Phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù
Phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù để thấy bản chất của các xã hội thực dân đã biết người nông dân chất phác thành con quỷ dữ khiến ai cũng sợ hãi.
THPT Ngô Thì Nhậm hướng dẫn chi tiết cách lập dàn ý để các em có thể hoàn thiện bài văn mẫu phân tích Chí Phèo sau khi ra tù đầy đủ nhất.
Phải ghi nhớ: Chí Phèo sau khi ra tù:
– Vì sao Chí Phèo đi tù?
Trả lời: Nguyên nhân: vì Bá Kiến ghen với vợ hắn.
– Sau khi ra tù Chí Phèo là người như thế nào?
Trả lời: Chế độ nhà tù thực dân đã biến Chí trở thành lưu manh, có tính cách méo mó và quái dị. Chí trở thành con quỉ dữ của làng Vũ Đại.
– Hậu quả của những ngày ở tù:
+ Chân dung nhân vật Chí sau khi ở tù về: biến đổi thành con quỷ dữ “Trông tặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, …. trông gớm chết!”
→ Chí Phèo đã đánh mất nhân hình.
+ Nhân tính: du côn, du đãng, triền miên trong cơn say, đập đầu, chửi bới, phá phách và làm công cụ cho Bá Kiến.
⇒ Chí đã bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính. Bị biến chất từ một người lương thiện thành con quỉ dữ. Chí điển hình cho hình ảnh người nông dân lao động bị đè nén đến cùng cực, và cũng là một nhân chứng tố cáo chế độ thực dân phong kiến đã cướp đi quyền làm người của Chí.
Lập dàn ý phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù
Mở bài
– Giới thiệu nhà văn Nam Cao – nhà văn của nông dân và tác phẩm Chí Phèo – bức tranh xã hội rộng lớn với những xung đột giai cấp quyết liệt.
– Nhân vật Chí Phèo bị xã hội tàn phá về tâm hồn hủy diệt cả nhân tính rồi phủ nhận giá trị, tư cách làm người, đặc biệt là sau khi ra tù đã để lại suy nghĩ cho người đọc.
Thân bài phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù
*Tóm tắt truyện, hoàn cảnh của nhân vật
Truyện ngắn của Nam Cao không đi vào nạn sưu thuế, chiếm đoạt ruộng đất, nạn tô tức, quan tham lại, thiên tai địch họa … mà nhà văn đi vào một phương diện hoàn toàn khác. Đó là thực dân tiếp tay cho cường hào đẩy anh canh điền hiền lành vào tù, để giết chết phần người trong con người Chí, biến anh thành Chí Phèo, biến một người nông dân thành con quỷ dữ.
Nỗi thống khổ ghê ghớm của Chí Phèo không phải ở chỗ tất cả những gì người nông dân cố cùng này có được là một con số không: không nhà không cửa, không cha không mẹ, không tấc đất cắm dùi, cả đời không hề biết đến một bàn tay chăm sóc của đàn bà nếu không gặp Thị Nở mà chính ở chỗ anh bị cả xã hội ruồng rẫy, chối bỏ, rạch nát cả bộ mặt người, cướp đi linh hồn con người để bị loại khỏi xã hội loài người, sống kiếp sống tối tăm của thú vật.
*Hình ảnh Chí Phèo sau khi ra tù
+ Miêu tả chi tiết ngoại hình: “Trông tặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết!” ; “Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”
+ Nhân tính: Chí thay đổi từ một người hiền như đất bỗng trở nên hung hãn, liều lĩnh, coi thường phép luật. Cả lời nói và hành động đều giống một tên đầu bò chính hiệu
+ Hành động:
Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi.
Vừa ra tù hôm trước, “hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều”; “xách một cái vỏ chai đến cổng nhà Bá Kiến, gọi tận tên tục ra mà chửi”
Thỉnh thoảng lại “ngật ngà ngật ngưỡng” tuyên bố đến nhà cụ Bá để “đòi nợ”
⇒ Rõ ràng, Chí Phèo từ khi đi tù về đã biến chất cả về nhân hình lẫn nhân tính.
*Quá trình Chí Phèo tha hóa
+ Chí Phèo từ việc hung hăng đến nhà Bá Kiến, tuyên bố “liều chết với bố con nhà mày” nhưng lão thì chỉ cần mấy câu nói ngọt xớt, chuỗi cười và mấy hào mà Chí đã trở thành tay sai của lão.
