Lớp 9Văn mẫu 9

Thuyết minh về dòng sông quê em

Tuyển chọn những bài văn mẫu thuyết minh về dòng sông quê em hay nhất, top 6 bài văn thuyết minh về những con sông nổi tiếng ở Việt Nam và dàn ý chi tiết mà em có thể tham khảo

Với đề tài thuyết minh về dòng sông quê em, THPT Ngô Thì Nhậm xin đưa ra một số mẫu văn tham khảo mà các em có thể xem dàn ý sau để hoàn thiện bài văn của mình như sau:

Dàn ý thuyết minh về dòng sông quê em

Mở bài

– Giới thiệu về dòng sông em cần thuyết minh.

– Nêu cảm nhận chung về dòng sông quê em đó

Thân bài

Giới thiệu vị trí địa lí:

– Vị trí?

– Diện tích? Chiều dài ?

– Cảnh vật xung quanh ra sao?

Khái quát hình ảnh con sông

a) Cảnh bao quát

– Từ xa nhìn con sông như thế nào?

– Đặc điểm nhận biết nổi bật nhất của dòng sông quê em?

– Cảnh quan xung quah dòng sông ra sao

b) Chi tiết: (con sông hiện ra như thể nào, so sánh con sông từ xưa tới nay)

– Chi tiết mang đậm nét văn hóa dân tộc.

– Nét mới: điểm tô của sự hiện đại xen kẽ.

Giá trị văn hóa, lịch sử: Dòng sông quê em lưu trữ

– Lịch sử, quá khứ của dân tộc

– Tô điểm cho quê hương của em như thế nào?

– Một trong các địa điểm du lịch nổi tiếng hấp dẫn khách du lịch.

Kết bài: Nêu một số nhận định của em dòng sông đó

Văn mẫu thuyết minh về dòng sông quê em hay nhất

Thuyết minh về sông Hồng

Thuyết minh về dòng sông quê em – Sông Hồng

Vẻ đẹp của Việt Nam không chỉ được khẳng định thông qua những truyền thống văn hóa,truyền thống lịch sử lâu đời, những di tích lịch sử nổi tiếng được thế giới công nhận mà còn bao gồm cả những nét đẹp bình dị mà gần gũi khác, một trong số đó là vẻ đẹp thơ mộng của những con sôn lớn. Nếu Miền Trung có dòng sông Hương thơ mộng, vùng Tây Bắc có sông Đà dạt dào, cá tính; miền Nam có dòng Cửu Long giang thì ở vùng Đồng bằng Bắc bộ có dòng sông Hồng xinh đẹp, nên thơ.

Sông Hồng là một con sông lớn nằm ở  phía Bắc Việt Nam, sông bắt nguồn từ ngọn núi thuộc huyện Nguy Sơn,tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.Sông Hồng có tổng chiều dài là 1149 km, chạy qua địa phận nhiều tỉnh ở nước ta như : Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định.

Sông Hồng cũng được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như: Sông Nhị Hà ( hoặc Nhĩ Hà), Hồng Hà, Sông Cái, sông Thao, đoạn chảy trên lãnh thổ Trung Quốc còn được gọi là Nguyên Giang.Vốn dĩ tên gọi Sông Hồng là do đặc điểm màu nước rất đặc biệt của con sông này. Mỗi mùa lũ về, nước sông mang theo phù sa sông nên có màu đỏ hồng như màu lá của mùa thu nên được gọi là sông Hồng.

Sông Hồng uốn lượn, bao quanh lấy Thủ đô Hà Nội- Trung tâm kinh tế- văn hóa- xã hội lớn bậc nhất của Việt Nam tạo ra cho Hà Nội một vẻ đẹp độc đáo,mang một đặc trưng riêng biệt. Nên dù chảy qua rất nhiều tỉnh thành, xong khi nhắc đến sông Hồng thì nơi đầu tiên người ta liên tưởng đến đó chính là Hà Nội.Ngay tên gọi Hà Nội cũng thể hiện được sự gắn bó mật thiết đối với dòng sông này.Hà Nội mang ý nghĩa là thành phố nằm bên trong của dòng sông.

