Giáo dụcLớp 8

Thuyết minh về chùa Bái Đính

Đề bài: Thuyết minh về chùa Bái Đính

thuyet minh ve chua bai dinh

Thuyết minh về chùa Bái Đính

Bạn đang xem: Thuyết minh về chùa Bái Đính

I. Dàn ý Thuyết minh về chùa Bái Đính (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: chùa Bái Đính

2. Thân bài

a. Vị trí, lịch sử, khái quát chung về chùa Bái Đính
– Vị trí: nằm phía Tây khu di tích Cố đô Hoa Lư, phía Bắc quần thể di sản thế giới Tràng An, thuộc xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình.
– Lịch sử: Là ngôi chùa cổ có niên đại hơn 1000 năm
– Quần thể chùa Bái Đính gồm khu chùa cổ và chùa mới xây dựng, lối kiến trúc truyền thống đồ sộ, diện tích lên đến 1700 ha

b. Khu vực chùa Bái Đính cổ
– Vị trí: nằm trên đỉnh núi yên tĩnh cách khu chùa mới 800 mét
– Vùng đất hội tụ yếu tố địa linh nhân kiệt
– Các khu vực chính: Hang Sáng, Động Tối, Đền thờ thánh Nguyễn, Đền thờ thần Cao Sơn, Giếng Ngọc
– Sự kiện chính: nơi đây vua Đinh Tiên Hoàng lập đàn cầu mưa thuận gió hòa, vua Quang Trung làm lễ tế cờ

c. Khu vực chùa Bái Đính mới
– Vị trí: rộng 80 héc ta, nằm bên kia núi so với chùa cổ
– Gồm nhiều hạng mục: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan m, Bảo Tháp, Tháp Chuông, tượng Phật Di Lặc, Hành lang La Hán, Cầu đá, Hồ phóng sinh

d. Ngôi chùa lớn sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam
– Tượng Phật lớn nhất Châu Á, Chuông đồng lớn nhất Việt Nam, Bảo tháp cao nhất Châu Á, Hành lang La Hán dài nhất Châu Á…

e. Lễ hội chùa Bái Đính
– Lễ hội được tổ chức thường niên, khởi đầu cho nhiều lễ hội hành hương về vùng Cố Đô nghìn năm văn hiến

3. Kết bài

Khẳng định vẻ đẹp, ý nghĩa tâm linh và giá trị của quần thể chùa Bái Đính

II. Bài văn mẫu Thuyết minh về chùa Bái Đính (Chuẩn)

Hướng về mảnh đất Cố đô, mỗi người lại nhen nhóm trong lòng những dự định khác nhau. Giống như một con thuyền thả trôi theo dòng nước khi đến với Ninh Bình con thuyền ấy lần lượt đi qua Cố đô, Tràng An và về với Bái Đính. Quần thể chùa Bái Đính cho đến nay đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Bài thơ của vua Lê Thánh Tông để lại khi đi vãn cảnh chùa đã nói lên vẻ đẹp cũng như vị trí đắc địa của ngôi chùa này trong lịch sử Việt Nam:

“Đính Sơn danh tiếng thực cao xa
Che chở kinh thành tự thuở xưa
Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí
Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà”.

Là một Cố đô xưa, từng là kinh thành của một nước, ngày nay Ninh Bình đã và đang ngày càng phát triển, trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Chùa Bái Đính trở thành biểu tượng của du lịch Ninh Bình nói riêng và du lịch tâm linh của cả nước nói chung. Quần thể chùa Bái Đính nằm phía Tây khu di tích Cố đô Hoa Lư, phía Bắc quần thể di sản thế giới Tràng An, thuộc xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Đây là ngôi chùa cổ có niên đại hơn 1000 năm bao gồm khu chùa cổ và chùa mới xây dựng, lối kiến trúc truyền thống đồ sộ, diện tích chùa lên đến 1700 ha.

Bái Đính cổ tự có từ thời vua Đinh Tiên Hoàng cách đây hơn 1000 năm, khu chùa nằm tách biệt cách 800 mét so với khu chùa mới. Khuôn viên chùa nằm trên đỉnh của vùng núi yên tĩnh, chỉ có một số hạng mục nhỏ nhưng mang lối kiến trúc cổ như: nhà tiền đường, các đền thờ, nổi bật nhất là Hang Sáng và Động Tối, nơi đây thu hút rất nhiều khách tham quan ưa khám phá. Đền thờ Thánh Nguyễn thờ Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không, ông là thiền sư sáng lập lên chùa Bái Đính. Giếng Ngọc nằm ở gần chân núi Bái Đính, tương truyền rằng đây là nơi thiền sư đã lấy nước sắc thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông và nhân dân, giếng có đặc điểm là không bao giờ cạn nước.

