Tổng hợp đề đọc hiểu Tiếng nói của văn nghệ
Cùng tham khảo các đề đọc hiểu Tiếng nói của văn nghệ của Nguyễn Đình Thi để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu về tác phẩm này trong các kì thi em nhé!
Tiếng nói của văn nghệ bàn về nội dung của văn nghệ và sức mạnh kì diệu của nó đối với đời sống của con người, giúp con người được sống phong phú hơn và tự nhiên hoàn thiện nhân cách tâm hồn mình. Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến tác phẩm, cùng THPT Ngô Thì Nhậm tham khảo soạn bài Tiếng nói của văn nghệ cùng một số đề đọc hiểu dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:
Đọc hiểu Tiếng nói của văn nghệ
Đề số 1
Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi
Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại (1). Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ (2). Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh (3).
(Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ)
Câu 1: Đoạn văn bàn về vấn đề gì? Chủ đề ấy có quan hệ như thế nào với chủ đề chung của văn bản?
Câu 2: Nội dung chính của mỗi câu trong đoạn văn trên là gì?
Câu 3: Những nội trên có quan hệ như thế nào với chủ đề của đoạn văn? Nêu nhận xét về trình độ sắp xếp các câu trong đoạn văn.
Câu 4: Mối quan hệ chặt chẽ về nội dung giữa các câu trong đoạn văn trên được thể hiện bằng những biện pháp nào?
Đáp án đề đọc hiểu Tiếng nói của văn nghệ số 1
Câu 1: Đoạn văn bàn về tâm sự người nghệ sĩ muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình.
– Chủ đề chung của văn bản là tiếng nói của văn nghệ. Chủ đề của đoạn văn trên nằm trong chủ đề chung của toàn văn bản, là một phần tạo nên chủ đề chung.
Câu 2: Nội dung chính của mỗi câu văn trong đoạn là:
– Câu (1) Vật liệu xây dựng nên tác phẩm là thực tại
– Câu (2) Khi phản ánh thực tại những người nghệ sĩ muốn nói một điều gì mới mẻ.
– Câu (3) Mục đích của tâm sự gửi gắm trong tác phẩm.
Câu 3:
– Những nội dung của các câu đều xoay quanh chủ đề cách phản ánh đời sống của tác phẩm văn nghệ.
– Nhận xét về cách sắp xếp các câu: Các câu được sắp xếp theo trình tự triển khai chủ đề của đoạn, câu sau nối tiếp ý của câu trước.
Câu 4: Mối quan hệ chặt chẽ về nội dung giữa các câu trong đoạn văn trên được thể hiện bằng những biện pháp:
- Sự lặp lại các từ: tác phẩm – tác phẩm;
- Sử dụng các từ cùng trường liên tưởng: tác phẩm – nghệ sĩ, ghi lại – muốn nói – gửi vào – góp vào.
- Thay thế: những vật liệu mượn ở thực tại bằng cái đã có rồi, nghệ sĩ bằng anh;
- Dùng quan hệ từ: nhưng
Tham khảo thêm: Phân tích bài Tiếng nói của văn nghệ
Đề số 2
Em hãy đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
(…) Chúng ta nhận rõ cái kì diệu của văn nghệ khi chúng ta nghĩ đến những người rất đông, không phải ở trốn trong một cơ quan bí mật, không phải bị giam trong một nhà pha, mà bị tù chung thân trong cuộc đời u tối, vất vả không mở được mắt. Những người đàn bà nhà quê lam lũ ngày trước, suốt đời đầu tắt mặt tối, sống tối tăm, vậy mà biến đổi khác hẳn, khi họ ru con hay hát ghẹo nhau bằng một câu ca dao, khi họ chen nhau say mê xem một buổi chèo. Câu ca dao tự bao giờ truyền lại đã gieo vào bóng tối những cuộc đời ấy một ánh sáng, lay động những tình cảm, ý nghĩ khác thường. Và ánh đèn buổi chèo, những nhân vật ra trò, những lời nói, những câu hát, làm cho những con người ấy trong một buổi được cười hả dạ hay rỏ giấu một giọt nước mắt. Văn nghệ đã làm cho tâm hồn họ thực được sống. Lời gửi của văn nghệ là sự sống.
