Tổng hợp đề đọc hiểu Từ ấy của Tố Hữu
Cùng tham khảo các đề đọc hiểu Từ ấy của Tố Hữu để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu về bài thơ này trong các kì thi em nhé!
Bài thơ Từ ấy của Tố Hữu là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản. Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến bài thơ, cùng THPT Ngô Thì Nhậm tham khảo soạn bài Từ ấy – Tố Hữu cùng một số đề đọc hiểu dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:
Đề đọc hiểu Từ ấy – Tố Hữu
Đề số 1
Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi ở dưới:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
(Từ ấy – Tố Hữu, Ngữ văn 11, tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, trang 44)
Câu 1. Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm nào? Của ai? Giới thiệu vài nét về tác giả đó
Câu 2. Nêu chủ đề của đoạn trích.
Câu 3: Dựa vào đâu để nhận ra biện pháp so sánh và biện pháp ẩn dụ trong văn bản?
Câu 4. Phân tích biện pháp tu từ được sử dụng để sáng tạo các hình ảnh nắng hạ, mặt trời chân lí.
Đáp án đề đọc hiểu Từ ấy số 1
Câu 1:
– Đoạn trích trên được trích từ bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu.
– Giới thiệu vài nét về tác giả:
- Tố Hữu là bút danh của Nguyễn Kim Thành (1920-2002), sinh trưởng tại Thừa Thiên – Huế trong một nhà nho nghèo, mồ côi mẹ năm 12 tuổi.
- Tố Hữu được xem là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng. Thơ của ông theo suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
- Thơ Tố Hữu giàu cảm xúc, tiếng thơ khỏe khoắn, chân thành và sâu lắng, mang âm hưởng anh hùng ca, bộc lộ niềm khát khao giao cảm, cống hiến cho đời, khao khát hòa nhập cái tôi cá nhân vào cái ta chung.
Câu 2: Chủ đề của đoạn trích: bộc lộ niềm vui sướng khi bắt gặp lý tưởng cách mạng; thể hiện những thay đổi của tâm hồn lúc được “mặt trời chân lí” rọi chiếu đến.
Câu 3: Để nhận ra biện pháp so sánh và biện pháp ẩn dụ trong văn bản ta có thể thấy được nhờ từ “là” kết nối hai vế: đối tượng so sánh và hình ảnh so sánh (Hồn tôi là một vườn hoa lá…).
Biện pháp ẩn dụ được nhận ra nhờ hai hình ảnh: nắng hạ và mặt trời chân lí có khả năng gợi liên tưởng tới một đối tượng khác có nhiều nét tương đồng. Trong đoạn thơ, nắng hạ và mặt trời chân lí ngầm chỉ ánh sáng của lí tưởng cách mạng.
Câu 4: Phân tích biện pháp tu từ được sử dụng để sáng tạo các hình ảnh nắng hạ, mặt trời chân lí
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim”
– Biện pháp nghệ thuật sử dụng là ẩn dụ chuyển đổi cảm giác
– Cho thấy niềm vui sướng và hạnh phúc của tác giả khi được chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng
– “Mặt trời chân lí” là hình ảnh ẩn dụ ca ngợi lí tưởng Cách mạng, ca ngợi chủ nghĩa Cộng sản đã soi sáng tâm hồn, đã “chói qua tim”, đem lại ánh sáng cuộc đời như “bừng” lên trong “nắng hạ”.
-> Một cách nói rất mới, rất thơ về lí tưởng
=> Tố Hữu như muốn khẳng định rằng ánh sáng cách mạng chính là ánh sáng chân lý mà ông đã tìm thấy được, từ đó thức tỉnh lòng yêu nước trong lòng mỗi người dân Việt.
Đề số 2
Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi dưới đây
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
(Từ ấy – Tố Hữu, Ngữ văn 11, tập hai)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản.
Câu 2. Từ ấy là từ khi nào? Sự kiện đó có ý nghĩa gì đối với cuộc đời của thi nhân?
Câu 3. Phân tích ý nghĩa biểu đạt của các từ bừng, chói.
Câu 4. Các biện pháp tu từ nào được sử dụng trong văn bản?
Có thể bạn quan tâm: Phân tích khổ đầu bài thơ Từ ấy – Tố Hữu
Đáp án đề đọc hiểu Từ ấy số 2
Câu 1: Phương thức biểu đạt của văn bản là phương thức biểu cảm (hoặc trữ tình).
