Phân tích và nêu cảm nghĩ về bài thơ Bác ơi – Tố Hữu
Tuyển chọn một số bài văn hay chủ đề phân tích và nêu cảm nghĩ về bài thơ Bác ơi (Tố Hữu) – Văn mẫu lớp 12 tham khảo.
Phân tích và nêu cảm nghĩ về bài thơ Bác ơi bao gồm tuyển chọn những mẫu bài văn hay, đạt điểm cao của học sinh lớp 12 trên cả nước.
Đề bài: Phân tích bài thơ “Bác ơi!” của Tố Hữu và nói lên cảm nghĩ của em.
***
» Xem thêm: Soạn bài Bác ơi – Tố Hữu
Bài văn phân tích Bác ơi đạt điểm cao của học sinh lớp 12 THPT Chu Văn An
Chiều ngày 2/9/1969, tin Bác Hồ mất đến với Tố Hữu khi ông đang điều trị ở bệnh viện. Ông vội trở về, tìm đến ngôi nhà sàn thân quen. Trời mưa tầm tã, xung quanh vắng lặng. Lòng trĩu buồn, đêm hôm ấy ông ngồi viết bài thơ này. Xuân Diệu cho đây là bài “điếu văn bi hùng”. Bài thơ thể hiện nỗi đau thương tột độ và sự cảm nhận bao quát về cuộc đời, phẩm chất và đức độ của lãnh tụ.
Hai câu thơ đầu, nhà thơ nhắc đến không khí đau buồn bao trùm đất nước, tạo ra chất bi hùng của sự kiện Bác mất. Cả nước khóc thương Người:
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa…
Hình ảnh người con vắng Bác lúc đầu mang tâm trạng trống vắng bơ vơ dáng dấp, bước chân thẫn thờ trông thật tội nghiệp:
Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác đứng nhìn lên
Không gian nơi Bác ở cũng nhuốm màu tang thương li biệt:
Chuông ôi, chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!
Hoa lá cỏ cây vắng hơi Người cũng ngơ ngơ ngác ngác:
Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!
Tác giả sử dụng bút pháp quen thuộc với thơ ca truyền thống, gởi tâm trạng vào cảnh vật, từ ngoại cảnh mà thấy bức tranh tâm trạng, tâm hồn – sự trống vắng hụt hẫng, nỗi thương lớn lao khi mất Bác. Ngôn ngữ đối thoại nội tâm làm cho chân dung nhân vật trữ tình hiện lên chân thực, tự nhiên. Dòng thơ tuôn chảy một cảm xúc dạt dào. Cảm xúc đau buồn tạm nguôi ngoai, nhà thơ nhắc đến chân dung lãnh tụ, những tâm sự vui buồn của Người khi còn sống:
Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu.
…Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui nỗi mầm non trái chín cành (…)
Từ đó mà ý thơ chiêm nghiệm tổng quát:
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông trọn kiếp người.
…Nâng niu tất cả chỉ quên mình.
Ở lãnh tụ có bao phẩm chất cao đẹp nhưng tình thương và đức hi sinh của Người đã làm nên sự vĩ đại và bất tử. Tình nhân ái của Người vừa cụ thể thiết thực: sữa để em thơ, lụa tặng già vừa bao quát cả nhân loại còn khổ đau: nỗi năm châu – sự chia rẽ của phong trào cộng sản thế giới lúc bấy giờ. Biện pháp so sánh tấm lòng của Bác như lòng mẹ làm cho hình tượng lãnh tụ vừa gần gũi vừa cao cả trong tình thương. Những dòng thơ vừa có cảm xúc dạt dào vừa cô đọng, khái quát về lí tưởng sống của Người.
Phong cách lối sống của Người khiến ai cũng phải ngưỡng mộ:
Bác sống như trời đất của ta.
Khi đã thấu hiểu lòng người và lẽ trời thì con người sẽ có cách ứng xử phù hợp với tự nhiên nên hòa hợp với thiên nhiên. Con người ấy đã hòa nhập với tự nhiên vì đạt được những cái tự nhiên, nghĩa là đạt đến cái huyền diệu cao sâu của sự sống. Và khi ấy con người sẽ nhận được sự nâng đỡ của tự nhiên để trường tồn cùng trời đất: Đó là ngọn nguồn sâu xa trong tinh thần lạc quan yêu đời của Bác, sinh thời Bác rất yêu thiên nhiên cây cỏ, chim muông và thích được sống giữa thiên nhiên. Cách ứng xử ấy biểu hiện bên ngoài của sự hòa đồng với trời đất.
