Giáo dục

Tác giả Trần Cư là ai? Tìm hiểu tiểu sử tác giả Trần Cư chi tiết

Tìm hiểu tác giả Trần Cư

Mời các em cùng tìm hiểu về tác giả Trần Cư. Thông qua bài viết, các em sẽ hiểu rõ hơn về tiểu sử tác giả Trần Cư – Người sáng tác tùy bút Trưa Tha Hương trong chương trình Ngữ Văn lớp 7.

Tìm hiểu tác giả Trần Cư trong sách giáo khoa

– Trần Cư tên thật là Trần Ngọc Cư, sinh ngày 3-4-1918 tại Huê Lăng – Thủy Nguyên – Hải Phòng, sinh ra trong một gia đình đông con. Để ông có thể được học hành đàng hoàng cha mẹ đã rất vất vả, cố gắng

– Với bao nỗ lực của bản thân và gia đình, Trần Cư lấy được tấm bằng tú tài triết học phần một (năm 1938). Không muốn là gánh nặng thêm cho người thân, ông quyết định thi vào ngành bưu điện Đông Dương, đi làm lấy tiền phụ giúp gia đình, đồng thời học nốt phần hai. Sau đó ông tập trung viết báo.

– Được bạn bè mách bảo, Trần Cư tìm đến với báo chí. Vào năm 1941, lần đầu tiên trong đời ông có bài đăng trên tờ Tin mới văn chương

– Tiểu thuyết thứ bảy là tờ báo Trần Cư cộng tác lâu dài nhất. Trên tờ báo này, ông chủ yếu đăng các tác phẩm văn học như truyện ngắn, ký, tùy bút. Nhiều người cùng thời giờ vẫn còn nhớ những tác phẩm khá chắc tay của ông như Trưa tha hương (17-7-1943), Trên lái thần (12-1944)…

Tiểu sử tác giả Trần Cư tổng hợp từ các trang báo uy tín

Trần Cư tên thật là Trần Ngọc Cư, sinh ngày 3-4-1918 tại Huê Lăng – Thủy Nguyên – Hải Phòng, nhưng quê gốc lại là làng Bát Tràng (Gia Lâm- Hà Nội). Ông có cả thảy 7 anh chị em nhưng 3 người trong số đó mất sớm. Trần Cư là anh cả, và cũng là người được ăn học đến nơi đến chốn nhất.

Sau khi tốt nghiệp tiểu học CEPFI, Trần Cư thi đậu bằng Thành chung. Trải qua 4 năm ăn học vất vả, Trần Cư tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học và thi trúng tuyển vào trường Bảo hộ học bậc tú tài trường Bưởi. Để có tiền cho con ăn học, bố ông đã phải ra Cái Lân – Hòn Gai làm thuê. Căn nhà mặt phố Cầu Đất – Hải Phòng đem cho thuê, mẹ và các em ông phải đi ở nhờ nhà họ hàng.

Với bao nỗ lực của bản thân và gia đình, Trần Cư lấy được tấm bằng tú tài triết học phần một (năm 1938). Không muốn là gánh nặng thêm cho người thân, ông quyết định thi vào ngành bưu điện Đông Dương, đi làm lấy tiền phụ giúp gia đình, đồng thời học nốt phần hai.

Năm 1941, Trần Cư mới hoàn thành chương trình tú tài toàn phần tại Phnôm Pênh. Sống xa gia đình, bạn bè, cuộc đời của viên thư ký bưu điện ở Kom-phom-chan (Campuchia) thật tẻ nhạt. Ông quyết định xin thôi việc trở về nước, xin dạy môn văn cho trường tư thục Lê Lợi (Hải Phòng).

Được bạn bè mách bảo, Trần Cư tìm đến với báo chí. Vào năm 1941, lần đầu tiên trong đời ông có bài đăng trên tờ Tin mới văn chương (do ông Nguyễn Văn Luyện làm Giám đốc, Nguyễn Tấn Gi Trọng làm chủ nhiệm, số 1 ra ngày 29-6-1940, số cuối là số 64 tháng 12-1941, tòa soạn đặt tại số 5-7 phố Giuyliêng Blăng, Hà Nội).

