Phân tích Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS
[Văn mẫu 12] Phân tích Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 1-12-2013 của Cô-Phi An-Nan, tuyển chọn những bài văn mẫu 12 hay nhất
Đề bài: Phân tích tác phẩm Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 1-12-2013 của Cô-Phi An-Nan.
-/-
Văn mẫu Phân tích Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS
Bài làm tham khảo:
Bài số 1:
Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS là thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc Cô-phi- An-nan gửi nhân dân thế giới nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1 – 12 – 2003.
Bản thông điệp khẳng định rằng dù đã có nhiều cố gắng, xong chúng ta hành động còn quá ít so với yêu cầu của thực tế. Vì vậy mà đại dịch HIV/AIDS hoành hành, có rất ít dấu hiệu suy giảm; chúng ta đã không hoàn thành được một mục tiêu và sẽ không đạt được bất cứ mục tiêu nào vào năm 2005.
Bản thông điệp kêu gọi: “Phải đưa vấn đề AIDS lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế”; phải tích cực hơn nữa trong việc đẩy lùi đại dịch, đối mặt với sự thật, không vội vàng phán xét đồng loại; “đánh đổ các thành lũy của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử” với những người bị HIV/AIDS, sát cánh cùng nhau để chống lại đại dịch này.
Để khẳng định “hành động của chúng ta vẫn quá ít so với yêu cầu thực tế”, đầu tiên, tác giả nhấn mạnh haii điều đã làm tốt là có cam kết, nguồn lực được tăng lên. Cụ thể về nguồn lực: ngân sách cho phòng chống HIV tăng, đã có Quỹ toàn cầu về phòng chống AIDS. Về cam kết: các quốc gia, các công ty, các tổ chức từ thiện đều có chiến lược, chính sách và hoạt động phối hợp.
Như vậy, trong ba điều thì đã có hai điều làm tốt. Nhưng vì hành động vẫn quá ít cho nên mới dẫn đến kết quả rất đáng lo ngại:
- Nạn dịch vẫn hoành hành, có rất ít dấu hiệu suy giảm.
- Mỗi phút có khoảng 10 người nhiễm HIV.
- Tuổi thọ bị giảm sút nghiêm trọng.
- Tốc độ lây lan báo động ở phụ nữ.
- Bệnh lây lan sang những vùng trước đây an toàn, đặc biệt là Đông Âu và toànn bộ châu Á.
Điều đó dẫn đến không hoàn thành mục tiêu đề ra cho năm 2005 (Giảm ¼ số thanh niên bị nhiễm HIV ở các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất; giảm ½ tỉ lệ trẻ sơ sinh bị nhiễm và triển khai chương trình chăm sóc toàn diện ở khắp nơi). Và đặc biệt, sẽ không đạt được bất cứ mục tiêu nào vào năm 2005.
Tác giả đưa ra những điều đã làm tốt để vừa động viên, vừa nhấn mạnh rằng chỉ vì hành động quá ít so với yêu cầu cho nên kết quả là yếu kém. Các dẫn chứng về sự yếu kém rất cụ thể, chi tiết nên tính thuyết phục cao.
Tổng thư kí Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia và tổ chức “phải đưa vấn đề AIDS lên vị tró hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế”; phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong hành động. Với mọi người, ông kêu gọi:
Công khai lên tiếng về AIDS, đối mặt với thực tế không mấy dễ chịu như dẫn chững đã nêu:
- Không vội vàng phán xét đồng loại của mình.
- Không kì thị và phân biệt đối xử với người nhiễm bệnh.
- Không ảo tưởng về sự bảo vệ bằng cách dựng lên hàng rào ngăn cách với người bị nhiễm HIV.
- Sát cánh với ông trong cuộc chiến chống HIV/AIDS.
Tác giả nêu lên những cố gắng của mọi người để động viên, sau đó dẫn chứng về dịch hoành hành để khẳng định rằng: hành động của chúng ta vẫn quá ít so với việc yêu cầu thực tế; đồng thời nêu lên nguy cơ không đạt được bất cứu mục tiêu nào vào năm 2005. Từ đó kêu gọi phải nỗ lực đoàn kết, thống nhất hành động nhiều hơn.
Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể bằng các số liệu thống kê, tác giả thuyết phục người đọc, người nghe bằng sự chân thành, nhiệt tình và nghệ thuật lập luận (nhấn mạnh ưu điểm, nói thằng khuyết điểm, nói rõ các việc cần làm và có thể làm được).
