Văn mẫu 10

Dàn ý thuyết minh một tác phẩm văn học Bình ngô đại cáo

Dàn ý thuyết minh Bình ngô đại cáo lớp 10 với dàn ý ngắn gọn và dàn ý chi tiết để các em biết cách giới thiệu về một tác phẩm văn học.

Đề bài

Thuyết minh một tác phẩm văn học: Bình ngô đại cáo

Dàn ý ngắn gọn thuyết minh về tác phẩm Bình Ngô đại cáo 10

1. Mở bài

– Dẫn dắt vấn đề: Khái quát về tác giả, tác phẩm, giá trị nội dung, nghệ thuật của bài Bình Ngô đại cáo.

2. Thân bài 

– Nêu luận đề chính nghĩa: Cốt lõi nhân nghĩa chính là yên dân và trừ bạo. Nhân nghĩa không bó hẹp trong khuôn khổ tư tưởng Nho giáo mà rộng hơn là làm thế nào để đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Bên cạnh đó khẳng định nước ta tuy là một nước nhỏ nhưng vẫn có thể tự hào về:

+ Nền văn hiến lâu đời.

+ Cương vực lãnh thổ.

+ Phong tục tập quán.

+ Lịch sử và chế độ riêng.

– Bản cáo trạng vạch rõ tội ác kẻ thù: Giặc Minh xảo quyệt thừa nước đục thả câu. Không những thế còn tàn sát, hành hạ, tước đoạt mạng sống con người một cách dã man (dẫn chứng).

– Tổng kết quá trình kháng chiến:

+Xây dựng hình tượng người anh hùng áo vải bình thường nhưng có lòng yêu nước thương dân và căm thù giặc sâu sắc, có lí tưởng cao cả (so sánh với Trần Quốc Tuấn để thấy được lòng căm thù giặc và niềm tin sắt đá).

+ Khắc họa những chiến công oanh liệt hào hùng (dẫn chứng).

– Tuyên bố hòa bình mở ra kỉ nguyên mới.

* Nghệ thuật:-Sử dụng từ ngữ hiển nhiên, vốn có.

– Biện pháp đối lập, lấy cái vô hạn của trúc Nam Sơn để nói đến cái vô hạn trong tội ác giặc Minh, lấy cái vô cùng của nước Đông Hải để nói lên sự dơ bẩn vô cùng.

– Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật.

– Liệt kê, so sánh, đối lập để tạo thành bản anh hùng ca về những chiến công oanh liệt.

3. Kết bài:

Tóm tắt lại nội dung, nghệ thuật tiêu biểu.

>> Xem thêm: Dàn ý thuyết minh một thể loại văn học Ca dao

Dàn ý chi tiết  thuyết minh về Bình ngô đại cáo chi tiết

I. VÀI VẤN ĐỀ CHUNG

1. Hoàn cảnh ra đời

Cuối năm 1427, Vương Thông, tên tổng chỉ huy quân đội nhà Minh ở Việt Nam, đã phải mở cửa thành Ðông Quan đầu hàng. Cuộc kháng chiến 10 năm đã kết thúc vẻ vang. Thay mặt vua Lê, Nguyễn Trãi viết bài cáo nhằm tổng kết quá trình kháng chiến và tuyên cáo thành lập triều đại mới.

2. Về thể loại Cáo

– Nếu văn học động viên mọi người chiến đấu thì văn Cáo lại có ý nghĩa tuyên ngôn nhằm công bố cho mọi người biết những chủ trương chính trị trọng đại của toàn dân tộc như việc xác lập hòa bình, đánh đuổi giặc ngoại xâm và xây dựng vương triều mới.

– Cáo viết bằng thể văn biền ngẫu, số câu chữ không hạn chế, văn phong mang tính chính luận nên trang trọng, sắc bén, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục.

– Kết cấu của bài đại cáo bình Ngô tuân thủ đúng kết cấu của các tác phẩm Thang cáo (được chép trong chương Thương Thư của sách Kinh Thư) và Vũ cáo hay đại cáo Vũ Thành (được chép trong chương Chu thư của sách Kinh Thư).

2. Về tựa đề bài Cáo

Những quan niệm khác nhau về ý nghĩa của chữ Ngô trong Bình Ngô đại cáo.

– Ngô: Một cách gọi theo thói quen của người Việt Nam thời đó để chỉ chung người trung Quốc.

– Ngô: tên vùng đất xuất thân của Chu Nguyên Chương (tức Minh Thành tổ).

– Ngô: Một cách gọi của nhân dân để chỉ những tên giặc gian ác, tàn bạo.

