Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Phân tích bài thơ Sóng dựa trên những gợi ý chi tiết của THPT Ngô Thì Nhậm giúp em viết được một bài văn hay phân tích nội dung bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh.
Tài liệu hướng dẫn phân tích bài thơ Sóng do THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn bao gồm các nội dung gợi ý làm bài, mẫu dàn ý chi tiết và những bài văn mẫu hay phân tích bài thơ Sóng để thấy rõ những cung bậc cảm xúc thầm kín trong tình yêu, khát vọng về tình yêu vĩnh cửu, bất diệt của tác giả Xuân Quỳnh.
- Hướng dẫn soạn bài Sóng – Xuân Quỳnh
Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh và bài thơ Sóng
1. Tác giả Xuân Quỳnh
a) Tiểu sử cuộc đời
– Xuân Quỳnh (1942 – 1988) tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê quán La Khê, Hà Đông – Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).
– Xuất thân trong một gia đình công chức, lớn lên trong vòng tay của bà nội, mẹ mất sớm, bố thường xuyên đi công tác xa gia đình.
– Từ 1962 – 1964, bà theo học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khóa I) của Hội Nhà văn Việt Nam và làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam sau khi tốt nghiệp.
– Từ 1967, bà là hội viên báo Văn Nghệ, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III.
– Bà trải qua hai cuộc hôn nhân, một là với nhạc công chơi đàn violon Lưu Tuấn và hai là nhà thơ Lưu Quang Vũ.
– Năm 1988, bà mất trong một vụ tai nạn giao thông cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ (13 tuổi).
b) Sự nghiệp văn học
– Xuân Quỳnh là một trong nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều bài thơ đi vào lòng của biết bao nhiêu thế hệ như: Thuyền và biển, Sóng, Tiếng gà trưa, Thơ tình cuối mùa thu,…
– Phong cách sáng tác: Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường. Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ.
– Bà được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước (2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (2017) vì những thành tựu cho nền văn học Việt Nam.
c) Các tác phẩm tiêu biểu
– Tơ tằm – Chồi biếc (1963)
– Hoa dọc chiến hào (1968)
– Gió Lào, cát trắng (1974)
– Lời ru trên mặt đất (1978)
– Cây trong phố – Chờ trăng (1981)
– Sân ga chiều em đi (1984)
– Tự hát (1984)
– Hoa cỏ may (1989)
– Thơ Xuân Quỳnh (1992, 1994)
– Thơ tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ
(1994)
– Không bao giờ là cuối
(2011)
– Tiếng gà trưa
(1984)
Ngoài ra còn có các tác phẩm viết cho thiếu nhi như:
– Mùa xuân trên cánh đồng (1981)
– Bầu trời trong quả trứng (1982)
– Truyện Lưu Nguyễn (1985)
– Bến tàu trong thành phố (1984)
– Vẫn có ông trăng khác (1986)
– Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995)
– Chú gấu trong vòng đu quay (không rõ năm viết, in và xuất bản năm 1995)
2. Bài thơ Sóng
a) Bối cảnh lịch sử, xã hội
– Năm 1967 là thời kỳ đất nước đang bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai, thanh niên trai gái ào ào ra trận.
– Năm 1967, Xuân Quỳnh đang ở độ tuổi 25 và vừa trải qua những đổ vỡ trong tình yêu.
b) Hoàn cảnh ra đời và xuất xứ
– Bài thơ Sóng được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
– Bài thơ in trong tập Hoa dọc chiến hào.
c) Nội dung chính
– Chủ đề bài thơ: Bài thơ là sự khám phá những khát vọng tình yêu của trái tim người phụ nữ chân thành, giàu khao khát nhưng cũng rất tự nhiên.
– Bài thơ là lời tự bạch của một tâm hồn phụ nữ đang yêu thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hòa hợp giữa hình tượng “sóng” và “em”.
d) Ý nghĩa nhan đề
– “Sóng” là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hóa thân, phân thân của nhân vật trữ tình.
– “Sóng” và “em” là “em” và “sóng”: Hai hình tượng tuy hai mà một, có lúc tách đôi ra để soi chiếu cho nhau, có lúc lại hòa nhập vào nhau để tạo ra sự cộng hưởng. Hai hình tượng ấy đan cài, quấn quýt với nhau như hình với bóng.
– Tác giả mượn hình ảnh “sóng” để thể hiện những cảm xúc, cung bậc tình cảm của trái tim khao khát yêu thương. Nổi bật trong bài thơ là vẻ đẹp tâm hồn thiết tha nồng hậu và niềm khao khát của người phụ nữ về một tình yêu thủy chung, bất diệt.