Sông Hồng là một trong hai hệ thống sông lớn nhất miền Bắc ( cùng với hệ thống sông Thái Bình) đã bồi đắp nên một vùng đồng bằng rộng lớn bởi lượng phù sa giàu có, tươi tốt.Bên cạnh dòng sông Hồng, dựa vào nguồn phù sa sông, nông nghiệp ở đây rất phát triển. Cùng với dòng quay của lịch sử, truyền thống sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng đến nay cũng đã được một nghìn năm tuổi.Nên vậy có thể coi sông Hồng là một chứng nhân của lịch sử, của nền văn hóa lâu đời, tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Sông Hồng còn là nơi chứa đựng một nguồn tài nguyên, khoáng sản dồi dào, phong phú, mang giá trị kinh kế cao.Trước hết đó là nguồn nước dồi dào không chỉ cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất mà còn dùng để phát triển công nghiệp thủy điện.Ngoài ra, sông Hồng còn có một trữ lượng than nâu vô cùng lớn.Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trên sông, những người ngư dân còn phát triển nghề đánh bắt cá trên sông,đem lại nguồn thu nhập lớn, cải thiện được chất lượng cuộc sống của những người ngư dân.

Ngoài những giá trị về văn hóa,kinh tế.Sông Hồng còn là một danh thắng thu hút đông đảo nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn.

Con sông Hồng dài, rộng, sắc nước như sắc trời mùa thu đã tạo ra một khung cảnh vô cùng thi vị,lãng mạn. Những du khách đến đây có thể đi thuyền ngắm cảnh bình minh hay khi hoàng hôn kéo xuống.Vào những thời khắc ấy, dòng sông Hồng càng trở nên xinh đẹp đến lạ kì. Ven sông, cụ thể hơn là trên địa phận của thủ đô Hà Nội có phát triển một loại hình du lịch, tham quan.Địa điểm là ở bãi đá sông Hồng.

Đây không chỉ là một địa điểm ngắm cảnh trên sông lí tưởng mà còn là một nơi vô cùng rực rỡ, không khí trong lành, thiên nhiên lại có phần hoang dại.

Hơn nữa, bãi đá Sông Hồng còn trồng rất nhiều loại hoa tươi đẹp, màu sắc rực rỡ, bắt mắt.Mang lại một khung cảnh đặc biệt thơ mộng, thi vị bên dòng sông hiền hòa.

Đặc biệt hơn khi vào mùa xuân, khi trăm hoa đua nở, khoe sắc, cùng dòng nước phơn phớt hồng thơ mộng, bạn sẽ có một quãng thời gian thật tuyệt nếu cùng bạn bè, gia đình đến tham quan nơi đây.Nếu nhìn từ trên cao, dòng sông Hồng như một con rồng khổng lồ uốn lượn trên cái nền xanh bát ngát của cây cối, núi đồi.

Sông Hồng không chỉ là một danh thắng xinh đẹp đối với những người dân Việt Nam mà cũng đã được bạn bè quốc tế thừa nhận.Mới đây nhất,Sông Hồng đã được tạp chí Ria Novosti đưa vào danh sách mười tám thắng cảnh đẹp nhất trên thế giới cùng rất nhiều danh thắng nổi tiếng khác của thế giới.Đây không chỉ là một danh hiệu xứng đáng với vẻ đẹp của con sông Hồng mà còn là niềm tự hào vô cùng lớn của người dân Việt Nam.

Xem thêm: Miêu tả dòng sông quê em

Thuyết minh về sông Đà

Thuyết minh về dòng sông quê em – Sông Đà

Từ ngàn xưa, sông Đà là con đường huyết mạch cho việc giao lưu văn hoá, buôn bán của người dân các đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc nói chung với miền xuôi.

Dài hơn 980 km bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy qua các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình và đổ ra sông Hồng, đến sông Đà, du khách sẽ đến với các công trình thế kỷ, khám phá thời kỳ tiền sử cùa con người qua các di chỉ khảo cổ, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

Từ ngàn xưa, sông Đà là con đường huyết mạch cho việc giao lưu văn hoá, buôn bán của người dân các đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc nói chung với miền xuôi. Từ Ta Bơ (chợ Bờ – Hoà Bình) đến Bến Vạn, Tạ Khoa, Tạ Bú, Tạ Hè (Sơn La) đến Mường Lay (Điện Biên) là các bến đậu của các đoàn thuyền buôn từ kinh thành Thăng Long lên xứ Ta Lếnh (vùng Tây Bắc ngày nay) vào khoảng thế kỷ XII – XVI. Ngày nay, sông Đà được biết đến với tiềm năng lớn về thuỷ điện, trên sông đã có nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (cung cấp điện năng lớn nhất nước ta hiện nay) và trong tương lai gần trên sông Đà có nhà máy thuỷ điện mới – thuỷ điện Sơn La lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Đến với sông Đà du khách sẽ đến với các công trình thế kỷ, khám phá thời kỳ tiền sử của con người qua các di chỉ khảo cổ, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ: rừng xanh, núi cao, sông rộng, thác, ghềnh; khám phá những nét văn hoá đậm đà bản sắc các dân tộc: Thái, Mường, Tày, Mông, Dao… Ngược dòng sông Đà, theo con đường của các đoàn thuyền buôn xưa: từ chợ Bờ (Hoà Bình) – bến Vạn Yên – bến Tà Hộc – bến Tạ Bú (Sơn La) – điểm khởi công công trình thuỷ điện Sơn La. Từ chợ Bờ đến Tạ Bú là vùng hồ thủy điện Hoà Bình, nơi đây có nhiều hang động đẹp có giá trị khảo cổ học: rìu đá, tước đá, hòn kê, hòn mài được phát hiện tại hang Tẳng, bản Bông Lau, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên; phát hiện trong một số hang tại xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu với những cỗ quan tài bằng gỗ, hình thuyền. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học thì những ngôi mộ táng này có niên đại trên dưới 200 năm. Tại khu vực này không chỉ có dấu tích của thời kỳ đá đá mà còn có các hiện vật thời kỳ kim khí: rìu đồng, trống đồng Heger.

