Giáo dục

Viết bài văn số 2 lớp 10 đề 4

Viết bài tập làm văn số 2 lớp 10 đề 4 – Với đề bài này, em hãy nhớ lại những kỷ niệm với gia đình, thầy cô, bạn bè,… và vận dụng kỹ năng, kiến thức đã học để kể lại câu chuyện với ngôi thứ nhất.

Để làm bài tốt hơn, mời các em tham khảo bài hướng dẫn chi tiết dưới đây của THPT Ngô Thì Nhậm nhé!

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất

Bạn đang xem: Viết bài văn số 2 lớp 10 đề 4

Đề bài: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất.

Dàn ý chung viết bài văn số 2 lớp 10 đề 4

1. Mở bài

– Giới thiệu mối quan hệ của bản thân với người mà mình đã có được kỉ niệm giàu ấn tượng và sâu sắc (ông bà, cha mẹ, bạn bè, thầy cô…).

– Kể lại hoàn cảnh nảy sinh kỉ niệm ấy.

2. Thân bài

* Giới thiệu chung về tình cảm của bản thân với đổi tượng.

* Kể về kỉ niệm.

– Câu chuyện diễn ra vào khi nào ?

– Kể lại nội dung sự việc.

+ Sự việc xảy ra thế nào ?

+ Cách ứng xử của mọi người ra sao ?

– Kỉ niệm ấy đã để lại trong bản thân điều gì? (Một bài học, thêm yêu quý ông bà, bạn bè, thầy cô hơn…).

3. Kết bài

– Nhấn mạnh lại ý nghĩa của kỉ niệm ấy.

– Tự hào và hạnh phúc vì có được người ông (bà, cha mẹ, bạn, thầy cô …) như thế.

Dàn ý bài văn kể chuyện gặp lại cô giáo

I. Mở bài

– Giới thiệu về đối tượng được kể bằng ngôi thứ nhất (gợi ý bài làm: Cô giáo)

– Trình bày hoàn cảnh gợi nhớ lại kỉ niệm (nằm mơ thấy cô, tình cờ gặp lại cô hoặc hỏi thăm được tin tức về cô,…) (gợi ý bài làm: Tình cờ gặp lại cô khi đi công tác, hai người đã trở thành đồng nghiệp)

II. Thân bài

1.    Cảm xúc khi gặp lại cô (dùng ngôi thứ nhất, xưng tôi trực tiếp nói lên cảm xúc)

– Vui mừng, xúc động, hạnh phúc khi gặp lại cô (Chạy tới chào hỏi, ôm lấy cô, hỏi thăm cô..)

– Mừng rỡ khi cô vẫn còn nhận ra mình

– Hai cô trò ôn lại kỉ niệm, mừng mừng tủi tủi, vô cùng xúc động.

2.    Hồi tưởng lại hình ảnh của cô giáo (dùng ngôi thứ nhất xưng tôi để kể chuyện)

– Tên, tuổi, ngoại hình (nhấn mạnh vào đặc điểm ngoại hình mà mình ấn tượng nhất về cô: đôi mắt, mái tóc, làn da,..), cử chỉ, giọng nói,…

– Tính cách của cô: Dịu dàng nhưng cũng vô cùng cương quyết, mạnh mẽ

→ Tôi không bao giờ quên được hình bóng của cô.

3.    Kỉ niệm sâu sắc cùng cô.

– Thời gian: Đó khi tôi vừa bước chân vào trường THPT.

– Học ở ngôi trường mới, bạn bè mới, chương trình học mới khó hơn, nặng hơn khiến tôi không thể thích nghi ngay, bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng và áp lực, chán nản và không muốn tới trường.

– Bố mẹ đặt nhiều kì vọng, bạn bè mới chưa thân quen nên không biết chia sẻ cùng ai.

– Cô giáo là người đã tinh tế nhìn ra vấn đề tôi đang gặp phải

– Cuối giờ học, cô gặp tôi để trò chuyện, cô tỏ ra rất đồng cảm với tôi, cô giúp tôi có những suy nghĩ tích cực hơn.