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi giữa lối mòn.
Nghĩ đến dân, đến nước mà không hề nghĩ đến mình là sự hi sinh và đức độ còn sống giản dị là hòa nhập với tự nhiên và là phong cách, phẩm chất trong sáng. Suốt cuộc đời người tận tụy hi sinh vì nước đến mức quên mình , còn bản thân Người sống đạm bạc, thanh sạch, cao khiết và rất mực giản dị. Tấm gương đạo đức và nhân cách ấy làm cho Người trở nên vĩ đại giữa đời thường và bất tử trong lòng dân tộc, trở thành biểu tượng về con người Việt Nam đẹp nhất mọi thời đại. Những câu thơ giàu cảm xúc của Tố Hữu đã đạt đến sự cô đọng hàm súc và sức khái quát về nhân cách và lối sống Hồ Chí Minh.
Ba khổ thơ cuối bài, cho dù tấm lòng có tiếc nhớ nhung nỗi buồn đã khuây khỏa nên tâm hồn bừng sáng lên niềm tin khi nghĩ về tương lai:
Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác-Lê nin thế giới Người Hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!
Nguyện theo con đường, lí tưởng mà Bác đã chọn, tiếp tục cuộc hành trình nên nhà thơ thấy vững vàng, cứng rắn hơn khi nghĩ rằng Bác luôn bên cạnh:
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.
Âm hưởng đoạn thơ cuối điềm tĩnh, sâu lắng. Tình thương dạt dào đã lắng lại nên trí tuệ lắng kết một chân lí. Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn. Trước kia, trong bài thơ Sáng tháng Năm, Tố Hữu cũng đã thấy: “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta / Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”. Đây là vẻ đẹp, sức cuốn hút kì diệu của lãnh tụ và ánh sáng tinh hoa của một nhân cách lớn có sức mạnh chinh phục, có tác dụng thanh lọc tâm hồn, nâng cao sức mạnh cho người đối diện. Sau này nhà thơ Việt Phương cũng viết:
Nguồn ánh sáng đến muôn đời chẳng tắt,
Vượt cao hơn sự chết, vẫn soi đường.
(Muôn vàn tình thân yêu bao trùm lên khắp quê hương)
Cuối bài thơ là niềm tin vào sự trường tồn của lãnh tụ trong sự nghiệp cách mạng, trong sự trường tồn của dân tộc. Bài thơ là tiếng khóc cao cả làm bất tử một con người cao cả.
Một số bài văn mẫu hay tuyển chọn qua các kì thi phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu
Bài số 1:
Ngày 2 – 9 – 1969, Hồ Chủ Tịch tạ thế. Cả một rừng thơ khóc Bác xuất hiện, trong đó nổi bật lên cây đại thụ Tố Hữu với bài thơ “Bác ơi!”.
Bốn khổ thơ đầu nói cái đau xót tột cùng của thi sĩ trước sự kiện Bác ra đi:
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa.
Trời mưa tầm tã cộng với nước mắt hàng triệu người khóc vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã làm cho cả không gian ướt lạnh, đau buồn. Khi Bác đi xa, Tố Hữu đang nằm điều trị ở bệnh viện. Nghe tin, nhà thơ hoảng hốt chạy về phủ Chủ tịch, nơi nhà sàn của Người:
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Từ “chạy” được dùng rất tài, nói lên sự nóng gan nóng ruột của người con khi nghe tin cha mất.
Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác đứng nhìn lên
Chuông ôi, chuông nhỏ còn reo nữa
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!
Ta thấy tác giả rất ý tứ cho nên “đến bên thang gác đứng nhìn lên” mà chưa vào nhà vội. Vì sao vậy? Vì đến thăm một người tạ thế là thăm vợ góa, con côi. Còn Bác không có gia đình thì xử lí như Tố Hữu là rất tinh tế. Nhà Bác hôm nay đã khác xưa rồi: Chuông không còn reo để báo tin với Người có khách đến. Đặc biệt câu thơ: “Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn”, bị cắt ra làm ba nhịp như muốn diễn tả nỗi nghẹn ngào của Tố Hữu.