Câu 2:
– “Từ ấy” là thời điểm (1938) nhà thơ được giác ngộ cách mạng, bắt gặp lí tưởng cộng sản chủ nghĩa.
– Bài thơ “Từ Ấy” là bài thơ đánh dấu mốc son quan trọng, có ý nghĩa nhất đối với cuộc đời của nhà thơ, chính giây phút nhà thơ bắt gặp ánh sáng lí tưởng cách mạng ấy đã làm nên sự thay đổi kì diệu về nhận thức, lí tưởng của một hồn thơ thuộc về cách mạng, thuộc về nhân dân.
Câu 3: Ý nghĩa biểu đạt của các từ bừng, chói:
Những từ ngữ được sử dụng chính xác, giàu sức gợi ở đây là từ “bừng” và từ “chói”.Từ “bừng” chỉ ánh sáng phát ra đột ngột, từ “chói” chỉ ánh sáng xuyên mạnh. Vậy hình ảnh “bừng nắng hạ”, “chói qua tim” đã diễn tả được niềm vui đột ngột của nhà thơ.
=> Nếu như mặt trời của thiên nhiên mang đến ánh sáng, hơi ấm và sự sống cho vạn vật trên thế gian này thì lí tưởng Cách mạng soi đường, dẫn dắt tác giả lựa chọn được đường đi đúng đắn cho cuộc đời mình.
Câu 4: Các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản là:
- So sánh ( Hồn tôi là một vườn hoa lá)
- Ẩn dụ ( nắng hạ, mặt trời chân lý)
Đề số 3
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
(Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr.44)
Câu 1. Nêu chủ đề của đoạn trích.
Câu 2. Phân tích ý nghĩa biểu đạt của các từ buộc, trang trải.
Câu 3. Phân tích biện pháp tu từ được sử dụng trong hình ảnh trăm nơi.
Câu 4. Nêu cảm nhận về hình ảnh khối đời.
Gợi ý cho bạn: Phân tích khổ 2 Từ ấy của Tố Hữu
Đáp án đề đọc hiểu Từ ấy số 3
Câu 1: Chủ đề của đoạn trích là: tâm thư của người thanh niên cộng sản đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ nguyện hòa cái tôi nhỏ bé của mình vào cái ta chung rộng lớn của toàn dân.
Câu 2: Ý nghĩa biểu đạt của các từ buộc, trang trải là:
– “buộc”:Nghĩa đen là sự kết nối, thắt chặt những vật thể tách rời không thể riêng rẽ. Trong câu thơ, đó là tinh thần tự nguyện của Đảng viên trẻ tuổi chủ động gắn bó chặt chẽ cuộc đời mình với“mọi người” xung quanh.
– “trang trải”: sự vươn xa, phủ khắp theo chiều rộng không cùng
=> Diễn tả sự gửi trao những tình cảm tha thiết nồng thắm của tác giả đến với “trăm nơi”.
Câu 3: Biện pháp tu từ được sử dụng trong hình ảnh “trăm nơi” đó là biện pháp tu từ hoán dụ chỉ mọi người sống ở khắp nơi. Tác giả muốn tình yêu của mình được hòa cùng tình yêu của muôn người. Đó là tình yêu to lớn, tình yêu gắn bó. Tình yêu đó bao la và rộng lớn.
Câu 4: Cảm nhận về hình ảnh khối đời: “Khối đời” một cách nói trừu tượng về tình đoàn kết, sự gắn bó chặt chẽ của mọi người dân đất Việt Nam. Đó là những con người cùng chung cảnh ngộ khó khan, cùng chung hoàn cảnh đau khổ. Đó cũng là cũng con người chung lí tưởng, chung chí hướng: sống vì đất nước, vì dân tộc, đấu tranh cho một hòa bình độc lập dân tộc. Tố Hữu muốn nhấn mạnh trong khó khăn gian khổ, con người cùng nhau gần gũi, cùng nhau sát cánh, cùng nhau đứng lên chiến đấu thể hiện tình đoàn kết, tình dân tộc thì mọi điều đều vượt qua dễ dàng.
————–
Trên đây là một số đề đọc hiểu Từ ấy của Tố Hữu mà THPT Ngô Thì Nhậm đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!