Lớp 12

Tổng hợp đề đọc hiểu Hạt giống tâm hồn

Tổng hợp các đề đọc hiểu Hạt giống tâm hồn đã có trong các đề thi, đề kiểm tra để các em học sinh làm quen và giải đáp các câu hỏi xung quanh.

Đọc hiểu Hạt giống tâm hồn là một trong đề đọc hiểu xoay quanh những câu chuyện về cuộc sống, về những quan niệm sống đầy ý nghĩa. Có thể nói, đề tài này được thầy cô yêu thích và đưa vào phần Đọc hiểu của các đề thi, đề kiểm tra.

Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan, cùng THPT Ngô Thì Nhậm tham khảo một số câu hỏi sau:

Tổng hợp đề đọc hiểu Hạt giống tâm hồn

Đề số 1

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Có mấy ai nhận ra rằng khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống? Cuộc sống vốn chứa đựng nhiều thử thách, khó khăn và nghịch cảnh. Cách thích ứng tốt nhất với cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình. Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kì hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình. Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn. Đừng đợi đến khi bạn thật rảnh rỗi hay đến lúc tốt nghiệp ra trường, đừng đợi đến khi kiếm được thật nhiều tiền, thành đạt, có gia đình, hoặc đến khi được nghỉ hưu mới thấy đó là lúc bạn được hạnh phúc. Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông rồi mới cảm thấy hạnh phúc. Đừng đợi tia nắng ban mai hay ánh hoàng hôn buông xuống mới nghĩ là hạnh phúc. Đừng đợi đến những chiều thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào mới thấy đó là ngày hạnh phúc của bạn. Tại sao không phải lúc này? Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình. Hãy trân trọng từng khoảnh khắc quý giá trên chuyến hành trình ấy. Hãy dành thời gian quan tâm đến người khác và luôn nhớ rằng, thời gian không chờ đợi một ai!

(Trích Hạt giống tâm hồn, NXB Văn học, 2012)

Câu 1. Xác định thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Anh/ Chị hiểu thế nào về câu nói: “Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình.”?

Câu 3. Theo anh/ chị, vì sao tác giả cho rằng: “khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống”?

Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/ chị?

Câu 5. Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích trên: “Cách thích ứng tốt nhất với cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình.”

Xem thêm tài liệu: Nghị luận về niềm tin của tuổi trẻ vào chính mình

Đáp án đọc hiểu Hạt giống tâm hồn số 1

Câu 1. Thao tác lập luận bác bỏ.

Câu 2. Hạnh phúc chính là những trải nghiệm cuộc đời trần thế, hạnh phúc không tự nhiên mà có, hạnh phúc là phải kiếm tìm, phải trải qua gian khó, cực khổ mới có được…

Câu 3. Vì cuộc sống vốn chứa đựng nhiều thử thách, khó khăn và nghịch cảnh; thời gian không chờ đợi một ai.

Câu 4.

Có thể nêu một số thông điệp tích cực:

+ Trân trọng cuộc sống hiện tại.

+ Nâng niu từng phút giây của cuộc sống.

+ Chủ động nắm bắt cuộc sống của mình và đón nhận những hạnh phúc đời thường.

+ Hướng tới lối sống thực tế, tránh mơ mộng viển vông.

(Hoặc có thể tìm ra những thông điệp tích cực khác phù hợp với nội dung được gợi ra từ đoạn văn bản).

Câu 5.

* Tham khảo gợi ý dưới đây để viết đoạn văn:

a) Giải thích

+ Câu nói ngắn gọn nhưng gợi ra một bài học về kỹ năng thích ứng với cuộc sống: thực tế không thể thay đổi nên cách tốt nhất là chấp nhận nó và tin vào khả năng, sự lựa chọn của bản thân.

b) Phân tích

+ Khi ta chấp nhận hiện tại sẽ cảm thấy dễ chịu, giảm stress, đầu óc cũng đủ tỉnh táo để tìm ra giải pháp tốt nhất.