Những bài viết của ông lúc này chủ yếu mang màu sắc văn chương, đôi khi, chúng có những nét nhang nhác của Tự lực văn đoàn. Bạn đọc bắt đầu thích những tác phẩm chứa đầy cảm xúc với tất cả những nét góc cạnh, gồ ghề từa tựa cuộc sống của Trần Cư.

Chúng như con người thực của ông vậy, không chau chuốt, tròn trịa đến mức giả tạo, nhưng cũng không quá ngây ngô, nhẹ dạ, cả tin. Và rồi, những tác phẩm mang đầy phong vị Trần Cư đã thu hút tâm trí người đứng đầu tờ báo nổi tiếng thời bấy giờ, Tiểu thuyết thứ bảy (Số 1 ngày 2-6-1934, số cuối tháng 8-1945, chủ nhiệm là Nguyễn Thị Hợi, sau là Vũ Đình Long, toà soạn 93 phố Hàng Bông – Hà Nội).

Nhận được giấy mời của chủ báo, Trần Cư không tin vào mắt mình. Suốt đêm đó ông không ngủ được. Trần Cư vui nhưng không mừng. Vui vì bao công sức, mồ hôi mình đổ ra giờ đã được người đời biết đến. Nhưng ông như chợt thấy trong lòng trống rỗng, bởi chẳng lẽ đời người chỉ gói gọn ở cái thú văn chương phù phiếm thôi sao. Những thứ này có kéo ông và đồng bào của ông ra khỏi vũng bùn nô lệ đâu.

Có thể nói, trước Cách mạng Tháng 8-1945, Tiểu thuyết thứ bảy là tờ báo Trần Cư cộng tác lâu dài nhất. Trên tờ báo này, ông chủ yếu đăng các tác phẩm văn học như truyện ngắn, ký, tùy bút. Nhiều người cùng thời giờ vẫn còn nhớ những tác phẩm khá chắc tay của ông như Trưa tha hương (17-7-1943), Trên lái thần (12-1944)…

Nói chung, âm hưởng sáng tác của Trần Cư thời kỳ này có nhiều nét buồn, như tâm trạng chung của cả thế hệ nhà văn mất nước khi đó. Cũng may, quãng thời gian u ám này không kéo dài lâu. Mặt trời cách mạng đã mọc, quét sạch mọi lầm than, khổ đau, đưa Trần Cư và những người như ông đến với cuộc sống mới, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng thực sự có ý nghĩa đối với những ai muốn làm người.

Áo lính phơi sương mướt dặm dài

Không chỉ sáng tác văn chương, trong năm đầu độc lập (1945-1946), Trần Cư còn viết phóng sự, xã luận, ghi chép, đưa tin về nhiều mảng của đời sống xã hội, từ phong trào diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm, đến việc phản ánh không khí cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Ông thường xuyên có bài trên báo Dân chủ (Việt Minh duyên hải Hải Phòng), tạp chí Tiền phong ( Hội văn hóa cứu quốc)…

Nhưng rồi, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, người Pháp lăm le quay lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, Trần Cư tham gia công tác tổ chức cho hàng nghìn gia đình từ Hải Phòng vượt đường số 5 sang Bắc Ninh. Khi chiến sự diễn ra ác liệt, ông lại cùng họ chạy sang Thái Nguyên. Đây cũng là lúc ông trở thành phóng viên báo ánh Sáng (Cơ quan ngôn luận của Khu bộ Việt Minh khu 1 Việt Bắc).

Có những bài viết trên báo ánh Sáng của ông bộc lộ rất rõ chất thơ, được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Cũng trên báo ánh Sáng, Trần Cư viết rất nhiều bài báo bằng hình thức vè, thơ lục bát quen thuộc trong dân gian, nhằm phổ cập những kinh nghiệm đấu tranh, cách thức sử dụng súng cướp được của địch, phương pháp giữ bí mật cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bước sang năm 1948, lực lượng kháng chiến bắt đầu lấy lại được thế chủ động trên chiến trường. Để việc thông tin được nhanh nhạy, kịp thời, đồng thời phổ biến được sâu rộng kinh nghiệm tác chiến trong dân quân và bộ đội địa phương, Bộ tổng chỉ huy quyết định xuất bản báo Quân du kích. Số đầu tiên của báo ra ngày 1-4-1948, tòa soạn đặt tại xóm Dịn, xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Chủ nhiệm báo là Đào Phan (Đào Duy Dếnh), Trần Cư phụ trách nội dung với vai trò Chủ bút kiêm Thư ký tòa soạn. Ngoài 2 người trên, Ban Biên tập còn có Ngô Linh Ngọc, Hà Xuân Lợi, Hoàng Văn, Hoài Tín, Ngọc Bằng, Ngô Hoài, Lê Bách, Hoàng Phương, Bội Hoàn. Trình bày báo có Mai Sơn, Nguyễn Bích, Vũ Lai…

