Tuyển chọn văn mẫu thuyết minh về Nhà đày Buôn Ma Thuột – bài viết số 1 lớp 9 hay nhất do THPT Ngô Thì Nhậm thực hiện để giúp các em hiểu thêm về bản hùng ca đầy tự hào của dân tộc
Thuyết minh về di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong đề tài khá phổ biến mà các em có thể tham khảo trong bài văn thuyết minh về một di tích lịch sử của địa phương em hoặc nơi mà em đã đi thăm quan.
Cùng THPT Ngô Thì Nhậm tham khảo một số bài văn thuyết minh về Nhà đày Buôn Ma Thuột hay dưới đây để làm tốt bài viết số 1 lớp 9 em nhé!
Thuyết minh về Nhà đày Buôn Ma Thuột
Bài số 1
Nhà đày Buôn Ma Thuột bản hùng ca đầy tự hào của dân tộc
Tìm về mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, bạn không nên bỏ qua cơ hội ghé thăm nhà đày Buôn Ma Thuột, minh chứng cho những tội ác của Đế quốc – Thực dân, nơi giam giữ những người tù Cộng sản kiên trung, nơi tỏa sáng của những tấm lòng yêu nước.
Nhà đày Buồn Ma Thuột nay tọa lạc tại số 18 Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, cách trung tâm thành phố chừng 1 km về phía Đông Nam, di tích lịch sử này là minh chứng cho những tội ác của thực dân Pháp trong suốt những năm từ 1930 đến 1945. Cái tên nhà đày Buôn Ma Thuột được gọi theo một tên gọi do thực dân Pháp đặt cho nơi này là Pénitencer de Ban Mê Thuột.
Năm 1930 – 1931 chính quyền thực dân Pháp đã cho xây dựng nhà đày này để làm nơi đày ải, giam giữ những người làm cách mạng, những Đảng viên ưu tú của Đảng Cộng sản. Nơi đây chủ yếu giam giữ những người tù chính trị bị tuyên án trên 5 năm tù, được xếp vào danh sách những kẻ nguy hiểm đối với thực dân Pháp. Thời đó những tù nhân lãnh những án nặng sẽ bị đi đày ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, những vùng hải đảo, thậm trí bị đưa tới những nước thuộc địa của Pháp thời bấy giờ. Và trong đó có những nhà đày như nơi này được xây dựng để giam giữ và tra tấn tù nhân.
Được xây dựng trên một diện tích đất rộng chừng 2 hecta, với tường bao xung quanh được xây cao tới 4 m, dày 40 cm rất kiên cố. Ở 4 góc của nhà đày đều có vọng gác và lính canh 24/24 giờ. Khu vực phía trong có 6 dãy nhà lao tập thể được xây, một dãy xà lim cũng được xây ở khu phía Nam gần cổng chính, là nơi giam giữ những tù nhân được cho là nguy hiểm. Bên cạnh đó, là các khu vực khá như nhà kho, bàn giấy, nhà xưởng, khu bếp nấu ăn. Kiểu thiết kế này thường thấy ở những nhà tù truyền thống của thực dân Pháp. Với cách bố trí này sẽ tận dụng được tối đa diện tích, cũng như giúp quản lý chặt chẽ được hoạt động của tù nhân.
Hình ảnh nhà đày Buôn Ma Thuột khi mới được xây dựng khá đơn giản với phần khung nhà được làm bằng gỗ, tường được đắp từ đất bùn trộn rơm, bên trong là lõi tre, phần ngoài cùng được trát một lớp xi măng mỏng, phần mái lợp lá. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động thì số lượng tù nhân chuyển đấy ngày một nhiều. Chính vì thế, nhà đày này đã được cho xây dựng lại kiên cố hơn với tường gạch, mái ngói vào khoảng cuối tháng 11 năm 1931. Về sau, xảy ra vụ vượt ngục của tù nhân nên công trình này được trùng tu và trở lên kiên cố hơn.