+ Và hãy “tin vào chính mình”, tin vào nghị lực, tài năng, lòng can đảm, sức mạnh và sự tự tin đều tiềm ẩn bên trong con người có đủ khả năng vượt qua những khó khăn ấy. Đó là cách tốt nhất để vực lại chính mình.

c) Bình luận

+ Nếu không “chấp nhận hiện thực và tin vào chính mình” thì sau những vấp ngã, lỗi lầm ta sẽ dễ trách móc bản thân, như “giá như.. ”, “nếu biết trước thì..

+ Những việc làm ấy không những vô nghĩa mà ngược lại còn khiến cho ta dễ rơi vào tuyệt vọng, căng thẳng, giày vò bản thân.

+ Không chỉ vậy, không biết “chấp nhận hiện thực” còn tạo nên lối sống thiếu thực tế, tạo thói quen đổ lỗi, thiếu trách nhiệm với hành động, lời nói của bản thân.

– Lên án những kẻ thụ động, há miệng chờ sung hoặc những kẻ e dè, sợ hãi, lẩn trốn cuộc đời, trong ý nghĩ chỉ toàn khổ đau, thất bại và tuyệt vọng.

+ Cần hiểu chấp nhận thực tế không có nghĩa là buông xuôi.

d) Bài học

+ Hãy biết “chấp nhận thực tế và tin vào chính mình” để bản thân luôn vui yẻ, hạnh phúc và trưởng thành.

+ Hãy dũng cảm đối diện với thực tế; sẵn sàng đối mặt và chấp nhận bất cứ biến cố nào trong cuộc sống thực tế.

– Có niềm tin vào bản thân, tin rằng mình có đủ tài năng, bản lĩnh, tấm lòng để làm chủ cuộc sống của chính mình.

Đề số 2

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

Tuổi thiếu niên là tuổi của ước mơ và hoài bão. Nó gắn liền với khát vọng chinh phục thử thách và giải được mật mã cuộc đời. Khát vọng luôn xanh và cuộc sống luôn đẹp, nhưng trong một thời khắc nào đó, có thể nhiều bạn trẻ đã thấy cuộc đời như một mớ bòng bong của những điều bỡ ngỡ với bao trăn trở không dễ tỏ bày. Đi qua tuổi thơ, cuộc đời mở ra trước mắt bạn một hành trình dài, nhiều hoa hồng nhưng cũng không ít chông gai. Cuộc sống, với tất cả sự khắc nghiệt vốn có của nó, sẽ khiến cho bước chân bạn nhiều lần rướm máu. Và những giọt máu đó, hoặc sẽ thấm xuống con đường bạn đang đi và lưu lại đó dấu son của một vị anh hùng hoặc sẽ trở thành dấu chấm hết cho những khát vọng đoản mệnh của một kẻ nhụt tâm, chùn bước. Nhưng dù thế nào chăng nữa, bạn hãy nhớ rằng: để trưởng thành, những thử thách và thất bại bao giờ cũng là điều cần thiết.

(Theo Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, tập 2

– Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2012, tr.02)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0.5đ)

Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Đi qua tuổi thơ, cuộc đời mở ra trước mắt bạn một hành trình dài, nhiều hoa hồng nhưng cũng không ít chông gai.

Câu 3: Tại sao có thể nói: Cuộc sống, với tất cả sự khắc nghiệt vốn có của nó, sẽ khiến cho bước chân bạn nhiều lần rướm máu.

Câu 4: Thông điệp mà Anh/chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Tại sao chọn thông điệp đó?.