– Trong mỗi tiết học, cô quan tâm chú ý tôi, giảng cho tôi cặn kẽ những điều tôi còn chưa hiểu, cô còn chủ động nhờ các thầy cô giáo bộ môn kèm thêm cho tôi.

– Cô thường xuyên cử tôi tham gia các hoạt động tập thể của lớp giúp tôi tự tin và thân thiết hơn với các bạn.

– Cô liên lạc với bố mẹ tôi về tình hình của tôi, chia sẻ để bố mẹ tôi cùng quan tâm, động viên tôi.

– Nhờ có cô giúp đỡ tôi học hành tiến bộ, tự tin, hòa đồng hơn, lấy lại được tâm thế và phong độ của mình.

– Một thời gian sau cô chuyển trường, hai cô trò không còn liên lạc được với nhau.

→ Mỗi lần nhìn lại quãng thời gian đã qua, lại nhớ ngay đến những khoảnh khắc của quãng thời gian đó, nhớ lại những kỉ niệm bên cô, được cô dẫn dắt từ bóng tối ra ngoài ánh sáng.

4.    Cảm xúc của mình khi nhớ lại kỉ niệm đó

– Đó là kỉ niệm suốt đời không bao giờ quên vì nó gắn với một bước ngoặt lớn của cuộc đời

– Nhớ và biết ơn cô rất nhiều vì đã giúp mình vượt qua thời gian khủng hoảng

– Kính trọng và cảm phục vì sự tâm, tận lực, yêu nghề, yêu học sinh của cô.

5.    Cảm xúc khi chia tay cô

– Cô trò bịn rịn lưu luyến

– Hứa hẹn ngày gặp mặt.

III. Kết bài

– Khái quát lại tình cảm thầy trò gắn với kỉ niệm được cô dìu dắt qua khỏi thời gian khủng hoảng của năm đầu cấp

– Tự hứa với lòng mình, thầm hứa với cô sẽ trở thành một người giáo viên tốt như cô.

Bài văn mẫu viết bài tập làm văn số 2 lớp 10 đề 4 – Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất.

Bài văn mẫu 1

Mẹ tôi!

Ba mẹ tôi chia tay từ sớm, mẹ đưa tôi rời bỏ quê hương đến một vùng đất mới để sinh sống. Khi ấy tôi còn nhỏ tôi chưa biết thế nào là cực khổ, vất vả, tôi chỉ biết gia đình tôi nghèo hơn những gia đình khác. Nếu mâm cơm bình thường mọi nhà mỗi người sẽ có một quả trứng, thì nhà tôi chỉ có duy nhất một quả cho hai mẹ con. Nếu nhà mọi người được làm bằng gỗ, láng si măng thì nhà tôi được quây lại bằng những phên nứa ọp ẹp mà chỉ cần một cơn mưa to là có thể đổ ập. Nhưng mẹ tôi là một người phụ nữ kiên cường. Những năm đói khổ ấy mẹ vẫn vững vàng trước mọi giông tố nuôi tôi khôn lớn.

Mẹ tôi nhỏ người, thấp và gầy. Khuôn mặt mẹ tròn và những đường nét trên mặt rất đẹp. Dù phải chịu nhiều vất vả, khổ cực nhưng cũng không làm phai mờ nét đẹp đó của mẹ. Đôi lông mày đen dài dài, uốn cong cong, ôm trọn lấy đôi mắt trong, sáng và có hồn. Đôi mắt mẹ, tôi ít thấy tươi vui, trong mắt ngập đầy nỗi buồn và ưu tư. Nhưng cũng có đôi khi tôi thấy đôi mắt ấy cười, nhất là những ngày mẹ đi làm được nhiều tiền hơn, hôm ấy bữa ăn đủ đầy và nhìn thấy tôi ăn ngon miệng, hết bát này đến bát khác. Niềm vui của mẹ thật bình dị. Da mẹ trước đây rất trắng, hồng hào, tôi đã từng xem một bức ảnh của mẹ, nhưng từ ngày dời quê hương, phải vất vả kiếm sống da mẹ đã sạm dần, những vết nhăn cũng xuất hiện trên mặt. Tôi thích giọng mẹ nói, giọng mẹ hát ru. Những trưa hè nghe tiếng mẹ ru ngọt ngào: “Đôi làn môi con ….” Dù có nóng nực cũng khiến tôi chìm sâu vào giấc ngủ.