3. Một số nhận định về Xuân Quỳnh và bài thơ Sóng
“Đọc thơ xuân Quỳnh, người ta không có cảm giác như tác giả cố ý làm thơ, mà thơ chị tự nhiên, nhẹ nhàng, là tiếng nói chân thật từ sâu trong tâm hồn chứ không cố gắng gượng ép bản thân phải sáng tác về những triết lý khô khăn. vì vậy, giọng thơ của chị thủ thỉ tâm tình, dạt dào những đợt sóng tình cảm, lúc thì nhẹ nhàng vỗ về, lúc lại cuồn cuộn dâng trào”.
(Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ)
“Sóng không chỉ là tên một thi phẩm đã gây xốn xang cho nhiều thế hệ bạn đọc. Sóng không chỉ là biểu trưng cho một hồn yêu chưa từng nguội yên. Sóng còn là một nguồn sống, nguồn năng lượng mà nữ thi sĩ ấy đã truyền lại cho thế hệ sau qua mỗi tiếng thơ của mình. Và, lâu nay, lòng thơ của chúng ta, người mờ người tỏ, người đang yêu, người đã yêu, đều từng thầm thu thầm phát thứ sóng đặc biệt ấy: Đó chính là Sóng Xuân Quỳnh.”
(T.S Chu Văn Sơn)
“Điều đáng quý nhất ở Xuân Quỳnh và thơ Xuân Quỳnh là sự thành thật, rất thành thật, thành thật trong quan hệ bạn bè, với xã hội và cả trong tình yêu. Chị không quanh co, không giấu diếm một điều gì. Mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ đều phơi bày một tình cảm, một suy nghĩ của chị. Chỉ cần qua thơ ta biết khá kĩ đời tư của chị. Thành thật, đây là cốt lõi thơ trong Xuân Quỳnh”
(Võ Văn Trực)
“Bài thơ Sóng là một cuộc hành trình khởi đầu từ sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la rộng lớn, cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở.”
(G.S Trần Đăng Suyền)
“Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết về tình yêu thường để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Với giọng điệu thơ hết sức tự nhiên, bài thơ Sóng thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc như con sóng nhỏ đến với bờ.”
(Trích Nhà thơ việt Nam hiện đại, G.S Phong Lê chủ biên, Viện Văn học, NXB KHXH, 1984)
“Sóng” là một bài thơ tình yêu rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Một bài thơ vừa xinh xắn, duyên dáng; vừa mãnh liệt, sôi nổi; vừa hồn nhiên, trong sáng; vừa ý nhị, sâu xa. Sau này, khi nếm trải nhiều, giọng thơ Xuân Quỳnh không còn phơi phới bốc men say nữa, nhưng cái khát vọng tình yêu vẫn mãi tồn tại trong trái tim giàu có yêu thương của chị.”
(GS Nguyễn Đăng Mạnh & PTS Trần Đăng Xuyền, Những bài văn hay, Nxb Đồng Nai, 2003, tr. 135)
Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
1. Hình tượng sóng và em
a) Hình tượng sóng
– Sóng là hình tượng nghệ thuật do tác giả sáng tác để ẩn dụ cho trái tim người phụ nữ đang yêu với những cảm xúc, tâm trạng, sắc thái tình cảm vừa phong phú vừa phức tạp.
+ Mở đầu bài thơ là trạng thái tâm lý đặc biệt của một tâm hồn khao khát yêu đương đang tìm đến một tình yêu rộng lớn hơn.
- “dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ”: nghệ thuật tương phản.
-> Hai trạng thái tâm lí đối nghịch lại được diễn tả trong một ngữ cảnh cụ thể làm hiện lên vẻ đẹp của những con sóng biển ngàn đời đối cực, gợi liên tưởng đến tâm lí của người phụ nữ khi yêu (khi mãnh liệt khi lại dịu dàng).
=> Xuân Quỳnh đã diễn tả thật cụ thể trạng thái khác thường, vừa phong phú vừa phức tạp trong một trái tim đang cồn cào, khao khát tình yêu.
+ “Nỗi khát vọng tình yêu… ngực trẻ”
- “bồi hồi” là trạng thái tâm hồn bất định, khắc họa thật rõ ràng những nét cảm xúc: có cái nôn nao, xao xuyến; có nỗi khắc khoải, da diết của tình yêu muôn đời vĩnh hằng trong “ngực trẻ”.