Bản thông điệp khẳng định việc phòng chống HIV/AIDS phải là mối quan tâm hàng đầu của nhân loại, và những cố gắng của chúng ta còn quá ít. Tác giả tha thiết kêu gọi hãy coi việc chống đại dịch này là cuộc chiến, mọi người phải đối mặt với sự thật, không vội vàng phán xét đồng loại và chung tay “đánh đổ các thành lũy của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử đang vây quanh bệnh dịch này”.
Một bài văn mẫu phân tích Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS tiếp:
Bài số 2:
Trong một thời đại biến động khôn lường, chuyện phải nghe, được nghe những bản thông điệp mang các nội dung “hệ trọng”, “cấp bách” không phải là chuyện gì đặc biệt. Do quá quen với điều này, không ít người đã tỏ ra bàng quan, thờ ơ, thậm chí dị ứng với mọi thông điệp đủ loại, cho dù chúng được phát ra từ các cá nhân có cương vị xã hội quan trọng hay từ các tổ chức chính trị – xã hội lớn đến mức nào đi chăng nữa. Những kiểu phản ứng tiêu cực này cũng có thể được khắc phục, nếu bản thông điệp hội tụ được các điều kiện cốt yếu sau đây:
Hàm chứa thông tin đặc biệt về một vấn đề thực sự bức thiết đối với cuộc sống của cộng đồng. Cái gọi là “bức thiết” đó phải mang tính khách quan chứ không phải, không thể là một sự “bức thiết” dược nguy tạo nhằm những mục tiêu không trong sáng, cao thượng.
Được nói (viết) bới một con người có nhân cách cao quý, có uy vọng lớn trong xã hội, biết đảm bảo sự thống nhất giữa lời nói và việc làm.
Có lẽ chưa ai đo mức độ tác động của lời kêu gọi mà Cô-phi An-nan phát ra nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1-12-2003, nhưng đối chiếu những điều được phản ánh trong bản thông điệp với tình hình thế giới hiện nay, ta có cơ sở để nói rằng, đây là văn kiện thực sự có ý nghĩa đối với cuộc sống toàn nhân loại.
Đối tượng hướng tới của bản thông điệp là tất cả mọi người, mọi tổ chức xã hội, mọi quốc gia trên trái đất. Chính cương vị Tổng thư kí Liên hợp quốc của Cô-phi An-nan đã đặt bản thông điệp chống HIV/AIDS vào một tương quan phát – nhận có tầm vóc toàn cầu mà không phải bản thông điệp nào, của ai cũng đạt tới được. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là người phát thông điệp không tự tách mình ra như một cá nhân ưu trội, chỉ biết đến sự yêu cầu, sai khiến hay truyền đạt, hô hào. Việc tự nhận thức được trách nhiệm hàng đầu của mình và của tổ chức do mình phụ trách không hề ngăn cản ông chọn cách phát biêu hết sức gần gũi và đầy tinh thần dân chủ. Do vậy, những lời trong bản thông điệp dễ được cảm nhận như là tiếng nói của lương tri ở mỗi chúng ta, và những thành tích hay sự trì trệ, tiêu cực được nêu lên trong đó được hiểu là những thành tích hay thiếu sót mà cả nhân loại không ai không dự phần trách nhiệm. Đại từ xưng hô “chúng ta” (we) được chọn dùng trong bản thông điệp quả đã có tác dụng thống nhất toàn thế giới vào một mặt trận, vào một mối quan tâm chung. Đó là sự lựa chọn tuyệt đối phù hợp.
Một bản thông điệp thường có độ dài vừa phải và mỗi câu nói đều chở nặng thông tin. Thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, I – 12 – 2003 cũng có đặc điểm này và thông tin chính được dồn tụ ở mấy câu sau :
“Chúng ta phải đưa vấn đề AIDS lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế của mình”.
“Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết”.
“Hãy cùng tôi đánh đổ các thành luỹ của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử đang vây quanh bệnh dịch này”.
Qua những câu then chốt đó, có thể xác định vấn để trung tâm mà bản thông điệp hướng tới là: chúng ta phải có những nỗ lực cao nhất để ngăn chặn đại dịch AIDS trên cơ sở lí trí sáng suốt, tình nhân loại và ý thức tự bảo vệ cuộc sống của mình.
Đã là một bản thông điệp, mọi điều được đưa ra (yêu cầu, đề nghị) đều phải có cơ sở pháp lí và đạo lí vững vàng. Thông điệp của Cô-phi An-nan cũng được xây dựng trên các yếu tố nền tảng như :
Đã có cam kết quốc tế về việc chống HIV/AIDS với những mục tiêu và thời hạn cụ thể.
