Tổng hợp đề đọc hiểu Quên hôm qua sống cho ngày mai
Tổng hợp các đề đọc hiểu Quên hôm qua sống cho ngày mai của tác giả Tian Dayton, Ph. D giúp em ôn luyện môn văn thi THPT Quốc gia tốt hơn.
Quên hôm qua sống cho ngày mai là bài viết của tác giả Tian Dayton, Ph. D, đây là một trong tài liệu khá hay về cuộc sống, quan điểm sống, cách để bản thân mình sống tốt hơn … đưa tới cho người đọc nhiều cái nhìn và các khía cạnh khác nhau của cuộc sống xung quanh. Đây là một trong những nội dung được thầy cô yêu thích và đưa vào phần Đọc hiểu của các đề thi, đề kiểm tra.
Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến tác phẩm này, cùng THPT Ngô Thì Nhậm tham khảo một số câu hỏi sau:
Các đề đọc hiểu Quên hôm qua sống cho ngày mai
Đề số 1
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:
Nhiều người vẫn thường tự hỏi tại sao mình lại bị ám ảnh trước tiền tài, địa vị, danh vọng và nhiều ham muốn khác đến vậy? Câu trả lời là do họ không biết trân trọng những gì họ đang có. Khi những gì ta có xuất phát từ niềm khát khao mong mỏi thực sự, tâm trí ta sẽ không vướng bận vào những suy nghĩ quẩn quanh, ta sẽ sống thực với cảm xúc của mình hơn. Đó cũng là khi ta không phải đương đầu với cảm giác hoang mang lo lắng; không cảm thấy khiên cưỡng như khi buộc bản thân làm những điều đáng chán. Tiền tài và địa vị không thể khỏa lấp sự trống rỗng trong tâm hồn. Vì thế, trước khi làm một việc gì, hãy tự hỏi: “Ta đang muốn làm gì?”.
Hãy sống thật với chính mình và tự tin vào những mặt mạnh của bản thân, nếu không bạn sẽ lãng phí cuộc đời mình một cách vô nghĩa. Khi khoác lên mình chiếc mặt nạ hòng thu hút tình cảm và sự quan tâm của người khác, bạn sẽ đánh mất điều quan trọng nhất – đó là con người thật của mình. Tiền tài, địa vị tựa như một thứ chất kích thích. Nó làm nảy sinh trong mỗi người ham muốn sở hữu để xoa dịu những khát khao mà họ chưa giành được hoặc để thỏa mãn sự tò mò trong họ. Không nên để bản thân rơi vào cạm bẫy đó. Sống thực với chính mình tựa như tấm khiên vững chắc giúp bạn không bị biến thành nạn nhân của sự ảo tưởng.
Trước đây, tôi từng sai lầm khi mải mê tìm kiếm mình trong cái nhìn của người khác để rồi lạc lối trong mê cung của họ. Nhưng giờ đây, tôi hiểu rằng người ta chỉ có thể tìm thấy mình trong chính những suy nghĩ và hành xử của bản thân. Con đường ấy, không ai khác mà chính ta phải làm chủ lấy nó.
(Theo Quên hôm qua sống cho ngày mai,
NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2014, tr.68 – 69)
Câu 1. Anh/chị hãy xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2. Tại sao tác giả cho rằng: “Hãy sống thật với chính mình và tự tin vào những mặt mạnh của bản thân.”
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói của tác giả: “Khi khoác lên mình chiếc mặt nạ hòng thu hút tình cảm và sự quan tâm của người khác, bạn sẽ đánh mất điều quan trọng nhất – đó là con người thật của mình.”
Câu 4. Thông điệp nào trong văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?
Câu 5. Từ nội dung trên, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa khi sống thật với chính mình.
Đáp án đọc hiểu Quên hôm qua sống cho ngày mai đề số 1
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2. Tác giả cho rằng: “Hãy sống thật với chính mình và tự tin vào những mặt mạnh của bản thân.”
Vì:
– Nếu không bạn sẽ lãng phí cuộc đời mình một cách vô nghĩa. Khi khoác lên mình chiếc mặt nạ hòng thu hút tình cảm và sự quan tâm của người khác, bạn sẽ đánh mất điều quan trọng nhất – đó là con người thật của mình.
