Lớp 7Văn mẫu 7

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng Giêng

Cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng Giêng, hướng dẫn làm bài và TOP 5 bài văn mẫu hay phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng Giêng của Hồ Chí Minh

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng Giêng để thấy được tâm hồn và trái tim nhạy cảm của Hồ Chí Minh. Để hoàn thành bài tập này, các em hãy tham khảo hướng dẫn chi tiết và những bài văn mẫu chọn lọc dưới đây do THPT Ngô Thì Nhậm tổng hợp và biên soạn.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng Giêng của Hồ Chí Minh

Hướng dẫn làm bài phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng

1. Phân tích đề

– Yêu cầu đề bài: nêu cảm nghĩ của bản thân về những chi tiết, hình ảnh và những cảm xúc của tác giả gửi gắm qua bài thơ Rằm tháng Giêng

– Đối tượng làm bài: bài thơ Rằm tháng Giêng

– Phương pháp làm bài: phân tích, nêu cảm nhận.

2. Luận điểm chính bài Rằm tháng Giêng

Luận điểm 1: Cảnh trăng rằm tháng Giêng trên sông Việt Bắc

Luận điểm 2: Hình ảnh con người hiện lên trong không gian

Dàn ý cơ bản bài văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng Giêng

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả Hồ Chí Minh (là một vị lãnh tụ, nhà thơ, nhà thi sĩ,….)

– Giới thiệu bài thơ Rằm tháng Giêng

2. Thân bài

– Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác

– Thời gian và không gian trong hai câu thơ đầu tràn ngập vẻ đẹp và sức xuân.

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

– Rằm xuân -> mặt trăng tròn đầy, ánh trăng bao trùm vạn vật trong đêm nguyên tiêu -> có cảm giác ánh trăng chưa bao giờ đẹp và tròn như thế

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

– Dưới ánh trăng, điệp từ “xuân” gợi hình ảnh thiên nhiên tràn đầy sức sống của mùa xuân : cây cối, sông nước, bầu trời, mây gió,… trong đêm rằm đầu năm.

– Cảnh vừa có chiều cao của ánh trăng vừa có chiều rộng của sông nước “tiếp” giáp với bầu trời -> tạo ra không gian bao la vô tận – hai câu thơ không tả mà giàu sức gợi hình ảnh, gợi màu sắc dù nó là bức tranh về cảnh khuya có hai gam màu trắng và đen, sáng tối -> người đọc thích thú khi hình dung cảnh đêm xuân đẹp bao nhiêu thì càng cảm phục cái tài thơ của Bác bấy nhiêu…

Giữa dòng bàn bạc việc quân

– Chuyển ý

– Trong khung cảnh nên thơ ấy, giữa nơi mịt mù khói sóng Bác Hồ đang làm gì ? Ánh trăng tuyệt đẹp kia không thể làm Bác xao lãng việc nước, việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

– Khuya rồi vậy mà trăng vẫn “mãn thuyền” vẫn ngân nga đầy thuyền, trăng tràn ngập khắp nơi, tràn cả không gian rộng lớn, vẫn chờ, vẫn đợi cho dù Bác có bận đến đâu

– Thuyền lờ lững xuôi dòng trong đêm co trăng đồng hành như một người bạn chung thủy sâu sắc -> thật hạnh phúc

– Trăng gắn bó với người nghệ sĩ biết thưởng lãm, biết trân trọng vẻ đẹp của trăng

– Trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn gian khổ, ta vẫn cảm nhận sự hòa hợp kì diệu giữa cảnh và người -> thể hiện phong thái ung dung, tinh thần lạc quan của Bác về tương lai đât nước tươi sáng -> kính yêu Bác hơn

3. Kết bài

– Bài thơ “Rằm tháng Giêng” giúp em hình dung một cách cụ thể bức tranh đêm trăng trên sông nước thật đẹp, hiểu thêm tấm lòng yêu dân, yêu nước, yêu thiên nhiên sâu sắc của vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già kính yêu của dân tộc

