Hướng dẫn cách viết bài văn nghị luận ngắn về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân qua bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của tác giả Vũ Khoan.
Đề bài: Từ việc hiểu nội dung bài “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” của tác giả Vũ Khoan, em hãy viết một văn bản nghị luận ngắn trình bày suy nghĩ về một điểm mạnh và một điểm yếu của chính bản thân em.
***
Một số nội dung có thể hữu ích cho bài viết
Suy nghĩ về điểm yếu của bản thân
“Điểm yếu” không phải là cách hữu ích nhất khi suy nghĩ về lĩnh vực cần đến sự cải thiện. Thật ra, con người không hề yếu đuối, ngay cả khi chúng ta thường suy nghĩ hoặc có cảm giác như vậy. Tuy nhiên, hầu hết mọi người cảm thấy rằng họ có thể trở nên mạnh mẽ hơn trong một số lĩnh vực cụ thể trong cuộc sống, trong kỹ năng của họ, và các lĩnh vực khác. Vì họ cảm thấy rằng họ không giỏi trong các lĩnh vực này, họ thường sẽ mô tả một cách trái ngược với tình trạng hiện tại khi họ cảm thấy rằng họ cần phải cải thiện một lĩnh vực nào đó để trở nên mạnh mẽ và thành thạo hơn.
Thay vì tập trung vào “điểm yếu”, yếu tố đem lại cảm giác tiêu cực, hãy suy nghĩ về chúng như là lĩnh vực mà bạn có thể phát triển hoặc cải thiện – điều này sẽ giúp bạn tập trung vào tương lai và vào điều mà bạn có thể thực hiện để trở nên tốt hơn.
Bạn có thể nhìn nhận điểm yếu như một điều gì đó ở bản thân mà bạn có quyền cải thiện, miễn là nó liên quan đến khao khát của bạn, hoặc chỉ đơn giản là một điều không liên quan đến khao khát hoặc mục tiêu hoặc bất kỳ một điều nào khác. Bạn nên biết rằng một trong hai điều này đều có thể chấp nhận được. Điểm yếu không tồn tại vĩnh viễn mà thay vào đó, chúng là yếu tố có thể thay đổi thông qua cách mà chúng ta thực hiện mọi việc để ngày càng có thể trở nên tuyệt vời hơn.
Tập trung vào điểm mạnh của bản thân
Một vài người có thể nghĩ rằng tập trung vào điểm yếu của bản thân là một hành động lãng phí thời gian, hoặc thậm chí là sự nhìn nhận vấn đề một cách sai lệch. Thay vào đó, bạn nên tập trung chủ yếu vào điểm mạnh của bản thân và cố gắng nuôi dưỡng chúng bất kỳ khi nào có thể. Đây có thể là phương pháp tiếp cận tốt hơn để xác định điểm yếu của chính mình. Bởi vì những yếu tố mà người khác xem là điểm yếu thường chỉ liên quan đến cảm giác thiếu hụt sự quan thâm hoặc khao khát để cải thiện, có thể sẽ tốt hơn nếu bạn tập trung vào điểm mạnh và khao khát của bản thân và bắt đầu từ đó. Hãy rộng lượng một chút khi bạn nhìn nhận về điểm mạnh của mình, bởi vì bạn có thể sẽ sở hữu rất nhiều thế mạnh, ngay cả trong lĩnh vực mà bạn cảm thấy “yếu kém”. Sau đó, tập trung vào lĩnh vực mà bạn cảm thấy rằng bạn có thể nâng cao hiệu quả.
Ví dụ, nếu bạn muốn cố gắng trở nên quyết đoán hơn, đầu tiên, bạn có thể bắt đầu với kỹ năng quyết đoán nào đó mà bạn cảm thấy rằng bạn đang cố gắng thực hiện. Có lẽ là bạn gặp khó khăn trong việc từ chối, nhưng thay vào đó, bạn có khả năng nêu ý định của mình theo cách mà người khác có thể hiểu được nó và bạn có thể không gây tổn thương về mặt cảm xúc cho đối phương.