+ Chí càng ngày càng hung hãn, ngang ngược và triền miên say: “Hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say. Và khi say, hắn làm bất cứ thứ gì mà người khác sai hắn làm. Chí đã phá nát bao nhiêu gia đình, bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt bao nhiêu người dân lương thiện” => Trở nên xa lạ với tất cả mọi người, ai cũng hoảng loạn, kinh hãi vì sự hoành hành của con quỷ dữ làng Vũ Đại
⇒ Ngòi bút hiện thực tỉnh táo của Nam Cao đã vạch ra rằng những người nông dân khốn khổ phải giành lấy sự tồn tại sinh vật bằng việc bán cả nhân phẩm, trở thành lực lượng phá hoại mù quáng, dễ dàng bị bọn thống trị thâm độc lợi dụng.
Xem thêm tuyển tập những bài văn mẫu phân tích nhân vật Chí Phèo cũng do THPT Ngô Thì Nhậm tổng hợp.
*Quá trình thức tỉnh của Chí Phèo
+ Tình huống: Trong một đêm say “rười rượi những trăng”, Chí Phèo thấy “bứt rứt”, “ngứa ngáy” đã xông tới người đàn bà khốn khổ “dại dột đã nằm ềnh ệch mà ngủ ngay gần nhà hắn”. Nếu như lúc đầu, Thị Nở khơi dậy bản năng của gã đàn ông thì sau đó nhờ vào sự chăm sóc giản dị, chân tình, mộc mạc đã làm thức dậy bản chất lương thiện trong hắn.
+ Tâm trạng khi thức tỉnh
- Chí Phèo tỉnh dậy muộn và lòng “bâng khuâng. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm Chí Phèo mới lại nghe tiếng chim hót vui vẻ, tiếng cười nói của những người đi chợ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đổ cá…”. .
- Chí nhớ về ước ao thời còn trẻ: “ao ước một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải…” rồi nhận ra hiện thực đáng buồn “đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”
- Bát cháo hành của Thị Nở với hương vị của tình yêu thương chân thành, của hạnh phúc giản dị mà có thật lần đầu tiên đến với Chí Phèo. Hắn xúc động đến mắt “như ươn ướt”, “ôi sao mà hắn hiền, ai bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người?”
=> Chí Phèo như trở lại với con người thật của mình, trở lại là anh thanh niên hiền lành từng mơ ước cuộc sống chân phương, đơn sơ, bình dị.
⇒ Tình người chân thành làm sống lại trong Chí Phèo bản chất đẹp đẽ của người nông dân bấy lâu bị che lấp, vùi dập nhưng không bao giờ vụt tắt. Tình yêu đã thức tỉnh và linh hồn anh trở về. Rõ ràng tình yêu của Thị Nở chẳng những đã thức tỉnh anh mà còn hé mở con đường trở lại làm người, trở lại cuộc đời với tất cả hồi hộp, hy vọng.
*Bi kịch bị cự tuyệt
+ Sự xuất hiện của bà cô cũng chính là lễ giáo phong kiến đã đè nặng trong tâm tưởng con người. Cánh cửa mới chớm hé đã vội đóng sầm lại. Ước mơ giản dị đến tội nghiệp của Chí Phèo là được sống bình yên bên người đàn bà xấu “ma chê quỷ hờn” cũng không thành.
+ Khi hiểu ra xã hội không công nhận mình, Chí vật vã trong đau đớn, “hắn càng uống thì càng tỉnh ra. Có thể nói tuy say nhưng Chí có một điểm tỉnh:“hắn ôm mặt khóc rưng rức”, “lại uống … lại uống … uống đến say mềm người”. Hôm nay, Chí Phèo đau đớn vì tuyệt vọng càng thấm thía hơn tội ác của kẻ thù, đã đến gặp Bá Kiến “trợn mắt, chỉ tay vào mặt”, dõng dạc đòi quyền làm người, đòi lại bộ mặt người đã bị vàm nát của mình.
+ Ngay sau khi kẻ thù phải đền tội là cái chết của Chí Phèo. Chí chọn cái chết khi nhận thức nhân phẩm đã trở về , không thể chấp nhận trở lại kiếp sống thú vật. Chí Phèo chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống, chết trong tâm trạng bi kịch đau đớn. Trước kia, để bám lấy sự sống, Chí phải từ bỏ nhân phẩm của mình; giờ đây khi ý thức nhân phẩm trở về thì Chí phải đổi lại bằng cả mạng sống.