Khu vực chùa Bái Đính cổ gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại như: vua Đinh Tiên Hoàng lập đàn cầu mưa thuận gió hòa, vua Quang Trung làm lễ tế cờ tiến quân ra bắc. Có thể nói đến với quần thể chùa Bái Đính mọi người ấn tượng hơn với khu chùa mới được xây dựng từ 2003, khu chùa mới rộng 80ha với nhiều hạng mục hoành tráng, đồ sộ, các bức tượng khổng lồ mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam. Kiến trúc của khu chùa mới gây ấn tượng mạnh với hệ thống gỗ, đá, gạch men, mái ngói cong vút. Những công trình tiêu biểu nhất phải kể đến là: Điện Tam Thế nguy nga rộng lớn, Điện Pháp Chủ trang nghiêm, Điện Quan m lộng lẫy, trong cả ba điện đều có tượng Phật, tượng Bồ Tát to đẹp và đạt kỷ lục. Bên cạnh đó còn có những công trình như chiếc cầu đá dài đi vào cổng Tam quan, gác chuông có trống đồng và chuông đồng, Bảo tháp nhiều tầng, hành lang La Hán với 500 pho tượng La Hán khác nhau, hồ phóng sinh trong vắt màu xanh ngọc. Ấn tượng nhất phải kể đến kiến trúc bên trong bảo tháp với những bức phù điêu tượng Phật được tạc trên trần bảo tháp, tượng Phật ngọc, tượng Phật dát vàng, xá lợi Phật kinh thiêng mang từ Ấn Độ về, bên trong bảo tháp thảy đều là màu vàng sáng chói. Đứng từ vị trí của bảo tháp phóng mắt nhìn ra toàn cảnh khuôn viên chùa Bái Đính sẽ cảm thấy đây như một vùng đất rộng lớn và yên bình. Bao trùm toàn cảnh là màu xanh của núi rừng, cây cối, mái ngói hiện lên giữa làn nước và màu xanh cây lá chỉ như đường chỉ màu nâu.

Nói chùa Bái Đính là ngôi chùa lớn và sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam quả không sai. Ở quy mô Châu Á có các kỷ lục: Tượng Phật trong điện Pháp Chủ là tượng bằng đồng dát vàng lớn nhất, Bảo tháp cao nhất, Hành lang La Hán dài nhất; quy mô Đông Nam Á có các kỷ lục: Tượng Phật Di Lặc lớn nhất; quy mô trong nước có các kỷ lục: chuông đồng lớn nhất, khu chùa rộng nhất, có nhiều tượng La Hán nhất, có giếng ngọc lớn nhất, có nhiều cây bồ đề nhất. Chùa Bái Đính không chỉ biết đến với các lễ hội đầu năm được tổ chức thường niên mà đây đã trở thành nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa cũng như chính trị lớn tiêu biểu như: Đại lễ Phật Đản thế giới 2008, Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ VI năm 2010, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2014, Hội thảo Phật Giáo quốc tế, đón nhận bằng của UNESCO vinh danh quần thể danh thắng Tràng An là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Đúng như món quà mà đất trời ban cho, Ninh Bình chính là vùng đất địa linh nhân kiệt, trải qua bao đời, sự thăng trầm của thời gian, viên ngọc Bái Đính ngày càng được gột rửa thêm sáng bóng và đẹp đẽ. Mỗi con người Ninh Bình nói riêng và thế hệ trẻ của đất nước nói chung phải biết gìn giữ, bảo vệ và tôn tạo vẻ đẹp đó, có trách nhiệm với những gì đang có, phấn đấu không ngừng để đưa quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

——————HẾT———————

Việt Nam nổi tiếng với hệ thống chùa chiền ở khắp cả nước, những tên chùa xuất hiện trong các đề văn thuyết minh thường sẽ là chùa nổi tiếng, tiêu biểu và đặc trưng nhất. Các em có thể điểm danh các ngôi chùa đó qua một số bài sau: Thuyết minh về chùa Tam Chúc, Thuyết minh về chùa Trấn Quốc, Thuyết minh về chùa Một Cột, Thuyết minh về chùa Yên Tử.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button