Tài liệu đọc hiểu liên qua: đọc hiểu câu chuyện về hai hạt mầm

Đáp án đọc hiểu Hạt giống tâm hồn số 2

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2:

Biện pháp ẩn dụ: Hoa hồng ẩn dụ cho những vinh quang, chiến thắng, những điều tốt đẹp

Câu 3:

Có thể nói vậy vì:

+ Cuộc sống luôn chứa đựng vô vàn những khó khăn, thử thách

+ Năng lực của con người có giới hạn và ta có thể sẽ gặp những thất bại, những đắng cay

Câu 4:

Học sinh có thể lựa chọn thông điệp mà mình tâm đắc nhất. Gợi ý:

– Tuổi trẻ hãy sống hết mình cho ước mơ, hoài bão

– Cuộc sống không chỉ có thành công mà còn có cả những thất bại

– Cần nỗ lực hết mình để theo đuổi những đam mê

Đề số 3

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Chúng ta thường nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp hơn sau khi việc học hành hoàn tất hay có gia đình, có công việc ổn định. Nhưng khi đã có được những điều ấy rồi, chúng ta lại bị chi phối bởi nhiều mối bận tâm và lo lắng khác nữa. Chúng ta thường không hài lòng khi cuộc sống không như những gì mình mong muốn.

Có mấy ai nhận ra rằng khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống? Cuộc sống vốn chứa đựng nhiều thử thách, khó khăn và nghịch cảnh. Cách thích ứng tốt nhất với cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình. Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình.

Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn. Đừng đợi đến khi bạn thật rảnh rỗi hay đến lúc tốt nghiệp ra trường, đừng đợi đến khi kiếm được thật nhiều tiền, thành đạt, có gia đình, hoặc đến khi được nghỉ hưu mới thấy đó là lúc bạn được hạnh phúc.

Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông rồi mới cảm thấy hạnh phúc. Đừng đợi tia nắng ban mai hay ánh hoàng hôn buông xuống mới nghĩ là hạnh phúc. Đừng đợi đến những chiều thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào mới thấy đó là ngày hạnh phúc của bạn. Tại sao không phải lúc này?

…. Hãy làm việc say mê như thể bạn không còn cơ hội để làm lại một lần nữa. Hãy yêu chân thành và trọn vẹn như thể bạn chưa từng đau khổ vì tình yêu. Bạn hãy đón nhận cuộc sống với tất cả những điều bình dị, tinh khôi nhất của nó, như thể bạn chưa từng trải qua những năm tháng khổ đau, những phút giây tuyệt vọng. Như thể bạn vừa khám phá được ý nghĩa thật sự của tình yêu, và hơn hết là điều bí ẩn giản dị của hạnh phúc.

(Trích Hạt giống tâm hồn)

Câu 1: Xác địnhphương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

Câu 2. Chỉ ra và phân tích tác dụng những biện pháp tu từ trong đoạn văn in đậm.

Câu 3. Theo tác giả cách thích ứng tốt nhất với cuộc sống này là gì?

Câu 4

. Anh/chị có đồng tình với quan niệm “Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn.” Vì sao?

Câu 5. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

Câu 6. Từ nội dung văn bản trên anh chị hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến “Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình”.

Đáp án đọc hiểu Hạt giống tâm hồn số 3

Câu 1: Phương thức biểu đạt: Nghị luận.

Câu 2. 

Biện pháp tu từ: Điệp cấu trúc: Đừng đợi…. mới

Tác dụng: Nhấn mạnh đến sự cần thiết và nhanh chóng nắm bắt cơ hội để tạo ra và tận hưởng hạnh phúc ở mọi thời điểm trong cuộc

Câu 3. Theo tác giả cách thích ứng tốt nhất với cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình.

Câu 4. 

Đồng tình với quan niệm “ Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn.”

– Con người ta ai cũng phải có lí tưởng và mục đích khát vọng của cuộc đời. Khi đạt được những điều ấy chúng ta sẽ cảm thấy thỏa mãn và có động lực để tiếp tục cống hiến cho xã hội. Đó là hạnh phúc.

– Cá nhân phải tận dụng mọi cơ hội mọi thời điểm để làm việc và thực hiện mục tiêu khát vọng của mình. Khi gặp khó khăn không hề nản chí, gặp nghịch cảnh không hề do dự, luôn chủ động trong mọi tình huống, không ỷ lại trông chờ lệ thuộc vào ai hay thế lực nào. Có như thế hạnh phúc mới có ý nghĩa có giá trị.

