Giáo dụcLớp 9

Suy nghĩ về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

Đề bài: Suy nghĩ về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

suy nghi ve nhan vat vu nuong trong chuyen nguoi con gai nam xuong

3 bài văn mẫu Suy nghĩ về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

Xem thêm: Đóng vai Vũ Nương kể lại chuyện người con gái Nam Xương

1. Suy nghĩ về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, mẫu 1:

Cuộc đời của Vũ Nương thật là ngắn ngủi, nhưng nàng đã làm tròn bổn phận của người phụ nữ. Biết giữ gìn khuôn phép, vì vậy cuộc sống gia đình trong ấm ngoài êm. Trương Sinh đi lính, nàng phải gánh bao vất vả. phải sinh nở và nuôi con một mình chăm sóc mẹ già khi ốm đau, khi mẹ mất lo toan như cho mẹ mình. Nàng đã làm tròn bổn phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ.

Vũ Nương cũng giống như bao nhiêu người chinh phụ khác, lúc nào nàng cũng ước mong người chồng trở về đoàn tụ. Khát vọng hạnh phúc ấy thật là bình thường giản dị. Người chinh phụ trong tác phẩm Chinh phụ ngâm luôn khao khát chồng đi lính sẽ được phong tước, phong hầu, để rồi một ngày kia “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Còn Vũ Nương chẳng ham công danh, võng lọng chỉ xin ngày về mang theo hai chữ “bình yên”. Vũ Nương xem trọng hạnh phúc gia đình, xem đó là tất cả của cuộc đời mình.

Trương Sinh trở về, ước mong của Vũ Nương sắp trở thành hiện thực nhưng không ngờ lại có một cuộc chia li vĩnh viễn. Trương Sinh bế con, nó không theo, chàng dỗ con. Không ngờ thằng bé ngây thơ lại nói: Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Cha tôi chỉ nín thin thít… Trương Sinh gặng hỏi con, thì đã được bé Đản nói rõ ràng: Cha nó đêm nào cũng đến, mẹ nó đi cha nó cũng đi theo, vốn tính cả ghen, Trương Sinh cho rằng có người đàn ông thứ hai xen vào gia đình mình.

Nghi ngờ này sẽ được giải tỏa nếu Trương Sinh cho biết câu nói của con. Trương Sinh không làm như vậy. Cái thói ghen tuông thô lỗ ăn sâu vào tâm trí, khiến cho Trương Sinh mất lí trí, thiếu tỉnh táo đã mắng nhiếc Vũ Nương thậm tệ rồi đánh đuổi nàng đi. Trương Sinh bất châp những lời thanh minh, van xin tha của Vũ Nương, khiến nàng chỉ còn một con đường lấy cái chết để giãi bày lòng mình.

Từ đây ta nhận thấy nguyên nhân cái chết của Vũ Nương còn do: chiến tranh li tán, vợ phải xa chồng tạo nên mối ngờ vực, xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ.

Cái chết của Vũ Nương đã chứng minh rằng: Hạnh phúc lứa đôi chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở của tình yêu thương chân chính, có sự cảm thông và sẻ chia.

————————HẾT BÀI 1————————

Bên cạnh Suy nghĩ về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương các em cần tìm hiểu thêm những nội dung khác như Phân tích vẻ đẹp và số phận bi kịch của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương hay phần Phân tích nhân vật Vũ Nương và nói lên cảm nghĩ của em nhằm củng cố kiến thức của mình.

2. Suy nghĩ về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, mẫu 2:

Từ xa xưa đến nay, người phụ nữ Việt Nam luôn được tôn vinh bởi những nét đẹp truyền thống như sự hi sinh thầm lặng, thùy mị nết na hay sự gan dạ, dũng cảm, kiên cường bất khuất. Có rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam lấy đề tài về những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ. Trong đó có Nguyễn Dữ, gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỉ XVI, ông đã đặt niềm thương tiếc đặc biệt cho thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”.