Ngược Tạ Bú khoảng 3 km, du khách sẽ đến Pá Vinh (huyện Mường La). Đây là nơi xây dựng đập thuỷ điện Sơn La để tận mắt chứng kiến sức vóc và trí lực to lớn của con người: xẻ núi, đắp đập, ngăn sông, chinh phục dòng nước lớn. Đây sẽ là công trình thuỷ điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á, góp phần điều khiển nguồn nước cho đồng bằng Bắc Bộ, phát triển kinh tế xã hội cho vùng Tây Bắc và đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Tiếp tục ngược dòng sông Đà du khách sẽ đến với Mường Lay, đến với Điện Biên Phủ đánh dấu một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử, với nhiều lễ hội độc đáo, các hoạt động văn hoá đặc sắc…

Dọc bờ sông Đà, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu, khám phá đời sống văn hoá của các dân tộc: Thái, Mường, Khơ Mú, Xinh Mun, Dao… Đặc biệt du khách dễ dàng bắt gặp những phiên chợ nổi trên sông. Chợ được hình thành bởi nhiều chiếc thuyền hàng ghép lại, địa điểm họp chợ nổi có thể thay đổi từ bến Khủa lên Vạn Yên đến Mường Sại, Tạ Khoa, Song Pe, Chim Vàn, Đá Đỏ, Pắc Ngà, Tà Hộc. Người dân đến chợ bằng nhiều phương tiện: ngựa thồ, xe máy và những thuyền chất đầy hàng hoá, nông sản, thổ cẩm, đồ đan lát… để trao đổi buôn bán với những người miền xuôi. Vào những phiên chợ, các chàng trai, cô gái các dân tộc vùng Tây Bắc trong những trang phục truyền thông đẹp nhất, nườm nượp trên bến, dưới thuyền, họ đến đây không chỉ mua bán mà còn muốn tìm cho mình một người bạn đời lý tưởng.

Nếu lưu lại qua đêm ở các bản làng dưới mái nhà sàn ấm cúng, du khách sẽ được sống trong những giờ phút đáng nhớ, cùng thưởng thức những đặc sản của núi rừng, ngây ngất trong men say rượu cần, hoà chung điệu xoè và nghe người già kể những huyền thoại, truyền thuyết về sông Đà.

Thuyết minh về sông Hương

Thuyết minh về dòng sông quê em – Sông Hương

Trên lãnh thổ Việt Nam thần yêu, có một điều thú vị là nhiều thành phố cùng có những cặp đôi sông núi linh thiêng và tươi đẹp. Ví như sông Kỳ Cùng núi Mẫu Sơn ở Lạng Sơn, sông Mã núi Mường Hung ở Sơn La, sông Tô núi Nùng ở Hà Nội, sông Lam núi Hồng ở Nghệ An, sông Hương núi Ngự ở Huế hay sông Trà Khúc núi Thiên Ấn ở Quảng Nam… Trong đó, có thể nói sông Hương là một trong những con sông đẹp nhất và nổi tiếng nhất của cả nước.