=> Liên hệ tình yêu của tuổi trẻ với con sóng của đại dương, khát vọng tình yêu là khát vọng đặc trưng muôn đời của tuổi trẻ.
– Sóng là hiện thân của những cung bậc cảm xúc trong tình yêu: lúc nồng nàn, mãnh liệt, lúc dịu dàng, sâu lắng.
– Sóng là biểu tượng cho khát khao được yêu thương, được sống hết mình với tình yêu mãnh liệt, cháy bỏng của người phụ nữ.
+ “Ôi con sóng… và ngày sau vẫn thế”
- Thán từ “ôi” thể hiện nét nồng nàn trong giọng thơ Xuân Quỳnh, là tiếng lòng thốt lên từ nỗi thổn thức của trái tim yêu.
- Nghệ thuật đối lập “ngày xưa” – “ngày sau” càng làm tôn thêm nét đáng yêu của sóng.
-> Dù trong quá khứ hay hiện tại sóng luôn dạt dào, sôi nổi, luôn khát vọng. Đó cũng là khát vọng và bản tính của người phụ nữ muôn đời, mãi trường tồn, vĩnh hằng với thời gian.
– Quy luật của sóng – quy luật của tình yêu: không bao giờ ngừng nghỉ, luôn hướng về phía trước:
+ Ba hình ảnh “sông”, “sóng”, “bể” bổ sung cho nhau: Sông và bể làm nên đời sóng, sóng chỉ thực sự có đời sống riêng khi ra với biển khơi mênh mang thăm thẳm.
=> Hành trình của sóng là hành trình khám phá chính bản thân mình, khát khao vươn tới giá trị tuyệt đích trong tình yêu của người phụ nữ, bứt phá không gian chật hẹp để khát khao một không gian lớn lao.
b) Hình tượng em
– Em là nhân vật trữ tình, là hình tượng được miêu tả trong những cung bậc khác nhau của tình yêu.
– Tâm hồn em nhạy cảm, giàu nữ tính, luôn khao khát yêu thương và được yêu thương.
+ Đối diện với “muôn trùng sóng bể”, “em” đã có những suy tư, khát khao nhận thức bản thân, người mình yêu, “biển lớn” tình yêu.
– Sự giằng xé nội tâm giữa khát vọng yêu đương mãnh liệt và nỗi trăn trở, băn khoăn về tình yêu.
+ “Em” băn khoăn về khởi nguồn của “sóng” rồi tự lí giải bằng quy luật của tự nhiên, nhưng rồi tự nhận thấy rằng khởi nguồn của sóng, thời điểm bắt đầu tình yêu thật bí ẩn.
c) Mối quan hệ giữa sóng và em
– “Sóng” là một thực thể mang trong mình nhiều tính chất đối lập: dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ. Ẩn sâu trong hình ảnh “sóng” là hình ảnh “em”, bản tính của sóng chính là tính khí của “em” trong tình yêu.
– Hai hình tượng sóng và em luôn song hành cùng nhau, có lúc phản ánh lẫn nhau, có lúc tách rời có lúc lại hòa vào làm một.
– Sự hòa quyện giữa sóng và em cho thấy tình yêu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người phụ nữ.
– Tâm hồn người phụ nữ đang yêu nhìn vào sóng để hiểu tận đáy lòng mình và nhờ con sóng biển mà biểu hiện những trạng thái tâm hồn mình trong tình yêu.
– Cuộc hành trình của sóng luôn không ngừng khám phá chính mình, còn người phụ nữ luôn tìm kiếm, khát khao vươn tới những giá trị tuyệt vời.
=> “Sóng” và “em” tuy hai nhưng lại là một, đều là nỗi lòng của người phụ nữ đang yêu, là sự phân thân và hóa thân của cái tôi trữ tình, từ đó diễn tả những cung bậc tình cảm mãnh liệt trong trạng thái yêu đương của người phụ nữ.
2. Những cung bậc cảm xúc khi yêu của người phụ nữ
– Nhớ da diết, cồn cào, khắc khoải, không nguôi, như con sóng ngày đêm không ngừng vỗ bờ, vừa dữ dội vừa dịu êm và luôn muốn tìm ra biển lớn.
“Sóng tìm ra tận bể”
+ “Sóng nhớ bờ” chính là “em” nhớ “anh”, nỗi nhớ của “em” cũng bao trùm không gian, thời gian, thậm chí thường trực trong tiềm thức, trong suy nghĩ “cả trong mơ còn thức”.