Câu 5. Các em có thể trình bày thông điệp mà bản thân cho là tâm đắc: cách tạo nên hạnh phúc, sự trân trọng và nắm giữ hạnh phúc, đón nhận cuộc sống và hạnh phúc từ những điều bình dị…

Câu 6. “Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình”.

Gợi ý về nội dung:

Giới thiệu vấn đề nghị luận

Giải thích:

– Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là niềm vui của con người khi đạt được mục đích lí tưởng của cuộc sống và thỏa mãn về nhu cầu vật chất hoặc tinh thần ở thời điểm nhất định trong cuộc sống.

=> Ý cả câu: Hạnh phúc hay không là do quan niệm của mỗi người cũng như cách sống cách tạo dựng nắm bắt hạnh phúc trong từng hoàn cảnh từng thời điểm. Hạnh phúc là do mình tạo ra.

Phân tích, bàn luận, chứng minh:

– Hạnh phúc hay không là do quan niệm của mỗi người

– Hạnh phúc hay không là do cách sống cách tạo dựng nắm bắt hạnh phúc trong từng hoàn cảnh từng thời điểm.

– Hạnh phúc là do mình tạo ra.

Bài học nhận thức:

– Cá nhân phải biết cách tạo dựng nắm bắt hạnh phúc.

– Hạnh phúc là do mình tạo ra. Không nên lệ thuộc và ỷ lại trông chờ vào hoàn cảnh hay người khác.

– Cần tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể xã hội để tìm kiếm và tạo ra hạnh phúc.

Đề số 4

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

VẾT NỨT VÀ CON KIẾN

Khi ngồi ở bậc thềm trước nhà, tôi nhìn thấy một con kiến đang tha chiếc lá trên lưng. Chiếc lá lớn hơn con kiến gấp nhiều lần.

Bò được một lúc, con kiến chạm phải một vết nứt khá lớn trên nền xi măng. Nó dừng lại giây lát. Tôi tưởng con kiến hoặc là quay lại, hoặc là sẽ một mình bò qua vết nứt đó. Những không. Con kiến đặt chiếc lá ngang qua vết nứt trước, sau đó đến lượt nó vượt qua bằng cách vượt lên trên chiếc lá. Đến bờ bên kia, con kiến lại tha chiếc lá và tiếp tục cuộc hành trình.

Hình ảnh đó bất chợt làm tôi nghĩ rằng tại sao mình không thể học loài kiến nhỏ bé kia, biến những trở ngại, khó khăn của ngày hôm nay thành hành trang quý giá cho ngày mai tươi sáng hơn!

(Theo Hạt giống tâm hồn, tập 5, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2013)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên?

Câu 2: Ý nghĩa ẩn dụ của hình ảnh “vết nứt”?

Câu 3: Vì sao tác giả cho rằng: “tại sao mình không thể học loài kiến nhỏ bé kia, biến những trở ngại, khó khăn của ngày hôm nay thành hành trang quý giá cho ngày mai tươi sáng hơn!”?

Câu 4: Từ văn bản trên, hãy rút ra cho mình một bài học mà anh/chị tâm đắc nhất?

Đáp án đọc hiểu Hạt giống tâm hồn số 4

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính: tự sự

Câu 2:

Hình ảnh “vết nứt” ẩn dụ cho những khó khăn, trở ngại, thách thức mà chúng ta luôn phải đối mặt trong cuộc sống, đó là quy luật tất yếu.