Sông Hương, riêng cái tên của nó cũng là một câu chuyện dài và nhiều dư vị. Sông Hương từng được gọi bằng nhiều cái tên như sông Linh trong sách Dư địa chí (1435) của Nguyễn Trãi, Kim Trà đại giang trong sách Ô Châu cận lục (1555), Hương Trà trong sách Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn. Ngoài ra, nó còn được gọi là Lô Dung, sôrig Dinh, sông Yên Lục… Chưa dừng ở đó, tên sông còn được lí giải bằng nhiếu cách rất thú vị. Theo dã sử, khi vua Quang Trung đi qua và hỏi tên sông là gì, thấy những cái tên trước đó chỉ là địa danh hữu hạn, không thể gợi sự trường tồn của dòng sông nên từ nay gọi tên Hương Giang. Cũng có người lí giải rằng hai bên sông Hương có loại cỏ thạch sương bồ có hương thơm nên gọi tên dòng sông là sông Hương. Nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Phan Thuận An cho rằng: vê tên gọi sông Hương thì có nhiều giả thuyết khác nhau nhưng tôi thiên về giả thuyết bắt nguồn từ địa danh Hương Trà. Dòng sông nào củng mang một cái tên của vùng đất. Phú Xuân – Huế ngày xưa thuộc đất Hương Trà, là một lưu vùng mà sông chảy qua suốt huyện Hương Trà. Vì thế người ta dùng tên huyện Hương Trà để đặt tên cho dòng sông. Lúc đầu gọi là sông Hương Trà, sau gọi tất là sông Hương. Còn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông? lại lí giải tên sông bằng một huyền thoại, vì yêu quý con sông xứ sở nên dân chúng đôi bờ đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống dòng sông tạo nên hương thơm ngát, gửi cả mộng ước muốn đem cảnh đẹp và tiếng thơm để xây đắp văn hóa và lịch sử của nhân dân.

Về vị trí địa lí, sông Hương thuộc miền Trung Việt Nam. Sông có hai dòng chính đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn huyển thoại và khi về đến đồng bằng, nó không chảy qua nhiều địa phương mà nằm gọn gàng trong lòng một thành phố duy nhất, Thừa Thiên – Huế. Thủy trình hơn 80 km của sông Hương xưa nay luôn là điều hấp dẫn không chỉ với các nhà địa lí mà còn cả với những nghệ sĩ say mê cái đẹp. Từ thượng nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch chảy qua nhiều thác ghểnh, chảy quanh các chân núi, xuyên qua các cánh rừng rậm, chảy chậm qua các làng mạc Kim Long, Nguyệt Biểu, Vỹ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, chạy ra cửa Thuận Trạch, Biển Đông. Cùng thủy trình ấy, ngồi trên thuyền xuôi theo dòng sông Hương, chúng ta có thể ngắm cảnh xung quanh kinh thành Huế, vượt qua cầu Dã Viên, Phú Xuân, Tràng Tiền, đến thăm lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ… hoặc xuôi vê’ Thuận An chìm đắm trong vẻ đẹp của biển cả bao la. i

Vẻ đẹp đa dạng là một đặc điểm quan trọng của sông Hương, sông Hương không chỉ giàu giá trị mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với người dân thành Huế nói riêng và với non sông Việt Nam nói, chung. Dòng sông thơ mộng ấy có vai trò quan trọng đối với địa lí nơi đây và hàng năm vẫn bồi đắp phù sa cho đôi bờ tươi tốt. Sông Hương đem lại nguổn tài nguyên thủy sản giàu có, phong phú và cung cấp nguồn nước dồi dào cho cư dân. Đặc biệt, sông Hương có giá trị kinh tế cao bởi đây là điểm nhấn du lịch đặc sắc trong hệ thống danh lam thắng cảnh của cả nước. Khách du lịch trong và ngoài nước đều rất yêu quý con sông thơ mộng này.

Nhưng ý nghĩa nhất phải nhắc đến giá trị văn hóa nghệ thuật của dòng sông danh tiếng này. Sông Hương êm đểm trôi chảy thật ngọt ngào trong văn thơ với những tác phẩm nổi tiếng như bài thơ Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu hay những trang bút kí sang trọng, lịch lãm của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong Ai đã đặt tên cho dòng sông?… Màu sắc lung linh, hình dáng mềm mại và vẻ thanh bình muôn thuở của dòng sông biến thành niềm cảm hứng trác tuyệt trong âm nhạc. Những ca khúc như Diễm xưa, Ai ra xứ Huế đã khiến người nghe say đắm nhưng thú vị hơn, đây còn là không gian diễn xướng của những loại hình ầm nhạc cổ truyền từ điệu hò, câu hát dân gian đến âm nhạc bác học trong từng khúc Nhã nhạc cung đình Huế.