Những năm đầu sống ở đây cuộc sống của hai mẹ con rất chật vật, vất vả. Mẹ tôi làm đủ nghề, đi chợ huyện, bán hàng,… để trang trải cuộc sống. Mẹ hay cáu gắt và khe khắt với tôi. Bất cứ lỗi nào, dù nhỏ mẹ cũng mắng và tệ hơn là đánh. Đôi khi tôi rất ghét mẹ, vì mẹ đã đối xử tệ bạc với tôi. Nhưng tôi đâu thấu hiểu nỗi lòng của một bà mẹ phải tự mình nuôi con. Sợ tôi được nuông chiều đâm hư hỏng, nên mẹ khắt khe với tôi hơn những người mẹ khác.

Nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi chính là ngày hôm ấy. Trước khi mẹ được nhận làm giáo viên ở trường mầm non và cuộc sống hai mẹ con bớt chật vật, sáng nào mẹ cũng dậy từ 3 giờ, đi chợ huyện để bán hàng. Hôm ấy như mọi ngày mẹ đi chợ vào sáng sớm và để tôi ở nhà tự lo liệu mọi việc. Nhưng hôm ấy thay vì như mọi lần tôi ở nhà ngoan ngoãn, đợi mẹ về thì tôi lại cùng chúng bạn vào rừng lấy củi từ sớm. Tôi muốn tạo cho mẹ một bất ngờ, tôi muốn cho mẹ thấy tôi đã trưởng thành và có thể giúp đỡ của mẹ. Mọi chuyện vẫn êm đẹp nếu tôi không nổi hứng cùng chúng bạn nhảy xuống sông nghịch nước. Ban đầu tôi men ở gần bờ, rồi sau đi ra ngày một xa mà không hề biết. Tôi bất ngờ trượt chân vào vùng nước sâu, tôi chới với, khua chân, đập tay cầu cứu. Rồi tôi lả dần, lịm đi và không còn biết gì nữa.

Có lẽ sau đó ai đấy nhìn thấy nên đã ra cứu tôi, mang tôi về nhà, có lẽ lúc ấy tôi đã như một con cá mắc cạn, người lả đi, môi tím tái. Tôi không biết gì cả cho đến sáng hôm sau, lờ mờ mở mắt ra thì thấy mẹ ngủ gục bên cạnh. Trên mặt mẹ vẫn còn ướt đẫm nước mắt, những giọt nước mặt vẫn còn vương trên mi, tay mẹ nắm chặt lấy tay tôi. Tôi thấy người mỏi và nóng nên khẽ cựa mình. Thấy tôi cử động, mẹ choàng tỉnh, cuống cuồng hỏi han và ôm lấy tôi. Mẹ ghì chặt tôi vào lòng, có cảm giác tôi không thể thở được nữa. Có lẽ mẹ sợ mất tôi. Người thân duy nhất còn lại bên mẹ. Mẹ để tôi nằm xuống không mắng mỏ, không quát tháo, chỉ nhìn, nhìn thấu tôi,… đôi mắt vừa sầu bi, buồn thảm vừa vui mừng,… tôi không biết diễn tả sao cho hết ánh mắt ấy. Chỉ biết đến tận bây giờ tôi vẫn ám ảnh.

