Giáo dụcLớp 7

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em lớp 7 hay nhất

Cảm nhận về lễ đón giao thừa quê tôi

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em lớp 7 ngắn gọn, hay nhất bao gồm dàn ý chi tiết cùng 10 bài mẫu được THPT Ngô Thì Nhậm chọn lọc từ các bài văn đạt điểm cao sẽ giúp các em trau dồi vốn từ, củng cố kỹ năng viết bài văn biểu cảm của mình trở nên sinh động, cuốn hút hơn.

Đề bài: Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em lớp 7 hay nhất
Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em lớp 7 hay nhất

Dàn ý viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê tôi chi tiết

1. Mở bài

– Dẫn dắt, giới thiệu đối tượng miêu tả

2. Thân bài

a. Miêu tả khái quát

– Không khí ngày ba mươi thật khẩn trương và náo nức trong tiết trời giá lạnh.

– Mọi nhà đã chuẩn bị xong cho lễ đón giao thừa: bánh chưng xanh, mai, đào, quất được trang hoàng lộng lẫy, trên tường còn dán những câu đối đỏ.

– Người lớn trang trí lại nhà cửa, bắt đầu sắp mâm lễ, những mâm lễ truyền thống thể hiện niềm khao khát, ước mong.

– Trẻ con chạy đùa vui nhộn, háo hức xem bắn pháo hoa.

b. Miêu tả cụ thể cảnh đêm giao thừa

– Chuông đồng hồ đánh đúng mười hai tiếng. Từ các thôn xóm, đồng loạt pháo hoa nổ rầm trời, sáng rực lên như ban ngày.

– Mọi người nhìn nhau im lặng, nhắm mắt lại để không khí mùa xuân tràn đầy trong lòng, để hoà mình với không gian giao mùa.

– Trên bàn thờ tổ tiên, những nén nhang đã được thắp lên.

– Sau những giây phút thiêng liêng ấy, người ta rộn ràng rủ nhau đi hái cành lộc hay cùng nhau đi chơi.

– Âm nhạc nổi lên khắp nơi, những bài hát mùa xuân thay cho lời chúc của con người gửi đến thiên nhiên…

3. Kết bài

Cảm nghĩ về đêm giao thừa.

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em – Mẫu 1

Dường như, mỗi dịp Tết đến xuân về luôn mang đến cho chúng ta nhiều cảm xúc đặc biệt. Và trong suốt thời điểm ấy, có lẽ không khí đêm giao thừa ở quê chính là khoảnh khắc làm em thấy háo hức và rạo rực nhất.

Ở quê em, lễ đón giao thừa diễn ra thật sôi động và vui nhộn. Bà con trong xóm rủ nhau gói bánh chưng, tổ chức buổi liên hoan nhỏ để nhìn lại một năm đã đi qua với thật nhiều cảm xúc. Còn các ông bà lại ngồi hàn huyên, tâm sự với nhau về ngày Tết, về đêm giao thừa của thời xưa. Trái ngược với ông bà, bọn trẻ chúng em vẫn đang nô đùa, tung tăng cùng nhau. Đặc biệt, tất cả không quên đếm từng phút từng giờ để được nhìn thấy pháo hoa. Trong khi đó, bố mẹ lại đang tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên vào ngày cuối cùng của năm. Tuy vậy, ai nấy cũng đều rạng rỡ và hân hoan chào mừng một năm mới sắp đến.

Trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, bản thân em đã có thật nhiều cảm xúc mãnh liệt. Trước hết, đó là cảm giác háo hức, hân hoan sâu sắc mỗi khi chờ đón giao thừa. Đó còn là sự ấm áp, hạnh phúc khi được quây quần bên gia đình bước sang năm mới. Thế nhưng, trong phút giây ấy, em vẫn còn vương vấn chút buồn xen lẫn sự nuối tiếc về những điều mình chưa thể làm được ở năm cũ. Tuy nhiên, khoảnh khắc chào đón giao thừa, bản thân em cũng không quên gửi gắm hi vọng, ước mong về một năm mới thật nhiều may mắn, hạnh phúc.

Dẫu sao bản thân vẫn còn một đứa trẻ, thế nên cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, chào đón giao thừa là điều em luôn mong chờ và hân hoan nhất. Bởi em biết đêm giao thừa chính là thời khắc thiêng liêng để gia đình quây quần bên nhau chào đón năm mới.

Viết đoạn văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê tôi lớp 7
Viết đoạn văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê tôi lớp 7

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em – Mẫu 2

Tết là khoảng thời gian quý báu để mọi người vui vầy, quây quần bên nhau. Sau bao ngày xa cách, cuối cùng em cũng đã được đón giao thừa bên những người thân yêu. Mỗi lần nghĩ về kỉ niệm ấy, em đều cảm thấy xúc động, nghẹn ngào.

Chiều 29 Tết, vẫn như mọi ngày, em lại phụ mẹ nấu cơm. Bất ngờ ở ngoài cổng có tiếng gọi thân quen, em và mẹ đi ra ngoài thì thấy bố đang đứng đó. Em reo lên rồi chạy tới ôm chầm lấy bố.

Bố đi đóng quân xa, vài năm mới được về phép một lần. Tết này có bố về, cả gian nhà như rộn rã vui tươi hẳn lên. Sáng 30 tết, em cùng bố về quê thăm họ hàng và thắp hương mời các cụ về nhà ăn tết cùng con cháu. Không khí Tết rộn khắp mọi nẻo đường, ai nấy đều tất bật, háo hức, mong chờ một mùa xuân mới nhiều hạnh phúc. Em và bố trở về nhà. Mọi người cùng nhau bắt tay vào công việc đón Tết. Bố thì dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ cho thật sạch sẽ tinh tươm. Em thì phụ mẹ nấu cơm chuẩn bị đồ cúng lễ. Chiều đến, em cùng bố đi mua một cây đào thật đẹp để bày trong phòng khách. Có thêm cây đào, ngày Tết trở nên đủ đầy hơn hẳn. Bữa cơm tất niên thật đông vui và ấm cúng, lâu rồi ngôi nhà mới rộn ràng tiếng cười nói đến thế! Sau khi ăn xong, cả nhà cùng ngồi bên nhau xem các chương trình Tết và kể về những câu chuyện đã qua.