Nhưng sông Hương không chỉ báỳ bổng trong nghệ thuật, sông Hương còn là chứng nhân lịch sử trung thành như Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nói: Hiển nhiên là sông Hương đã sống những thế kỉ quang vinh với nhiệm vụ lịch sử của nó, từ thuở nó còn là một dòng sông biên thuỳ xa xôi của đất nước các vua Hùng. Trong sách địa dư của Nguyễn Trãi, nó mang tên là Linh Giang, dòng sông viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ bièn giới phía nam của Tổ quốc Đại Việt qua những thế kỉ trung đại. Thế kỉ XVIII, nó vẻ vang soi bóng Kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ; nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỉ XIX với máu của những cuộc khởi nghĩa, và từ đấy sông Hương đã đi vào thời đại Cách mạng tháng Tám bằng những chiến công rung chuyển. Từ khi nàng Huyền Trân công chúa ngàn dặm ra đi đem về cho đất Việt hai châu Ô Lí, dòng sông đã lưu giữ và tiếp nối những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc và trở thành biểu tượng riêng cho mảnh đất nơi đây. 

… Và như thế, sông Hương mãi là dòng sông của thi, ca, nhạc, họa, là điệu hổn của con người xứ Huế yêu thương!

Một bài văn mẫu liên quan: Vẻ đẹp sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông

Thuyết minh về sông Thương

Thuyết minh về dòng sông quê em – Sông Thương

Chưa khi nào tôi gặp một dòng sông đẹp như thế. Hai bờ rợp bóng tre xanh, thấp thoáng những cây gạo tung bông rực rỡ. Mặt nước như gương soi. Nhưng qua bao thăng trầm, dòng sông vẫn xanh và tươi sáng như nắng ban mai mỗi ngày sang. Đó là sông Thương, chảy qua Bắc Giang. Chẳng thế mà, sông  vốn có tên chữ là Nhật Đức. Người xưa gọi “dòng sông mặt trời”.

Dòng sông mặt trời – thứ ánh sáng được tạo ra bằng những dòng chảy phù sa chứa bao trầm tích và huyền thoại. Chất chứa cả những hạnh phúc và đau khổ của biết bao phận người. Chúng tôi đã tắm hàng ngàn lần trong dòng ánh sáng ấy. Hình như, bây giờ, những hạt sáng nhỏ li ti đang chảy trong miền cảm xúc của tôi, miên man, vô tận. Dòng ánh sáng bỗng cuồn cuộn trôi về nơi tôi thuộc về nó, từ đấy ra đi…

Nơi đó, bà lão Ngần thường ngồi tráng bánh bên bến sông, giờ đã không còn nữa… Nhưng câu chuyện của bà thì còn đấy, hoá thân vào con sóng phía bờ bên lở.

Bà kể rằng, con sông vốn hiểu được tiếng nói con người, đừng ai giày xéo nó. Mẹ tôi có một ruộng ngô ngoài bãi sông, chiều nào tôi cũng quảy đôi thùng lên vai, xăm xăm lội xuống mép sông múc nước tưới ngô. Có hôm bùn sụt quá, nước ngập tận thắt lưng, trong hoảng hốt bỗng thấy sợ, bởi mặt sông im ắng và xanh bí ẩn. Cái bến sông không chỉ đơn thuần là bến tắm giặt, mà còn là nơi gột rửa mọi bụi bặm từ quần áo, chăn màn, xoong nồi, cơ thể con người…

Nơi mà cũng có thể nảy sinh tình yêu. Mỗi khi trở về, tôi lại nghĩ đến câu chuyện “Mùa hoa cải ven sông” vì cả một triền sông dọc cánh đồng làng tôi vàng rung rinh hoa cải. Có đứng ngập mình trong triền hoa ấy mới thấy lòng mình nhẹ nhõm vô cùng. Chợt muốn hát vút lên, muốn chạy nhảy thật vô tư ngạo nghễ khắp đồng làng. Đấy là tự do. Mãi sau này tôi mới có đủ thông minh để hiểu hết điều đó.

Dòng sông Thương cũng từng được gọi là dòng sông hoa đào (đào hoa) bởi dọc hai bờ sông, trồng những rừng đào phai thơ mộng. Ngày nay, hoa đào ven sông không còn nữa, nhưng dòng sông hoa thì vẫn chảy trong tâm thức dân gian. Có một nhà thơ đã viết: “Chỉ có dòng sông Thương/ Mới biết mình trong đục/ Bên mơ hoà bên thực/ Chảy giữa miền ca dao…” .

Sông Thương khởi nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy trong con máng trũng có tên Mai Sao rồi chảy vào địa phận tỉnh Bắc Giang, nơi mỏm đồi Kè Sơn, thuộc thôn Phú Lợi, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang. Con sông bắt đầu cuộc hành trình của nó từ đây, nơi người Pháp xây kè tràn từ những năm xâm chiếm Việt Nam.

