Tuyển tập mở bài Vợ nhặt hay giúp đạt điểm cao
TOP 48+ mở bài Vợ nhặt hay, mở bài sáng tạo về truyện Vợ nhặt, mở bài trực tiếp và gián tiếp, mở bài nâng cao độc đáo giúp đạt điểm cao trong các kì thi.
Tham khảo tuyển chọn 30+ mẫu mở bài Vợ nhặt độc đáo và sáng tạo theo cách trực tiếp, gián tiếp và kết hợp dành cho học sinh lớp 12 giúp bài văn phân tích tác phẩm Vợ nhặt gây ấn tượng mạnh và đạt điểm cao.
Mở bài Vợ Nhặt sáng tạo (10 mẫu)
Mẫu 1
Mỗi một tác phẩm văn học hay và để lại ấn tượng trong lòng độc giả thì đều ẩn chứa những điểm sáng tuyệt vời. Người nghệ sỹ tài năng là người phải biết nắm bắt và đưa vào tác phẩm của mình những điểm sáng tuyệt vời đó. Viết về đề tài người nông dân nghèo, ta từng biết đến một lão Hạc nghèo khổ, bất hạnh nhưng lại có tâm hồn đẹp của Nam Cao, một ông Hai tràn đầy tình yêu với làng quê, đất nước của Kim Lân, hay “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi cũng viết về người nông dân với những mất mát đau thương. Song phải đến “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, người ta mới cảm nhận được tận cùng của sự xót thương về một thảm cảnh khốc liệt – nạn đói kinh hoàng năm 1945. Truyện ngắn viết về cuộc sống nghèo đói của con người lúc bấy gờ, tuy họ đang đứng bên bờ vực của cái chết nhưng vẫn luôn khát khao được sống, được hạnh phúc, ở họ luôn hiện ra những vẻ đẹp phẩm chất cao quý của những người nông dân chân chất.
Mẫu 2
“Mỗi nhà văn là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ” (Sekhop). Quả thật là vậy, mỗi nhà văn đều mang trong mình thiên sứ đi tìm cái uẩn khuất trong góc tối của cuộc đời. Để rồi từ đó, đứa con tinh thần mà họ tạo dựng, cũng chính là sự tạo dựng nên nét đẹp tâm hồn họ – nét đẹp nhân đạo từ sâu trong lương tâm. Trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam hiện đại, Kim Lân xuất hiện chính là một nhà văn nhân đạo; cùng với kiệt tác “Vợ nhặt”, tác phẩm tiêu biểu trong nền văn xuôi Việt Nam đã làm nổi bật phong cách viết lách của tác giả. Tác phẩm “Vợ nhặt” không chỉ thu hút người đọc với nhan đề độc đáo; mà còn thu hút người đọc với lối văn chân thực, phản ánh rõ nét mọi góc khuất của xã hội trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Để rồi, từ sự phản ánh đó, tác giả khắc họa rõ nét cái đói nghèo hành hạ đời sống người con người nông thôn, và khắc họa tâm hồn “đói cho sạch rách cho thơm” của họ.
Mẫu 3
Cùng với Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan,… Kim Lân cũng là một trong số những cái tên nổi tiếng của nền văn học hiện thực Việt Nam khi viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám, với ngòi bút sâu sắc và cái nhìn thấu hiểu. Tuy nhiên khác với ngòi bút phê phán và tiếng cười sâu cay của Vũ Trọng Phụng hay Nguyễn Công Hoan, khác với sự lạnh lùng, đau đớn từng câu văn của Nam Cao. Các tác phẩm của Kim Lân không chủ tập trung vào việc phản ánh hiện thực xã hội đương thời hay những nỗi đau thân phận, mà tác giả dựa vào đó để làm nổi bật những giá trị nhân văn, vẻ đẹp tâm hồn nhân vật, bộc lộ sức mạnh, ý nghĩa của những tình cảm cao quý như tình thân, tình yêu, thứ làm thay đổi con người và cuộc sống của họ dẫu trong những hoàn cảnh khốn cùng nhất. Đời sáng tác của Kim Lân ngắn, và ông không để lại nhiều tác phẩm, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến Vợ nhặt, một tác phẩm tiêu biểu, đặc trưng cho khuynh hướng sáng tác của tác giả.
Mẫu 4
Nạn đói năm 1945 đã trở thành một nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với con người Việt Nam, nó gợi nhắc về một thời kì đen tối của lịch sử. Viết về nạn đói, Tô Hoài từng viết: “Mỗi khi chợt nghĩ lại, tôi vẫn bàng hoàng về những năm khủng khiếp ấy”, nhà văn Kim Lân cũng từng có những chia sẻ về cái dữ dội của nạn đói đồng thời cũng phát hiện “hào quang” được tỏa ra từ chính những con người trong nạn đói: “Đói, nó vừa đắng cay, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó lại lóe lên một tia sáng về đạo đức, danh dự”. “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân viết về nạn đói, đồng thời qua đó nhà văn ca ngợi vẻ đẹp của tình thương, sức sống tiềm tàng của con người.
Mẫu 5
“Sứ mệnh chân chính của người nghệ sĩ là dẫn đường cho người đọc đến với xứ sở của cái đẹp” (Pautopxki). Từ bao đời nay, người nghệ sĩ luôn là người dẫn dắt chỉ đường chỉ người đọc bước vào xứ sở câu chuyện của mình. Nếu về mảng thơ ca: Xuân Diệu dẫn người đọc bước vào thế giới thơ tình ông đầy ngọt ngày; về phía văn xuôi Nam Cao xoáy sâu vào cái hố đen của cuộc đời người nông dân nghèo, thì đến với Kim Lân, cũng là hình tượng khắc hoạ cho người nông dân, nhưng với Kim Lân, nét bút của ông vẫn nhường lại cho họ sự sống, sự quay đầu và thương cảm sắc son với họ. Truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân khắc họa cái đói, cái nghèo của tình cảnh xã hội Việt Nam trước Cách Mạng Tháng Tám năm 1945. Tác phẩm là hiện thân của một gia đình nghèo, họ vô tình gặp gỡ và tạo dựng nên một cuộc sống hạnh phúc giữa khung cảnh khắc nghiệt đói nghèo cùng cực. Truyện ngắn cũng thể hiện tài năng, cùng sự đồng cảm sâu sắc của tác giả dành cho những lớp người nông dân nghèo của xã hội cũ.