4. Sơ đồ tư duy cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng Giêng

Sơ đồ tư duy cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng Giêng

Top 5 bài văn mẫu hay phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng Giêng

Cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng mẫu số 1

Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người tiên phong dẫn đường cho đất nước ta thoát khỏi bóng tối của đêm trường nô lệ… Đó là những điều mà mọi người thường nói khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Người cũng là một nhà thơ, một nghệ sĩ đích thực với tâm hồn nhạy cảm và những tác phẩm mang giá trị sâu sắc. Trong số những tác phẩm đó, không thể không kể đến bài thơ “Rằm tháng Giêng”.

Rằm tháng Giêng là một bài thơ được viết bằng chữ Hán theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật quen thuộc. Bài thơ ngay cả cấu tứ cũng không có gì quá mới mẻ khi hai câu đầu dùng để miêu tả cảnh vật, hai câu sau dùng để ám chỉ tình yêu. Tuy nhiên, với tài năng và trái tim nhạy cảm của mình, nhà thơ đã tạo ra những câu thơ với hình ảnh cuốn hút, sống động và những ý thơ tràn đầy tình cảm và ý nghĩa.

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,

Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.

Bài thơ mở đầu bằng cảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp vào một đêm xuân, khi mặt trăng tròn đầy viên mãn trên bầu trời. Đó là khoảnh khắc trời đất tràn đầy niềm vui sướng, vẫy vùng trong bể trăng tràn đầy ăm ắp. Ánh sáng trắng ngọc như ngọc trai phủ lên những lớp vàng, bạc óng ánh, khiến cho cảnh vật trở nên tuyệt đẹp và tình tứ hơn. Sắc xuân, hương xuân cũng thấm sâu hơn vào khung cảnh. Dòng sông, con nước và bầu trời không còn như hôm qua nữa mà như mặc chiếc áo mới, trở thành sông xuân, trời xuân. Những hình ảnh trong bài thơ khiến người đọc đắm chìm trong cảm giác của mùa xuân, ngập tràn mùi hương thơm. Bầu trời và dòng sông trở nên hòa quyện, không thể phân biệt rõ ràng. Chúng vẫn tiếp tục kết nối, trở thành một. Cả cảnh vật thiên nhiên mở rộng và trở nên thoáng đãng khi tất cả đều được chứa đựng trong dòng thơ. Mỗi hơi thở trở nên nhẹ nhàng hơn, say đắm hơn, khi sắc xuân vừa nồng nàn vừa sống động, luân chuyển và chảy mượt trong tâm hồn thơ.

Trong khung cảnh mê say ngây ngất ấy, hình ảnh con người hiện lên ẩn sau hình ảnh chiếc thuyền trôi giữa con sông. Điều đặc biệt là, những con người ấy đến nơi đây không phải để thưởng nguyệt hay đọc thơ mà là để làm việc:

Yên ba thâm xứ đàm quân sự,

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Bên trong chiếc thuyền đó là những người lính đang tập trung thảo luận, bàn bạc việc quân sự để bảo vệ đất nước. Tinh thần của họ không bị tác động, không bị lay chuyển bởi ngoại cảnh xung quanh chiếc thuyền. Những người chiến sĩ vẫn tiếp tục thảo luận việc quân một cách cần mẫn cho đến tận đêm khuya. Ngay cả khi đã quá nửa đêm, ánh trăng đã lan tỏa khắp chiếc thuyền, họ vẫn miệt mài suy nghĩ và làm việc.

Trước mắt là một cảnh tượng vô cùng thơ mộng: ánh trăng phủ đầy con thuyền, tượng trưng cho sự gắn bó thân thiết giữa thiên nhiên và con người. Trong thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh trăng cùng với những chiến sĩ được ví như đồng đội đồng hành, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Bức tranh này còn thể hiện niềm tin vững chắc vào một tương lai tươi sáng, độc lập và hạnh phúc cho đất nước ta. Ánh trăng tròn đầy trên cao cũng tượng trưng cho một tương lai bình yên và hạnh phúc như ánh trăng tròn trịa trong đêm.