– Niềm khát khao hướng về nhau, được hiểu và được yêu, được cảm thông và yêu thương trọn vẹn:
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
– Khát vọng vượt lên mọi thử thách: Tình yêu trong “Sóng” không chấp nhận sự tầm thường, luôn muốn vượt qua mọi rào cản để vươn tới những giá trị vĩnh hằng.
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
3. Những suy tư, trăn trở về cội nguồn của tình yêu
– Khát khao tự nhận thức bản thân, nhưng chỉ dừng lại ở đó vì còn nặng lòng đi tìm câu trả lời cho nguồn gốc của tình yêu
– Từ “Không hiểu nổi mình” nhà thơ liên tiếp đặt ra những băn khoăn, thắc mắc về biển cả, về tình yêu:
+ Điệp ngữ “em nghĩ về”
+ Câu hỏi: “Từ nơi nào sóng lên”
-> Nhấn mạnh niềm khát khao, nhu cầu tự nhận thức bản thân, người mình yêu và nhu cầu nhận thức, lí giải nhưng lại không thể cắt nghĩa nổi của tình yêu.
+ “Em cũng không biết nữa – Khi nào ta yêu nhau”
-> Người phụ nữ băn khoăn về khởi nguồn của tình yêu và bộc bạch một cách hồn nhiên, chân thành, cách cắt nghĩa rất nữ tính, rất trực cảm của Xuân Quỳnh.
– Xuân Quỳnh dựa vào quy luật tự nhiên để tìm khởi nguồn của sóng, của tình yêu, gợi lên sự trăn trở trước bí ẩn của tình yêu, thời điểm bắt đầu tình tình yêu.
+ Lí giải được ngọn nguồn của sóng: “Sóng bắt đầu từ gió”.
“Gió bắt đầu từ đâu?:
Em cũng không biết nữa”
-> Tình yêu đến rất bất ngờ và tự nhiên không báo động trước.
=> Câu thơ “Em cũng không biết nữa” như một cái lắc đầu nhè nhẹ, phân vân.
– Nhân vật trữ tình đang băn khoăn tự hỏi chính mình một câu hỏi mà vốn muôn đời nào ai lý giải được khi đã dấn thân vào vòng xoáy tình yêu:
“Khi nào ta yêu nhau”
4. Nỗi nhớ và lòng thủy chung của người con gái khi yêu
– Nghệ thuật tương phản gợi những phạm vi không gian và thời gian khác nhau:
+ “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”
+ “ngày” – “đêm”
– Nỗi nhớ dạt dào, triền miên của sóng với bờ cũng là nỗi nhớ của người phụ nữ khi yêu:
+ Phép nhân hóa “ngày đêm không ngủ được”
– Người phụ nữ bày tỏ nỗi nhớ một cách trực tiếp, mạnh dạn, chân thành, nỗi nhớ ăn sâu vào tiềm thức, thường trực trong suy nghĩ cả khi thức, khi ngủ, bao trùm cả không gian và thời gian:
+ “Lòng em nhớ đến anh”
+ Cách nói thậm xưng: “Cả trong mơ còn thức”
– Tình cảm thủy chung của người con gái: dù đi đâu, dù xuôi ngược bốn phương thì cũng chỉ hướng về một phương của anh, có anh, cho anh:
+ Nghệ thuật tương phản “xuôi – ngược”, “bắc – nam”
+ Điệp ngữ “dẫu”, “vẫn”, “về”
-> Hành trình của sóng ngoài biển lớn cũng như hành trình tình yêu của người phụ nữ giữa cuộc đời.
5. Khát vọng về tình yêu vĩnh cửu
– Quy luật vĩnh cửu của thiên nhiên, cũng giống như “em” muốn được gần bên anh, được hòa nhịp vào trong tình yêu với anh, dù khó khăn, thử thách vẫn luôn hướng đến “anh”:
“Con nào chẳng tới bờ…
Dù muôn vời cách trở”
-> Người phụ nữ hồn nhiên, tha thiết yêu đời ấp ủ biết bao hi vọng, niềm tin vào hạnh phúc tương lai, vào cái đích cuối cùng của một tình yêu lớn như con sóng nhất định sẽ “tới bờ”, “dù muôn vời cách trở”.
– Cảm giác cô đơn nhỏ bé trước cuộc đời, nỗi lo âu về sự hữu hạn của tình yêu trước thời gian vô tận:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua”
– Cảm giác bất an trước cái dễ đổi thay của lòng người giữa “muôn vời cách trở”. Nhưng đây còn là vượt lên sự lo âu phấp phỏng đặt niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của tình yêu như mây có thể vượt qua biển rộng.