⇒ Ý thức nhân phẩm còn mạnh hơn cái chết. Chí Phèo như là một bi kịch của số phận, bi kịch của con người bị từ chối quyền làm người. Khát vọng của Chí đã bị đã bị xã hội từ chối, điều này cũng dễ hiểu vì xã hội đã quen nhìn Chí trong bộ dạng quỹ dữ, không thể chấp nhận một Chí hiện lên với tư thế con người.
(Đọc thâm tâm trạng của Chí Phèo khi bị cự tuyệt quyền làm người để đi vào phân tích từng chi tiết)
Kết bài phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù
Lời nói cuối cùng của Chí Phèo đầy đanh thép, chất chứa những phẫn nộ và âm điệu bi thống đầy ám ảnh khiến người đọc sững sờ, day dứt không thôi: “Ai cho tao lương thiện?” Chính nó đã đặt ra câu hỏi day dứt, “một câu hỏi lớn không lời hồi đáp” rằng làm sao để con người được sống cuộc sống con người? Đó cũng là câu hỏi bứt thiết trong mọi sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng khiến nhiều sáng tác của ông thuộc vào những trang hay nhất của nền văn xuôi Việt Nam.
Văn mẫu phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù
Đề tài về người nông dân vốn là một nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn. Đặc biệt là vấn đề quyền sống, quyền làm người của con người giữa xã hội cũ đầy rối ren. Tuy nhiên không phải khép lại đầy bế tắc như “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, hay bi lụy như cái chết trong “Lão Hạc”, với chủ nghĩa nhân văn và lòng nhân đạo Nam Cao đã tạo nên một kiệt tác mang tên “Chí Phèo”. Đây có thể coi là một bài ca về lương thiện và khát vọng sống mãnh liệt của con người trong xã hội cũ. Và bước ngoặt của nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù khiến người đọc suy ngẫm biết bao nhiêu.
Nam Cao được biết đến là một cây viết xuất sắc của trào lưu văn học hiện thực phê phán (1930 – 1945) một nhà văn đề cao quyền sống của con người và mang trong mình chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc.
Chí Phèo chính là đứa con tinh thần mang đậm yếu tố nhân văn mà nhà văn muốn gửi gắm lúc sinh thời. Chí là đại diện cho tầng lớp lao động khốn khổ đang chịu sự dày vò áp bức đến cùng cực của xã hội. Sự thay đổi về nhân cách con người Chí cũng chính là do bàn tay của thế lực phong kiến mà ra.
Chí Phèo chẳng biết xuất thân từ đâu, cũng chẳng ai biết ai đã sinh ra gã. Chỉ biết hắn được một người bán cối nhặt được ở cái lò gạch cũ đầu làng. Hắn lớn lên như cỏ dại, Chí cũng từng có một thời tuổi trẻ đẹp đấy chứ. Gã trai mới hơn hai mươi tuổi đầu, đẹp mã non nớt đi làm thuê cho nhà Bá Kiến. Chí đã từng mơ ước về một mái nhà mà ở đó vợ dệt vải, ươm tơ chồng cày ruộng. Ôi cái ước mơ rất bình thường và cũng rất đời đấy những tưởng đã thành hiện thực thì ôi thôi những biến cố bắt đầu ập đến với cuộc đời Chí. Nó như một dấu chấm hết cho cái nhân cách rất con người của gã.
Chỉ vì ghen tuông mù quáng, mà Bá Kiến nhỡ đẩy Chí Phèo vào tù. Và sau mấy năm ăn cơm tù bản chất con người gã trai ngây thơ lương thiện ngày nào đã bị tha hóa một cách không ngờ.
Sau những ngày ở tù là những cơn say triền miên đến bất tận của Chí. Chí chẳng bao giờ tỉnh vì hắn chỉ biết đến rượu, dường như chỉ rượu mới mang đến cho hắn khoái cảm mạnh mẽ để tiếp tục sống. Hết rượu hắn lại đến ăn vạ Bá Kiến, nào thì rạch mặt cho máu chảy lênh láng nào là vừa đi vừa chửi… Hắn chửi cho hả dạ chửi cho sướng cái mồm, chán thì chửi cha chửi mẹ chửi người đã sinh ra gã và đẩy gã đến cái nước khốn cùng này. Nhưng sâu trong tâm trí hắn biết người trực tiếp đẩy hắn đến cái bờ vực thẳm này chẳng ai khác đó chính là Bá Kiến. Thế nên hắn chỉ biết tìm đến Bá Kiến để thỏa mãn những cơn say. Cực chẳng đã Bá Kiến đành thuê hắn làm tay sai chuyên đi đòi nợ thuê cho mình. Và như thế cái vòng quẩn quanh của sự bất lương cứ bao trùm lấy hắn.