Bài thơ Rằm tháng Giêng đã xây dựng nên một đêm trăng mùa xuân tươi đẹp, hấp dẫn. Cả bài thơ khắc họa nên bầu không gian rộng lớn, thoáng đãng, trong đó xuất hiện hình ảnh con người tuy nhỏ bé, nhưng khó để bỏ qua được. Từ đó, thể hiện được tài năng, tâm thế của tác giả. Đó là một trái tim tràn đầy tình yêu thiên nhiên, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ đối với tổ quốc. Thật không sai khi gọi Hồ Chí Minh là “nhà thơ chiến sĩ”.

Cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng mẫu số 2: Bài văn của em Hồ Dạ Thảo

Sau chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông năm 1947, trong niềm vui phấn khởi, chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác bài thơ Nguyên tiêu, hay còn được biết đến với tên gọi Rằm tháng Giêng. Nội dung của bài thơ toát lên không khí hân hoan chiến thắng và niềm hạnh phúc khi mùa xuân đang lan tỏa khắp đất nước. Sau khi đọc bài thơ, ta cảm nhận được tâm trạng phấn khởi của Người và tình yêu tha thiết dành cho thiên nhiên, cho cuộc sống trong niềm hân hoan chào đón mùa xuân tới.

Hai câu thơ đầu của bài thơ đã nói vẽ lên khung cảnh thiên nhiên vô cùng đẹp:

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân;”

Chủ tịch Hồ Chí Minh được biết đến là con người có tình yêu thiên nhiên sâu sắc, luôn khát khao hòa mình vào với thiên nhiên. Hình ảnh vầng trăng luôn hiện diện trong suốt các tác phẩm thơ của Người. Vầng trăng đã trở thành người bạn đồng hành, người bạn tri âm, tri kỷ của Bác. Trăng xuất hiện để chia sẻ niềm vui và đồng hành cùng người chiến sĩ, thi sĩ trong những chặng đường đã qua và sắp tới. Chúng ta chắc hẳn không quên được hình ảnh vầng trăng trong đêm tĩnh lặng, khi Bác đang lo lắng việc đất nước:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì nỗi lo nước nhà”

(Cảnh khuya)

Thời điểm đó, vầng trăng đẹp và tròn đầy, thao thức cùng Người vì nỗi lo lắng cho đất nước, cho tới bây giờ sau chiến thắng, trăng vẫn ở đó, hân hoan và chia vui cùng Người. Hơn nữa, trăng trong ngày rằm chắc chắn sẽ tròn hơn những ngày thường và đẹp hơn trong mắt của một người đang hạnh phúc và vui vẻ. Câu thơ thứ hai gắn kết sông và trời, hai yếu tố thiên nhiên dù riêng biệt nhưng mang chung một màu sắc, màu xanh của hòa bình và của niềm vui chiến thắng. Ta cảm nhận được thiên nhiên lúc này như muốn cùng chia vui với con người, và con người đang hòa nhập vào thiên nhiên. Đây không chỉ là một đêm trăng rằm bình thường, mà còn là một đêm lịch sử ghi lại dấu ấn chiến công của dân tộc. Sắc xuân của đất trời chính là sức sống mãnh liệt, mạnh mẽ và tiềm năng của đất nước chúng ta.

Hai câu thơ cuối của bài thơ tiếp tục là hình ảnh vầng trăng nhưng được miêu tả sóng đôi với con thuyền:

“Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”

Trong thơ Bác, hình ảnh vầng trăng xuất hiện thật đa dạng, từ những lúc một mình, thảnh thơi cho đến những lúc bận rộn thảo luận việc nước, bảo vệ Tổ Quốc cùng các chiến sĩ. Thực sự là một hoàn cảnh đặc biệt mà trăng đã xuất hiện trong thơ Bác. Ánh trăng trong đêm khuya soi bóng xuống dòng nước, chiếu rọi lên mạn thuyền tạo nên một khung cảnh lãng mạn vô cùng. Một khung cảnh chính trị lại được xây dựng trong bối cảnh lãng mạn, thật tài tình và độc đáo làm sao.

