Giáo dục

Tóm tắt tác phẩm Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Sếch- xpia

Tóm tắt tác phẩm Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Sếch- xpia – Tham khảo các cách tóm tắt tác phẩm này hay nhất, ngoài ra còn có bài mẫu tóm tắt đoạn trích Tình yêu và thù hận thuộc vở kịch nổi tiếng này.

Bài văn mẫu Tóm tắt tác phẩm Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Sếch- xpia

Bài văn mẫu 1

Nhân dịp tiểu thư Giu-li-ét tròn 14 tuổi, gia đình Ca-piu-lét tổ chức dạ hội hoá trang. Rô-mê-ô đang mang nỗi buồn vì bị nàng Rô-da-lin khước từ, mặc dù hai dòng họ Môn-ta-ghiu và Ca-piu-lét đang nung nấu thù hận, nhưng chàng vẫn cùng bạn bè hoá trang đi đến nhà Ca-piu-lét dự hội. Giu-li-ét và Rô-mê-ô găp nhau, tình yêu bốc lên mãnh liệt trong lòng.

Đêm ấy, một đêm trăng sáng, Rô-mê-ô dám vượt tường lẻn vào vườn gia đình Ca-piu-lét để gặp người yêu. Rô-mê-ô và Giu-li-ét đã tình tự và thề nguyền. Sáng ngày hôm sau, họ nhờ tu sĩ Lâu-rân làm phép cưới bí mật.

Bạn đang xem: Tóm tắt tác phẩm Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Sếch- xpia

Lại xảy ra một chuyện kinh hoàng giữa hai dòng họ. Ti-bân, người anh họ Giu-li-ét đã giết chết Mơ-kiu-xi-ô, người nhà Môn-ta-ghiu. Rô-mê-ô đã giết chết Ti-bân để trả thù. Chàng phải đi đày tới thành Man-tua. Giu-li-ét vô cùng đau buồn. 

Gia đình Ca-piu-lét bắt Giu-li-ét phải kết duyên cùng Pa-rít, cháu của Vương chủ thành Vê-rô-na. Nàng giả vờ ưng thuận nhưng đã đến cầu cứu tu sĩ Lâu-rân, Tu sĩ đã đưa cho nàng một lọ thuốc ngủ có công hiệu 42 giờ; đồng thời cho người đi vội đến Man-tua mật báo cho Rô-mê-ô gấp trở về đưa người yêu đi trốn. Nhưng lúc bây giờ thành Man-tua đang bị bệnh dịch hạch hoành hành, người đưa tin đành quay về. Cùng lúc đó; Rô-mê-ô nhận tin báo Giu-li-ét đã chết. Chàng lập tức phi ngựa trở về, còn mang theo một lọ thuốc độc.

Tại khu hầm mộ của gia đình Ca-piu-lét, Rô-mê-ô bất ngờ gặp Pa-rít. Hai người xông vào đánh nhau, Rô-mê-ô đã đâm chết Pa-rít. Tưởng người yêu đã chết, Rô-mê-ô uống thuốc độc tự tử. Khi Giu-li-ét hồi tỉnh, đau đớn nhìn thấy người yêu đã chết, nàng bèn lấy kiếm của Rô-mê-ô đâm vào mình tự sát.

Trước cái chết bi thương ấy của cặp tình nhân, hai dòng họ Môn-ta-ghiu và Ca-piu-lét nghe lời Vương chủ đã tự nguyện xoá đi mối thù truyền kiếp; dựng cho Rô-mê-ô và Giu-li-ét bức tượng bằng vàng.

>> Tham khảo:

Phân tích xung đột trong đoạn trích Tình yêu và thù hận của Sếch- xpia

Phân tích nhân vật Romeo trong Tình yêu và thù hận

Bài văn mẫu 2

Câu chuyện bắt đầu từ đêm dạ hội hoá trang do gia đình Ca-piu-lét tổ chức nhân dịp con gái họ là Giu-li-ét tròn 14 tuổi. Rô-mê-ô, con trai nhà Môn-ta-ghiu, đang buồn bã vì bị Rô-da-lin từ chối đã cùng các bạn hoá trang đi vào nhà Ca-piu-lét, mặc dù trước đó Rô-mê-ô đã có cuộc loạn đả với nhiều thành viên của dòng họ này.

Tại đây, chàng đã gặp Giu-li-ét, người mà bá tước Pa-rít, cháu của Vương chủ thành Vê-rô-na đang muốn cầu hôn. Rô-mê-ô say đắm trước vẻ đẹp tuyệt vời của Giu-li-ét và cũng nhận được sự đồng cảm của Giu-li-ét. Tình yêu của họ nảy nở và bùng lên mãnh liệt (hồi I). Cũng trong đêm ấy Rô-mê-ô trở lại, leo lên bờ tường đối diện với phòng ngủ của Giu-li-ét, đúng lúc Giu-li-ét cũng ra đứng bên cửa sổ, thổ lộ lòng mình (xem đoạn trích tình yêu và thù hận). Họ hẹn ước, thề nguyền với nhau. Hơn thế, họ còn nhờ tu sĩ Lâu-rân làm phép cưới bí mật (hồi II).

