Tuyển chọn những bài văn mẫu phân tích nhân vật Phan Bội Châu trong Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu hay nhất giúp các em học sinh lớp 7 tham khảo.
Đề bài: Phân tích nhân vật Phan Bội Châu trong truyện Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu
Bài mẫu 1
Khi còn ở bên Pháp, Bác của chúng ta viết nhiều truyện ngắn. Trong đó có chuyện “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”. Nội dung tư tưởng của câu chuyện chủ yếu được thể hiện qua câu trò chuyện giữa tên Toàn quyền Đông Dương và nhà cách mạng. Và đặc biệt trong cuộc trò chuyện đầy miễn cưỡng này, sự im lặng của Phan Bội Châu đã làm cho nội dung tác phẩm mang ý nghĩa sâu sắc nhiều hơn.
Va-ren là người Pháp, hắn được Chính phủ cử sang làm Toàn quyền ở xứ Đông Dương. Để lấy lòng quần chúng và để yên vị với chức vụ mới của mình, Va-ren hứa sẽ đem lại tự do cho nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Câu chuyện của Nguyễn Ái Quốc xoay quanh nội dung như thế. Và tất nhiên, nó chỉ là một câu chuyện bịa. Nhà văn tưởng tượng ra câu chuyện để lật tẩy bộ mặt của Va-ren và cũng là để ca ngợi nhân cách của một con người – nhà yêu nước họ Phan.
Cao trào của câu chuyện bắt đầu khi nhà văn để cho hai nhân vật chính diện với nhau. Tên toàn quyền thì cứ khua môi múa mép, hết sức “tỏ bày” mong thuyết phục được nhà cách mạng của chúng ta. Ngược lại Phan Bội Châu cứng rắn, lặng thinh và nếu có thể coi đó là một hành động phản ứng lại thì cũng chỉ là một nhếch ria mép mà thôi.
Sự im lặng của Phan Bội Châu là một sự im lặng đầy ý nghĩa. Bởi trước hết, biết nói gì đây khi cuộc trạm chán lại là giữa hai con người hoàn toàn đối ngược nhau về bản chất. Một con người đã phản bội lại giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ta khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình. Còn ở phía bên kia là “con người đã hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cưóp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn bị lũ này săn đuổi..”. Trong hoàn cảnh ấy, giả sử Phan Bội Châu có cất lên lời thì e sẽ có một cuộc cãi vã lớn xảy ra, và có khi còn kèm theo những lời nhại báng và văng tục. Trong hoàn cảnh ấy có lẽ im lặng là cách tốt nhất để không bị nhơ bẩn cái nhân cách của chính mình.
Cũng còn lý do khác khiến nhà chí sĩ yêu nước của chúng ta im lặng. Chúng ta hãy nghe lại những lời hùng biện của Va-ren: cũng thấy hắn nhắc đến tự do nhưng đó lại là một cuộc tự do “đổi chác”, Phan Bội Châu muốn được tự do ư? Điều ấy không khó. Thế nhưng muốn được như vậy “ông lấy danh dự hứa với tôi là sẽ trung thành với nước Pháp, hãy cộng tác, hãy hợp lực với nước Pháp để tiến hành ở Đông Dương một sự nghiệp khai hóa và công lý”. Ôi! một người có thể hy sinh cả cuộc đời để mong những điều tốt đẹp cho xứ sở Đông Dương mà lại bắt tay với ke thù xâm lược hay sao? Điều ấy rõ ràng là không thể.
Như vậy sự im lặng của Phan Bội Châu thực sự đã và đang là câu trả lời kiên quyết nhất. Nó phủ định tất cả những lời ngoa ngôn xảo quyệt của Va-ren. Nó là lời đáp trả thông minh vươn hơn hẳn về nhân cách của một con người ngang tàng đầy khí phách. Cách ứng xử ấy cũng cho ta thấy lòng yêu nước thủy chung son sắt của một con người trọn đời gắn bó với đất nước, quê hương.