Sau kháng chiến chống thực dân Pháp giành được thắng lợi kết thúc bằng chiến thằng Điện Biên Phủ năm 1954. Mỹ nhảy vào Việt Nam thế chỗ Pháp với những âm mưu, thủ đoạn, tinh vi, hiện đại hơn. Nhà đày Buôn Ma Thuật tiếp tục được đưa vào sử dụng với nhiều công trình được xây mới nhằm tạo sự phù hợp với tình hình lúc bấy giờ. Quân đội Mỹ đã cho xây một bức tường ngăn đôi nhà đày, một bên sẽ làm kho chứa quân nhu, phần còn lại làm khu cải huấn, hai cổng mới ở phía Tây cũng được mở. Ngoài ra, một số công trình như: nhà Nguyện, phòng biệt giam, nhà lao nữ, nhà Quốc thái dân an… cũng được xây thêm.
Di tích lịch sử nhà đày Buôn Ma Thuột còn được nhắc đến với tên gọi nhà phạt. Nơi đây cũng giống như bao nhà tù trên khắp nước Việt Nam, nó không những là minh chứng rõ ràng nhất cho tội ác tàn độc của Đế quốc – Thực dân, mà nơi đây còn được coi như một ngôi trường lớn đã tạo lên những người chiến sĩ cách mạng kiên trung cho đất nước.
Vùng đất này xưa kia rất hoang vu, khí hậu khắc nghiệt có thể nói là chốn “rừng thiêng nước độc”, địa hình rừng núi đan xen ao hồ, sông suối rất phức tạp nên hầu như không có người dân sinh sống tại đây. Thế nhưng tại chính nơi đây Thực dân Pháp đã cho xây dựng nhà tù này để giam giữ và cô lập họ. Điểm đặc biệt của nhà giam này nằm ở việc các tù nhân sẽ phải tự xây nhà tù cho chính mình. Với 6 dãy nhà lao, các tù nhân sẽ được chia thành các khu tùy vào mức án nặng hay nhẹ.
Ngày nay, những du khách đến tham quan nhà đày Buôn Ma Thuột không phải vì những cảnh đòn roi, tra tấn dã man mà đến đây du khách sẽ cảm nhận được ý chí đấu tranh kiên trung, bất khuất của những người tù Cộng sản từng bị giam giữ nơi đây. Và cũng chính “địa ngục trần gian” đã từng là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ yêu nước như đồng chí Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh, Võ Chí Công, Tố Hữ, Hồ Tùng Mậu…
Sau nhiều lần trùng tu, nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành một trong những địa điểm thăm quan hấp dẫn của Đắk Lắk. Các phòng giam hiện nay là nơi trưng bày những hình ảnh và một số hiện vật giúp du khách có thể hình dung một cách rõ nét hơn về những năm tháng gian khổ, nhưng hào hùng của những người chiến sĩ cách mạng nơi đây.
Bài số 2
Thuyết minh về Nhà đày Buôn Ma Thuột: Nơi đày ải tù chính trị ở các tỉnh Trung Kỳ
Nằm trong lòng TP. Buôn Ma Thuột sầm uất ngày nay, ít ai biết rằng, Nhà đày Buôn Ma Thuột (do thực dân Pháp thiết lập), những năm 1930 – 1931 lọt thỏm giữa vùng dân cư thưa thớt, bao bọc xung quanh là núi rừng hoang vu, rậm rạp, nhiều thú dữ, là nơi đày ải tù chính trị ở các tỉnh Trung Kỳ.
Bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt, tàn bạo, nhiều tù nhân mắc bệnh nguy hiểm, chết dần chết mòn. Thế nhưng sự tàn bạo không đè bẹp được khí tiết và tinh thần kiên trung của người chiến sĩ cách mạng. Các cuộc đấu tranh của tù chính trị diễn ra thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức. Tù chính trị đã biến nhà tù thành trường học, họ tìm cách học tiếng Êđê để giao tiếp, tuyên truyền, vận động binh lính người Thượng hiểu rõ hơn dã tâm của thực dân Pháp. Sau đó họ ra tờ báo có tên là Yuan – Êđê (tức Việt – Êđê) bằng tiếng Êđê, rồi bí mật chuyền tay cho binh lính. Cùng với đó là sự xuất hiện của một số tờ báo chép tay chép lại các bài thơ do tù nhân sáng tác nhằm kêu gọi mọi người cùng đoàn kết, đấu tranh chống lại chế độ thực dân Pháp.