Câu 3:

Tác giả cho rằng: “tại sao mình không thể học loài kiến nhỏ bé kia, biến những trở ngại, khó khăn của ngày hôm nay thành hành trang quý giá cho ngày mai tươi sáng hơn!” bởi trong cuộc sống, con người cũng phải trải qua những khó khăn, thử thách như “vết nứt” mà con kiến bé nhỏ kia gặp phải. Đó là khi ta đối mặt trước khó khăn, ta sẽ ứng xử và vượt qua khó khăn như thế nào. Hình ảnh “loài kiến nhỏ bé” đã cho chúng ta một bài học, hãy biến những trở ngại, khó khăn của ngày hôm nay thành trải nghiệm, là hành trang quý giá cho ngày mai để đạt đến thành công, tươi sáng. Ý kiến cũng tác giả cũng gián tiếp lên tiếng trước một thực trạng, trong cuộc sống, trước những khó khăn, nhiều người còn bi quan, chán nản, bỏ cuộc… đó là thái độ cần thay đổi để vươn lên trong cuộc sống.

Câu 4:

Các em trình bày suy nghĩ cá nhân, giải thích vì sao bài học đó khiến em thấy tâm đắc nhất?

– Có thể lựa chọn những bài học như:

+ Trước bất cứ điều gì trong cuộc sống thường ngày, phải kiên trì, nhẫn nại, đối mặt với thử thách, không nên chỉ mới gặp trở ngại đã vội vàng bỏ cuộc.

+ Để theo đuổi được mục đích của bản thân, phải luôn nỗ lực, sáng tạo, khắc phục hoàn cảnh.

+ Phải biết biến những trở ngại, khó khăn của ngày hôm nay thành cơ hội, thành kinh nghiệm, thành hành trang quý giá cho ngày mai.

Tài liệu hay: Nghị luận xã hội về ý chí nghị lực

Đề số 5

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

Mỗi lần đi thăm một thầy giáo lớn tuổi, trong lúc tranh luận về quan điểm sống, một sinh viên đã nói:

– Sở dĩ có sự khác biệt là vì thế hệ các thầy sống trong những điều cũ là của một thế giới lạc hậu, ngày nay chúng em được tiếp xúc với những thành tựu khoa học tiên tiến hơn nhiều, thế hệ các thầy đâu có máy tính, không có internet, vệ tinh viễn thông và các thiết bị thông tin hiện đại như bây giờ…

Người thầy giáo trả lời:

– Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta nhưng không làm thay đổi chúng ta. Còn điều em nói là đúng. Thời trẻ, những người như chúng tôi không có những thứ em vừa kể nhưng chúng tôi đã phát minh ra chúng và đào tạo nên những con người kế thừa và áp dụng chúng.

(Hạt giống tâm hồn và Ý nghĩa cuộc sống, tập 5, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

Câu 2. Theo cậu sinh viên, điều gì làm nên sự khác biệt về quan điểm sống giữa thế hệ của cậu và thế hệ của người thầy giáo lớn tuổi?

Câu 3. Tại sao cậu sinh viên lại cúi đầu, im lặng trước câu trả lời của thầy?

Câu 4. Từ câu chuyện trên anh/chị rút ra bài học gì cho bản thân?

Câu 5. Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu trả lời của người thầy giáo trong văn bản trên: “Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta nhưng không làm thay đổi chúng ta”.

Đáp án đọc hiểu Hạt giống tâm hồn số 5

Câu 1:

– Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.

Câu 2:

– Điều làm nên sự khác biệt về quan điểm sống giữa thế hệ của cậu và thế hệ của người thầy giáo lớn tuổi là: sự thay đổi thời đại và hoàn cảnh sống “Thế hệ các thầy sống trong những điều cũ là một thế giới lạc hậu, ngày nay chúng em được tiếp xúc với thành tựu khoa học tiên tiến hơn nhiều, thế hệ thầy không có máy tính, internet, vệ tinh viễn thông và các thiết bị thông tin hiện đại như bây giờ…”

Câu 3:

– Câu sinh viên cúi đầu im lặng trước thầy vì: cậu nhận ra rằng, những phương tiện hiện đại cậu được hưởng thụ ngày nay chính là do những thế hệ trước vất vả tạo thành. Vậy mà cậu không có thái độ biết ơn lại có những lời trách móc với thầy giáo – thế hệ đi trước.