“Như biển kia… bay về xa”
– “Làm sao” gợi sự băn khoăn, khắc khoải, ước ao được hóa thành “trăm con sóng nhỏ” để muôn đời vỗ mãi vào bờ.
=> Khát khao của người phụ nữ được sống trong “biển lớn tình yêu” bằng tình yêu và cùng tình yêu, khát khao hòa nhập tình yêu riêng tư trong tình yêu chung rộng lớn.
6. Ý nghĩa biểu tượng của hình tượng sóng
– Biểu tượng cho khát vọng về tình yêu của người phụ nữ, sự phong phú, bí ẩn của tâm hồn người phụ nữ khi yêu.
– Biểu tượng cho tình yêu vĩnh hằng – tình yêu trong mạch thời gian ngày xưa và ngày sau, quá khứ và tương lai bất diệt trước mọi đổi thay.
– Tượng trưng cho quy luật không thể cắt nghĩa của tình yêu.
– Biểu tượng cho tình yêu trong sáng, giản dị, chân thành, khát vọng về một tình yêu chung thủy và trọn vẹn, ý thức được sự trôi chảy của thời gian và sự nhỏ nhoi của kiếp người.
=> Thông qua hình tượng sóng, bài thơ đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: vừa hiện đại bởi sự bộc lộ thành thực, táo bạo, mạnh mẽ những khao khát, đam mê; vừa giữ được những nét truyền thống tốt đẹp trong sự dịu dàng, đằm thắm, đức hy sinh và sự gắn bó thủy chung.
Sơ đồ tư duy phân tích bài thơ Sóng
Xem chi tiết: Sơ đồ tư duy bài Sóng của Xuân Quỳnh chi tiết theo từng dạng bài
Giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Sóng
1. Giá trị nội dung của bài Sóng
Bài thơ là sự cảm nhận về tình yêu từ hình tượng sóng với tất cả những sắc thái, cung bậc và cả khát vọng vĩnh cửu hóa tình yêu của một tâm hồn phụ nữ luôn chân thành, khát khao hạnh phúc.
– Phát hiện ra những cung bậc đa dạng, phức tạp của cảm xúc trong tâm hồn của người phụ nữ đang yêu qua việc quan sát, chiêm nghiệm về những con sóng trước biển cả mênh mông.
– Diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người
– Cho thấy tình yêu là một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người.
2. Đặc sắc về nghệ thuật
– Thể thơ ngũ ngôn liền mạch với cách ngắt nhịp linh hoạt phù hợp trong việc diễn tả các cung bậc, sắc thái cảm xúc khác nhau.
– Xây dựng thành công hình tượng “sóng” – hình tượng nghệ thuật ẩn dụ sóng đôi giúp nhà thơ diễn tả những cảm xúc khó nói trong tình yêu, vừa mang nghĩa thực, vừa mang nghĩa ẩn dụ.
– Sử dụng các biện pháp nhân hóa, ẩn dụ, đối lập tương phản,…
– Ngôn từ, hình ảnh trong sáng bình dị, tinh tế.
– Cách ngắt nhịp linh hoạt, phóng khoáng
– Cách gieo vần, phối âm độc đáo, giàu sức liên tưởng
– Giọng thơ phong phú, vừa thiết tha, đằm thắm, vừa mãnh liệt sôi nổi, vừa hồn nhiên, nữ tính.
Bài văn mẫu đặc sắc phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Nếu như Xuân Diệu đã từng thổn thức vì tình yêu, dâng hiến trọn đời cho tình yêu, chạy vội với thời gian để được yêu thì Xuân Quỳnh cũng thế, cũng từng thấp thỏm, lo âu, đau khổ vì yêu. Nhưng dù sao đi nữa, là phận nữ nhi nên người rất ít tỏ ra táo bạo, quá mạnh dạn như Xuân Diệu. Đọc thơ Xuân Quỳnh, ta thường bắt gặp hình ảnh con sóng, chiếc thuyền nói hộ tình yêu… Cũng vì lẽ ấy, suy cho cùng đây chỉ là những chất liệu dung dị, bình thường nhất trong cuộc sống song lại chứa đựng biết bao là ẩn ý, biết bao là ẩn tình mà Xuân Quỳnh muốn bày tỏ. Chúng ta đã đến với Sóng của Xuân Quỳnh để thưởng thức từng vị thương, vị nhớ của một người phụ nữ đang yêu. Người ta thường ví rằng tình yêu là một bông hoa kì diệu! Vâng! Quả đúng như thế, tình yêu chưa bao giờ đi theo một hướng xác định. Cũng có lúc, người ta nhìn nhận tình yêu là cây đàn muôn điệu gảy lên muôn bản nhạc tình, có khi trầm bổng thiết tha, có khi nghẹn ngào đau đớn, cũng có khi e ấp, nũng nịu, dễ thương. Thì đây, trong bài thơ này, tình cảm của nhân vật “em” cũng biến thiên như thế!
