Giáo dụcLớp 7Vật lí 7

Vật Lí 7 Bài 18: Hai loại điện tích – Giải bài tập SGK Vật Lí 7 Bài 18

Vật Lí 7 Bài 18: Hai loại điện tích được THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn hy vọng sẽ là là tài liệu hữu ích giúp các em nắm vững kiến thức bài học và đạt kết quả tốt trong các bài thi, bài kiểm tra trên lớp.

Tóm tắt lý thuyết Vật Lí 7 Bài 18

Hai loại điện tích

– Có hai loại điện tích đó là điện tích âm và điện tích dương. Vật nhiễm điện là vật mang điện tích.

+ Vật nhiễm điện dương được gọi là vật mang điện tích dương (+).

+ Vật nhiễm điện âm được gọi là vật mang điện tích âm (-)

Chú ý: Quy ước điện tích của thanh thủy tinh khi cọ xát vào lụa là điện tích dương (+), điện tích của thanh nhựa khi cọ xát vào vải khô là điện tích âm (-).

– Hai vật nhiễm điện cùng loại thì đẩy nhau.

Tóm tắt lý thuyết Vật Lí 7 Bài 18

– Hai vật nhiễm điện khác loại thì hút nhau.

Tóm tắt lý thuyết Vật Lí 7 Bài 18

Sơ lược về cấu tạo nguyên tử

Tóm tắt lý thuyết Vật Lí 7 Bài 18

Mọi vật được cấu tạo từ các nguyên tử rất nhỏ, mỗi nguyên tử lại được cấu tạo từ những hạt nhỏ hơn.

– Ở tâm nguyên tử có một hạt nhân mang điện tích dương (+).

– Chuyển động xung quanh hạt nhân là các electron mang điện tích âm (-) tạo thành lớp vỏ của nguyên tử.

– Tổng các điện tích âm của các electron có trị số tuyệt đối bằng điện tích dương của hạt nhân. Do đó bình thường nguyên tử trung hòa về điện.

– Electron có thể dịch chuyển từ nguyên tử này sang nguyên tử khác trong cùng một vật hay từ vật này sang vật khác.

Phương pháp giải

Xác định loại điện tích của vật bị nhiễm điện

Tùy thuộc vào bài toán mà ta sử dụng một trong hai cách sau:

– Cách 1: Ban đầu các vật trung hòa về điện, sau khi cọ xát:

+ Nếu vật nhận thêm (thừa) electron thì vật mang điện tích âm.

+ Nếu vật mất bớt (thiếu) electron thì vật mang điện tích dương.

Ví dụ 1: Trước khi cọ xát thì thước nhựa và mảnh vải đều trung hòa về điện (hình 18.5a).

Sau khi cọ xát thước nhựa vào mảnh vải thấy:

+ Thước nhựa nhận thêm electron nên thanh nhựa mang điện tích âm (hình 18.5b)

+ Mảnh vải mất bớt electron nên mảnh vải mang điện tích dương (hình 18.5b)

Tóm tắt lý thuyết Vật Lí 7 Bài 18

– Cách 2: Đưa vật bị nhiễm điện đến gần vật nhiễm điện đã biết loại:

+ Nếu hai vật đẩy nhau thì hai vật đó nhiễm điện cùng loại.

+ Nếu hai vật hút nhau thì hai vật đó nhiễm điện khác loại

Ví dụ 2: Vật A bị nhiễm điện nhưng chưa biết là nhiễm điện gì, vật B nhiễm điện dương. Khi đặt vật A lại gần vật B thì thấy chúng hút nhau ⇒ Vật A và B nhiễm điện khác loại ⇒ Vật A nhiễm điện âm.

Tóm tắt lý thuyết Vật Lí 7 Bài 18

Giải thích một số hiện tượng

– Dựa vào kết luận lực tương tác giữa các vật nhiễm điện:

+ Các vật nhiễm điện cùng loại thì đẩy nhau.

+ Các vật nhiễm điện khác loại thì hút nhau.