Chỉ với vỏn vẹn bốn câu thơ, bài thơ Rằm tháng Giêng đã giúp chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt diệu của vầng trăng trong ngày Rằm tháng Giêng – ngày chiến thắng lịch sử của dân tộc. Không chỉ vẽ nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, lãng mạn mà Bác Hồ còn truyền tải những niềm vui, cảm xúc của mình trong ngày trọng đại này. Chúng ta ngập tràn tình yêu và lòng trọng phần của vị lãnh tụ dân tộc.

Tham khảo: Phân tích tác phẩm Rằm tháng Giêng

Cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng mẫu số 3: Bài văn của em Trần Khang Huy

Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng bên cạnh đó Người cũng là một hồn thơ tài hoa. Với nhiều tác phẩm giá trị để lại, Bác đã đóng góp một phần không nhỏ trong nền thi ca nước nhà. “Nguyên tiêu” hay “Rằm tháng Giêng” là một tác phẩm ghi lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử nước nhà. Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947 sang hè 1948 quân ta lại liên tục thắng lớn trước thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh đó bài thơ xuất hiện trên báo “Cứu quốc” như truyền thêm cho quân và dân ta tình yêu thương vô bờ đối với quê hương đất nước, đồng thời cho ta thấy được tấm lòng luôn canh cánh vì nước vì dân của Bác Hồ.

Nguyên tác bằng chữ Hán:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,

Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên;

Yên ba thâm xứ đàm quân sự,

Dạ bán quy lại nguyệt mãn thuyền

Bản dịch:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

Mở đầu bài thơ là một không gian bao la rộng lớn:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi.

Ánh trăng đêm xuân an lành lồng lộng. Từ “lồng lộng” được đảo lên trên cho ta thấy cái rộng lớn bao la của cảnh sắc đêm xuân. Hình ảnh ánh trăng thường được sử dụng trong thơ Bác như một người bạn tri âm tri kỉ. Ở đây, ngay trong đêm Rằm vẫn luôn dõi theo, bầu bạn với Bác.

Câu thơ tiếp:

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Câu thơ cho ta thấy cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Hai từ “xuân” lặp lại nối tiếp nhau mở ra cho ta một không gian rợn ngợp tràn đầy sắc xuân, tràn đầy sức sống. Sông, nước, ánh trăng như nối liền nhau, giao hòa với nhau giữa vẻ đẹp của đất trời.

Câu thơ thứ ba vô tình nói vên hoàn cảnh và vị trí ngắm trăng của Bác:

Giữa dòng bàn bạc việc quân.

Ở hai câu thơ đầu cảnh thiên nhiên được Bác miêu tả quá sống động làm ta tưởng như Bác đang rất nhàn nhã ngắm trăng. Nhưng không, bác ngắm trăng trong một hoàn cảnh rất đặc thù, chơi vơi giữa dòng nước. Để tránh sự truy lung của quân địch, Bác cùng các chiên sĩ phải bàn bạc việc quân ở trên thuyền. Và ở nơi đó, ngay giữa trung tâm của đất trời, hồn thơ của Bác như giao hòa với thiên nhiên để vẽ lên cảnh thiên nhiên tuyệt sắc. Đọc câu thơ ta thấy thầm thương Bác, Người luôn đau đáu tấm lòng vì nước vì dân. Công việc bộn bề nhưng Bác vẫn luôn yêu thiên nhiên cảnh vật. Điều đó cho ta thấy tư thế ung dung lạc quan yêu đời của người chiến sĩ cách mạng.