II. PHÂN TÍCH

1. Nêu luận đề chính nghĩa

– Luận đề này được xây dựng dựa trên cơ sở mối quan hệ giữa 3 yếu tố: Nhân nghĩa, dân và nước:

+ Nhân nghĩa: điếu dân phạt tội, bênh vực cho kẻ khốn cùng, chống lại các thế lực phi nhân.

+ Dân: Dân trong tác phẩm là những người thuộc tầng lớp thấp nhất nhưng lại chiếm đa số trong xã hội nông nghiệp thời đó. Ðó là những dân đen, con đỏ, thương sinh, phu phen, manh lệ, những người có vai trò lịch sử quan trọng, góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước.

+ Nước: Khái niệm nước bao gồm mối quan hệ hữu cơ giữa các yếu tố.

* Văn hiến

* Ðịa lý

* Phong tục tập quán

* Các triều đại chính trị

* Hào kiệt

– Truyền thống lịch sử vẻ vang Những quan niệm của Nguyễn Trãi trong bài Cáo về Nhân nghĩa, Dân, Nước đều xuất phát từ chính thực tiễn kế thừa phát triển của truyền thống yêu nước, phù hợp với đạo đức truyền thống và hoàn cảnh lịch sử đương thời. Những quan niệm này, so với trước, đã có nhiều biến đổi, phát triển do sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử.

>> Có thể bạn quan tâm: Tư tưởng nhân nghĩa ở Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

2. Vạch trần tội ác giặc:

Các nhà nghiên cứu xem đoạn văn này là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác khủng khiếp của giặc Minh trong 20 năm trên mảnh đất Ðại Việt.

Ðể đảm bảo vừa tăng cường sức thuyết phục vừa đạt được tính cô đọng, hàm súc của ngôn từ văn chương, Nguyễn Trãi sử dụng đan xen, kết hợp hài hòa giữa những hình ảnh mang tính chất khái quát với những hình ảnh có tính cu, sinh động. Tập trung miêu tả hình ảnh Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã khái quát toàn vẹn nưng phẩm chất tiêu biểu nhất của con người yêu nước ở thế kỷ XV. Những đặc điểm của con người yêu nước trong văn học thời kỳ này thường có đặc điểm sau:

– Xuất thân bình thường:

* Ta đây

Núi Lam Sơn dấy nghĩa

Chốn hoang dã nương mình

– Có tấm lòng căn thù giặc sâu sắc:

* Ngẫm thù lớn há đội trời

Căm giặc nước thề không cùng sống

– Khởi đầu gặp nhiều khó khăn nhưng luôn có tinh thần vượt khó, kiên trì:

* Trời thử lòng trao cho mệnh lớn

Ta gắng chí khắc phục gian nan

– Biết tập hợp, đoàn kết toàn dân:

* Nhân dân bốn cõi một nhà dựng cần trúc ngọn cờ phất phới

Tướng sĩ một lòng phụ tử hòa nước sông chén rượu ngọt ngào

– Biết sử dụng chiến lược, chiến thuật tài tình:

* Thế trận xuất kỳ lấy yếu chống mạnh

Dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều

– Biết nêu cao ngọn cờ nhân nghĩa trong mọi hoạt động:

* Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân mà thay cường bạo

Có thể nói, Lê Lợi chính là hình ảnh tiêu biểu của những con người yêu nước dám hy sinh quên mình đứng dậy chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập tự do của dân tộc.

b. Miêu tả quá trình kháng chiến

– Ở đây, ta không tìm thấy những anh hùng cá nhân trong văn chương trung đại hay trong các tác phẩm anh hùng ca của Hy Lạp cổ đại. Bài Cáo tập trung làm sáng rõ vai trò của một tập thể anh hùng, những người mà trước kia văn học bác học chưa quan tâm đi sâu, khai thác.

– Tuy nhiên, đối với tướng giặc, tác giả lại miêu tả đầy đủ, cụ thể từng gương mặt, họ tên, chức tước và tư thế thất bại của từng tên một.

– Cách sử dụng liệt kê ngày tháng thể hiện rõ nhịp độ dồn dập của những trận chiến thắng.

– Tuyên bố hòa bình, xây dựng vương triều mới

– Nhịp thơ dàn trải, trang trọng.

