Giáo dụcLớp 12

Suy nghĩ về hình ảnh đôi tay Tnú trong Rừng xà nu

Đề bài: Suy nghĩ về hình ảnh đôi tay Tnú trong Rừng xà nu

suy nghi ve hinh anh doi tay tnu trong rung xa nu

Suy nghĩ về hình ảnh đôi tay Tnú trong Rừng xà nu

Bạn đang xem: Suy nghĩ về hình ảnh đôi tay Tnú trong Rừng xà nu

 

I. Dàn ý Suy nghĩ về hình ảnh đôi tay Tnú trong Rừng xà nu

1. Mở bài

– Sơ lược về tác giả và phong cách sáng tác.
– Nguyễn Trung Thành đã rất thành công với nghệ thuật điển hình hóa nhân vật, đặc biệt là Tnú với hình ảnh bàn tay mười ngón bị đốt cụt mỗi ngón một đốt, mà nó có thể được coi là trung tâm của mọi vẻ đẹp của nhân vật này.

2. Thân bài

a. Đôi bàn tay của sự yêu thương sâu thẳm:

– Tnú với đôi bàn tay trắng nhảy vào giữa lòng giặc quyết tâm sống chết cùng với mẹ con Mai.
– Đôi tay rắn chắc như lim của một người đàn ông với trách nhiệm bảo vệ gia đình.

b. Đôi bàn tay của sự đau thương mất mát và sự kiên cường mạnh mẽ:

– Giặc đốt đôi bàn tay của Tnú nhưng anh không hề kêu rên một tiếng nào, trong mắt anh là sự kiên cường, thủy chung với cách mạng, không chịu khuất phục trước những trò bẩn thỉu của bọn giặc hung tàn.
– Đôi tay của Tnú cũng là đại diện tố cáo tội ác của quân giặc, là hình ảnh đau thương ám ảnh của nhân dân ta trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

c. Đôi bàn tay của người anh hùng tàn nhưng không phế, của lý tưởng cách mạng, đôi bàn tay của ký ức không bao giờ quên.

– Gợi nhắc Tnú những mối hận nước thù nhà sâu sắc làm sáng rõ thêm lý tưởng sống và chiến đấu để trả thù.
– Bi kịch cuộc đời, đã khiến Tnú càng thêm mạnh mẽ, gan lì trong chiến đấu, giờ đây anh chẳng cần vũ khí, chỉ một đôi bàn tay không lành lặn cũng có thể giết chết quân thù.

3. Kết bài

– Tổng kết và cảm nhận cá nhân.

 

II. Bài văn mẫu Suy nghĩ về hình ảnh đôi tay Tnú trong Rừng xà nu

Nguyễn Trung Thành (1932), còn có bút danh khác là Nguyên Ngọc, ông là nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từng có một khoảng thời gian dài tình nguyện lăn xả vào chiến trường Tây Nguyên trong những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ trở nên ác liệt nhất, để đồng cam cộng khổ cùng với bộ đội và nhân dân, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống vì Cách mạng. Thế nên với ông mảnh đất Tây Nguyên và con người nơi đây để lại trong tâm hồn ông nhiều kỷ niệm sâu sắc, cùng với vốn trải nghiệm chân thực của một nhà văn, một người lính bước ra từ chiến trường đầy máu và lửa, Nguyễn Trung Thành đã tạo ra một loạt các tác phẩm để đời xuất sắc như Đất nước đứng lên, Đường chúng ta đi, trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc,… Và có lẽ xuất sắc và tiêu biểu nhất trong số đó là tác phẩm Rừng xà nu với hình tượng người anh hùng Tnú, mang vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là đại diện cho những con người Tây Nguyên kiên cường, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tàn khốc. Nguyễn Trung Thành đã rất thành công với nghệ thuật điển hình hóa nhân vật, đặc biệt là Tnú với hình ảnh bàn tay mười ngón bị đốt cụt mỗi ngón một đốt, mà nó có thể được coi là trung tâm của mọi vẻ đẹp của nhân vật này.

Nguyễn Trung Thành đã dùng nghệ thuật quay cận cảnh để miêu tả cái bi kịch của Tnú và chính cái bi kịch ấy đã làm nên người anh hùng của làng Xô Man. Khi nghe tin dân làng Xô-man chuẩn bị đồng khởi, lũ giặc theo sự chỉ dẫn của thằng Dục đã đến lùng sục tìm bắt Tnú, bởi chúng chắc rằng anh là kẻ cẩm đầu, thế nhưng Tnú và thanh niên trong làng đã ra khỏi rừng. Chúng không bắt được anh, bèn bắt vợ con của anh làm mồi nhử và tra tấn vô cùng dã man, trước những đòn hiểm độc của bọn giặc với vợ con, Tnú đã không thể nhẫn nhịn thêm nữa mà nhảy xổ ra giữa sân, rồi dùng đôi bàn tay vững chắc của mình mà ôm lấy mẹ con Mai, thét lên trong đau đớn và giận dữ: “Đồ ăn thịt người, tau đây, Tnú đây!” . Có thể nói rằng đôi cánh tay rộng lớn “như hai cánh lim chắc” của Tnú ôm lấy đôi mẹ con đang hấp hối chính là biểu hiện của tình yêu sâu nặng dành cho gia đình. Bởi trước khi trở thành người anh hùng Tnú còn là một con người bình thường, Tnú không phải sắt đá, anh có một trái tim rất người, biết yêu thương và hờn giận, anh không thể nhìn những người mình yêu thương nhất chết đi trong đau đớn, Tnú không thể chịu đựng được nỗi thống khổ ấy. Thế nên dù “chỉ có hai bàn tay trắng” như lời cụ Mết nói Tnú vẫn sẵn sàng lao vào lũ giặc đang lăm lăm súng ống, sẵn sàng cùng sống, cùng chết với mẹ con Mai, dù rằng anh cũng không thể cứu được họ. Như vậy vẻ đẹp của người anh hùng trước hết là thể hiện ở tình người, tình cảm dành cho gia đình sâu sắc, đó là vẻ đẹp xuất phát từ tư thái của người anh hùng khi đối mặt với nguy hiểm, đó là tấm lòng thủy chung son sắt với người thân, mà tất cả đều tựu lại trong đôi bàn tay đầy yêu thương của Tnú.

