Sơ đồ tư duy Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi
Tham khảo ngay sơ đồ tư duy Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, hệ thống kiến thức về bài thơ Bình Ngô đại cáo ngắn gọn, dễ hiểu giúp học sinh lớp 10 học và ôn tập tốt môn Ngữ Văn.
Nhằm giúp các em hệ thống kiến thức và dễ dàng tiếp thu, vận dụng vào làm bài, THPT Ngô Thì Nhậm gửi đến tài liệu sơ đồ tư duy Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi với hệ thống luận điểm, sơ đồ tư duy chi tiết. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tập hiệu quả và đạt kết quả cao
********
Sơ đồ tư duy Bình Ngô đại cáo lớp 10
Sơ đồ tư duy tác phẩm Bình Ngô đại cáo
– Luận điểm 1: Tiền đề lí luận
+ Tư tưởng nhân nghĩa
+ Chân lí về độc lập dân tộc
– Luận điểm 2: Soi chiếu lí luận vào thực tiễn
+ Tội ác của giặc Minh
+ Lòng căm thù giặc của nhân dân
– Luận điểm 3: Diễn biến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
+ Hình tượng người anh hùng Lê Lợi
+ Các giai đoạn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
– Luận điểm 4: Niềm tin, ý chí.
Lời tuyên bố chiến thắng, mở ra kỉ nguyên độc lập của dân tộc thật dõng dạc, tràn đầy niềm tự hào: Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới, đất nước ta bước vào thời kì tự chủ, thịnh vượng dưới triều đại mới. Đồng thời ông cũng rút ra những bài học lịch sử: Kiền khôn bĩ rồi lại thái/ Nhật nguyệt hối rồi lại minh, để khẳng định niềm tin vào vận mệnh mới của dân tộc sau khi đã trải qua những cơn bĩ cực. Đồng thời ông cũng khẳng định, chiến thắng chúng ta có được là nhờ sự kết hợp sức mạnh của thời đại và sức mạnh truyền thống dân tộc: Âu cũng nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới được như vậy.
Tham khảo dàn ý chi tiết và bài văn mẫu hay: Phân tích Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi
Sơ đồ tư duy Bình Ngô đại cáo đoạn 1
Luận điểm 1: Tư tưởng nhân nghĩa.
Luận điểm 2: Lời tuyên ngôn độc lập.
Luận điểm 3: Lời răn đe quân xâm lược.
Đại cáo bình Ngô tràn ngập nguồn cảm hứng trữ tình và mang tính chất hào hùng hiếm có. Trong đó, phần đầu tác phẩm, với nghệ thuật biền ngẫu, đã nêu được hai nội dung chính gần như hết bài cáo là nhân nghĩa và nền độc lập của dân tộc Đại Việt. Chính vì vậy, đoạn trích có giá trị rất sâu sắc đối với nước ta, khẳng định nhân dân ta có tinh thần nhân nghĩa và nền độc lập riêng của mình. Đoạn thơ giúp ta hiểu rõ chủ quyền lãnh thổ, độc lập dân tộc cũng như lịch sử đấu tranh hào hùng của cha ông ta ngày trước, qua đó bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào tự tôn dân tộc, quyết tâm xây dựng, bảo vệ và củng cố độc lập chủ quyền nước nhà.
Xem chi tiết: Phân tích đoạn 1 Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi
Sơ đồ tư duy Bình Ngô đại cáo đoạn 2
Luận điểm 1: Âm mưu xâm lược của giặc Minh
Luận điểm 2: Vạch trần những chủ trương cai trị phản nhân đạo của giặc Minh
Luận điểm 3: Tố cáo mạnh mẽ những hành động tội ác của giặc
Phần hai của bài Đại cáo bình Ngô đã khẳng định chủ quyền của nhân dân Đại Việt. Đồng thời vạch rõ âm mưu xâm chiếm của giặc Minh. Tội ác của chúng được phơi bày ra cho toàn dân thiên hạ được biết. Tội ác của chúng không thể nào dung tha. Bài cáo sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật như đối lập, miêu tả, so sánh kết hợp với lối văn biền ngầu tự do đã thể hiện rõ được nội dung mà tác giả muốn trình bày.
Sơ đồ tư duy tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo
Luận điểm 1: Quan niệm về tư tưởng nhân nghĩa
Luận điểm 2: Sự thể hiện của tư tưởng nhân nghĩa trong Đại cáo bình Ngô
+ Nhân nghĩa gắn với sự khẳng định chủ quyền, độc lập dân tộc.
+ Nhân nghĩa thể hiện ở sự cảm thông, chia sẻ với nỗi thống khổ của người dân mất nước.
+ Nhân nghĩa là nền tảng sức mạnh để chiến thắng kẻ thù.
+ Nhân nghĩa thể hiện ở tinh thần chuộng hòa bình, tinh thần nhân đạo của dân tộc.