Suy nghĩ về khía cạnh nào đó trong tính cách mà bạn xem như là điểm mạnh của mình. Trở nên tử tế, cởi mở, hoặc là một người biết lắng nghe là sức mạnh to lớn có liên quan đến khả năng tổng thể của bạn mà bạn có thể đã bỏ sót. Hãy nhìn nhận chúng và tự hào về chúng.
Một phương pháp khác để suy nghĩ về điểm mạnh của chính mình đó là xem chúng như tài năng, hoặc khả năng bẩm sinh và khao khát phù hợp với nhận thức của bản thân và tầm nhìn về tương lai của bạn. Nói cách khác, chúng là những điều mà bạn sẽ nói rằng “Tôi không cần phải nỗ lực mà là tôi luôn có khả năng để thực hiện” một vài hoạt động nào đó một cách tốt đẹp.
Một khi bạn đã đánh giá mọi hành động và khao khát của chính mình, đã đến lúc bạn cần phải tập trung vào điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Sử dụng danh sách bao gồm nhận xét của mọi người và những điều bạn đã nhận thức được ở bản thân thông qua các bài tập trước đó để viết về lĩnh vực trong công việc và cuộc sống mà bạn nghĩ rằng chúng là điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Tập trung vào cách nhìn nhận hiện tại của bạn về điểm mạnh và điểm yếu của chính mình dựa trên những điều mà bạn đang thực hiện trong cuộc sống ngay trong thời điểm này, cả trong cuộc sống cá nhân lẫn nghề nghiệp, thay vì chú ý vào quá khứ hoặc khao khát của mình.
Bạn cần nhớ rằng người khác sẽ không xếp loại hoặc đánh giá bạn dựa trên phản ứng của bạn, vì vậy, bạn cần phải thành thật với chính mình. Nó có thể giúp bạn lập nên hai cột mới với tựa đề “Điểm mạnh” và “Điểm yếu”. Hãy viết chúng ra giấy khi bạn nghĩ về chúng.
Đoạn văn ngắn tham khảo (Bài làm của học sinh)
Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới là một bài văn nghị luận sâu sắc. Trong tác phẩm đó tác giả đã nêu bật lên quan điểm của mình về con người Việt Nam. Trong đó có hai ý kiến như sau: Mặt mạnh thông minh, nhạy bén với cái mới mặt yếu là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề. Chúng ta hãy cùng nhau bàn luận vấn đề trên.
Vũ Khoan đã rất đúng đắn khi nhận xét về con người Việt Nam. Đúng vậy mặt mạnh của con người Việt Nam là thông minh, nhạy bén với cái mới vì con người Việt Nam rất mau quen với những thứ mới mẻ cho dù chúng có là những thứ xa xỉ và khó sử dụng đến mấy, đó chính nhờ vào bộ óc thông của mình nhưng bên cạnh đó có yếu điểm của người Việt Nam là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế. Vậy nguyên nhân từ đâu? Đó chính là lối học chay, học vẹt nặng nề. Vậy học chay, học vẹt do đâu mà ra? Xin thưa rằng do từ nhỏ khả năng học của đa số lớp trẻ rất kém, thường thì họ thiên về lí thuyết hơn là thực hành, hơn nữa người Việt Nam luôn thụ động nên đầu óc sáng tạo hầu như không có.
Để đưa đất nước đi lên, chúng ta cần phát huy những điều mạnh, khắc phục những điểm yếu, hình thành những thói quen tốt ngay từ bây gìơ. Hãy là người Việt sống theo phong cách Việt.
Điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới
Đầu năm 2001, trước thềm thế kỉ mới, nguyên phó Thủ tướng chính phủ Vũ Khoan đã có bài viết nổi bậc Chuẩn bị hành trang in trên tạp chí Tia sáng nhằm nhắc nhở thanh niên Việt Nam trước khi bước ra hội nhập với thế giới. Trong đó, đáng chú ý nhất, tác giả chỉ rõ những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam, từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ cần phải cấp bách thực hiện. Điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam dưới góc nhìn của Vũ Khoan thực sự hết sức rõ ràng, chân thực, đánh thức nhận thức của con người về bản thân mình.
Không hề dài dòng, sau khi nêu rõ tình hình thế giới, cơ hội và thách thức đối với đất nước, tác giả Vũ Khoan đề cập ngay đến điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam.