Mẫu 6
Nhà văn Pháp Napoli từng nhận định: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên, gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm không cần tìm nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa, nó là cuốn sách hay do người nghệ sĩ có thực tài viết ra”. Một tác phẩm hay luôn biết cách đưa tâm hồn con người tới địa hạt mới – địa hạt của những yêu thương, những sẻ chia và những khát khao. Viết “Vợ nhặt”, Kim Lân đã thể hiện niềm cảm thương trước số phận của con người cùng khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của họ khi bị đẩy đến mức đường cùng của cái đói.
Mẫu 7
“Văn học là cuộc đời. Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học” (Khuyết danh). Đối với mỗi người nghệ sĩ chân chính, họ đều có sự ý thức to lớn về mối tương quan giữa hiện thực và cuộc sống. Đời sống của con người luôn là đề tài rộng lớn, là mảnh đất đầy màu mỡ, không bao giờ vơi cạn trong dòng chảy của hiện thực. Là nơi các tác giả được dấn thân và trải nghiệm, qua đó có thể chắt chiu, thể hiện rõ nét tư tưởng, tình cảm của mình với hiện thực khốc liệt nơi cuộc đời con người. Trong dòng chảy của nền văn xuôi Việt Nam, tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân chính là sự hiện lên như một lời thao thức về cảnh sống khốn khó của người nông dân nghèo, là hiện thực khát vọng ấm no, hạnh phúc của họ suốt bao đời.
Mẫu 8
Ai đó đã từng nói rằng: “Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả lại sau lưng” bởi nói như nhà văn Nguyễn Khải: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những gian khổ, hy sinh. Ở đời, không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có đủ sức mạnh để vượt qua những ranh giới đó.” Đọc “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, ta thêm một lần nữa hiểu sâu sắc hơn về chân lý này.
Mẫu 9
Viết về đề tài người nông dân trước cách mạng trên văn đàn Việt Nam đã có rất nhiều những tác phẩm và những cây bút xuất sắc, nhưng ở mỗi một tác giả, tác phẩm ta lại thấy một khía cạnh riêng, mang tính cá nhân của người viết. Ví như Nguyễn Công Hoan là giọt nước mắt đau đớn, nỗi khốn khổ của người nông dân dưới những mẩu truyện ngắn cười ra nước mắt ví như Tinh thần thể dục hay Kép tư bền. Hay Ngô Tất Tố là nỗi đớn đau, xót xa cho những kiếp người cùng cực dưới nạn thuế má trong Tắt đèn. Hoặc một Nam Cao lạnh lùng, với hiện thực trần trụi đau đớn với kiếp sống đầy bi kịch của Chí Phèo.
Mẫu 10
Kim Lân là nhà văn chuyên viết về người nông dân, viết về cuộc sống ở nông thôn đầy những cơ cực bày ra trước mắt. Vợ nhặt là một truyện ngắn xuất sắc tại đây đã khắc họa thành công tình huống “nhặt vợ” độc đáo. Cùng gặp gỡ số phận người phụ nữ, ta gặp Nguyễn Minh Châu, phía sau con người nghèo khổ ông cũng thể hiện một tấm lòng của mình với nhân vật người phụ nữ. Thị, và người đàn bà hàng chài đã để lại cho ta nhiều ấn tượng khó phai mờ..
30+ mẫu mở bài Vợ nhặt hay
15 mẫu mở bài phân tích Vợ nhặt ngắn gọn nhất
Mở bài trực tiếp Vợ nhặt mẫu 1
“Vợ nhặt” là một trong những tuyệt tác nghệ thuật đặc sắc của văn học Việt Nam nói chung và của Kim Lân nói riêng. Tác phẩm được in trong tập truyện “Con chó xấu xí” (1962). Thông qua tình huống “nhặt vợ” của anh cu Tràng, nhà văn đã cho ta thấy nhiều điều về cuộc sống tối tăm, bần cùng của những người lao động trong nạn đói kinh hoàng năm 1945, đồng thời cũng ca ngợi khát vọng sống mãnh liệt và vẻ đẹp nhân phẩm cao cả ở họ.
Mở bài trực tiếp Vợ nhặt mẫu 2
“Vợ nhặt” là truyện ngắn đặc sắc, tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác văn chương của nhà văn Kim Lân. Nội dung truyện kể về anh cu Tràng ở xóm ngụ cư, làm nghề kéo xe bò thuê. Giữa trận đói kinh hoàng năm 1945 nuôi thân còn khó, thế mà bất ngờ, anh cu Tràng – nhân vật chính của tác phẩm còn dám đèo bòng thêm cô vợ nhặt. Kim Lân đã xây dựng, sáng tạo ra tình huống nhặt vợ hết sức độc đáo, đồng thời vận dụng ngôn ngữ bình dị, mộc mạc tự nhiên để khắc họa lên tính cách của từng nhân vật. Từ anh cu Tràng , người vợ nhặt đến bà cụ Tứ nhân vật nào cũng sinh động và chân thực.
Mở bài Vợ nhặt mẫu 3
Kim Lân được ví như một loại đồ cổ quý hiếm cất giữ trong đó là những hạt bụi vàng văn hóa thẳm sâu của nền văn minh sông Hồng. Ông trở thành nhà văn của những số phận thiệt thòi, những kiếp người cùng khổ của làng quê Việt Nam giữa thế kỉ XX. Các nhân vật của ông đều mang hình bóng của tác giả, là con người hiền hậu,chất phác và giàu yêu thương, tình nghĩa. Vợ Nhặt là một tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân được in trong tập Con Chó Xấu Xí năm 1962. Nhà văn đã dùng Vợ nhặt để làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện về người vợ nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng.
Mở bài Vợ nhặt gián tiếp mẫu số 4
Nhà văn Nguyễn Khải nhận xét: “Là học trò của cụ Nguyễn Tuân, tôi vẫn không tin Nguyễn Tuân viết “Chữ người tử tù” cũng như Kim Lân viết “Làng” và “Vợ nhặt”. Đó không phải là người viết mà là thần viết. Thần mượn tay người để viết nên những trang bất hủ”. Xét riêng truyện ngắn “Vợ nhặt”, Kim Lân quả xứng với lời khen đó. Thiên truyện về cái đói, cái chết mà làm lộ ra sự sống, lộ ra chất người kì diệu. Tư tưởng nhân văn sâu sắc đó không phải là truyện ngắn ồn ào mà được diễn đạt thấm thía qua nghệ thuật văn xuôi đặc sắc đã đưa Kim Lân vào hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học hiện đại. Đọc “Vợ nhặt”, không ai không bị hấp dẫn bởi một tình huống hết sức độc đáo và bi hài mà cũng đậm chất nhân văn, thấm đẫm tình người.