Dòng nước xối như thác trắng báo hiệu một cuộc viễn du thú vị của con sông qua nhiều vùng đất. Đó là vòng sang Yên Thế, xuôi về Tân Yên, qua Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang) rồi qua vùng Yên Dũng xuôi xuống hợp lưu với sông Lục Nam, sông Cầu tạo thành sông Thái Bình.

Hầu như không vùng quê nào trong tỉnh không có huyền tích, huyền thoại về những người anh hùng và dấu vết của chiến công hiển hách, suốt từ Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hoà, thành phố Bắc Giang. Chỉ tính ngay đoạn sông Thương chảy qua thành phố Bắc Giang thôi, đã chất chứa trong lòng nó bao thăng trầm lịch sử.

Ngay chân cầu sắt, sát kề cầu Mỹ Độ qua sông Thương là bến Giang Tân xưa kia thuộc trang Đa Mỗi (nay là Đa Mai) , người xưa kể rằng, đã có cuộc chiến của quan quân nhà Trần chống giặc Nguyên Mông. Hai nàng công chúa Ngọc Nương, Bảo Nương đã dùng mỹ nhân kế dụ chìm thuyền giặc, giết chết tướng giặc và cùng tự vẫn trên sông.

Nhân dân lập đền thờ Hai Bà ngay sát mép sông. Dòng sông hoa đào bên bồi bên lở từng đông nghẽn lại bởi “thây chết thành núi, máu chảy thành sông”, khi Lê Lợi, Nguyễn Trãi chỉ huy quân đánh tan giặc Minh tại Xương Giang. Chiến trường khổng lồ năm xưa vẫn còn in dấu tích trên “thành cổ Xương Giang” ngay trong thành phố.

Đôi lúc tôi tự hỏi, sao Bắc Giang quê mình đẹp là thế, nhiều huyền tích, huyền thoại, dân ca thế, cũng anh hùng và giàu văn hiến… mà sao vẫn nghèo, vẫn chưa thơ thới đi trong đường lớn của sự phát triển?  Phải chăng, ở một góc độ nào đấy, ta chưa thật sự đánh giá đúng và quan tâm tường tận đến văn hoá?

Thuyểt minh về sông Hàn

Thuyết minh về dòng sông quê em – Sông Hàn

Nếu ai đã đến Đà Nẵng thì có lẽ không bao giờ quên được con sông Hàn nằm giữa lòng thành phố Đà Nẵng. Không đỏ nặng phù sa như sông Hồng, không dịu dàng, hiền hòa như sông Hương, con sông Hàn vừa khỏe khoắn, vừa thơ mộng tô điểm thêm cho vẻ đẹp của thành phố Đà Nẵng năng động và phát triển từng ngày.

Có lẽ, cái tên sông Hàn đã có từ rất lâu. khi tôi ra đời, biết quan sát cảnh vật xung quanh thì đã nghe người ta gọi nó là sông Hàn rồi. Tôi vẫn thường băn khoăn với bà: Bà ơi! Sao các vùng khác,sông đều mang những cái tên nghe rất đẹp như sông Hương, sông Hoài, sông Nhật Lệ … mà con sông quê mình lại mang cài tên chẳng đẹp chút nào? Bà trầm ngâm bảo với tôi rằng: Tên sông không đẹp nhưng mang một ý nghĩa hào hùng về những ngày cha ông chống giặc. Qua lời kể của bà, tôi mới biết tên sông Hàn bắt nguồn từ chuyện ngày xưa cha ông ta đã khóa cửa sông bằng xích sắt để ngăn không cho tàu giặc vào thành phố Đà Nẵng. Từ đó, mỗi lần nhìn con sông Hàn lặng lờ trôi, tôi lại thấy yêu quý nó biết bao. Phải chăng, con sông Hàn là nhân chứng cho tinh thần kiên cường bất khuất của quê hương?

Con sông Hàn là một nhánh sông lớn từ thượng nguồn chảy xuống đổ ra biển. Sông lững lờ trôi,chảy men giữa hai bờ phố xá tấp nập. Bến bờ sông,con đường Bạch Đằng chạy dài với những hàng cây xanh ngát soi bóng xuống dòng sông. Vẻ xanh mát của cây cùng với cái hiền hòa của sông Hàn tạo nên một bức tranh thật đẹp, thanh bình, thoát ra ngoài nhịp sống tấp nập của thành phố.