Nhìn vườn cây Bác từng vun trồng, tác giả bâng khuâng:
Trái bưởi kia vàng, ngọt với ai
Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài!
Hai câu này làm cho một số độc giả thắc mắc: Chẳng lẽ Bác trồng cây chỉ cho một mình Bác thôi ư? Tôi đã có dịp hỏi nhà thơ Xuân Diệu; thi sĩ bảo: Ai lại đi thẩm định văn chương như vậy! Đây chỉ là một cách nói của thi ca để biểu lộ tình thương sâu sắc của con đối với Cha mà thôi. Cha chết không thương Cha hay sao?
Nhìn ao cá, nhà thơ bỗng tiếc nuối:
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay…
Bác hiện lên trong kí ức đẹp như một ông Tiên trong thần thoại. Đúng! Trong tâm trí nhà thơ cũng như trong tâm trí dân tộc ta, Bác là một “Ông tiên Mác – xít”.
Sau những ngày bàng hoàng đau xót, nhà thơ bình tâm lại, khắc họa hình tượng Bác. Tố Hữu đã viết nhiều bài thơ về Bác nhưng bài này hay hơn cả vì đây là thơ tổng kết một cuộc đời.
Hình ảnh bao trùm là: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế”. Đó là một trái tim giàu tình thương: “Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.
Một trái tim thương nước, thương dân bao la, mênh mông. Từ “ôm” được dùng rất gợi cảm: ôm là nâng niu, che chở, giữ gìn.
Thương bao nhiêu thì đau bấy nhiêu:
Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
Từ “đau” là lấy lại chữ dùng của Bác trong di chúc. Đau dân nước vì dân nước đang bị đế quốc xâm lược; đau năm châu vì có sự bất hoà trong phong trào cộng sản quốc tế. Chỉ con người vĩ đại mới có nỗi đau đớn lớn lao như thế.
Có một câu thơ tuyệt hay nói về cuộc đời của lãnh tụ:
Bác sống như trời đất của ta
Câu thơ giản dị mà hàm chứa một nội dung sâu sắc: Cuộc đời Bác đã hoà làm một với thiên nhiên, sẽ vĩnh hằng như thiên nhiên. Đó là nguồn gốc tinh thần lạc quan của Người:
Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non, trái chín cành
Vui tiếng ca chung hoà bốn biển
Nâng niu tất cả, chỉ quên mình
Vì sao vậy? Vì giải phóng miền Nam là trung tâm của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Nhiều người gặp Bác đều kể lại mỗi khi trò chuyện, thế nào Người cũng nhắc đến miền Nam. Trong phòng của Bác có treo bản đồ miền Nam về sự bố trí binh lực của địch. Có lần phát biểu trước Quốc hội, Người nói: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”.
Đạo đức của Bác thật cao khiết:
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Bác là vị lãnh tụ kiểu mới; khác với những người ưa sùng bái cá nhân. Vì tâm hồn Bác giàu quá (hồn muôn trượng) nên bề ngoài Bác rất giản dị (mong manh áo vải). Bác không cần tượng đồng vì nhân dân đã đúc cho Người hàng triệu tượng trong tim.
Trong ba khổ cuối, nhà thơ nói lên cảm nghĩ của nhân dân ta trước sự ra đi của Bác.
Trước hết là nhớ lời Di chúc:
Ra đi Bác dặn: “Còn non nước…”
Nghĩa nặng lòng không dám khóc nhiều
Câu thơ nhắc lại lời Người:
“Còn non còn nước còn người
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Vậy thì thương Bác tức là phải làm theo lời Bác dặn, tập trung sức để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Bác Hồ nay đã nhập vào một thế giới đặc biệt:
Mác-Lê Nin thế giới Người Hiền
Hiền ở đây là hiền minh, hiền triết – tức là những vĩ nhân có trí tuệ siêu việt có đạo đức cao cả. Chính những con người đó đã dẫn dắt lịch sử tiến lên không ngừng.
Kết thúc thi phẩm này, Tố Hữu có một câu thơ rất hay:
Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn.
Yêu Bác làm theo tấm gương trong suốt như pha lê của Người; sẽ có sức mạnh tẩy sạch những vết mờ đục trong lòng ta, nâng chúng ta lên tầm cao mới. Chúng ta quyết biến đau thương thành sức mạnh:
“Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.