Câu 4:

Bài học mà các em có thể rút ra cho bản thân:

– Cần có thái độ đúng mực với những người lớn tuổi, đặc biệt là người đã và đang dạy dỗ ta.

– Phải biết ơn và trân trọng quá khứ, công lao của cha ông. Bởi mọi thành quả hôm nay ta được hưởng thụ đều do ông cha ta vất vả tạo thành.

– Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn, nhưng bản thân mỗi người phải giữ được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, đó là yếu tố không được thay đổi, nó tạo nên giá trị bền vững cho mỗi con người.

Câu 5

* Giới thiệu vấn đề nghị luận

* Giải thích vấn đề

“Những phương tiện hiện đại giúp chúng ta những không làm thay đổi chúng ta” câu nói muốn khẳng định, các phương tiện hiện đại sinh ra để phục vụ cho cuộc sống con người, giúp cuộc sống của chúng ta trở nên đơn giản, dễ dàng hơn. Nhưng không vì thế mà chúng ta được thay đổi những vốn sống, lối sống đẹp đẽ của dân tộc, truyền thống đạo lí tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của cha ông.

 * Bàn luận vấn đề

– Vì sao chúng ta không thể để công nghệ thay đổi, phải biết ơn thế hệ đi trước?

+ Những người đi trước là những người đặt nền móng, mở đường cho thế hệ sau, không có thế hệ mở đường, thế hệ sau khó có thể phát triển được. Cuộc sống hôm nay trở nên tiện nghi hơn, dễ dàng hơn cũng chính là nhờ vào công sức của cha ông.

+ Biết ơn, trân trọng những người đi trước, con người mới có thể sống vững được trong cuộc đời. Cội nguồn quá khứ chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của con người.

– Chúng ta cần làm gì trong thời điểm hiện nay?

+ Trân trọng những thành quả thế hệ đi trước.

+ Không ngừng nỗ lực, phát huy những thành quả thế hệ cha anh để lại.

* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

– Trong cuộc sống ngày hôm nay, có không ít những kẻ chỉ biết hưởng lợi ích cá nhân mà quên mất đi công sức của người khác. Những kẻ chỉ biết hưởng lợi cá nhân như vậy sẽ bị mọi người xa lánh, xã hội tẩy chay.

– Câu chuyện đưa ra đã thức tỉnh mỗi người chúng ta hãy biết ơn và trân trọng những người đi trước, bởi chính họ là người đặt nền móng cho sự tiện nghi, hiện đại của cuộc sống của ngày hôm nay.

Đề số 6

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi phía dưới:

Tôi được tặng một chiếc xe đạp leo núi rất đẹp nhân dịp sinh nhật của mình. Trong một lần tôi đạp xe ra công viên chơi, một cậu bé cứ quẩn quanh ngắm nhìn chiếc xe với vẻ thích thú và ngưỡng mộ thực sự.

– Chiếc xe này của bạn đấy à? . Cậu bé hỏi.

– Anh mình đã tặng nhân dịp sinh nhật của mình đấy. Tôi trả lời, không giấu vẻtự hào và mãn nguyện.

– Ồ, ước gì tôi… Cậu bé ngập ngừng.

Dĩ nhiên là tôi biết cậu bé đang nghĩ gì rồi. Chắc chắn cậu ấy ước ao có được một người anh như thế. Nhưng câu nói tiếp theo của cậu bé hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi.

– Ước gì tôi có thể trở thành một người anh như thế! . Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm. Sau đó, cậu đi về phía chiếc ghế đá sau lưng tôi, nơi một đứa em trai nhỏ tật nguyền đang ngồi và nói:

– Đến sinh nhật nào đó của em, anh sẽ mua tặng em chiếc xe lăn lắc tay nhé.

(“Hạt giống tâm hồn”, tập 4, nhiều tác giả. NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên?

Câu 2. Cậu bé ước trở thành người anh thế nào?

Câu 3. Theo anh (chị) câu “Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm”có ý nghĩa gì ?

Câu 4. Văn bản trên gửi đến chúng ta thông điệp gì?