Nhưng mối hận thù sâu sắc giữa hai dòng họ lại nổ ra khi Ti-bân, anh họ Giu-li-ét, giết chết Mơ-kiu-xi-ô, người nhà Môn-ta-ghiu. Rô-mê-ô đã giết chết Ti-bân và phải đi đày biệt xứ tại thành Man-tua. Giu-li-ét buồn bã vô cùng. Gia đình Ca-piu-lét yêu cầu Giu-li-ét phải nhận lời lấy Pa-rít (hồi III). Giu-li-ét phải nhờ Lâu-rân giúp đỡ. Tu sĩ khuyên Giu-li-ét giả vờ nhận lời và đưa cho nàng lọ thuốc ngủ có hiệu lực 42 giờ. Trong thời gian đó, tu sĩ sẽ cho gọi Rô-mê-ô về. Đúng như dự tính của Lâu-rân, gia đình Ca-piu-lét tưởng rằng con gái mình đã chết, thay vì đám cưới, họ tổ chức đám tang (hồi IV).

Người đưa thư của Lâu-rân hướng về Man-tua, cùng lúc một người nhà thân tín của Rô-mê-ô, sau khi đã chứng kiến mọi việc xay ra với Giu-li-ét, cũng đi về thành Man-tua. Thành phố này đang bị dịch hạch: Người đưa thư của Lâu-rân đành quay về, còn người nhà Rô-mê-ô đã vào được thành phố. Nhận được tin dữ, Rô-mê-ô tuyệt vọng, trở về ngay và không quên mua sẵn một lọ thuốc độc. Chàng gặp Pa-rít ở khu hầm mộ và giết chết anh ta. Bước vào hầm mộ, chàng tìm đến nơi Giu-li-ét nằm, rồi uống thuốc độc chết. Giu-li-ét tỉnh dậy, thấy Rô-mê-ô đã chết bên cạnh, Giu-li-ét rút con dao mà Rô-mê-ô thường mang theo bên mình, quyên sinh luôn. Lâu-rân nhận lại bức thư liền đến ngay hầm mộ, nhưng không kịp. Hai gia đình Môn-ta-ghiu và Ca-piu-lét cũng đổ xô đến. Tu sĩ đã kể lại mọi chuyện. Vương chủ thành Vê-rô-na lên án hai dòng họ. Họ tự nguyện xoá đi mối thù truyền kiếp và dựng cho Rô-mê-ô và Giu-li-ét bức tượng bằng vàng (hồi V).

Vở bi kịch dựa trên xung đột giữa khát vọng yêu đương mãnh liệt với hoàn cảnh thù địch vây hãm. Mối tình của họ khẳng định sức sống, sức vươn dậy vượt lên trên mọi hoàn cảnh trói buộc con người. Mối tình đó cũng là lời kết án đanh thép tố cáo thành kiến phong kiến, nguyên nhân thù hận của tình người, của chủ nghĩa nhân văn. Rô-mê-ô và Giu-li-ét cũng đạt tới tầm cao về nghệ thuật tổ chức kịch tính, qua việc dẫn dắt hành động kịch và cá thể hoá ngôn ngũ nhân vật.

Bài văn mẫu 3

Trong thành Verona của Italy, hai dòng họ Montague và Capulet vốn có mối hận thù lâu đời. Bi kịch bắt đầu từ khi con trai của dòng họ Montague là Romeo trà trộn và dạ tiệc hóa trang của nhà Capulet, chàng đã gặp nàng Juliet và hai người yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Tuy nhiên, do mối hận thù sâu sắc giữa hai dòng họ, lại thêm sự cố khiến Romeo giết chết người họ hàng của Juliet là Tybalt, nên hai người không thể đến được với nhau. Romeo bị trục xuất khỏi thành Verona, còn Juliet thì bị gia đình ép gả cho bá tước Paris. Nhờ tu sĩ nhà thờ giúp đỡ, nàng đã uống một liều thuốc ngủ để giả chết trong vòng 24 giờ, vì thế đám cưới giữa Juliet và Paris lại trở thành đám tang. Xác Juliet được đưa xuống hầm mộ của gia đình.

Nghe tin nàng chết, Romeo đau đớn trốn về Verona. Khi ngắm nhìn dung nhan người yêu thương đã khuất, chàng uống thuốc độc tự tử theo người mình yêu. Romeo vừa gục xuống thì cũng là lúc thuốc của Juliet hết hiệu nghiệm. Nàng tỉnh dậy và nhìn thấy xác Romeo bên cạnh. Quá tuyệt vọng, nàng rút dao tự vẫn.