Một đêm thức chăm tôi mẹ gầy rộc đi, có lẽ vì lo cho tôi mà mẹ gầy nhanh đến vậy, mẹ bỏ bê cả buôn bán, chợ búa – việc mà mẹ yêu nhất trên đời, mẹ chưa bỏ buổi chợ nào kể cả những ngày mưa bão hãy gió lạnh. Mẹ ở nhà quanh quẩn bên tôi, tôi cần gì mẹ sẽ đem đến tận nơi. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ mình như vậy. Nhà tôi vốn nghèo nên chẳng có gì tẩm bổ, nên những bữa cơm hôm đó mẹ nhường cả quả trứng bé tí hon cho tôi ăn. Mẹ chỉ ăn rau và luôn nói, có rau là đủ chất rồi. Còn tôi, tôi lại nghĩ rằng đó là mẹ nói thật, tôi ăn hết cả quả trứng mà chẳng hề suy tư, chẳng hề biết rằng đó là lời mẹ nói dối. Mãi sau này khi lớn lên, khi đã hiểu chuyện hơn tôi mới thấu hiểu những lời mẹ mắng, những lần mẹ đánh và cả những lời mẹ nói dối khi xưa.

Giờ cuộc sống của hai mẹ con đã dần ổn hơn, mẹ đã không còn vất vả như xưa nữa. Nhưng mỗi lần nghĩ về mẹ, nghĩ về những năm tháng nhọc nhằn nuôi tôi khôn lớn tôi lại thầm cảm ơn mẹ. Nếu không có mẹ có lẽ sẽ không có tôi mạnh mẽ, trưởng thành và khôn lớn như ngày hôm nay. Cảm ơn mẹ của con.

Bài văn mẫu 2

Trong cuộc đời mỗi người chắc hẳn ai cũng đều có người để yêu thương và quý mến nhưng đã có ai từng nghĩ: “Ai là người mình yêu nhất và ai là người để lại cho mình những kỉ niệm không thế phai mờ?”. Đối với mọi người có thể người ấy là bạn thân, ông bà hay anh, chị, em nhưng riêng đối với tôi, người mà tôi luôn yêu mến và mãi sẽ yêu là Mẹ – người đã trao cho tôi cuộc sống.

Mẹ tôi năm nay đã gần bốn mươi tuổi. Mọi người vẫn khen mẹ tôi trẻ và xinh nhưng đôi khi tôi gần mẹ, tâm sự với mẹ, tôi thấy mẹ như đã già đi nhiều. Đôi mắt mẹ ánh lên vẻ ấm áp, trìu mến, giờ đây đã xuất hiện nhĩíng vết chân chim. Vầng trán mẹ đã có nhiều nếp nhăn. Nổi bật nhất trên khuôn mặt mẹ là chiêc mũi cao dọc dừa và đôi môi đỏ. Tôi vẫn còn nhớ như in những nụ hôn ấm áp mẹ trao cho khi tôi còn bé. Làn da mẹ mềm mại, trắng hồng nhưng đã điểm những nốt tàn nhang của tuổi bốn mươi. Trước đây, khi tôi còn nhỏ, mẹ có mái tóc dài, mượt mà, mái tóc đen của mẹ như một đoạn của dải của Ngân Hà, đen mượt và óng ả. Khi tôi học lớp Năm, mẹ tôi đã thay đổi kiểu tóc, mẹ đã cắt mái tóc dài và thay vào đó là mái tóc xoăn. Mái tóc ngắn, xoăn, màu nâu đỏ thả bồng bềnh trên vai có lẽ hợp với khuôn mặt trái xoan của mẹ hơn, nhưng tôi vẫn thích mẹ để tóc dài như trước.

Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên tôi đi học. Tối hôm đó, sau bữa tối, mẹ đã mang vào phòng tôi một bọc quà rất to. Tôi cứ nghĩ là được mẹ mua cho đồ chơi hay là một bộ lego mà tôi hằng mong muốn. Tôi háo hức mở bọc quà, thì ra đó toàn là sách, vở, đồ dùng học tập và có cả một chiếc cặp sách in hình siêu nhân mà tôi rất thích. Bộ đồng phục đã được mẹ là phẳng phiu. Mọi thứ đã sẵn sàng, tôi rất thích thú đợi đến ngày mai — ngày đầu tiên tôi gấp thành nêp và được xếp lại ngay ngắn bước vào lớp Một. Sáng hôm sau, mẹ âu yếm dắt tôi đến trường. Tôi vẫn nhớ cảm giác hồi hộp và lo sợ lúc đó, tôi không biết mình sẽ làm gì và mình sẽ như thế nào khi không có mẹ ở bên. Rời tay mẹ, tôi bước vào cổng trường, tôi thấy mình thật bơ vơ và lạc lõng. “Cố lên con, rồi con sẽ quen với cô giáo và các bạn.