Trong Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi đã khẳng định vai trò của nhân dân, đặc biệt của những người gọi bằng “manh lệ”. Đây là một sự phát triển vượt bậc so với tư tưởng yêu nước của thời đại Lý – Trần. Trong Hịch tướng sỹ Trần Quốc Tuấn không phải không biết biết vai trò của nhân dân, nhưng chỉ mới nghĩ đến “Khoan dân” làm kế sâu rễ bền gốc, chưa thấy được sức mạnh vai trò của nhân dân và quyền lợi được hưởng cũng chỉ dành cho Vương hầu, Tướng sỹ. Trong khi đó ta có thể thấy rõ ở tất cả các cuộc chiến tranh chống xâm lược, xét cho đến cùng yếu tố quyết định làm nên chiến thắng chính là nhân dân. Đến với Nguyễn Trãi, ta thấy ức Trai không chỉ nghĩ đến dân mà còn thấy được sức mạnh của nhân dân. Vì nước, vì dân ông luôn băn khoăn thao thức. Trong trái tim cuồn cuộn yêu thương, Nguyễn Trãi luôn dành cho dân những tình cảm thiết tha nhất. Những lời văn thống thiết như máu cuộn trong tim, nỗi xót thương nhân dân sống trong cảnh lầm than cơ cực, những lời kết tội đanh thép của Nguyễn Trãi trước kẻ thù-những kẻ gây bao điều bạo ngược cho dân là minh chứng cho tình yêu thương nồng nàn sâu sắc của ông. Cứu nước là cứu dân, muốn phất cao ngọn cờ nhân nghĩa là phải dựa vào dân mà cứu nước là tư tưởng mà Nguyễn Trãi đã thể hiện trong Bình Ngô đại cáo. Trong suốt bốn ngàn năm lịch sử cha ông ta đã biết phát huy sức mạnh của nhân dân, xem đó là cơ sở làm nên chiến thắng, là một việc rất cơ bản trong tư tưởng yêu nước, là đường lối chính trị đứng đắn hợp mọi thời, mọi đời. Phát huy sức mạnh của nhân dân, đoàn kết một lòng từ trên xuống dưới chính là nhân tố tạo nên chiến thắng trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm.
Xem thêm: Dàn ý phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo
Sơ đồ tư duy nghệ thuật lập luận trong Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi
Luận điểm 1: Đối tượng và mục đích sáng tác, bố cục, kết cấu của tác phẩm
Luận điểm 2: Cách lập luận chặt chẽ, thuyết phục
Luận điểm 3: Giọng điệu, ngôn ngữ và hình ảnh của tác phẩm
Xem chi tiết: Nghệ thuật lập luận trong Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi
Sơ đồ tư duy chứng minh Bình Ngô Đại cáo là bản tuyên ngôn độc lập
– Luận điểm 1: Giải thích khái niệm về bản tuyên ngôn độc lập
– Luận điểm 2: Chứng minh Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập
+ Hoàn cảnh sáng tác
+ Tuyên bố độc lập, chủ quyền
+ Tuyên bố thắng lợi
+ Tuyên bố hòa bình
Đúng là Bình Ngô đại cáo, khúc khải hoàn ca, anh hùng ca sáng chói cả một thời đã hội tụ biết bao nhiêu cảm xúc vậy như thể tiếng chuông ngân vang, đồng vọng từ quá khứ dội về, hướng chúng ta ở thời đại nào cũng thấy tự hào, kiêu hãnh. Nguyễn Trãi đã biến một văn kiện lịch sử mang tính khô khan, cứng nhắc, đầy chất sắc lệnh, trở thành một áng hùng văn say mê, trong sáng và có giá trị đến nghìn đời.
Nhưng ý nghĩa “thiên cổ hùng văn” của tác phẩm còn thể hiện ở nghệ thuật viết văn chính luận tài tình, kiệt xuất của Nguyễn Trãi. Điều đáng nhớ của Đại cáo bình Ngô là đã đưa nghệ thuật viết văn chính luận trung đại đạt đến một trình độ mẫu mực, bậc thầy. Bản đại cáo hướng tới đối tượng là nhân dân bá tánh Đại Việt để tuyên bố về nền độc lập sau chiến thắng giặc Minh. Tuy nhiên, chiến tranh không còn nhưng tính luận chiến của nó vẫn sáng tỏ. Nhà văn vẫn hướng một mực tới kẻ thù, tới thế lực cực cường mà bao đời nay luôn nhòm ngó. Nền độc lập là quyền bất khả xâm phạm, không chỉ quân Lam Sơn đã bảo vệ thành công mà từ đời trước đến cả đời sau vẫn vậy. Nên bài cáo như một lần nữa chiến đấu trực diện với kẻ thù trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta có đầy đủ các yếu tố tương xứng để xác lập chủ quyền, đã kiên cường đứng lên chiến đấu để bảo vệ. Chiến thắng của ta là có thật, thất bại của kẻ thù không còn gì bàn cãi. Bản đại cáo vang lên như một lời phán xử cuối cùng tại tòa án nhân nghĩa. Lời phán xử ấy đanh thép, hùng hồn khắc sâu vào tâm khảm người dân đất Việt mãi ngàn năm.