Câu 5.

Anh/chị hãy viết đoạn văn (không quá 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến: ”Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn.”

Đáp án đọc hiểu Hạt giống tâm hồn số 6

Câu 1. 

Phương thức biểu đạt : Tự sự, biểu cảm

Câu 2.

Các em có thể trả lời 1 trong các cách sau:

– Cậu bé ước trở thành người anh mang lại niềm vui, niềm tự hào cho người em.

– Cậu bé ước trở thành người anh có tình thương em, mang lại niềm hạnh phúc cho em.

– Cậu bé ước trở thành người anh nhân hậu, được bù đắp, chia sẻ, yêu thương.

– Các câu trả lời tương tự…

Câu 3.

Các em có thể trả lời 1 trong các cách sau:

– Câu văn cho ta biết rõ hơn về sự trăn trở và lòng quyết tâm thực hiện ước mơ của cậu bé: trở thành người anh đáng tự hào.

– Câu văn cho thấy lòng quyết tâm cao độ của cậu bé muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực.

– Cậu bé đang nung nấu quyết tâm thực hiện ước mơ của mình là tặng xe lăn cho người em tật nguyền.

– Các câu trả lời tương tự…

Câu 4.

Đây là câu hỏi mở. Học sinh có thể rút ra một bài học nào đó miễn là hợp lí, có sức thuyết phục. Chẳng hạn như:Sốngphải biết yêu thương,quan tâm, chia sẻ , giúp đỡ lẫn nhau, nhất là với những người bất hạnh, tật nguyềnđể họ có được sự bình đẳng như mọi người…

Câu 5. 

Yêu cầu về hình thức:

– Viết đoạn văn khoảng 200 chữ

– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu

Yêu cầu về nội dung:

a. Giải thích:

– Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là niềm vui của con người khi đạt được mục đích lí tưởng của cuộc sống và thỏa mãn về nhu cầu vật chất hoặc tinh thần ở thời điểm nhất định trong cuộc sống.

– Phép màu là gì? Là những cách thức phương pháp bất ngờ do một thế lực siêu nhiên nào đó giúp con người tạo ra niềm vui hạnh phúc

– Ý nghĩa của câu nói: Hạnh phúc do chính ta tạo ra ở mọi thời điểm và hoàn cảnh trong cuộc sống.

b. Bàn luận

– Cuộc sống luôn có những niềm vui và nỗi buồn, thành công và thất bại. Đó là sự tồn tại hai mặt của cuộc đời thường bởi những cặp phạm trù tương ứng và con người phải đối mặt với những điều ấy trong quá trình tạo ra hạnh phúc cho đời mình.

– Con người ta ai cũng phải có lí tưởng và mục đích khát vọng của cuộc đời. Khi đạt được những điều ấy chúng ta sẽ cảm thấy thỏa mãn và có động lực để tiếp tục cống hiến cho xã hội. Đó là hạnh phúc.

– Cá nhân phải tận dụng mọi cơ hội mọi thời điểm để làm việc và thực hiện mục tiêu khát vọng của mình. Khi gặp khó khăn không hề nản chí, gặp nghịch cảnh không hề do dự, luôn chủ động trong mọi tình huống, không ỷ lại trông chờ lệ thuộc vào ai hay thế lực nào. Có như thế hạnh phúc mới có ý nghĩa có giá trị.

– Phát huy tác dụng của tập thể và tận dụng cơ hội để tạo ra hạnh phúc.

– Lấy một số dẫn chứng về những tấm gương biết tạo ra hạnh phúc cho mình vượt lên nghịch cảnh để trở thành người Hạnh phúc, ví dụ Nick Vujicic.

c. Bài học nhận thức và hành động

– Cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hạnh phúc của cuộc đời mình.Không nên lệ thuộc và ỷ lại trông chờ vào hoàn cảnh hay người khác.

– Cần tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể xã hội để tìm kiếm và tạo ra hạnh phúc.

– Liên hệ bản thân.