Mẹ ôm tôi vào lòng âu yếm: “Con lớn rồi mà, từ hôm nay con đã là học sinh lớp Một rồi. Hãy tự tin lên nào!”. Tôi nghe lời mẹ, vào lớp học. Ngày hôm đó đối với tôi thật dài, tôi rất nhớ mẹ, chưa bao giờ tôi lại thấy yêu mẹ và cần mẹ hơn lúc này.

Đã tám năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên đi học nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh thân thương của mẹ và những cảm xúc của mình trong cái ngày đáng nhớ ấy. Mẹ đã giúp tôi tự tin, vững vàng bước những bước đi đầu tiên trên con đường tri thức.

Đã có lần, tôi vô lễ với mẹ và tôi nhớ mãi để không bao giờ tái phạm nữa. Tôi còn nhớ như in, đó là một ngày mưa, khi tôi còn là một cậu học sinh lớp Sáu. Tôi đi học về với một vẻ mặt buồn bã. Mẹ rất quan tâm, mẹ hỏi han rất nhiều. Nhưng vi quá bực bội nên tôi đã gắt lên với mẹ: “Con ghét mẹ lắm, mẹ đừng nói nữa!”. Nói rồi tôi bật khóc và chạy lên phòng, đóng sập cửa lại. Tôi khóc rất to, mắt đã đỏ hoe. Chỉ vì thằng bạn thân hiểu nhầm tôi mà chúng tôi cãi nhau to. Cả ngày hôm nay, tôi không có tâm trí nào mà tập trung vào việc học được nữa và hậu quả là tôi đã không làm được bài kiểm tra môn Toán. Nghĩ đến những việc đó, đầu óc tôi lại như phát điên. Tôi nằm bẹp suốt một giờ đồng hồ. Cảm giác cô đơn và lạnh lẽo khiến tôi tỉnh táo hẳn. Tôi nghĩ đến mẹ, nghĩ đến câu mình vừa nói với mẹ. Trời ơi, tôi đã mắc phải một sai lầm lớn! Tại sao mình lại có thể nói vô lễ với người luôn yêu thương, chăm sóc mình được chứ? Tôi ân hận lắm! Chỉ vì bị bạn hiểu lầm mà tôi đã trút giận lên mẹ. Tôi bật dậy, định chạy ra ngoài xin lỗi mẹ thì mẹ tôi đã mở cửa phòng bước vào. Như đoán được suy nghĩ của tôi, mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và ngồi xuống bên tôi. “Mẹ ơi, con xin lỗi, con sai rồi!”. Tôi nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. Mẹ nhẹ nhàng vuốt tóc tôi rồi nói thật nhẹ nhàng: “Mẹ cũng có lỗi vì đã không thông cảm và hỏi han con”. Tôi rất ân hận vì đã làm mẹ — người tôi luôn yêu thương bấy lâu nay, phải buồn. Chính những lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ âu yếm của mẹ làm tôi thêm day dứt vì lỗi lầm của mình hơn. Tôi đã kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Mẹ đã an ủi và động viên khiến tôi phấn chấn hơn nhiều. Từ lần đó, tôi luôn tự hứa phải suy nghĩ kĩ trước khi nói và không được làm mẹ buồn nữa.

Có những lần tôi bị ốm, mẹ đã chăm sóc tôi tận tình và dành cho tôi tình yêu thương nồng ấm để tôi mau khỏi bệnh. Những đêm tôi ôn thi, mẹ đã thức cùng tôi, ở bên động viên và giúp tôi học.