Câu 1: Đoạn văn trên trích từ văn bản nào, của ai? Giới thiệu đôi nét về tác giả.
Câu 2: Đoạn văn sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?
Câu 3: Nội dung chính của đoạn văn?
Câu 4
: Từ đoạn văn, em có nhận xét gì về cách viết của tác giả?
Đáp án đề đọc hiểu Tiếng nói của văn nghệ số 2
Câu 1: Đoạn trích trên trích từ văn bản “Tiếng nói của văn nghệ”, tác giả Nguyễn Đình Thi.
– Giới thiệu đôi nét về tác giả: Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) quê ở Hà Nội, là thành viên của tổ chức Văn hoá Cứu Quốc do đảng Cộng sản thành lập từ 1943. Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm Tổng thư kí Hội văn hoá Cứu quốc, đại biểu quốc hội khoá đầu tiên. Ông giữ chức tổng Thư kí hội văn nghệ Việt nam rất nhiều năm. Hoạt động khá đa dạng như làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc, kịch, viết lí luận phê bình…
Câu 2: Đoạn văn sử dụng phương thức biểu đạt chính là : Nghị luận.
Câu 3: Nội dung của đoạn văn là : Vai trò, ý nghĩa của văn nghệ đối với đời sống con người.
Câu 4: Nhận xét về cách viết của tác giả qua đoạn văn:
– Lập luận chặt chẽ, hợp lý, cách dẫn dắt vấn đề một cách tự nhiên.
– Cách viết giàu hình ảnh, có nhiều dẫn chứng sinh động được lấy từ thơ văn, từ đời sống thực tế để khẳng định thuyết phục. Các ý kiến, nhận định đưa ra, đồng thời cũng làm tăng thêm sức hấp dẫn cho tác phẩm.
– Giọng văn chân thành, thể hiện được niềm say mê, bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ của người viết.
=> Lối viết chặt chẽ, khoa học, giàu hình ảnh, cảm xúc.
Đề số 3
Cho đoạn trích sau
Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng. Nghệ sĩ giới thiệu với chúng ta một cảm giác, tình tự, một tư tưởng bằng cách làm sống hiển hiện ngay lên trong tâm hồn chúng ta cảm giác, tình tự, tư tưởng ấy. Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta tự phải bước lên đường ấy. Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn người.
Câu 1: Trong đoạn văn trên, tác giả sử dụng phép lập luận nào chính?
Câu 2: Nội dung của đoạn văn trên là gì?
Câu 3: Câu nào trong đoạn văn trên nêu ra ý chủ đạo của đoạn văn?
Câu 4: Câu “Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta tự phải bước lên đường ấy
” sử dụng biện pháp nghệ thuật gì?
Câu 5: Về lập luận ở đoạn văn trên có gì đặc sắc?
Đáp án đề đọc hiểu Tiếng nói của văn nghệ số 3
Câu 1: Trong đoạn văn trên, tác giả sử dụng phép lập luận phân tích là chính.
Câu 2: Nội dung của đoạn văn trên là: văn nghệ là sản phẩm của người sáng tác đồng thời truyền tải thông điệp cho người đọc.
Câu 3: Câu nêu ra ý chủ đạo của đoạn văn là: “Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng”
Câu 4: Câu “Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta tự phải bước lên đường ấy” sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa.
Câu 5: Đặc sắc về lập luận ở đoạn văn trên là:
- Cách dẫn dắt tự nhiên, uyển chuyển.
- Phân tích cụ thể, chặt chẽ
- Câu văn giàu hình ảnh
————–
Trên đây là một số đề đọc hiểu Tiếng nói của văn nghệ của Nguyễn Đình Thi mà THPT Ngô Thì Nhậm đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!