– Sống thực với chính mình giống như tấm khiên vững chắc giúp bạn không bị biến thành nạn nhân của sự ảo tưởng.
Câu 3. “Khi khoác lên mình chiếc mặt nạ hòng thu hút tình cảm và sự quan tâm của người khác, bạn sẽ đánh mất điều quan trọng nhất – đó là con người thật của mình.” có thể hiểu là: Trong cuộc sống nếu bạn chỉ biết cố làm hài lòng hoặc sống theo người khác định sẵn thì bạn sẽ đánh mất đi bản thân mình, đánh mất cá tính, nét riêng hay sự khác biệt của mình với người khác,…
Câu 4. Học sinh có thể đưa ra những thông điệp khác nhau tùy theo cách suy nghĩ, nhìn nhận riêng, miễn sao những thông điệp đó đảm bảo tính tư tưởng (tích cực và hợp lý) và lí giải được vì sao thông điệp đó lại có ý nghĩa.
Gợi ý:
– Hãy sống là chính mình thay vì ép bản thân sống theo ý muốn của người khác.
– Cần tránh xa cạm bẫy của tiền tài, danh vọng,…
– Dám chấp nhận đương đầu và dũng cảm vượt qua thử thách mới mang lại cho ta những kết quả tốt đẹp mà mình xứng đáng có được.
Câu 5.
Có thể viết đoạn văn theo định hướng sau:
– Ý nghĩa khi sống thật với chính mình:
+ Khi sống thật với chính mình, ta đã để những suy nghĩ, cách hành xử của bản thân được tự do bộc lộ ra ngoài, không bị chi phối bởi tác động của người xung quanh.
+ Sống thật với chính mình, con người sẽ làm chủ cuộc đời, nhận ra mặt mạnh của bản thân để phát huy, mặt yếu để rút kinh nghiệm.
+ Nhờ có sống thật với chính mình, ta sẽ trở nên lạc quan, tự tin vào bản thân. Từ có, ta sẽ có động lực, sức mạnh tinh thần để vượt qua những cám dỗ của tiến tài, địa vị, đồng thời ta sẽ được được người khác tôn trọng.
– Đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp.
Lưu ý: Đoạn văn cần có đủ các phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
Tham khảo: Dàn ý nghị luận xã hội về giá trị của bản thân
Đề số 2
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Cho và nhận
Winston Churchill từng nói: “Chúng ta kiếm sống bằng thứ mà ta có nhưng chúng ta sống bằng những gì mà ta cho đi”. Quả thật, khi sự chia sẻ bắt nguồn từ tình cảm chân thành, người cho đi sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.
Cho và nhận là quy luật dễ hiểu ở đời nhưng giữa việc cho để nhận và cho thứ mình muốn nhận lại tồn tại sự khác biệt to lớn. Khi chữ “cho” ấy đi kèm với ý đồ trục lợi của bản thân, nó sẽ đem đến sự thất vọng không chỉ đối với người nhận mà ngay cả ở người cho. Với người nhận, ngay từ đầu, cái “cho” đó không mang ý nghĩa là một món quà, còn với người cho, mục đích tư lợi của họ sẽ khó có cơ hội đạt được. Tuy nhiên, nếu chữ “cho” ấy thực sự xuất phát từ tấm lòng thì chính người cho đi sẽ nhận về một món quà lớn, đó là niềm tin yêu cuộc đời.
Trước kia, tôi luôn nghĩ rằng mọi thứ đều cần có qua có lại và tôi sẽ là một người ngớ ngẩn nếu tôi chỉ biết cho mà không biết nhận về. Nhưng giờ đây, tôi hiểu ra rằng khi người cho thực tâm muốn giúp đỡ; họ sẽ được nhận về một món quà tinh thần lớn lao và ý nghĩa. Khi tôi cho bằng một tay và nhận vật đáp trả bằng tay còn lại, tôi chỉ cho một nửa thứ tôi có và nhận về một nửa thứ có thể đã được trao cho tôi. Và khi ấy, tôi đã tự giới hạn bản thân mình. Vì thế, tôi sẽ cho bằng cả đôi tay.
