Giáo dụcLớp 11

Soạn bài Lưu biệt khi xuất dương – Soạn văn 11

Câu 1. Đọc phần tiểu dẫn, chú ý bối cảnh lịch sử đất nước và những ảnh hưởng từ nước ngoài để hiểu bài thơ.

Trả lời:

– Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, đó là vào lúc tình hình chính trị trong nước hết sức rối ren.

+ Chủ quyền đất nước đã hoàn toàn mất vào tay giặc, phong trào vũ trang chống thực dân Pháp theo con đường Cần vương đã thất bại không có cơ hội cứu vãn,

Bạn đang xem: Soạn bài Lưu biệt khi xuất dương – Soạn văn 11

+ Chế độ phong kiến đã cao chung, bao anh hùng, nghĩa sĩ cứu nước đã hi sinh… Tinh hình đó đặt ra trước mắt các nhà yêu nước một câu hỏi lớn, đầy day dứt: phải cứu nước bằng con đường nào?

– Tiếp thu những tư tưởng dân chủ tư sản từ nước ngoài đang tràn vào Việt Nam ngày càng mạnh qua con đường Trung Hoa, Nhật Bản và trực tiếp từ Pháp, từ các nước phương Tây, trong hoàn cảnh con đường cứu nước đang bế tắc, các nhà nho ưu tú của thời đại như Phan Bội Châu đã say sưa với một hướng đi mới bất chấp nguy hiểm, gian lao mong tìm ra ánh bình minh cho Tổ quốc.

Câu 2. Tư duy mới mẻ, táo bạo và khát vọng hành động của nhà chí sĩ cách mạng trong buổi ra đi tìm đường cứu nước được biểu lộ như thế nào?

Trả lời:

– Quan niệm về chí làm trai, tư thế, tầm vóc con người trong vũ trụ: Nam nhi phải lập công danh, làm chuyện đại sự, dám mưu đồ việc lớn.

– Ý thức trách nhiệm cá nhân trước thời cuộc:

+ Quan niệm phong kiến cho rằng tạo hóa sinh ra con người và chi phối số phận con người nên có tư tưởng thoái thác cho số mệnh trời định đoạt.

+ Điểm mới mẻ, táo bạo trong tư tưởng Phan Bội Châu là sự chủ động xoay chuyển thời thế.

– Con người dám đối mặt với vũ trụ tự khẳng định mình, tự vượt lên cái mộng công danh thường gắn liền với hai chữ hiếu, trung.

– Tác giả ôm khát vọng thay đổi xoay chuyển càn khôn, không chịu khuất phục trước số phận, hoàn cảnh.

– Tác giả cho rằng chí làm trai gắn chặt với hoàn cảnh thực tế của nước nhà, vinh nhục gắn với sự tồn vong của dân tộc.

– Ông đối diện với nền học vấn cũ để nhận thức chân lý: sách vở thánh hiền không giúp được trong buổi nước mất nhà tan.

– Nhân vật trữ tình thể hiện được khí phách ngang tàng, táo bạo, quyết liệt của nhà cách mạng đi tiên phong cho thời đại mới.

– Khát vọng lên đường của nhân vật trữ tình hết sức lớn lao: bể Đông, cánh buồm, muôn trùng sóng bạc, con người được chắp thêm cánh vượt qua thực tại tăm tối.

– Hình ảnh đẹp giàu chất sử thi, con người hăm hở tự tin đầy quyết tâm.

Câu 3. Anh (chị) có nhận xét gì về hai câu 6 và 8 của bản dịch thơ so với nguyên tác (đối chiếu với phần dịch nghĩa)?

Trả lời:

* So với nguyên tác, hai câu 6 và 8 dịch có đôi điều khác biệt:

Câu 6:

– Nguyên tác: “Nguyện trục trường phong Đông hải khứ”: Mong muốn đuổi theo ngọn gió dài đi qua biển Đông.

– Câu dịch thơ lại là: “Muốn vượt bể Đông theo cánh gió”: Đạp bằng gian khó để đạt được ước nguyện giải phóng dân tộc. Nhưng câu thơ dịch chỉ chú ý đến “vượt bể Đông” mà không chú trọng đến ý thơ thể hiện được nhà thơ ý thức được gian khó – ý thức được gian khó nhưng vẫn khao khát vượt qua “đuổi theo”. Do đó làm mất đi đôi chút lớn lao, mạnh mẽ, can trường của nhân vật trữ tình.

Câu 8:

– Nguyên tác: “Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”: ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên.

– Câu thơ dịch là: “Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”.

=> Câu thơ dịch làm mất đi cái kỳ vĩ, hào sảng của hình ảnh “nhất tề phi” – “cùng bay lên” đầy lãng mạn, hùng tráng.

Câu 4. Theo anh (chị), những yếu tố nào đã tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ của bài thơ này?

Trả lời: 

Những yếu tố tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ của bài thơ:

– Khát vọng sống hào hùng, mãnh liệt của nhân vật trữ tình.

– Tư thế con người kỳ vĩ, đầy lãng mạn, sánh ngang tầm cùng vũ trụ.

– Khí phách ngang tàng, dám đương đầu với mọi thử thách.

– Giọng thơ tâm huyết, sâu lắng mà sục sôi, hào hùng.

Nội dung bài viết được đăng tải bởi thầy cô trường thpt Ngô Thì Nhậm (trước đây là trường trung học phổ thông Sóc Trăng). Cấm sao chép dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button