Với tôi, mẹ như một làn mây che cho tôi mưa nắng, mẹ là ngọn lửa thôi thúc con tim tôi để vững bước trên đường đời. Dù mai đây nếu mẹ có mất đi thì trong tôi, mẹ luôn sống và theo tôi suốt cuộc đời.

Bài văn mẫu 3

Như một tín hiệu không rõ ràng cụ thể, thoắt thu sang, những hàng cây ven đường rùng mình đổi áo mới: Những chiếc lá vàng thấm đẫm hương vị ngọt ngào se lạnh của mùa thu lác đác bay. Mỗi lần, nhìn chiếc lá lìa cành chu du cùng cơn gió heo may, tôi lại nhớ đến ông nội. Những chuỗi kỷ niệm về ông như theo cái sắc vàng giòn tan của mùa thu ùa về trong tâm trí, khiến tôi không khỏi bồi hồi.

Ông tôi là một người mà tôi rất mực yêu mến và kính yêu. Thủa nhỏ, tôi hường hay tưởng tượng ông như một cây đại thụ: Cái dáng ông cao lớn, bàn tay to bè, làn da ngăm đen, sần sùi thô ráp, những nếp nhăn xô lại với nhau thành những kẽ nứt trên khuôn mặt có phần hơi khắc khổ vì gió sương cuộc đời. Ông tôi đặc biệt yêu thích cây, quanh nhà có một khu vườn mênh mông, gần như gom hết đủ thứ cây cỏ trên đời này: Từ cây cảnh đến cây ăn quả. Hồi bé, tôi chỉ thích về quê nội chơi, ăn no nên quả thơm trái ngọt, hay lừa lừ lúc ông không để ý mà vặt trộm bông hóa hiếm hoi của cây hoa cảnh, làm ông tiếc ngẩn ngơ.

Ông có thói quen ra vườn và nghe cây. Ông cứ đứng đó, giữa vườn cây, nhắm mắt, nghe cái âm thanh xào xạc, ngửi mùi đất hăng nồng, mùi nhựa cây chan chát. Ông tôi hay bịt mắt tôi giữa vườn cây, ông dạy tôi cách lắng nghe: Tiếng chim hót, tiếng ve, tiếng dế, tiếng là cây xào xạo khua lên những bản nhạc yên bình thôn dã. Không chỉ nghe, tôi còn cảm nhận nhiều hơn nữa từ thiên nhiên: Cái mát lành của gió mơn man, cái ran rát của nắng hè trên da, mùi đất, mùi nồng nồng của những con mưa hè vội vã… Ông tôi gọi cái giây phút tĩnh lặng đứng giữa vườn cây đó là “cảm nhận sự sống”.

Người già thường luôn có linh cảm về những giây phút cuối cùng của đời người. Một chiều, ông dần tôi ra vườn. Ông chỉ những chiếc lá vàng bay bay, nói “Đó là ông.” Ông chỉ những chiếc lá xanh non mỡ mang vẫn con trên cây “Đó là cháu”. Tôi hỏi tại sao. “Bởi một chiếc là bao giờ cũng phải tuân theo quy luật của tự nhiên. Muốn co lá xanh, lá vàng phải rụng. Lá xanh góp cái tươi non cho đời, rồi lại trở thành lá vàng. Con người cũng thế, hãy sống hết mình khi cháu hãy còn xanh, cháu nhé!”. Thuở bé ấy tôi còn bé quá, chưa hiểu triết lý gì sâu xa, chỉ thấy đôi mắt ông buồn buồn, cảnh vật dường như cũng ảo não theo. Những chiếc lá không còn cháy lên sắc vàng mật ngọt, chỉ còn một màu héo úa lặng lẽ bay.