(Trích từ Quên hôm qua sống cho ngày mai,
Theo NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh)
Câu 1. Món quà lớn mà người cho đi sẽ được nhận về là gì?
Câu 2. Hãy chỉ ra sự khác biệt giữa cho để nhận và cho thứ mình muốn nhận lại.
Câu 3. Việc tác giả trích dẫn ý kiến của Winston Churchill có tác dụng như thế nào?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: Tôi sẽ cho bằng cả đôi tay? Vì sao?
Câu 5. Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc cho đi trong cuộc sống.
Đáp án đọc hiểu Quên hôm qua sống cho ngày mai đề số 2
Câu 1.
Món quà lớn mà người cho đi sẽ được nhận về là: niềm tin yêu cuộc đời
Câu 2.
Sự khác biệt giữa cho để nhận và cho thứ mình muốn nhận lại:
– Cho để nhận tức là “cho” đi kèm với ý định trục lợi, sẽ đem đến sự thất vọng đến cả người cho và người nhận. Người “nhận” ngay từ đầu cái “cho” không mang ý nghĩa là một món quà; người cho, mục đích tư lợi của họ sẽ khó có cơ hội đạt được.
=> Cho đi với ý đồ trục lợi
– Cho thứ mình muốn nhận là chữ “cho” ấy thực sự xuất phát từ tấm lòng thì chính người cho đi sẽ được nhận về một món quà lớn, đó là niềm tin yêu cuộc đời.
=> Cho đi bằng cả tấm lòng
Câu 3.
Việc trích dẫn quan điểm của Winston Churchill nhằm: khi trích dẫn ngay từ mở đầu bài viết tác giả nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của sự cho đi trong cuộc sống. Cho đi bằng tấm lòng chân thành bạn sẽ nhận được niềm hạnh phúc và tình yêu của mọi người. Đồng thời cũng khiến người đọc tin tưởng vào những lập luận của tác giả.
Câu 4.
– Đồng tình với quan điểm của tác giả: Tôi sẽ cho đi bằng cả đôi tay.
– Lý giải:
+ Cho bằng một tay và nhận bằng một tay mang ý nghĩa của sự trao đổi song phẳng, thực dụng, đây không phải là chia sẻ xuất phát từ tình cảm, tấm lòng và điều cho đi ấy không còn là món quà tinh thần nữa.
+ Cho bằng cả hai tay là cho đi bằng cả tấm lòng, cách cho đầy chân thành, vị tha, cho là quên đi, là không cầu mong được nhận lại. Đấy là cách cho mang lại hạnh phúc cho cả người cho và người nhận.
Câu 5.
Giới thiệu vấn đề: Ý nghĩa sự cho đi trong cuộc sống.
Bàn luận
Cho đi là sự san sẻ, giúp đỡ những người xung quanh về cả vật chất và tinh thần với tấm lòng chân thành, tha thiết và đầy vị tha.
Ý nghĩa của sự cho đi:
+ Với người “cho” giúp họ cảm thấy thanh thản, hạnh phúc và tràn đầy tình yêu cuộc sống.
+ Với người “nhận” giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng để họ vững bước hơn trong cuộc sống.
+ Cho đi bằng tấm lòng chân thành, người “cho” còn trở thành tấm gương, nguồn cảm hứng để mọi người học tập và noi theo.
Sống là cho đi đâu chỉ nhận riêng mình, đó là cách sống đẹp mà bất cứ ai cũng hướng đến. Cho đi mà không cần nhận lại, cho đi mà quên rằng mình đã cho mới là cách sống tốt đẹp và nhân văn nhất.
Suy nghĩ hành động bản thân:
+ Trong cuộc sống cần phải biết cho đi và đừng bao giờ cho đi chỉ bằng một tay. Hãy cho đi bằng cả tấm lòng để cảm nhận được hạnh phúc.
+ “Của cho không bằng cách cho” – chúng ta cần phải cho đi bằng cả tấm lòng, trân trọng đối tượng được nhận.