Trong các dãy lao, tù nhân còn dùng sỏi để thông tin, liên lạc, chẳng hạn như: ném một viên lên trần nghĩa là Toàn quyền tới, hai viên là Khâm sứ tới, nhiều viên được ném đồng loạt là chuẩn bị có một cuộc đàn áp. Cùng với đó, để giữ liên lạc, người tù còn tận dụng đũa, muỗng, guốc khoét lỗ rồi nhét tài liệu, tiền, thuốc men…
Cuộc đấu tranh gian khổ, quyết liệt và bền bỉ ấy đã tạo điều kiện cho các cuộc đấu tranh tiếp theo. Cuối năm 1940, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập dưới tên gọi bí mật “Lực lượng trung kiên của Nhà đày”. Đây là mốc son đặc biệt quan trọng, tạo nên một đội ngũ cán bộ cốt cán, kiên cường, dày dạn để cùng toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử!
Với những giá trị lịch sử quan trọng, thời gian qua Nhà đày đã được tỉnh quan tâm, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo. Các năm 1992 và năm 2005, tỉnh đã hai lần trùng tu, sửa chữa Nhà đày theo nguyên dạng. Hiện Ban Quản lý di tích tỉnh đã làm Đề án trùng tu Nhà đày trình UBND tỉnh. Theo đó, Nhà đày sẽ được trùng tu theo đúng các yếu tố cấu thành di tích nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khách tham quan trong và ngoài nước. Từ năm 2014 đến năm 2017, địa phương cũng đã sưu tầm được 1.040 hồ sơ của tù chính trị. Đây là những hiện vật lịch sử quý giá nhằm tri ân, đồng thời nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về những người tù chính trị kiên trung vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang.
11 năm gắn bó, làm việc tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, chị Nguyễn Thị Thu Hương thường tranh thủ sưu tầm, đọc các loại sách, báo, tài liệu, hồ sơ, nhật ký liên quan Nhà đày để có thể thuyết minh, chuyển tải đến khách tham quan những hình ảnh chân thực, sinh động nhất từng diễn ra tại “địa ngục trần gian” này. Chị cho biết, hằng năm, Nhà đày mở cửa đón hàng chục nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước, trong đó có đông đảo học sinh, sinh viên, thân nhân tù chính trị, cán bộ chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang…
Mỗi đoàn khách đến thăm đều lưu dấu những ấn tượng khác nhau, nhưng có một câu chuyện khiến chị Hương nhớ mãi. Trong một lần hướng dẫn đoàn khách đến từ Hà Nội, một thiếu nữ trong đoàn đã kể lại câu chuyện khiến mọi người rưng rưng. Đó là chuyện về người ông nội yêu kính của cô, khi cô thắc mắc sao chân ông sứt sẹo và thiếu mất một ngón, ông đã kể rằng: khi hoạt động cách mạng thời trai trẻ, ông đã bị địch bắt và giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Có lần tình cờ biết con của người lính canh bị ốm nặng, ông đã hướng dẫn cách chữa trị đứa trẻ khỏi bệnh hoàn toàn khiến người lính vô cùng cảm kích. Một hôm, người lính biết thông tin sẽ có nhóm tù nhân bị đưa đi thủ tiêu, trong đó có ân nhân của gia đình, nên anh đã báo ngay cho ông biết. Giữa tình thế nguy cấp, ông đã dùng vật nặng đập cho bàn chân mình dập nát để được đưa ra ngoài chữa trị, nhờ đó, may mắn sống sót…
Quỳnh Anh – http://baodaklak.vn
Bài số 3
Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột
Nhà đày Buôn Ma Thuột do chính quyền thực dân Pháp thiết lập tại Đắk Lắk trong thời kỳ 1930 – 1931 để đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những Đảng viên cộng sản bị bắt và bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ với một chế độ hết sức khắc nghiệt và tàn bạo.
Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trong những nhà tù, nhà đày nổi tiếng tàn ác của đế quốc Pháp ở Đông Dương. Ở đây suốt từ năm 1930 đến 1945, hàng ngàn lượt tù chính trị Việt Nam đã bị giam giữ, bị chính quyền thực dân Pháp và phong kiến tay sai hành hạ một cách dã man. Nhưng cũng chính tại chốn tù đày tăm tối, khổ ải này, những người cách mạng kiên trung vẫn giữ vững chí khí chiến đấu, giữ vững niềm tin vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vào sự tất thắng của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Bất chấp mọi cực hình, cách chiến sĩ cách mạng bị tù đày ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã tích cực đấu tranh chống chế độ lao tù tàn bạo, tranh thủ thời gian học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm, không ngừng nâng cao trình độ về nhiều mặt, để có cơ hội thuận lợi họ tìm cách thoát khỏi Nhà đày, hoặc buộc địch trả tự do, trở về với Đảng, với nhân dân trong công cuộc giải phóng dân tộc.
Nhà đày tọa lạc tại số 17 Tán Thuật, phường Tự An, Tp. Buôn Ma Thuột (ngày nay), Nhà đày được xây dựng trên diện tích gần 2ha, với bốn bức tường bao quanh cao 4m dày 40cm, 4 góc đều có vọng gác và có lính canh 24/24h. Phía trong có 6 dãy lao tập thể giam giữ tù nhân, cánh cổng duy nhất được mở ra hướng Nam, bên cạnh cổng chính là dãy xã lim chúng sử dụng để giam giữ tù chính trị mà chúng cho là nguy hiểm, ngoài ra còn có Nhà xưởng, Khu bàn giấy, Nhà kho và Bếp ăn tập thể.
Khi cách mạng tháng 8 thành công Nhà đày được giải vây, tù nhân được giải phóng. Đến năm 1954, đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược nước ta, chúng tiếp tục sử dụng Nhà đày để giam giữ tù nhân và chia Nhà đày làm hai phần: một bên phục vụ quân nhu, một bên là Trung tâm cải huấn và mở thêm một cánh cổng nằm ở hướng Tây. Ngoài ra, chúng còn xây dựng một số công trình khác như: nhà Nguyện, nhà Quốc thái dân an, nhà tra tấn, dãy xà lim….
Sau khi đất nước thống nhất, Nhà đày được giao lại cho Ty Công an Đắk Lắk quản lý. Năm 1979 Nhà đày được giao lại cho Sở Văn hóa, Thông tin quản lý (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Năm 1980 Nhà đày được Bộ Văn hóa, Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia.
Qua các lần trùng tu, ngày nay di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành nơi tham quan cho du khách đến tìm hiểu về quá khứ hào hùng của dân tộc. Nơi đây hiện trưng bày các hình ảnh, hiện vật nhằm phần nào tái hiện lại một cách chân thực, sống động những năm tháng khốc liệt của các chiến sỹ cách mạng kiên trung, bất khuất.
Nguồn tài liêu: Sưu tầm các báo
Trên đây là một số bài thuyết minh về Nhà đày Buôn Ma Thuột khá độc đáo, là những tác phẩm của những nhà báo có cái nhìn nhận xác thực nhất về nơi chứng kiến lịch sử hào hùng và cửa ải khó khăn của các chiến sỹ cách mạng ta. Mong rằng với nội dung này các em sẽ có cho mình một bài văn thuyết minh thật hay nhé!
Xem thêm:
- Thuyết minh về sự nghiệp văn học Nguyễn Du
- Thuyết minh về cái quạt bằng phương pháp tự thuật