Cái mạnh của con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới thừa nhận là thông minh, nhạy bén với cái mới.
Bản chất trời phú ấy rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là yêu cầu hàng đầu. Sự thông minh và nhạy bén của con người Việt Nam đặc biệt chú ý.
Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Singapo đã ngợi khen khi nói về con người Việt Nam: “Việt Nam là một tộc người Do Thái thứ hai của châu Á”. “Họ là một dân tộc thông minh và đầy nghị lực”. “Tài năng của người Việt Nam trong việc sử dụng và cải tiến các khí tài của Liên Xô thời kỳ chiến tranh nhắc nhở chúng ta về những phẩm chất tuyệt vời của dân tộc này”.
Sự thông minh của con người Việt Nam được chứng thực trong các cuộc thi quốc tế. Việt Nam luôn nằm trong top dẫn đầu về thành tích các cuộc thi toán học, vật lý và robocon thế giới. Năng lực tư duy và chỉ số IQ của người Việt cũng rất cao, được thế giới ngưỡng mộ.
Thế nhưng, vì thông minh và nhạy bén với cái mới nên người Việt Nam thường hay vội vã, hấp tấp và nông cạn. Cái thông minh của người Việt Nam chúng ta nó không hoàn chỉnh và chưa bao giờ được khuyến khích đúng mức.
Trong lịch sử, chúng ta ngại dùng từ thiên tài, nhà thông thái, triết gia, nhà tư tưởng,… Vì sao? Vì cái thông minh của người Việt Nam chỉ là cái thông minh nhất thời. Người ta gọi là khôn lỏi. Giỏi ứng biến nhưng không khoa học. Cho nên dân tộc ta coi trọng cái khôn và cái khéo, khôn một cách khéo léo. Khéo này là khéo làm hài lòng người khác chứ không phải hướng đến tính khoa học chắc chắn.
Cái khôn, cái khéo ấy thể hiện rất rõ qua Trạng Quỳnh, Trạng lợn. Họ thông minh nhưng chỉ là khôn lỏi, giỏi ứng biến nhất thời chứ không phát huy đến đỉnh cao. Họ chỉ khéo chứ chưa hẳn đã khôn.
Người Việt ta có nhạy bén với cái mới thật. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp vì tính tò mò. Nó cũng mang tính nhất thời chứ không chắc chắn. Từ đó, tác giả Vũ Khoan cũng chỉ ra là nó tạo ra lỗ hổng về kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành.
Vì sao? Vì ta có thiên hướng chạy theo những môn học thời thượng, nhất là kĩ năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề. Đối với người Việt Nam thì cái gì cũng biết. Nhưng lại không nắm vững một cái gì cả. tác giả cũng nhấn mạnh: “Không nhanh chóng lấp đầy những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức căn bản và biến đổi không ngừng.
Một điểm mạnh khác nữa của người Việt Nam là tính siêng năng, cần cù, sáng tạo. Điều đó thật hữu ích trong một nền kinh tế đòi hỏi tinh thần kỉ luật cao và thái độ nghiêm túc đối với công cụ và quy trình lao động với những máy móc và thiết bị rất tinh vi. Siêng năng, cần cù vốn là một phẩm chất của con người Việt Nam từ bao đời nay vốn gắn chặt với các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nước ta nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai, địch họa, việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Để phát triển đời sống, con người Việt Nam đã không ngừng nỗ lực. Bởi vậy, siêng năng, cần cù trở thành bản tính của con người.
Đối diện với những khó khăn trong đời sống lao động sản xuất và chống xâm lăng, họ không ngừng sáng tạo. Sức sáng tạo của họ thể hiện ngay trong công cuộc chinh phục thiên nhiên và khuất phục kẻ thù xâm lược. Những trang sử vẻ vang là minh chứng thuyết phục cho sức mạnh ấy.