Đúng 12 giờ, trên bầu trời, từng đợt pháo hoa lóe lên đầy rực rỡ, xua tan đi không khí lạnh giá của mùa đông. Đứng trước thời khắc chuyển giao sang năm mới, em chợt thấy bồi hồi khó tả. Chưa bao giờ em cảm nhận rõ được không khí mùa xuân như lúc ấy. Giờ thì em đã hiểu tại sao thời khắc giao thừa lại thiêng liêng và quan trọng đến thế. Bởi đó là khoảng thời gian mọi người trong gia đình được sum họp sau những tháng ngày xa cách, rũ bỏ đi hết những muộn phiền trong suốt một năm qua. Mọi người trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, giúp cho tình cảm gia đình thêm gắn bó, bền chặt.

Đối với em, ngày Tết không chỉ là dịp để được nghỉ học, được ăn những món ăn ngon mà là cơ hội để cảm nhận trọn vẹn không khí gia đình. Chính vì vậy, ngày Tết luôn thật đặc biệt đối với em.

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em – Mẫu 3

Dù ở bất cứ đâu trên thế giới, chỉ cần là người Việt Nam thì có cách xa đến mấy cũng sẽ tìm về với quê hương để sum họp trong Tết. Và vẫn như mọi năm, cứ gần đến Tết, cả nhà em lại gác hết mọi công việc để về quê đón Tết với ông bà.

Quê em ở một vùng nông thôn trù phú nên không khí Tết nơi đây có thể cảm nhận rõ ràng hơn so với thành phố. Khắp các đường lớn lối nhỏ đi đâu cũng thấy những cây nêu, cây đào, cây quất được trang trí, chăng đèn thắp sáng ngày đêm. Đến ngày 30, gia đình mới có mặt đầy đủ mọi thành viên. Ai cũng nhanh chóng, khẩn trương bắt tay ngay vào dọn dẹp và nấu nướng. Mọi người vừa làm vừa chuyện trò rôm rả với nhau. Riêng trẻ con chúng em được đặc cách ngồi chơi cùng bà. Cả căn nhà thật ấm áp, rộn ràng xiết bao!

Người ta nói không bữa cơm nào ngon bằng bữa cơm sum vầy. Tiếng cười đùa, chúc tụng, cụng li vang lên không ngớt trong gian nhà cổ. Có lẽ, trong suốt những bữa cơm vội vã, khẩn trương hằng ngày, đến hôm nay mọi người mới có những giây phút thư thả để dành nhiều thời gian cho nhau hơn. Nhìn vẻ mặt hạnh phúc của ông bà, em biết chắc ông bà mong chờ ngày này lắm.

Đúng 12 giờ đêm, ông nội mặc một bộ áo the, khăn xếp đứng chắp tay trước mâm lễ cầu mong cho một năm mới nhiều sức khỏe, bình an cho con cháu. Sau khi đã làm lễ xong, chúng em xếp hàng lần lượt gửi những lời chúc thật ý nghĩa tới ông bà. Khoảng thời gian giao thừa cũng là lúc khiến em cảm nhận rõ nhất ý nghĩa của hai từ “sum họp”.

Đối với em, được trở về với ông bà, gặp gỡ người thân, họ hàng trong gia đình mỗi khi Tết đến xuân về là một niềm vui to lớn. Ngày Tết ở quê hương tuy giản dị nhưng thật đong đầy, hạnh phúc!

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em – Mẫu 4

Có lẽ, trong tâm trí của em, hình ảnh về lễ đón giao thừa ở quê thật mờ nhạt vì đã lâu lắm rồi, gia đình em chưa về thăm quê. Thế nhưng, năm nay, em lại có cơ hội được đón năm mới ở quê hương mình vì thế mà cảm xúc về Tết, về đêm giao thừa cũng thật đặc biệt biết bao.

Trở về quê sau một khoảng thời gian dài, em nhận ra quê hương đã có nhiều thay đổi. Tết ở quê trước đây đơn sơ vô cùng nhưng nay đã có nhiều đổi khác. Mọi thứ đủ đầy và tươm tất hơn. Song, dẫu có nhiều thay đổi nhưng hương vị Tết ở quê vẫn vậy, vẫn thật sâu sắc và đậm đà.

Đón giao thừa ở quê mang đến cho em thật nhiều cảm giác mới lạ, nó khác hẳn so với ở thành phố. Đó là khi em được tự tay gói nên những chiếc bánh chưng hơi méo mó nhưng đáng yêu vô cùng. Hay được cùng mẹ đi chợ tết ở quê với bạt ngàn hoa đào, hoa mai nở rực rỡ. Ngoài ra, chỉ khi đón giao thừa ở quê, em mới được nhìn thấy ông nội trang trí cây nêu ngày Tết tỉ mẩn và công phu như thế nào. Đặc biệt hơn, đây cũng là dịp gia đình em được hội ngộ cùng họ hàng, bạn bè sau nhiều năm xa cách. Em còn nhớ trong buổi tối hôm ấy, khuôn mặt ai nấy cũng phấn khởi, rạng rỡ vô cùng. Tất cả đều cảm thấy hạnh phúc và ấm áp vì được sum vầy bên nhau trước thềm năm mới.