“Sóng” là thơ ngũ ngôn, một thể thơ rất phù hợp để kể về một huyền thoại tình yêu đầy ăm ắp những tâm trạng khắc khoải, những cung bậc tình cảm và vì thế bài thơ dễ dàng được phổ nhạc. Sóng – là một hình tượng ẩn dụ, là phương tiện bộc lộ tình cảm của nhân vật “em”:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Bồi hồi trong ngực trẻ”.
Một câu chuyện cổ tích về tình yêu được nhà thơ Xuân Quỳnh kể lại. Câu chuyện bắt đầu từ một con sóng nhỏ chẳng biết xuất phát từ đâu, sóng hiện ra như một con người có nội tâm nhiều biến động. Hai trạng thái tâm hồn đối lập nhau, giằng xé nhau, buồn vui lẫn lộn. Sóng chẳng hiểu tại sao mình lại cứ “dữ dội” rồi “dịu êm”, “ồn ào” rồi “lặng lẽ”.
Phải chăng sóng đang yêu, yêu âm thầm, lặng lẽ? Vâng! Một tình cảm đang rạo rực trong trái tim người con gái, làm sao ai có thể “định nghĩa được tình yêu”. Một buổi chiều mộng? Một lần gặp gỡ? Một phút xao động trong tâm hồn? Người con gái hay chính nhân vật “em” trong bài đang cố tìm câu giải đáp cho tình yêu, cho sự bâng khuâng, đối lập của lòng mình. Và rồi chỉ còn một lối thoát: con sóng phải tìm ra tận bể cũng như “em” đi tìm nguồn gốc của tình yêu.
Tâm hồn con người là một cõi mênh mông vô tận. Làm sao ta có thể đi xuyên suốt hết cái cõi vô tận ấy. Và ngay chính trong lúc cõi lòng đang bùng lên ngọn lửa yêu thương thì cô gái trẻ lại càng trăn trở, bâng khuâng, khắc khoải, dằn vặt với chính lòng mình. Phải vượt khỏi cái giới hạn chật hẹp này, phải lao mình vào chân trời bao la, những miền vô tận để hiểu rõ lòng mình. Con sóng đã rời bờ ra đi, đi thật xa, cố tìm hiểu và soi mình với những con sóng khác để biết được sự huyền diệu của tình yêu, mà hiện tại đối với sóng vẫn còn là một bí mật. Tình yêu là gì ư? Một nhà thơ Pháp đã từng khẳng định: “tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi”. Và thế rồi con sóng vẫn đi tìm mãi, tìm mãi:
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”.
Tình yêu cũng như con sóng, vẫn vĩnh hằng với thời gian và tuổi trẻ. Xuân Diệu đã từng nói:
“Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo
Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu”.
Tình yêu gắn liền với tuổi trẻ. Tuổi trẻ là trái tim dào dạt, đa cảm và rạo rực niềm yêu thương chất sống. Chính vì thế, mà cái khát vọng tình yêu cứ bồi hồi trong ngực trẻ, nó cứ thúc đẩy tuổi trẻ đi tìm chân lý yêu đương, cũng như con sóng “ngày xưa và ngày sau vẫn thế”. Tuy nhiên, câu thơ “bồi hồi trong ngực trẻ” là một câu thơ chưa chín. Thật ra ngực trẻ hay ngực già… đều nồng nàn và bồi hồi trước tình yêu. Song, sóng và em cứ tìm mãi mà chẳng hiểu mình, chẳng thể hiểu được tình yêu. Sóng chính là điển hình của sự nhận thức về cái “quy luật” không thể cắt nghĩa được tình yêu:
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”.