Tiếp theo sau tấn bi kịch vợ con chết thảm, bản thân Tnú lại tiếp tục phải hứng chịu một bi kịch khác, anh bị giặc bắt và tra tấn dã man, chúng dùng chính nhựa xà nu để đốt 10 đầu ngón tay của anh “Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc”. Qua góc nhìn cận cảnh của Nguyễn Trung Thành, ông đã gợi lại cái giờ phút bi hùng của Tnú, người ta như thấy từng ngọn lửa bập bùng, cái đau đớn dần kéo tới trên đôi mắt người chiến sĩ cộng sản. Mười ngọn đuốc tay cứ cháy, cháy nữa mà theo như cảm nhận của nhân vật Tnú thì nó không chỉ còn chỉ cháy trên mười đầu ngón tay mà cháy tận vào ruột gan, tận vào trong lòng. Nhưng cái đau khủng khiếp ấy cũng không thể khuất phục được người anh hùng, dù cho “máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi” thì Tnú cũng quyết không nói một lời, “Người Cộng sản không thèm kêu van” dù có chết cũng không hé răng nửa lời. Như vậy hình ảnh đôi bàn tay bị đốt bằng nhựa xà nu chính là minh chứng cho tấm lòng thủy chung son sắt với cách mạng của Tnú, đồng thời cũng thể hiện bản chất kiên cường, mạnh mẽ bất khuất của người anh hùng khi phải đối mặt với hai nỗi đau lớn cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng vẫn hiên ngang sừng sững như cây xà nu của núi rừng Tây Nguyên. Lửa bùng lên trên đôi bàn tay của Tnú cũng là lúc phong trào đồng khởi bắt đầu, những tên giặc đã đốt lửa, gieo tội ác lên tay Tnú thì khi “lửa đã tắt trên mười đầu ngón tay Tnú” cũng là lúc chúng phải đền mạng, phải trả giá cho những tội ác mà chúng đã gây ta. Như vậy lần nữa ta thấy được vẻ đẹp của người anh hùng thông qua đôi bàn tay, đó là đôi bàn tay của sự kiên cường, chung thủy với cách mạng.

Sau những bi kịch lớn của cuộc đời, Tnú chỉ còn lại đôi tay mà mười ngón ngón nào cũng cụt mất một đốt, nó gợi anh nhớ về mối thù nhà sâu sắc, nhắc nhở anh về những gì mà bọn giặc Mỹ đã gây ra cho anh và dân làng Xô Man, khiến lòng căm thù giặc và quyết tâm lên đường chiến đấu của Tnú càng thêm vững chắc, lý tưởng cách mạng của anh càng thêm sáng rõ. Đôi tay ấy cũng là lời tố cáo mạnh mẽ về sự tàn ác của giặc thù đối với nhân dân ta, đất nước ta trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, là bằng chứng tội ác không thể nào xóa nhòa trên thân thể người anh hùng Tnú, góp phần xây dựng hình tượng người anh hùng dân tộc trong chiến tranh, cùng tinh thần chiến đấu mạnh mẽ. Đó là hình tượng người anh hùng dẫu có tàn nhưng không phế, bởi hình ảnh đôi bàn tay thiếu đốt ấy đã trở lại trong một cảnh mà Tnú kể rằng mình đã bóp chết tên chỉ huy đồn bằng chính đôi tay tàn tật. Như vậy chính cái bi kịch cuộc đời, đã khiến Tnú càng thêm mạnh mẽ, gan lì trong chiến đấu, giờ đây anh chẳng cần vũ khí, chỉ một đôi bàn tay không lành lặn, mà kẻ thù cũng phải chịu chết dưới tay. Có thể nói rằng đây là hình ảnh gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ với người đọc mà ở đó hình tượng người anh hùng trở nên phi thường và mang đậm vẻ đẹp của của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Lần nữa, có thể nói đôi bàn tay của Tnú chính là đôi bàn tay của những ký ức không bao giờ quên.

Hình ảnh đôi tay của Tnú trong Rừng xà nu là một hình ảnh, một chi tiết nghệ thuật có nhiều ý nghĩa đặc biệt, biểu trưng cho những vẻ đẹp của người anh hùng Tnú, đó là đôi bàn tay của tình yêu thương con người sâu sắc, bàn tay của tấm lòng kiên cường bất khuất và cũng là bàn tay của những ký ức không bao giờ quên. Đôi bàn tay của Tnú cũng giống như chính chủ nhân của nó vậy đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của người dân Tây Nguyên và cả dân tộc Việt Nam.

———————–HẾT———————–

Rừng xà nu là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Trung Thành viết về con người và tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, ngoan cường của người Tây Nguyên. Bên cạnh bài Suy nghĩ về hình ảnh đôi tay Tnú trong Rừng xà nu, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn đặc sắc khác như: Khuynh hướng sử thi và khuynh hướng lãng mạn trong Rừng xà nu, Phân tích cảm hứng sử thi trong Rừng xà nu, Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu , Cảm nhận về nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu..

Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm

Chuyên mục: Giáo Dục

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button