Xem thêm đề đọc hiểu hay ra: đọc hiểu Quên hôm qua sống cho ngày mai

Đề số 7

Đọc ngữ liệu sau và trả lời những câu hỏi nêu ở bên dưới:

“… Một người hạnh phúc không nhất thiết phải là người có mọi thứ tốt nhất, mà là người biết tận hưởng và chuyển biến những gì đang xảy đến với mình trong cuộc sống một cách tốt nhất. Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết rơi lệ khi tổn thương, biết đau đớn khi mất mát, biết khao khát và nuôi dưỡng những giấc mơ, biết cố gắng làm lại khi thất bại, bởi vì chỉ có như vậy, mọi người mới biết trân trọng những gì đã và đang đến trong cuộc đời mình.”

(Theo Hạt giống tâm hồn, tập 3, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2013)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích ?

Câu 2. Nêu nội dung của văn bản ?

Câu 3. Trong câu văn “Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết rơi lệ khi tổn thương, biết đau đớn khi mất mát, biết khao khát và nuôi dưỡng những giấc mơ, biết cố gắng làm lại khi thất bại, bởi vì chỉ có như vậy, mọi người mới biết trân trọng những gì đã và đang đến trong cuộc đời mình”. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó?

Câu 4. Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan niệm của bản thân về vấn đề hạnh phúc.

Đáp án đọc hiểu Hạt giống tâm hồn số 7

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận / phương thức nghị luận

Câu 2. Nội dung của đoạn trích: Một quan niệm về hạnh phúc

Câu 3. 

– Biện pháp tu từ được sử dụng: Điệp từ, lặp cấu trúc.

– Hiệu quả nghệ thuật:

+ Nhấn mạnh, khẳng định ý.

+ Tạo âm hưởng cho câu văn.

Xem thêm tài liệu: Nghị luận xã hội: Quan niệm về hạnh phúc

Câu 4. 

1. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: Có đủ 3 phần mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Mở đoạn phải nêu được luận đề; thân đoạn trình bày các ý, liên kết chặt chẽ với nhau làm sáng tỏ yêu cầu của đề; kết đoạn phải chốt lại được vấn đề.

2. Xác định vấn đề cần nghị luận: Quan niệm về hạnh phúc.

3. Triển khai vấn đề nghị luận một cách hợp lí; có sự liên kết chặt chẽ; kết hợp lí lẽ và dẫn chứng.

* Mở đoạn: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

* Thân đoạn:

– Giải thích: Hạnh phúc là một trạng thái tâm lý của con người khi ta cảm thấy thỏa mãn một nhu cầu trừu tượng. Đó là một khái niệm thuộc phạm vi đời sống tinh thần của con người. Đó là trạng thái tinh thần lý tưởng nhất mà con người theo đuổi.

– Bàn luận vấn đề:

+ Biểu hiện của hạnh phúc: đối với mỗi người mỗi lứa tuổi thì niềm hạnh phúc sẽ khác nhau, bên cạnh đó còn tùy theo hoàn cảnh, công việc,…

+ Hạnh phúc không quá xa vời mà rất đỗi gần gũi

+ Đôi khi hạnh phúc là mang lại hạnh phúc cho người khác

+ Tác dụng: mang lại sự thỏa mãn, thanh thản,…

– Những hành động có thể làm mất đi sự ham muốn hạnh phúc :

Tham vọng về quyền lực, tiền tài, lối sống buông thả trong xã hội ngày nay đang ngày càng đe dọa, cướp đi hạnh phúc của bao người

– Rút ra bài học bản thân

* Kết đoạn: Khẳng định lại ý nghĩa của vấn đề.

Nguồn: Hạt giống tâm hồn – NXB Tổng hợp HCM

-/-

Trên đây là một số đề đọc hiểu Hạt giống tâm hồn đã được ra trong các đề thi, đề kiểm tra mà THPT Ngô Thì Nhậm đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà! Đừng quên còn rất nhiều tài liệu văn 12 đang đợi các em khám phá nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button