Ngay từ đầu, Trần Cư và các đồng chí của mình xác định rõ tôn chỉ, mục đích cho báo: “Nêu cao thành tích về mọi ngành, phổ biến kinh nghiệm về mọi mặt, vạch rõ chủ trương và công tác thống nhất, đảm bảo sự thực hiện chiến thuật du kích”. Báo thường ra mỗi tháng một kỳ, nhưng cũng có khi, tùy theo tình hình chiến sự báo ra 2 tháng một kỳ. Số lượng phát hành trên dưới 1 vạn bản, in 12 trang, khổ 26×32 cm.

Quân du kích rất được Bác Hồ quan tâm, chăm sóc. Tháng 7-1949, Bác đã gửi thư động viên, khích lệ đội ngũ biên tập viên, phóng viên và giao nhiệm vụ cụ thể cho báo:

“Làm cho: Mỗi quốc dân là một chiến sỹ. Mỗi làng xóm là một pháo đài.

Làm cho: Quân đội giặc đi đến đâu cũng bị khuấy, bị phá, bị diệt. Bộ đội ta đi đến đâu cũng được giúp đỡ đầy đủ về vật chất và tinh thần”.

Phụ trách phần nội dung của báo Quân du kích, Trần Cư luôn chú ý đến việc cải tiến tờ báo sao cho phục vụ được nhiều loại đối tượng. Ông rất chịu khó đi về các đơn vị, xuống các bản làng để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bạn đọc.

Từ thực tế chiến tranh và nhu cầu của họ, ông về bàn với anh em tổ chức xây dựng các mục có sức sống mạnh mẽ như Gương chiến đấu giỏi, Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ, tiền thân của các mục chuyên viết về gương người tốt việc tốt sau này. Để tạo sức hút cho trang Văn nghệ, Trần Cư cất công đặt bài của các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyên Hồng, Nam Cao…

Các mảng thơ, nhạc, họa thường xuyên xuất hiện trên trang này, tạo được dấu ấn và sự thiện cảm của bạn đọc. Không chỉ luôn tìm tòi cải tiến nội dung, ông còn rất chăm chút đến hình thức tờ báo. Biểu trưng (Logo) nổi tiếng của báo chính là ý tưởng của Trần Cư, do họa sỹ Mai Sơn thực hiện.

Hình ảnh anh du kích quấn khăn đầu rìu, mặt vuông cương nghị, cởi trần, ngực nở, bắp tay cuồn cuộn, cầm ngang một thanh mã tấu hiên ngang, quần xắn qua gối, chân đất, sau lưng là ngọn lửa lớn đang bùng cháy đã để lại ấn tượng không bao giờ quên trong lòng bạn đọc.

Nhiều bài viết của ông sau này đã được nhà xuất bản Quân du kích tuyển chọn in trong cuốn “Sức mạnh dân quân”. Có bài phóng sự của ông trở thành mẫu mực về tính chân thực, về khả năng lựa chọn chi tiết, khai thác con số điển hình cũng như thể hiện cái tôi nhân văn luôn chan chứa của tác giả.

Từ cuối năm 1950, tình hình chiến tranh có nhiều thay đổi có lợi cho ta. Để phục vụ cho việc xây dựng lực lượng vũ trang, hai tờ báo Vệ quốc quân (cơ quan ngôn luận của bộ đội chính quy) sáp nhập với Quân du kích thành tờ Quân đội nhân dân.

Báo Quân đội nhân dân chia làm hai bộ phận: Báo ở hậu phương lo những vấn đề chung của quân đội, báo ở tiền phương (do Trần Cư làm Thư ký tòa soạn) bám sát chiến trường, thậm chí có lúc phải trực tiếp chiến đấu như những người lính thực thụ, nhiều bài báo của Trần Cư đã đi sâu vào tiềm thức người lính.