Nguyễn Dữ là con trai cả Tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu, thầy học là Nguyễn Bỉnh Khiêm, và bạn học là Phùng Khắc Khoan. “Chuyện người con gái Nam Xương” là truyện thứ 16 trong tổng số 20 truyện của tác phẩm “Truyền kì mạn lục”. Truyện được coi là một cuốn “thiên cổ kì bút” về cuộc đời của người phụ nữ trong sự hà khắc của xã hội cũ cũng như tiếc thương cho số phận của họ, tiếc thương cho sự bất lực của họ khi không được nói lên tiếng lòng của mình. Nhân vật Vũ Nương là linh hồn của cả tác phẩm, nàng hội tụ đầy đủ những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đó là thủy chung với chồng, hiếu thảo với mẹ chồng và là người mẹ mẫu mực.

Thứ nhất, Vũ Nương là người phụ nữ thủy chung son sắc, một lòng chờ chồng khi chồng tòng quân đánh giặc. Khi chưa gả cho Trương Sinh, Vũ Nương vốn đã là người phụ nữ “người đã thùy mị nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp” được nhiều chàng trai thầm thương trộm nhớ. Khi vừa đôi chín, nàng được Trương Sinh đem “trăm lạng vàng cưới về”. Chỉ một chi tiết nhỏ cũng thấy được những hủ tục ngày xưa đã trói buộc người phụ nữ đến mức nào. Vũ Nương hoàn toàn không được quyết định hạnh phúc trăm năm của mình. Điểm mốc quan trọng nhất đời nàng được quyết định bằng trăm lượng vàng và sự thỏa thuận của gia đình hai bên. Chi tiết này chẳng khác nào Vũ Nương được bán đi với giá trăm lượng. Sau khi được gả cho Trương Sinh, nàng biết tính chồng hay ghen nên luôn “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”, nàng luôn là dâu hiền vợ thảo, chăm lo toàn vẹn cho gia đình nhà chồng, chưa để ai phải chê trách bất cứ điều gì.

Với tính đa nghi của Trương Sinh, cuộc sống vợ chồng của nàng không hề bất hòa là do sự gìn giữ của Vũ Nương, nàng luôn đặt chồng và mẹ chồng ở vị trí quan trọng, đem sự chân thành và thực lòng yêu thương họ. Điều này thể hiện rất rõ ràng trong lời tiễn biệt của nàng khi chồng chuẩn bị ra chiến trường, nàng không mong vinh hoa phú quý, “chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Rõ ràng, nàng không phải là người phụ nữ tham tiền tài cũng chẳng màng công danh, tất cả những gì nàng mong muốn cũng giống như bao chinh phụ khác đó là mong sự bình an trở về của người chồng. Không chỉ vậy, nàng cảm thông cho những khó khăn, vất vả mà chồng phải gánh ở nơi chiến trường, lo lắng cũng như muốn san sẻ những khó khăn ấy. Ngày xa chồng, nàng “ngước mắt trông lên đã đẫm nỗi buồn ly biệt”. Trong thời gian chờ chồng, nàng luôn “giữ gìn một tiết, tô son điểm phấn, từng đã nguội lòng, ngõ liễu đường hoa chưa hề bén gót”. Cách biệt ba năm, nỗi nhớ chồng của nàng theo năm tháng đầy vơi, “nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”. Dưới ngòi bút trân trọng của Nguyễn Dữ, Vũ Nương được phác họa là người phụ nữ dịu dàng nết na, nhất mực yêu thương và chờ đợi chồng cũng như khéo léo, tận tụy, luôn giữ gìn, vun vén cho hạnh phúc gia đình. Nguyễn Dữ vừa cảm thông cho nỗi nhớ chồng của người chinh phụ vừa ca ngợi tôn vinh những phẩm chất đáng quý của nàng.

Thứ hai, Vũ Nương là người phụ nữ hiếu thảo, hiếu nghĩa trong quan hệ với mẹ chồng. Khi Trương Sinh ra chiến trường, nàng thay chồng phụng dưỡng mẹ nhưng vì nhớ con mà bà mẹ sinh bệnh, nàng “hết sức thuốc thang, lễ Phật cầu thần, cúng ma gọi vía và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Khi mẹ chồng nàng qua đời, ma chay tế lễ nàng đều chu tất. Lời cuối của người mẹ chồng chính là minh chứng cho sự tận tụy, hiếu thảo của nàng “Sau này trời giúp người lành, ban cho phúc trạch, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, mong ông xanh kia chẳng phụ con cũng như con đã chẳng nỡ phụ mẹ.” Những lời ca ngợi đẹp đẽ nhất ấy được nói ra từ người mẹ chồng lại khiến nó trở nên đáng quý hơn bao giờ hết. Nguyễn Dữ đã khắc họa nhân vật Vũ Nương với đầy đủ những phẩm chất đáng quý nhất, hiếu thảo hiếu nghĩa, hết lòng với mẹ chồng như cha mẹ đẻ.