Bài thơ “Bác ơi” là một điếu văn bi hùng. Lối thơ thất ngôn tạo nên một nhạc điệu trang trọng, cùng với hình ảnh thơ kì vĩ đã diễn đạt rất tài tình những cảm xúc cao đẹp của toàn thể dân tộc ta trong những ngày quốc tang năm 1969.
- Phân tích nỗi đau xót tiếc thương Bác trong bài thơ Bác ơi
Bài số 2:
“Bác ơi!” được Tố Hữu viết vào ngày 6-9-1969, bốn ngày sau khi vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc qua đời. “Bác ơi!” được viết theo thể thơ thất ngôn trường thiên, gồm 13 khổ thơ, mỗi khổ thơ có 4 câu thơ.
Bài “Bác ơi!” là tiếng khóc tiễn biệt, mang ý nghĩa như một bài điếu văn rất cảm động, vừa ca ngợi lòng yêu nước thương dân bao la của Bác Hồ, vừa biểu lộ lòng tiếc thương, ghi nhớ công ơn to lớn của lãnh tụ.
Lòng yêu nước thương dân bao la của Bác Hồ
Mở đầu bài thơ là tiếng khóc. Bác Hồ qua đời để lại nỗi đau thương trong lòng hàng triệu đồng bào ta và bạn bè gần xa. Nỗi đau thương trùm cả cõi đời và cả vũ trụ bao la, mênh mông:
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa …
Câu thơ thứ hai, chữ “tuôn” được điệp lại hai lần đã cực tả nỗi mất mát, đau thương của dân tộc thật vô hạn. Đọc hồi kí của Tố Hữu, ta biết lúc Bác Hồ mất, nhà thơ còn đi công tác xa. Nghe tin Bác mất, tác giả vội “chạy về”. Đó là một buổi chiều đau đớn, bàng hoàng. Hai chữ “ướt lạnh” diễn tả nỗi đau đớn tái tê ấy:
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!
Bác ra đi, ngôi nhà sàn của Bác trở nên vắng lặng, hiu hắt buồn. Chuông chẳng còn reo nữa. Ánh đèn “tắt”,“rèm buông”, phòng của Bác ở và làm việc thì đã “lặng”. Sự sống như ngừng lại trong đau thương:
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!
Bác ra đi quá bất ngờ, đột ngột. Cả miền Nam, cả tiền tuyến lớn anh hùng đang trên đà chiến thắng. “Rước Bác vào thăm”… là ước mơ đẹp của đồng bào, chiến sĩ. Nhưng giờ đây còn đâu nữa khi Bác đã đi xa:
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!
Ngày hội chiến thắng, ngày hội thống nhất non sông… thế là vắng bóng Bác. Bác ra đi, cỏ cây hoa lá, thiên nhiên tạo vật đều đau đớn tiếc thương. Vườn rau, gốc dừa, trái bưởi, hoa nhài, ao cá… những vật thân quen ấy của Bác được nhân hoá gợi ra bao đau đớn, cô đơn, buồn tủi, ngậm ngùi. Lấy ai để san sẻ nỗi đau buồn thương tiếc? Tố Hữu có một lối nói biểu cảm rất sâu sắc. Ông đứng lặng, tự hỏi lòng mình rồi hỏi cỏ cây hoa lá:
Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay…
Bốn khổ thơ đầu, Tố Hữu đã mở ra một không gian nghệ thuật từ đất trời, cõi đời, miền Nam,… đến vườn rau, ao cá, gốc dừa, ngôi nhà sàn,… đồng hiện một tâm trạng nghệ thuật, đó là nỗi đau đớn, tiếc thương đã và đang thấm sâu vào lòng người, lòng dân tộc. Đó là ngày Bác đi xa, ngày 2 tháng 9 năm 1969, ngày Quốc tang.
Sự kết hợp các câu cảm thán, câu hỏi tu từ làm cho giọng thơ như tiếng nấc cất lên, nghẹn ngào, biểu cảm:
Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
.. Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm…
Sáu khổ thơ tiếp theo trong phần hai bài thơ nói lên tình thương bao la và phẩm chất cao đẹp của Bác. Cách cấu trúc bài thơ giống như bài văn tế khi nhắc tới công đức của con người vừa qua đời. Bằng hình ảnh hoán dụ, Tố Hữu ca ngợi lòng yêu nước thương dân, tình nhân ái bao la của Hồ Chí Minh. Đây là hai câu thơ trong bốn câu thơ hay nhất trong bài thơ “Bác ơi!”:
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.
