưng cũng đủ để chúng được trở lại, được sống với những kỉ niệm tuổi thơ êm ấm trước đây. Khao khát chờ đoàn tàu đi qua cũng ánh lên những khát vọng mãnh liệt của những đứa trẻ, đó là khát vọng đổi đời. Tại sao lại đặt khát vọng ấy vào hai nhân vật Liên và An mà không phải là chị Tí, bác Siêu,… bởi chúng là những đứa trẻ, chúng là mầm non, là tương lai của cuộc sống. Bởi vậy, khao khát đổi đời khi được tập trung thể hiện ở hai nhân vật sẽ trở nên ý nghĩa hơn, giàu sức gợi hơn. Đồng thời qua khung cảnh đợi tàu, Thạch Lam cũng thể hiện thái độ cảm thương đối với những số phận người nhỏ bé, bất hạnh phải sống mòn mỏi với cuộc đời chật vật, bế tắc; đồng thời ông cũng trân trọng, nâng niu những khao khát, những ước mơ đẹp đẽ của Liên và An nói riêng, của những người dân phố huyện nói chung. Không chỉ vậy, qua khung cảnh chờ chuyến tàu đêm, Thạch Lam còn dóng lên tiếng gọi tha thiết, lay động tâm hồn người đọc: hãy thay đổi cuộc sống, khiến nó trở nên đẹp đẽ hơn, biến nó thành môi trường sống lành mạnh để những đứa trẻ được sống cuộc hạnh phúc.

Với nghệ thuật miêu tả tâm lí và cảnh vật tài tình, cảnh đoàn tàu kết lại tác phẩm đã để lại dư âm, ấn tượng sâu lắng trong lòng người đọc. Đóng lại cuốn sách người đọc vẫn không khỏi thổn thức trước những số phận kiếp người mòn mỏi nơi phố huyện. Nhưng đồng thời cũng chân trọng, nâng niu những mơ ước tha thiết, mãnh liệt của họ về một cuộc sống khác, về sự đổi đời.

 

Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ mẫu số 4

    Thạch Lam là nhà văn nổi tiếng của văn học lãng mạn những năm 1930 – 1945. Là một trong những cây bút của Tự lực văn đoàn, nhưng văn chương của Thạch Lam không quá xa vời thực tế như những cây bút trong nhóm. Mà văn chương của ông nhẹ nhàng chất đời lãng mạn. Nổi bật nhất phải kể đến truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, câu chuyện chờ đợi tàu của chị em Liên nơi phố huyện Hà Nội những năm tháng trước Cách mạng. Thiên truyện ngắn cốt truyện đơn giản nhưng lại đọng lại những suy ngẫm sâu sắc đặc biệt cảnh chờ đợi tàu của hai chị em Liên.

    Truyện mở ra bằng tiếng trống thu không, hoàng hôn dần buôn xuống nơi phố huyện heo hút. Rồi ánh đèn leo lét xuất hiện, cuộc sống con người quẩn quanh nơi phố huyện khi màn đêm dần bao phủ. Hai chị em Liên ngồi lặng im nhìn ngắm phố huyện, lòng đầy suy nghĩ. Trong nỗi nhớ về Hà Nội qua gánh phở bác Siêu, cũng là lúc tàu chuẩn bị đến.

    Tàu chưa đến, chị em Liên và những con người nơi phố huyện dù mệt mỏi nhưng vẫn ngắc ngoải, mong chờ điều gì đó. Liên thấy “ tâm hồn yên tĩnh”. Cái yên tĩnh bình yên, lặng lẽ trong khung cảnh đêm xuống. Rồi khi tàu đến, từ xa “ngọn lửa xanh biếc… như ma trơi”, “tiếng còi xe lửa trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi”. Tàu đến gần, ánh sáng tỏa rạng một vùng. Đó là ánh sáng của “Ngọn đèn ghi” “toa tàu đèn sáng trưng, chiếu xuống đường”, “người, đồng và kền lấp lánh”. Âm thanh vang vọng trong không gian tiếng ghi tàu mạnh mẽ “tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi, kèm theo một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, tiếp đến tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”.