Câu thơ cuối:

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

Con thuyền trong câu thơ cuối là ẩn dụ sâu sắc về thắng lợi của cách mạng. Con thuyền cách mạng rực rỡ ánh trăng ngân báo hiệu cho ngày chiến thắng không còn cách xa. Câu thơ thể hiện một niềm lạc quan, niềm tin vô cùng với cách mạng.

Bài thơ “Rằm tháng Giêng” là một bài thơ độc đáo của Bác Hồ. Bài thơ vừa thể hiện tình yêu thiên nhiên vô cùng của Bác đồng thời cũng nói lên tinh thần lạc quan giữa hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt.

Cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng mẫu số 4

Rằm tháng Giêng năm 1948, trên chiếc thuyền neo đậu giữa một dòng sông ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch cùng Trung ương Đảng vfa Chính phủ mở cuộc họp tổng kết về tình hình quân sự thời kì đầu kháng chiến chống Pháp (1947 – 1948). Cuộc họp tan thì đêm đã khuya. Trăng rằm tỏa sáng khắp mặt đất bao la. Cảnh sông núi trong đêm càng trở nên đẹp đẽ và thơ mộng. Cảm hứng dâng cao, Bác đã ứng khẩu làm bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán, tựa là Nguyên tiêu:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,

Xuân sang xuân thủy tiếp xuân thiên.

Yên ba thâm xứ đàm quân sự,

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Sau đó, nhà thơ Xuân Thủy dịch bài thơ ra tiếng Việt dưới thể lục bát, với tên là Rằm thángGiêng. Bản dịch giữ được gần hết ý thơ trong nguyên tác với nội dung thể hiện tình yêu thiên nhiên và lòng yêu nước thiết tha của Bác Hồ.

Nếu trong bài Cảnh khuya, Bác tả cảnh trăng đẹp chốn rừng sâu thì ở bài này, Bác tả cảnh trăng trên sông nước:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

Vầng trăng tròn đầy, tỏa sáng bát ngát khắp bầu trời, mặt đất trong đêm Nguyên tiêu. Khung cảnh mênh mông, tưởng như sông nước tiếp liền với bầu trời: Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân. Vạn vật ăm ắp sức xuân: sông xuân, nước xuân và trời xuân nối tiếp, giao hòa, tạo nên một vũ trụ căng đầy sức sống, làm náo nức lòng người. Điệp từ xuân được lặp lại nhiều lần với ý tạo vật cùng lòng người đều phơi phới khí thế tươi vui.

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Trên một chiếc thuyền thu nhỏ giữa chốn mịt mù khói sóng (yên ba thâm xứ), Bác cùng Chính phủ và Trung ương Đảng luận bàn việc quân, việc nước. Công việc trọng đại đến chừng nào, nhất là trong hoàn cảnh buổi đầu kháng chiến đầy thiếu thốn, gian khổ. Tuy vậy, gian khổ không làm vơi đi cảm xúc, thi hứng trong lòng Bác. Buổi họp kết thúc vào lúc nửa đêm. Trăng tròn vành vạnh treo giữa trời (nguyệt chính viên) đang tỏa sáng. Cảnh sông nước trong đêm lại càng thêm thơ mộng. Dòng sông trở thành dòng sông tẳng và con thuyền cũng dường như trở đầy ắp ánh tẳng (trăng ngân đầy thuyền). Trước đêm trăng đẹp, tâm hồn Bác lâng lâng. Bác thả hồn hòa nhập với thiên nhiên mà Bác vốn coi là một người bạn tri âm, tri kỉ. Trong lòng Bác dâng trào một niềm vui, niềm tin vào thắng lợi của Cách mạng, của kháng chiến. Hình ảnh con thuyền trở đầy ánh trăng lướt nhẹ trên dòng sông trăng là một hình ảnh lãng mạn có ya nghĩa tượng trưng sâu sắc. Phải có một phong thái ung dung tự tại vfa niềm lạc quan mãnh liệt vào tương lai thì nhà thơ mới sáng tạo ra được hình tượng nghệ thuật độc đáo trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy.