Phải thừa nhận rằng, đón giao thừa ở quê năm nay mang đến cho em rất nhiều xúc cảm. Chưa bao giờ em háo hức và mong chờ được về quê đến thế. Cũng chẳng bao giờ lại thấy thích thú nhiều đến vậy khi được ngắm nhìn đường phố ở quê. Nhưng hơn hết, em cảm thấy thật hạnh phúc và trọn vẹn khi được sum vầy bên những người mà mình thực sự trân quý. Và chỉ khi được đón Tết ở quê, em mới có thể chậm rãi tận hưởng không khí ấm áp, vui vầy của ngày Tết. Dẫu có đi bao lâu, cách xa bao nhiêu năm đi nữa thì trở về quê hương, nhất là trong khoảnh khắc đặc biệt này, con người chúng ta sẽ thật bồi hồi, xao xuyến đến rạo rực.

Giờ đây, em đã hiểu được tại sao lễ đón giao thừa lại thiêng liêng đến thế. Hoá ra, đó không chỉ là giây phút tạm biệt năm cũ và chào đón một năm mới mà còn là khoảnh khắc quý giá để chúng ta được quây quần, đoàn tụ, được trở về quê hương yêu dấu.

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em – Mẫu 5

Trong thời khắc Tết đến xuân về, mỗi đứa trẻ như em sẽ có cho mình một hình ảnh thật đẹp đẽ. Có người là hình ảnh đi sắm Tết cùng mẹ, có người là khoảnh khắc nhận được tiền lì xì đầu năm,… Thế nhưng với cá nhân em, khoảnh khắc đẹp nhất của Tết chính là lúc được đón giao thừa cùng gia đình.

Không giống những gia đình khác, bố mẹ em đi làm ăn xa nên không thể ở gần con cái. Vì thế, chỉ đến khi Tết đến, bố mẹ mới có dịp để trở về, đoàn tụ và quây quần bên gia đình. Và hình ảnh đón giao thừa in đậm sâu sắc trong tâm trí em nhất là bởi nó mang đến cho em rất nhiều cảm xúc đặc biệt. Có cảm giác mong ngóng, chờ đợi được bố mẹ ôm ấp sau nhiều ngày xa cách. Có cảm giác hân hoan, rạo rực vì sắp được bước sang năm mới bên những người mà mình yêu thương và niềm hi vọng về một năm mới với nhiều thuận lợi.

Trong thời khắc thiêng liêng của đêm giao thừa, em đã rất hạnh phúc khi được quây quần bên gia đình ăn một bữa cơm cuối năm. Mọi thứ đều hết sức giản dị và bình thường nhưng lại mang đến trong em cảm giác thật đủ đầy và hấp dẫn. Mọi người cùng nhau cười nói rôm rả, kể cho nhau nghe về những câu chuyện đáng nhớ trong suốt một năm qua. Và rồi, em cùng bố mẹ và ông bà nhóm bếp nấu bánh chưng. Trong lúc chờ bánh chín, em còn ngủ gà ngủ gật, gục đầu vào vai ông nội. Giao thừa đến, dù có là ai, dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa thì tất cả mọi người vẫn luôn mong muốn được xem pháo hoa – một món ăn tinh thần không thể thiếu.

Và lễ đón giao thừa ở quê em là vậy đấy! Rất bình dị, giản đơn nhưng ấm cúng vô cùng. Em luôn khắc ghi giây phút được quây quần bên những người mà mình yêu thương trong thời khắc chuyển giao năm mới và năm cũ.

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em – Mẫu 6

Trong năm, có rất nhiều ngày lễ đặc biệt nhưng em thích nhất là ngày Tết. Cứ mỗi khi Tết đến, em háo hức nhất là được đón giao thừa. Vì đó là khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đêm giao thừa là lúc mà mọi người sum họp quây quần và chuẩn bị cho bữa cơm tất niên. Tuy nhà em không mấy khi sum họp nhưng trái tim của mỗi thành viên trong gia đình luôn luôn có chỗ của từng người, đặc biệt là ngày ba mươi đêm giao thừa. Không khí háo hức, ấm áp và vui tươi biết nhường nào!

Ai ai cũng tất bật làm những việc mà chỉ có Tết mới có và không có chút mệt mỏi nào. Mẹ em đang cắm hoa còn em và hai đứa em trai thì đang chuẩn bị bánh kẹo, hạt dưa, treo những phong thư đỏ chói vào những cành đào sắc thắm đang nở rộ. Và hình như các cành đào ấy cũng đang tươi cười bởi đó là ngày mà chúng sẽ được người khác ngắm và khen chúng. Em thì chạy lăng xăng trong nhà, ai nhờ việc gì thì làm việc ấy, lúc thì cắm hoa với mẹ, lúc thì đi chuẩn bị kẹo bánh với hai đứa em, lúc thì ngồi xem bố gói giò. Tuy nhiên việc mà em thích nhất đó là ngắm mấy bộ quần áo mà em dự định là sẽ mặc vào ngày mai. Mùi hương thơm nhẹ lan tỏa khắp nhà, thơm thơm mùi chè, mùi xôi, mùi thịt gà luộc.

Cảm xúc kì lạ, lâng lâng khó tả. Mọi người đã hoàn tất công việc và đợi đến mười hai giờ để ngắm pháo hoa nổ. Mười một giờ năm mươi tám đến năm mươi chín rồi cuối cùng cũng đến sáu mươi… một tiếng pháo nổ rồi đến hai đến ba rồi đến khi chẳng thể đếm nổi nữa, nó nhiều vô kể và rất đẹp. Một lúc sau pháo hoa đã ngớt, gia đình em vào nhà ăn bữa tiệc tất niên, kết thúc năm cũ chào đón năm mới.

Các món ăn mặn lẫn ngọt đã bày ra sẵn và không ai cưỡng nổi mùi thơm từ chè chuối, từ bánh cuốn, từ bánh chưng. Cả nhà ăn xong rồi dọn dẹp chuẩn bị đi ngủ. Tâm trạng náo nức khiến gia đình em khó mà ngủ, ai ai cũng rôm rả nói chuyện của ngày mai.