Bài mẫu 2 – Phân tích nhân vật Phan Bội Châu
Trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết rất nhiều tác phẩm có tính chiến đấu mạnh mẽ, cổ vũ, động viên phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong nước. Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là một trong những tác phẩm như vậy. Tác phẩm đã vạch trần bộ mặt gian trá, lố bịch, đê hèn của Va-ren, hắn chính là đại diện tiêu biểu cho lũ thực dân cướp nước. Nhưng nổi bật hơn, đẹp đẽ hơn chính là Phan Bội Châu một thiên sứ, một vị anh hùng dám xả thân vì độc lập dân tộc, kiên cường, bất khuất, tiêu biểu cho khí phách của dân tộc Việt Nam.
Phan Bội Châu là lãnh tụ cách mạng theo con đường dân chủ nổi bật những năm đầu thế kỉ XX. Trong quá trình hoạt động cách mạng ông đã bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt (1913). Năm 1925 ông bị bắt cóc ở Trung Quốc, bị giải về giam ở Hỏa Lò, chờ ngày xử án. Trước sức ép của dư luận, bọn chúng đã phải thả cụ ra và giam lỏng cụ ở Huế cho đến ngày cụ qua đời. Trong khi đó, Va-ren chuẩn bị sang Đông Dương nhận chức toàn quyền và hắn hứa sẽ quan tâm, chăm sóc cụ Phan Bội Châu. Trước hoàn cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc đã viết tác phẩm nhằm mục đích cổ động phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi thả Phan Bội Châu và vạch trần bản chất bịp bợm của toàn quyền Va-ren.
Nếu như với Va-ren tác giả sử dụng những ngôn từ mang tính mỉa mai, châm biếm như: phản bội giai cấp, kẻ phản bội nhục nhã thì với Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc sử dụng những từ ngữ hết sức đẹp đẽ, trân trọng: người đồng bào tôn kính, bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân, … những từ ngữ đó là hoàn toàn chính xác để nói về Phan Bội Châu, người sẵn sàng xả thân, hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc.
Để làm nổi bật chân dung người anh hùng Phan Bội Châu tác giả luôn miêu tả nhân vật trong tư thế song song với tên Va-ren. Phẩm chất của cụ được bộc lộ rõ nhất trong cuộc chạm trán với Va-ren, được tác giả đánh giá là “một tấn kịch”, “một cuộc chạm trán” giữa “một kẻ phản bội nhục nhã” với “một vị thiên sứ”. Trong cuộc đụng độ đó chỉ có Va-ren nói, còn Phan Bội Châu thì hoàn toàn im lặng. Sự im lặng đó mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Trước hết thể hiện thái độ dửng dưng, khinh thường của Phan Bội Châu với Va-ren. Những lời hù dọa hoặc nịnh nọt của Va-ren chẳng thể lọt vào tai cụ Phan, không phải vì cụ không hiểu, mà bởi những lời của kẻ phản bội giai cấp chỉ làm cụ cảm thấy đáng khinh thường. Những lời của Va-ren bởi vậy mà chẳng khác gì “nước đổ lá khoai”. Không chỉ vậy sự im lặng của cụ Phan còn thể hiện thái độ khinh bỉ: “đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua vậy”. Thái độ khinh bỉ được đẩy lên một cấp độ cao hơn nữa khi ở những dòng T.B tác giả đã cho thấy phản ứng quyết liệt của cụ Phan khi nhổ vào mặt Va-ren, đến đây, sự khinh bỉ đã được đẩy lên đến tột cùng. Thái độ, cách ứng xử của cụ Phan Bội Châu cho thấy phẩm chất cao đẹp trong con người cụ: suốt một đời hi sinh, cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, dù có những lời dụ dỗ, có những lời đe dọa nhưng tất cả chúng không thể lay chuyển ý chí sắt đá của ông với sự nghiệp cứu nước. Đây là cốt cách của bậc đại trượng phu “Uy vũ bất năng khuất, phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di”. Sự im lặng của Phan Bội Châu cũng chính là điều kiện để Va-ren bộc lộ rõ hơn nữa bản chất của mình. Chỉ mình hắn thao thao giảng giải, khuyên răn, lấy hết tấm gương này đến tấm gương khác để cho Phan Bội Châu bị thuyết phục. Hắn càng nói, lại càng lộ rõ bản chất của một kẻ bịp bợm, phản trắc, một tên thực dân cáo già.