Cái chết tang thương của đôi bạn trẻ đã thức tỉnh hai dòng họ. Họ đã xóa sạch mối thù truyền kiếp và bắt tay hữu nghị. Nhưng những gì còn lại vẫn là nỗi xót xa cho một cuộc tình đẹp tựa bài thơ.

Câu chuyện Romeo và Juliet không chỉ ngợi ca tình yêu lãng mạn và trong sáng, mà nó còn gửi gắm thông điệp đầy tính nhân văn. Quả thật, tình yêu trong ngần và đẹp tựa pha lê có thể làm tan chảy những gì là ‘thù hận’, là ‘định kiến’, hay là bảo thủ truyền thống.

>> Xem thêmPhân tích diễn biến tâm trạng của Rô-mê-ô và Giu-li-ét trong Tình yêu và thù hận

Tóm tắt đoạn trích Tình yêu và thù hận

Rô-mê-ô và Giu-li-ét là vở bi kịch nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của Sếch-xpia. Ở thành Vê-rô-na nước Ý có hai dòng họ phong kiến vốn có mối thù truyền kiếp với nhau là Môn-ta-ghiu và Ca-piu-lét. Chàng Rô-mê-ô là con trai họ Môn-ta-ghiu yêu Giu-li-ét, con gái họ Ca-piu-lét. Họ là một đôi trai tài gái sắc. Hai người làm lễ thành hôn thầm kín. Nhưng cùng trong ngày hôm đó, do một cuộc cãi lộn, Rô-mê-ô đâm chết Ti-bân, anh họ Giu-li-ét và bị kết tội biệt xứ. Gia đình Giu-li-ét ép nàng phải lấy bá tước Pa-rít. Nàng định tự sát, nhưng được tu sĩ Lâu-rân giúp kế tránh cuộc hôn nhân đó : tu sĩ cho nàng một liều thuốc ngủ, uống vào sẽ như người đã chết ; sau khi gia đình đặt thi thể nàng vào hầm mộ, tu sĩ sẽ báo cho Rô-mê-ô đến cứu nàng trốn khỏi thành Vê-rô-na. Nhưng người của tu sĩ chưa kịp báo tin thì người nhà Mông-ta-ghiu lại đến trước báo tin nàng Giu-li-ét đã tự sát. Rô-mê-ô tưởng nàng đã chết, nên đã tự sát bên nàng. Giu-li-ét tỉnh dậy, cũng tự sát theo. Và trước cái chết của hai người, hai họ đã quên mối thù truyền kiếp.

Tác phẩm kết thúc bằng cái chết của hai nhân vật chính và sự hoà giải của hai dòng họ. Một kết thúc đầy bi kịch nhưng âm hưởng chung của tác phẩm lại thể hiện cái nhìn lạc quan của tác giả đối với sự chiến thắng của lí tưởng nhân văn chủ nghĩa. Tình yêu say đắm thuỷ chung của hai người trẻ tuổi đã xoá bỏ những tập tục thành kiến và thù địch của hai dòng họ suốt hàng trăm năm.

Đoạn trích thuộc lớp 2, hồi II của vở kịch. Rô-mê-ô và Giu-li-ét gặp nhau và họ đã yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Rô-mê-ô khi biết Giu-li-ét là con gái nhà Ca-piu-lét đã nói : “Nàng là người họ Ca-piu-lét sao ? Ôi oan trái yêu quý, đời sống của ta nằm trong tay người thù”. Còn Giu-li-ét thì bảo nhũ mẫu : “Nếu chàng có vợ rồi thì có lẽ nấm mồ kia sẽ là giường cưới của ta”. Và khi biết Rô-mê-ô là con nhà Môn-ta-ghiu, nàng đã thốt lên :

Một mối thù sinh một mối tình
Vội chi sớm gặp, biết đành muộn sao !
Tình đâu trắc trở gian lao
Hận thù mà hoá khát khao ân tình.

Những lời này của Giu-li-ét cũng chính là linh cảm cho mối tình đầy ngang trái của họ. Đêm về cả hai đều không ngủ được. Rô-mê-ô liều mình trèo vào tường nhà Ca-piu-lét dù biết rằng mình có thể bị giết chết. Và tình cờ chàng đã nghe được những lời tâm sự của Giu-li-ét. Đoạn trích là cuộc gặp gỡ của đôi trẻ sau đêm dạ hội ấy.

————

Trên đây là một số bài tóm tắt tác phẩm Rô-mê-ô và Giu-li-ét và tóm tắt đoạn trích Tình yêu và thù hận của Sếch- xpia mà THPT Ngô Thì Nhậm sưu tầm và tổng hợp làm tư liệu học tập cho các em. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 11 khác được cập nhật thường xuyên tại THPT Ngô Thì Nhậm. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao nhé!


Tham khảo các bài văn mẫu 11 tóm tắt tác phẩm Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Sếch- xpia và các bài mẫu tóm tắt đoạn trích Tình yêu và thù hận.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button