Bài thơ Rằm tháng Giêng với âm hưởng khỏe khoắn, tươi vui đã đem lại cho người đọc cảm xúc thanh cao, trong sáng. Bài thơ là dẫn chứng tiêu biểu chứng minh Bác Hồ vừa là một lãnh tụ cách mạng tài ba, vừa là một nghệ sĩ có trái tim vô cùng nhạy cảm.

Cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng mẫu số 5

Năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trong giai đoạn khó khăn, phức tạp. Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị người chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến không khỏi âu lo, trằn trọc. Nỗi lòng ấy của Người đã được thể hiện tinh tế trong bài thơ Cảnh khuya mà chúng ta từng đọc. Bước sang năm 1948, tình hình đất nước và sự nghiệp kháng chiến có nhiều chuyển biến khả quan. Niềm vui đang trở lại. Do đó vào đêm rằm tháng giêng (âm lịch) năm đó, sau một cuộc họp bàn việc quốc kế quân cơ, Bác đã hứng khởi sáng tác bài thơ: Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng).

Phiên âm chữ Hán:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,

Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên;

Yên ba thâm xử đàm quân sự,

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Xuân Thuỷ dịch:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân;

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Tác phẩm thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, nguyên văn bằng chữ Hán. Nếu chúng ta dịch nghĩa của bản phiên âm thì bài thơ ấy có thể như sau:

Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất,

Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân;

Nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng bàn việc quân,

Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền.

Nhà thơ Xuân Thuỷ dịch Nguyên tiêu sang thơ tiếng Việt chuyển thành thơ lục bát, thể hiện khá tốt nội dung, ý nghĩa, nhưng đã làm hao hụt phần nào âm điệu và ngôn từ của bài thơ nguyên tác. Do đó, khi đọc bài thơ, ta cần cố gắng kết hợp bản dịch thơ với nguyên tác thì mới cảm nhận chính xác vẻ đẹp của thơ Bác.

Bài thơ Nguyên tiêu viết về đề tài tả cảnh thiên nhiên, rất gần với thơ Đường. Cả những hình ảnh, từ ngữ, âm diệu, vần điệu của bài thơ cũng vậy. Đọc bài thơ, lắng nghe âm điệu và thoáng qua các chất liệu tạo vật như trăng tròn, sông xuân, nước xuân, trời xuân, khói sóng, nửa đêm, đầy thuyền… ta có cảm giác thơ của Bác Hồ giống thơ của Trương Kế trong bài Phong Kiều dạ bạc (Đêm ngủ ở bến Phong Kiều), nhất là câu cuối của hai bài. Kết bài Phong Kiều dạ bạc, Trương Kế viết: “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”. Hồ Chí Minh viết: “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”, về vóc dáng, hai câu thơ gần giống nhau, nhưng về cốt cách, bản chất thì khác nhau một trời một vực. Nói khác đi, bài thơ tuy sử dụng nhiều chất liệu cổ thi, nhưng vẫn là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Hồ Chí Minh, mang vẻ đẹp, sức sống và tinh thần của thời đại mới. Bác làm thơ Đường nhưng không máy móc mà đầy sáng tạo. Mỗi bài thơ của Người thể hiện tài năng và tâm hồn, trí tuệ của người chiến sĩ cách mạng hài hòa phong cách người nghệ sĩ ngày nay.

