Tuyển tập các đề đọc hiểu Sóng (Xuân Quỳnh)
Cùng tham khảo các đề đọc hiểu bài Sóng của Xuân Quỳnh để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu về bài thơ này trong các kì thi em nhé!
Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh là bài thơ nói về vẻ đẹp tâm hồn và niềm khát khao hạnh phúc của người phụ nữ trong tình yêu. Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến bài thơ, cùng THPT Ngô Thì Nhậm tham khảo một số đề đọc hiểu Sóng dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:
Tuyển tập đề đọc hiểu Sóng (Xuân Quỳnh)
Đề số 1
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Câu 1: Giới thiệu vài nét về cấu trúc hình tượng độc đáo trong bài thơ “sóng” – Xuân Quỳnh
Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn thơ
Câu 3: Toàn bộ bài thơ Sóng, các khổ thơ đều có 4 câu, duy chỉ có khổ 5 là có 6 câu? Điều đó có ý nghĩa gì trong việc bộc lộ cảm xúa của nhân vật trữ tình.
Câu 4: Nêu nét đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ.
Có thể bạn quan tâm: Soạn bài Sóng – Xuân Quỳnh
Đáp án đề đọc hiểu Sóng số 1
Câu 1: Cấu trúc hình tượng “Sóng” khá độc đáo. Đọc bài thơ thấy hiện lên hình ảnh người con gái đang đứng trước biển, đối diện với đại dương để rồi suy tư, khát khao. Trước mỗi phát hiện về sóng, về biển cả, người con gái ấy lại liên tưởng đến tình yêu của mình và muôn thuở của nhân loại. Bởi thế mỗi khám phá về sóng cũng là phát hiện về trái tim của người con gái đang yêu. Có thể nói sóng là một hình tượng ẩn dụ hóa thân, là sự phân thân của nữ sĩ. Sóng và Em là hai hình tượng xuyên suốt bài thơ, sóng đôi với nhau, khi tách rời, khi hòa nhập, khi chuyển hóa sang nhau. Tuy hai mà một, tuy một mà là hai.
Câu 2
: Nội dung chính của đoạn thơ trên là: bày tỏ nỗi nhớ niềm thương da diết, khắc khoải của con người đang yêu
Câu 3: Toàn bộ bài thơ Sóng, các khổ thơ đều có 4 câu, duy chỉ có khổ 5 là có 6 câu? Điều này chỉ có thể lí giải bởi cảm xúc nhớ thương, mãnh liệt da diết, khôn nguôi của nữ sĩ. Cảm xúc ấy mãnh liệt, thăng hoa, trào dâng khiến cho câu thơ phải kéo dài thêm 3 câu nữa.
Câu 4: Nét nghệ thuật đặc sắc của đoạn thơ trên là: Trái tim không ngủ yên, nỗi nhớ cồn cào cuộn xoáy mãnh liệt, xô đy, phá vỡ cấu trúc khuôn mẫu khổ thơ. Khổ thơ bỗng kéo dài thêm hai câu, Có phải chăng, phải kéo dài ra như thể để nói cho thỏa cho hết cá ngút ngàn, miên man của nỗi nhớ. Nghệ thuật đối kết hợp với điệp từ, điệp ngữ, liệt kê, điệp cấu trúc khiến khúc thơ mang âm hưởng của tiếng sóng. Sóng biển và sóng lòng, ào ạt, náo nức, hăm hở. Tất cả ngân vang tạo nên bản tình ca, thắm thiết, đắm sau.
Xem thêm
:
Sơ đồ tư duy bài Sóng của Xuân Quỳnh
Đề số 2
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.155)
Câu 1. Giới thiệu vài nét về tác giả Xuân Quỳnh.
Câu 2. Xác định thể thơ của đoạn trích. Việc lựa chọn thể thơ đó có tác dụng gì trong việc thể hiện âm hưởng của lời thơ?
Câu 3. Nêu hiệu quả nghệ thuật của cách ngắt nhịp, sự luân phiên bằng trắc cùng ý nghĩa biểu đạt của các tính từ được sử dụng trong hai câu thơ in đậm.
Câu 4. Yếu tố thời gian được gieo trong hai câu thơ Ôi con sóng ngày xưa / Và ngày sau vẫn thế mang lại ý nghĩa gì cho hình tượng sóng và em?
Câu 5. Chỉ ra hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ cuối đoạn trích
Đáp án đề đọc hiểu Sóng số 2
Câu 1: Giới thiệu vài nét về tác giả Xuân Quỳnh là:
– Xuân Quỳnh (1942 – 1988) tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở La Khê, thành phố Hà Đông tỉnh Hà Tây (thay thuộc Hà Nội).
– Bà xuất thân từ một gia đình công chức, mồ côi mẹ từ nhỏ, Xuân Quỳnh ở với bà nội
– Xuân Quỳnh từng là diễn viên múa Đoàn văn công nhân dân Trung ương, là biên tập viên báo Văn nghệ, biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III.
– Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ.
Câu 2:
– Thể thơ của đoạn trích là: thể thơ 5 chữ
– Tác dụng của việc lựa chọn thể thơ 5 chữ trong việc thể hiện âm hưởng của lời thơ là: Thể thơ 5 chữ với những dòng thơ hầu như không ngắt nhịp góp phần tạo nên âm hưởng dào dạt, nhịp nhàng, gợi nhịp các con sóng liên tiếp nhau, lúc tràn lên sôi nổi, lúc êm dịu, lắng lại.