    Đoàn tàu đến đem theo ánh sáng rực rỡ, sáng lòa làm lu mờ mọi ánh đèn leo lét nơi phố huyện, bừng lên mạnh mẽ. Không chỉ mang theo ánh sáng mà tàu đến mang theo cả thứ âm thanh rộn rã khác hẳn tiếng vo ve của muỗi trong hàng hay tiếng ếch nhái từ ngoài đồng ruộng xa. Bằng ngòi bút lãng mạn, bút pháp miêu tả đối lập, Thạch Lam đã khắc họa nên hai thế giới hoàn toàn khác biệt, đối lập để thấy rằng đoàn tàu đến mang theo mọi điều đẹp nhất.

    Nhưng rồi đoàn tàu nhanh chóng vụt qua để lại bao tiếc nuối, ngậm ngùi. Đoàn tàu đi cuốn theo cả thế giới rực rỡ, vang động. Liên cảm nhận được sự thiếu hụt về cả âm thanh và con người khi đoàn tàu đi qua. Dường như em đã gắn bó với nơi này từ rất lâu, ghi nhớ sâu sắc từng khoảnh khắc. Đoàn tàu đi qua trả lại cho phố huyện sự im lặng. Đoàn tàu đi qua cũng là lúc khiến cho Liên lặng vào mơ tưởng nhớ về Hà Nội, nhớ về những kỉ niệm ngọt ngào xa xôi. Em buồn thương cho hiện tại mờ mịt, tiếc nuối cho quá khứ hạnh phúc và mơ tưởng về một tương lai.

    Bằng những câu văn ngắt ngắn liên hoàn, Thạch Lam diễn tả sinh động tâm trạng bồi hồi, mang chút gì đó vừa xót thương vừa hi vọng của nhân vật Liên. Liên như thấy mình “sống giữa bao sự xa xôi”. Kết thúc truyện để lại trong lòng người đọc bao sự day dứt. Đoàn tàu đến mang theo ánh sáng lấp lánh, rực rỡ, mang theo âm thanh sinh động, vang vọng. Nhưng nó thuộc về thế giới khác. Thế giới không phải của Liên của An hay cửa con người nơi phố huyện. Nhưng đoàn tàu đi qua lại nhen lên cho những con người nơi đây ước mơ, khát khao về một tương lai dù mờ mịt nhưng họ không hề từ bỏ. Ngày nào họ cũng thức từ sáng đến đêm để đợi đoàn tàu đi qua, để ước mơ về điều gì đó xa xôi. Nhưng ước mơ của họ không biến mất mà âm ỉ chờ đợi điều gì đó làm bùng lên.

Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” khắc họa sinh động thế giới tâm hồn của những con người cùng khổ trong xã hội cũ trước những năm Cách mạng diễn ra. Hình ảnh đoàn tàu chỉ xuất hiện thoáng qua rồi vụt tắt mang theo ánh sáng, âm thanh, ước mơ và khát vọng. Như một niềm an ủi một mơ ước không bao giờ tắt, một chút ánh sáng cho ao đời tù đọng, đen tối triền miên của những số phận hẩm hiu, bất hạnh nhưng vẫn hi vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn. Đó cũng là thông điệp và tình thương của Thạch Lam dành cho những nhân vật.

Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ mẫu số 5

Dù chỉ xuất hiện trên văn đàn vẻn vẹn có 5 năm nhưng Thạch Lam sớm khẳng định là một cây bút truyện ngắn độc đáo. Sinh thời, ông từng quan niệm “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, lẩn khuất khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở những chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật để cho người đọc trông nhìn và thưởng thức”. Rút ra từ tập truyện ngắn “Nắng trong vườn”, Hai đứa trẻ là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách độc đáo không trộn lẫn của Thạch Lam. Đến với “Hai đứa trẻ”, độc giả ai ai cũng thấy cảnh đợi tàu là sự kiện tiêu biểu nơi ngòi bút của Thạch Lam thăng hoa

    Tuy là thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và là em ruột của Nhất Linh, Hoàng Đạo nhưng sáng tác của Thạch Lam đi theo hướng riêng khá mới mẻ. Ông dành tình cảm, tấm lòng xót thương cho những lớp người nghèo trong xã hội thời bấy giờ. Ngòi bút của Thạch Lam thường đi vào những trạng thái cảm xúc mơ hồ, tinh tế của con người. “Hai đứa trẻ” là truyện ngắn không có cốt truyện. Toàn bộ câu chuyện diễn ra như một thước phim chậm rãi về một phố huyện nghèo xung quanh chị em Liên vào một buổi chiều tối mùa hè. Không có thắt nút, không có mở nút nhưng truyện ngắn dễ dàng đi vào tâm trí người đọc bởi một nỗi buồn sâu lắng mà rất đẹp – vẻ đẹp của một cuộc sống bình thường được Thạch Lam khám phá ra. Đặc biệt nhất là cảnh đợi tàu trong truyện ngắn.

    Dù buồn ngủ díu cả mắt nhưng đêm nào, Liên và An cũng cố thức đợi chuyến tàu khuya từ Hà Nội về. Tại sao vậy? Để bán hàng theo lời mẹ dặn? Hoàn toàn không phải vậy. Hai chị em Liên cố thức không phải để mở hàng đón khách như bao người buôn bán khác trên sân ga, trái lại hai chị em đóng cửa hàng, chờ tàu là vì cớ khác. Vậy thì là gì? Phải chăng vì hai chị em muốn được nhìn thấy chuyến tàu – sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Có lẽ vậy, và cũng bởi vì con tàu như đem một thế giới khác đi qua, một thế giới khác hẳn với vầng sáng ngọn đèn của chị Tý và ánh lửa của bác Siêu. Phố huyện chìm trong màn đêm tối tăm, lụi tàn, nghèo nàn, mòn mỏi thì con tàu như đem một thế giới sáng rực, giàu sang, vui vẻ và huyên náo.

    Vì con tàu như đem một thế giới khác đi qua, chị em Liên lặng lẽ đón đợi tàu với bao xúc cảm vừa bâng khuâng, mơ hồ, vừa hồi hộp, háo hức. Chị em Liên đón đợi chuyến tàu như đón đợi phút giây giao thừa thiêng liêng mỗi khi Tết đến, xuân về. Cậu bé An buồn ngủ, mí mắt sắp sửa rơi mà vẫn còn dặn chị: “Tàu đến, chị gọi em thức dậy nhé!”. Còn Liên ngồi yên không động đậy ngắm sao trời lấp lánh và hoa bàng khẽ rơi, tâm hồn Liên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ, không hiểu. Dường như cô bé đã hoàn toàn bứt mình ra khỏi cuộc sống mưu sinh cơ cực để đắm vào thế giới thần tiên, mộng mơ.

    Nhìn thấy ánh đèn ghi từ xa, nghe tiếng còi vọng lại, Liên đã vội đánh thức em dậy: “Dậy đi, An. Tàu đến rồi!”. Lời gọi đầy hối thúc, giục giã vang lên như tiếng reo vui hồ hởi. Rồi tiếng còi rít lên, tàu rầm rộ đi tới, cả phố huyện bừng lên, sáng rực rỡ, sôi động, sang trọng, Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua. Hai chị em háo hức muốn hòa mình vào thế giới đông vui náo nhiệt ấy. Càng háo hức bao nhiêu, hai đứa trẻ càng ngẩn ngơ khi thấy tàu vượt qua bấy nhiêu. Chuyến tàu đi vào đêm tối, hai chị em vẫn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh trên toa sau cùng rồi ra xa mãi, khuất sau rặng tre. Con tàu từ Hà Nội về thực sự đã hút hồn chị em Liên. Tàu qua, An băn khoăn nghĩ ngợi; “Tàu hôm nay không đông chị nhỉ?”. Còn Liên thì mơ hồ lặng theo mơ tưởng. Dẫu chuyến tàu không vui như mọi khi, thưa vắng người qua lại và hình như kém sáng hơn bình thường nhưng cô bé vẫn hân hoan vui sướng bởi con tàu ở Hà Nội về. Con tàu đã đưa Liên trở về tuổi thơ êm đềm, thời quá khứ ngọt ngào của tuổi thần tiên, đồng thời thức dậy trong cô bé, niềm tin vào một tương lai tươi sáng.