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,

Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên;

(Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)

Hai câu thơ đầu vẽ ra một bức tranh thiên nhiên đêm rằm tháng giêng sáng quá, đẹp quá. Bầu trời cao rộng, thoáng đãng. Trăng tròn đầy. Cả không gian tràn ngập sức sống, trải mênh mang dường như không có giới hạn. Tất cả đều tươi trẻ, dào dạt cảnh xuân. Dòng sông mùa xuân, nước mùa xuân nối liền với bầu trời xuân. Trong nguyên tác chữ Hán, tác giả dùng điệp từ “xuân” ba lần liền mạch, nối nhau, ngân nga như một dòng nhạc xanh êm dịu. Câu thơ có bảy tiếng thì năm tiếng có thanh không: Xuân giang, xuân…, xuân thiên mang âm hưởng bay bổng, gợi cảm giác trong trẻo, rộng lớn, thảnh thơi, thanh bình, thú vị làm sao. Nhà thơ Hồ Chí Minh vẫn dùng ngòi bút chấm phá chọn nét cảnh tiêu biểu, ấn tượng, hài hòa thống nhất với nhau, đã tạo ra một bức tranh đêm rằm tháng giêng ở chiến khu Việt Bắc năm 1948, vừa mang vẻ đẹp của tạo vật vừa ẩn dụ cho tình hình kháng chiến đầy triển vọng lúc bấy giờ. Đằng sau bức tranh ấy là một cái nhìn, một cảm hứng, một phong thái bình tĩnh, ung dung, thanh thản của người nghệ sĩ – chiến sĩ.

Đến hai câu kết của bài thơ thì chất chiến sĩ – nghệ sĩ càng hiện rõ:

Yên ba thâm xứ đàm quân sự,

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

(Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)

Một cuộc họp bàn việc quốc kế quân cơ đã diễn ra trong đêm rằm tháng giêng ấy. Vị trí cuộc họp ở đâu? Ở “yên ba thâm xứ” tức là ở “trên khói sóng nơi sâu thẳm”, bí mật và thiêng liêng như trong huyền thoại vậy. Thế giới từng gọi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta là “cuộc kháng chiến thần thánh”, có lẽ cũng căn cứ một phần vào cơ quan đầu não – những người chỉ huy kháng chiến – tài ba, huyền thoại này chăng? Cuộc họp ấy đã bàn bạc, nhận định và quyết định những điều gì, chúng ta không biết. Song điều chắc chắn chúng ta có thể tin được là cuộc họp ấy đã thành công rực rỡ, đem lại niềm vui, niềm tin cho mọi người. Do đó, lúc tan họp, mọi người ra về giữa đêm khuya, thấy trời như sáng ra, trăng như tròn hơn, ánh trăng ăm ắp đầy cả khoang thuyền: “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền). Cả câu thơ nguyên tác lẫn câu thơ dịch đều đẹp. Những chiến sĩ kháng chiến chống ngoại xâm như được ngồi trên ánh sáng, tắm trong ánh trăng. Tất cả, ánh trăng rằm trên bầu trời Tổ quốc, con thuyền trên dòng sông quê hương và những tướng lĩnh của cuộc kháng chiến, tiêu biểu nhất là Hồ Chí Minh đã hòa hợp với nhau, cùng tỏa sáng cho nhau trong sức sống thanh xuân, trong niềm lạc quan và niềm tin chiến thắng.

Có thể nói, nếu bài Cảnh khuya thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu nước, mối lo âu và tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp của đất nước thì bài “Nguyên tiêu” vừa nối tiếp vừa nâng cao những cảm hứng ấy của Bác Hồ, đồng thời thể hiện rõ hơn tinh thần chủ động, phong thái ung dung, lạc quan, niềm tin vững chắc ở sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ, người chiến sĩ – người nghệ sĩ Hồ Chí Minh. Bài thơ vừa mang âm điệu cổ điển vừa thể hiện tinh thần thời đại, khoe khoắn, trẻ trung. Nhờ đó, đêm rằm tháng Giêng năm 1948 ấy vốn đã sáng, càng thêm sáng vì có nhiều niềm vui tỏa sáng…

Xem thêm: Phân tích thiên nhiên trong Cảnh khuya và Rằm tháng Giêng

    Hi vọng rằng dàn ý chi tiết cùng bài tham khảo phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng Giêng trên đây sẽ giúp các em có được bài phát biểu cảm nghĩ hay nhất. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 7 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button