Tham khảo thêm: Nghị luận về ý nghĩa của việc cho đi trong cuộc sống
Đề số 3
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm. Vì thế, hãy chấp nhận điều đó như một lẽ tự nhiên. Khi trẻ học nói, học đi hay bất cứ điều gì, chúng đều phải nếm trải những va vấp. Chúng ta cũng vậy, có thể đằng sau những tư tưởng vừa lĩnh hội, hoặc sau sự chín chắn rèn giũa được là một thất bại, hay một bước lùi nào đó. Tuy nhiên, đừng đánh đồng những sai lầm ấy với việc ta không thể trưởng thành. Hãy hiểu rằng, như một lẽ tự nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần và hãy tin tưởng rằng mọi trải nghiệm đều đem lại cho ta những bài học quý giá nếu ta biết trân trọng nó.
Chính vì vậy, đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự. Dĩ nhiên, để đạt được điều mình mong muốn, ta phải không ngừng nỗ lực. Nhưng đừng yêu cầu cuộc đời phải viên mãn thì ta mới hài lòng và cũng đừng đòi hỏi mọi mối quan hệ phải hoàn hảo thì ta mới nâng niu trân trọng. Hoàn hảo là một điều không tưởng. Trên đời, chẳng có gì là hoàn thiện, hoàn mỹ cả. […]
Khi kiếm tìm sự hoàn hảo, người ta dễ trở nên hà khắc, hay phán xét bản thân và mọi người. Bởi vậy, trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có.
(Tian- Dayton, Ph, D, Quên hôm qua sống cho ngày mai)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Theo tác giả, vì sao đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự?
Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: như một lẽ tự nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần?
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: Trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có? Vì sao?
Đáp án đọc hiểu Quên hôm qua sống cho ngày mai đề số 3
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là nghị luận
Câu 2. Theo tác giả, đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự là vì:
– Sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm.
– Hoàn hảo là một điều không tưởng. Trên đời, chẳng có gì là hoàn thiện, hoàn mỹ cả.
– Khi kiếm tìm sự hoàn hảo, người ta dễ trở nên hà khắc, hay phán xét bản thân và mọi người.
Câu 3. Như một lẽ tự nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần có thể được hiểu như sau: Sau mỗi thành công đã đạt được, con người cần phải có thời gian chiêm nghiệm, tự rút kinh nghiệm cho bản thân. Sau “mỗi bước tiến xa” để đi tới thành công phía trước sẽ luôn cần đến những bước lùi lại để nhìn nhận và rút ra kinh nghiệm, bài học, phương pháp. Trên cơ sở đó ta mới có thể đạt được một kết quả vững chắc để làm bước đệm thành công vượt bậc trong tương lai.
Câu 4.
– Ta đồng tình với quan điểm trên bởi vốn dĩ cuộc sống là không công bằng, mỗi người sẽ có con đường trưởng thành của mình, cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có.
Vì:
– Con người là tổng thể của các mối quan hệ, phải biết chấp nhận cùng người khác thì mới chung sống trong xã hội được.
– Chấp nhận mình và chấp nhận người khác chính là việc có những cái nhìn, đánh giá đúng về bản thân, biết những ưu điểm và hạn chế của mình. Từ đó học hỏi những điểm mạnh
– Trong cuộc sống, mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau, không có ai là giống ai, hơn nữa mỗi người lại có cá tính, điểm mạnh, điểm yếu riêng trong từng công việc. Cho nên việc đổ tại cho hoàn cảnh là điều không thể. Để trưởng thành và thành công cần phải biết chấp nhận bản thân, và chấp nhận sự thành công của người khác. Thay đổi bản thân, mỉm cười trước thất bại, sẵn sàng rút kinh nghiệm, ấy mới thực sự là người trưởng thành.
