Lớp 9Văn mẫu 9

Dàn ý nghị luận về vấn đề sử dụng điện thoại thông minh của học sinh hiện nay

Hướng dẫn lập dàn ý nghị luận bàn về vấn đề lạm dụng và bị phụ thuộc vào điện thoại thông minh của học sinh hiện nay.

Dàn ý bàn về vấn đề sử dụng điện thoại thông minh của học sinh ngày nay

I. Mở bài

– Hiện nay, hầu hết các bậc phụ huynh đều trang bị cho con em mình điện thoại di động để liên lạc, hoặc truy cập mạng Internet tìm tư liệu học tập.

– Thế nhưng, một bộ phận học sinh lại sử dụng nó chưa đúng cách, với mục đích chưa tốt.

II. Thân bài

1. Giải thích

– Điện thoại di động, còn gọi là điện thoại cầm tay, là loại điện thoại kết nối dựa trên sóng điện từ vào mạng viễn thông. Nhờ có kết nối sóng (kết nối không dây), mà điện thoại di động thực hiện trao đổi thông tin khi đang di chuyển.

– Điện thoại di động chính thức ra đời vào ngày 3 tháng 4 năm 1973, mang tên Motorola Dyna Tac, phát minh bởi nhà sáng chế John F. Mitchell và Martin Cooper. Motorola Dyna Tac mang hình dáng gần giống điện thoại di động ngày nay mặc dù vẫn còn khá cồng kềnh (nặng khoảng 1 kg) và không phổ biến. Từ đó đến nay, chiếc điện thoại di động phát triển không ngừng phát triển theo hướng nhỏ gọn hơn rất nhiều tổ tiên của nó và ngày càng được tích hợp nhiều chức năng hơn chứ không còn đơn thuần là nghe và gọi.

2. Bàn luận

a) Thực trạng

– Điện thoại thông minh đang được học sinh sử dụng phổ biến trong nhiều trường học:

+ Sử dụng điện thoại chưa đúng cách: dùng ngay trong các giờ học, để nhắn tin nói chuyện riêng; trong các giờ kiểm tra thì dùng tải tài liệu trên Internet để đối phó…

+ Sử dụng điện thoại với mục đích chưa tốt: dùng tải các hình ảnh, các loại văn hóa phẩm đồi trụy, hoặc phát tán các clip có nội dung xấu lên mạng; dùng để trêu chọc người khác thái quá (nhắn tin hù dọa, nháy máy)…

b) Nguyên nhân

– Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người được nâng cao, điện thoại thông minh trở thành vật không thể thiếu đối với con người

– Nhiều gia đình có điều kiện, chiều con nên trang bị cho con mình điện thoại nhiều chức năng nhưng lại không quản lí việc sử dụng của con em mình

– Học sinh lười học, ý thức chưa tốt.

– Thiếu hiểu biết, lạm dụng các chức năng của điện thoại

c) Hậu quả

– Sử dụng điện thoại trong giờ học: không hiểu bài, hổng kiến thức, sử dụng trong các giờ kiểm tra: tạo ra thói quen lười biếng, ỷ lại…

– Sử dụng điện thoại với mục đích xấu: ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của những người xung quanh, vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật.

d) Biện pháp khắc phục

– Bản thân học sinh cần có ý thức tự giác trong học tập; cần biết sống có văn hóa, có đạo đức, hiểu biết pháp luật.

– Gia đình: quan tâm hơn tới các em, gần gũi, tìm hiểu và kịp thời giáo dục con em…

– Nhà trường, xã hội: siết chặt hơn trong việc quản lí.

3. Bài học nhận thức và hành động

– Nhận thức: Nhận thức được những ưu, nhược mà điện thoại thông minh mang lại cho con người để sử dụng chúng một cách hiệu quả, đem lại ích lợi cho cuộc sống, công việc cũng như trong học tập.

– Hành động:

+ Biết kiểm soát chừng mực mỗi hành vi của mình, trang bị những kỹ năng sống cần thiết.

+ Sử dụng điện thoại đúng mục đích.

+ Đầu tư cho việc học tập, tránh lãng phí thời gian vô bổ.

+ Luôn có ý thức rèn luyện tu dưỡng bản thân, bồi đắp vốn sống, vốn văn hóa chuẩn mực, phù hợp với luật pháp, đạo đức.

III. Kết bài

– Đừng lãng phí thời gian, bởi vì thời gian là vàng bạc – rất quý giá.

– Đừng lãng phí tiền bạc, bởi làm ra đồng tiền không hề dễ dàng.

– Tương lai của bạn như thế nào đều phụ thuộc vào những giờ học trên lớp của bạn đó – Đừng để điện thoại huỷ hoại cuộc sống của mình.

