Giáo dụcLớp 11

Tấm lòng và tầm nhìn của Phan Châu Trinh qua đoạn trích Về luân lí xã hội ở nước ta

Đề bài: Tấm lòng và tầm nhìn của Phan Châu Trinh qua đoạn trích Về luân lí xã hội ở nước ta

tam long va tam nhin cua phan chau trinh qua doan trich ve luan li xa hoi o nuoc ta

Bạn đang xem: Tấm lòng và tầm nhìn của Phan Châu Trinh qua đoạn trích Về luân lí xã hội ở nước ta

 

I. Dàn ý Tấm lòng và tầm nhìn của Phan Châu Trinh qua đoạn trích Về luân lí xã hội ở nước ta

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về đoạn trích “Về luân lí xã hội của nước ta” và tấm lòng, tầm nhìn của Phan Châu Trinh.

2. Thân bài

a. “Về luân lí xã hội của nước ta” thể hiện rõ tinh thần, tấm lòng yêu nước mãnh liệt của tác giả.

– Nỗi niềm đau xót của tác giả trước thực trạng đen tối của dân tộc, đời sống lam lũ, cơ cực của nhân dân và sự lộng hành, ngang ngược của tầng lớp vua quan.

– Thẳng thắn vạch trần, tố cáo thực trạng đen tối của xã hội.

– Kêu gọi mọi người chấn hưng và xây dựng, đổi mới đất nước

b. “Về luân lí xã hội của nước ta” thể hiện tầm nhìn và tư tưởng cách mạng tiến bộ của tác giả

– Nhìn nhận sự tiến bộ của thế giới.

– Tác giả khẳng định ở nước ta chưa có một nền luân lí xã hội.

– Đề cao tư tưởng dân chủ, kêu gọi đề cao dân trí và xây dựng đoàn thể.

3. Kết bài

Khẳng định ý nghĩa của tấm lòng và tầm nhìn của Phan Châu Trinh

 

II. Bài văn mẫu Tấm lòng và tầm nhìn của Phan Châu Trinh qua đoạn trích Về luân lí xã hội ở nước ta

Trong số những nhà chí sĩ yêu nước nhiệt huyết với con đường giải phóng dân tộc, Phan Châu Trinh là một trong những gương mặt tiêu biểu với tư tưởng dân chủ: “Khai dân trí”, “Chấn dân chí”, “Hậu dân sinh”. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua tác phẩm “Về luân lí xã hội của nước ta” – một trích đoạn từ “Đạo đức và luân lí Đông Tây”. Đoạn trích đã thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng,lập trường chính trị cũng như tấm lòng yêu nước mãnh liệt và tầm nhìn tiến bộ của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh.

Trước hết, “Về luân lí xã hội của nước ta” đã thể hiện rõ tinh thần, tấm lòng yêu nước mãnh liệt của tác giả. Là một nhà nho có tưởng yêu nước tiến bộ, ông trực tiếp thể hiện niềm đau xót của bản thân trước tình hình hiện tại của đất nước, đồng thời mạnh mẽ cất lên tiếng nói tố cáo, lên án những hiện tượng tiêu cực tồn tại trong đời sống kinh tế – xã hội của dân tộc ta thời bấy giờ. Với cảm quan và nhận thức tiến bộ, ông nhận ra trong khi “cái xã hội chủ nghĩa bên u châu đã rất thịnh hành” thì đất nước ta vẫn chìm trong cơn ngủ say: “điềm nhiên như kẻ ngủ không biết gì là gì”, “người mình thì phải ai tai nấy, ai chết mặc ai!”, bon chen chạy theo con đường danh lợi để thỏa mãn tham vọng của bản thân. Tác giả đã tái hiện bức tranh của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX một cách trực tiếp và không hề né tránh sự thật. Ông thẳng thắn nhìn nhận, tố cáo và vạch trần mảng tối của đời sống con người qua những tình huống cụ thể. Đó là tầng lớp kẻ sĩ ham vinh hoa phú quý, “chỉ biết có vua mà chẳng biết có dân”, là chế độ phong kiến với sự mục nát, hủ bại qua những viên quan không ngần ngại tham nhũng, vơ vét “mồ hôi xương máu” của nhân dân, “mang đai đội mũ ngất ngưởng ngồi trên”, “áo rộng khăn đen lúc nhúc lạy dưới”. Trước thực trạng đó, với tấm lòng của một trái tim đang bừng cháy ngọn lửa yêu nước, Phan Châu Trinh đã kêu gọi mọi người cùng nhau chung tay đứng lên chấn hưng lại đất nước bằng con đường xã hội chủ nghĩa: “Nay muốn một ngày kia nước Việt Nam được tự do, độc lập thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã. Mà muốn có đoàn thể thì có chi hay hơn là truyền bá xã hội chủ nghĩa trong dân Việt Nam này”. Như vậy, qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy được tấm lòng yêu nước, thương dân của tác giả qua khát vọng giải phóng, đổi mới đất nước.

Là gương mặt tiêu biểu và là một trong những ngọn cờ đầu của phong trào Duy tân thế kỉ XX, Phan Châu Trinh có cái nhìn vô cùng sâu sắc và tiến bộ về con đường cách mạng, vượt thoát tầm nhìn hạn hẹp để nhìn nhận sự đổi mới không ngừng của thế giới. Quan điểm chính trị đó được thể hiện thông qua việc đề cao tư tưởng dân chủ, kêu gọi đề cao dân trí và xây dựng đoàn thể. Bằng hệ thống lập luận chặt chẽ, trước hết tác giả khẳng định ở nước ta chưa có một nền luân lí xã hội: “Làng có một trăm dân mà người này đối với kẻ kia đều ngó theo sức mạnh, không có một chút gì gọi là đạo đức là luân lí cả”. Chính vì vậy mà tham quan lộng hành và nhân dân chìm trong những đêm dài nô lệ. Trước thực trạng đó, ông thẳng thắn kêu gọi mọi người đứng lên thay đổi đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa thông qua việc xây dựng đoàn thể.

Như vậy, qua đoạn trích “Về luân lí xã hội của nước ta”, chúng ta có thể thấy được tấm lòng yêu nước mãnh liệt cũng như tầm nhìn cách mạng mới mẻ, tiến bộ của Phan Châu Trinh. Bằng hệ thống lập luận chặt chẽ, lôgic, ông đã đem đến một luồng gió mới và những đóng góp tích cực cho phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX.

Trên đây là nội dung bài học Tấm lòng và tầm nhìn của Phan Châu Trinh qua đoạn trích Về luân lí xã hội ở nước ta, bên cạnh đó các em có thể tham khảo thêm: Soạn bài Về luân lí xã hội ở nước ta (Phan Châu Trinh), soạn văn lớp 11, Phân tích bài Về luân lí xã hội ở nước ta, Cảm nhận khi đọc về Luân lí xã hội ở nước ta, Phân tích bài Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác.

 

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button