Tết đã tới rồi. Gia đình em rất hạnh phúc và em chúc cho mọi gia đình cũng đều hạnh phúc như gia đình em. Chúc tất cả mọi người dồi dào sức khỏe, an lành, gặp thật nhiều thành công và may mắn trong cuộc sống.

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em – Mẫu 7

Những cánh én chao nghiêng trên bầu trời báo hiệu một năm mới sắp tới. Vậy là chúng em lại được chuẩn bị đón giao thừa cùng người thân và gia đình. Đây là dịp lễ đặc biệt mà em mong chờ nhất trong năm.

Với người Việt, không gì quan trọng bằng dịp lễ Tết. Vì vậy, ai nấy đều tất bật sắm sửa, chuẩn bị cho một cái Tết thật đầm ấm, đủ đầy. Ngay từ sáng 30 Tết, em dậy sớm phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa cho thật sạch sẽ. Dọn dẹp nhà cửa tuy mệt nhưng em lại cảm thấy rất vui. Mẹ nói với em rằng dọn nhà trước thềm năm mới để xua đi hết những cái không may của gia đình trong suốt một năm vừa qua. Căn nhà rộn vang tiếng nói cười khiến em vô cùng hân hoan, háo hức. Em cảm giác Tết đã đến thật rồi!

Sau khi cả nhà xem xong “Táo quân”, em cùng mẹ sửa soạn mâm cỗ cúng. Đúng 12 giờ, bố ăn mặc thật nghiêm trang lên thắp hương cúng ông bà tổ tiên, xin đất trời phù hộ cho cả nhà có một năm nhiều sức khỏe và niềm vui. Kim giờ vừa chỉ đến số 12 cũng là lúc cả bầu trời bừng sáng bởi những chùm pháo hoa đầy sắc màu. Tiếng pháo rộn vang làm lòng người bâng khuâng khó tả. Sau khi hương tắt, mẹ chắp tay vái xin hạ mâm cơm xuống khỏi bàn thờ. Cả nhà vừa nghe lời chúc Tết của bác chủ tịch nước trên tivi vừa ăn bánh kẹo, uống trà. Bầu không khí thật ấm áp, hạnh phúc biết bao!

Tết không chỉ là ngày lễ mà còn là cơ hội để gia đình quây quần, sum họp bên nhau. Được đón giao thừa cùng gia đình, người thân ở quê hương luôn là niềm vui to lớn đối với em.

Viết bài văn tả lễ đón giao thừa quê em hay nhất
Viết bài văn tả lễ đón giao thừa quê em hay nhất

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em – Mẫu 8

Khi những nụ hoa đào chớm nở và vườn quất nặng trĩu qủa cũng là lúc báo hiệu một mùa xuân tới. Xuân về, trăm hoa khoe sắc, cảnh vật, con người dường như cũng hoà vào sức xuân, tất cả đều bừng lên một sức sống mãnh liệt.

Và thời khắc giao thừa – tiễn một năm cũ, đón chào một năm mới bao giờ cũng đem lại cho mỗi người những cảm xúc thật khó tả.Với người Việt Nam, từ già tới trẻ, dù đi làm ăn xa mấy cũng cố gắng về sum họp với gia đình mấy ngày Tết. Và đêm giao thừa là một trong những giờ phút quan trọng mà mỗi thành viên trong gia đình mong chờ.

Cũng chính bởi lý do đó, trước giao thừa, mọi người thường chuẩn bị đón Tết rất kỹ để có được một cái Tết thật vui vẻ và đầm ấm.Khoảng 20 tháng chạp, các gia đình đã đi xem đào, quất, nhà nào cũng rất cẩn thận để chọn cho được một cây đào, một cây quất thật đẹp, có nhiều lộc hay một bình hoa thuỷ tiên mang về nhà chơi mấy ngày Tết.

Điều quan trọng nhất đối với mỗi gia đình là phải có một mâm cỗ cúng đêm giao thừa thật đầy đủ để tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Và bánh chưng là một thứ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng.Bởi thế ngay từ 23 tháng Chạp, nhiều nhà đã chuẩn bị mua lá dong, lạt về gói bánh chưng. Và tới khoảng 25, 26 Tết bắt đầu tiến hành gói bánh. Cảm xúc được cùng cả nhà chuẩn bị gói bánh chưng đối với mỗi người cũng thật khác nhau, có người nhớ cảm giác khi còn nhỏ được tự gói riêng cho mình một cái bánh chưng bé, có người lại nhớ cảm giác được cùng cả nhà quây quần bên nồi bánh, chờ tới khi bánh chín, vớt ra, nhìn những chiếc bánh vuông vức với màu xanh mướt của lá thật thú vị …

Có nhà ngoài nấu bánh chưng, vẫn quen nếp xưa: mua thịt lợn về gói giò. Và trong mâm cỗ cúng trời đất ngoài gà (nhà ai không cúng gà thì thay bằng chân giò lợn), rượu, bánh chưng, xôi gấc, còn có gạo, muối. Trên bàn thờ tổ tiên thường có mâm ngũ quả. Chiều 30 Tết cả nhà thường quây quần bên nhau ăn bữa cơm tất niên. Đây là một phong tục tốt đẹp từ xưa đến nay của người Việt.Các thành viên trong nhà, dù đi làm xa cũng cố gắng có mặt trong bữa cơm tất niên bởi đây là thời gian mọi thành viên trong gia đình được quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong một năm.

Cũng bởi thế mà có người đã từng chia sẻ cảm xúc về bữa cơm tất niên như thế này: “Tết đến, được trở về ngôi nhà thân yêu, cùng ăn bữa cơm chiều 30 với cả nhà, tôi cảm thấy sung sướng vô bờ… sung sướng nào hơn được sống giữa tình thương yêu, đùm bọc của những người mà mình hằng yêu quí”.