Mở bài Vợ nhặt gián tiếp mẫu số 5
Kim Lân là nhà văn của đồng ruộng “một lòng đi về với đất, với người thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn ngày trước” – Nguyên Hồng. Nếu như mỗi trang viết của nhà văn Nam Cao là sự trả ơn với người nông dân thì Kim Lân lại luôn tôn thờ hiện thực về cuộc sống của người dân với tư cách là một người “con đẻ của đồng ruộng”. Truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân được viết sau 1954, là truyện ngắn xuất sắc của ông trong nạn đói 1945. Bằng tấm lòng nhân đạo và tài năng nghệ thuật của mình, Kim Lân đã ca một bài ca về tình người về lòng lạc quan và niềm khao khát sống mãnh liệt của con người trong cái tận cùng của cái đói và cái chết.
Mở bài gián tiếp Vợ nhặt mẫu số 6
Một tác phẩm thành công và đi vào lòng độc giả là một tác phẩm chứa đựng những giá trị sâu đậm nhất. Viết về vùng quê Việt Nam hay viết về những người nông dân chất phác, thật thà không phải là một đề tài mới mẻ. Nhưng để mỗi tác phẩm đều có cái riêng thì đòi hỏi ở người tác giả phải có sức sáng tạo cùng tài năng xuất chúng. Và nhắc đến đề tài người nông dân thì không thể không nhắc đến nhà văn Kim Lân với tác phẩm “Vợ nhặt”. Kim Lân đã đặt nhân vật của mình trong tận cùng nỗi lo sinh tồn và phát hiện ra tính cách, vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật: những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống.
Mở bài gián tiếp Vợ nhặt mẫu số 7
“Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” – Nam Cao. Thật vậy, phàm đã là nghệ thuật thì phải phản ánh những hiện thực ngoài kia một cách chân thực nhất. Một tác phẩm nghệ thuật văn học giàu giá trị như vậy đó chính là truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Đây là tác phẩm hay nhất của nhà văn viết về nạn đói 1945. Với những cảm quan về tình thương yêu con người, bằng tài năng xuất chúng, tác giả đã vẽ nên một bức tranh với đầy đủ gam màu sáng tối của hiện thực đói khổ cùng niềm khao khát về cuộc sống tươi sáng mai sau. Như chính tác giả đã chia sẻ “Những người đói họ không nghĩ đến về cái chết mà nghĩ đến cái sống”.
(Nguồn: Thầy Nhật dạy văn)
Mở bài phân tích Vợ nhặt 8:
Nạn đói khủng khiếp năm 1945 đã khiến cho nhân dân ta rơi vào tình cảnh vô cùng thê thảm. Tình cảnh ấy được các nhà văn tái hiện chân thực trong những sáng tác của mình. Nhà văn Kim Lân cũng là một trong số đó. Ông đã khắc họa số phận của những người nông dân qua tác phẩm “Vợ nhặt
” bằng một lòng thương cảm sâu sắc.
Vợ nhặt
là một trong số truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, có tiền thân là tiểu thuyết “
Xóm ngụ cư
” được ông viết sau Cách mạng tháng Tám nhưng còn dở dang và sau đó bị thất lạc bản thảo. Đến năm 1954, Kim Lân đã viết lại tác phẩm này dựa vào một phần truyện cũ và được in trong tập “
Con chó xấu xí
” (1962). Truyện tố cáo tội ác diệt chủng của bọn thực dân, phát xít đồng thời cũng khẳng định niềm khát khao hạnh phúc cùng niềm tin mãnh liệt của nhân dân lao động vào sự sống và tương lai phía trước.
Mở bài phân tích Vợ nhặt 9:
Kim Lân được mệnh danh là cha đẻ của đồng ruộng, là nhà văn một lòng đi về với đất với người, với những giá trị thuần hậu nguyên thủy của nông thôn Việt Nam. Lần đầu tiên có một nhà văn xắn quần lội xuống bùn để lắng nghe hơi thở nồng nàn của đất đai của cuộc sống con người để tái hiện mồn một trên mỗi trang viết. Văn Kim Lân hấp dẫn người đọc bởi cốt truyện đơn giản, lối kể hấp dẫn và khả năng phân tích tâm lý nhân vật sắc sảo. Trong số những tác phẩm của ông thì truyện ngắn Vợ nhặt được in trong tập “Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962 là tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Kim Lân. Trong tác phẩm ông đã ghi lại sự thật mặn chát của cuộc đời người nông dân trong nạn đói 1945, tất cả sự thật nghiệt ngã ấy được nhà văn tái hiện lại thông qua tình huống truyện Vợ nhặt.
Văn mẫu tham khảo: Phân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Mở bài phân tích Vợ Nhặt 10:
Văn học chính là lăng kính chủ quan, phản ánh hiện thực một cách khách quan, chính xác nhất. Bởi vậy mà nhà văn Kim Lân đã dùng ngòi bút của mình để phác họa thành công bức tranh cuộc sống, sinh hoạt của người nông dân trong nạn đói năm Ất Dậu qua tác phẩm “Vợ nhặt”. Nhà văn đã đem vào thiên truyện của mình một điểm sáng mới, đó là niềm tin, niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp dù hiện tại có khó khăn đến nhường nào.
Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, ngòi bút của ông thật sắc sảo khi tập trung miêu tả những phong tục tập quán và đời sống làng quê với những “thú vui đồng quê hay phong lưu đồng ruộng”. “Vợ nhặt” là tác phẩm xuất sắc được in trong tập “Con chó xấu xí” của nhà văn, viết về người nông dân trong tình cảnh thê thảm của nạn đói với bản chất tốt đẹp, lương thiện. Bằng khả năng sáng tạo của mình, nhà văn đã thành công ở nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật và hàng loạt các biện pháp nghệ thuật đặc sắc khác khi xây dựng nhân vật của mình.
Mở bài phân tích Vợ Nhặt 11:
Cái đói là nỗi lo lắng của con người ở tất cả mọi dân tộc và mọi thời đại. Có lẽ vì vậy mà các nhà văn thường viết về nó ở những khía cạnh tối tăm và bất lực. Nhưng với tác phẩm Vợ Nhặt, nhà văn Kim Lân đã thật sự tìm được một tiếng nói riêng khi ông đã mang đến cho những nạn nhân của năm đói một khát khao cháy bỏng về tương lai tươi sáng và nhất là làm nổi bật vẻ đẹp của truyền thống nhân văn: Lòng yêu thương và quý trọng hai chữ Con Người.