Dù không được miêu tả nhiều trong tác phẩm nhưng với một vài nét phác họa, cùng nghệ thuật đối lập, Nguyễn Ái Quốc đã cho thấy rõ chân dung của Phan Bội Châu. Ông là người kiên cường, bất khuất, xứng đáng là vị thiên xứ, người anh hùng, tiêu biểu cho khí phách dân tộc Việt Nam.
Bài mẫu 3 – Phân tích nhân vật Phan Bội Châu
Truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu cùng nhiều tác phẩm khác nữa mà Bác Hồ viết với bút danh Nguyễn Ái Quốc vẫn có giá trị như một áng văn Việt Nam đích thực, góp phần làm sôi động thêm dòng chảy của văn chương dân tộc. Đọc truyện, chúng ta cảm nhận thật rõ ràng hai hình tượng nhân vật đối lập nhau: đó là những nhân chứng lịch sử và những nhân cách con người. Tác giả đã tố cáo Va-ren, một chính khách thực dân xảo quyệt, một kẻ phản bội nhục nhã đồng thời ca ngợi phẩm chất anh hùng của Phan Bội Châu, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc. Tìm hiểu hình tượng nhân vật Phan Bội Châu, ta cũng hiểu cả tấm lòng yêu nước và tài năng văn chương của tác giả.
Với kẻ thù – tiêu biểu là toàn quyền Va-ren – ngòi bút của Nguyễn Ái Quốc mang tính chiến đấu mạnh mẽ bao nhiêu thì với người anh hùng dân tộc Phan Bội Châu, ngòi bút ấy mềm mại, trân trọng bấy nhiêu. Hình tượng Phan Bội Châu được miêu tả rõ nét, luôn song song với nhân vật Va-ren, như một đối chứng của hai màu sắc chọi nhau của một bức vẽ. Điệp ngữ…trong bốn tuần lễ đó Phan Bội Châu bị giam trong tù… Trong khi đó thì Phan Bội Châu vẫn nằm tù nhấn đi nhấn lại cái hoàn cảnh khổ cực của cụ Phan, cũng đồng thời bày tỏ một tình cảm xót thương. Thương xót và trân trọng, ngợi ca, âm điệu trữ tình ấy thấm đẫm trong từng câu chữ. Đối chiếu hai sự việc, hai con người để tố cáo tâm địa xảo quyệt của Va-ren. Hắn cố kéo dài thời gian giam hãm cụ Phan Bội Châu như để uy hiếp tinh thần cụ, buộc cụ từ bỏ ý chí đấu tranh.
Hắn hứa chăm sóc cụ Phan Bội Châu đó là lời hứa nửa chính thức do sức ép của công luận ở Pháp và Đông Dương mà thôi. Thực chất nham hiểm, xảo quyệt của hắn đã bộc lộ sâu sắc và rõ nét khi chạm trán với Phan Bội Châu.