Vào những buổi sáng sớm, sông Hàn dịu dàng như người thiếu nữ. Phố xá xây nồng trong giấc ngủ bỏ lại con sông Hàn thao thức cùng ánh đèn đường mờ ảo. Trong làn sương nắng mỏng, sông dường như không trôi, đứng lặn ngắm nhìn vẻ đẹp yên ả thanh bình của quê hương. Mặt sông phẳng lặng như không muốn làm tỉnh giấc những con tàu đang ngủ yên sau một ngày vất vả, chỉ có những con sóng vỗ nhẹ như đang hát khúc ca êm ái ngợi ca vẻ đẹp của thành phố. Giữa không gian yên ả, sông như một dãi lụa bạc thật đẹp .

Thế nhưng, vào những buổi trưa, khi ông mặt trời đang mỉm cười rải những tia nắng vàng xuống mặt sông trở nên rực rỡ, khỏe khoắn hẳn. những tia nắng tinh nghịch nhảy nhót, đùa giỡn trên mặt nước. Trong phút chốc, gương mặt sông trở nên hồng hào, lấp lánh thật nên thơ. Sông như một chiếc gương khổng lồ soi bống những con tàu viễn dương to lớn. Đó đây, tiếng còi vào cảng, tiếng còi ra khơi vang lên giữa khung cảnh trưa hè. Thỉnh thoảng chị gió đi qua vuốt ve mặt sông. Sông vui vẻ cười vang, vỗ sóng rì rào vào mạn thuyền, hoà cùng nhịp điệu sôi động của thành phố.

Chiều về, những tia nắng chạy trốn trở về nhà, để lại dòng sông trong bộ áo tím thẳm. Sông Hàn trở nên lặng lẽ hơn. Phải chăng, sông buồn vì phải chia tay người bạn nắng tinh nghịch? Thế nhưng, không để sông buồn lâu, thành phố thắp đèn khoác lên sông chiếc áo thật rực rỡ. Ánh sáng từ các nhà cao tầng, các biển quãng cáo, các cột đèn cao áp soi xuống mặt sông, ánh lên thật lộng lẫy với nhiều mảng sắc màu. Lúc này, nom mặt sông như nàng công chúa diện bộ cánh đẹp đẽ nhất để dự buổi dạ hội. Cứ thế, sông vươn mình khoe sắc, phô hết tất cả vẻ đẹp của mình cho mọi người chiêm ngưỡng. Trên sông, chiếc cầu sông Hàn hiện đại bắc qua với những dây cáp to, sáng lấp lánh như một chiếc vương lớn tô điểm thêm cho vẻ đẹp dòng sông. Lúc này, được đứng bên bờ sông mà tận hưởng nhũng ngọn gió mát rượi thổi vào thật là sảng khoái. Sông trở thành người bạn giúp con người xua đi những căng thẳng, mệt mỏi của một ngày làm việc vất vả.

Tuổi thơ của tôi đã lớn lên bên con sông Hàn rộng lớn đẹp đẽ. Con sông bắc ngang thành phố, nối nhịp đôi bờ ngày ngày đua đón bao nhiêu người qua lại.Sông mãi là người bạn gắn bó với tuổi thơ của tôi. Mai đây, dù cố đi đến những miền xa, gặp những con sông mênh mông, hùng vĩ thì sông Hàn vẫn mãi là con sông mà tôi yêu quý nhất.

Một đoạn thơ nói về sông Hàn

Con sông Hàn chảy giữa lòng thành phố

Như dải lụa mềm quấn quít bờ yêu

Đà Nẵng bên sông Hàn bên biển xanh sóng vỗ

Lộng gió muôn phương ấp ủ bao điều.

Thuyết minh về sông Sài Gòn

Thuyết minh về dòng sông quê em – Sông Sài Gòn

Sông Sài Gòn ở thượng lưu bắt nguồn từ vùng Hớn Quản (Bình Phước), chảy qua hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), qua địa phận tỉnh Bình Dương rồi vào TP.HCM. Nó chảy đến mũi Đèn Đỏ (huyện Nhà Bè) thì nhập với sông Đồng Nai làm thành sông Nhà Bè. Tại đây, nó tách thành 2 nhánh Lòng Tàu và Soài Rạp. Sông Sài Gòn ra biển Đông qua cửa Cần Giờ. Tổng chiều dài là 256km, đoạn chảy qua TP.HCM là 80km. Sông Sài Gòn là nhân chứng lịch sử của Sài thành xưa và nay.

Được biết, trước kia khi hệ thống giao thông đường bộ chưa thông suốt, người dân vùng đất Nam Bộ xưa đi lại bằng việc men theo các con sông. Người dân vùng ven vào Gia Định làm ăn hay thăm nhau, đi theo đường biển vào cửa Cần Giờ, đến ngã ba sông Nhà Bè rồi rẽ phải vào sông Sài Gòn đến Gia Định. Xưa, sông Sài Gòn là mối giao thông huyết mạch nên nó giữ dấu ấn vai trò quan trọng trong văn hóa của Sài Gòn – Gia Định và TP. HCM ngày nay.