Mở bài phân tích Vợ Nhặt 12:
“Vợ nhặt” là một truyện ngắn có cốt truyện hết sức độc đáo của Kim Lân. Truyện kể về anh cu Tràng – một thanh niên nghèo trong xóm ngụ cư với vẻ ngoài xấu xí đã nhặt được vợ trong hoàn cảnh cái nghèo đói đang diễn ra kinh khủng, người chết như ngả rạ. Qua tác phẩm, nhà văn đã phản ảnh nỗi đau khổ và niềm khao khát sống, khao khát hạnh phúc lớn lao của người nghèo, qua đó nói lên số phận bất hạnh, hẩm hiu của con người trong xã hội cũ.
Mở bài phân tích Vợ Nhặt 13:
Kim Lân, nhà văn chuyên viết truyện ngắn, với biệt tài viết về người nông dân. Người nông dân trong trang viết của Kim Lân dù nghèo khổ nhưng luôn sáng ngời những phẩm chất yêu đời, thật thà, chất phác, hóm hỉnh, tài hoa. “Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất khi viết về người nông dân. Tác phẩm vừa cho thấy hiện thực cuộc sống nghèo khổ của nhân dân, đồng thời ánh lên giá trị nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự trân trọng, nâng niu những ước mơ đổi đời của con người. Không chỉ vậy, tác phẩm cũng cho thấy nghệ thuật phân tích tâm lí và miêu tả bậc thầy của nhà văn Kim Lân.
Mở bài phân tích Vợ Nhặt 14:
Với những gì Kim Lân mang lại cho nền văn học Việt Nam, ông xứng đáng để mọi thế hệ biết đến với các tác phẩm để đời, mà cho tới nay giá trị của nó vẫn còn được nhiều độc giả khai thác. Nét đặc trưng trong bút pháp của ông chính là viết về những hình ảnh, những câu chuyện đời thường giản dị nhưng ẩn chứa nhiều triết lí nhân văn. Tình huống truyện trong các tác phẩm của Kim Lân đem đến cho độc giả những cái nhìn chân thực về cuộc sống đặc biệt là thời kì nhân dân ta rơi vào bế tắc cùng cực…
Mở bài Vợ nhặt gián tiếp mẫu 15
Lịch sử dân tộc Việt Nam ta đã phải trải qua biết bao khổ cực, gian truân, phải đấu tranh với những lũ giặc thâm thù ác độc. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ngoài việc đánh dấu mốc son chói lọi, vẻ vang song vận mệnh của đất nước lại rơi vào lâm nguy. Đây cũng là thời điểm nạn đói hoành hành khiến cho hàng triệu người dân chết đói, là một nỗi ám ảnh kinh hoàng trong ký ức của biết bao con người. Và cho đến tận ngày nay, không ai có thể phủ nhận được sự khủng khiếp của nó. Nhà văn Kim Lân, bằng sự nhân đạo và tài năng nghệ thuật của mình đã khắc họa lại rõ nét khung cảnh nghèo đói của con người lúc bấy giờ qua truyện ngắn “Vợ nhặt”. Ngoài việc tái hiện lại khung cảnh thê lương ấy, “Vợ nhặt” còn ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người, niềm khao khát được sống, được hạnh phúc, khao khát về một tương lai tươi sáng dù họ có ở mấp mé bờ vực của cái chết.
7 mẫu mở bài phân tích nhân vật Tràng
Mở bài phân tích Tràng mẫu 1
Kim Lân là nhà văn lão làng trong nền văn học hiện thực Việt Nam. Ngòi bút của ông hướng đến những mảnh đời bất hạnh, làng quê Việt Nam, những người nông dân chân chất mộc mạc, nghèo đói nhưng tràn đầy tình yêu. Truyện ngắn “Vợ nhặt” là một trong những kiệt tác tái hiện lại chân thực nhất hình ảnh người nông dân sống trong nạn đói năm 1945. Đặc biệt tác giả đã khắc họa thành công diễn biến tâm lý của nhân vật chính: anh cu Tràng.
Mở bài phân tích Tràng mẫu 2
Kim Lân – một nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi Việt Nam vào giai đoạn trước và sau cách mạng tháng Tám. Ông là một người yêu quê hương đất nước, giàu lòng thương người. Kim Lân đã khắc họa rất thành công bức tranh của nạn đói năm Ất Dậu, nạn đói lịch sử của nước ta năm 1945 qua tác phẩm truyện ngắn “Vợ Nhặt”. Đặc biệt là qua hình ảnh nhân vật Tràng, một người nông dân nghèo đói, bất hạnh nhưng trong anh lại có một tấm lòng giàu tình thương người, giàu khát vọng hạnh phúc. Tất cả được thể hiện qua câu chuyện đầy bất ngờ của Tràng – câu chuyện nhặt vợ giữa ngày đói.
Mở bài phân tích Tràng mẫu 3
Kim Lân là một cây bút chuyên viết truyện ngắn, ông thường viết về nông thôn và người nông dân bằng lời văn chân thật xúc động khi miêu tả đời sống, cảnh ngộ và tâm lý của họ. Truyện ngắn “Vợ nhặt” là tác phẩm xuất sắc in trong tập “Con chó xấu xí”(1962). Bối cảnh của truyện là nạn đói thê thảm khủng khiếp năm 1945 do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào ngay cả khi cận kề bên cái chết họ vẫn yêu thương cưu mang đùm bọc lẫn nhau, vẫn khát khao hạnh phúc và có niềm tin bất diệt vào tương lai. Những phẩm chất tốt đẹp ấy được nhà văn thể hiện qua nhân vật Tràng.
>>> Bài văn mẫu chi tiết: Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt
Mở bài phân tích Tràng mẫu 4
Nạn đói năm 1945 là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, những người nông dân đã phải chịu đựng những đau thương, mất mát vô cùng lớn lao. Tuy nhiên, trong cái chết vẫn có sự sống, trong đau thương vẫn có hạnh phúc. Điều đó được thể hiện rõ nét qua nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Tràng là nhân vật chính trong truyện. Anh là một người nông dân nghèo khổ, xấu xí, không có gia đình. Tuy nhiên, trong Tràng lại toát lên vẻ đẹp của người nông dân có khát vọng sống mãnh liệt, luôn lạc quan, yêu đời.