– Khi hai vật trung hòa về điện cọ xát vào nhau thì chúng cùng bị nhiễm điện nhưng nhiễm điện khác loại (Ví dụ 1)

Giải bài tập SGK Vật Lí 7 Bài 18

Bài C1 (trang 51 SGK Vật Lý 7)

Đặt thanh nhựa sẫm màu lên trục quay sau khi đã được cọ xát bằng mảnh vải khô. Đưa mảnh vải này lại gần đầu thanh nhựa được cọ xát thì chúng hút nhau. Biết rằng mảnh vải cũng bị nhiễm điện, hỏi mảnh vải mang điện tích dương hay điện tích âm? Tại sao?

Lời giải:

Theo qui ước thanh nhựa sẫm màu nhiễm điện âm vì cọ xát vào vải khô.

Thanh nhựa sẫm màu (nhiễm điện âm) hút mảnh vải (đã nhiễm điện) → mảnh vải nhiễm điện dương. Vì hai vật nhiễm điện khác loại thì hút nhau.

Bài C2 (trang 52 SGK Vật Lý 7)

Trước khi cọ xát, có phải trong mỗi vật đều có điện tích dương và điện tích âm hay không? Nếu có thì các điện tích này tồn tại ở những loại hạt nào cấu tạo nên vật?

Lời giải:

Trước khi cọ xát, trong mỗi vật đều có điện tích dương và điện tích âm. Các điện tích dương tồn tại ở hạt nhân nguyên tử, còn các điện tích âm tồn tại ở lớp vỏ nguyên tử gồm các electron chuyển động xung quanh hạt nhân.

Bài C3 (trang 52 SGK Vật Lý 7)

Tại sao trước khi cọ xát, các vật không hút các vụn giấy nhỏ?

Lời giải:

Khi chưa cọ xát các vật chưa nhiễm điện (trung hòa về điện) nên không thể hút các vật nhỏ như giấy vụn.

Bài C4 (trang 52 SGK Vật Lý 7)

Sau khi cọ xát, vật nào trong hình 18.5b SGK nhận thêm electron, vật nào mất bớt electron? Vật nào nhiễm điện dương, vật nào nhiễm điện âm?

Bài C4 (trang 52 SGK Vật Lý 7)

Lời giải:

– Trước cọ xát, thước và vải đều trung hòa về điện.

– Sau khi cọ xát, như hình 18.5b, mảnh vải nhiễm điện dương (6 dấu (+) và 3 dấu (-), thước nhựa nhiễm điện âm (7 dấu (-) và 4 dấu (+)).

Do đó thước nhựa nhiễm điện âm do nhận thêm electron. Mảnh vải nhiễm điện dương do mất bớt electron.

Câu hỏi trắc nghiệm Vật Lí 7 Bài 18 (có đáp án)

Câu 1: Vật chất được cấu tạo bởi các nguyên tử. Nguyên tử gồm:

A. Hạt nhân ở giữa mang điện tích âm.

B. Hạt nhân không mang điện tích.

C. Hạt nhân mang điện tích dương, các electron mang điện tích âm quay xung quanh hạt nhân.

D. Hạt nhân ở giữa mang điện tích dương, lớp vỏ không mang điện.

Lời giải

Vật chất được cấu tạo bởi các nguyên tử. Nguyên tử gồm hạt nhân mang điện tích dương, các electron mang điện tích âm quay xung quanh hạt nhân ⇒ Đáp án C

Câu 2: Chọn phát biểu sai:

A. Vật bị nhiễm điện có khả năng hút các vật nhẹ.

B. Hai vật nhiễm điện cùng dấu thì hút nhau.

C. Hai vật nhiễm điện khác dấu thì hút nhau.

D. Vật nhiễm điện là vật mang điện tích.

Lời giải

Hai vật nhiễm điện cùng dấu thì đẩy nhau ⇒ Đáp án B

Câu 3: Thanh thủy tinh sau khi cọ xát với lụa thì:

A. Thủy tinh mang điện tích dương, lụa mang điện tích âm.

B. Thủy tinh mang điện tích dương, lụa mang điện tích dương.

C. Thủy tinh mang điện tích âm, lụa mang điện tích âm.

D. Thủy tinh mang điện tích âm, lụa mang điện tích dương.

Lời giải

Sau khi cọ xát thanh thủy tinh với lụa thì thủy tinh mang điện tích dương, lụa mang điện tích âm ⇒ Đáp án A.