– Khẳng định thế thịnh suy tất yếu.

c. Tổng kết

>> Tuyển tập chọn lọc những bài văn thuyết minh lớp 10 hay nhất

Bài văn mẫu thuyết minh một tác phẩm văn học Bình ngô đại cáo

Trong lịch sử văn học Việt Nam, chủ đề về tình yêu nước đã xuyên suốt và phản ánh sâu sắc từng bước đi của lịch sử, của đời sống của con người và xã hội. Đã có rất nhiều những tác phẩm hay và đạt được những giá trị lớn về nội dung và nghệ thuật khi viết về chủ đề tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc, một trong số đó có thể kể đến đó chính là Bình ngô đại cáo của tác giả Nguyễn Trãi.

Bình ngô đại cáo được Nguyễn Trãi sáng tác năm 1428, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Minh kết thúc thắng lợi. Tác phẩm đã tổng kết lại những thành tựu chống quân Minh, quá trình chiến đấu đầy gian khổ và hào hùng của quân và dân ta. Qua đó, tác giả NGuyễn Trãi đã thể hiện được tình yêu nước sâu sắc, lòng tự hào dân tộc.

“Từng nghe

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

Ngay phần mở đầu của tác phẩm, Nguyễn Trãi đã đề cao tính chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đồng thời tác giả cũng khẳng định mục đích chính của cuộc chiến đấy chính là mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc, diệt trừ những thế lực bạo tàn, bảo vệ nhân dân. Và trong quan điểm của nhà thơ thì đó chính là biểu hiện của chính nghĩa.

Không chỉ đề cập đến vấ đề chính nghĩa mà tác giả Nguyễn Trãi cũng đã sử dụng một giọng điệu đanh thép khi khẳng định nền độc lập, chủ quyền của nhân dân Đại Việt:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác”

Nền độc lập, chủ quyền của nhân dân Đại Việt được tác giả thể hiện thông qua nền văn hiến được gây dựng từ nhiều đời với những phong tục tập quán riêng, lãnh thổ riêng, chủ quyền riêng. Và trong nền độc lập chủ quyền ấy, Nguyễn Trãi đã thể hiện niềm tự hào khi đặt các triều đại của Việt Nam sánh ngang với những triều đại Trung Hoa:

“Tử Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có”

Trong lịch sử phát triển của mình, quân và dân Đại Việt đã đứng lên đấu tranh bảo vệ và xây dựng nên nền độc lập, do vậy mà nhân dân Đại Việt là những người làm chủ nền độc lập ấy. Nguyễn Trãi cũng khẳng định Đại Việt là một quốc gia tồn tại hoàn toàn độc lập với các triều đại Phương Bắc, tuy lịch sử có những lúc thăng trầm nhưng những con người tài giỏi, có thể cứu dân cứu nước.

Không chỉ khẳng định chủ quyền, độc lập của dân tộc mà tác giả còn vạch trần bộ mặt tàn ác, vô nhân đạo của giặc Minh đối với nhân dân Đại Việt:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ dưới hầm tai họa

Dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế

Gây binh kết oán trải hai mươi năm”

Tác giả NGuyễn Trãi đã liệt kê một loạt những tội ác dã man của quân Minh, chúng không chỉ âm mưu thôn tính, đặt ách thống trị ở nước ta mà còn thực thi nhiều chính sách cai trị tàn nhẫn nhằm vơ vét của cải vật chất, đẩy nhân dân ta vào cảnh khốn cùng, lầm than. Lời cáo buộc đanh thép của tác giả Nguyễn Trãi được thể hiện thông qua hai câu thơ sau:

“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”

Với những tội ác mà giặc Minh gây ra cho nhân dân Đại Việt thì không thể nào có thể xóa sạch, vì đó là những tội ác được gây ra trên tiền bạc và xương máu của nhân dân. Hành động xâm lược của quân Minh là trái với lẽ trời, trái với chính nghĩa nên kết cục thất bại là không thể nào tránh khỏi.Tướng giặc nhà Minh vì ôm mưu đồ hiểm độc mà phải nhận lấy những hậu quả đầy nhục nhã, ê chề:

“Lưu Cung tham công nên thất bại,

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong,

Cửa Hàm tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã”

Tác phẩm Bình ngô đại cáo được coi là bản tuyên ngôn lần thứ hai (sau Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt), với giọng điệu đanh thép, hào hùng, tác giả Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện được tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc mà còn khẳng định được nền độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Bình ngô đại cáo xứng đáng là bản hùng ca muôn đời.

Xem thêm văn mẫu: Thuyết minh Bình Ngô Đại Cáo lớp 10

————————

Hy vọng rằng dàn ý thuyết minh một tác phẩm văn học Bình ngô đại cáo cùng bài làm mẫu trên đây sẽ giúp các em hoàn thành bài làm của mình một cách hoàn thiện và thuận lợi nhất. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 10 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button