Quả thực người Việt Nam trọng tình, trọng nghĩa nên khoảnh khắc trước và sau giao thừa đối với mỗi người thật quan trọng và khó quên. Bữa cơm tất niên còn là thời gian tất cả mỗi thành viên trong gia đình ngồi ôn lại những gì đã và chưa làm được trong một năm. Những điều tốt sẽ được tiếp tục phát huy, còn những điều chưa tốt sẽ đựợc khắc phục trong năm tới.

Tới khoảng 10 giờ tối, mâm cỗ cúng bắt đầu được sửa soạn để đúng đến thời khắc 12 giờ đêm, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, một thành viên trong gia đình, thường là đàn ông – người trụ cột của gia đình sẽ thắp hương cúng tổ tiên, trời đất cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ cho cả gia đình một năm mới đầy may mắn và hạnh phúc, con cái trong nhà học hành giỏi giang, nghe lời ông bà cha mẹ. Chờ cho tới khi hết hương cũng là lúc những giây phút đầu tiên của năm mới tới, cả nhà cùng nâng chén rượu, dù có ai không uống được rượu nhưng cũng cố gắng nhấp môi để cùng chúc các thành viên trong gia đình một năm mới tràng đầy hạnh phúc và may mắn.Một nét đẹp nữa của người Việt sau thời khắc giao thừa là cả nhà cùng quây quần bên nhau để nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước.

Thông thường nhà nào có ba thế hệ cùng chung sống thì con cháu thường chúc ông bà sống lâu trăm tuổi. Ông bà, cha mẹ lì xì cho các con, các cháu, mong các con hay ăn chống lớn và sống có ích cho xã hội. Thời xưa, trẻ con thường được lì xì bằng tiền màu đỏ cho may mắn. Thời nay, người lớn thường để tiền lì xì cho trẻ con vào những phong bao màu đỏ in nhiều hình rất ngộ nghĩnh.Người Việt có thói quen lên chùa xin lộc, cầu may sau những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới.

Những cành lộc khi đêm về thường được cho vào lọ cắm để trên bàn thờ, mong cho mọi may mắn sẽ tới với gia đình trong một năm. Bên cạnh đó mọi người còn có tục lệ xin chữ của ông đồ về treo trong nhà, thường mọi người thường hay xin chữ: Phúc , Lộc , Thọ… mong cho may mắn sẽ tới với gia đình trong năm mới.Những người hàng xóm thường qua nhà nhau chúc Tết ngay sau giao thừa, mọi người cùng chúc nhau đón một năm mới với tất cả sự may mắn và hạnh phúc.

Xưa, khi Tết đến nhà nhà được đốt pháo, giây phút giao thừa được mọi người cảm nhận qua tiếng pháo nổ đì đùng, thời nay giây phút giao thừa được mọi người cảm nhận qua những chùm pháo hoa sáng trên bầu trời với đủ màu sắc. Với những người ngoại quốc, được đón Tết ở Việt Nam là cả một niềm hạnh phúc và thú vị, đặc biệt hơn khi họ đón giao thừa, được cảm nhận hương vị ấm cúng của Tết Việt.

Bởi không phải ở đâu giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới lại được đón nhận trong không khí ấm áp và nồng nhiệt như ở Việt Nam. Có những người ngoại quốc dù chỉ đón giao thừa một lần ở Việt Nam thì cảm xúc đêm giao thừa dường như vẫn còn nguyên vẹn trong họ: đầm ấm và hạnh phúc khó tả.Dù là ai, làm gì, ở đâu, vào khoảnh khắc giao thừa, mọi người cũng mong được có mặt ở nhà để được cùng nâng chén rượu chúc sức khoẻ ông bà, cha mẹ, được nhận từ ông bà cha mẹ tiền lì xì đầu năm cùng lời chúc mừng năm mới – một năm tràng đầy hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em – Mẫu 9

Giao thừa là thời khắc quan trọng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. giữa điều cũ và điều mới. Bởi vậy, mọi người vẫn xem đây là thời khắc đầy ý nghĩa, là thời khắc mà mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe những dự định và ước muốn trong một năm mới. Và giao thừa là điều mà em mong chờ nhất, bởi gia đình em ai cũng vui vẻ và hào hứng. Khi tiếng chuông đồng hồ điểm báo thời khắc giao thừa, khi tiếng hò hét, reo vui của những gia đình xung quanh vang lên, khi trên bầu trời có những màn bắn pháo hoa lẻ tẻ. Lúc đó em biết thời khắc quan trọng đã đến. Vì nhà em ở một vùng quê nên bắn pháo hoa không quy mô như ở thành phố lớn, chỉ có một ít nhà có pháo hoa để bắn mà thôi. Đất trời lúc đó bỗng nhiên sáng rực lên, cái lạnh căm căm và những hạt mưa xuân lất phất bay khiến cho trái tim của mỗi người cảm thấy nhẹ nhõm và bình yên đến lạ kì.

Gia đình em lại quây quần bên nhau, mẹ dỡ mâm xôi gà cúng tổ tiên xuống và chúng em cùng nhau ăn bữa ăn đầu tiên của ngày mới, năm mới. Mùi xôi nếp thơm lừng, mùi bánh chưng và mùi thịt gà hòa quyện với nhau tạo nên không khí tết đặc biệt. Khoảnh khắc ấy có lẽ là khoảnh khắc mà mọi người cảm thấy ấm áp và yên lành hơn bao giờ hết.