Sóng bắt đầu từ gió – Vâng! Gió bắt đầu từ đâu? Tình yêu bắt đầu từ đâu? – “Em” cũng không biết nữa. Đọc những câu thơ này, ta chợt hình dung cái lắc đầu nhè nhẹ như một sự bất lực của cô gái. Trong khi người con gái cố đi tìm cội nguồn tình yêu thì tình yêu trở thành trò chơi ú tim, không tài nào nắm bắt được. Và thế là, muôn đời tình yêu vẫn là sự bí hiểm. Tình yêu của “em” giờ đây trở thành nỗi nhớ da diết, giày vò. Nó choáng đầy cả không gian, nó chiếm cả tầng sâu và bề rộng, nó trải dài trong mọi thời gian. Phạm Đình An đã nhận xét: “Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh không dừng lại ở mức độ yêu buổi đầu giản đơn hò hẹn, non nớt, ngọt ngào, mà là tình yêu hạnh phúc, tình yêu gắn bó với cuộc sống chung với nhiều đòi hỏi ở chiều sâu tình cảm, với nhiều chứng minh của thử thách, mang đậm dấu ấn trách nhiệm”. Chính vì thế mà tình yêu của người “em”. Ở đây có thể nói không còn bồng bột mà khá chín chắn, có sự can thiệp của lý trí, có ý thức về mặt tình cảm. Ấy thế mà trong lòng người con gái vẫn trỗi dậy mãnh liệt một nỗi nhớ muôn hình, muôn sắc:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”.
Nỗi nhớ của “em”, của tình yêu dữ dội được khởi đầu từ những cái cao cả lớn lao, không tủn ngủn và tầm thường chút nào! Nỗi nhớ ấy da diết, cuốn lấy tâm hồn người con gái! Với Xuân Quỳnh là thế: mọi con sóng đều có bờ, mục đích là vỗ vào bờ, nên khi sóng xa bờ thì phải nhớ bờ, ngày đêm không ngủ được. Cũng như sóng, nỗi nhớ về “anh” vẫn dào lên mãnh liệt:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”.
Tình yêu đến, tình yêu mang theo một nỗi nhớ vô bờ đến với “em”, choáng ngợp tâm hồn “em”. Tình yêu đã trở nên đậm đà đến thế, và nỗi nhớ lại càng da diết miên man. “Có không gian nào dài hơn chiều dài nỗi nhớ, có một khoảng mênh mông nào sâu thẳm hơn tình yêu…”. Vâng! Làm sao đo được nỗi nhớ, làm sao đo được tình yêu! “Em” vẫn nhớ đến “anh”, chỉ nhớ về phương anh mà thôi:
“Dẫu xuôi về phương
Bắc Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương”.
Tình yêu thật huyền diệu! Điều đáng nói là “em” biết chủ động, biết gửi trao nỗi nhớ về hướng xác định: Phương anh – phương của tình yêu: “rợp trời thương ấy mấy màu xanh suốt, mà em nghiêng hết ấy mấy về phương anh, mà em nghiêng hết ấy mấy về phương anh…”. Tình yêu của người phụ nữ thật mãnh liệt nhưng cũng thật trong sáng, dung dị, một tình yêu thủy chung và trọn vẹn. Song, để toàn vẹn mối tình ấy, con sóng phải vượt qua muôn ngàn cách trở:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”.
Con sóng muốn tới bờ, phải vượt qua bao giông tố, bão bùng. Em muốn hướng về anh, phải vượt qua bao cạm bẫy cuộc đời. Suy cho cùng, tình yêu phải cần thử thách tôi luyện mới thấy rõ giá trị thực sự của nó. Tình yêu muốn tồn tại cũng phải có sự ra đi và trở lại, phải có sự dồi lên, lắng xuống để cuối cùng trở về với tình yêu hồn nhiên thuở đầu.
Chính tình yêu của anh đã giúp cho em vượt qua tất cả, đón nhận một tình yêu vĩnh cửu – tình yêu lớn lao và cao thượng, không mang màu sắc vị kỉ, riêng rẽ mà là hòa trong cái chung và ở trong cái chung mênh mông ấy, cái riêng sẽ tồn tại mãi mãi:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”.
Tình yêu sẽ trưởng thành đằm thắm hơn và sẽ vĩnh hằng trong cái đẹp của tạo hóa. Bài thơ kết thúc rồi mà nhịp điệu êm ái, nhẹ nhàng của tình yêu vẫn còn vương đọng đâu đây. Bài thơ thành công không chỉ trong việc miêu tả hình tượng “sóng” mà còn bộc lộ một tình yêu thật sôi nổi, nỗi khao khát tình yêu của một nhà thơ nữ. Đây chính là nét mới mẻ trong thơ ca hiện đại Việt Nam.
Trong rất nhiều loài hoa thì bông hoa Xuân Quỳnh tỏa ra một hương thơm riêng, một cách cảm nhận riêng về sóng – biển trong tình yêu. Tình yêu như con sóng mênh mang, vô tận, song cái đích cuối cùng cũng là một tình yêu thứ nhất, vĩnh hằng mãi mãi.