Mở bài phân tích Tràng mẫu 5
Trong nền văn học Việt Nam, có nhiều tác phẩm viết về người nông dân trong nạn đói năm 1945. Một trong những tác phẩm tiêu biểu là truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Nhân vật Tràng trong truyện được khắc họa một cách chân thực và sinh động, thể hiện vẻ đẹp của người nông dân trong hoàn cảnh khốn cùng. So với những nhân vật nông dân khác trong văn học, Tràng có những nét riêng biệt. Đó là một người nông dân có khát vọng sống mãnh liệt, luôn lạc quan, yêu đời, dù đang phải đối mặt với những khó khăn, thử thách.
Mở bài phân tích Tràng mẫu 6
Nhà văn Nga I.Bônđarep từng có ý tưởng rằng “Nghệ thuật sinh ra từ những thái cực và xung đột”. Ý kiến này quả đúng khi bàn về truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Với tác phẩm Vợ Nhặt nhà văn đã làm hiện lên trước mắt người đọc một bức tranh sinh động về hiện thực thê thảm ấy và lạ thay, giữa khoảng trống lay lắt, tối tăm của cuộc sống đói nghèo nhà văn đã cho ta thấy được tấm lòng của những con người đói khổ dù đang bị cái đói, cái chết rình rập nhưng họ vẫn cưu mang, đùm bọc, yêu thương và san sẻ, cùng hướng về sự sống, về hạnh phúc và tương lai. Nó được thể hiện như thế nào qua hình tượng nhân vật Tràng?
Mở bài phân tích Tràng mẫu 7
Trong cuộc sống, có những điều tưởng chừng như không thể nhưng lại có thể xảy ra. Điều đó được thể hiện rõ nét qua nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Tràng, một anh nông dân nghèo khổ, xấu xí, lại nhặt được vợ trong những ngày nạn đói 1945. Điều này đã khiến cho nhiều người phải ngạc nhiên và suy ngẫm. Trên cơ sở đó, tác giả Kim Lân đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Tràng, một người nông dân nghèo khổ nhưng giàu lòng yêu thương và khát khao hạnh phúc.
Mở bài phân tích nhân vật bà cụ Tứ (6 mẫu)
Mở bài phân tích bà cụ Tứ 1:
“Lòng mẹ bao la như biển thái bình, dạt dào”. Đúng như vậy, tình mẫu tử là một thứ tình cảm thiêng liêng bởi tấm lòng người mẹ dành cho con là vô bờ bến. Tấm lòng ấy càng có giá trị và ý nghĩa hơn khi dù ở trong hoàn cảnh nào thì mẹ vẫn luôn bao dung, rộng lượng với con của mình. Điều đó được thể hiện qua nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Trong cái đó khủng khiếp năm 1945, khi bản thân mình còn không nuôi nổi huống chi là đèo bồng thì bà cụ Tứ vẫn dành cho con dâu những tình cảm đẹp đẽ và chân thành nhất. Bà không vì thị đi theo Tràng chỉ sau hai lần gặp mà rẻ rúm, khinh miệt thị. Cụ Tứ trong truyện là một nhân vật có sự thấu hiểu và tấm lòng rộng lượng, yêu thương con người.
Mở bài phân tích bà cụ Tứ 2:
Trong cuộc sống, có những người mẹ không chỉ sinh thành, nuôi dưỡng mà còn là người bạn, người tri kỷ của con cái. Điều này được thể hiện rõ nét qua nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Bà cụ Tứ là nhân vật phụ nhưng có vai trò quan trọng trong tác phẩm. Bà là một người mẹ nghèo khổ, chất phác, vị tha, nhân hậu, âm thầm hi sinh vì hạnh phúc của con. Qua nhân vật bà cụ Tứ, nhà văn Kim Lân đã thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam trong những ngày tháng gian khổ nhất của lịch sử dân tộc.
Mở bài phân tích bà cụ Tứ 3:
Nhà văn Kim Lân là một nhà văn nổi tiếng của nền văn học hiện thực Việt Nam. Ông được xem là nhà văn của làng quê Việt Nam với những sáng tác luôn chạm đến trái tim người đọc bằng sự giản dị, gần gũi. Tác phẩm Vợ Nhặt của ông được sáng tác trong bối cảnh đất nước lầm than, nạn đói hoành hành năm 1945. Thành công của tác phẩm chính là nhờ sự thành công trong việc khắc họa nhân vật của tác giả. Nhân vật bà cụ Tứ, một người mẹ nghèo, khắc khổ nhưng giàu tình yêu thương là một nhân vật được khắc họa rất thành công.
- Phân tích hình tượng bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt
Mở bài phân tích bà cụ Tứ 4:
Nạn đói năm 1945 là một trong những nạn đói kinh hoàng nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong hoàn cảnh ấy, con người phải đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn, thậm chí là cái chết. Nhưng trong đó, vẫn có những con người vẫn giữ được niềm tin và hy vọng vào cuộc sống, như nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Bà là nhân vật đại diện cho những người phụ nữ nông dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945. Thông qua nhân vật bà cụ Tứ, nhà văn Kim Lân đã thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đó là tình yêu thương con vô bờ bến, sự lạc quan, yêu đời và niềm tin vào tương lai.
Mở bài phân tích bà cụ Tứ 5:
Kim Lân với phong cách viết giản dị, gần gũi với đời sống của nhân dân nên ông được xem là nhà văn của làng quê Việt Nam. Những sáng tác của ông luôn chạm vào trái tim người đọc cảm xúc ấm áp, thân quen nhất. Truyện ngắn “Vợ nhặt” ra đời giữa bối cảnh đất nước ta đang lầm than, nạn đói hoành hành. Tác giả đã khắc họa thành công nhân vật bà cụ Tứ, một người mẹ khắc khổ nhưng tràn đầy tình yêu thương.
Mở bài phân tích bà cụ Tứ 6:
Trong văn học Việt Nam, có nhiều nhân vật người mẹ điển hình, tiêu biểu như chị Dậu, bà Tú,… nhưng có lẽ nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân là nhân vật để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Bà cụ Tứ có những nét tương đồng với những nhân vật người mẹ khác, nhưng cũng có những nét riêng biệt, độc đáo.