Thứ ba, với con Vũ Nương luôn là người mẹ mẫu mực. Khi chồng đi xa, nàng một mình vượt cạn sinh ra bé Đản. Một mình gánh vác nhà chồng nhưng nàng chưa bao giờ chểnh mảng việc chăm nuôi con khôn lớn. Chi tiết mỗi tối nàng chỉ lên bóng mình và nói rằng cha Đản về cũng cho thấy rằng nàng luôn sợ con thiếu vắng tình cha nên luôn cố gắng bù đắp cho con. Dù phải dằn vặt với nỗi nhớ chồng cũng như chăm lo cho người mẹ chồng bị ốm nhưng Vũ Nương vẫn luôn nuôi dạy bé Đản khôn lớn với tình yêu thương vô bờ của người mẹ.

Người phụ nữ vẹn toàn hiếu đức ấy đáng lẽ ra xứng đáng một cuộc sống hạnh phúc suốt đời nhưng nàng lại phải chịu sự đa nghi của chồng mà gieo mình ở bến Hoàng Giang. Những lời của nàng trước khi chết là sự quyết liệt cuối cùng để chứng minh sự trong sạch “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu chồng con rẫy bỏ,điều đâu bay buộc tiếng chịu nhuốc nhơ,thần sông có linh xin ngài chứng giám,thiếp nếu đoan trang giữ tiết,trinh bạch gìn lòng,xuống nước xin làm ngọc Mỵ Nương,vào đất xin làm cỏ Ngu Mĩ…”. Bằng lời văn thống thiết, nhịp điệu dồn dập, cái chết của Vũ Nương đã tố cáo trước hết là tư tưởng nam trưởng phong kiến cổ hủ, độc đoán đối với người phụ nữ đã biến những người chồng như Trương Sinh trở thành những tên ác quỷ của gia đình, sau đó lên án chiến tranh phi nghĩa đã làm để những người vợ trở thành chinh phụ mòn mỏi chờ chồng.

Tóm lại, bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật sắc sảo cùng với việc sử dụng các yếu tố kì ảo, Nguyễn Dữ là thành công xây dựng nhân vật Vũ Nương hội tụ đầy đủ các phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam. Qua bao nhiêu năm tháng cũng như bao tác phẩm văn học ra đời thì nhân vật Vũ Nương vẫn là một tấm gương sáng về sự hi sinh, tận tụy, hiếu nghĩa, chung thủy. Cũng qua nhân vật này, tác giả còn gián tiếp phê phán tư tưởng nam quyền trong xã hội phong kiến đồng thời phê phán những định kiến cổ hủ đặt nặng lên đôi vai người phụ nữ thời bấy giờ.

Trong hành trình dài của văn học Việt Nam, có rất nhiều tác phẩm mang tên gọi truyền kì hoặc có yếu tố truyền kì nhưng chỉ có “Chuyện người con gái Nam Xương” mới xứng đáng với danh “thiên cổ kỳ bút”. Nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” là biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam để ngàn đời sau noi theo.

3. Suy nghĩ về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, mẫu 3:

Hạnh phúc của mình. Nàng tuy là một con người có suy nghĩ, tính cách của riêng mình nhưng chuyện cưới hỏi, chuyện hạnh phúc trăm năm nàng lại phải nghe lời cha mẹ hai bên. Nàng được hỏi cưới với giá một trăm lạng vàng chẳng khác nào được bán với một trăm lạng vàng.