Tài liệu tham khảo thêm
– https://vi.wikipedia.org/wiki/Xu%C3%A2n_Qu%E1%BB%B3nh
– https://daidoanket.vn/xuan-quynh-tho-va-doi-10134363.html
Những câu hỏi thường gặp về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
1. Nhân vật trữ tình xuất hiện xuyên suốt bài thơ Sóng?
Bài thơ có hai hình tượng xuyên suốt đó là sóng và em:
– “Em” chính là cái tôi trữ tình của nhà thơ.
– “Sóng” là hình ảnh ẩn dụ của người con gái đang yêu, là sự hóa thân của em, một kiểu đặc biệt của cái tôi trữ tình nhập vai.
=> Nhân vật trữ tình “em” được sóng soi chiếu làm sáng lên tâm hồn với những sắc thái tâm trạng phong phú, đa dạng; có khi sóng hòa điệu vào tâm hồn em để giãi bày, bộc bạch. Thực chất hai hình tượng tuy hai mà một, đều thể hiện một cái tôi Xuân Quỳnh tha thiết yêu thương, mãnh liệt mà đầy nữ tính.
2. Mối quan hệ giữa sóng và em trong bài thơ Sóng?
Sóng và em là hai hình tượng luôn song hành cùng nhau, có lúc phản ánh lẫn nhau, có lúc tách rời có lúc lại hòa vào làm một. Sóng có những đặc tính giống như tâm trạng của người con gái trong tình yêu. Hình tượng này soi chiếu vào nhau và cộng hưởng nghệ thuật với nhau, nhằm biểu đạt một cách trọn vẹn thế giới tâm tình người phụ nữ đang yêu. Tâm hồn người phụ nữ đang yêu nhìn vào sóng để hiểu tận đáy lòng mình và nhờ con sóng biển mà biểu hiện những trạng thái tâm hồn mình trong tình yêu.
3. Vẻ đẹp truyền thống và hiện đại qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
– Vẻ đẹp truyền thống:
+ Những trạng thái cảm xúc đối lập mà thống nhất trong trái tim người con gái đang yêu.
+ Trái tim luôn thủy chung son sắt hướng đến người mình yêu của người phụ nữ, một vẻ đẹp mang đậm tính truyền thống của người con gái Việt Nam.
+ Niềm tin mãnh liệt vào tình yêu mặc cho muôn vàn trở ngại, xa cách của người con gái.
– Vẻ đẹp hiện đại:
+ Người con gái chủ động đến táo bạo, cương quyết rời bỏ không gian tù túng chật hẹp để đến với biển lớn bao la rộng lớn mênh mông để nhận thức về mình, hiểu mình và được là mình.
+ Khát vọng tình yêu mãnh liệt luôn âm ỉ, bùng cháy trong trái tim người con gái.
+ Khao khát khám phá và nhận thức đầy chủ động của một cảm xúc mãnh liệt
+ Chủ động bày tỏ nỗi nhớ của mình, chủ động trên con đường kiếm tìm hạnh phúc.
+ Khát vọng được dâng hiến hết mình cho tình yêu cho cuộc đời để tình yêu trở nên bất tử.
4. Giá trị nội dung bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh:
A. Diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người
B. Sự phẫn uất, đau buồn trước tình duyên lận đận, gắng gượng vươn lên để kiếm tìm đích đến của tình yêu
C. Cả hai đáp án trên đều đúng
D. Cả hai đáp án trên đều sai
(Đáp án: A)
Qua hình tượng sóng, trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hòa hợp giữa sóng và em, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Từ đó thấy được tình yêu là một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người.
5. Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh là:
A. Đoạn tuyệt của một người phụ nữ với người yêu của mình.
B. Lời than thở của tâm hồn người phụ nữ bị phản bội trong tình yêu.
C. Lời bộc bạch của tâm hồn người phụ nữ khi yêu.
D. Lời khuyên của một người phụ nữ hạnh phúc trong tình yêu đối với các cô gái trẻ.
(Đáp án C)
-/-
Trên đây là những gợi ý chi tiết và bài văn đạt điểm cao của học sinh phân tích bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh) do THPT Ngô Thì Nhậm tổng hợp và biên soạn. Các em hãy đọc tham khảo để rút kinh nghiệm cho bài làm của mình kết hợp với những kiến thức đã học trên lớp. Chúc các em làm bài tốt!