6 mẫu mở bài phân tích nhân vật Thị (người vợ nhặt)
Mở bài phân tích người vợ nhặt 1:
Tác phẩm Vợ nhặt xoay quanh câu chuyện của ba người trong một gia đình ngụ cư. Điều lạ là một người làm nên chính cái tên của truyện lại không có tên, không biết tuổi. Đó chính là vợ Tràng. Người phụ nữ ấy chỉ là một trong số hàng ngàn, hàng vạn thân phận phụ nữ cùng thời. Do đó, người ấy rất rễ bị lãng quên, ít ai chú ý tới nhưng với nhà văn đó là một số phận không thể bỏ qua, một số phận gây nhức nhối, trăn trở. Sự hấp dẫn của nhân vật nữ này phải chăng là từ một người trong cõi mù mịt, không đâu vào đâu trở thành một nàng dâu hiền thục của bà cụ Tứ?
Mở bài phân tích người vợ nhặt 2:
Kim Lân là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam trước và sau Cách mạng tháng Tám. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công là truyện ngắn “Vợ nhặt”, được in trong tập truyện “Con chó xấu xí”. Đây là tác phẩm mà Kim Lân đã tái hiện thành công bức tranh ảm đạm và khủng khiếp về nạn đói Ất Dậu (1945) của nước ta. Trên cái nền tăm tối và đau thương ấy, nhà văn đã đặt vào đó hình ảnh của nhân vật người vợ nhặt: nghèo đói, bất hạnh nhưng lại có một khát vọng sống mãnh liệt. Điều đó được thể hiện qua việc thị chấp nhận theo không một người đàn ông về làm vợ giữa ngày đói.
Mở bài phân tích người vợ nhặt 3:
Kim Lân là một trong số ít những nhà văn thành công khi viết về cái nghèo, cái đói để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Khi viết về cái đói, Kim Lân không dừng lại ở việc khơi gợi lòng thương cảm, xót xa mà còn tạo ra một nỗi ghê sợ, ám ảnh về sức mạnh hủy diệt của nó đối với nhân phẩm và thể xác con người. Tuy nhiên, với thông điệp “Hãy tin ở con người”, hầu hết nhân vật của Kim Lân, đến cuối truyện luôn tìm về với bản chất tốt đẹp, đáng quý của mình. Đại diện cho kiểu nhân vật này, chúng ta có thể kể đến người vợ nhặt trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn. Đây là nhân vật bị cái đói xui khiến, sẵn sàng vứt bỏ tự tôn, nhắm mắt đưa chân theo người xa lạ vì một miếng ăn. Nhưng, ở đâu đó trong con người thị vẫn luôn tồn tại những phẩm chất đáng trân trọng của một người phụ nữ truyền thống: đảm đang, biết vun vén gia đình và cũng đầy tinh tế, ý nhị.
Đọc thêm bài văn mẫu: Phân tích nhân vật Thị trong truyện ngắn Vợ nhặt
Mở bài phân tích người vợ nhặt 4:
Kim Lân là nhà văn có vốn am hiểu phong phú về cuộc sống và tâm hồn của người nông dân. Viêt về làng quê, người nông dân bằng những tình cảm chân thành, bình dị nhưng vô cùng tinh tế nên văn của Kim Lân thường dễ chạm đến những tình cảm sâu kín nhất bên trong mỗi độc giả. Vợ nhặt không chỉ là truyện ngắn đặc sắc nhất của Kim Lân mà còn là tác phẩm tiêu biểu của nền văn học hiện thực Việt Nam khi khắc họa sống động cuộc sống nghèo khổ, bế tắc của con người trong nạn đói. Tiêu biểu cho hình ảnh và thân phận con người trong nạn đói, đó chính là nhân vật người vợ nhặt.
Mở bài phân tích người Thị 5:
Kim Lân là một nhà văn có nhiều trang viết gắn liền với cuộc sống của những người nông dân Bắc bộ Việt Nam. Ông có nhiều tác phẩm viết về con người và mảnh đất này như: “Làng”, “Vợ nhặt”, “Con chó xấu xí”… Tác phẩm “Vợ nhặt” được trích từ tập truyện “Con chó xấu xí” là tác phẩm xuất sắc của Kim Lân. Tác phẩm vừa là bức tranh chân thực về nạn đói khủng khiếp năm 1945 vừa là bài ca ca ngợi về vẻ đẹp tình người và khát vọng sống, niềm tin vào tương lai của người lao động nghèo. Dường như nạn đói định mệnh ấy đã làm cho con người ta quên đi cả danh dự, họ bất chấp để được sống, thậm chí chuyện hạnh phúc cả đời cũng tặc lưỡi cho qua. Nhân vật Thị là một điển hình trong số những nạn nhân xấu số của nạn đói đó.
Mở bài phân tích người Thị 6:
Với mỗi một nhân vật trong các tác phẩm văn chương, dù tốt hay xấu thì họ cũng là đại diện cho một bộ phận những người có cùng những đặc điểm chung trong thời kì đó. Khi xây dựng hình ảnh nhân vật thị trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân tuy đã lột tả thẳng thắn những nét xấu xí, đanh đá và chảnh chọe của thị nhưng ông cũng rất khéo léo khi gài gắm vào đó những chuyển biến trong suy nghĩ và hành động của nhân vật này khi về làm vợ Tràng. Qua đó, nhà văn cho thấy những nét đẹp của người phụ nữ biết chăm lo cho gia đình, biết thay đổi để có một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc.
Một số mở bài nâng cao về tác phẩm Vợ Nhặt (14 mẫu)
Mở bài nâng cao Vợ Nhặt 1:
B. Sô từng nói “Vũ trụ có nhiều kì quan, nhưng kì quan tuyệt diệu nhất vẫn là trái tim người mẹ”. Quả thật vậy, trái tim của người mẹ là kỳ quan vĩ đại, là toà bảo tháp ngự trị vĩnh hằng và sừng sững giữa cuộc đời. Tác phẩm văn học nhất là những tác phẩm viết về người mẹ luôn là những tác phẩm thành công nhất. Văn học Việt Nam cũng đã từng ghi nhận những đóng góp lớn lao ấy về người mẹ. Một trong những tác phẩm tạo nên niềm xúc động sâu sắc về người mẹ phải kể đến đó là “Vợ nhặt” của Kim Lân. Dưới ngòi bút tài hoa và tinh tế của nhà văn vốn một đời đi về với ruộng đồng, vẻ đẹp lớn lao kì vĩ của trái tim người mẹ và tình mẫu tử thắm thiết thiêng liêng cũng ngời lên trọn vẹn và sâu sắc qua diễn biến tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ.