Xem thêm: Nghị luận suy nghĩ về sự trưởng thành
Đề số 4
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Trong mỗi người chúng ta có chứa đựng hai phần đối lập – bóng tối và ánh sáng. Để hạnh phúc luôn mỉm cười, ta cần phát huy mặt tốt và không phủ nhận mặt xấu trong con người mình. Khi không dám đối diện với nỗi sợ hãi và cơn ác mộng dày vò tâm trí, ta sẽ gián tiếp khước từ những cảm xúc tốt đẹp đang hiện hữu trong trái tim mình. Và cứ thế bóng tối dần xâm chiếm và bao phủ lên những điều tuyệt vời ta đang có. Ngược lại nếu ta can đảm đương đầu và chiếu rọi ánh sáng vào những vùng tối tăm, bóng tối sẽ lùi lại và tan biến.
Thật vậy, sự trưởng thành của mỗi người phụ thuộc vào sự dũng cảm đối mặt với thử thách- những thử thách không chỉ ở thế giới bên ngoài mà còn ở thế giới nội tâm. Bóng tối sẽ không thể tồn tại nếu ta phơi bày nó trước ánh sáng của sự thiện tâm, lòng nhân hậu và sự khoan dung, bởi chẳng có bóng tối nào trên thế gian này có sức mạnh và quyền năng to lớn bằng tình yêu.
(Theo Quên hôm qua sống cho ngày mai – Tian Dayton, Ph. D)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả Để hạnh phúc luôn mỉm cười ta phải làm gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu con người không dám đối mặt với nỗi sợ hãi?
Câu 3. Em hiểu như thế nào về lời khuyên: “Ta cần không phủ nhận mặt xấu trong con người mình”?
Câu 4. Sự trưởng thành của mỗi con người phụ thuộc vào sự dũng cảm đối mặt với thử thách?
Em có đồng tình với quan điểm trên không? Vì sao?
Câu 5. Từ nội dung trên, em hãy trình bày đoạn văn (khoảng 200 chữ) với chủ đề: Chẳng có bóng tối nào trên thế gian này có sức mạnh và quyền năng to lớn bằng tình yêu.
Đáp án đọc hiểu Quên hôm qua sống cho ngày mai đề số 4
Câu 1. Phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích: nghị luận
Câu 2.
Theo tác giả
– Để hạnh phúc luôn mỉm cười, ta cần phát huy mặt tốt và không phủ nhận mặt xấu trong con người mình.
– Khi “không đối diện với nỗi sợ hãi” , ta sẽ gián tiếp khước từ những cảm xúc tốt đẹp đang hiện hữu trong trái tim mình. Và cứ thế bóng tối dần xâm chiếm và bao phủ lên những điều tuyệt vời ta đang có.
Câu 3. Lời khuyên: “Ta cần không phủ nhận mặt xấu trong con người mình” có nghĩa là: Ta cần không phủ nhận mặt xấu trong con người mình nghĩa là dám thừa nhận và đối mặt với những thói xấu cũng như khuyết điểm trong con người mình.
=> Câu nói trên khuyên con người biết nhận ra cái xấu trong con người mình để có ý thức đấu tranh loại bỏ nó, hoàn thiện bản thân.
Câu 4.
Em nêu ý kiến của mình đồng tình hoặc không đồng tình và giải thích.
Gợi ý: Đồng ý vì đây là một quan điểm đúng đắn, có ý nghĩa cảnh tỉnh, động viên, khích lệ mỗi người…
Câu 5.
Gợi ý nội dung đoạn văn
Trên cơ sở những hiểu biết về đoạn trích, các em có thể trình bày suy nghĩ theo nhiều cách với điều kiện lập luận chặt chẽ, thuyết phục,… Dưới đây là một số gợi ý định hướng:
– Giải thích Thế nào là bóng tối? Tình yêu được nói tới ở đây là gì?
Câu nói đề cao sức mạnh của tình yêu thương con người, nó có khả năng đẩy lùi bóng tối và tội ác.
– Lý giải sức mạnh của tình yêu thương trong đời sống cộng đồng.
– Bài học: làm thế nào để bồi đắp cho tâm hồn có tình yêu thương?