Câu 3:
– Hiệu quả nghệ thuật của cách ngắt nhịp, sự luân phiên bằng trắc trong hai câu thơ in đậm là: lời thơ ngắt nhịp 2/3, đồng thời có sự thay đổi tuần hoàn luân
phiên các thanh bằng – trắc trong các nhịp ngắt và trong các tiếng cuối của các vế câu thơ (dội – ào – êm – lẽ). Tất cả những điều đó đã khiến cho hai câu thơ như trao đưa giữa những đối cực: dữ dội >< dịu êm, ồn ào >< lặng lẽ.
– Ý nghĩa biểu đạt của các tính từ được sử dụng trong hai câu thơ in đậm là: – Sự xuất hiện của các tính từ với các sắc thái ý nghĩa tương phản và sắc thái ngữ âm đối lập nhau (dữ dội >< dịu êm, ồn ào >< lặng lẽ) gợi đến sự thất thường. Giống như sóng giữa đại dương bao la lúc thì êm dịu ru bờ, khi lại cồn cào bão tố, trái tim trong tình yêu của người phụ nữ cũng vui buồn, hờn giận, cay đắng, yêu thương, ghét bỏ…; người phụ nữ có khi vừa vui đã lại buồn, vừa gần gũi nhưng bỗng xa xôi.
Câu 4: Yếu tố thời gian được gieo trong hai câu thơ Ôi con sóng ngày xưa / Và ngày sau vẫn thế mang lại ý nghĩa là:
– Sóng được đặt trong phạm trù thời gian ngày xưa – quá khứ và ngày sau – tương lai. Những từ ngữ chỉ thời gian mang ý nghĩa tiếp nối, đối lập cùng ý nghĩa khẳng định của từ vẫn thế đem đến ý niệm về sự vĩnh hằng về sóng. Điều này rất phù hợp với thực tế: biển luôn là một thế giới vô biên, vĩnh viễn, xao động bởi những con sóng.
– Sự hòa nhập tinh tế giữa các nét nghĩa ẩn dụ khi tình yêu soi vào sóng để tự nhận thức mình đã đem đến những liên tưởng về tình yêu của em: Giống như những con sóng cứ mãi dào dạt, mãi cồn cào, mãnh liệt trong lòng biển thì những khát vọng tình yêu mãnh liệt trong trái tim em cũng là khát vọng muôn đời của nhân loại.
Câu 5: Hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ cuối đoạn trích là:
– Biện pháp tu từ đƣợc sử dụng trong hai câu thơ cuối: ẩn dụ (ngực trẻ).
– Hiệu quả:
- Trước biển cả mênh mông, qua cảm nhận về thị giác, chúng ta luôn nhận thấy mặt biển vồng căng lên. Trong suy ngẫm, liên tưởng của người phụ nữ đang yêu, mặt biển giống như lồng ngực cường tráng, trẻ trung của trời đất và sóng giống như nhịp đập trong trái tim rạo rực yêu đương của biển.
- Chữ trẻ mang đến cảm nhận về những nhịp sóng muôn đời cồn cào trào dâng mãnh liệt khiến cho biển muôn đời trẻ trung. Tình yêu cũng thế, nó đem đến sự trẻ trung, mạnh mẽ, nhiệt huyết của tuổi thanh xuân cho con người. Chính tình yêu khiến cho con người muôn đời tươi trẻ.
Đề số 3
Con sóng dưới lòng sâu,
Con sóng trên mặt nước,
Ôi con sóng nhớ bờ,
Ngày đêm không ngủ được,
Lòng em nhớ đến anh,
Cả trong mơ còn thức.
Dẫu xuôi về phương bắc,
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ,
Hướng về anh – một phương.
(Trích Sóng – Xuân Quỳnh)
Đọc đoạn thơ trên và thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Nêu ý chính của đoạn thơ.
Câu 2. Nêu hiệu quả nghệ thuật của phép điệp cấu trúc “Con sóng ” trong đoạn thơ?
Câu 3. Hành trình dẫu ngược…dẫu xuôi của con sóng trong đoạn thơ có gì lạ? Nêu hiệu quả nghệ thuật của hành trình đó.
Đáp án đề đọc hiểu Sóng số 3
Câu 1: Ý chính của đoạn thơ là: Nỗi nhớ thiết tha, sâu lắng và lòng thuỷ chung, son sắt của người phụ nữ trong tình yêu
Câu 2: Hiệu quả nghệ thuật của phép điệp cấu trúc “Con sóng ” trong đoạn thơ là: Phép điệp sử dụng 3 lần như một điệp khúc của bản tình ca với những giai điệu da diết, như một ám ảnh thường trực về tình yêu và nỗi nhớ. Ba câu thơ gắn liền với hình ảnh sóng giống như những đợt sóng gối lên nhau. Đó là một ẩn dụ nghệ thuật về những đợt sóng lòng đang dâng trào trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu.
Câu 3: Hành trình dẫu ngược…dẫu xuôi của con sóng trong đoạn thơ lạ ở chỗ bình thường ta nói Xuôi Nam, ngược Bắc. Ở đây, Xuân Quỳnh diễn tả con sóng Xuôi Bắc, ngược Nam.
– Hiệu quả nghệ thuật của hành trình đó là: gợi sự vất vả hành trình của con sóng khi vào bờ. Cũng như em, em vượt qua mọi thử thách, cách trở của cuộc đời để thuỷ chung với anh.
Gợi ý tham khảo: Kiến thức cơ bản bài Sóng – Xuân Quỳnh
————–
Trên đây là một số đề đọc hiểu Sóng của Xuân Quỳnh mà THPT Ngô Thì Nhậm đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!