Mở bài nâng cao Vợ Nhặt 2:
“Cái đẹp cứu vớt con người” (Đôx-tôi-ep-ki). Vâng, “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân thể hiện rõ sức mạnh kì diệu ấy. Ánh sáng của tình người, lòng tin yêu vào cuộc sống là con nguồn mạch giúp Kim Lân hoàn thành tác phẩm. Ông đã đóng góp cho văn học Việt Nam nói chung, về đề tài nạn đói nói riêng một quan niệm mới về lòng người và tình người. Đọc xong thiên truyện, dấu nhấn mạnh mẽ nhất trong tâm hồn bạn đọc chính là ở điểm sáng tuyệt vời ấy.
Mở bài nâng cao Vợ Nhặt 3:
Còn nhớ sinh thời tác giả của Bỉ vỏ – nhà văn Nguyên Hồng từng “phán” về đồng nghiệp của mình rằng: Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần hậu nguyên thuỷ” của cuộc sống nông thôn. Quả thật không chê vào đâu được lời “truyền thần” ấy của nhà văn Nguyên Hồng! Sự nghiệp và những quan niệm về văn chương của Kim Lân qua những tác phẩm của ông đã để lại rất nhiều những ấn tượng đẹp trong lòng độc giả, và càng chứng minh nhận định của nhà văn Nguyên Hồng không thể bỏ đi từ nào được. Đọc “Vợ nhặt” – tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân, ta càng hiểu rõ và thấm nhuần hơn điều này.
- Những đề văn hay về Vợ nhặt (Kim Lân) thường gặp trong đề thi
Mở bài nâng cao Vợ Nhặt 4:
Đến với mảnh đất văn chương, nếu Nguyễn Công Hoan coi “đời là mảnh ghép của những nghịch cảnh”; Thạch Lam ví “đời là miếng vải có nhiều lỗ thủng, nhiều vết ố nhưng vẫn nguyên vẹn”; và Nam Cao thì coi “cuộc đời là tấm áo cũ bị xé rách tả tơi từ cái làng Vũ Đại đến mỗi gia đình, mỗi số phận”, thì Kim Lân lại không nhìn đời bằng con mắt “đau thương” như thế! Kim Lân là cây bút xuất sắc chuyên viết truyện ngắn về đề tài nông thôn. Những sáng tác của ông phản ánh một cách chân thật, xúc động về cuộc sống và người dân quê mà ông am hiểu sâu sắc cảnh ngộ cũng như tâm lí của họ – những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng. Một trong những sáng tác thuộc đỉnh cao của Kim Lân là truyện ngắn “Vợ nhặt”, tác phẩm vừa là bức tranh hiện thực về nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu vừa là bài ca ca ngợi sức sống và niềm tin mãnh liệt của con người vào tương lai, vào Cách mạng, vào tình người.
Mở bài nâng cao Vợ Nhặt 5:
Nếu ví văn học Việt Nam như một dòng sông bao la và mỗi tác phẩm là một con thuyền trên dòng sông ấy, có con thuyền sẽ bị con sóng khắc nghiệt làm đắm chìm ngay từ những ngày đầu tiên, những cũng có con thuyền kiên cường đứng vững trôi trên dòng sông ấy bao đời. Cũng như có những tác phẩm văn học đọc xong, gấp sách lại và ta quên đi, khép luôn cả trí nhớ của mình về nó. Cho đến lúc cầm lại nó, ta mới chợt nghĩ mình đã đọc rồi. Những có những khi, có những cuốn sách như dòng sông chảy qua tâm hồn ta, để lại một lớp phù sa, để lại những ấn tượng khắc chạm trong tâm khảm. Và trong những dòng văn có sức sống như thế, ta không thể lãng quên “Vợ nhặt” của Kim Lân.
Mở bài nâng cao Vợ Nhặt 6:
Chiến tranh đã đi qua gần một nửa thế kỷ trên đất nước ta thế nhưng nó vẫn luôn hiện hữu như một cơn ác mộng với những mất mát, đau thương không một từ ngữ nào có thể diễn tả được. Nhờ có văn học, những người con Việt Nam sinh ra trong thời bình đã phần nào cảm nhận được những gì dân tộc ta đã phải trải qua để đánh đổi nền độc lập, tự do. Trong số những nhà văn hiện thực, Kim Lân là một cây truyện ngắn với các tác phẩm có giá trị, trong đó có “Vợ nhặt”. Bằng việc xây dựng tuyến nhân vật và đặt họ trong bối cảnh đặc biệt của nạn đói kinh hoàng, nhà văn của đồng ruộng đã cho chúng ta thấy được vẫn còn những điều tươi sáng đằng sau những bóng tối, vẫn còn những ước vọng tươi sáng đằng sau thực tại trần trụi của người dân Việt Nam đương thời.
(Nguồn: Cô Trần Thùy Dương)
Mở bài nâng cao Vợ Nhặt 7:
Nhà văn Kim Lân từng nói về nạn đói năm 1945 rằng: “Đói, nó vừa đắng cay, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó nó lại lóe lên một tia sáng về đạo đức, danh dự“. Và “Vợ nhặt” của ông chính là tác phẩm đi sâu vào khai thác tia sáng đẹp đẽ trong bi kịch tăm tối ấy của nạn đói. Thông qua câu chuyện nhặt được vợ của anh cu Tràng, nhà văn Kim Lân không chỉ nói lên sự sống mỏng manh của con người trước nạn đói khủng khiếp mà quan trọng hơn cả là đứng trên bờ vực của sự sống và cái chết ấy, vẻ đẹp của con người vẫn luôn tỏa rạng, trong cái khốn cùng, thiếu thốn, đói nghèo con người vẫn dành cho nhau những tình cảm thật chân thành và đáng trân trọng nhất.
Mở bài nâng cao Vợ Nhặt 8:
“Vợ nhặt” là một tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp văn chương của Kim Lân viết về cuộc sống ngột ngạt của người dân trong nạn đói năm 1945. Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết có tên “Xóm ngụ cư” được viết ngay sau cách mạng tháng Tám bùng nổ nhưng còn dang dở. Sau khi hòa bình lập lại (năm 1954), Kim Lân đã dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết lên thiên truyện ngắn này. Với “Vợ nhặt”, Kim Lân đã vô cùng thành công trong việc đi sâu vào việc phân tách diễn biến tâm lí nhân vật, tiêu biểu là ………..(tùy vào đề bài để dẫn dắt).