Trong thời đại mới, con người Việt Nam không ngừng khẳng định cái mạnh ấy. Sự sáng tạo của người Việt Nam không thua kém bất kì một dân tộc nào trên thế giới. Ông Đỗ Đức Cường phát minh ra máy ATM làm nên cuộc cách mạng trong hệ thống ngân hàng thế giới. Anh Đặng Hoàng Sơn, một thợ máy đã sáng chế ra bộ tiết kiệm xăng cho xe máy. Ông Nguyễn Quốc Hào cần mẫn tự nghiên cứu chế tạo thành công tàu ngầm mini. Ông Trần Quốc Hải kiên trì chế tạo máy bay. Dù có những công trình chưa đạt đến hoàn hảo nhưng nó là minh chứng cho tinh thần sáng tạo mãnh liệt của người Việt Nam. Họ là niềm tự hào Việt Nam.
Lịch sử đã chứng minh điều đó. Việc cải tiến vũ khí trong thời kì chiến tranh đã khẳng định điều đó rất rõ ràng. Tiếc rằng ngay trong mặt mạnh này của chúng ta cũng lại ẩn chứa những khuyết tật không tương tác chút nào với một nền kinh tế công nghiệp hóa chứ chưa nói tới nền kinh tế tri thức.
Người Việt Nam ta cần cù thì đúng thật nhưng lại thiếu đức tính tỉ mỉ. Người Nhật họ thông minh không kém gì ta, nhưng họ làm tỉ mỉ lắm. Khi muốn xây chiếc cầu, họ tính tỉ mỉ đến từng dây thép buộc, từng cái đinh, cái vít. Sẵn sàng rồi họ làm. Còn người Việt làm đến đâu mua đến đó.
Ngay trong việc học sẽ thấy rõ. Nếu một học sinh Nhật nhận bài tập về nhà, thì họ sẽ hoạch định kế hoạch và luôn hoàn thành kế hoạch trước thời hạn. Còn học sinh Việt Nam thì ngược lại, họ ỷ lại tính tháo vát của mình đợi “nước đến chân mới nhảy”, “liệu cơm gắp mắm”.
Do xuất phát từ nền sản xuất nông nghiệp và cách sống chậm rãi nơi thôn dã vốn rất thoải mái và thanh thản nên người Việt Nam ta chưa có được những thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương. Lại thêm nền văn hóa lắm lễ hội, trọng tình nghĩa, thói lề mề trở thành một bản chất khó bỏ.
Ngay bản tính sáng tạo một phần nào đó cũng có mặt trái ở chỗ hay loay hoay cải tiến, làm tắt, làm ẩu, chủ quan nóng vội, duy ý chí, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ. Khát khao khám phá, say mê nghiên cứu là một việc tốt. Nhưng sao lại đi sáng tạo ra cái máy bay trong khi máy bay trên thế giới đã hoàn thiện. Tàu ngầm mini thì các nước cũng có rồi, cần gì mất công nghiên cứu nữa. Bộ tiết kiệm xăng thì tiết kiệm thật đấy nhưng có tốt cho tuổi thọ của máy không. Còn với trường hợp ông Đỗ Đức Cường, ông ấy học ở Nhật rồi làm việc ở Mỹ. Về căn bản, ông ấy sớm được giáo dục trong một môi trường tiên tiến rồi.
Không nên phủ nhận niềm say mê của họ, nhưng sản phẩm của họ tạo ra không thể đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đó là một sự sáng tạo ngược, không hữu ích. Tác giả cũng khẳng định, trong xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp, những khuyết tật ấy quả là sự cản trở ghê gớm. Chúng ta tự hào nhân dân ta có truyền thống lâu đời biết đùm bọc, đoàn kết với nhau cùng một lòng nồng nàn yêu nước. Lúc đất nước hòa bình, nó là sức mạnh hăng say lao động, dựng xây đất nước. Lúc đất nước có chiến tranh, nó biến thành nguồn sức mạnh to lớn, quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Không có gì mạnh hơn tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Nhưng đáng tiếc rằng, phẩm chất cao quý ấy lại không thể hiện được sức mạnh trong công việc làm ăn với quy luật cạnh tranh trong cơ chế thị trường hiện nay. Xã hội Việt Nam vốn bị ảnh hưởng năng nề lễ giáo phong kiến, tính cấp bậc xã hội, tính gia trưởng, cửa quyền vốn còn rất sâu đạm trong tâm lí và cung cách ứng xử.