Tham khảo thêm: Hướng dẫn lập dàn ý nghị luận về hiện tượng nghiện facebook của giới trẻ hiện nay

Bài văn mẫu nghị luận về vấn đề lạm dụng và bị phụ thuộc vào điện thoại thông minh của học sinh hiện nay

Sự phát triển của công nghệ kĩ thuật đem đến cho con người rất nhiều điều bổ ích. Và điện thoại di động chính là một trong những vật dụng không thể thiếu đối với bất cứ ai. Tuy nhiên, việc những bạn học sinh lạm dung điện thoại quá nhiều, hay sử dụng điện thoại sai mục đích mang đến cho bố mẹ, thầy cô nhiều điều trăn trở.

Điện thoại di động là một trong những tiến bộ kĩ thuật vượt bậc mà nhân loại ta được thừa hưởng. Hầu như hiện nay, mỗi người đều có tối thiểu một chiếc điện thoại để phục vụ mục đích liên lạc cá nhân và trao đổi công việc. Ngoài những chiếc điện thoại “củ gạch” với chức năng nghe gọi, hiện còn có nhiều hãng điện thoại với chức năng cao như quay phim, chụp ảnh, kết nối internet…. Giá của mỗi chiếc điện thoại này cũng vô cùng rẻ chỉ khoảng 2-3 triệu đồng. Vì thế, dù gia đình có điều kiện hay không thì cũng cố sắm cho con cái họ một chiếc điện thoại thông minh. Thế nhưng bên cạnh những điều tích cực nó mang lại cho con người vẫn còn đó rất nhiều hệ lụy.

Nếu được hỏi dùng điện thoại để làm gì? Thì các em sẽ chẳng nghĩ ngợi mà trả lời để phục vụ học tập, liên lạc với thầy cô, bạn bè, bố mẹ. Thế nhưng thực tế thì lại không như thế. Cùng với sự phát triển của công nghệ kĩ thuật, những chiếc điện thoại thông minh đang ngày càng “hủy hoại” con người. Mỗi ngày các em có 8 giờ học trên lớp thế nhưng thay vì tiếp thu bài học của thầy cô các bạn học sinh lại dùng nó để giải trí. Việc không tập trung vào bài học dẫn đến các em sẽ bị hổng kiến thức. Chưa kể việc phải dừng lại nhắc nhở học trò phải tắt điện thoại cũng khiến các thầy cô bị cắt mạch cảm xúc, các bạn phân tán sự chú ý. Nhiều trường hợp học trò còn vô tư dùng điện thoại để xem phim, lên mạng xã hội thỏa sức “chém gió” với bạn bè khắp nơi. Điện thoại thông minh với chức năng chụp ảnh quay phim còn khiến các em cho ra đời nhiều bức ảnh tục tĩu, hở hang làm trò câu view, câu like gây nên nhiều hậu quả nặng nề, bóng ma tâm lí cho các bạn thậm chí còn không muốn đến trường vì xấu hổ….

Việc dùng điện thoại thông minh có hai mặt của nó. Bên cạnh những tích cực nó mang đến thì còn đó là những hậu quả nặng nề khiến cho xã hội phải nhức nhối. Những chiếc điện thoại thông minh thường được kết nối internet, nên các em học sinh thay vì nhiệm vụ học hành sẽ dùng thời gian để lên mạng chat chit tình cảm, chơi game online thậm chí là truy cập các hình ảnh bạo lực đồi trụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hóa học đường.

Vậy phải làm gì để hạn chế tình trạng này? Hiện nay, nhà trường cũng đưa ra một số biện pháp răn đe như cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Tuy nhiên thực tế đây là việc vô cùng khó khăn. Thay vì cấm đoán nhà trường thầy cô nên tìm cách để hướng dẫn các em cách sử dụng điện thoại di động sao đúng và hợp lí nhất. Tuyệt đối không dùng với mục đích nhạo báng và xúc phạm nhau bằng những clip nóng, những hình ảnh bạo lực đồi trụy…. Bản thân của các em học sinh cũng cần phải ý thức được việc học tập là quan trọng với mình, sử dụng điện thoại với mục đích phục vụ học tập là chính. Đối với các phụ huynh cần quy định số tuổi để con dùng điện thoại, kiểm soát thời gian cũng như hành vi của con cái khi dùng điện thoại để kịp thời ngăn chặn những hành động đi quá xa.

Điện thoại di động là một phương tiện liên lạc vô cùng hữu ích. Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian di chuyển mà nó còn có khả năng kết nối người với người. Thế nhưng làm cách nào để nó không sai mục đích và ảnh hưởng đế thế hệ trẻ là điều vô cùng nan giải. Vì vậy nó cần nhà trường cùng các bậc phụ huynh phải có biện pháp cứng rắn ngăn chặn hành vi sử dụng điện thoại quá sớm ở học sinh. Bởi có như thế mới có thể giúp các em thực hiện tốt vai trò và sự phát triển tự nhiên của mình.

Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu lớp 9 hay nhất / THPT Ngô Thì Nhậm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button