Mở bài nâng cao Vợ Nhặt 9:
Lịch sử dân tộc ta đã phải trải qua biết bao khổ cực, phải đấu tranh với những lũ giặc thâm độc. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ngoài việc ghi dấu mốc son chói lọi, song vận mệnh đất nước lại lâm nguy. Đây cũng là thời điểm nạn đói hoành hành, là một nỗi ám ảnh trong ký ức của biết bao con người. Cho đến tận ngày nay, không ai có thể phủ nhận sự khủng khiếp của nó. Nhà văn Kim Lân, bằng sự nhân đạo và tài năng của mình đã khắc họa lại rõ nét bức tranh nghèo đói của con người thời ấy. Nhưng vượt lên cả là niềm sống mãnh liệt, sự khao khát về một tương lai tươi sáng dù trong cái tận cùng của chết chóc. Tất cả nghịch cảnh, hay sự đẹp đẽ trong tình người đều được thể hiện rất rõ nét qua tác phẩm “Vợ nhặt.”
Mở bài nâng cao Vợ Nhặt 10:
Văn học, nghệ thuật chính là lăng kính chủ quan, phản ánh hiện thực một cách khách quan và chính xác nhất. Bởi vậy mà nhà văn Kim Lân đã dùng ngòi bút tài năng của mình để phác họa lên bức tranh chân thực về cuộc sống, sinh hoạt của người nông dân nghèo trong nạn đói năm Ất Dậu qua truyện ngắn “Vợ nhặt”. Kim Lân đã đem vào thiên truyện của mình một điểm sáng mới, đó chính là niềm tin, là niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp dù hiện thực có khó khăn đến nhường nào. “Vợ nhặt” là tác phẩm xuất sắc nhất của ông được in trong tập “Con chó xấu xí”, truyện viết về người nông dân trong tình cảnh thê thảm, khốn cùng của nạn đói nhưng vẫn ánh lên những bản chất tốt đẹp, lương thiện.
Mở bài nâng cao Vợ Nhặt 11:
Tuy sự nghiệp văn chương của Kim Lân không quá đồ sộ như các nhà văn khác, nhưng mỗi tác phẩm của ông để lại đều chứa đựng những giá trị cốt lõi quý giá, lấy nền tảng hiện thực để làm nổi bật lên những giá trị nhân văn sâu sắc, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn của người đọc. Chính vì lẽ ấy, mà Kim Lân một nhà văn không học hành nhiều, nhưng lại có óc sáng tạo vô cùng phong phú, đi sâu vào cuộc sống đời thường của nhân dân, đồng thời thấu hiểu nội tâm và vẻ đẹp tâm hồn ẩn sâu của họ đã được vinh dự xếp vào một trong 10 tác giả tiêu biểu nhất cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Cùng viết về chủ đề người nông dân nghèo khổ khốn cùng trước cách mạng tháng Tám, thế nhưng khác hẳn với nhà văn Nam Cao hay Thạch Lam, luôn mang đến cho người đọc những cái chết xa hoặc gần, những cái ảm đạm, tăm tối, bế tắc không hồi kết, thì ở Vợ nhặt, Kim Lân đã khéo léo lồng ghép ánh sáng hi vọng, ánh sáng của niềm tin cho người đọc giữa một khung cảnh ngột ngạt bao trùm của nạn đói năm 1945. Ánh sáng đó xuất phát từ vẻ đẹp của tình người ấm áp, của niềm khát khao được sống tiềm ẩn trong mỗi một nhân vật Tràng, Thị hay bà cụ Tứ, dẫu rằng họ đang đứng cận kề giữa cảnh chết đói.
Mở bài nâng cao Vợ Nhặt 12:
Có những chi tiết nghệ thuật đọc rồi là nhớ mãi bởi nó có sức rung động sâu xa, sức ám ảnh lâu bền trong người đọc như “bát cháo hành” của Thị Nở trong Chí Phèo (Nam Cao), như “nồi cháo cám” của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt (Kim Lân). Nếu bát cháo hành là liều thuốc giải độc đối với những “con quỷ dữ” như Chí Phèo biết quay về cuộc sống lương thiện, thì nồi cháo cám chính là tấm lòng thương yêu chân thực, cảm động của người mẹ nghèo khổ đối với những đứa con trong bữa cơm ngày đói đón dâu mới.
Mở bài nâng cao Vợ Nhặt 13:
Mỗi tác phẩm sống trong cuộc đời đều có một sinh mệnh riêng với những giá trị không hề trộn lẫn. Sức sống của tác phẩm ấy khởi phát tinh hoa và tinh huyết của người sinh thành ra nó. Tuy nhiên “Tác phẩm văn học chân chính luôn nằm ngoài định luật của sự băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.” (Sedorin) Bởi, bản chất của “Văn học cuối cùng là viết về trái tim của con người” (Macxim Malie). “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân có thể được con là một kiệt tác trong sự nghiệp của nhà văn. Đồng thời là truyện ngắn xuất sắc của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Tác phẩm là sự khúc xạ gương mặt xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; và là bài ca tuyệt đẹp về khát vọng và tình người, với sức sống kì diệu của người nông dân đất Việt. Hãy cùng cảm nhận vẻ đẹp ấy của người nông dân qua tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân.
Mở bài nâng cao Vợ Nhặt 14:
Lấy cảm hứng từ câu chuyện về đời sống của người nông dân Việt Nam sau cách mạng tháng 8/1945, nhà văn Kim Lân đã phác họa thành công bức tranh về cộng sống khó khăn, lay lắt đến thê thảm của những người dân nghèo. Và lạ lùng hơn nữa, là trong cái đói nghèo,tối tăm đó, tình yêu thương, san sẻ, cưu mang và đùm bọc vẫn hiện lên sáng ngời, nhà văn khắc họa tất cả niềm khao khát hướng về ánh sáng đó của những nhân vật chính trong tác phẩm Vợ nhặt rất đỗi tự nhiên, chân chất, hãy cùng đi sâu phân tích tác phẩm để thấy rõ giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
-/-
Trên đây là TOP 30+ mẫu mở bài Vợ Nhặt hay, sáng tạo và độc đáo nhất dành cho tác phẩm truyện ngắn Vợ Nhặt của nhà văn Kim Lân. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết này, các em sẽ có những ý tưởng hay cho phần mở bài của mình, cũng như không phải dành quá nhiều thời gian để nghĩ ra một đoạn mở bài Vợ Nhặt. Chúc các em học tốt môn Văn!