    Đêm nào, Liên và An cũng thao thức, hồi hộp đợi tàu. Trong con mắt của không ít người, đó là việc bâng quâng, không đâu thậm chí lẩn thẩn, vô nghĩa. Thế nhưng với trái tim giàu lòng trắc ẩn, Thạch Lam đã phát hiện ra những tâm sự sâu kín, những khát khao lãng mạn của hai chị em. Đợi tàu trở thành một nếp sống, một nhu cầu tinh thần không thể thiếu. Đợi tàu để được trở về thời quá khứ dịu êm, ngọt ngào của tuổi hồn nhiên, ngây thơ. Đợi tàu để được cháy lên khát vọng mãnh liệt, mạnh mẽ, táo bạo: khát vọng đổi đời. Khát vọng ấy như mầm cây tươi non mọc lên trên vùng đất cằn cỗi, những ánh sao nhỏ nhoi lấp lánh mãi trên bầu trời đen thẳm không cùng. Qua việc tả cảnh đợi tàu, Thạch Lam thể hiện thái độ vừa cảm thương xót xa trước cuộc sống lay lắt, bế tắc của những kiếp người nhỏ bé, nhất là những đứa trẻ, vừa nâng niu vừa trân trọng, khát vọng vươn ra ánh sáng, khát vọng đổi đời của những con người ấy. Từ cuộc sống của con người nơi phố huyện, trang văn của Thạch Lam còn rung lên tiếng nói tha thiết có sức lay tỉnh xâu xa trong tâm hồn người đọc: Hãy cứu lấy những đứa trẻ! Hãy thay đổi cuộc sống bế tắc này đi!. Làm thế nào để cho trẻ thơ được sống trong hi vọng giống như những chồi non xanh biếc căng nhựa sống trên cành mà không phải chỉ tồn tại rồi tàn lụi đi trong miền đất chết.

Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” chân thực, sinh động, giàu giá trị hiện thực mà thấm đẫm cảm xúc nhân văn cao quý, dào dạt chất thơ lãng mạn. Đọc “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam ta bất giác nhớ đến “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen. Họ là hai nhà văn thuộc về hai đất nước, hai thời đại khác nhau nhưng cùng đồng điệu trong tiếng nói yêu thương nhân văn vì trẻ thơ. Cảnh đợi tàu cũng là cảnh khép lại thiên truyện vừa nhẹ nhàng, lắng đọng của Thạch Lam. Đó là một cảnh tượng sẽ ám ảnh mãi trong tâm trí người đọc. Khép lại tác phẩm, ta vẫn thấy bận bịu vô hạn về một tấm lòng quê hương ấm áp mà sâu kín, về những tình cảm trắc ẩn bình dị mà sâu xa. “Hai đứa trẻ” thực sự đã hoàn thành sứ mệnh của văn chương chân chính khi khơi gợi của người đọc tình cảm trong sáng và giàu ý nghĩa nhân văn.

Trên đây là những hướng dẫn chi tiết cùng các bài văn mẫu phân tích cảnh đợi tàu đặc sắc nhất đã được chúng tôi tổng hợp và biên soạn.

Chúc bạn hoàn thành tốt và đạt điểm cao với bài làm văn phân tích cảnh đợi tàu của mình.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button