Trên bàn thờ nhà em bày biện biết bao nhiêu thứ, được trang trí rất đẹp mắt để cúng ông bà tổ tiên, hi vọng ông bà tổ tiên sẽ phù hộ cho gia đình em một năm nhiều sức khỏe, niềm vui. Giờ giao thừa đến, ba nhẹ nhàng đốt một cây nhang dài, mùi hương thơm dịu nhẹ xông vào cánh mũi. Em rất thích được hít hà mùi hương ấy, nó như hòa quyện vào đất trời tạo nên mùi hương đặc trưng của ngày tết. Ngoài trời mưa bay lất phất, những cánh hoa đào ở trong nhà bỗng nhiên bừng sắc xuân, lộng lẫy và kiêu sa. Những ánh đèn điện nhấp nháy đầy đủ các màu sắc tạo nên một khung cảnh đẹp tuyệt vời. Bầu trời dù đang đêm nhưng đều sáng rực lên những màu sáng của màn bắn pháo hoa, hay lòng người đang rạo rực nên thấy bầu trời rực sáng lạ kì như vậy. Mẹ bảo rằng giao thừa là thời gian mọi người trong gia đình nên ở cạnh nhau, vì đó là thời khắc ý nghĩa, quan trọng. Nó sẽ gắn bó hơn nữa tình cảm của mọi người với nhau thêm mặn nồng hơn. Ba gọi những đứa con đến bên và lì xì đầu năm, hi vọng các con ai cũng chăm ngoan và học giỏi. Đó là điều mà ba mẹ vẫn mong muốn trong năm mới này.

Những tiếng cười nói, tiếng vỗ tay vang lên cả khu xóm. Đêm giao thừa là đêm mà mọi người không ngủ, thức để tận hưởng không khí của một năm mới, mùa mới đang rạo rực đất trời. Giao thừa là khoảnh khắc tuyệt vời của gia đình em, vì được quây quần bên nhau, lắng nghe tiếng cười và tiếng nói thân quen của nhau.

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em – Mẫu 10

Tết năm vừa rồi, lần đầu tiên em được về quê cùng đón giao thừa với ông bà. Đó là một kỉ niệm tuyệt vời mà em không thể nào quên.

Tối giao thừa luôn là khoảnh khắc mà mọi người mong chờ nhất trong cả năm. Lúc này, các công việc dọn dẹp, trang trí đã xong xuôi cả. Người lớn, trẻ em thay áo quần mới, chải tóc gọn gàng, cùng nhau chờ đến thời khắc giao thừa. Từ trong nhà ra sân đều được trang trí rực rỡ. Nào là sắc vàng của mai, của cúc, sắc đỏ tươi của bao lì xì, của câu đối trước cửa. Trên bàn tiếp khách, là những khay mứt, khay bánh kẹo với đủ các món thơm ngon khiến các em và các anh chị thích thú. Từ tivi, những bản nhạc xuân vui rộn được phát liên tiếp. Bài nào cũng hay, cũng rộn ràng. Đèn bật sáng trưng từ sân ra đến tận ngõ. Bầu không khí rộn ràng, vui tươi khiến em háo hức vô cùng. Từng chút chộn rộn, phấn khích cứ thế nhen nhóm lên. Cùng các anh chị chạy tới chạy lui trên sân, xem trái quất, thử chiếc kẹo, chờ xem pháo hoa mà vui lắm. Khi đồng hồ điểm đúng 12 giờ, từ phía xa, từng luồng sáng bay lên cao, chiếu sáng rực. Đó là pháo hoa đó. Pháo hoa chào năm mới ở quê không lớn như trên phố. Nhưng âm thanh thì giòn giã lắm, màu sắc cũng tươi vui vô cùng. Hòa với tiếng pháo là tiếng mọi người hạnh phúc chúc nhau năm mới an khang. Nhìn xung quanh ai ai cũng vui cười, bầu không khí ấy lan tỏa, thăng hoa, tạo nên niềm hạnh phúc chỉ có đêm giao thừa mới có thể đem lại. Chờ pháo hoa ngừng, em lại cùng mọi người đi hái lộc đầu năm. Từng bước chân phấn khởi, vui vẻ vô cùng.

Một năm nữa lại sắp trôi qua, nhưng cảm giác sung sướng lan tỏa trong lồng ngực đêm hôm ấy đến nay vẫn còn vẹn nguyên. Em mong sao thật nhanh đến Tết để lại được cùng mọi người đón giao thừa.

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em – Mẫu 11

Nhắc đến Tết chắc hẳn ai ai cũng thấy vui bởi Tết được nghỉ, Tết được lì xì và Tết có rất nhiều bánh kẹo. Nhưng đối với em, khoảnh khắc em mong đợi nhất trong ngày Tết chính là lễ giao thừa.

Cảm giác đón lễ giao thừa thật lâng lâng khó tả. Mọi người đã hoàn tất công việc và đợi đến mười hai giờ để ngắm pháo hoa nổ. Mười một giờ năm mươi tám đến năm mươi chín rồi cuối cùng cũng đến sáu mươi… một tiếng pháo nổ rồi đến hai đến ba rồi đến khi chẳng thể đếm nổi nữa, nó nhiều vô kể và rất đẹp. Một lúc sau pháo hoa đã ngớt, gia đình em vào nhà ăn bữa tiệc tất niên, kết thúc năm cũ chào đón năm mới.

Các món ăn mặn lẫn ngọt đã bày ra sẵn và không ai cưỡng nổi mùi thơm từ chè chuối, từ bánh cuốn, từ bánh chưng.

Phải thừa nhận rằng, đón giao thừa ở quê mang đến cho em rất nhiều xúc cảm. Chưa bao giờ em háo hức và mong chờ được về quê đến thế. Cũng chẳng bao giờ lại thấy thích thú nhiều đến vậy khi được ngắm nhìn đường phố ở quê. Nhưng hơn hết, em cảm thấy thật hạnh phúc và trọn vẹn khi được sum vầy bên những người mà mình thực sự trân quý. Và chỉ khi được đón Tết ở quê, em mới có thể chậm rãi tận hưởng không khí ấm áp, vui vầy của ngày Tết. Dẫu có đi bao lâu, cách xa bao nhiêu năm đi nữa thì trở về quê hương, nhất là trong khoảnh khắc đặc biệt này, con người chúng ta sẽ thật bồi hồi, xao xuyến đến rạo rực.