Xem thêm: Nghị luận về ý nghĩa của tình yêu thương trong cuộc sống
Đề số 5
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Giận dữ là cảm xúc rất tự nhiên khi ta thấy điều gì đó trái ý mình. Nhưng sự tức giận cũng là “con dao hai lưỡi”. Không nên để “nóng giận mất khôn”, cũng như không nên cố tình chôn vùi hay che giấu sự giận dữ đang sôi sục trong lòng. Tuy nhiên, nếu giận dữ vào đúng lúc và đúng chỗ, ta sẽ tìm cách giải quyết vấn đề và tháo gỡ những cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Khi một sự việc nào đó diễn ra ngoài ý muốn, ta có thể lựa chọn: hoặc bước thêm một bước, cố gắng kiểm soát sự việc, và khiến chúng diễn tiến như cách ta muốn, hoặc lùi lại một bước, lặng lẽ quan sát sự việc, suy ngẫm và tìm ra cách phản ứng khiến cho tâm hồn mình thanh thản. Đừng bao giờ đánh mất sự bình yên trong tâm hồn chỉ vì những nóng giận nhất thời.
Trước đây, tôi thường cố che giấu sự giận dữ của mình, cũng vì thế mà trong tôi lúc nào cũng như chất chứa một dòng nham thạch chỉ trực chờ cơ hội là tuôn trào phá hủy tất cả. Nhưng giờ đây, tôi hiểu rằng, mình cần thiết nhìn nhận và làm chủ cảm xúc nguy hiểm ấy, đồng thời lựa chọn thời điểm thích hợp để giải thoát chúng. Có như thế, chúng mới không khiến tôi mắc phải sai lầm, hoặc làm tổn thương người khác.
(Theo Quên hôm qua sống cho ngày mai,
NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Vì sao người viết lại cho rằng sự tức giận là “con dao hai lưỡi”?
Câu 3.
Theo em, vì sao đừng bao giờ đánh mất sự bình yên trong tâm hồn chỉ vì những nóng giận nhất thời?
Câu 4. Em thường làm gì khi giận dữ hoặc chứng kiến cơn giận dữ của người khác?
Đáp án đọc hiểu Quên hôm qua sống cho ngày mai đề số 5
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận/ phương thức nghị luận.
Câu 2
Sự tức giận là con dao hai lưỡi vì khi nóng giận ta “mất khôn”, tức là không còn bình tĩnh, tỉnh táo để xử trí mọi việc một cách hợp lí, thấu đáo, nhưng nếu giận dữ vào đúng lúc và đúng chỗ, ta sẽ tìm cách giải quyết vấn đề và tháo gỡ những cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Câu 3
Đừng bao giờ đánh mất sự bình yên trong tâm hồn chỉ vì những nóng giận nhất thời vì những nóng giận, dù chỉ là nhất thời, cũng đều khiến bản thân ta cảm thấy khó chịu, bực bội, tức tối, thậm chí còn xuất hiện ý muốn trả thù… – đây đều là những cảm xúc tiêu cực và không đáng có. Những cảm xúc này sẽ khiến tâm hồn ta trở nên sục sôi thay vì tĩnh lặng, yên bình. Trong khi đó, sự bình yên trong tâm hồn mới là điều quý giá hơn cả.
Câu 4
Khi giận dữ, em thường nói nhiều và nói rất to. Cơn giận dữ của tôi đi qua rất nhanh sau khi tôi đã nói hết những điều bực bội trong lòng.
Nếu tôi là người gây ra cơn giận dữ cho người khác, tôi thường xin lỗi rồi im lặng chịu đựng cơn giận dữ của họ. Nếu tôi không phải là nguyên nhân gây ra cơn giận dữ đó, tôi thường tìm lời khuyên can, chia sẻ, động viên làm nguôi cơn nóng giận của họ.
Tham khảo bài có thể ra trong phần làm văn: Nghị luận xã hội về tác hại của mất kiểm soát giận dữ
Hết
Trên đây là một số câu hỏi với Đọc hiểu Quên hôm qua sống cho ngày mai mà THPT Ngô Thì Nhậm đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!
Một đề thi cũng vừa ra : Đáp án đề thi tham khảo vào 10 môn Văn 2020 tỉnh Thái Nguyên