Từ ngày về làm dâu, làm vợ Trương Sinh, Vũ Nương luôn hiếu thuận với mẹ chồng, là người vợ hiền dâu thảo, không để gia đình chồng chê trách điều gì. Nàng luôn chu đáo lo toan trong ngoài. Từ xưa tới nay những người con dâu như nàng thật hiếm thấy. Nàng và Trương Sinh cũng tâm đầu ý hợp không bao giờ xảy ra to tiếng, cãi vã bất hòa bởi Vũ Nương luôn coi lời chồng và mẹ chồng là quan trọng nhất. Với đức tính ngoan hiền, dịu dàng, thùy mị nết na của mình Vũ Nương luôn giữ gìn gia đình của mình hạnh phúc ấm êm.

Những hạnh phúc ngắn ngủi, Trương Sinh phải gia nhập quân ngũ đi đánh giặc ngoài chiến trường, khi mà Vũ Nương vừa luôn giữ tròn đạo vợ hiền, dâu thảo, nàng chăm sóc mẹ chồng, giữ gìn đức hạnh mới mang thai. Dù xa chồng nhưng Vũ Nương chờ chồng, thủy chung trước sau như một. Không một chút tà tâm, hay có lòng dạ không chung thủy, yếu lòng với ai đó. Nhưng chẳng bao lâu khi Trương Sinh đi xa, mẹ chồng của nàng ốm bệnh, dù đã cốgắng chạy chữa thuốc thang nhưng bà không qua khỏi mà mất đi, bỏ lại Vũ Nương một mình với đứa con nhỏ.

Hai mẹ con nuôi nhau sống qua ngày, chờ ngày Trương Sinh trở về. Nhiều đêm buồn nhớ chồng Vũ Nương thường chỉ bóng mình trên tường nói với con trai đó chính là ba con đó. Thằng bé ngây thơ tưởng thật. Nó đâu biết rằng đó chỉ là cái bóng của mẹ nó mà thôi. Chiến tranh kết thúc ngày Trương Sinh trở về nhà, Vũ Nương vui mừng khôn xiết, những tưởng năm tháng chờ chồng nuôi con một mình đã được báo đáp. Nhưng sóng gió đã ập đến với nàng một cách không ngờ. Khi về tới nhà nghe tin mẹ mất Trương Sinh đau xót vô cùng, anh chàng liền bế con trai của mình đi ra mộ mẹ thắp hương cho mẹ yên lòng. Nhưng thằng bé cứ khóc mãi không chịu nín nó nhất định không chịu nhận Trương Sinh là cha. Nó bảo Cha nó tối nào cũng tới.

Trương Sinh nóng tính, hay ghen, lại quá đa nghi nên vội vã tin lời con trẻ, không cho vợ được giải thích mà đùng đùng nổi giận đuổi vợ ra khỏi nhà. Quá đau đớn vì không thể thanh minh sự trong sạch của mình nên Vũ Nương đã nhảy xuống sông Nhị Hà tự vẫn. Trước nỗi oan khuất quá lớn Vũ Nương không thể nào sống tiếp trên cõi đời này được nữa. Người con gái tên Vũ Nương đó đã phải chết trong oan khuất, tủi hờn như vậy. Nhưng do phẩm giá cao quý và đức hạnh của nàng đã làm trời đất cảm động.

Cuối cùng thì nàng cũng được giải oan, khi mà Trương Sinh trong một đêm không ngủ ngồi soi bóng mình trên tường thì con trai anh nhìn thấy nó vui mừng nói lớn “Cha con đó”. Trương Sinh biết mình đã nghi oan cho vợ nhưng hối hận thì đã muộn màng. Còn Vũ Nương sau khi chết được cứu giúp rồi được lập đàn siêu thoát bay về trời làm tiên nữa, thoát kiếp con người khổ đau bất hạnh. Chuyện người con gái Nam Xương nhằm tố cáo tội ác của chế độ phong kiến, người đàn ông luôn cậy quyền lực mà đàn áp người phụ nữ khiến cho nhiều người phụ nữ phải chịu thiệt thòi, oan khuất.

Nhân vật Vũ Nương là người con gái hiền dịu nết na, là tấm gương cho nhiều nhiều phụ nữ noi theo. Cô là người đức hạnh, hiền thục rất tiếc rằng cuộc đời lại không cho cô gặp được một người chồng tốt, không cho cô được quyết định hạnh phúc của đời mình.

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button