Tuy vậy, chúng ta chưa hoàn thành được một số mục tiêu đặt ra cho năm 2003, “đã bị chậm trong việc giảm quy mô và tác động của dịch so với chỉ tiêu đã để ra cho năm 2005”.
Trong khi đại dịch HIV/AIDS đang hoành hành dữ dội thì nhiều quốc gia vẫn chưa “đưa vấn đề AIDS lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế của mình”, thêm nữa, thái độ kì thị đối với người bị HIV/AIDS vẫn còn phổ biến
Nói một cách khái quát, cơ sở để Cô-phi An-nan phát lời kêu gọi kiên quyết tuyên chiến với HIV/AIDS chính là : “Ngày hôm nay, chúng ta đã cam kết và các nguồn lực đã được tăng lên. Song những hành động của chúng ta vẫn quá ít so với yêu cầu thực tế”.
Để thuyết phục mọi người hiểu ràng các nỗ lực chống HIV/AIDS của chúng ta thời gian qua là hoàn toàn chưa đủ, tác giả bản thông điệp đã chú ý làm rõ tốc độ lây lan chóng mặt của “căn bệnh thế kỉ” cùng với những con số và sự kiện xác thực. Với tốc độ lây lan ấy, đại dịch HIV/AID thường vẫn đẩy con người vào thế bị động để khiến con người luôn phải tự kiểm điểm với những câu nói bắt đầu bằng cụm từ “lẽ ra” – một cụm từ thể hiện sự hối tiếc, ân hận, day dứt : “Lẽ ra chúng ta phải giảm được 1/4 số thanh niên bị nhiễm HIV ở các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất; lẽ ra chúng ta phải giảm được một nửa tỉ lệ trẻ sơ sinh bị nhiễm ; và lẽ ra chúng ta phải triển khai các chương trình chăm sóc toàn diện ở khắp mọi nơi”.
Như đã nói ở trên, một trong những điều cơ bản làm nên sức thuyết phục của bản thông điệp chính là uy tín cá nhân của tác giả – cái vốn tồn tại vừa như một yếu tố phụ trợ bên ngoài lại vừa như là một thành tố cấu trúc của nó. Đọc bản thông điệp, ta thấy khá rõ tầm nhìn, bản lĩnh và tâm huyết của tác giả – người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc : khả năng bao quát vấn đề rộng, nhanh chóng nhìn ra điểm mấu chốt ; dám đối diện với những bất cập của hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên thế giới hiện nay và phê phán nó một cách thẳng thắn ; đầy tinh thần trách nhiệm và tình thương yêu đối với con người… Nhìn chung, đoạn văn được viết ra trên tinh thần đối thoại bình đẳng, hoàn toàn không gợi lên sự cách bức về địa vị xã hội giữa người nêu và người tiếp nhận bản thông điệp. Nó đánh thức lương tâm và tinh thần cộng đồng ở mỗi người. Nó cũng chỉ rõ mối quan hệ giữa việc bảo vệ hạnh phúc chung cho nhân loại và việc bảo vệ hạnh phúc riêng cho từng cá nhân con người : “Hãy đừng để một ai có ảo tưởng rằng chúng ta có thể bảo vệ được chính mình bằng cách dựng lên các bức rào ngăn cách giữa “chúng ta” và “họ””. Đặc biệt, bản thông điệp còn chứa đựng những cách nói đầy ấn tượng, gần như minh triết : “Trong thế giới khốc liệt của A1DS, không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết”.
Thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1-12-2003 là văn kiện giàu giá trị nhân văn và có khả năng thôi thúc hành động mạnh mẽ. Nó tuy ngắn mà có sức vang vọng, giúp chúng ta nhận thức rõ ý nghĩa vô cùng hệ trọng cúa cuộc đấu tranh chống lại đại dịch HIV/AIDS hiện nay trên thế giới, Tiếp nhận bản thông điệp, mỗi người chúng ta đều phải thấy rõ trách nhiệm của mình, không được thờ ơ, vô cảm hay khoanh tay đứng nhìn. Muốn bảo vệ cuộc sống hạnh phúc của chính bản thân và của nhân loại, dứt khoát chúng ta phải có những hành động cụ thể nhằm chống lại HIV/AIDS. Khi hành dộng, bên ta luôn có một người bạn đổng hành đáng tin cậy là chính Tổng Thư kí Liên hợp quốc Cô-phi An-nan.
-/-
Trên đây là 2 bài văn mẫu phân tích Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS do THPT Ngô Thì Nhậm sưu tầm và tổng hợp lại, mong rằng với 2 bài văn này sẽ giúp các em có một bài văn phân tích tốt nhất!