Đất Sài Gòn từ thuở khai sinh vốn đã rất nhộp nhịp, sau đó trở thành đô thị, trung tâm kinh tế sầm uất. Sông Sài Gòn là nhân chứng của nhiều thuyền tàu từ các địa phương, các quốc gia khác tìm đến để trao đổi hàng hóa. Ngày ấy, chủ yếu là lúa gạo, hàng nông sản. Ảnh: Ngả ba đầu sông Nhà Bè rẽ vào sông Sài Gòn, nơi mở đầu cho câu ca dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định (tức Sài Gòn), Đồng Nai thì về”.

Theo nhà sử học Trịnh Hoài Đức thì sông Sài Gòn xưa là nơi mà những tàu buôn và ghe thuyền trong và ngoài nước ra vào không ngớt, đầu tàu nối liền, đuôi cột buồm chi chít. Với triều đình nhà Nguyễn, sông Sài Gòn không những có vai trò chiến lược đối với vùng đất Gia Định, mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc mở cõi phương Nam và nhiều lần gắn với điềm lành, được thiêng hóa. Ảnh: Sài Gòn ngày nay.

Năm 1860, người Pháp cho xây dựng cảng bên bờ sông Sài Gòn để làm đầu mối các tuyến hàng hải từ Đông sang Tây. Ngày đó hai bên sông Sài Gòn nhộp nhịp bởi giao thương làm ăn với thế giới bên ngoài. Cái tên Hòn Ngọc viễn Đông dành cho Sài thành cũng ra đời từ đó. Ảnh: Sông Sài Gòn ngày nay, một thời góp phần tạo nên tiếng tăm “Hòn Ngọc Viễn Đông” cho thành phố mang tên dòng sông.

Sài Gòn ngày nay đã thay đổi rất nhiều về diện mạo và đang trên đà phát triển. Sông Sài Gòn được xem như một chứng nhân cho sự phát triển ấy. Dòng sông này đã chứng kiến sự thay da, đổi thịt từng ngày của Sài Gòn. Niềm vui, nỗi buồn hay sự lột xác của mảnh đất này cũng được sông Sài Gòn thẩm thấu. Cách đây hơn 100 năm, chính từ khúc sông Sài Gòn này đã lưu dấu chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra biển tìm đường cứu nước. Hình ảnh bến cảng Nhà Rồng với con tàu Đô đốc Latouche Tréville vẫn vẹn nguyên trên sông, là nhân chứng của lịch sử giải phóng đất nước.

Ngày nay, khi hệ thống giao thông đường bộ đã phát triển, việc buôn bán, vận chuyển trên sông Sài Gòn vẫn tấp nập. Cùng với Bến Nhà Rồng, nhà mày đóng tàu Bason nằm ngay cạnh sông Sài Gòn chứng nhận sự thay da, đổi thịt của thành phố. Cũng trên dòng sông đó cụm cảng Sài Gòn là hệ thống cảng biển đóng vai trò là cửa ngõ của miền Nam trong các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Hình thức du lịch trên sông Sài Gòn cũng được lãnh đạo thành phố đặc biệt chú ý. Các du thuyền, hoạt động về đêm, du khách có thể ngắm nhìn vẻ lung linh, thơ mộng và nghe về lịch sử trên dòng sông gắn liền với sự phát triển của thành phố. Ảnh: Sông Sài Gòn về đêm hiện nay.

Khúc sông Sài Gòn chảy qua thành phố uốn lượn như muốn đi vào từng ngóc ngách của vùng đất này. Chứng kiến những công trình lớn ngay cạnh con sông như tòa nhà cao nhất thành phố Bitexco, hầm vượt sông Sài Gòn đã trở thành niềm tự hào của người dân. Công trình Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai Ngoài đang được thi công hứa hẹn sẽ mang đến một bộ mặt mới cho dự phát triển đô thị làm cho dòng sông thêm lung linh, huyền ảo như vốn có bao đời nay. Dòng sông bây giờ hiện đại như chính đô thị Sài Gòn nhưng vẫn không hề mất đi tính lịch sử vốn có của nó.

-/-

Vậy là các em đã tham khảo xong 6 bài văn mẫu thuyết minh về các dòng sông nổi tiếng của Việt Nam mà được nhiều người biết tới, các em cũng có thể tham khảo kho tài liệu văn mẫu 9 của THPT Ngô Thì Nhậm nữa nhé!

– Thuyết minh về dòng sông quê em – THPT Ngô Thì Nhậm – 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button