Tôi rời xa ông, theo bố mẹ ra thành phố. Chuyện học hành, thi cử cuốn tôi đi, khiến cho những phút “cảm nhận sự sống” kia dường như xa lắm. Mọi thứ sang trọng, tiện nghi của cuộc sống thay thế cho cái dân dã, yên bình của thôn quê. Tôi quên ông như quên đi vườn cây, quên đi lá vàng…. Chiều chiều, khi những cánh chim bay về tổ ấm, những áng mây tìm chỗ trú ngụ bình yên nơi cuối trời, ông lặng lẽ thổi cơm. Lùa trệu trạo vào cái rau, con cá cho qua bữa, ông hay thẫn thờ nhìn ảnh bà tôi, thắp vài nén hương “Bà trên trời có linh phù hộ cho chúng nó làm ăn phát đạt, con cháu hay ăn chóng lớn”. Đắp chiếc chăn mỏng, tấm lưng to bè của ông rùng mình theo từng cơn gió lùa qua cửa sổ. “Đông về rồi đấy”, ông lẩm nhẩm, và trong căn nhà lạnh lẽo này, mùa đông cũng dài hơn.

Gia đình tôi có hiềm khích. Các chú dì đòi bán khu vườn của ông, lấy tiền đi làm kinh tế. Ông giận dữ “Khu vườn này của mẹ chúng mày, không được bán” Nhưng, chuyện người lớn, tôi cũng không thể tham gia và dần dần quên đi.

Vì lo lắng cho việc này, sức khỏe của ông giảm sút rõ rệt. Tôi đến thăm ông, nhắc ông giữ gìn sức khỏe rồi lại vội vàng đi ngay. Khu vườn vẫn xào xạc như nuối tiếc vẫy chào tôi. Để ý thấy, từ khi ông ngã bệnh, khu vườn thiếu bàn tay ông chăm sóc, xơ xác đi. Lá vàng rụng nhiều hơn, như đời người sắp tàn. Nhẹ nhàng và thanh thản, ông tôi ra đi, như chiếc lá lìa cành. Ngày đưa tang ông, trời mưa nhẹ. Tôi tưởng tượng ra rằng, vào những giây phút cuối, ông nghĩ đến hình ảnh một khu vườn xanh mướt ngập tiếng chim, tiếng cười trong trẻo của tôi, nụ cười hiền hậu của bà. Tôi bỗng thấy hụt hẫng quá, từ trước đến giờ, dường như tôi đã quên mất cái gì quan trọng lắm. Để bây giờ, khi ông ra đi, tôi mới thấy mất mát vô cùng, không có gì cứu vãn nổi. Nước mắt tôi cứ tự trò ra từ lúc nào không hay. Nhưng, chạy ra vườn, những đám lá vẫn xào xạc như vỗ về, ánh nắng, tiếng chim , lá cây… vẫn hiền hòa như thuở bé bé, tất cả như bao dung tha thứ. Và đâu đó, trên vòm cây cao kia, dường như vẫn còn vương nụ cười hiền hậu của ông dành cho tôi, tôi bất chợt thấy nhẹ nhõm, và bao phút giấy “Cảm nhận sự sống” xưa vẫn còn nguyên vẹn ùa về.

Đời người như chiếc lá. Thà huy hoàng chợt tắt còn hơn le lói trăm năm, như một thi sĩ nào đã nói. Trời thu xanh ngắt, lồng lộng. Biết đâu, ở trên cao kia, ông vẫn đang dõi theo tôi, mỉm cười.

Tham khảo:

  • Kể lại kỉ niệm sâu sắc về tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất
  • Kể lại kỉ niệm sâu sắc về tình bạn theo ngôi kể thứ nhất

***********

Trên đây THPT Ngô Thì Nhậm đã hướng dẫn viết bài tập làm văn số 2 lớp 10 đề 4 với nội dung kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các em trong quá trình học tập môn Ngữ văn lớp 10. Ngoài ra em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu hay khác:

  • Viết bài văn số 2 lớp 10 đề 1
  • Viết bài văn số 2 lớp 10 đề 2
  • Viết bài văn số 2 lớp 10 đề 3


[Văn mẫu 10] Viết bài văn số 2 lớp 10 đề 4: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button