Trong suốt buổi gặp, để mặc cho Va-ren diễn thuyết với bao nhiêu lời hoa mĩ, ngọt ngào, cụ Phan chỉ im lặng, dửng dưng. Tai cụ không nghe, nét mặt cụ bình thản, cụ ngồi… im như một pho tượng… làm cho Va-ren sửng sốt cả người. Đấy chính là tư thế hiên ngang bất khuất của người chiến sĩ thể hiện cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù, phủ nhận, bác bỏ mọi âm mưu ma chước quỷ xảo trá của bọn ngoại xâm, Kil ngọn râu mép của Phan Bội Châu nhếch lên một chút – theo lời anh lính dõng kể – nhất là lúc cụ nhổ vào mặt Va-ren, như lời một nhân chứng thứ hai quả quyết, thì cuộc chiến trở nên quyết liệt. Người anh hùng ấy đã chiến thắng. Bởi vì, đối với Phan Bội Châu, tất cả lời lẽ và thái độ của Va-ren chỉ là một trò… lố bịch, một trò hề! Có thể nói, trong truyện ngắn này, hình tượng Phan Bội Châu được khắc hoạ bằng một ngòi chấm phá kiểu Á Đông. Chỉ vài nét vừa tả, vừa gợi, nhân vật đã nỗi lên, rõ rệt một chân dung, một thần thái có đủ phẩm chất, tính cách. Phan Bội Châu, đó là người chiến sĩ hiên ngang, bất khuất trước mọi mưu mô nham hiểm, thâm độc của kẻ thù. Phan Bội Châu, đó là bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vô cùng đáng kính.
Viết về nhân vật Phan Bội Châu, tác giả đã dành những từ ngữ đẹp nhất: khi gọi cụ là người đồng bào tôn kính của chúng ta, con người đã hi sinh cả gia đình và của cải…, lúc nâng lên tầm cao của bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân. Đó là cách định danh của thần thánh.
Miêu tả thái độ và cử chỉ Phan Bội Châu trước những lời lố bịch của Va- ren, tác giả đã đập thẳng vào mặt kẻ thù của cụ Phan cũng là kẻ thù của cả dân tộc, những đòn chí mạng. Đó là lưỡi gươm sắc bén mà người thanh niên yêu nước đã vung lên trong buổi đầu chiến đấu chống thực dân vì độc lập tự do của dân tộc.
Cử chỉ hành động của nhân vật Phan Bội Châu được miêu tả không nhiều, nhưng ta vẫn thấy nổi bật lên hai hình tượng nhân vật đối chọi nhau như bóng tối và ánh sáng: một kẻ tiểu nhân, phản bội và một người anh hùng trung thành với lí tưởng, hiên ngang, bất khuất. Đó là những nhân chứng lịch sử, những nhân cách con người mãi mãi không phai mờ. Đằng sau hai hình tượng ấy là tấm lòng của Nguyễn Ái Quốc; vừa căm thù thực dân xâm lược vừa yêu nước thiết tha. Tấm lòng ấy được thể hiện qua ngòi bút chiến đấu sắc sảo độc đáo: miêu tả sinh động, dùng từ linh hoạt, tự nhiên, trào phúng, nhất là nghệ thuật khắc hoạ nhân vật, tạo tình huống bất ngờ…
Truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu có nguyên văn bằng tiếng Pháp, được viết cách đây trên nửa thế kỉ. Những nhân vật, những sự việc đã đi vào quá khứ. Song vừa đọc, vừa nghiền ngẫm, ta thấy Phan Bội Châu, rất xứng đáng được dân tộc Việt Nam tôn kính. Đặc biệt, ngòi bút châm biếm độc đáo của tác giả Nguyễn Ái Quốc, ngay từ những ngày đầu cầm bút, đã xứng đáng một nhà văn – chiến sĩ yêu nước.
*****
Trên đây là các bài văn mẫu phân tích nhân vật Phan Bội Châu trong Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu mà các em có thể tham khảo để hoàn thiện bài làm của mình. Để ôn tập lại những kiến thức về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, các em có thể xem lại soạn bài Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu
Ngoài ra, các em học sinh lớp 7 có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 7 hay khác tại doctailieu.com để học tốt môn Văn nhé! Chúc các em luôn học tốt!