Đối với em, được trở về với ông bà, gặp gỡ người thân, họ hàng trong gia đình mỗi khi Tết đến xuân về là một niềm vui to lớn. Ngày Tết ở quê hương tuy giản dị nhưng thật đong đầy, hạnh phúc!

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em – Mẫu 12

Ai trong chúng ta có lẽ cũng thích Tết cả, vì vậy mới có câu ví rằng “Vui như Tết”. Nhưng trong ba ngày Tết bảy ngày xuân thì em thích nhất vẫn là đêm giao thừa.

Đêm giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Lúc này, mọi bận rộn của năm cũ đã được gác lại. Bao lo âu, muộn phiền của năm cũ thì gửi lại cho năm cũ mang đi. Mọi người sửa soạn những niềm vui, mong ước để đón chào năm mới.

Trước giao thừa, nhà cửa đã được dọn dẹp sạch sẽ, trang trí rực rỡ. Nào hoa nào đèn, nào câu đối nào bánh mứt. Nhìn đâu cũng rạo rực niềm vui và sự háo hức. Tết đã đến cận kề rồi, chỉ chờ giao thừa gõ cửa nữa thôi. Trong lúc chờ đợi, mọi người cùng mở nhạc xuân, ăn bánh mứt, hạt dưa, vừa trò chuyện vừa chờ đợi Tết sang. Bầu không khí vừa vui vẻ, phấn khởi lại có gì đó cứ âm ỉ, ngóng chờ.

Thỉnh thoảng mọi người lại ngước nhìn lên đồng hồ, hỏi xem bây giờ là mấy giờ. Rồi lại nhác nhác nhìn ra đường xem mọi người đi lại ra sao. Tuy chơi đó, nghe nhạc xuân đó, mà cứ chộn rộn, chờ đợi cái khoảng khắc giao thừa. Không thể nào mà tập trung hẳn được. Và rồi, trong bầu không khí cứ nóng dần lên ấy. Tiếng réo gọi xao động từ nhà ngoài vang lên dồn dập. Ấy là sắp bắn pháo hoa rồi. Mọi người ùa ra sân, chạy lên sân thượng để đợi pháo nổ. Ầm… Ầm… Ầm… Tiếng pháo nổ giòn giã, từng đợt ánh sáng rực rỡ, sáng rực như ban ngày chiếu rọi khắp không trung. Ánh sáng ấy chiếu lên những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười. Chiếu vào cả trong từng ngõ ngách của tâm hồn em, đánh thức những mầm non với hi vọng của năm mới. Trong âm thanh pháo đì đùng, mọi người vui vẻ chúc tụng nhau những điều tốt đẹp. Chẳng hiểu sao, em lại có thể nghe rõ những lời chúc ấy đến thế. Chắc bởi em không chỉ nghe bằng tai, mà còn nghe bằng cả trái tim mình.

Chờ cả một năm, khoảnh khắc giao thừa chỉ đến rồi đi trong thoáng chốc. Dù vậy, nó vẫn khiến em phải say mê. Có lẽ, chính bởi có ngóng chờ, mong đợi, dáo dác, thấp thỏm, thì khoảnh khắc đó mới vỡ òa, tuyệt vời đến thế.

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em – Mẫu 13

Cánh hoa đào tươi thắm hé nở là dấu hiệu báo mùa xuân về. Xuân về cũng là thời điểm giao mùa kì diệu với khoảnh khắc giao thừa đặc biệt không thể nào quên. Giao thừa đã trở thành thời điểm được mong đợi nhất ở quê tôi.

Không khí ngày ba mươi thật khẩn trương và náo nức trong tiết trời giá lạnh. Ngay từ chiều, nhà nhà đã chuẩn bị xong cho lễ đón giao thừa. Nào bánh chưng xanh, nào mai, nào quất được trang hoàng lộng lẫy, trên tường còn dán những câu đối đỏ. Đến ngày này, những ai đi đâu dù xa đến mấy cũng đã trở về quây quần, tụ họp với gia đình. Bữa cơm tất niên càng gắn kết mọi người lại với nhau hơn. Mọi nguời trò chuyện như để ôn lại những gì đã qua và đang đón chào những gì sắp đến, tươi mới hơn. Xong bữa cơm, ai cũng nhộn nhịp với công việc đón giao thừa. Người lớn trang trí lại nhà cửa, bắt đầu sắp mâm lễ, những mâm lễ truyền thống thể hiện niềm khao khát, ước mong. Trẻ con chạy đùa vui nhộn, háo hức xem bắn pháo hoa. Chủng í ới gọi nhau hẹn cùng đón giao thừa. Ngoài đường, người và xe đi lại thưa thớt dần. Những ngọn đèn trong các ngõ xóm được thắp sáng. Mưa bụi bắt đầu rơi nhẹ nhàng, thấm ướt trên cây lá. Không gian đất trời dần đi vào yên tĩnh, dường như nghe được từng hơi thở, từng nhịp đập của thời gian đang chuyển mình. Khoảnh khắc giao mùa sắp tới.