Nhưng đáng nhớ nhất đối với ông, trong thời kỳ này có lẽ là bài báo “Đêm nay Bác không ngủ” viết chung với Phạm Phú Bằng, in trên báo QĐND số 135 ngày 24-3-1954: “Bác ngồi đó mà lòng Bác làm rạo rực lòng ta, quyết tâm sắt đá của Bác đã biến thành sức mạnh của hàng vạn cánh tay chúng ta, đang nắm chặt vũ khí, chờ diệt quân thù…

Bác luôn là ngôi sao sáng dẫn đường, là niềm tin thắp lên lòng dũng cảm, là sức sống mãnh liệt tiềm ẩn lung linh… Đôi mắt người cha bỗng ứa ra hai dòng nước mắt, từ từ chảy trên hai gò má, rồi rơi xuống tấm bản đồ… Bác nâng tay lên, thong thả và quả quyết cầm bút gạch chéo trên đồn giặc… Thưa các đồng chí, đêm nay Bác không ngủ…

Bác đang dõi theo lá cờ quyết chiến quyết thắng đỏ rừng rực băng qua tiền tuyến, vượt qua đột phá khẩu, lướt vào trung tâm và phần phật oai nghiêm bay trên nóc lô cốt giặc. Bác cười vui sướng! Bác hôn tất cả chúng ta, mỗi người một cái”. Bài viết mau chóng trở nên nổi tiếng, được nhiều chiến sỹ chép vào sổ tay. Tuy ngắn gọn nhưng bài báo đã lột tả sâu sắc hình ảnh vị lãnh tụ giản dị, nhân từ, cả đời vì nước vì dân.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Cư viết khá nhiều. Bài nào của ông cũng có tầm khái quát cao, cụ thể và chân thực. Tiêu biểu trong số này là Sức mạnh vĩ đại của nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quyết trả thù cho Nguyễn Quốc Ân, Những gương dũng cảm quyết tâm diệt địch, Hướng về miền Nam ruột thịt, Điện Biên phủ một trại lính quái gở, Thò thằng nào thịt thằng ấy, ở Mường Thanh địch ra hàng như nước chảy…

Loạt bài của Trần Cư được Bác Hồ hết sức khen ngợi. Mỗi khi có báo từ chiến trường về, Bác đều hỏi Sơn Tùng (thư ký của Bác) có bài của Trần Cư không. Đây là vinh dự lớn và không phải nhà báo nào cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt đó.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trần Cư theo báo QĐND chuyển về Hà Nội, làm Thư ký tòa soạn. Từ tháng 9-1955, sau chuyến đi Trung Quốc về, ông chuyển sang làm Trưởng phòng Bạn đọc kiêm thêm phòng Văn hóa văn nghệ.

Thấy Trần Cư có “máu” văn nghệ, năm 1965, đồng chí Tổng Biên tập Nhà xuất bản QĐND mời ông về phụ trách phòng Văn nghệ của nhà xuất bản. ở cương vị mới, ông làm tốt chức trách của mình, được đồng đội và đồng nghiệp hết sức kính trọng, nể phục.

Ông tiếp tục chứng tỏ là người có nhiều sáng kiến, đã đứng ra tổ chức, biên soạn nhiều cuốn sách có giá trị, đặc biệt là loại sách Người tốt việc tốt. Không dừng lại ở đó, ông liên tục viết bài cho nhiều tờ báo khác nhau như tạp chí Văn học, Văn nghệ quân đội…

Sau này, khi nghỉ hưu, ông còn mở rộng phạm vi hoạt động hơn, trở thành cộng tác viên quen thuộc của các báo… Cùng với Hội cựu chiến binh, ông góp sức mình tham gia thành lập Thư viện Quân đội.

******

Trên đây là nội dung bài viết giúp các em tìm hiểu rõ hơn về tiểu sử tác giả Trần Cư. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tốt môn Ngữ Văn. Thầy cô chúc các em học tập thật tốt và đạt kết quả cao nhé.

Đăng bởi thầy cô trường THPT Ngô Thì Nhậm trong chuyên mục Giáo dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button