Những tưởng cuộc đời của Chí mãi mãi sẽ là những ngày say xỉn bất tận đến quên trời đất, là những bài ca chửi không có hồi kết thế nhưng một cuộc gặp gỡ định mệnh đã làm thay đổi cuộc đời gã. Cho gã biết thế nào là “nhân cách” và “lương thiện”
Có thể gọi cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở là ánh sáng cuộc đời hắn cũng phải mà là bước hụt sâu vào tăm tối cũng không sai. Nhưng chính sự gặp gỡ đó đã khiến con người Chí có những thay đổi đáng để chúng ta suy ngẫm.
Chí gặp Thị vào một đêm trăng thanh gió mát và như thường lệ Chí lại say. Và cái đứa con gái xấu ma chê quỷ hờn xấu nhất cái làng Vũ Đại ấy đã dìu Chí vào lều. Đắp lại cho y cái manh chiếu rách và cũng từ cái đêm định mệnh ấy Chí đã thành con người khác.
Sáng dậy Chí như trở thành một con người khác. Lần đầu tiên Chí tỉnh sau bao ngày dài chìm đắm trong cơn say. Y lắng nghe cái nhịp đập của cuộc sống của con người sao mà thân thương đến thế, tiếng mấy chị bán hàng rong kể chuyện rau dưa muối cà, tiếng mái chèo khua vào nhau như thức tỉnh con người gã. Lần đầu tiên hắn nhớ hắn cũng từng có ước mơ bình dị như thế một gia đình bình thường chồng cấy cày, vợ dệt vải. Hình ảnh Thị Nở bưng bát cháo hành vào chính là một bước ngoặt khiến Chí khao khát lương thiện và tính người.
Lần đầu tiên Chí cảm nhận được trên đời này hóa ra vẫn còn có người thương hắn quan tâm hắn. Cũng là lần đầu tiên hắn được ăn món ăn ngon đến thế nó không phải là cao lương mĩ vị chỉ là một bát cháo trắng thêm vài cọng hành với vài hạt muối nhưng nó chứa đựng cả tình thương. Dẫu rằng nó đến từ cái người đàn bà đen đúa xấu nhất làng bấy giờ. Thế nhưng với Chí chưa bao giờ hắn thấy Thị Nở đẹp như lúc này, Thị đẹp quá, vẻ đẹp rất đỗi lương thiện mà hắn hằng ao ước. Phải chăng đó chính là vẻ đẹp của sự giác ngộ của lương tri tình người.
Để Chí Phèo một kẻ đã từng nghĩ mình mãi mãi ở bên cái dốc kia của lương thiện bỗng “hồi sinh” và khát sống, khát khao lương thiện hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là một dụng ý nghệ thuật, một khát vọng nhân đạo mà Nam Cao gửi gắm vào trong tác phẩm của mình.
Thế nhưng dường như cái chạm chân đến lương thiện của Chí mới vừa hé mở đã bị đóng lại bởi những định kiến trớ trêu của xã hội. Đến cả người đàn bà xấu đắng xấu cay, nhà lại có mả hủi như Thị Nở mà cũng chẳng thèm lấy Chí bởi bị bà cô ngăn cản. Chẳng ai lại gắn bó với một kẻ suốt ngày chỉ biết rạch mặt ăn vạ như Chí. Và thế là như một vòng luẩn quẩn, lương thiện chẳng hồi sinh được bao lâu lại chết yểu. Cuộc đời Chí lại rơi vào một hố đen của sự túng quẫn, của sự kì thị và tự kết liễu bằng cái chết.
Không phải đến Chí Phèo Nam Cao mới bộc lộ được tuyên ngôn nhân đạo trong văn học của mình. Mà từ trước đến nay các tác phẩm của ông luôn nhắm đến tình yêu thương con người với con người. Chí Phèo chính là đại diện cho một tầng lớp con người dưới sự giày xéo của thế lực phong kiến. Hiện thân của Chí cùng những diễn biến tâm lí của gã chính là sự khát sống, khát lương thiện mà ai cũng từng ao ước.
>>> Các bạn có thể xem thêm các mẫu phân tích truyện Chí Phèo để bổ sung cho bài văn của mình.
Nguồn văn mẫu: Sưu tầm & tổng hợp
-/-
Trên đây là tuyển chọn những bài văn mẫu phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù hay nhất dành cho các em học sinh lớp 11 tham khảo. Mặt khác THPT Ngô Thì Nhậm cũng muốn các em có thể tham khảo thêm thật nhiều văn mẫu lớp 11 chọn lọc cả năm!