Chuông đồng hồ đánh đúng mười hai tiếng. Tất cả mọi người cùng hô vang. Từ các thôn xóm, đồng loạt pháo hoa nổ rầm trời, sáng rực lên như ban ngày. Đây là giây phút đẹp và rực rỡ nhất. Chị em tôi chạy ra cổng xem. Những chùm ánh sáng bay lên trời như mang theo mọi điều ước nguyện của con người bay cao. Tiếng pháo như đánh thức mọi vật, chuyển mình sang mùa xuân. Đất trời trong khoảnh khắc kì diệu ấy mang lại cho con người cảm giác hạnh phúc ngập tràn. Mọi người nhìn nhau im lặng, nhắm mắt lại để không khí mùa xuân tràn đầy trong lòng, để hoà mình với không gian giao mùa. Trên bàn thờ tổ tiên, những nén nhang đã được thắp lên. Đó là lúc con người thầm nhớ và cảm ơn cội nguồn của mình. Sau những giây phút thiêng liêng ấy, người ta rộn ràng rủ nhau đi hái cành lộc hay cùng nhau đi chơi. Ngoài đường nhộn nhịp hẳn lên, nhất là thanh niên nô nức đi chơi xuân. Họ gặp nhau, chúc nhau những điều may mắn nhất. Có nguời xông nhà sớm, hy vọng niềm vui sẽ đến suốt trong năm. Âm nhạc nổi lên khắp nơi, những bài hát mùa xuân thay cho lời chúc của con người gửi đến thiên nhiên.

Đêm giao thừa dần trôi vào yên tĩnh. Ngoài trời, mưa xuân vẫn nhẹ bay. Mọi người trong gia đình cùng bên nhau suốt đêm, thưởng thức những điều kì diệu trong đêm đầu tiên của năm mới. Thế là, mùa xuân đã về thật rồi.

Giao thừa là khoảnh khắc giao mùa của thiên nhiên nhưng cũng là khoảnh khắc giao mùa của con người, của lòng người. Giao thừa quê tôi thật giản dị nhưng vô cùng ấm áp. Ở đây tôi cảm nhận được tất cả, thiên nhiên và tình người.

Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em – Mẫu 14

Cánh hoa đào tươi thắm hé nở là dấu hiệu báo mùa xuân về. Xuân về cũng là thời điểm giao mùa kì diệu với khoảnh khắc giao thừa đặc biệt không thể nào quên. Giao thừa đã trở thành thời điểm được mong đợi nhất ở quê tôi…

Không khí ngày ba mươi thật khẩn trương và náo nức trong tiết trời giá lạnh. Ngay từ chiều, nhà nhà đã chuẩn bị xong cho lễ đón giao thừa. Nào bánh chưng xanh, nào mai, nào quất được trang hoàng lộng lẫy, trên tường còn dán những câu đối đỏ. Đến ngày này, những ai đi đâu dù xa đến mấy cũng đã trở về quây quần, tụ họp. Bữa cơm tất niên càng gắn kết mọi người lại với nhau. Mọi người trò chuyện như để ôn lại những gì đã qua và đang đón chào những gì sắp đến, tươi mới hơn. Xong bữa cơm, ai cũng nhộn nhịp với công việc đón giao thừa. Người lớn trang trí lại nhà cửa, bắt đầu sắp mâm lễ, những mâm lễ truyền thống thể hiện niềm khao khát, ước mong. Trẻ con chạy đùa vui nhộn, háo hức xem bắn pháo hoa. Chúng í ới gọi nhau hẹn cùng đón giao thừa. Ngoài đường, người và xe đi lại thưa thớt dần. Những ngọn đèn trong các ngõ xóm được thắp sáng. Mưa bụi bắt đầu rơi rơi nhẹ nhàng, thấm ướt trên cây lá. Không gian đất trời dần đi vào yên tĩnh, dường như nghe được từng hơi thở; từng nhịp đập của thời gian đang chuyển mình. Khoảnh khắc giao mùa sắp tới…

Chuông đồng hồ đánh đúng mười hai tiếng. Tất cả mọi người cùng hô vang. Từ các thôn xóm, đồng loạt pháo hoa nổ rầm trời, sáng rực lên như ban ngày. Đây là giây phút đẹp và rực rỡ nhất. Chị em tôi chạy ra cổng xem. Những chùm ánh sáng bay lên trời như mang theo mọi điều ước nguyện của con người bay cao. Tiếng pháo như đánh thức mọi vật, chuyển mình sang mùa xuân. Đất trời trong khoảnh khắc kì diệu ấy mang lại cho con người cảm giác hạnh phúc ngập tràn. Mọi người nhìn nhau im lặng, nhắm mắt lại để không khí mùa xuân tràn đầy trong lòng, để hoà mình với không gian giao mùa. Trên bàn thờ tổ tiên, những nén nhang đã được thắp lên. Đó là lúc con người thầm nhớ và cảm ơn cội nguồn của mình. Sau những giây phút thiêng liêng ấy, người ta rộn ràng rủ nhau đi hái cành lộc hay cùng nhau đi chơi. Ngoài đường nhộn nhịp hẳn lên. Nhất là thanh niên, nô nức đi chơi xuân. Họ gặp nhau chúc nhau những điều may mắn nhất. Có nguời xông nhà sớm, hy vọng niềm vui sẽ đến suốt trong năm. Âm nhạc nổi lên khắp nơi, những bài hát mùa xuân thay cho lời chúc của con người gửi đến thiên nhiên…

Đêm giao thừa dần trôi vào yên tĩnh. Ngoài trời, mưa xuân vẫn nhẹ bay. Mọi người trong gia đình cùng bên nhau suốt đêm, cùng thưởng thức những điều kì diệu trong đêm đầu tiên của năm mới. Thế là, mùa xuân đã về thật rồi.

Giao thừa là khoảnh khắc giao mùa của thiên nhiên nhưng cũng là khoảnh khắc giao mùa của con người, của lòng người. Giao thừa quê tôi thật giản dị nhưng vô cùng ấm áp. Ở đây tôi cảm nhận được tất cả thiên nhiên và tình người.

******************

Trên đây là 13 bài mẫu Viết bài văn cảm nhận về lễ đón giao thừa quê em lớp 7 hay nhất được THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn. Hy vọng dựa vào đây, các em có thể hoàn thiện bài văn miêu tả theo văn phong riêng của mình. Thầy cô chúc các em học tập thật tốt và đạt điểm cao trong các bài thi, bài kiểm tra trên lớp nhé.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button