Bằng nghệ thuật liệt kê, tác giả nhắc lại tấm lòng nhân ái bao la, mênh mông, của Bác. Đó là nỗi đau và nỗi lo của Bác. Lòng Bác sâu nặng như lòng mẹ: “Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ – Cho hôm nay và cho mai sau”. Đó là lòng Bác; Bác sống, Bác yêu, Bác cho, Bác để, Bác tặng:
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già.
Đó là Bác nhớ, Bác nghe, Bác lắng… Đó là tình cảm của lãnh tụ dành cho chiến sĩ và đồng bào nơi Thành đồng Tổ quốc:
Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong Cha
Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa.
Bác đã từng nói: “Miền Nam luôn trong tim tôi”, Thơ chúc Tết năm 1969, Bác đã viết: “Năm qua thắng lợi vẻ vang – Năm nay tiền tuyến chắc thắng to… ”, Bác là niềm vui thắng trận. Bác là chỗ dựa tinh thần để tiền tuyến xốc tới “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào!”, Tố Hữu vừa khóc thương Bác, vừa làm sống lại tâm hồn Bác.
Điệp ngữ “vui” và các động từ: “nâng niu, quên” đã nói lên một cách sâu sắc tâm hồn Hồ Chí Minh: lạc quan yêu đời, giàu đức hi sinh. Hình ảnh so sánh đầy chất thơ:
Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non, trái chín cành
Vui tiếng ca chung hòa bốn biển
Nâng niu tất cả, chỉ quên mình.
Bác sống giản dị, thanh bạch. Chiếc va li nhỏ, vài ba bộ quần áo đơn sơ, đôi dép cao su…, “chẳng vàng son “. Nhiều người thường nhắc đến hai câu thơ tuyệt bút sau đây để ca ngợi đức tính giản dị của Bác Hồ:
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Tư tưởng lớn, ý thơ đẹp và hay, nghệ thuật tương phản tài ba, Tố Hữu đã để lại câu thơ trong trí nhớ nhiều người. Có thể nói, đoạn thơ đã thể hiện sâu sắc cảm động tâm hồn, phong cách, đạo đức và lối sống Hồ Chí Minh.
Ba khố thơ trong phần cuối là tiếng khóc, là sự ghi nhớ, là lòng biết ơn, là lời ước nguyện. Thương Bác, nhớ Bác càng thấy lòng mình bơ vơ, đau đớn: “Ôi Bác ơi, những xế chiều – Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!”. Bác đã đi xa, bước vào “thế giới Người Hiền”. Sự nghiệp cách mạng, đạo đức cách mạng của Bác mãi mãi là “Ánh hào quang đỏ thêm sông núi”, là tài sản tinh thần vô giá có tác dụng động viên, cổ vũ đồng bào, chiến sĩ “cùng nhau tiến lên” với niềm tin sắt đá:
“Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”
(Di chúc)
Nhớ mãi công ơn của Bác, nhân dân ta nguyện ghi sâu trong lòng lời Bác dặn, quyết tâm vươn lên hoàn thành sự nghiệp cách mạng của Bác để lại. Bài thơ khép lại bằng một hình so sánh mang hình tượng sông núi kì vĩ. Tố Hữu khóc Bác bằng một lời thề chiến đấu:
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.
Tố Hữu là nhà thơ viết về Bác Hồ nhiều nhất, sâu sắc nhất, hay nhất. Hình ảnh Bác Hồ: “Người là Cha, là Bác, là Anh – Quả tim lớn lọc trong dòng máu nhỏ” đã in đậm trong nhiều trang thơ của Tố Hữu. “Bác ơi!” là một trong những bài thơ hay nhất viết về Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân tộc.
-/-
Các bạn vừa tham khảo một số bài văn mẫu hay phân tích và nêu cảm nghĩ về bài thơ Bác ơi của Tố Hữu (chương trình Ngữ Văn 12). Truy cập kho tài liệu Văn mẫu lớp 12 để cập nhật thêm nhiều bài văn hay khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị tốt cho các bài thi và kiểm tra môn Văn. Chúc các bạn học tốt !