Người Việt thiếu tính cộng đồng trong làm ăn. Cái thói “trâu buộc ghét trâu ăn”, đố kỵ lẫn nhau khiến cho tinh thần đoàn kết bị triệt tiêu trong cộng đồng. Lúc khó khăn còn tìm đến nhau, lúc giàu có thì ganh tỵ, so đo tính toán thiệt hơn.
Con người Việt ta thích ứng nhanh với những yêu cầu mới của công việc. Bản tính thích ứng nhanh sẽ giúp ta tận dụng được những cơ hội, ứng phó với những thách thức do tiến trình hội nhập đem lại. Tính ứng biến là một trong những nhân tố sống còn trong sự vận động mãnh liệt của nền kinh tế ngày nay.
Tính thích ứng nhanh thể hiện rất rõ trong tính cách người Việt. Trước những thách thức trong công việc, người Việt Nam nhanh chóng tìm ra giải pháp và tiến hành công việc thành công. Ví như trường hợp thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy đã khiến thế giới phải kinh ngạc. Thế nhưng, nó lại sản sinh ra cái tật hay chế, thói khôn vặt, “bóc ngắn cắn dài”, đắp đổi vụn vặt.
Chẳng hạn như khi làm bài kiểm tra môn văn, mình mà không làm được là mình chế à. Chế bài viết khi làm bài là giải pháp luôn được nhiều học sinh ưu thích và lựa chọn. Mình chế mà trúng ý thầy thì may quá. Mình chế mà không đúng thì hậu quả thật khó lường.
Lại thêm tâm lí người Việt thích bài ngoại hoặc sùng ngoại quá mức. Không thích thì họ kiên quyết từ bỏ dù nó tốt hay không tốt. Ngược lại, khi đã thích rồi thì nó thế nào họ cũng vui vẻ chấp nhận, chào đón.
Người Việt ta lại không coi trọng chữ tín. Điều này sẽ gây ra hậu quả lớn trong kinh doanh và hội nhập. Bởi làm cái gì cũng phải biết giữ chữ tín, phải có đạo đức. Nhất là khi hội nhập kinh tế thế giới với quy mô và mức độ hợp tác sâu rộng.
Người Việt nam có tinh thần tự chủ, tự cường dân tộc mạnh mẽ. Trong khó khăn, họ không ngừng tự lực vươn lên. Người Việt dựa vào sức mình là chính, kiên trì trong hành động. Thế nhưng, họ lại thường sống ích kỉ, cá nhân vì tự tin vào bản thân. Quan trọng hơn hết là do cái tính tự ái, tự trọng quá cao. Nếu làm việc cá nhân, người Việt Nam làm việc rất xuất sắc. Nhưng trong nhóm, họ tỏ ra rất vụng về. Bởi thế, trong nền sản xuất hiện đại, người Việt Nam yếu kém về tinh thần hợp tác nhóm, cùng giải quyết chung một nhiệm vụ. Đó là một trở ngại rất lớn khi mức độ công việc đòi hỏi phải hợp tác cao độ như hiện nay.
Dù điểm mạnh hay điểm yếu nó đều thuộc về con người Việt Nam ta. Chúng ta không thể nào phủ nhận hay chối bỏ những điểm yếu của mình dù mình không thích nó. Bước vào thế kỉ mới, con người Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định sức mạnh truyền thống của mình.
Bổn phận của chúng ta là phải nhận thấy được những điểm mạnh, điểm yếu của người Việt Nam, hình thành những đức tính và thói quen tốt khi đất nước đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thế kỉ mới như lời tác giả đã nói ở đầu bài. Góp sức mình xây dựng đất nước, làm cho đất nước ta ngày càng giàu đẹp hơn. Tôi và các bạn lúc nào cũng phải sẵn sàng cho điều đó.
——————————————————————–
Dựa trên bài văn mẫu cùng những thông tin tham khảo bàn về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân trên đây, các em hãy liên hệ đến bản thân mình có những điểm mạnh, điểm yếu nào. Từ đó, hãy chọn 1 điểm mạnh và 1 điểm yếu bất kì để bàn luận. Có thể tham khảo bài viết Nghị luận xã hội về giá trị của bản thân để học hỏi cách hành văn và trình bày ý. Chúc các em làm bài tốt !
Tuyển tập những bài văn hay lớp 9 / THPT Ngô Thì Nhậm