Tác giả Nguyễn Trãi và tác phẩm Bình Ngô đại cáo
A. Tác giả Nguyễn Trãi
– Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê ở làng Chi Ngại (Chi Linh, Hải Dương) sau rời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội)
– Gia đình: Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình cả bên nội và bên ngoại đều có hai truyền thống lớn là yêu nước và văn hóa, văn học. Chính điều này đã tạo điều kiện cho Nguyễn Trãi được tiếp xúc và thấu hiểu tư tưởng chính trị của Nho giáo.
– Con người:
+ Nguyễn Trãi mồ côi mẹ từ lúc 5 tuổi.
+ Năm 1400, đỗ Thái học sinh và cùng cha làm quan dưới triều Hồ
+ Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, Nguyễn Trãi theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa và góp phần to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
+ Cuối năm 1427, đầu năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo và hăng hái tham gia vào công cuộc xây dựng lại đất nước
+ Năm 1439, Nguyễn Trãi xin về ở ẩn tại Côn Sơn
+ Năm 1440, ông được Lê Thái Tông mời ra giúp nước
+ Năm 1442, Nguyễn Trãi chịu oan án Lệ Chi viên và bị khép vào tội “tru di tam tộc”.
+ 1464, Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi và cho sưu tầm lại thơ văn của ông.
– Thời đại: Nguyễn Trãi sống trong thời đại xã hội nhiều biến động, loạn lạc – mâu thuẫn nội bộ trong triều đình phong kiến, đất nước có giặc ngoại xâm, đời sống nhân dân cơ cực và các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra khắp nơi… điều này đã hướng ngòi bút của ông hướng tới hiện thực đời sống.
– Sự nghiệp sáng tác: Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại văn học, bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm
+ Sáng tác viết bằng chữ Hán: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng, Văn loại.
+ Sáng tác viết bằng chữ Nôm: Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ viết theo thể Đường luật hoặc Đường luật xen lục ngôn.
+ Ngoài sáng tác văn học, Nguyễn Trãi còn để lại cuốn Dư địa chí, một bộ sách địa lí cổ nhất Việt Nam.
– Phong cách sáng tác:
+ Văn chính luận: Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất, những tác phẩm văn chính luận của ông có luận điểm vững chắc, lập luận chặt chẽ với giọng điệu linh hoạt
+ Nguyễn Trãi là nhà thơ trữ tình sâu sắc.
B. Tác phẩm Đại cáo Bình Ngô
1. Hoàn cảnh ra đời
– Sau khi quân ta đại thắng, tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của giặc, Vương Thông buộc phải giảng hòa, rút quân về nước, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Đại cáo Bình Ngô.
– Đại cáo bình Ngô có ý nghĩa trọng đại như một bản tuyên ngôn độc lập, được công bố vào thánh Chạp, năm Đinh Mùi (tức đầu năm 1428)
2. Thể cáo
– Cáo là thể văn nghị luận có từ thời cổ ở Trung Quốc, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương, một sự nghiệp, tuyên ngôn một sự kiện để mọi người cùng biết.
– Cáo có thể viết bằng văn xuôi hay văn vần nhưng phần lớn được viết bằng văn biền ngẫu, có vần hoặc không có vần, thường có đối, câu dài ngắn không gò bó, mỗi cặp hai vế đối nhau.
– Lời lẽ đanh thép, lí luận sắc bén, kết cấu chặt chẽ, mạch lạc.
3. Bố cục (4 phần)
– Phần 1 (từ đầu đến “chứng cớ còn ghi”): Luận đề chính nghĩa (Tiền đề lí luận)
– Phần 2 (tiếp đó đến “Ai bảo thần dân chịu được”): Bản cáo trạng hùng hồn, đẫm máu về tội ác của kẻ thù. (Soi chiếu lí luận vào thực tiễn)
– Phần 3 (tiếp đó đến “Cũng là chưa thấy xưa nay”): Bản hùng ca về cuộc khỏi nghĩa Lam Sơn
– Phần 4 (còn lại): Lời tuyên bố độc lập
4. Giá trị nội dung
Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập, qua đó vạch tội ác của kẻ thù xâm lược, ca ngợi thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
5. Giá trị nghệ thuật
– Lí luận chặt chẽ, hợp lí lời lẽ hùng hồn
– Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính luận và yếu tố văn chương
– Sử dụng các biện pháp nghệ thuật: liệt kể, phóng đại, so sánh, đối lập….
Tham khảo một số tài liệu học tập về bài Bình Ngô đại cáo:
- Thuyết minh một tác phẩm văn học: Bình ngô đại cáo
- Dàn ý liên hệ phần mở đầu của Tuyên ngôn độc lập và Đại cáo bình Ngô
- So sánh 3 bản Tuyên ngôn độc lập, Bình ngô đại cáo, Nam quốc sơn hà
*****
Trên đây là sơ đồ tư duy Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi do THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học và ôn tập môn Văn tốt hơn. Đừng quên tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 10 được cập nhật đầy đủ tại doctailieu.com em nhé. Chúc các em luôn học tốt.