Câu 4:Tổng điện tích hạt nhân của nguyên tử sắt là 26 nên khi trung hòa về điện thì tổng số electron của nguyên tử sắt này là:

A. 26

B. 52

C. 13

D. không có electron nào

Lời giải

– Hạt nhân của nguyên tử mang điện dương, lớp vỏ của nguyên tử mang điện âm.

– Tổng điện tích âm của các electron có trị số tuyệt đối bằng điện tích dương của hạt nhân.

⇒ Đáp án A

Câu 5: Một thanh kim loại chưa bị nhiễm điện được cọ xát và sau đó trở thành vật mang điện tích dương. Thanh kim loại khi đó ở vào tình trạng nào trong các tình trạng sau?

A. Nhận thêm electron

B. Mất bớt electron

C. Mất bớt điện tích dương

D. Nhận thêm điện tích dương

Lời giải

Lúc đầu thanh chưa nhiễm điện, sau đó nhiễm điện dương nên thanh bị mất bớt electron ⇒ Đáp án B

Câu 6: Có 4 vật a, b, c, d đã nhiễm điện. Nếu vật a hút b, b hút c, c đẩy d thì:

A. vật b và c có điện tích cùng dấu

B. vật b và d có điện tích cùng dấu

C. vật a và c có điện tích cùng dấu

D. vật a và d có điện tích trái dấu

Lời giải

Vì a hút b nên a và b trái dấu

b hút c nên b và c trái dấu ⇒a và c cùng dấu

c đẩy d nên c và d cùng dấu ⇒ a, c, d cùng dấu

Vậy b trái dấu với a, c, d ⇒ Đáp án C

Câu 7:Trong nguyên tử bình thường thì điện tích của hạt nhân so với tổng điện tích âm của các electron là:

A. bằng nhau

B. lớn hơn

C. nhỏ hơn

D. có lúc lớn, lúc nhỏ

Lời giải

Trong nguyên tử bình thường thì điện tích của hạt nhân so với tổng điện tích âm của các electron là bằng nhau

⇒ Đáp án A

Câu 8: Một vật như thế nào thì gọi là trung hòa về điện?

A. vật có tổng điện tích âm bằng tổng điện tích dương.

B. vật nhận thêm một số electron.

C. vật được cấu tạo bởi các nguyên tử trung hòa về điện.

D. vật nhận thêm một số điện tích dương.

Lời giải

Vật có tổng điện tích âm bằng tổng điện tích dương gọi là vật trung hòa về điện.

⇒ Đáp án A

Câu 9: Thanh thủy tinh tích điện dương khi cọ xát vào lụa, mảnh pôliêtilen tích điện âm khi cọ xát vào len. Đưa mảnh lụa và mảnh len lại gần nhau thì:

A. không hút, không đẩy nhau

B. hút lẫn nhau

C. vừa hút vừa đẩy nhau

D. đẩy nhau

Lời giải

Mảnh lụa và mảnh len nhiễm điện trái dấu nên đưa lại gần nhau thì hút nhau

⇒ Đáp án B

Câu 10: Trong các nhận xét sau đây, nhận xét nào sai:

A. Lấy một mảnh lụa cọ xát vào thanh thủy tinh thì thanh thủy tinh có khả năng hút các vụn giấy.

B. Sau khi được cọ xát bằng mảnh vải khô, thước nhựa có tính chất hút các vật nhẹ.

C. Nhiều vật sau khi bị cọ xát thì có khả năng hút các vật khác.

D. Không cần bị cọ xát một thanh thủy tinh hay một thước nhựa cũng hút được các vật nhẹ.

Lời giải

Khi bị cọ xát một thanh thủy tinh hay một thước nhựa bị nhiễm điện do đó mới hút được các vật nhẹ ⇒ Đáp án D

******************

Trên đây là nội dung bài học Vật Lí 7 Bài 18: Hai loại điện tích do THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn bao gồm phần lý thuyết, giải bài tập và các câu hỏi trắc nghiệm có đáp án đầy đủ. Hy vọng các em sẽ nắm vững kiến thức về Hai loại điện tích. Chúc các em học tập thật tốt và luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra trên lớp.

 

Biên soạn bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Vật Lý 7

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Bạn đang xem: Vật Lí 7 Bài 18: Hai loại điện tích – Giải bài tập SGK Vật Lí 7 Bài 18

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button